Trong lịch sử nghệ thuật hàn lâm, Opera được biết đến như một thành tựu văn hóa kinh điển của thế giới. Nhưng để thẩm thấu được loại hình này không phải là điều dễ dàng với công chúng. Vì vậy, chỉ một thời gian sau, nhạc kịch (Musical) ra đời và từng bước chiếm lĩnh sân khấu hàn lâm. Cho đến nay, nhiều khán giả đến với The Phantom of the Opera, Thằng gù nhà thờ Đức Bà (Notre-Dame de Paris), Câu chuyện miền Tây, Maria de Buenos Aires, Ruồi Trâu… mà vẫn không phân biệt được đâu là Musical, đâu là Opera…
Opera và Musical: Anh em cùng cha khác mẹ
Dù đều là những bộ môn nghệ thuật sinh ra từ rất sớm, nhưng Opera và Musical được ví như anh em cùng cha khác mẹ.
Sinh ra từ TK XVI tại châu Âu, Opera được biết đến là một loại hình nghệ thuật biểu diễn, cũng là một dạng của kịch mà những hành động diễn xuất của nhân vật hầu hết được truyền đạt toàn bộ qua âm nhạc và giọng hát. Opera đồng thời cũng sử dụng các yếu tố của ngôn ngữ nhà hát như: cảnh nền trang trí, y phục, và nghệ thuật biểu diễn trên sân khấu. Mặc dù vậy, vẫn có thể nhận thấy Opera có điểm phân biệt với các thể loại nhạc kịch khác, đó chính là việc sử dụng sức mạnh của nhạc điệu và sự hòa nhịp của kỹ thuật âm thanh điêu luyện. Ca sĩ trình bày tác phẩm cùng với sự đệm nhạc của một dãy dàn nhạc được sắp xếp từ một nhóm các công cụ nhỏ cho đến cả một ban nhạc giao hưởng đầy đủ. Thêm vào đó, Opera cũng có thể được kết hợp với khiêu vũ và nhảy múa (đây là một loại hình nghệ thuật tiêu biểu của nước Pháp). Opera được biểu diễn trong một nhà hát riêng biệt cùng với những trang bị thiết yếu cho việc biểu diễn, mà ta được biết đến dưới tên gọi là Opera House (Nhà hát Opera). Theo các nhà nghiên cứu nghệ thuật, Opera hiện nay còn có nhiều phong cách khác nhau, như Opera dân gian, Opera nhạc jazz và Opera nhạc rock. Bono, người đã hợp tác với Edge về soạn nhạc và lời của Spider-Man: Turn off the Dark, đã gọi chương trình là: “Pop-Art opera”.
Xã hội ngày một phát triển, Opera cũng có những thay đổi cần thiết để phù hợp với xu thế của thời đại. Theo thời gian, một phần của Opera chuyển hóa sang Operetta, sau đó dần biến đổi về phần âm nhạc theo xu hướng thời đại, dẫn tới sự ra đời của Musical.
Musical cũng bắt nguồn từ người cha châu Âu, với tên gọi thủa sơ sinh là Opera Buffa. Đầu TK XVII, Musical ra đời ở Italia. Các trí thức phục hưng Italia thời bấy giờ chính là những người đã sáng tạo ra Musical.
Mặc dù cùng sinh ra ở châu Âu và giống nhau ở chỗ cả hai đều là những câu chuyện được kể, được diễn bằng cách sử dụng các bài hát (Aria), nhưng Opera có nhiều điểm khác với Musical. Điểm khác biệt đầu tiên là âm nhạc. Trong khi Opera sử dụng âm nhạc hàn lâm với các bài hát dưới dạng aria, duet, cabaletta, chorus… thì với Musical, thể loại âm nhạc đại chúng hơn, pop hoặc kiểu semi classic. Chính vì mang nhiều yếu tố đại chúng và tính giải trí cao hơn Opera, nên Musical đòi hỏi ca sĩ khả năng diễn xuất và nhảy múa bên cạnh chuyên môn thanh nhạc. Bên cạnh đó, kỹ thuật thanh nhạc cũng có những thay đổi so với Opera truyền thống. Nó là tổng thể các loại hình nghệ thuật như thanh nhạc, nhảy múa, diễn xuất kịch.
Nội dung tác phẩm Opera và Musical cũng có những nét khác biệt. Có thể nói nội dung ở Musical rộng hơn Opera. Hầu như mọi nội dung, khía cạnh của cuộc sống đều có thể viết thành Musical. Opera tuân thủ cách hát cổ điển, với những kỹ thuật chuẩn mực, trong khi đó, Musical có thể hát pop, jazz, rock… kể cả Opera, miễn là phù hợp nội dung muốn truyền tải. Vì vậy, Musical phổ biến và dễ tiếp cận người nghe hơn.
Ở Musical, diễn viên dùng microphone để hát, còn ca sĩ Opera phải hát không có microphone, nhưng vẫn bảo đảm cả khán phòng đều nghe. Nếu bạn thấy một ca sĩ Opera dùng mic để hát, chắc chắn ca sĩ đó đang hát ở một buổi hòa nhạc, hay chỉ trình diễn một vài bài trong một show nào đó, còn khi diễn cả một vở ở nhà hát, không bao giờ có chuyện ca sĩ Opera dùng mic.
Để bước lên sân khấu Musical, trước tiên người nghệ sĩ cần là một diễn viên, còn trong Opera thì cần một ca sĩ có kỹ thuật tốt. Những thứ còn lại là thứ yếu. Như vậy, nhạc kịch chú trọng vào diễn xuất, Opera chú trọng vào giọng hát. Có thể nói, nghệ sĩ nhạc kịch là những diễn viên biết hát, Opera là những ca sĩ có thể diễn.
Phát triển Opera và Musical tại Việt Nam
Trong khi trên thế giới, hàng trăm vở Opera nổi tiếng được công chúng biết đến, có doanh thu khủng hơn mọi bộ phim bom tấn, thậm chí có những tác phẩm đã trở thành thương hiệu quốc gia như: Les Mis, Westside story, Cosi Fan Tutte… Nhiều vở khiến hàng triệu người rơi nước mắt khi âm nhạc chỉ mới cất lên. Nhưng tại Việt Nam, khái niệm Opera cho tới giờ vẫn mới chỉ đơn giản và rất mơ hồ. Thời kỳ đỉnh cao với sự giúp sức gần như tối đa từ tài chính đến nhân lực của Nhà nước cũng như các nước như Nga, Đức, Pháp… Việt Nam có: Cô Sao, Người tạc tượng và Nguyễn Trãi ở Đông Quan của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận; Bên bờ K’rông Pa của nhạc sĩ Nhật Lai; Bông sen của Hoàng Việt…; một số vở diễn nước ngoài như: Phu nhân hồ điệp (Giacomo Puccini), Cây sáo thần, Trường học tình yêu (Wolfgang Amadeus Mozart)… Gần đây nhất, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) dựng lại: Lá đỏ, Người tạc tượng,… Song, con đường đến với công chúng Việt không trải hoa hồng. Đa phần khán giả Việt còn chưa hề xem bất cứ vở Opera nào. Đặc biệt đối với lớp trẻ, có quá nhiều thứ cám dỗ, lôi cuốn hơn hẳn; trong khi khán giả Việt rất sợ thưởng thức những thứ họ không hiểu.
Maria de Buenos Aires – tác phẩm Musical tiêu biểu
do VNOB biểu diễn rất thành công năm 2018
Ảnh: Tuyết Hoa
Những nghệ sĩ có tâm huyết với loại hình này cực kỳ nỗ lực tìm kiếm đầu tư, xây dựng kịch bản, tập hợp nghệ sĩ để đem đến cho công chúng một số vở diễn thuộc loại hình kén người thưởng thức này. Dù thi thoảng Opera được trình diễn trên sân khấu ở Hà Nội và TP.HCM, nhưng theo nhìn nhận của người trong nghề, Việt Nam vẫn chưa thực sự có một nền nghệ thuật Opera chuyên nghiệp, ổn định. Quá ít ca sĩ hát Opera có trình độ cao, tạo được sức hút; số người viết Opera không nhiều nên chủ yếu dàn dựng tác phẩm kinh điển của nước ngoài; bên cạnh đó, Opera là loại hình kén khán giả hơn là âm nhạc đại chúng, trong khi để dàn dựng và một biểu diễn Opera rất công phu và tốn kém… Do đó, việc sáng tác và biểu diễn Opera trở nên xa xỉ tại Việt Nam, khiến loại hình này gần như vắng bóng.
Ngay cả sân khấu biểu diễn Opera chuyên nghiệp ở nước ta cũng chưa có. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết: “Với Opera, diễn viên không thể cầm hoặc gắn micro trên người khi biểu diễn, do gây khó khăn trong truyền tải âm thanh. Dựng vở Người tạc tượng với VNOB, chúng tôi buộc lòng phải phóng thanh bằng sử dụng micro chuyên dụng treo ở trên và đặt dưới mặt đất, để hệ thống âm thanh rõ nét hơn. Nếu có nhà hát Opera, các nghệ sĩ có thể hát một cách tự nhiên, các giọng ca có thể xuyên qua dàn nhạc đến cuối rạp”.
Bên cạnh đó, nhiều nhà chuyên môn cho rằng, để Opera phát triển cần đồng thời có ba yếu tố: đội ngũ sáng tác, khán giả và nghệ sĩ được đào tạo, nguồn kinh phí để dàn dựng tác phẩm. Trong lúc ba yếu tố này đều yếu, Opera loay hoay tìm đường phát triển, việc các nhà hát dàn dựng vở diễn là nỗ lực duy trì, từng bước vực dậy loại hình nghệ thuật này, thu hút hơn nữa sự quan tâm của công chúng và giới nghệ sĩ sáng tạo, biểu diễn.
Với thế mạnh mang tính giải trí cao hơn Opera và dễ dàng tiếp cận công chúng, Musical đang từng bước xâm nhập vào trái tim khán giả Việt. Tuy nhiên, Musical của Việt Nam hiện nay đang được chia làm hai xu thế. Một là dựng những tác phẩm đơn giản, mang tính bản năng, hay nói cách khác là tập hợp các bài hát thành một vở kịch có câu chuyện. Xu thế này đang được các đạo diễn, nghệ sĩ trẻ thực hiện. Có thể kể đến như High School Musical & Chicago của đạo diễn trẻ Khắc Duy, Chuyện tình nàng Giáng Hương của Trần Nguyễn Thiên Hương, Chuyện chàng dũng sĩ, Mộng ước của Nguyễn Phi Phi Anh… Sự ra đời của xu thế Musical mới này đang dần khẳng định được vị trí của mình trong đời sống văn hóa cộng động.
Và xu thế còn lại là đưa những tác phẩm kinh điển theo trường phái Musical đỉnh cao như: VNOB, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch TP.HCM (HSBO) đã và đang thực hiện: Carmen, Cây sáo thần, Cuộc sống Paris, Maria de Buenos Aires, Phantom Of The Opera và gần đây nhất là Những người khốn khổ của VNOB sẽ ra mắt công chúng vào cuối tháng 11 tới.
Hai xu thế Musical trên hiện đang phát triển song song và hỗ trợ nhau, mở ra một cơ hội mới cho những người được thụ hưởng, đó là công chúng. Tuy nhiên, để làm được một vở Musical đúng nghĩa luôn có sự đòi hỏi rất cao tay nghề của đạo diễn, diễn viên – ca sĩ, nhạc sĩ… đặc biệt là tác giả, người sáng tác thể loại nhạc kịch giỏi vô cùng hiếm.
Đạo diễn phải dàn dựng sao cho thật khéo để nhạc và kịch hòa hợp trong một không gian chung, thể hiện tốt thông điệp mà câu chuyện muốn gửi đến khán giả. Diễn viên bên cạnh việc diễn giỏi còn phải hát hay, nhảy đẹp, năng động, nhanh nhạy, thể hiện được sức truyền cảm, lôi cuốn với người xem. Bên cạnh đó, âm thanh, ánh sáng cũng là điều kiện tiên quyết góp phần tạo nên sự thành công của các vở nhạc kịch. Nói về điều này, đạo diễn Nguyễn Triều Dương, người đang dàn dựng vở Những người khốn khổ của VNOB cho biết: “Cái khó nhất khi dàn dựng một vở Musical tại Việt Nam là ca sĩ – diễn viên. Trên thế giới, diễn viên diễn Musical là những siêu sao thế giới với khả năng diễn xuất không có gì để bàn và giọng hát quá tuyệt. Khán giả của họ hào hứng thưởng thức tác phẩm. Còn ở Việt Nam, VNOB có thể có những ca sĩ Opera đỉnh cao của Việt Nam. Nhưng họ đơn thuần là ca sĩ, không phải diễn viên. Vì vậy, luyện cho các ca sĩ vừa có thể hát tốt, vừa thể hiện cảm xúc nhân vật như các diễn viên là không dễ dàng”.
Có lẽ chính vì vậy, mà hầu hết các tác phẩm Musical đã công diễn trong thời gian qua vẫn chưa thể tạo được một xu hướng, mang đậm dấu ấn phong cách Việt. Về chuyên môn, ở một số vở, vẫn còn hiện diện những thiếu sót về phần hát, nhạc, hoặc về phần kịch, lời thoại, có vở chất nhạc và kịch chưa được dung hòa, sáng tạo các tuyến nhân vật chưa hợp lý…
NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc VNOB chia sẻ: “Chúng tôi đều biết rằng làm được một tác phẩm Musical thu hút được công chúng Việt không hề đơn giản. Có thể tác phẩm văn học như Những người khốn khổ là quen thuộc với độc giả. Nhưng để tìm kiếm một phong cách riêng về trình diễn trên sân khấu, đáp ứng nhu cầu của khán giả là một thử thách cần phải vượt qua. Ai cũng biết con đường đến thành công không trải hoa hồng. VNOB sẽ nỗ lực để mang đến những sản phẩm Musical hấp dẫn, dễ hiểu nhất, như Những người khốn khổ sắp tới, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng tăng của khán giả”.
Nhìn lại những gì đã và đang có với Opera và Musical của Việt Nam hiện nay, có thể thấy con đường đến với công chúng còn vô vàn khó khăn, thách thức. Mặc dù những năm gần đây các đạo diễn, nghệ sĩ yêu thích loại hình nghệ thuật này đã có nhiều thay đổi, tìm tòi để xây dựng hoặc Việt hóa một số vở phục vụ công chúng, xong, để Opera và Musical nhanh chóng tiếp cận, trở thành món ăn tinh thần của công chúng Việt có lẽ phải cần thêm thời gian. Một tác phẩm Opera hay Musical tiêu tốn công sức, tiền của và thời gian gấp nhiều lần so với một vở kịch bình thường, đòi hỏi kỹ năng diễn viên, biên kịch, nhạc sĩ, biên đạo, đạo diễn, ánh sáng, âm thanh đều phức tạp mà kỹ thuật ở Việt Nam vẫn còn rất hạn chế. Cho đến nay, vẫn chưa có một khoa hay trường nào đào tạo về nhạc kịch, vì thế làm nhạc kịch ở Việt Nam là một thách thức không nhỏ. Mặc dù vậy, với tâm huyết của nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ, đạo diễn và các nhà văn hóa, chúng ta vẫn có thể tin rằng Opera và Musical sẽ sớm phát triển và trở nên phổ biến tại Việt Nam.
Tác giả: Nguyễn Tuyết Hoa
Nguồn: Tạp chí VHNT số 440, tháng 10-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn