Những vấn đề đặt ra trong công tác truyền thông về di sản văn hóa


Ngày 18-11-2019, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật phối hợp với Ban quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, tổ chức Tọa đàm Truyền thông với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc. Sự kiện nằm trong khuôn khổ hoạt động của Tuần Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam năm 2019 (tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Tham gia chủ trì tọa đàm có bà Trương Thị Ngọc Ánh – Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Trịnh Ngọc Chung – Phó Trưởng ban phụ trách Ban quản lý (BQL) Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, ông Hoàng Hà – Quyền Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật.

 

Toàn cảnh tọa đàm – Ảnh: Tuấn Minh

 

Đây là dịp bổ ích để các nhà báo, cơ quan báo chí, cơ quan quản lý di sản văn hóa, đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các vấn đề về vai trò, đóng góp quan trọng của công tác truyền thông trong bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Tọa đàm ghi nhận đóng góp ý kiến của nhiều đại diện đến từ cơ quan quản lý, truyền thông: ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TTTT; ông Phạm Vũ Dũng, Thường trực Hội đồng biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật; Lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL); bà Lê Lệ Huyền, Phụ trách Tạp chí Làng Việt, BQL Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam… (Xem các tham luận được đăng tải trong Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số này, từ trang 9 đến trang 20).

Ý kiến của một số đại biểu tại tọa đàm đã nhấn mạnh: Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc không phải vấn đề mới, nhưng đến nay, người ta vẫn “nhắc đi nhắc lại”, bởi tồn tại những cách hiểu khác nhau xoay quanh khái niệm di sản văn hóa. Vì thế, truyền thông cần phải thể hiện vai trò của mình trong việc làm rõ khái niệm này trên tất cả các diễn đàn. Đặc biệt, cần phải nhận thức rõ, mỗi di sản đều có giá trị tự thân, việc bảo tồn không được cứng nhắc mà phải linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng khác nhau.

Trong thời gian qua, truyền thông đã tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về tầm quan trọng của di sản văn hóa, ý thức, trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn, phát huy di sản một cách bền vững. Truyền thông cũng góp phần phát triển du lịch, qua đó mà các di sản được bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn, văn hóa Việt Nam được phổ biến rộng rãi hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, thông tin trên các phương tiện truyền thông vẫn tồn tại một số hạn chế. Trước tiên là về dung lượng và thời lượng dành cho lĩnh vực di sản văn hóa không nhiều. Chất lượng bài viết, hiệu quả tuyên truyền vẫn chưa thực sự đạt được như mong muốn. Các phóng viên, biên tập viên còn chạy theo sự kiện, đôi khi thiếu kiến thức chuyên ngành di sản, nên có rất ít các bài viết sâu sắc, mang tính định hướng.

Bên cạnh đó, tọa đàm đã tiếp thu nhiều kiến nghị, đề xuất để nâng cao hơn nữa vai trò của truyền thông trong bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc:

Về phía cơ quan báo chí: Cần phản ánh một cách đầy đủ, chính xác về giá trị di sản không chỉ cho chủ sở hữu di sản mà cho cả cộng đồng, từ đó để mọi bên liên quan đều có nhận thức và hành vi đúng đắn, chung tay bảo tồn và phát huy các giá trị di sản. Bên cạnh đó, cần tăng cường dung lượng, thời lượng thỏa đáng cho các chương trình về di sản. Bà Chu Thị Thu Hằng, Tổng Biên tập Báo Văn Hóa cho rằng, với lĩnh vực đặc thù như di sản văn hóa, nên có những lớp tập huấn chuyên sâu, ngắn hạn cho các nhà báo. Từ những am hiểu về giá trị di sản, phóng viên sẽ nâng cao chất lượng bài viết, thể hiện quan điểm cá nhân một cách rõ ràng hơn. Chủ nhiệm Tạp chí điện tử Viettimes, ông Đinh Văn Hải, nhấn mạnh: để truyển tải thông điệp rõ ràng đến công chúng, vẫn cần phải đề cập tới những vấn đề cụ thể, bởi mỗi loại hình di sản đều có đặc thù riêng, có những phương thức bảo tồn không giống nhau.

Trong nhiều kiến nghị tại tọa đàm, lãnh đạo Cục Báo chí đã đề cập tới vai trò của mạng xã hội. Với tốc độ phát triển nhanh chóng của mạng xã hội, cần có chiến dịch truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức, văn hóa của người sử dụng, nhất là giới trẻ. Đồng thời cung cấp thông tin công khai, minh bạch trên các phương tiện truyền thông nhằm hạn chế phát tán những tin xấu trên mạng xã hội.

Các ý kiến tại tọa đàm cũng đã nhấn mạnh:

Về phía các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa: cần cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho báo chí truyền thông; thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với các cơ quan truyền thông về chương trình, mục tiêu, dự án… liên quan tới bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc. Tăng cường tổ chức các hội thảo, tọa đàm về bảo tồn di sản văn hóa.

Về phía địa phương, cơ quan Mặt trận Tổ quốc: Tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông trong công tác tuyên truyền bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, khơi dậy sức sáng tạo của người dân, góp phần nâng cao đời sống, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc vững chắc.

Ông Vũ Dương Châu, Trưởng Ban Dân tộc, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh về việc bảo tồn chữ viết của các dân tộc. Ông cho rằng, trong thời gian tới, cần có thêm những tài liệu song ngữ, tổ chức các hoạt động, cuộc thi liên quan đến chữ viết của các dân tộc. Truyền thông cần chú trọng vào việc biểu dương các nghệ nhân, già làng, người uy tín trong đồng bào các dân tộc để công chúng có cái nhìn tốt đẹp, đa chiều hơn về bản sắc văn hóa Việt Nam, tạo sự đoàn kết, chung tay trong bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Trưởng ban phụ trách BQL Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam Trịnh Ngọc Chung đề cao vai trò của báo chí, truyền thông trong bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa nói chung và hoạt động quảng bá du lịch cho Làng nói riêng. Ông nhấn mạnh, trước tiên, cần phải làm tốt các công việc của Làng, đa dạng hóa các hoạt động: tái hiện các lễ hội, giới thiệu ẩm thực của các địa phương, dịch vụ lưu trú, giải trí… Truyền thông sẽ là cầu nối để quảng bá các hoạt động của Làng tới công chúng, thu hút sự quan tâm của đông đảo khách du lịch đến với Làng.

Có thể nói, những chia sẻ trong Tọa đàm Truyền thông với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc vừa mang tính lý luận, vừa giàu tính thực tiễn, là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc, góp phần phát triển văn hóa nước nhà trong thời gian tới.

Tác giả: Vân Anh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 426, tháng 12- 2019

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *