Ông vua “lấy lòng nhân chế ngự kẻ dưới”…


Lê Hiến Tông (1461-1504) là vị vua thứ sáu của nhà Hậu Lê, người kế nghiệp Lê Thánh Tông. Ông lên ngôi khi đã gần 40 tuổi (1497), thời gian trị vì chỉ 7 năm (1497-1504), lại đứng dưới một cái bóng rất lớn là công nghiệp lớn lao của vua cha… nhưng được đánh giá là sự tiếp nối xứng đáng khi duy trì được sự thái bình thịnh trị của quốc gia Đại Việt. Lê Hiến Tông nổi tiếng là ông vua nhân từ, ôn hòa trong lịch sử nước nhà.

Bia lăng vua Lê Hiến Tông 

Sử thần Vũ Quỳnh (1452-1516) từng có lời bàn về Lê Hiến Tông: “Vua tư thái đế vương, mũi cao mặt rồng, vẻ người khác thường, Thánh Tông rất yêu quý, lại thông minh trí tuệ hơn người, mà nhân từ ôn hòa, không làm nghiêm nghị. Thường khi tan chầu lui vào, lại đem các đại sĩ phu hỏi về chính sự hay dở, lấy lời nói dịu dàng, nét mặt vui tươi, dỗ cho nói ra, cho nên biết hết tính người dưới, phá hết sự che lấp. Kẻ thần hạ có lỗi lầm gì, chỉ răn quở qua loa, không nỡ đánh roi làm nhục. Có chỗ thi thố, nhàn hạ ung dung; chưa từng lộ ra lời nói, sắc mặt tức giận mà thiên hạ răm rắp theo lệnh. (Vua) thường nói: Thánh tổ ta gây dựng trung châu, hoàng phụ ta trong trị ngoài dẹp, quy mô đã định, ta không có việc gì phải thay đổi, chỉ tuân giữ phép cũ, làm rộng thêm cho sáng tỏ ra, để tỏ rõ đức của tổ khảo ta mà thôi” (Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Văn học, Hà Nội, 2009, tr. 757).

Lên ngôi chưa được bao lâu, vua đã “sai sứ đi bốn phương khám xem những người nghèo túng già yếu còn ở quân ngũ thì tha thải về; những người phú dịch công trình nặng quá thì giảm nhẹ cho; tha những kẻ lầm lỡ, xét rõ kẻ oan khuất, bổ dùng người mất chức, khen thưởng người có công, tha thiếu thuế, nới hình phạt, nêu khen người tiết nghĩa, giúp đỡ người côi nghèo, cất nhắc người liêm khiết, tiến dung người hiền tài. Trong ngoài ai cũng thỏa lòng…” (Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr.733).

Lúc bấy giờ, ở Nghệ An và Thuận Hóa, có bọn trộm cướp nổi lên, quận bên cạnh đánh dẹp không yên được. Nếu là vị vua khác sẽ đem quân đi trấn áp, còn Hiến Tông sắc cho quan có trách nhiệm đặt quân đi bắt tại các nơi và phủ dụ cho ra thú tội làm ăn.

Nhà vua còn đích thân “xem sổ tiền thóc của tào Hộ dâng lên và hỏi các quan tả hữu, biết được tình trạng tích trữ công tư, bấy giờ mới thêm để ý đến việc nông, tay viết sắc chỉ khiến các quan thừa hiến phủ huyện phải đi tuần hành khuyên bảo, đắp đê điều, đào ngòi lạch, lập bờ ruộng để phòng hạn, lụt. Lại sai triều thần đi kiểm xét. Mỗi xã đặt một người xã trưởng, chuyên trông nom việc nông tang và đem xã quân, nông trưởng xem xét đốc thúc. Quan bên ngoài, ai có việc đến Kinh và sứ của triều đình tự ngoài về, tất cho gọi vào hỏi về mùa màng được mất, nhân dân vui khổ thế nào. Còn quân và thợ lên phiên thì cứ theo lệ trước, tháng 6, tháng 10 chia một nửa về làm ruộng” (Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr. 734).

Ngày 22 tháng 8 (âm lịch) năm 1498, vua “có sắc dụ cho bộ Hình, ty Đình úy và các quan xét kiện trong ngoài rằng: Việc dung hình ngục, tính mệnh của dân quan hệ ở đó, phải đạo thì dân thỏa lòng, không phải đạo thì dân chịu hại (…) Từ nay về sau, bộ Hình, ty Đình úy và các quan xét kiện trong ngoài, phàm những việc kiện mà tình tuy đáng ngờ khó xét, đều phải theo đúng kỳ hạn mà xét xử cho xong, ai dám chậm quá kỳ hạn, mỗi năm đến tháng cuối năm, quan phụ trách cùng bộ Hình, đề hình giám sát ngự sử, thanh hình hiến sát sứ ty phải kiểm xét tâu hặc lên, như luật trị tội. Nếu lấy tình riêng dung túng, không biết kiểm xét tâu lên thì cho người có việc kêu lên, đường quan Ngự sử đài và thể sát xá nhân xét thực làm bản tâu lên để trị tội. Các quan kể trên không chịu làm thế thì cho người bị hại đem sự thực tâu lên, sẽ trị tội như luật” (Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr. 735).

Trước đó, Lê Hiến Tông từng có có chiếu về sự công bằng giữa con nuôi và con đẻ trong trường hợp đặc biệt: “Các quan trong ngoài, người nào không có con mà nuôi con nuôi, đều chiếu theo chức phẩm, cho được tập ấm bổ quan như con đẻ”; chiếu về chức quan tổng binh: “Chức quan tổng binh là trọng trách ở một địa phương, không nên ủy nhiệm người không xứng đáng. Từ nay về sau, có khuyết chức tổng binh, cho các quan khoa đài chọn cử quan ở các nha môn người có đảm lược, học thức, tư cách, đức vọng, tài cán, thanh liêm siêng năng mà bổ. Ai dám thiên tư tiến cử bậy kẻ ngu tối bỉ ổi, nhút nhát hèn kém trì trị tội nặng hơn luật thường” (Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr. 734).

Nhà vua còn quan tâm đến cả công việc của người nhà bếp ở Thự thái quan (nơi phụ trách việc ăn uống của vua), công việc của người chăn voi ở bộ Công…; yêu cầu “trưởng quan các nha môn trong ngoài khảo xét các chức vệ sở phủ huyện trong thuộc hạt, phải xét ró sự thực về công việc ở nơi nhậm chức. Người nào hết lòng vỗ nuôi, quân dân ái mộ, nộp thuế không thiếu hụt thì mới xét là xứng chức, như lệ thăng thưởng. Nếu quấy nhiễu hạch sách nhân dân, tình riêng sinh tệ, tuy việc bị cáo giác không có chứng thực mà là người gian  tham ai cũng biết cả, cùng là trong hạt nhiều kẻ trốn đi thì đều xét là không xứng chức” (Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr 736).

Còn có thể nhắc đến sự kiện tháng 5 (âm lịch) năm 1501, vua xuống chiếu: “Từ nay trở đi, hàng năm đến kỳ tuyển đinh tráng, xã nào có người nghèo túng, không kể là có ruộng công, ruộng tư hay không, xã trưởng phải làm giấy bảo kết cam đoan trước, quan phủ, huyện khám xét lại, rồi khai vào hạng nghèo túng, cho được miễn tuyển”… hay sắc chỉ 2 năm trước đó (mùa xuân năm 1499) của Lê Hiến Tông với các quan viên và các quân sắc rằng: “Nước nhà ta dùng sức của dân, định phép của nước, binh của phủ vệ trong ngoài cần phải dựng quy chế rộng rãi, các thợ thuyền lớn nhỏ nên trọng việc xét công lao. Trừng trị kẻ tham ô, lời dạy rõ ràng; khen thưởng người liêm cần, điển chương có đủ. Chăm chắm việc roi vọt trừng trị; ngăn ngừa việc đút lót tư thông. Sao mà những kẻ tại chức đều bị vị, không nghĩ đến phép tắc của triều đình. Người vì nước quên nhà thì ít, người bỏ phận thiếu chức thì nhiều. Tha giàu bắt nghèo, không chừa ác cũ; tham tiền khoét của, vẫn theo lối xưa (…) Ta mới lên ngôi, nghĩ trừ thói tệ, muốn lấy hình nặng mà xử, để cho chính sự buổi đầu được trong. Nhưng lại nghĩ: lấy hình phạt trừng trị kẻ gian ác là công cụ để giúp trị bình; lấy lời nói thay cho búa rìu là lòng nhân chế ngự kẻ dưới. Vậy ban ra điều mới, cầu bỏ thói xưa. Người nào biết thể ý trẫm không theo bất lương thì thưởng hậu để nêu khen; kẻ nào quen giữ thói cũ, không nghe dạy răn thì phạt nặng để trừng trị…” (Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr. 737).

Tác giả: Thanh Hà

Nguồn: Tạp chí VHNT số 471, tháng 8-2021

 

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *