Phát huy giá trị của hương ước cải lương về vấn đề giáo dục trong thời kỳ hiện nay qua trường hợp nghiên cứu ở Ninh Bình, Thái Bình


Hương ước hay còn gọi là khoán ước, lệ làng, ra đời gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của làng. Ngày xưa, hương ước được các nhà nước phong kiến Việt Nam sử dụng làm công cụ để quản lý các làng xã. Hương ước cải lương xuất hiện trong giai đoạn đầu TK XX. Trong nhiều vấn đề hương ước cải lương quy định, những quy định về giáo dục có nhiều giá trị tích cực. Bởi vậy, việc phát huy giá trị của hương ước cải lương nói chung, những quy định về vấn đề trong hương ước cải lương là việc làm có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết.

1. Hương ước cải lương – một số giá trị cơ bản về vấn đề giáo dục

Có nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm hương ước. Điểm chung giữa các tác giả đều thống nhất ở điểm coi hương ước là bản quy ước riêng của mỗi làng xã, đã được văn bản hóa hay nói cách khác đó chính là lệ làng thành văn. Chúng tôi cho rằng, hương ước là những quy ước về hầu hết các mặt hoạt động làng xã của người Việt: hội tư văn, tư võ, hội thiện, phe – giáp – xóm – ngõ…; các hoạt động xã hội: hội hè, đình đám, lễ tế, tuần phòng, khao vọng, giao hiếu…; một số hoạt động kinh tế. Đó là những quy ước vừa mang nét chung nhưng cũng chứa đựng nhiều nét riêng của mỗi làng quê Việt.

Từ khi hương ước ra đời đến nay đã trải qua 3 thời kỳ phát triển, được các nhà nghiên cứu phân thành 3 loại: hương ước cổ (ra đời trước năm 1921), hương ước cải lương (ra đời trong thời gian từ năm 1921 đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945), hương ước mới (ra đời từ những năm 90 của TK XX đến nay).

Trong cuộc cải lương hương chính (thực hiện ở Bắc Kỳ bắt đầu từ tháng 8-1921 đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945), thực dân Pháp đã cho soạn thảo các bản hương ước mẫu, để thống nhất thực hiện ở các làng xã. Đó là hương ước cải lương. Hương ước cải lương được soạn bằng chữ Quốc ngữ, chữ Hán, chữ Nôm. Hương ước cải lương có cấu trúc giống nhau, thường được chia làm hai phần: chính trị và tục lệ, theo thể thức của chính quyền thực dân đưa ra. Nội dung chủ yếu của các bản hương ước là nhằm vào việc quản lý, giải quyết những vấn đề dân sự trong nội bộ thôn làng, trong đó vấn đề bảo vệ trật tự trị an làng xóm, đồn điền… được quy định rất chi tiết với các hình thức xử phạt rõ ràng, cụ thể. Trong các nội dung quy định của hương ước cải lương, những quy định về vấn đề giáo dục có nhiều ý nghĩa tích cực. Có thể nêu ra một số ý nghĩa tích cực, tiến bộ về vấn đề giáo dục của hương ước cải lương (dẫn liệu hương ước cải lương tỉnh Thái Bình, tỉnh Ninh Bình) như sau:

Nhấn mạnh vai trò của giáo dục, quy định giáo dục bắt buộc đối với tất cả mọi người

Nhiều bản hương ước cải lương ở Ninh Bình, Thái Bình có các điều khoản về giáo dục đều đề cao vai trò, tác dụng của giáo dục đối với việc hình thành nhân cách con người, nhất là trẻ em, khuyên bảo mọi người chăm lo việc học, coi giáo dục là vấn đề có ảnh hưởng đến sự thịnh – suy của làng, nước.

Hương ước làng Long Mỹ, tổng Thượng Tầm, phủ Thái Ninh, tỉnh Thái Bình nhấn mạnh: “Việc học là việc rất cần thiết cho con người ta, vì có học thì trí khôn mới mở mang, kiến thức mới rộng rãi và mới biết được luân thường đạo lý đối đãi với xã hội và gia đình. Nước mà văn minh, thịnh vượng cũng do ở nền giáo dục phổ thông”. Hương ước làng Tô Hồ, tổng Tô Xuyên, huyện Phụ Dực, tỉnh Thái Bình ghi rõ: “Trong làng có nhiều người học thì mới có văn minh tiến hóa được”.

Trong hương ước cải lương của nhiều làng xã ở Thái Bình, Ninh Bình đều có những điều khoản quy định việc giáo dục, đi học là bắt buộc đối với trẻ em. Trong hương ước cải lương còn quy định rõ tuổi mà trẻ phải đi học. Hương ước cải lương thôn Nam Quán, xã Đông Động, tổng Đông Động, phủ Thái Ninh, tỉnh Thái Bình quy định: “Ai có con từ 8 tuổi trở lên cũng phải bắt buộc cho đi học”. Hương ước xã Cao Mộc, tổng Bất Nạo, huyện Phụ Dực, tỉnh Thái Bình ghi rõ: “Nhà ai có con từ 8 tuổi phải cho con ra trường công học tập… cấm không được cho trẻ em lêu lổng”. Hương ước thôn Đông, làng Thư Điền, tổng An Bồi, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình quy định: “Trẻ con trong làng đã lên 8 tuổi phải nên đi học”. Hương ước thôn Đoài, xã Phú Khê, tổng Phú Khê, phủ Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình quy định: “Trẻ con lên 7, 8 tuổi và phải tìm trường cho học không được ở nhà du đãng hư thân”.

Quy định trách nhiệm của chính quyền làng xã, cha mẹ đối với vấn đề giáo dục

Về trách nhiệm của chính quyền làng xã, nhiều hương ước cải lương ở tỉnh Thái Bình và Ninh Bình đều quy định trách nhiệm của chính quyền làng xã đối với nền giáo dục ở địa phương mình như: phải lập trường lớp để dạy học, phải khuyên bảo gia đình cho con cái đi học, việc hỗ trợ cho người đi học, gia đình có người đi học… Một số làng còn quy định thêm phải lập một trường học để trẻ con trong làng đến học.

Nhiều làng xã còn quy định làng xã phải có dự toán thu chi để chuẩn bị kinh phí hoặc trích ra một số ruộng nhất định để lấy kinh phí cho công tác giáo dục. Hương ước xã Tuy Lộc, tổng Tuy Lộc, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, soạn năm 1924 có quy định dành ra 3 sào để lấy làm tiền trả lương cho thầy dạy học ở làng. Hương ước xã Lưu Phương, tổng Tự Tân, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, soạn năm 1922 có quy định dành ra 1 mẫu bút điền để lấy làm tiền trả lương cho thày dạy học ở làng. Hương ước xã An Dục, tổng Bất Nạo, huyện Phụ Dực quy định: “Thời ở chi thu phải để phòng ra một món tiền để mua sách vở, giấy bút cho những con nhà nghèo”; làng Ô Trình, tổng An Định, huyện Thụy Anh quy định mỗi năm dành ra 15 đồng chi cho việc giáo dục. Hương ước làng Vạn Đồn, tổng Quảng Nạp, huyện Thụy Anh quy định: nếu gia đình nào nghèo không có tiền mua giấy bút cho con đi học thì làng sẽ cấp 1 đồng/ 1 trẻ/ 1 năm để đi học. Trong bản Hương ước làng Phi Liệt tổng Thượng Liệt, huyện Đông Quan, Thái Bình có nói đến Sự học hành và giáo dục trong làng, quy định tại Điều 65 tới Điều 68, như: “khi làng có đủ tiền làm nhà trường thời phải làm trường làng cho con em đi học… Tiền chi phí về việc học và cấp lương cho thầy giáo sẽ lấy ở tiền công của dân…”. “Lập trường hương sư đặt một thầy giáo, trả lương bằng ruộng công điền 3 mẫu 3 sào”.

Về trách nhiệm của cha mẹ, hương ước cải lương của nhiều làng xã quy định cha mẹ phải cho con đi học, phải lo việc học cho con. Hương ước làng Quân Bác, tổng Cao Mại, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, trong phần nói về Sự giáo dục, tại Điều 42 có quy định “Trong làng cần nhất là việc học, bổn phận cha mẹ phải cho con đi học”. Hương ước làng Phương Ngãi, tổng Nam Huân, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình nói về Giáo dục tại Điều 23, như sau: “Bổn phận cha mẹ phải cho con giai, con gái đi học”.

Có nhiều hình thức khuyến khích giành cho người đi học, gia đình có người đi học

Hương ước cải lương của nhiều làng xã ở Thái Bình có quy định việc khuyến khích người dạy, người học bằng vật chất, học điền, tức là để một số ruộng nhất định cho việc học, trả lương cho thày giáo trường làng và phát phần thưởng cho người học. Nhiều làng xã quy định chuẩn bị kinh phí cho giáo dục, chi dùng để trả hương sư và trợ cấp cho những học trò nghèo hay những học trò học giỏi. Một số làng xã quy định miễn tạp dịch, nghĩa vụ canh phòng… cho những người đang đi học. Hoặc một số làng xã có những quy định trong hương ước về dành những chỗ ngồi “sang trọng” cho những người có học, đang đi học tại đình làng. Ở một số làng còn đặt ra lệ khuyến học là hoãn việc đi lính cho những ai đang bận việc học tập; những làng, xã đặt ruộng học điền dành ra từ bốn, năm sào đến một mẫu lấy hoa lợi mời thày giáo dạy chữ, hoặc tặng mỗi người đi học một sào ruộng để lấy hoa lợi ăn học; một số ít làng, xã còn cấp tiền ăn học mỗi tháng từ một đến ba quan làm phí giấy bút cho người đi học ở xã…

Hương ước làng Phi Liệt tổng Thượng Liệt huyện Đông Quan, Thái Bình có quy định: “Người nào nghèo túng quá mà hiếu học làng sẽ cấp giấy bút cho. Trong làng ai chuyên cần việc học tập thì được miễn tạp dịch. Ai xuất dương du học được miễn trừ tạp dịch và xuất sưu của người ấy làng sẽ trích công quỹ nộp cho, còn gia quyến người ấy ở nhà có sự gì làng phải hết lòng bênh vực”. “Lập trường hương sư đặt một thày giáo, trả lương bằng ruộng công điền 3 mẫu 3 sào”. Hương ước xã Lưu Phương, tổng Tự Tân, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, soạn năm 1922 có quy định dành ra 4 mẫu học điền để cho những gia đình có con em đi học cày cấy.

Hương ước làng Lạng Phong, tổng Lạng Phong, phủ Nho Quan, tỉnh Ninh Bình soạn năm 1922, hương ước xã Yên Ninh, tổng Yên Ninh, phủ Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình soạn năm 1921 và hương ước làng Tuy Lộc, tổng Tuy Lộc, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình soạn năm 1924, tại điều 19 quy định: “học trò đương học các trường… thì không phải cắt cử đi tuần” và “những học sinh có bằng tốt nghiệp được ngồi ở gian hữu, phía ở đình làng”. Hương ước xã Yên Ninh, tổng Yên Ninh, phủ Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình soạn năm 1921, tại Điều 72, quy định về vị thứ ở đình còn ghi rõ: “Làng ta xưa nay Văn, Võ và hàng Lão, hàng Hộ… trật tự không được phân minh. Nay chia làm 4 ban: Văn ban ngồi gian thứ hai (gian cao nhất, ngay dưới hương án) bên tả đình”. Hương ước xã Phúc Nhạc, tổng Yên Vân, phủ Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình soạn năm 1921, tại Điều 72, quy định về vị thứ ở đình còn ghi rõ: “Ngôi thứ trong đình chia làm hai ban. Dòng văn ngồi về hai gian bên tả. Dòng võ ngồi về hai gian bên hữu”. Hương ước làng Tam Lộng, tổng An Tiêm, huyện Đông Quan, tỉnh Thái Bình ghi: “Nếu người nào chí thú học đến 18 tuổi thì làng vẫn miễn trừ tạp dịch. Người nào đỗ bằng cấp thì sẽ được thưởng tiền và ban vị thứ”. Hương ước làng Vạn Đồn, tổng Quảng Nạp, huyện Thụy Anh, tỉnh Thái Bình quy định: “nếu trẻ nào học tấn tới thì làng sẽ thưởng cho 50 hào”.

Bên cạnh quy định khuyến học, hương ước cải lương của các làng xã cũng quy định việc phạt những trường hợp không tuân thủ quy định về vấn đề giáo dục của làng, như: không cho con cái đi học, khai man tuổi để chậm đi học… Hương ước làng Ô Trình, tổng An Định, huyện Thụy Anh, tỉnh Thái Bình quy định: nếu cha mẹ không cho con đi học thì phạt 5 hào. Hương ước làng Vạn Đồn, tổng Quảng Nạp, huyện Thụy Anh, tỉnh Thái Bình quy định: “Nếu cha mẹ không cho con đi học thì phạt từ 10 hào đến 30 hào”, hương ước xã Hoành Quan, tổng Hoành Sơn huyện Thụy Anh, tỉnh Thái Bình quy định: “Nếu cha mẹ không cho con đi học sẽ bị phạt từ 2 hào đến 5 đồng”. Hương ước xã Yên Ninh, tổng Yên Ninh, phủ Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình soạn năm 1921, tại Điều 4, quy định “cấm không ai được bắt dân phải làm cỗ mời công dân khi có việc tang, thi đỗ…”.

 Qua những quy định cho thấy, các làng xã ở Thái Bình rất quan tâm đến giáo dục, việc học hành. Những quy định về giáo dục của các làng xã ở Thái Bình cơ bản chặt chẽ, mang tính khuyến khích, thúc đẩy việc học tập. Chính sự quan tâm, có những chính sách khuyến khích đối với việc học nên giáo dục làng xã ở Thái Bình nói riêng và Bắc Kỳ nói chung giữ một vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là chủ yếu, trong việc rèn luyện nhân cách, duy trì bản sắc tốt đẹp, bền vững của dân tộc. Tục lệ, hương ước làng xã đòi hỏi mọi người phải quan tâm, tương trợ, đùm bọc, che chở cho nhau. Tinh thần đó được quy định trong khoán ước, điều lệ làng xã.

2. Giải pháp phát huy giá trị của hương ước cải lương và nội dung giáo dục trong hương ước cải lương trong giai đoạn hiện nay

Hương ước cải lương tồn tại song song với pháp luật của Nhà nước nhưng không đối lập với luật pháp của Nhà nước mà bổ sung, khắc phục các chỗ hổng của pháp luật hoặc pháp luật chưa quy định cụ thể, đưa pháp luật đi vào đời sống người dân một cách dễ dàng hơn. Hơn nữa, hương ước nói chung, hương ước cải lương nói riêng không chỉ có ý nghĩa như một thứ luật pháp mà còn có ý nghĩa như một hệ thống tiêu chuẩn đạo đức. Việc phát huy tinh thần tự chủ, cùng với dư luận xã hội và các biện pháp thưởng phạt đã giúp cho những quy định của làng xã được thực hiện một cách đầy đủ, hiệu quả.

Những quy định của hương ước cải lương ở tỉnh Ninh Bình, Thái Bình đối với vấn đề giáo dục, với việc học không chỉ có tác dụng trực tiếp đối với người đang học, thi mà còn có tác dụng lớn đối với mọi tầng lớp khác để tạo nên truyền thống trọng học hành, khoa bảng ở các làng xã của Ninh Bình, Thái Bình. Do đó, việc chọn lọc và phát huy những giá trị tích cực của hương ước cải lương về vấn đề giáo dục trong giai đoạn hiện nay là điều cần thiết. Để thực hiện việc phát huy giá trị tích cực của hương cải lương, nội dung giáo dục trong hương ước cải lương trong giai đoạn hiện nay, xin đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo, quản lý và xây dựng nếp sống văn hóa mới ở nông thôn, trong xây dựng hương ước, quy ước. Khi xây dựng hương ước, quy ước khu dân cư cần đặc biệt chú ý các nội dung về giáo dục. Các vấn đề về giáo dục là nội dung bắt buộc, không thể thiếu trong hương ước, quy ước khu dân cư.

Thứ hai, những nội dung về giáo dục trong hương ước, quy ước dân chủ ở cơ sở phải phù hợp với những quy định của Đảng, Nhà nước hiện nay về giáo dục, đào tạo.

Thứ ba, xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước là công việc của cộng đồng, do người dân thực hiện dựa trên tinh thần tự nguyện, không áp đặt, không nhất thiết thôn, làng nào cũng phải xây dựng hương ước, quy ước mà dựa trên nhu cầu của cộng đồng. Nội dung của hương ước, quy ước nói chung, các vấn đề về giáo dục nói riêng phải phù hợp với đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội, phong tục tập quán của từng địa phương, như vậy nội dung của hương ước, quy ước mới đi vào thực tiễn đời sống của cộng đồng, được mọi người thực hiện nghiêm túc.

Thứ tư, phát huy vai trò của cộng đồng, đặc biệt vai trò của trưởng tộc, những người có uy tín trong cộng đồng như: trưởng các dòng họ, người già, đặc biệt là cán bộ, đảng viên để làm gương cho mọi người noi theo, thực hiện, góp phần tham gia vào quá trình xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước ở thôn, làng, ấp, bản.

Thứ năm, xây dựng, nhân rộng những điển hình, mô hình tiên tiến các làng xã thực hiện tốt công tác giáo dục đào tạo, có những quy định hay về giáo dục trong hương ước, quy chế dân chủ ở cơ sở.

Thứ sáu, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện hương ước, quy ước ở thôn, bản, gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật nói chung các vấn đề về giáo dục nói riêng. Hiện nay, khi công nghệ thông tin đã phát triển, việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật không chỉ thông qua các bài phát thanh tuyên truyền trên loa công cộng, bằng sách, báo, truyền hình, mà cần cả sân khấu hóa các văn bản pháp luật để nông dân dễ hiểu, dễ nhớ. Cùng với đó là tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông số như: Facebook, Zalo nhóm, thư điện tử, trang web… làm được như vậy sẽ từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Kết luận

Những giá trị của văn hóa truyền thống, hương ước nói chung, hương ước cải lương nói riêng là không thể phủ nhận. Ngày nay, khi Đảng và Nhà nước thực sự quan tâm đến giáo dục, coi giáo dục đào tạo và khoa học là quốc sách hàng đầu, những giá trị tích cực của hương ước cải lương về giáo dục cũng cần được khơi dậy và kế thừa những mặt tích cực, tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của người xưa trong giai đoạn xây dựng đất nước ngày nay.

Việc xây dựng, triển khai thực hiện hương ước, quy ước nói chung, những nội dung về giáo dục trong đó cũng được nhìn nhận trở lại, có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp với đời sống thực tiễn, gắn với đặc thù phong tục tập quán của từng địa phương, góp phần hỗ trợ tích cực cho việc quản lý nhà nước bằng pháp luật; bảo đảm dân chủ cơ sở, tạo điều kiện xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội nói chung, giáo dục đào tạo nói riêng. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành đoàn thể, chính quyền địa phương và sự chung sức của cả cộng đồng là những điều kiện cho hương ước, quy ước phát huy được vai trò, tác dụng vốn có của nó.

________________

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương khóa VIII, Hà Nội, 1998.

2. Hương ước cải lương một số làng ở Ninh Bình hiện lưu tại Thư viện Viện Thông tin Khoa học xã hội Hà Nội: Hương ước làng Bạch Cừ, tổng La Mai, huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình soạn năm 1921, ký hiệu HU00005440; Hương ước xã Tuy Lộc, Tổng Tuy Lộc, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, soạn năm 1924, ký hiệu HU00004622; Hương ước làng Lực Giá, tổng Đa Giá, huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình, soạn năm 1923, ký hiệu HU00005440; Hương ước xã Quỳnh Lưu, tổng Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, soạn năm 1924, ký hiệu HU00004625; Hương ước xã Yên Thượng, tổng Trường Yên, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình soạn năm 1924, ký hiệu HU00004625.

3. Hương ước cải lương một số làng ở Thái Bình hiện lưu tại Thư viện Viện Thông tin Khoa học xã hội Hà Nội: Hương ước xã Đại Hữu, tổng Tân Định, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, ký hiệu HU 3204; Hương ước làng Long Mỹ, tổng Thượng Tầm, phủ Thái Ninh, tỉnh Thái Bình, ký hiệu HU00003096; Hương ước làng Tô Hồ, tổng Tô Xuyên, huyện Phụ Dực, tỉnh Thái Bình, ký hiệu HU00003052; Hương ước thôn Nam Quán, xã Đông Động, tổng Đông Động, phủ Thái Ninh, tỉnh Thái Bình, ký hiệu HU00003079; Hương ước xã Cao Mộc, tổng Bất Nạo, huyện Phụ Dực, tỉnh Thái Bình, ký hiệu HU00003026; Hương ước thôn Đông, làng Thư Điền, tổng An Bồi, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, ký hiệu HU00003010; Hương ước làng Phi Liệt, tổng Thượng Liệt, huyện Đông Quan, tỉnh Thái Bình, ký hiệu HU00002944…

4. Ngô Đức Thịnh (chủ biên), Bảo tồn, làm giàu và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam trong đổi mới và hội nhập, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2010.

TS ĐINH VĂN VIỄN – TS TRỊNH THỊ HƯỜNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 476, tháng 10-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *