Phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo trong bối cảnh hiện nay

Việt Nam là một quốc gia thống nhất đa dân tộc, đa tôn giáo, trong đó có khoảng 24 triệu tín đồ thuộc 40 tổ chức tôn giáo được công nhận, chiếm tới 27% dân số. Sự đa dạng các hình thức tôn giáo là nhân tố quan trọng góp phần hình thành bản sắc văn hóa dân tộc. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước ta không chỉ khẳng định chính sách nhất quán là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, mà còn chủ trương phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Cùng với quá trình đổi mới đất nước, nhất là từ khi có Nghị quyết số 25-NQ/TW, các di sản văn hóa trong tôn giáo được phát huy đã góp phần làm thay đổi diện mạo đời sống tín ngưỡng tôn giáo nói riêng, đời sống tinh thần xã hội nói chung. Cơ sở thờ tự của các tôn giáo được Nhà nước bảo hộ và cho phép tu bổ, trùng tu, sửa chữa và xây dựng mới, tạo điều kiện để đồng bào tổ chức các sinh hoạt, thể hiện niềm tin thông qua các nghi lễ, lễ hội tôn giáo. Không khí sinh hoạt tôn giáo tại các cơ sở thờ tự gắn với các lễ hội và văn hóa tâm linh hết sức sôi động. Việc mở trường và đào tạo chức sắc tôn giáo luôn được tạo điều kiện thuận lợi. Với sự quan tâm, hỗ trợ của nhà nước, hàng năm, hàng vạn kinh sách, sách báo có nội dung tôn giáo đã được xuất bản, đảm bảo nhu cầu tín ngưỡng của tín đồ. Chính sách tôn giáo cởi mở, thông thoáng đã giúp các tổ chức tôn giáo thuận lợi trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa, giáo dục theo tôn chỉ, mục đích của mình, bao gồm cả các hoạt động có quy mô lớn mang tầm vóc quốc tế. Những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước cùng với quá trình thực hiện đường lối về công tác tôn giáo đã có tác động mạnh đến chức sắc, tín đồ các tôn giáo, khơi dậy trong đồng bào có đạo tinh thần yêu nước, ý thức tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, chung sức, chung lòng xây dựng quê hương, đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, việc phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo cũng có những bất cập, hạn chế nhất định. Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền các cấp và một bộ phận cán bộ, đảng viên về tôn giáo, văn hóa tôn giáo còn phiến diện, chưa thống nhất. Sự phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị về thực hiện công tác tôn giáo thiếu chặt chẽ, đồng bộ. Những yếu kém của công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, đã được Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX chỉ rõ: có nơi chủ quan, nóng vội, giản đơn trong giải quyết vấn đề tôn giáo, có nơi lại hữu khuynh, thụ động, buông lỏng quản lý; tổ chức, bộ máy làm công tác tôn giáo còn bất cập; đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo còn thiếu…, vẫn chưa được khắc phục triệt để. Để phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo trong thời kỳ mới, cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tôn giáo và văn hóa tôn giáo

Đảng lãnh đạo công tác tôn giáo trước hết bằng chủ trương, chính sách, bằng phát huy vai trò của hệ thống chính trị, tuyên truyền giáo dục nâng cao trình độ nhận thức của hệ thống chính trị và toàn xã hội về tôn giáo, văn hóa tôn giáo và xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo. Để hoàn thiện chủ trương, chính sách về tôn giáo, Đảng cần lãnh đạo đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển lý luận khoa học về tôn giáo, tổng kết sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực công tác tôn giáo từ khi có Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo thời gian tới. Đặc biệt, cần tăng cường việc lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng quy chế phối hợp công tác giữa các thành viên của hệ thống chính trị trong quá trình tiến hành công tác tôn giáo. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhất là các nhà tu hành, chức sắc, tín đồ về chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước. Việc tuyên truyền giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ độc lập và thống nhất của tổ quốc cũng như ý nghĩa, vai trò của các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp trong tôn giáo, làm cho các tôn giáo gắn bó với dân tộc, tạo động lực để đồng bào các tôn giáo thi đua xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đồng thời, cần chú trọng phát triển đảng viên là người có đạo, xây dựng lực lượng nòng cốt trong công tác vận động đồng bào có đạo tham gia xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Tăng cường quản lý nhà nước về tôn giáo và hoạt động văn hóa tôn giáo

Để tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với tôn giáo và hoạt động văn hóa tôn giáo, trong thời gian tới, cần tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Trước hết, cần nghiên cứu sửa đổi Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và tiến tới xây dựng, ban hành Luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Mặt khác, để tạo sự đồng bộ của luật pháp về phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo, cần tiến hành rà soát lại toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến vấn đề tôn giáo, qua đó, chỉnh sửa những quy định đã lỗi thời, bổ sung những quy định mới cho phù hợp. Bên cạnh đó, cần bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chế về lễ hội, việc tang, việc cưới, việc cúng bái ở các đền chùa, việc đốt vàng mã, giữ gìn vệ sinh nơi thờ tự. Khuyến khích nhân dân xã, phường, thôn ấp, cụm dân cư, khu tập thể, cơ quan, xí nghiệp ở những vùng đồng bào có đạo xây dựng các quy ước về nếp sống văn hóa, giữ gìn trật tự vệ sinh, bảo vệ di tích và cảnh quan môi trường thiên nhiên quanh các di tích văn hóa tôn giáo.

Về tổ chức bộ máy làm công tác tôn giáo, hiện nay ở các địa phương còn thiếu tính thống nhất. Để khắc phục tình trạng trên, cần hoàn thiện mối quan hệ ngành dọc giữa Ban Tôn giáo Chính phủ với các ban (phòng) tôn giáo ở cấp tỉnh, huyện. Cùng với việc kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quan hệ công tác của các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo; giữa các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo và cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa cùng cấp. Trong quy chế phối hợp công tác, cần xác định rõ trách nhiệm trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến văn hóa tôn giáo, như: quản lý, bảo tồn di tích; tổ chức liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật tôn giáo; sản xuất, phát hành ấn phẩm văn hóa có nội dung tôn giáo; quản lý báo chí, thư viện tôn giáo; xây dựng phong trào văn hóa vùng đồng bào có đạo; phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn mê tín, hủ tục… Trong đó, cần xác định rõ những công việc nào cả hai cơ quan đồng chủ trì giải quyết, những công việc nào do cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo chủ trì phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa hay ngược lại. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo, văn hóa cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong giải quyết đăng ký sinh hoạt; giao đất, chuyển đổi mục đích và xây dựng cơ sở thờ tự; trùng tu, cải tạo các công trình tôn giáo.

Cùng với kiện toàn tổ chức bộ máy, cần tích cực đào tạo, bồi dưỡng giúp đỡ đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, văn hóa tôn giáo có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần phối hợp tốt, vấn đề quan trọng là phải có sự am hiểu về tôn giáo, văn hóa. Đối với cán bộ làm công tác tôn giáo, trong nội dung đào tạo, bồi dưỡng, ngoài những kiến thức nền tảng của chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo; những kiến thức về lịch sử, đặc điểm tình hình tôn giáo; cần chú ý hơn nữa đến việc trang bị cho người học kiến thức về văn hóa và quản lý văn hóa. Đối với cán bộ làm công tác tôn giáo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, còn phải được trang bị kiến thức về phong tục tập quán, tiếng nói của dân tộc nơi mình công tác. Đối với đội ngũ cán bộ của các cơ quan làm công tác văn hóa, cần trang bị cho họ những kiến thức cơ bản về tôn giáo và quản lý tôn giáo.

Trong thực hiện quản lý nhà nước về tôn giáo, văn hóa tôn giáo cần coi trọng công tác nắm bắt tình hình, chủ động phát hiện, kịp thời giải quyết dứt điểm các vụ việc nảy sinh liên quan đến tôn giáo, văn hóa tôn giáo như tranh chấp đất đai, xây dựng cơ sở thờ tự khi chưa được cấp phép, tổ chức các hoạt động lễ hội trái quy định…

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân trong công tác tôn giáo, văn hóa tôn giáo

 Để phát huy được vai trò cầu nối giữa quần chúng tín đồ với Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong vùng đồng bào có đạo cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức hoạt động cho phù hợp với điều kiện và đặc điểm của từng tôn giáo cụ thể. Nội dung hoạt động cần đảm bảo tính thiết thực, gắn liền với lợi ích của đồng bào tôn giáo. Mặt khác, để hoạt động có hiệu quả trong vùng đồng bào có đạo, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân phải chú trọng đến phương pháp vận động quần chúng tín đồ; cán bộ của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân phải hòa nhập với cuộc sống của quần chúng tín đồ, kiên trì thuyết phục, giáo dục và giúp đỡ, hướng dẫn để họ phấn đấu vươn lên thoát khỏi đói nghèo, xây dựng cuộc sống tốt đời, đẹp đạo.

Phát huy vai trò của các hội văn học, nghệ thuật trong định hướng sự phát triển của văn hóa, nghệ thuật tôn giáo

Văn hóa, đạo đức tôn giáo bao chứa trong nó nhiều giá trị thuộc nhiều thành tố văn hóa khác nhau, nghệ thuật tôn giáo là một bộ phận quan trọng và mang tính đặc thù. Bởi vậy, để phát huy những giá trị văn hóa, nghệ thuật tốt đẹp của tôn giáo trong đời sống tinh thần xã hội, bên cạnh việc nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, phải phát huy vai trò, trách nhiệm của các hội văn học nghệ thuật đối với lĩnh vực văn hóa tôn giáo. Các hội văn học, nghệ thuật cần có định hướng cho hội viên có tư tưởng đúng đắn trong khai thác đề tài, cảm hứng, có ý thức trong việc giữ gìn, phát huy những giá trị nghệ thuật có tính thẩm mỹ cao trong tôn giáo. Mặt khác, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng hội, cần có sự giúp đỡ, định hướng để sự phát triển của nghệ thuật tôn giáo giữ được vẻ đẹp truyền thống, không sa vào lai căng, kệch cỡm hay bi quan, yếm thế trước cuộc đời.

Nâng cao vai trò của các tổ chức tôn giáo trong phát huy những giá trị văn hóa đạo đức tốt đẹp của tôn giáo

Các tổ chức giáo hội tôn giáo thường có vai trò quan trọng trong đường hướng phát triển của tôn giáo. Do tính đặc thù của tôn giáo, các tổ chức giáo hội không chỉ chi phối đời sống tín ngưỡng của tín đồ mà trên thực tế còn tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống của đồng bào có đạo. Bởi vậy, để phát huy vai trò tích cực của văn hóa tôn giáo trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức giáo hội, đặc biệt là vai trò của các chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo trong giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo. Muốn vậy, cần chủ động xây dựng quy chế phối hợp giữa các thành viên của hệ thống chính trị với tổ chức giáo hội tôn giáo trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, phong trào văn hóa. Đồng thời, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý cần thường xuyên tiếp xúc, nắm bắt nhu cầu, tâm tư tình cảm của các chức sắc, nhà tu hành và đồng bào có đạo, thường xuyên giáo dục họ nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, giúp họ nâng cao ý thức công dân, tinh thần yêu nước, ý thức xây dựng đồng thuận xã hội và khối đoàn kết dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; tích cực tham gia vào các hoạt động chính trị xã hội ích nước, lợi dân; nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh với những hành vi lợi dụng tôn giáo chống phá sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 393, tháng 3-2017

Tác giả : NGUYỄN VĂN HÙNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *