Những tác phẩm điêu khắc ngoài trời trong không gian đô thị


Nếu vào internet, gõ từ khóa trại sáng tác điêu khắc, sẽ có được hàng trăm kết quả khác nhau về trại sáng tác điêu khắc trong nước và điêu khắc quốc tế từng được được tổ chức tại Việt Nam. Nhưng sau các buổi khai mạc, bế mạc với những hứa hẹn đầy triển vọng của nhiều vị lãnh đạo, cùng bao tâm huyết, hăm hở, háo hức sáng tác, bao giọt mồ hôi vất vả của nghệ sĩ và công nhân thi công, không ít nhà điêu khắc đã từng phải ngậm ngùi nỗi buồn khi chứng kiến tác phẩm của mình nằm la liệt ngay nơi chúng được khai sinh, dần hư hỏng vì dãi nắng dầm mưa.

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1997 đến nay, đã có hơn 30 trại điêu khắc mang tính quốc gia và quốc tế. Nếu lược kể, khởi đầu từ Hà Nội (1997), tiếp đến là cố đô Huế (1998, 2002, 2004, 2006, 2008), rồi An Giang (2003, 2005, 2007), tới Nha Trang (2005, 2007), TP. HCM (tháng 4 và 12-2005, 2015), Việt Trì (2005), Vũng Tàu (2006), Đà Nẵng (2006), Hội An (2006), Đà Lạt (2007), Tây Nguyên (2007), Hải Phòng (2007), Cà phê Trung Nguyên (2008), Phú Thọ (2010), Côn Đảo (2010), Ninh Thuận (2011), Đồng Nai (2012), Trấn Biên, Quảng Trị (2016), Bình Dương (2016 – 2017)…

Nếu tính về số lượng trại hàng năm được tổ chức, Việt Nam có lẽ chỉ đứng sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Các tiểu vương quốc Ả Rập. Nếu tính về kinh phí, nhiều tỉ đồng đã được chi. Mặt khác, trong hầu hết các lễ khai mạc, bế mạc trại điêu khắc nói trên, đều có nhiều vị quan chức từ cấp trung ương tới địa phương tới tham dự, mang tới cho các nghệ sĩ sáng tác sự động viên, khích lệ đáng mừng. Riêng ở các trại sáng tác điêu khắc quốc tế, rất nhiều nghệ sĩ nước ngoài, đến từ Nga, Bungary, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Iran, Mỹ, cùng với hàng trăm tác giả trong nước đã tạo được sân chơi nghệ thuật, tạo cơ hội giao lưu, môi trường sáng tạo điêu khắc mang những nét đặc trưng của điêu khắc ngoài trời, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật điêu khắc trong quá trình giao lưu, hội nhập.

Như vậy có thể thấy, nhiều cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền, nhiều ban ngành từ trung ương đến địa phương đã ngày càng quan tâm hơn tới vai trò của nghệ thuật điêu khắc đối với không gian đô thị Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nhìn thẳng vào thực trạng, nhiều địa phương vẫn hầu như không có tượng điêu khắc tại các quảng trường, công viên và những không gian công cộng khác như bến xe, nhà ga, bờ sông, giao lộ lớn, khu công nghiệp, các công trình trọng điểm và khu đô thị mới… Trong khi đó, tại nhiều thành phố lớn, chất lượng nghệ thuật của một số công trình điêu khắc hiện hữu đã không còn phù hợp với tính hiện đại và nhu cầu thời đại.

Theo số liệu nghiên cứu từ đề tài Điêu khắc trong môi trường văn hóa đô thị Nam Bộ (1), trong số 50 công trình tượng đài ở TP.HCM hiện nay, có 10 công trình được xây dựng từ trước năm 1975 và hơn 70% là các công trình điêu khắc về đề tài lịch sử cách mạng. Trong khi đó, các công trình về văn hóa đặc thù của vùng miền thì thiếu rất nhiều. Do nhiều nguyên nhân, hầu hết các công trình điêu khắc của TP.HCM hiện nay đều nằm ở quận, huyện ngoại thành, còn khu vực trung tâm thành phố thì rất ít. Những bất cập, mất cân đối về đề tài, về tỷ lệ và quy mô của hệ thống tượng đài như đã phân tích trên đây, cũng được bàn luận sôi nổi tại cuộc tọa đàm Điêu khắc trong không gian công cộng tại TP.HCM, tháng 9-2015. Tại đây, đã có rất nhiều đại biểu cho rằng, TP.HCM tuy đã có nhiều công trình điêu khắc hoành tráng nhưng vẫn thiếu các công trình xứng tầm, làm điểm nhấn cho không gian văn hóa đô thị của thành phố nói chung, của mỗi trong số 24 quận, huyện nói riêng. Bên cạnh đó, không ít công trình “lại mang nặng tính tuyên truyền và xa cách với sinh hoạt vui chơi, thể thao, giải trí của người dân”(2).

Hiển nhiên là, việc thiếu nhiều không gian công cộng đã làm mất đi giá trị thẩm mỹ quan trọng của các đô thị, thực tế do các tiêu chuẩn đô thị ở Việt Nam chưa được xây dựng một cách đồng bộ, có định chuẩn về không gian công cộng và không gian thẩm mỹ công cộng.

Tại Hội thảo khoa học Trại sáng tác điêu khắc – thực trạng và giải pháp, do Đại học Mỹ thuật TP.HCM tổ chức, trong tháng 4-2017, nhà điêu khắc Trần Thanh Nam nhấn mạnh việc cần thiết triệt để khai thác, đưa vào sử dụng các tác phẩm có giá trị từ trại sáng tác quốc tế. Với chi phí thấp, nguồn tác phẩm này đáp ứng tốt nhu cầu quy hoạch các khoảng không gian cộng đồng, công viên, vườn tượng… tại các đô thị. Nếu như trước đây, khi nói đến điêu khắc,   người ta chỉ nhắc đến tượng đài hoành tráng (monument), tượng triển lãm (salon), thì ngày nay, các thể loại điêu khắc ngày càng trở nên đa dạng, hiện đại và phong phú, được làm từ nhiều loại chất liệu phi truyền thống. Sự hình thành và tồn tại của tác phẩm điêu khắc trong một không gian cụ thể tạo nên một môi trường giáo dục thẩm mỹ hiệu quả đối với công chúng. Theo nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn, đó chính là cách “hòa nhập điêu khắc vào cơ cấu thiết kế đô thị, tạo ra những không gian cộng đồng có đời sống và chất lượng văn hóa cao, thông qua sự phối hợp giữa mỹ thuật, kiến trúc và quy hoạch”(3).

Để những tác phẩm điêu khắc đã hoàn thành tại các trại sáng tác có thể được định cư trong không gian công cộng, mở cơ hội cho công chúng thưởng lãm, nhằm góp phần tạo dấu ấn cho mỹ quan đô thị đương đại, là một việc không hề đơn giản. Sau các buổi khai mạc, bế mạc với những hứa hẹn đầy triển vọng của nhiều vị lãnh đạo, cùng bao tâm huyết, hăm hở, háo hức sáng tác, bao giọt mồ hôi vất vả của nghệ sĩ và công nhân thi công, không ít nhà điêu khắc đã từng phải ngậm ngùi nỗi buồn khi chứng kiến tác phẩm của mình nằm la liệt ngay nơi chúng được khai sinh, dần hư hỏng vì dãi nắng dầm mưa.

Nhiều tác phẩm nghệ thuật của Trại sáng  tác điêu khắc quốc tế Huế, trong khuôn khổ Festival Huế 2008, hay trong khu Vườn tượng quốc tế trên đồi Thiên An (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy) bị xuống cấp, tan nát trong hoang phế, loang lổ vệt rêu, lẩn khuất trong cỏ dại (4). Chẳng khác gì hơn, tỉnh An Giang có hai lần tổ chức trại sáng tác điêu khắc quốc tế, năm 2003 và 2005, thế nhưng đến nay nhiều tác phẩm vẫn như bị tạm giam trong một khu vườn có quây hàng rào bằng lưới B40, không còn mấy ai quan tâm.

Ngay ở một đô thị lớn và hiện đại nhất cả nước như TP.HCM, hiện trạng tồn tại của các sáng tác thuộc trại điêu khắc trong nước và quốc tế cũng không khá hơn là bao so với các địa phương nêu trên. Nhiều pho tượng được thu gom, đặt tạm vào một khoảnh vườn trong công viên Tao Đàn. Từ xa, nhìn tượng ken san sát nhau, giống hệt kho bãi ngoài trời, không có được khoảng cách phù hợp để thưởng lãm như một không gian trưng bày. Sau Trại sáng tác điêu khắc quốc tế 2015, một số tượng được tuyển chọn để trưng bày trong Hội hoa Xuân đón chào năm mới nhưng giờ này, chúng nằm đâu, cũng không còn ai nhớ (!).

Trên thực tế, quyền lực quản lý nhà nước chính là tác nhân đầu tiên và đặc biệt quan trọng đối với việc cho phép đưa tác phẩm điêu khắc vào không gian đô thị. Câu hỏi được đặt ra là vì sao, cho đến nay, rất nhiều tác phẩm điêu khắc đẹp vẫn chưa được vào định cư trong không gian đô thị.

Nguyên nhân đầu tiên là từ rất nhiều những bất cập trong công tác quy hoạch đô thị tại ngay chính các thành phố lớn và các thành phố, thị xã, thị trấn cấp địa phương. Tác giả Trương Phi Đức cho rằng, “…nhiều nơi không thiếu gì những không gian phù hợp để tác phẩm điêu khắc hiện diện như công viên, quảng trường, phố đi bộ, nhà thiếu nhi, hội liên hiệp văn học, nghệ thuật…”, nhưng lại thiếu “ý thức trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước của các cấp, các ngành trong việc xử lý hậu trại sáng tác”. Cùng đồng thuận, nhà báo Quang Thi cho rằng, những người thực hiện không cảm thấy có trách nhiệm liên đới; Ban tổ chức trại thì xong việc trại là xong trách nhiệm, người đáng phải tiếp quản thì thờ ơ, xem đó không phải là chuyện của mình. Thực tế, nhiều lời hứa của một số lãnh đạo địa phương và Ban tổ chức bị lãng quên do lãnh đạo hết nhiệm kỳ hoặc chuyển công tác khác, do chưa thống nhất chủ trương lựa chọn tác phẩm đẹp, phù hợp về nội dung và hình thức để cho phép chính thức đưa vào không gian đô thị hiện đại… dẫn đến sự lãng phí. Họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, đã thẳng thắn cho rằng, cán bộ quản lý thiếu chuyên môn, không quan tâm đến văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là dấu ấn nghệ thuật trong không gian đô thị. Theo ông, lối tư duy nhiệm kỳ dẫn đến tình trạng đánh trống bỏ dùi, thiếu quan tâm, đầu tư xứng đáng, làm nản lòng giới mỹ thuật và bạn bè quốc tế.

Việc chưa có sự phối hợp, cộng hưởng đồng bộ giữa nhà điêu khắc và kiến trúc sư quy hoạch đô thị cũng là tác nhân làm giảm giá trị thẩm mỹ, thiếu tổng thể hài hòa giữa công trình và kiến trúc cảnh quan, do đó khó tạo nên tiếng nói chung trong không gian công cộng. Không chỉ thiếu kết hợp chặt chẽ với kiến trúc, quy hoạch và quản lý cảnh quan, môi trường đô thị, các trại điêu khắc ở Việt Nam “còn mang nặng tính phong trào, chạy theo sự kiện, lễ hội, chưa mang tính chuyên nghiệp”. Nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên phân tích: “Ban tổ chức điều hành một số trại sáng tác cung cấp cho các tác giả vật liệu không đúng kích thước, chất liệu, màu sắc, cộng với lực lượng thợ (nghệ nhân) tham gia hỗ trợ thực hiện cùng tác giả có tay nghề còn non, thiếu kiến thức về tạo hình… Vì thế, độ hoàn thiện chưa cao”. Cùng đánh giá hạn chế này, tác giả Nguyễn Đức Bình đã xác định: “Thực tế ở hầu hết các trại là độ hoàn thiện tác phẩm nói chung của gần như tất cả các nghệ sĩ chỉ đạt 80 – 90%”.

Từ một góc nhìn khác, khi bàn về không gian công cộng, tác giả Phạm Thúy Loan, Phó viện trưởng Viện kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng), cho rằng, chất lượng của các không gian công cộng hiện nay có vai trò ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của mọi người dân đô thị vì những không gian này là một trong các thành phần chức năng thiết yếu, quan trọng để đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn, vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng và tương tác xã hội. Tuy nhiên, so với những thành phần chức năng khác, “trong lĩnh vực quy hoạch, thiết kế và quản lý đô thị, không gian chưa được nghiên cứu, mổ xẻ thấu đáo, cũng chưa có những quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, các hướng dẫn về phương pháp làm cơ sở cho công tác quy hoạch, thiết kế thực tiễn”. Có lẽ (một phần) từ những nguyên nhân trên, mà các không gian công cộng nói chung và không gian vui chơi giải trí trong các khu dân cư nói riêng ở các đô thị nước ta hiện đang thiếu thốn trầm trọng. Nhiều vườn hoa, sân chơi, nếu có, chỉ là những khoảng trống với vài khuôn cỏ trồng cây sơ sài, vài chiếu ghế đã đúc sẵn, nhạt nhẽo, buồn tẻ, thiếu sức sống. “Công tác quản lý những không gian công cộng này cũng còn nhiều khó khăn và tồn tại, rất cần một hành động thiết thực và cụ thể trong công tác quy hoạch và quản lý không gian công cộng từ lý luận đến công tác triển khai thực hiện” (5).

Làm sao để sau mỗi trại sáng tác điêu khắc, những tác phẩm tốt có thể tìm được vị trí trưng bày thích hợp ngoài trời?

Trước tiên, rất cần một chủ trương nhất quán từ các cấp lãnh đạo cao nhất của địa phương tới các nhà quản lý và cư dân đô thị. Không chỉ là những vụ việc được giải quyết theo mỗi nhiệm kỳ mà các thế hệ lãnh đạo tiếp nối cần có trách nhiệm tiếp tục thực hiện những công việc mà người lãnh đạo tiền nhiệm đang làm dở dang. Từ góc độ con người, rất cần sự phối hợp đồng bộ, gồm lãnh đạo có tầm nhìn, có tâm phối kết hợp người thực thi có thực tài, có trình độ thẩm mỹ, sự cập nhật tri thức, kiến thức chuyên ngành, đồng thời trong đó, việc đào tạo nguồn nhân lực cho mỹ thuật đô thị có vai trò quan trọng; xây dựng ý thức tự giác bảo vệ, giữ gìn cảnh quan chung, bảo vệ tác phẩm nghệ thuật trưng bày ngoài trời, nơi không gian công cộng từ du khách và cư dân địa phương…

Thứ hai, đã đến lúc cần quan tâm đặc biệt đến mỹ thuật môi trường hay thiết kế môi trường, thiết kế xanh, coi việc “thẩm mỹ hóa môi trường đô thị, đưa nghệ thuật điêu khắc hòa nhập vào không gian công cộng là việc làm cấp thiết”. Trong quy hoạch đô thị, Nhà nước, ngoài việc tiếp tục dành kinh phí xây dựng công viên, quảng trường, đại lộ… cũng nên đồng thời quan tâm đầu tư cho không gian này đẹp hơn bằng việc thiết kế khoảnh xanh, công viên, các loại tượng trang trí nơi công cộng. Để mỗi trại sáng tác điêu khắc phát huy được hiệu quả, các địa phương tổ chức nên có phương án quy hoạch nơi đặt để tác phẩm trước khi tổ chức trại, như vậy khi kết thúc, tác phẩm đã có chỗ đứng phù hợp với không gian.

Nhờ hệ thống tượng điêu khắc công cộng, các giao lộ và không gian công cộng sẽ không chỉ bớt đơn điệu, mà còn tạo nên điểm nhấn mang đậm dấu ấn văn hóa nghệ thuật. Theo tác giả Nguyễn Văn Minh: “Cần chú trọng sử dụng chất liệu thiên nhiên và nghệ thuật thể hiện, gắn kết tác phẩm với hoạt động du lịch, xây dựng mô hình du lịch không gian điêu khắc nhằm giới thiệu, quảng bá, các hoạt động và tác phẩm”.

Việc thường xuyên duy trì một hội đồng thẩm định với sự cầm cân nảy mực từ những nhà quản lý đô thị am hiểu về kiến trúc cảnh quan, môi trường và mỹ thuật đô thị cũng hết sức quan trọng. Một hội đồng thẩm định uy tín và công tâm sẽ làm đòn bẩy, xúc tác, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tác phẩm điêu khắc đẹp, phù hợp, dễ dàng gia nhập không gian đô thị. Thành viên hội đồng phải bao gồm những nhà chuyên môn như kiến trúc sư, mỹ thuật, điêu khắc… có uy tín, có chức năng tư vấn, phản biện, tham mưu cho các cấp quản lý, nhằm bật đèn xanh nhiều tác phẩm điêu khắc ngoài trời có giá trị vào không gian đô thị. Chính sự coi trọng và ý thức phát triển nghệ thuật làm đẹp môi trường sống, thẩm mỹ hóa đô thị sẽ góp phần tích cực thay đổi diện mạo đô thị mới.

Việc tiếp tục tổ chức nhiều trại sáng tác điêu khắc trong nước và quốc tế, không hạn chế đề tài, vẫn cần thiết. Sau khi bế mạc mỗi trại sáng tác, hội đồng chuyên môn tuyển chọn các tác phẩm tốt của các tác giả, nhanh chóng đưa vào không gian công cộng đô thị sao cho phù hợp. Việc thiết lập các công viên, tượng đài điêu khắc với tư duy mở, thoáng, sẽ kích thích sự tự do sáng tạo nên những tác phẩm mỹ thuật giàu bản sắc, thể hiện cái riêng và hơi thở của thời đại; về lâu dài sẽ góp phần tạo nên nét đặc trưng của không gian đô thị thành phố. Bên cạnh đó, khi mở rộng xây dựng khu đô thị mới, cần đề cao tính thẩm mỹ nghệ thuật, mời gọi doanh nhân quan tâm đến việc phối hợp với tổng thể kiến trúc, quan tâm coi trọng vai trò của điêu khắc. Ngay từ khi thiết kế, trình duyệt, và trước khi khởi công xây các khu đô thị mới, cần đưa điêu khắc nội thất và điêu khắc ngoài trời trở thành tiêu chí thiết yếu góp phần làm đẹp cho môi trường và không gian sống của mỗi cá thể, cộng đồng nói riêng và thẩm mỹ đô thị nói chung.

________________

1. Nguyễn Xuân Tiên (chủ biên), Điêu khắc trong môi trường văn hóa đô thị Nam bộ, Đề tài nghiên cứu cấp bộ, Bộ VHTTDL, 2013-2014.

2. Theo ý kiến của họa sĩ Nguyễn Quân tại tọa đàm Điêu khắc trong không gian công cộng tại TP.HCM, trong khuôn khổ Trại sáng tác điêu khắc quốc tế 2015 do UBND TP.HCM tổ chức, tháng 9-2015.

3. Bùi Hải Sơn, Trại sáng tác điêu khắc và không gian điêu khắc, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Trại sáng tác điêu khắc – thực trạng và giải pháp do Đại học Mỹ thuật TP.HCM tổ chức, tháng 4-2017, tr.26 – 33.

4. Thông tin trên báo Tiền Phong số ra ngày 24-11-2016 và báo Thừa Thiên Huế số ra ngày 03-11-2016.

5. Phạm Thúy Loan, Không gian công cộng trong đô thị – từ lý luận đến thiết kế, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, 2016. Nguồn: kientrucvietnam.org.vn.

 

Tác giả: Đỗ Lệnh Hùng Tú

Nguồn : Tạp chí VHNT số 412, tháng 10 – 2018

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *