Đám cưới là ngày trọng đại, hạnh phúc nhất trong cuộc đời của mỗi người. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, sau khi kết thúc đám cưới, chú rể có thể vui vẻ về nhà nhưng ở Hàn Quốc, chú rể phải vượt qua một thử thách, đó là một trận đòn trước khi trở về tổ ấm mới cùng cô dâu.
Lễ cưới truyền thống của Hàn Quốc (hap geun rye) thường được tổ chức ở nhà gái. Theo phong tục của Hàn Quốc, sau khi buổi lễ kết thúc, anh trai, bạn bè của cô dâu sẽ bất ngờ nhấc bổng chú rể lên, rồi nhanh tay tháo giầy, tất. Họ buộc một sợi dây (có thể là cà vạt) xung quanh mắt cá chân của chú rể. Lần lượt bố mẹ, anh chị và họ hàng của cô dâu cùng xúm lại, đổ tội chú rể đã làm điều gì đó không đúng với gia đình cô dâu. Họ quát lớn: “Chúng tôi đã nuôi dạy con gái lớn khôn đến bây giờ, sao anh lại cướp đi”. Chú rể không được phép thách đấu hay cãi lại. Họ sẽ cởi tất của chú rể, kéo chân lên cao, nắm chặt chân và đánh nhiều lần vào lòng bàn chân bằng một con cá khô hoặc một cây gậy. Gia đình cô dâu vừa đánh vừa hét to: “Con gái chúng tôi rất xinh đẹp, sao anh lại mang nó đi; hai người lần đầu tiên gặp nhau ở đâu; anh có đủ khỏe mạnh không; anh có mang lại cuộc sống hạnh phúc cho con gái chúng tôi không?…”
Mục đích của phong tục này là kiểm tra sức khỏe, sức chịu đựng, cũng như sự hiểu biết, cách ứng xử của chú rể. Vì trong suốt thời gian bị đánh, chú rể không được kêu đau và phải trả lời liên tiếp các câu hỏi của gia đình nhà gái. Chú rể chỉ có thể cầu cứu sự trợ giúp của mẹ vợ. Mẹ vợ sẽ chạy ra và đưa một chai rượu rồi nói: “Con rể, uống đi và hãy cho họ một trận”. Sau đó, mọi người cùng nhau ra bàn và uống rượu.
Phong tục hài hước này nhằm tạo điều kiện cho chú rể có cơ hội chào hỏi, làm quen thân tình hơn với mọi người trong gia đình cô dâu. Trong suốt thời gian bị đánh vào chân, cả gia đình chú rể và gia đình cô dâu đều đứng xung quanh cười đùa, vỗ tay, tạo ra không khí vui nhộn trong đám cưới. Tất cả chỉ là một trò đùa, mặc dù chú rể có thể sẽ bị đau.
Từ góc độ y học, người ta cho rằng, đánh vào lòng bàn chân của một người sẽ mang lại năng lượng, giúp máu chảy đều trong cơ thể. Điều này rất tốt cho chú rể, người đàn ông trụ cột trong gia đình mới. Một số người khác thì cho rằng, đây cũng là một lời nhắc nhở chú rể phải có trách nhiệm trong cuộc hôn nhân, bảo vệ, chăm sóc cô dâu cho đến hết cuộc đời,
Đánh vào lòng bàn chân của chú rể trong ngày cưới thể hiện sự hài hước sâu sắc của người Hàn Quốc. Ngày nay, phong tục này vẫn được một số người Hàn Quốc duy trì nhằm tăng thêm tiếng cười, sự vui nhộn trong ngày cưới.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 345, tháng 3-2013
Tác giả : Kim Hong Bi
Bài viết cùng chủ đề:
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng
Vai trò của thư viện trong các cơ quan quản lý nhà nước
Nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở nước ta hiện nay