Phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam


Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã diễn ra vào ngày 24-11-2021 tại phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội (Hà Nội) do Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức. Tới dự và chủ trì Hội nghị có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cùng sự tham gia của hơn 600 đại biểu là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các nhà quản lý văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu. Hội nghị kết nối trực tuyến với 67 điểm cầu ở các ban, bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đường truyền mở rộng đến cơ sở.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốcẢnh: Tuấn Minh

“Văn hóa còn thì dân tộc còn”

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Hội nghị diễn ra vào thời điểm này có ý nghĩa trên nhiều phương diện, đồng thời nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của văn hóa, coi văn hóa làm nên hồn cốt dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn… Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn coi trọng vai trò của văn hóa và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhìn lại những thành tựu trên lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt sau 35 năm đổi mới, chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của nền văn hóa vào sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc. Những thành tựu nổi bật cần khẳng định là nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn trên các lĩnh vực, các loại hình; các sản phẩm văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu mới, nhiều mặt của xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển. Văn hóa trong chính trị và trong kinh tế bước đầu được coi trọng và phát huy hiệu quả, tích cực. Công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa có bước khởi sắc. Hoạt động giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế có bước phát triển mới. Xây dựng con người Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế, xã hội. 

“Đảng ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta. Nói sâu sắc, ngắn gọn như Bác Hồ là: Văn hóa soi đường quốc dân đi!”- Tổng Bí thư nói.

Toàn cảnh Hội nghị Văn hóa toàn quốc – Ảnh: Tuấn Minh

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Tổng Bí thư cũng cho rằng, chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào những hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực văn hóa. Trước tiên đó là văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm. Phát triển các lĩnh vực văn hóa chưa đồng bộ, còn phiến diện, nặng về hình thức. Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới. Môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền còn lớn… Dù đã được nhắc lại trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng nhưng những vấn đề trên chậm được giải quyết, gây hệ luỵ, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội, đến xây dựng con người và môi trường văn hóa.

Nhấn mạnh “phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đây là lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội Đảng, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ những nhiệm vụ trọng tâm dưới đây để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc:

Một là, khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Hai là, xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia – dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.

Ba là, phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa: bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân – thiện – mỹ. Nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân; xây dựng đời sống văn hóa vui tươi, lành mạnh, hạnh phúc; khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền của đất nước.

Bốn là, phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân; tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hóa, của người dân, các dân tộc, các vùng, miền; phát triển các phong trào văn hóa sâu rộng, thực chất; cải thiện điều kiện, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, bảo đảm sự công bằng. Đề cao, phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của những người làm công tác văn hóa.

Năm là, chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng; hiệu quả quản lý của Nhà nước; sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội trong sự nghiệp phát triển văn hóa.

Sáu là, xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với các đại biểu dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc sáng 24-11 – Ảnh: Tuấn Minh

Để chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam theo phương hướng nói trên, trong thời gian tới, theo Tổng Bí thư, chúng ta cần tập trung thực hiện một cách quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp: tiếp tục nâng cao nhận thức, năng lực lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, phải quán triệt nghiêm túc quan điểm “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”; xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trên mọi miền Tổ quốc; xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội… Tổng Bí thư tin tưởng rằng, với một đất nước văn hiến, trọng hiền tài, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, nhân dân đoàn kết, đội ngũ trí thức tâm huyết, tài năng, có trách nhiệm cao với nhân dân với Đảng, với Tổ quốc và tương lai của dân tộc cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ khắc phục được mọi khó khăn, mọi thách thức để chấn hưng, xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 

Nhiều định hướng, giải pháp phát triển văn hóa, con người Việt Nam

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã trình bày Báo cáo tóm tắt về việc “Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; Xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; Các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”. Theo đó, sau 35 năm đổi mới đất nước, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác văn hóa tiếp tục được đổi mới, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa từng bước được nâng cao; xây dựng môi trường văn hóa đạt được nhiều kết quả tích cực; việc xây dựng văn hóa trong chính trị được triển khai gắn với việc đẩy mạnh và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng văn hóa trong kinh tế bước đầu có chuyển biến về nhận thức và hành động; bản sắc, giá trị văn hóa, con người Việt Nam tiếp tục được kế thừa, phát huy cao độ khi đất nước gặp khó khăn, thử thách do thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch COVID-19 từ cuối năm 2019 đến nay. Đồng thời, chúng ta cũng tích cực chủ động hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Văn hóa cũng đã bộc lộ những yếu kém, hạn chế. Quan điểm xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được triển khai mạnh mẽ, chưa thực sự thấm sâu trong các tầng lớp xã hội. Những năm qua, dù kinh tế phát triển, đời sống vật chất được nâng cao, nhưng đời sống văn hóa tinh thần của con người chưa có sự phát triển tương xứng.

Báo cáo đề ra định hướng và nhấn mạnh 9 nhóm giải pháp trọng tâm nhằm xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong thời gian tới: (1) Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững đất nước; (2) Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; (3) Hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, nhân văn, hiện đại; (4) Phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, văn nghệ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt, đặc thù; (5) Xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế, đặc biệt là văn hóa trong Đảng trở thành tấm gương đạo đức cho xã hội, văn hóa doanh nghiệp trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế – xã hội; (6) Phát triển thị trường văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ của người tiêu dùng và thị trường ngoài nước; (7) Xây dựng nền văn hóa, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về chân, thiện, mỹ của các tầng lớp nhân dân; (8) Tập trung nguồn lực từ Nhà nước và các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng con người; (9) Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, xây dựng Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị – Ảnh: Tuấn Minh

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, đã khẳng định những đóng góp tích cực, quan trọng của ngành Văn hóa đối với sự phát triển đất nước. Đồng thời, Bộ trưởng kiến nghị Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ để toàn ngành nỗ lực, tập trung thực hiện các nội dung: Tiếp tục đi sâu nghiên cứu, nâng cao nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 và Kết luận số 76-KL/TW ngày 4/6/2020 trước hết là ở các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa; Xác định nhiệm vụ tham mưu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển văn hóa, thể thao và du lịch là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, đột phá phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ, trên cơ sở xuất phát từ thực tiễn. Giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030 tập trung tham mưu, đề xuất xây dựng các dự án Luật, Nghị định thuộc lĩnh vực văn hóa. Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 với 3 trụ cột tăng cường đầu tư, đổi mới sáng tạo và đột phá thể chế; Định hình hệ sinh thái văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; Phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm; Quan tâm, dành nguồn lực thỏa đáng để đầu tư cho văn hóa. 

Các đại biểu kỳ vọng văn hóa sẽ thực sự được coi là nền tảng phát triển của xã hội, được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội – Ảnh: Trần Huấn

Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã nhận được hơn 150 tham luận gửi về, với những kiến nghị thiết thực, tâm huyết. Đại diện Lãnh đạo thành phố Hà Nội, các tỉnh Thừa Thiên Huế và An Giang, đã có tham luận trình bày nhận thức rõ thời cơ, thách thức trong phát triển văn hóa của địa phương, đồng thời đưa ra những phương hướng, nhiệm vụ cụ thể, thể hiện rõ quyết tâm đối với công cuộc xây dựng nền văn hóa trong thời kỳ mới. Đại diện cho giới văn nghệ sĩ trên cả nước, PGS, TS Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, đã kiến nghị Đảng, Nhà nước và toàn xã hội tạo điều kiện để những tài năng, năng khiếu được phát hiện, đào tạo sớm; tạo điều kiện để đội ngũ văn nghệ sĩ được tôi luyện tài năng; hoàn thiện hệ thống pháp lý để bảo hộ, định hướng cho các hoạt động sáng tạo nghề nghiệp của nghệ sĩ trong điều kiện kinh tế thị trường, mặt khác, phải tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, các hội đoàn và doanh nghiệp văn học nghệ thuật…PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương – Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang có những nỗ lực mạnh mẽ trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Từ cách tiếp cận thể chế, tham luận đã đánh giá hiệu quả đổi mới thể chế và các giải pháp chính sách nhằm tăng cường khả năng chuyển hóa nguồn tài nguyên văn hóa thành sức cạnh tranh, hội nhập quốc tế của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. 

 Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: Đây là Hội nghị mà không chỉ những người làm trong lĩnh vực văn hóa, mà toàn Đảng, toàn dân đều mong đợi, nhằm đánh giá đúng những gì chúng ta đã đạt được, nêu những bất cập, thiếu sót, để chúng ta thống nhất nhận thức, quan điểm, hành động, để chấn hưng văn hóa. 

“…Chúng ta nhận thấy nhu cầu bức thiết phải xây dựng được hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Đây là khát vọng ngàn đời của dân tộc ta, là khát vọng chính đáng thay đổi toàn diện đời sống xã hội và vị thế của đất nước. Hệ giá trị đó cần được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát huy hệ giá trị truyền thống đã từng được thử thách và khẳng định qua lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, đồng thời tiếp thu các giá trị tinh hoa của nhân loại”- Phó Thủ tướng nói. 

Đồng tình với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó Thủ tướng một lần nữa khẳng định rằng, chưa bao giờ đất nước ta có tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như hiện nay. Các nghị quyết của Đảng về văn hóa đã rất đầy đủ, “không thiếu bất cứ điều gì” để ưu tiên phát triển văn hóa, Chiến lược phát triển văn hóa cũng đã có, vì vậy Phó Thủ tướng cho rằng chỉ cần làm đủ những điều như Bác Hồ dạy thôi cũng đủ để chấn hưng, phát triển văn hóa. Ngành Văn hóa phải thực hiện tốt chiến lược này, góp phần khơi dậy khát vọng trong toàn dân tộc về dựng xây đất nước giàu mạnh, hạnh phúc.

Các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” – Ảnh: Tuấn Minh

 VÂN ANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 481, tháng 11-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *