Niềm tin tôn giáo và triết lý nhân sinh trong truyện cổ andersen


 

Những câu chuyện mà nhà kể chuyện cổ tích thiên tài Andersen mang đến cho chúng ta ngoài việc khơi dậy những giấc mơ cổ tích nguyên ủy trong mỗi người còn là những chiêm nghiệm về cõi nhân sinh và thân phận con người. Tài làm mê đắm độc giả của Andersen nằm ở sự pha trộn màu sắc giữa cái kỳ ảo và hiện thực, cổ tích và hiện đại, u trầm và lạc quan, tình cảm và triết lý. Mỗi nhân vật của Andersen ít nhiều đều đặt trong mối quan hệ kép: người – thượng đế, người – người. Vậy, phải chăng cái ánh sáng huyền diệu làm nên mãnh lực trong truyện cổ Andersen còn nằm ở sự dung hợp giữa đạo và đời – giữa niềm tin tôn giáo và triết lý nhân sinh.

1. Ân điển của thượng đế

Trong nhiều câu chuyện mà Andersen kể cho chúng ta, thượng đế hiện diện trong niềm biết ơn, ngưỡng vọng, tin tưởng vô chừng của những thân phận bé nhỏ, lạc lõng giữa cuộc đời.

Truyện Năm hạt đậu phảng phất truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của nhà văn Mỹ TK XIX O.Henry. Đây là tác phẩm mang sắc thái lạc quan tươi sáng nhất trong những truyện kể của Anđecxen. Niềm tin thượng đế nhân từ hiện diện khắp nơi là chủ âm xuyên suốt câu chuyện nhỏ giản dị, tươi mát, mang đến cho người đọc cảm giác như được đi dưới một làn mưa ban mai. Có năm hạt đậu khao khát thoát khỏi không gian chật hẹp của cái vỏ đậu màu vàng để nhập vào thế giới bao la. Tình cờ, mỗi hạt đậu được đưa đến một nơi khác nhau. Trong khi những hạt đậu khác hãnh diện vì được đi xa hơn bạn mình thì hạt đậu thứ năm luôn tâm niệm: “Được đến đâu hay đến đấy”. Nó “bị bắn xuống một cái sàn gỗ dưới cửa sổ một cái lều tồi tàn, lăn đúng ngay vào một cái khe có rêu và bụi đất”. Tưởng rằng số phận hạt đậu sẽ hẩm hiu trong xó xỉnh tối tăm ấy, nhưng, nó đã nảy mầm rồi đơm hoa rực rỡ. Điều kỳ diệu đã xảy ra, bởi hạt đậu không bị thượng đế bỏ quên. Song song số phận hạt đậu là số phận một cô bé. Trong túp lều đó, một cô con gái mảnh mai gầy guộc đã bị ốm liệt một năm nay sống cùng bà mẹ nghèo. Bà mẹ đau khổ tin rằng rồi cô bé sẽ chết theo em gái cô. Cô bé vẫn bền bỉ bám trụ và khi nhìn mầm đậu bật lên đầy sức sống, cô tin rằng mình sẽ khỏi bệnh. Niềm tin trong cô bé dần tăng lên khi cây đậu lớn dần. Người mẹ không tưởng tượng được điều có thể trở thành hiện thực: cô bé dần hồi phục. Bà mẹ sung sướng cảm ơn thượng đế: “Chính thượng đế nhân từ đã trồng hạt đậu này, đã làm cho nó nảy mầm và mọc lên để cho con niềm hy vọng và niềm vui sướng”. Nếu như với hạt đậu, thượng đế đã cộng tác với cuộc đời ban cho nó sự sống, thì với cô bé, thượng đế đã ban phép màu cho em qua một sứ giả: hạt đậu. Sức sống của hạt đậu đã hồi sinh cô bé. Phép lạ sinh ra phép lạ. Câu chuyện như minh chứng cho điều kỳ diệu của niềm tin trong cuộc sống. Chỉ cần không chịu gục ngã, chỉ cần có niềm tin vào những điều tốt đẹp, cánh cửa cuộc đời không khép lại trước ai.

Cùng sắc thái lạc quan như truyện Năm hạt đậu là truyện Bầy chim thiên nga. Công chúa Lidơ như một biểu tượng cho đức tin và phước hạnh của những con chiên ngoan đạo. Nàng thánh thiện đến mức tất cả các phép ma thuật mụ phù thủy làm hại nàng trở nên vô hiệu. Trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn, tuyệt vọng nào, nàng đều một mực tin tưởng vào lòng nhân từ của thượng đế. Thương bảy người anh bị mụ dì ghẻ biến thành thiên nga, Lidơ không lúc nào rời bỏ ý nghĩ tìm cách giải thoát cho các anh. Hẳn thượng đế thấu hiểu tấm lòng nàng và sắp đặt nên trong giấc mơ, nàng đã được một bà tiên bày cách dệt những chiếc áo sợi tầm gai trong câm lặng để cứu các anh. Dệt áo tầm gai, bàn tay nàng công chúa trầy xước, phồng rộp. Ra nghĩa địa tước sợi tầm gai, nàng bị cho là phù thủy và bị kết tội phải chết thiêu. Đau đớn về thể xác, oan ức về tinh thần, nhưng nàng vẫn âm thầm làm việc. Nàng tin tưởng thượng đế sẽ phù hộ nàng. Chấp nhận hy sinh hết thảy để cứu những hoàng tử thoát khỏi nỗi đau không được làm người chính là nỗ lực tinh thần thiêng liêng của Lidơ trong cuộc đấu tranh với bóng ác cuộc đời, giúp những con người bất hạnh được cởi thoát khỏi cái lốt nghịch dị để được trở về bản chất khởi nguyên – cũng chính là biểu lộ thuyết phục nhất tình yêu thiên chúa (Bởi yêu tha nhân cũng chính là yêu chúa). Trở thành hoàng hậu – nữ thánh trong lòng tôn kính ngưỡng mộ của thần dân là nguồn ân phúc lớn lao mà thượng đế ban cho nàng. Tin tưởng vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống, nỗ lực hết mình mà không sở cầu bất cứ điều gì riêng tư, thậm chí chấp nhận cả những oan khổ để theo đuổi mục đích cao cả, đó là lẽ sống của Lidơ. Và kết thúc mang sắc màu cổ tích cho nàng hẳn chẳng phải là phần thưởng nàng xứng đáng được cuộc đời ban tặng đó sao.

Còn câu chuyện Bên gốc liễu xoay quanh mối tình của chàng trai trẻ Knut và cô ca sĩ xinh đẹp Gian là một trong những câu chuyện buồn nhất mà Andersen mang lại cho chúng ta. Sau những thất vọng, trốn chạy và tuyệt vọng về một tình yêu bất thành với Gian, Knut quyết định trở về quê hương trước khi cảm thấy quá muộn cho một cuộc gặp gỡ sau cùng với những điều thân thuộc. Thiếp đi bên gốc liễu, chàng mơ một giấc mơ hạnh phúc: chàng gặp lại những người bạn cũ, và ngây ngất khi được cùng Gian sánh bước trong giáo đường. Chàng tỉnh giấc, nhận thấy giờ phút đẹp nhất cuộc đời mình ấy chỉ là một giấc mơ và cầu xin thượng đế được mơ tiếp… Trong khi Knut tuyệt vọng, chỉ có thượng đế hiện hữu trong tâm trí như một điểm tựa giúp anh giải thoát mọi khổ đau. Và cũng giống như cô bé bán diêm, sáng hôm sau, người ta nhìn thấy Knut chết lạnh bên đường. Nhưng nào ai biết được cảm giác hạnh phúc mà anh đã trải qua. Chắp dài giấc mơ về một hạnh phúc không thể hoài thai giữa cuộc đời trần thế, đó là điều mà thượng đế chí tôn đã ban cho chàng trai si tình bất hạnh. Khát khao hạnh phúc là thuộc tính của mỗi chúng ta, nhưng song hành với đó là nỗi đau. Có những nỗi đau được đền đáp giữa cuộc đời này, có nỗi đau chỉ được hóa giải khi giã từ chốn trần ai. Nhưng dù thế, có ai ngừng khao khát?

2. Thiên đường

Cùng với thượng đế, thiên đường có lẽ là một trong những ý niệm ám ảnh con người lớn nhất. Nó chiếm vị trí triêng liêng trong tâm trí loài người từ thuở sơ khai và luôn là cái đích để họ hướng tới chừng nào con người còn sống với niềm tin tôn giáo.

Hãy đến với Giấc mơ cuối cùng của cây sồi. Cây sồi sống đã 365 tuổi, trong nhiều năm, nó đã từng là cột mốc cho những người thủy thủ. Nó coi thường và thương hại những con vờ có cuộc sống chỉ tính bằng ngày. Nhưng rồi, trong giấc mơ vào lúc hấp hối về sự thăng thiên vào cõi thiên đường hạnh phúc, nó chợt hiểu: “Chẳng thứ gì bị quên lãng, ngay cả những bông hoa hay những chú chim bé nhỏ nhất”. Đó là sự khải ngộ, bởi thiên đường là nơi tất cả sinh linh bình đẳng, hòa hợp bên nhau trong tình yêu thiên chúa. Tất cả đều vĩnh cửu, dù dưới hạ giới, kiếp sống của nó là một ngày ngắn ngủi như kiếp vờ hay dài lâu như sồi cổ thụ. Và đó cũng là hạnh phúc đích thực khi mỗi bản thể được gắn bó với tha nhân, gắn bó với thượng đế trong tình yêu thương vô lượng. Cũng trong giấc mơ kỳ diệu ấy, sồi “cảm thấy một luồng sống mới đang chạy từ rễ lên ngọn, lần lượt xuyên qua khắp cơ thể và lên tới tận những cành cao nhất, cảm thấy khắp thân thể được hút lên bởi nguồn sinh lực mới. Càng vươn cao, sồi càng cảm thấy hạnh phúc”… Về với thiên đường là hành trình kiếm tìm và vươn tới hạnh phúc vĩnh cửu trong cảm nhận thiêng liêng về sự sống diệu huyền.

Với nàng tiên cá (truyện Nàng tiên cá), thiên đường là khát vọng mãnh liệt, nàng “sẵn sàng hiến ba trăm năm của mình để được thành người, dù chỉ sống một ngày để linh hồn được lên thiên đàng”. Để được sống gần con người, nàng sẵn sàng lìa bỏ cha mẹ, gia đình, quê hương; để có được có được dung mạo con người, khi mà cái đuôi cá được thay bằng cặp chân dài mà “dáng đi sẽ nhẹ nhàng uyển chuyển như một vũ nữ, nhưng mỗi bước đi sẽ đau như kim châm và ứa máu chân ra”, nàng sẵn sàng dâng tiếng nói và giọng hát du dương (tài sản quý giá nhất của nàng) cho mụ phù thủy. Nàng đã làm một cuộc đánh đổi quá nhiều mất mát nhưng khả thi bởi nàng hoàn toàn chủ động. Nhưng để có một linh hồn bất diệt như con người, nàng phải chiếm được tình yêu của hoàng tử, nếu không nàng sẽ tan thành bọt biển vào đúng hôm hoàng tử thành hôn với người con gái khác. Cuộc dấn thân này thật quá phiêu lưu và mạo hiểm bởi nàng đã tự nhận về mình thế thụ động khi trao quyền quyết định đời mình cho người khác. Có được tình yêu của một con người trần thế cũng chính là điều kiện để nàng thoát đổi kiếp phù vân (bọt sóng) lấy cái vĩnh cửu (linh hồn). Nàng tiên cá đã không có được tình yêu ấy. Nàng chấp nhận hy sinh sự sống của mình để người nàng yêu được sống. Tuy không bị tan thành bọt biển (vì nàng đã làm nhiều việc nhân đức) nhưng để có được linh hồn bất diệt, được lên thiên đàng, nàng còn phải trải qua một hành trình dằng dặc bằng đúng kiếp sống thủy nữ (300 năm) với điều kiện nàng phải làm được nhiều việc thiện. Dù tình yêu với hoàng tử không toại nguyện, nàng cũng đã được an ủi bởi nàng sẽ có được chung cuộc như một con người. Nàng “dang đôi tay trong vắt lên trời” như tạ ơn Thượng đế và lần đầu tiên nàng khóc như một con người, “đôi mắt nàng đẫm lệ” (các nàng tiên cá vốn không có nước mắt). Hành trang cùng ta đến thiên đường không chỉ có riêng niềm khao khát. Đó là một hành trình dài đầy thử thách khi mà ta phải đứng trước những lựa chọn, đánh đổi, khổ đau, mất mát, hy sinh… Và cho dù phần thưởng hay sự đền đáp hiếm khi được trọn vẹn, chúng ta hãy kiên trì theo đuổi lý tưởng của mình.

Nếu như ước mơ được lên thiên đường của nàng tiên cá gắn liền với khát vọng được làm người thì với cô bé bán diêm (trong truyện cùng tên) đầu trần, chân đất, một mình dò dẫm trong đêm giao thừa chỉ mong bán được một vài bao diêm, thì được bay lên thiên đường là điều em khẩn thiết thỉnh cầu để được rời xa thế giới loài người. Em không phải đứng trước sự chọn lựa, đánh đổi nào, vì cuộc sống hiện tại của em là căn nhà áp mái gió lùa rét buốt, là ông bố khắc nghiệt, là không được một ai đoái hoài; em cũng quá nhỏ để suy tư về kiếp người. Thiên đường xuất hiện trong khao khát của em qua ánh lửa diêm chập chờn, hư ảo gắn với sự hiện diện của người bà nhân hậu- niềm hạnh phúc duy nhất của em. Đó là thế giới huy hoàng, là nơi những đói, rét, khổ đau không còn đe dọa em được nữa. Từ giã cõi đời, chạm đến giấc mơ, em bé viên mãn trong bóng dáng của một thiên thần “với nụ cười và đôi má hồng”. Mừng cho em bé, nhưng lòng chúng ta day dứt nhiều hơn vì thương xót những mảnh đời thua thiệt, vì uất đau trước lạnh lùng, băng giá của lòng người, và vì phải đứng trước một câu hỏi: Chúng ta có lỗi gì không khi em chối bỏ cuộc đời.

Dù mỗi người mỗi số phận, mỗi ước mơ một màu sắc nhưng thiên đường luôn là cõi cao khiết, nơi an lạc vĩnh cửu mà con người hướng đến.

3. Thượng đế an bài

Nhiều tác phẩm của Andersen bàn về chung cuộc, định mệnh và gieo những thông điệp về thái độ của chúng ta về những điều dường như đã được đấng tối cao sắp đặt.

Đó là truyện Một mẹ – thiên đoản ca cảm động về tình mẫu tử. Bà mẹ bị thần chết cướp đi đứa con duy nhất. Bà quyết chạy đua với thần chết để đòi lại con. Để biết được nơi ở thần chết, mẹ đã dằn lòng hát cho thần đêm tối nghe trong khi trái tim đang tan nát, đã nhỏ máu vì phải ôm bụi cây gai vào lòng, phải trao cho hồ nước đôi mắt, trao mớ tóc đen đổi lấy mớ tóc bạc… Hy sinh, đánh đổi hết thảy để mong tìm được con. Nhưng khi đến khu vườn của thần chết, nơi có trồng những cây hoa tượng trưng cho kiếp người, người mẹ đứng trước sự lựa chọn: Nếu con bà không chết thì sẽ có một người mẹ khác phải mất con; và nếu con bà sống, chưa biết cuộc đời nó sẽ khổ đau hay diễm phúc. Sự lựa chọn nào cũng mất mát và đau đớn. Cuộc giành giật đứa con của bà mẹ với thần chết dừng lại. Bà quyết định không cưỡng lại sự sắp đặt của thượng đế mà để cho thần chết mang con của bà đi. Nỗ lực biến cải số phận đứa con của người mẹ thay đổi ở phút cuối cùng bởi bà nhận ra, hành động của bà sẽ mang đến bất hạnh cho tha nhân nếu bà cố tình cưỡng lại ý đấng tối cao. Chấp nhận định mệnh, cho dù khổ đau hay mất mát, bởi nếu không, chính ta lại có thể là tội nhân gieo rắc những hệ lụy cuộc đời.

Đồng chủ đề về tình mẫu tử, tác phẩm Đứa trẻ trong mồ có tính chất của một truyện ngắn luận đề khẳng định những ý niệm tôn giáo: linh hồn, số phận- bổn phận. Bà mẹ mất đi đứa con trai út bé bỏng mà bà yêu thương nhất. Quá đau khổ, bà oán trách, không tin tưởng vào thượng đế và nghĩ: “Cái chết là vĩnh cửu, một khi đã nằm dưới đất, con người sẽ biến thành đất và hết”. “Tâm trí bà hoàn toàn bị thu hút bởi đứa con nhỏ”. Bà không nhìn thấy, không để ý gì đến hai đứa con gái và người chồng đang ở bên. Tưởng rằng người mẹ ấy sẽ chìm trong tuyệt vọng mà sống tiếp những tháng ngày trên trần thế, nhưng trong giấc mộng, bà vui mừng được thần chết dẫn xuống mồ gặp lại đứa con yêu quý. Một không gian lộng lẫy tràn ngập ánh sáng êm dịu mở ra. Bà được ôm con trong niềm vui sướng vô tận. Cậu bé khẩn nài mẹ cho cậu bay cùng các bạn đến thiên đàng, nơi ấy, sẽ có ngày hai mẹ con được gặp nhau mãi mãi. Và cậu bé nhắc nhở bà về những tiếng gọi của người chồng, của hai cô con gái đang tha thiết gọi bà từ phía ngoài vòm nhà vọng tới… Bà tỉnh giấc, cảm thấy “thượng đế vừa soi sáng tâm trí cho bà, tiếp thêm sức sống cho bà”. Giấc mơ gặp con ấy có ý nghĩa như một khải thị giúp người mẹ thoát khỏi những u mê, lầm lạc. Bà hiểu rằng cố tình giữ lại một linh hồn của thượng đế mà quên mất nhiệm vụ với những người thân yêu đang sống bên mình là tội lỗi. Lòng người mẹ trở nên nhẹ nhàng thanh thản. Sự bừng ngộ của người mẹ từ chỗ tuyệt vọng, không tin tưởng đến chỗ cảm thấy được thượng đế tiếp thêm sức mạnh song hành với quá trình chìm đắm trong nỗi đau mất mát đến cảm thấy sự bằng an trong nghịch cảnh.

Phải chăng, phàm là người, ai cũng phải đón nhận những đớn đau. Nhưng trong mất mát hãy tìm an ủi trong những gì còn lại, để thấy đời không cạn niềm vui. Cả hai bà mẹ mất con đã thấu nhận được lời mặc khải của thượng đế, cũng là nhận ra những lý lẽ giản dị của cuộc đời.

Trong những câu chuyện mang màu sắc tôn giáo của Andersen, niềm tin vào những điều thiêng liêng thần thánh có ý nghĩa như điểm tựa tinh thần giúp cho những nhân vật của ông vượt lên những nỗi đau cuộc đời. Nhưng niềm tin ấy, sự an ủi ấy đồng thời là quá trình tự tỉnh thức của nhân vật khi họ phải nếm trải, phải mất mát, phải đứng dậy (hay gục ngã) bởi sự ràng rịt với chính cuộc đời này. Và, khi người ta đánh giá Andersen như một sứ giả kết nối các nền văn hóa, thì hẳn là vì ánh sáng Thiên chúa giáo trong các tác phẩm của ông hòa hợp với ánh sáng cuộc đời để chiếu rọi và nâng đỡ những trái tim đau, dù có thể họ không cùng tôn giáo.

_______________

1. Các đoạn trích trong bài đều dẫn từ Hans Christian Andersen, Truyện cổ Andersen, Nxb Văn học, 2008.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 359, tháng 5-2014

Tác giả : Hoàng Thị Hạnh

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *