Pháp luật Việt Nam thời trung đại từ điểm nhìn quan hệ giới


Gốc rễ đạo đức trong văn hóa Việt Nam là coi trọng tính nữ, coi trọng người phụ nữ, coi trọng người mẹ, điều này xuất phát từ nền văn hóa nông nghiệp tiểu nông cần đến bàn tay khéo léo và đức tính cần cù, chịu khó của người phụ nữ. Ngoài ra, lịch sử Việt Nam cũng ghi nhận công lao to lớn của phụ nữ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giá trị văn hóa ấy kết tinh thành các chuẩn mực đạo đức; được các văn bản pháp luật Việt Nam thời Trung đại thẩm thấu cụ thể trong từng điều khoản, hình thành nên chế tài quản lý Nhà nước và xã hội trong nhiều thế kỉ. Dù chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi quy định của Nho giáo, nhưng các giá trị nhân văn, nhân ái, coi trọng phụ nữ vẫn là dòng chảy xuyên suốt, chưa bao giờ đứt mạch trong văn hóa Việt Nam, và thể hiện khá rõ nét trong một số điều khoản của các bộ luật Việt Nam thời Trung đại.

1. Truyền thống coi trọng tính nữ và coi trọng người phụ nữ trong văn hóa Việt Nam

Phụ nữ Việt Nam có vai trò quan trọng trong gia đình và ngoài xã hội. Trong phạm vi gia đình, phụ nữ được coi là nội tướng lo toan, quán xuyến mọi việc. Bên cạnh đó, lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử dựng nước và giữ nước với rất nhiều cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Trong suốt quá trình đó, người phụ nữ Việt Nam không những tiếp tục là người giữ lửa, sắp xếp chu toàn công việc gia đình, là nhân lực quan trọng trong sản xuất mà còn đóng góp một phần to lớn vào những chiến thắng lẫy lừng của dân tộc.

Ngoài ra, còn phải kể đến sự tồn tại dài lâu của chế độ mẫu hệ trong lịch sử Việt Nam. Cho đến hiện nay, chế độ mẫu hệ vẫn tồn tại trong đời sống của một số cộng đồng dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ. Thực tế đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức và tâm lý tình cảm của người dân Việt Nam. Qua hàng nghìn năm lịch sử, truyền thống coi trọng tính nữ, coi trọng người phụ nữ thậm chí đã được truyền tải vào đời sống tâm linh, được thể hiện phong phú qua hệ thống tín ngưỡng nguyên thủy là tín ngưỡng thờ nữ thần/mẫu thần của người Việt, tiêu biểu nhất là tín ngưỡng thờ Tứ pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) và tín ngưỡng thờ Mẫu (Tam phủ, Tứ phủ). Thánh Mẫu Liễu Hạnh (Đệ nhất thượng thiên) trong Tín ngưỡng thờ Mẫu được tôn vinh là một trong tứ bất tử tại Việt Nam (cùng với Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử).

Điều này vừa khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của người phụ nữ trong lịch sử, đồng thời cũng tạo thêm áp lực cho người phụ nữ khi phải chu toàn công việc gia đình, đối nội đối ngoại. Đặc biệt sau này, ở xã hội hiện đại, khi phụ nữ được học hành, có cơ hội tiếp cận với thị trường lao động, đóng góp ngày càng quan trọng vào tích lũy kinh tế gia đình, thì vai trò ấy nếu không được chia sẻ đúng mức của các thành viên trong gia đình, sẽ càng tạo thêm áp lực và những rào cản cho sự tiến bộ của phụ nữ.

Tuy nhiên, trong thời Bắc thuộc và hàng ngàn năm xã hội phong kiến Việt Nam, suốt 2 thiên niên kỷ, Nho giáo từng bước được du nhập vào Việt Nam (có cả cưỡng bức và tự nguyện), trở thành hệ tư tưởng chính thống quản lý, điều hành xã hội; các chuẩn mực đạo đức theo hệ tư tưởng Nho giáo tác động, làm thay đổi các giá trị, chuẩn mực đạo đức trong xã hội Việt Nam theo chiều hướng đề cao nam giới, coi thường phụ nữ, định hướng mối quan hệ nam nữ trong xã hội và quan hệ vợ chồng trong gia đình. Với các quy chuẩn về “công, dung, ngôn, hạnh”, về “tam tòng, tứ đức”, về mối quan hệ “chồng chúa, vợ tôi”…, người phụ nữ dần bị mất đi vai trò, vị thế của mình trong gia đình và ngoài xã hội, trở nên phụ thuộc vào người đàn ông, vào chồng, vào con trai trong gia đình, không được bảo đảm một số quyền cơ bản như quyền tự quyết, quyền được tôn trọng, quyền bình đẳng…, không có cơ hội và điều kiện để phát triển bản thân. Nếu vi phạm các chuẩn mực đạo đức ấy, người phụ nữ sẽ phải gánh chịu những hình phạt nghiêm khắc từ các chế tài nặng nề của pháp luật, các lệ làng (hương ước) và từ chính dư luận trong gia đình, ngoài xã hội.

Tuy nhiên, trong quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa ấy, truyền thống nhân văn, nhân ái, tôn trọng người phụ nữ chưa bao giờ đứt mạch, dù có lúc vơi, lúc đầy; lúc đậm, lúc nhạt; dù có lúc bị áp đặt bởi các giá trị văn hóa ngoại lai.

2. Tính nhân văn và coi trọng người già, phụ nữ, trẻ em trong một số Bộ luật thời Trung đại

Pháp luật Việt Nam – một công cụ của nhà nước được hình thành từ thời Hùng Vương nhưng còn ít nhiều mang tính chất luật tục; tuy nhiên, theo tác giả Trần Ngọc Thêm (1) “đã khá nền nếp và quy củ”, thể hiện trong lời tâu của Mã Viện gửi vua Hán Quang Vũ sau khi đàn áp cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng còn ghi rõ: “Luật của dân Việt khác với luật của người Hán đến hơn mười điều”. Sau khi dẹp yên loạn 12 sứ quân, để củng cố chính quyền, năm 968 Đinh Tiên Hoàng đã nâng cao hiệu lực của pháp luật lên một bước bằng cách định ra những hình phạt hà khắc như nấu trong vạc lớn đặt ở sân triều, cho hổ dữ nuôi trong cũi ăn thịt…

Thời Lý có Bộ luật Hình thư gồm 3 quyển do Lý Thái Tông ban hành năm 1042, thời Trần có bộ Quốc triều hình luật gồm 1 quyển ban hành năm 1244. Đời Lê có bộ Quốc triều hình luật (còn gọi là Lê triều hình luật) do Lê Thánh Tông niên hiệu Hồng Đức ban hành năm 1489, gồm 6 quyển với 722 điều (thường gọi là Luật Hồng Đức). Đời Nguyễn có bộ Luật Gia Long ban hành năm 1815, sau trở thành Hoàng triều luật lệ. Trải qua các cơn binh lửa, hiện nay chỉ còn Luật Hồng Đức và Luật Gia Long còn giữ được.

Sự ra đời của bộ Hoàng triều luật lệ dưới thời vua Gia Long là một minh chứng cho phương pháp cai trị mới của nhà Nguyễn, có sự kết hợp giữa pháp trị với đức trị, nhân trị của Nho học. Theo tác giả Đỗ Bang, “Bộ Hoàng triều luật lệ là một cống hiến quan trọng của Gia Long đối với pháp luật triều Nguyễn” (2), vì đây là cơ sở để các vị vua sau này của nhà Nguyễn sử dụng để thực hiện quyền cai trị tuyệt đối của mình. So với Luật Hồng Đức thì Luật Gia Long của triều Nguyễn hà khắc hơn, nhưng nội dung và cách áp dụng rõ ràng hơn. Điều này thể hiện qua việc ban hành các nguyên tắc: nguyên tắc luật định; nguyên tắc so sánh luật; nguyên tắc xét xử theo luật mới; nguyên tắc chiếu cố; nguyên tắc người thân thuộc được che giấu tội cho nhau; nguyên tắc truy cứu trách nhiệm hình sự; nguyên tắc luận tội theo tang vật; nguyên tắc chuộc tội bằng tiền. Luật còn nghiêm cấm sử dụng các bản án chưa được biên soạn vào Bộ luật để làm chuẩn cho việc xét xử. Trong luật cũng quy định, nếu quan lại cố tình bao che hoặc bẻ cong sự thật, thì bị ghép vào tội vô ý hay cố ý thêm bớt tội cho người và phải thẩm xét cho rõ ràng và cải chính ngay. Hai bộ luật này đều ra đời vào thời kỳ Nho giáo hưng thịnh nên chúng chịu ảnh hưởng khá nhiều của luật Trung Hoa (Minh, Thanh).

Luật pháp của quốc gia, ngoài luật của nhà nước còn có thêm hương ước/lệ làng (luật vua, lệ làng – không mâu thuẫn với nhau). Luật Việt Nam có khuynh hướng giảm tội vì tình, ưu tiên phụ nữ. Bên cạnh việc áp dụng điều luật Trung Quốc, nếu phụ nữ phạm một trong bảy điều “thất xuất” sẽ bị đuổi: phụ nữ không con, dâm dật, cãi cha mẹ chồng, trộm cắp, lắm điều, ghen tuông, có ác tật ; pháp luật Việt Nam thêm các điều luật “tam bất khả xuất” gồm: đã để tang cha/mẹ chồng, làm giàu cho nhà chồng và không còn nơi nương tựa. Việt Nam ra thêm “luật bỏ chồng”: người vợ được phép bỏ chồng khi người chồng phá sản, có ác tật, bỏ rơi vợ 5 tháng. Luật còn cấm người chồng không được bán vợ, bắt vợ đi làm thuê, hạ vợ chính thành vợ nhỏ (Luật Hồng Đức).

Luật Gia Long thì có quy định bát nghị, đó là những quy định đối với việc xét xử tám loại người trong xã hội, sẽ được quan xử án ưu tiên, giảm nhẹ hình phạt, dựa trên cống hiến, địa vị, tài năng của họ trong xã hội. Ngoài ra bộ luật có ý nghĩa quan trọng, tích cực trong việc bảo vệ quyền lợi của người già, phụ nữ, trẻ em và người cô quả, tàn tật, dân thường có hoàn cảnh đặc biệt, người tự thú và cả những người phạm tội (đang chịu hình phạt). Trong Hoàng Việt luật lệ (3), quyển 1, phần Biểu đồ các lệ chuộc tội có quy định: Riêng các loại tội nhân già cả, trẻ thơ, tàn tật, nhân viên thiên văn, đàn bà…, thì đã có chiếu cố để tỏ ý thương già yêu trẻ, thương hại người tàn tật, khoan dung nghệ nhân và thương xót đàn bà. Với đối tượng này, luật có quy định là không được dùng hình để khảo vấn. Nếu người già, trẻ em phạm tội thì được xem xét nộp tiền chuộc. Luật cũng có những điều quy định nghiêm ngặt để bảo vệ thân thể người phụ nữ và người dân thường có hoàn cảnh đặc biệt, ngay cả với những đối tượng đã là phạm nhân thì luật cũng xem xét để giảm án, hưởng ân xá. Điều này chứng tỏ rằng, trong Luật Gia Long đã có yếu tố xét đến yếu nhóm đối tượng cần được ưu tiên và có xét đến yếu tố thân nhân trong quá trình thẩm án. Kế thừa tư tưởng pháp luật này của nhà Nguyễn. Pháp luật đương đại của chúng ta hiện nay, vẫn áp dụng và thực thi triệt để nội dung tư tưởng trên, khi xếp người già, trẻ nhỏ vào nhóm cần có sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng xã hội và trong xử án các cơ quan chức năng luôn xét đến yếu tố thân nhân của bị cáo.

3. Vấn đề giới trong Luật Hồng Đức TK XV dưới ảnh hưởng của Nho giáo

Quốc Triều hình luật (hay còn gọi là Luật Hồng Đức) (4) gồm 722 điều, chia làm 6 quyển, 15 chương, được coi là luật pháp có hệ thống đầu tiên của Việt Nam thời phong kiến. Luật được soạn thảo dưới thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497). Đây cũng là cơ sở để vua Gia Long (Nguyễn Ánh) cho soạn Luật Gia Long vào TK XVIII. Trong đó, Luật có 53/722 điều bàn về hôn nhân gia đình, 30/722 điều bàn về việc hương hỏa, tế lễ, thừa kế và sở hữu tài sản.

Luật Hồng Đức ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo, “trọng nam, khinh nữ”

Về các khía cạnh giới, Luật Hồng Đức đã đề cập đến các nội dung liên quan tới vấn đề gia đình, phụ nữ. Ở phương diện này, Luật không thể tránh khỏi sự ảnh hưởng sâu sắc bởi quan niệm “trọng nam, khinh nữ” của chế độ phụ quyền trong các bộ luật Trung hoa. Bảo vệ chế độ đa thê, chế độ “chồng chúa, vợ tôi”, coi gia đình là một triều đình nhỏ, chồng là vua, còn vợ là người phụ thuộc tuyệt đối cả về tính mạng, nhân phẩm và tài sản. Phụ nữ, vợ bé trong gia đình bị xếp ở hàng thứ yếu, hạn chế tiếng nói và nhân quyền. Đối với phụ nữ, Luật có nhiều sự phân biệt rõ ràng. Trong chương nói về Hiệu lực của việc giá thú: Vợ chồng phải phụ trợ, cưu mang lẫn nhau (Điều 92). Chồng phải bảo hộ cho vợ chính và các vợ thứ. Vợ chính và các vợ thứ phải giữ tiết và phục tùng chồng. Chồng được lấy vợ lẽ, nàng hầu nhưng “nếu quá say đắm mà thờ ơ vợ cả thì bị phạt” (Điều 309). Điều 108 trong chương nói về Tài sản trong việc giá thú: chồng được quản lý tài sản chung, còn vợ chỉ được quyền quản lý tùy theo giới hạn được thay mặt gia đình mà thôi.

Trong một số chương của Luật, chế tài xử nặng đối với phụ nữ, với vợ bé khi vi phạm được quy định rõ ràng, thể hiện sự bất bình đẳng giới khá rõ.

Trong chương Đấu tụng (Đánh nhau kiện cáo) của Quốc Triều hình luật, có quy định cụ thể như sau:

Điều 17 quy định: Vợ đánh chồng thì xử lưu đi châu ngoài, đánh bị thương què gẫy thì lưu đi châu xa, điền sản trả lại cho chồng. Vợ lẽ mà phạm tội trên thì xử nặng hơn một bậc. Đánh chết thì phải đền tội giảo (tử hình)… Nếu vợ lẽ mà đánh vợ cả thì cũng xử tội như đánh chồng. Trong khi đó, Điều 18: chồng đánh vợ bị thương thì xử nhẹ hơn tội đánh bị thương người thường ba bậc. Nếu đánh chết thì xử nhẹ hơn tội đánh giết người thường ba bậc, tiền đền mạng được bớt ba phần. Cố ý giết vợ thì được giảm tội một bậc. Nếu vợ có tội mà chồng đánh không may đến chết thì xử khác… Nếu ngộ sát thì không phải tội.

Luật Hồng Đức tiếp nối dòng chảy văn hóa truyền thống: tôn trọng, bảo vệ phụ nữ

Tuy nhiên, bên cạnh sự ảnh hưởng sâu sắc, không tránh khỏi của tư tưởng Nho giáo, thì Bộ luật Hồng Đức đã có nhiều điều khoản tôn trọng, bảo vệ địa vị pháp lý của người phụ nữ – một điều ít thấy trong các bộ luật phong kiến. Luật đã thể hiện tinh thần tiếp nối truyền thống tôn trọng phụ nữ chảy hàng ngàn năm trong lịch sử dân tộc, thể hiện qua những điều khoản tiến bộ hơn rất nhiều nước cùng thời cũng như tiến bộ hơn các bộ luật ở nước ta trước đó. Cụ thể trên các phương diện sau:

Về bảo vệ phụ nữ trong hôn nhân và điền sản, luật có 3 điều nương nhẹ cho người phụ nữ (tam bất khứ) là chồng không được bỏ vợ khi: Vợ đã để tang bố mẹ chồng 3 năm; Trước khi lấy chồng, nhà chồng nghèo, sau trở nên giàu có; Vợ không có nơi nương tựa khi trở về nhà. Ngay cả khi vợ đã phạm vào thất xuất mà có tam bất khứ thì người chồng cũng không được phép bỏ vợ, nếu bỏ sẽ bị phạt 60 lượng.

Đối với phụ nữ, quyền lợi của đối tượng này được đề cập chủ yếu trong hai chương Hộ hônĐiền sản với những quy định thể hiện sự coi trọng cá nhân và vai trò của người phụ nữ cũng như bảo vệ quyền lợi của họ trong việc hương hỏa, tế lễ, thừa kế và sở hữu tài sản. Người vợ, theo phong tục phải lệ thuộc vào chồng, nhưng trong Bộ luật Hồng Đức, địa vị của người vợ có sự độc lập nhất định như họ có quyền có tài sản riêng, có quyền xin ly hôn trong một số trường hợp, chẳng hạn, tại Điều 308 quy định: “Chồng xa cách vợ không lui tới suốt 5 tháng thì vợ được phép trình quan sở tại, quan xã làm chứng thì chồng đó mất vợ. Nếu đã có con thì gia hạn 1 năm. Những người công sai đi xa không áp dụng luật này. Nếu đã thôi vợ mà cản trở người khác cưới vợ cũ thì xử biếm”.

Chương Giá thú, Điều 76 quy định: Kết hôn tất phải có hai bên nam nữ bằng lòng mới được. Chương Duyên cớ ly hôn, Điều 16: Việc ly hôn chỉ tòa án mới có quyền được chiểu duyên cớ luật đã định mà xử, cấm chồng không được tự ruồng rẫy vợ. Điều 333: Con rể lăng mạ cha mẹ vợ đem thưa quan cho ly dị. Khi li hôn, con cái thường thuộc về chồng nhưng nếu người vợ đòi chia, họ có thể được nửa số con.

Điều 167 quy định rõ hình thức ly hôn và tái hôn. Người vợ có quyền hưởng tài sản trong trường hợp li hôn không phải do lỗi của họ. Nếu hai vợ chồng không có con thì vợ được hưởng ½ số tài sản của vợ chồng làm ra trong thời kỳ hôn nhân, còn nếu người vợ mà đi gian dâm thì tài sản phải trả về cho chồng…

Khi xảy ra tình trạng ly hôn, luật xác định tài sản của vợ chồng được hình thành từ 3 nguồn: i) Tài sản của chồng thừa kế từ gia đình nhà chồng; ii) Tài sản của người vợ thừa kế từ gia đình nhà vợ; iii) Tài sản chung do hai vợ chồng tạo dựng trong quá trình hôn nhân tồn tại. Khi gia đình tồn tại, tất cả tài sản được coi là của chung; khi ly hôn, tài sản của ai, người đó được nhận riêng và chia đôi tài sản chung của hai người.

Về bảo vệ thân thể phụ nữ, trong chương Thông gian, Điều 3 quy định: Hiếp dâm thì xử tội lưu hay tội chết và phải nộp tiền tạ hơn tiền tạ về tội gian dâm thường một bậc; Nếu làm người phụ nữ bị thương thì xử tội nặng hơn tội đánh người bị thương một bậc; Nếu làm người phụ nữ bị chết thì điền sản kẻ phạm tội phải trả cho nhà người bị chết.

Điều 403 và Điều 404 Bộ luật Hồng Đức quy định xử rất nặng đối với những trường hợp xâm phạm thân thể, tiết hạnh của người phụ nữ, kẻ nào hiếp dâm thì xử lưu hay chết. Phải nộp tiền tạ tội hơn một bậc đối với tiền tạ tội gian dâm thường. Nếu gây thương tích cho người đàn bà thì xử nặng hơn một bậc đánh người bị thương. Nếu làm chết người đàn bà thì điền sản kẻ phạm tội phải giao cho nhà người bị chết”; “gian dâm với con gái nhỏ 12 tuổi trở xuống, dù nó thuận tình thì vẫn xử như tội hiếp dâm”.

Nhân đạo, giảm nhẹ tội đối với phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ

Trong trường hợp người phụ nữ có việc liên quan đến kiện tụng hoặc bị tội thì họ vẫn được bảo vệ ở mức độ nhất định, Điều 409: “Quan coi ngục, lại ngục, ngục tốt gian dâm với đàn bà, con gái có chuyện thưa kiện thì tội nặng hơn một bậc so với tội gian dâm thông thường. Nếu có thuận tình thì giảm 3 bậc tội cho các gian phụ ấy. Nếu họ bị hiếp thì không xử tội họ”.

Một số tội, nếu người phạm tội là phụ nữ thì được giảm nhẹ, như việc xử lý tội ăn trộm, ăn cướp, mà theo đó, Điều 429, 441 quy định: “Ăn trộm có cầm khí giới thì xử tội ăn cướp và có giết người thì xử tội giết người. Đàn bà được giảm tội, hoặc trường hợp đầy tớ ăn trộm đồ của chủ, nếu là “tớ gái thì được giảm tội”.

Với một số tội, mức xử phạt đối với phụ nữ còn nhẹ hơn đàn ông, chẳng hạn, Điều 450 quy định: “…Kẻ lạ vào vườn người ta thì xử biếm, đàn bà được giảm một bậc”.

Đặc biệt, Luật thể hiện sự nhân đạo đối với phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ. Điều 680: “Đàn bà phạm tội tử hình trở xuống, nếu đang mang thai thì phải đợi sau khi sinh đẻ 100 ngày mới đem hành hình. Nếu chưa sinh mà đem hành hình thì ngục quan bị biếm hai tư, ngục lại bị tội đồ làm bản cục đinh”. Dù đã sinh nhưng chưa hết hạn 100 ngày mà hành hình thì ngục quan và ngục lại bị xử biếm hay bị phạt. Nếu khi chưa sinh mà thi hành tội đánh roi thì ngục quan bị phạt 20 quan tiền, ngục lại bị đánh 80 trượng. Nếu do đánh roi đưa đến trọng thương hay chết thì xử vào tội “quá tất sát thương” (lỡ tay giết người, làm bị thương người)…”.

Bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em

Bên cạnh bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ, Bộ luật Hồng Đức còn chú ý đến đối tượng trẻ em, tại Điều 313 quy định: “Trẻ nhỏ mồ côi và phụ nữ tự bán mình không người bảo lãnh thì kẻ mua và kẻ viết văn khế, kẻ làm chứng đều bị xử roi, trượng theo luật (nữ bị đánh 50 roi, nam bị đánh 80 trượng) đòi lại tiền trả cho kẻ mua, hủy bỏ văn khế. Kẻ cô độc, khốn cùng từ 15 tuổi trở lên tự nguyện bán mình thì cho phép”.

Theo Điều 605: “Nếu ai bắt được trẻ con đi lạc thì phải báo quan làm bằng chứng thật, có ai đến nhận thì được lấy tiền nuôi dưỡng (mỗi tháng 5 tiền), trái luật không cho người ta nhận con thì xử tội nhẹ hơn tội quyến rũ một bậc” (Điều 604). Trường hợp kẻ nào “làm chuyện ngược ngạo (lượm trẻ lạc về, không nuôi còn hành hạ) để đến nỗi con người ta chết thì đánh 80 trượng, đền 5 quan tiền nhân mạng cho cha mẹ đứa trẻ chết”.

Kết luận

Có thể thấy, văn hóa là nền tảng của sự phát triển. Các giá trị văn hóa được mài dũa, kết tinh từ những tương tác trong cuộc sống của xã hội loài người, giữa con người với tự nhiên và xã hội. Văn hóa có một sự ảnh hưởng không thể phủ nhận đối với pháp luật; xây dựng pháp luật, theo lẽ tự nhiên, phải dựa trên những kinh nghiệm văn hóa, tức là pháp luật phải có khả năng biến thành văn hóa để điều chỉnh cuộc sống. Chính vì thế, pháp luật Việt Nam thời Trung đại thể hiện khá rõ nét văn hóa Việt Nam, xét ở điểm nhìn quan hệ giới; trên các khía cạnh: coi trọng tính nữ, coi trọng người phụ nữ; nhân văn, nhân ái; đặc biệt rõ nét ở Bộ luật Hồng Đức.

Quốc triều hình luật (Luật Hồng Đức) được đánh giá là bộ luật khá tiến bộ, nghiêm khắc nhưng có giá trị nhân văn, nhân đạo. Mặc dù là sản phẩm của thể chế chính trị Nho giáo nên không thể tránh khỏi tư tưởng bất bình đẳng giới, hạn chế vị trí, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội; tuy nhiên, một số điều khoản trong Bộ luật này đã thể hiện rõ truyền thống văn hóa Việt Nam coi trọng phụ nữ, bảo vệ thân thể, nhân phẩm và quyền lợi của phụ nữ như các quy định việc kết hôn phải trên cơ sở đồng thuận của cả hai bên; có chế tài hạn chế quyền lực của người chồng đối với vợ; trao quyền cho phụ nữ trong một số trường hợp cụ thể như được tái hôn, được phân chia tài sản sau ly hôn… Những yếu tố ấy góp phần nuôi dưỡng dòng mạch văn hóa Việt Nam, đậm chất Á Đông, giàu tính nhân văn, nhân ái; là tiền đề cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế hiện nay.

_______________

1. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, 2009.

2. Đỗ Bang (chủ biên), Tổ chức bộ máy nhà nước triều Nguyễn giai đoạn 1802 – 1884, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1997.

3. Nguyễn Văn Thành, Vũ Trinh, Trần Hựu, Quyển 1, Nxb Văn hóa Nghệ thuật, 1994.

4. Viện Sử học Việt Nam (2017), Quốc triều hình luật (Luật hình triều Lê), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2017.

Tác giả:  Nguyễn Thị Thanh Thủy

Nguồn: Tạp chí VHNT số 443, tháng 11-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *