NSND Nguyễn Quang Vinh: “Tôi sẽ luôn đồng hành cùng Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam”


Ra đời và trưởng thành trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, sau 70 năm đồng hành cùng đất nước, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam đã có những cống hiến to lớn vào sự nghiệp bảo tồn, phát huy nghệ thuật cách mạng, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Uy tín, thương hiệu của Nhà hát được khẳng định qua nhiều thế hệ nghệ sĩ, nhiều chương trình, tiết mục mang đậm bản sắc dân tộc tại các sự kiện trọng đại trong và ngoài nước, góp phần quảng bá vị thế của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.

70 năm là quãng đường dài đối với một đời người, cũng như một đơn vị nghệ thuật, con số ấy lại càng có ý nghĩa khi nó gói gọn trong đó biết bao dấu ấn, ký ức, kỷ niệm. 70 năm ấy nuôi dưỡng đam mê của lớp lớp thế hệ nghệ sĩ tài năng, hun đúc tình yêu nghệ thuật và truyền cảm hứng cho đông đảo công chúng, đồng thời chứa đựng vô vàn những nỗ lực không biết mỏi mệt của các thế hệ lãnh đạo mẫn cán, tâm huyết với sự tồn tại của Nhà hát. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, phóng viên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã có cuộc trao đổi với NSND Quang Vinh – nguyên Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, nguyên Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn và hiện là Cố vấn nghệ thuật cho Nhà hát về sự kiện trọng đại này.

NSND Quang Vinh

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống của Nhà hát, ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình?

– 70 năm là một chặng đường khá dài với bất cứ một đơn vị hoạt động nghệ thuật nào, đặc biệt là với Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam – “cánh chim” đầu đàn về nghệ thuật cách mạng. Tôi vinh dự được gắn bó với Nhà hát hơn 10 năm trên cương vị Giám đốc Nhà hát nên không khỏi bồi hồi, xúc động khi ngôi nhà chung tròn 70 tuổi – độ tuổi của sự chín muồi và đầy bản lĩnh với nhiều kinh nghiệm quý báu. Dịp này nếu theo thông lệ sẽ có lễ kỷ niệm tưng bừng và những phần thưởng, những ghi nhận xứng đáng của Đảng và Nhà nước dành cho Nhà hát. Tuy nhiên, bây giờ vấn đề “sống còn” có ý nghĩa quyết định với đất nước là làm sao nhanh chóng khống chế và dập tắt dịch bệnh, với tư cách là cố vấn, tôi đã cùng bàn bạc thống nhất với Ban Giám đốc Nhà hát xác định lễ kỷ niệm sẽ không đặt việc thành tích khen thưởng lên hàng đầu.

Chia sẻ với khó khăn chung, việc tự chủ và không phụ thuộc vào Nhà nước hẳn sẽ là tư duy và chiến lược lâu dài của Nhà hát?

– Việc tự chủ có lẽ chỉ là sớm hay muộn. Khi còn làm Giám đốc Nhà hát, tôi cũng đã cùng tập thể Lãnh đạo dành nhiều thời gian trao đổi, tìm hiểu những mặt được và chưa được khi thực hiện tự chủ và cuối cùng chúng tôi đã chọn tự chủ. Tuy nhiên, việc thực hiện tự chủ cần một quá trình chuyển đổi khoa học bởi hầu hết các thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát đã và đang hoạt động nhiều năm với mô hình bao cấp, thực hiện xây dựng các chương trình nghệ thuật cách mạng, nghệ thuật dân tộc và phục vụ nhân dân, chiến sĩ, các lực lượng vũ trang từ biên giới, hải đảo đến tất cả các địa phương trên cả nước. Đặc biệt các chương trình phục vụ các sự kiện chính trị, các hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước tại Việt Nam và quốc tế. Và chắc chắn việc gìn giữ bản sắc văn hóa Việt Nam, đồng thời khai thác nâng cao chất lượng nghệ thuật là một trong những nội dung quan trọng Nhà hát thường xuyên trăn trở bởi được cái này sẽ không có cái kia.

Chương trình Khát vọng và tỏa sáng chào mừng thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tối 2/2/2021 tại Sân vận động QG Mỹ Đình do NSND Quang Vinh làm Tổng đạo diễn

Đã qua nhiều năm thực hiện tự chủ 100%, phải thừa nhận có những mặt lợi, nhưng cũng có vô vàn khó khăn. Thực tế nghệ thuật dân tộc chưa thật sự được công chúng quan tâm, nhất là thời cơ chế thị trường như hiện nay.

Tuy nhiên, mỗi chúng ta không thể chỉ ngồi đếm khó khăn mà cần xác định và tìm cách vượt qua nó, đó là phải đổi mới. Điều quan trọng là chúng ta có những sản phẩm gì và đâu là cái để lại cho mai sau. Tuy nhiên để làm được điều đó thì các nghệ sĩ phải đủ sống đã. Ước gì nghệ sĩ được toàn tâm tập trung cho sự nghiệp mà không phải bươn trải kiếm sống hàng ngày.

Ông có chia sẻ gì với những khó khăn của Nhà hát hiện nay?

– Mỗi giai đoạn có những khó khăn riêng, tuy nhiên hiện nay khó khăn ấy còn lớn hơn gấp bội khi xã hội biến động từng ngày. Giai đoạn trước, các hoạt động về nghệ thuật diễn ra với tần suất nhiều hơn, còn bây giờ xã hội có xu hướng giảm bớt các hoạt động nghệ thuật… Hơn nữa, cung cách thưởng thức nghệ thuật của khán giả cũng thay đổi khi công nghệ hiện đại bùng nổ, khiến các hoạt động nghệ thuật giảm đi nhiều, cùng với những khó khăn về kinh tế khi Nhà hát đang thực hiện tự chủ 100%. Hiện Nhà hát có hàng trăm nhân lực cần được trả lương xứng đáng với những đóng góp của họ, bởi vậy áp lực của Ban Giám đốc cũng rất lớn khi phải tính toán sao cho mọi thứ luôn trong quỹ đạo ổn định, phải có chế độ để giữ chân những nghệ sĩ tài năng bởi xã hội đang mở ra nhiều cơ hội và những cám dỗ đầy hấp dẫn với số nghệ sĩ có tài năng này. Rồi những cơ chế cho hoạt động nghệ thuật còn nhiều bất cập, đặc biệt là các quy định về con người, cho nguồn nhân lực không còn phù hợp,… gây ra những khó khăn không dễ khắc phục cho các đơn vị nghệ thuật. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều công ty tổ chức sự kiện nghệ thuật tư nhân ra đời, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh khốc liệt. Tiêu cực xã hội dẫn đến nhiều hình thức cạnh tranh khác nhau, mà không phải lúc nào cũng cạnh tranh sòng phẳng, nếu mình không đủ lực, không đủ sức “đề kháng” có thể bị đánh bật khỏi cuộc chơi bất cứ lúc nào trong khi không có “quan toà” nào xử lý cả. Những tiêu cực này là mặt trái của cơ chế thị trường mà chúng ta buộc phải chấp nhận và nó thực sự là cản trở lớn với nghệ thuật cách mạng, nghệ thuật dân tộc.

Ngoài ra, 2 năm trở lại đây, đại dịch COVID-19 bao trùm làm trì trệ nhiều mặt của đời sống xã hội, đặc biệt các hoạt động Văn hóa nghệ thuật bị “đóng băng” trong thời gian dài. Các Nhà hát thiếu vắng ánh đèn, các nghệ sĩ thấp thỏm lo âu, trăn trở trước “kỳ nghỉ” bất đắc dĩ không ai mong muốn. Tôi chia sẻ với những vất vả của Ban Giám đốc trong việc cố gắng duy trì và khắc phục “hậu quả” của “trận cuồng phong” này. Thật sự, nếu không có bản lĩnh vững vàng và linh hoạt trong điều hành thì chúng ta rất dễ rơi vào stress nặng nề. 

Vậy, ông đã có những ý tưởng gì và tư vấn ra sao cho Nhà hát khắc phục những khó khăn đó?

– Thực tế Ban Giám đốc hiện nay cũng đưa ra những nhận định và có những quyết sách kịp thời. Họ thường xuyên bám sát thực tế, tiến hành phân tích tình hình để có những bước đi phù hợp. Thế mạnh của Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam là thực hiện các chương trình lớn về nghệ thuật cách mạng, phục vụ các sự kiện chính trị xã hội của đất nước, điều này các đơn vị tư nhân khó có thể làm được. 

Bên cạnh đó, Nhà hát phải tiếp cận với xã hội theo xu hướng sản xuất những sản phẩm mà xã hội có nhu cầu, cần tận dụng thế mạnh của công nghệ để áp dụng vào phương thức hoạt động nhằm bắt kịp với xu hướng của thế giới. Đại dịch này vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội, bước đệm để lãnh đạo Nhà hát buộc phải có những bước đi mới, phù hợp với tình hình hiện nay. Người dân là đối tượng của nghệ thuật và cũng là chủ thể thưởng thức nghệ thuật, thực tế thì họ cũng đã bắt đầu mệt mỏi khi chạy theo những thứ không có thật và cần những thứ gắn liền với cuộc sống của họ. Nghệ thuật sinh ra từ đời sống xã hội, phải là sản phẩm phản ánh cuộc sống. Khi xã hội đã thay đổi thì nghệ thuật cũng phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả. Như vậy, nghệ thuật không còn là sản phẩm ý chí của một thế hệ lãnh đạo nào nữa, Nhà hát cũng không phải của riêng ai mà tất cả phải cùng hoạt động vì một mục tiêu chung là làm sao để nghệ thuật có chỗ đứng trong lòng công chúng.

NSND Quang Vinh biểu diễn cùng các nghệ sĩ Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam nhân dịp 60 năm thành lập Nhà hát

Chủ trương của Ban Giám đốc Nhà hát là làm sao để khẳng định hơn nữa vị trí và trách nhiệm của một “cánh chim đầu đàn” trong làng ca múa nhạc chuyên nghiệp. Bên cạnh việc tiếp tục nhiệm vụ bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống, Nhà hát sẽ phải nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo cái mới để thay đổi chính mình bằng những chương trình nghệ thuật vừa mang đậm giá trị truyền thống, vừa tiếp cận được các giá trị của nghệ thuật đương đại. Đồng thời duy trì Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ thành một điểm đến văn hóa nghệ thuật hấp dẫn với khán giả Thủ đô. Tôi sẽ luôn đồng hành cùng Ban Giám đốc và các nghệ sĩ của Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam.   

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện! 

PHƯƠNG LAN (Thực hiện)

Ảnh: LÊ GIÁP

Nguồn: Tạp chí VHNT số 484, tháng 12-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *