Phát huy tiềm năng văn hóa của các dân tộc thiểu số tại chỗ với phát triển du lịch ở Tây Nguyên hiện nay

1. Những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên có tiềm năng phát triển du lịch

Về tài nguyên thiên nhiên, Tây Nguyên có nhiều giá trị cảnh quan đặc sắc góp phần tạo nên sự hấp dẫn cho phát triển các loại hình du lịch như rừng thông Đà Lạt, hồ Lăk, thác Đray Sáp, thác Trinh Nữ, thác Đray H’Linh trên sông Krông Ana; hệ thống các hồ tự nhiên và nhân tạo như hồ Yaly, Đa Nhin, Biển Hồ…; hệ thống di tích núi lửa ở Lâm Đồng, Gia Lai, các nguồn nước khoáng trên cao nguyên… Ngoài ra, khí hậu vùng cao nguyên ở độ cao 600 – 1300m rất thích hợp tổ chức hoạt động du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch nghiên cứu hệ sinh thái rừng Tây Nguyên… với những nét đặc thù riêng mà ít nơi nào có được.

Về tài nguyên văn hóa, Tây Nguyên là vùng đất đa sắc tộc, đa văn hóa, mang đậm những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc của các dân tộc thiểu số tại chỗ ở đây có khả năng khai thác, xây dựng các sản phẩm du lịch phục vụ du khách.

Về ẩm thực, Tây Nguyên có nhiều món ăn truyền thống mang đậm hương vị núi rừng, được chế biến theo cách thức đặc trưng của các tộc người sinh sống ở đây, có thể kể đến như: gà nướng, cà đắng, cơm lam, bò nướng ống tre, gỏi lá, canh thụt, canh lá nhíp… Những món ăn này có thể đưa vào phục vụ du khách trong những ngày trải nghiệm văn hóa ở Tây Nguyên.

Về nghề thủ công truyền thống, Tây Nguyên hiện còn bảo tồn và phát huy được các nghề thủ công truyền thống nổi tiếng như nghề dệt vải thổ cẩm, đẽo – tạc tượng, đan lát mây tre… Đây chính là tiềm năng để phát triển loại hình du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch trải nghiệm làng nghề, du lịch tìm hiểu bản sắc văn hóa tộc người Tây Nguyên…

Tây Nguyên có một hệ thống các buôn, bon cổ truyền của đồng bào các dân tộc thiểu số hiện còn lưu giữ và bảo tồn những cấu trúc văn hóa mang đặc điểm riêng biệt của mỗi tộc người, thể hiện nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Hệ thống nhà truyền thống của các dân tộc như nhà dài của người Ê đê, Gia rai, Mnông, nhà rông của người Ba na, Xơ đăng, Giẻ Triêng… Mỗi dân tộc lại có những sự khác biệt trong cách xây dựng, bài trí trong ngôi nhà rông, nhà dài. Ngoài ra, Tây Nguyên còn có hệ thống nhà mồ và những công trình điêu khắc dân gian bằng gỗ xung quanh nhà mồ. Nhà mồ thể hiện tập trung nghệ thuật điêu khắc, nghệ thuật hội họa, trang trí và nghệ thuật đan của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, là địa điểm thu hút du khách đến thăm quan Tây Nguyên.

Đội Cồng chiêng huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng – Ảnh: Hà Hữu Nết

Cùng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, Tây Nguyên còn có hệ thống lễ hội đặc sắc, có không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, những hình thức diễn xướng dân gian như múa, sử thi… có thể khai thác phát triển du lịch. Những lễ hội đặc sắc ở Tây Nguyên như lễ bỏ mả, tục ăn trâu, lễ cúng bến nước, hội đua voi… mang những đặc trưng rất riêng, khó có thể tìm thấy ở vùng đất nào. Đặc biệt, các lễ hội ở Tây Nguyên không thể thiếu âm thanh của cồng chiêng. Cồng chiêng có mặt trong hầu hết các nghi lễ của cá nhân, gia đình và cả cộng đồng. Mỗi tộc người có những nét riêng với nhiều bản cồng chiêng khác nhau. Nét đặc trưng của âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên là mô phỏng âm thanh và nhịp điệu nguyên sơ của thiên nhiên, núi rừng. Mỗi dịp tổ chức lễ hội, dòng người nhảy múa quanh ngọn lửa bên vò rượu cần, trong tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng đã tạo ra cho Tây Nguyên không gian lãng mạn và hùng tráng. Trong các lễ hội, cũng không thể thiếu những điệu múa truyền thống của những cô gái, chàng trai của các tộc người Tây Nguyên. Ví như múa rông chiêng thường diễn ra trong các lễ hội, múa hát xung quanh ché rượu, các cô gái múa những điệu diễn tả động tác làm nương, may vá thêu thùa, trong khi các chàng trai biểu diễn điệu múa khiên diễn tả các động tác săn bắt và chiến trận. Tham dự lễ hội, du khách có thể trải nghiệm và thưởng thức nhiều loại hình văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Tây Nguyên.

Như vậy, Tây Nguyên với đặc trưng văn hóa đặc sắc và phong phú của các dân tộc thiểu số là nguồn tiềm năng rất lớn để đưa vào khai thác, phát triển du lịch văn hóa. Vậy làm thế nào để đánh thức những tiềm năng này, làm cho văn hóa đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Tây Nguyên, đồng thời là cách để bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc một cách hiệu quả nhất, là một vấn đề lớn đang đặt ra.

2. Một số giải pháp phát triển du lịch dựa vào văn hóa của các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên

Thời gian qua, văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số được đưa vào để phát triển du lịch nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Du khách đến buôn làng, nhưng chưa thực sự được sống và trải nghiệm trong không gian văn hóa của người dân nơi đây. Sự tham gia của cộng đồng các dân tộc thiểu số nơi đây vào hoạt động du lịch còn hạn chế. Các sản phẩm lưu niệm mang dấu ấn văn hóa của đồng bào bán cho du khách còn nghèo nàn, đơn điệu… Vì vậy, để phát huy tiềm năng văn hóa của các dân tộc thiểu số vào phát triển du lịch ở Tây Nguyên, cần chú trọng một số giải pháp:

Thứ nhất, các tỉnh Tây Nguyên cần kết hợp tổng điều tra, kiểm kê các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đang lưu giữ tại các buôn làng để lựa chọn những buôn làng có tiềm năng phát triển du lịch, xây dựng các làng văn hóa du lịch. Việc xây dựng các làng văn hóa du lịch có thể chọn một buôn làng có sẵn hoặc quy hoạch những buôn làng mới với không gian giống như không gian cổ truyền và đưa đồng bào dân tộc về sinh sống, sinh hoạt ở đó. Việc xây dựng các buôn làng văn hóa du lịch cần theo từng dân tộc để du khách có thể cảm nhận toàn bộ, tổng thể đời sống văn hóa và không gian văn hóa của tộc người đó. Điều này sẽ tạo ra tính độc đáo, đa dạng của sản phẩm du lịch ở Tây Nguyên, tránh trường hợp du khách chỉ cần đến một buôn làng ở Tây Nguyên đã thấy là đủ. Để xây dựng được các làng văn hóa du lịch, đòi hỏi phải có sự phối hợp của cả chính quyền địa phương, công ty lữ hành, các nhà nghiên cứu và chính đồng bào dân tộc thiểu số. Chính quyền nhà nước ở địa phương có thể ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng kết nối từ trung tâm, thành phố đến các buôn làng phát triển du lịch và kết cấu hạ tầng trong nội bộ buôn làng. Chính quyền có những chính sách ưu đãi, thu hút kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển hạ tầng du lịch trong buôn làng như xây dựng các điểm tập trung bán hàng lưu niệm cho du khách, các điểm trình diễn cách thức làm sản phẩm truyền thống của đồng bào dân tộc để du khách có thể tham quan, trải nghiệm, mua sắm. Những hộ đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng hạ tầng đó có thể phải trả một khoản phí nhất định cho các doanh nghiệp đầu tư. Chính quyền địa phương cũng có thể hỗ trợ kinh phí để đồng bào dân tộc thiểu số phục dựng lại những giá trị văn hóa vật thể, như hỗ trợ kinh phí cho đồng bào dựng nhà rông, nhà dài, mua cồng chiêng… Các nhà nghiên cứu văn hóa và đồng bào dân tộc thiểu số cần kết hợp với nhau để xác định những giá trị văn hóa đặc sắc mang tính đặc thù của tộc người, khôi phục lại những giá trị văn hóa đã bị mai một và tiếp tục duy trì, phát huy những giá trị văn hóa vẫn đang tồn tại trong cộng đồng để phục vụ cho phát triển du lịch. Sau khi đã xác định các giá trị, chính đồng bào dân tộc thiểu số phải là người phục dựng, bảo lưu và giữ gìn các giá trị văn hóa. Việc phát triển các buôn làng văn hóa du lịch với sự tham gia trực tiếp của chính đồng bào dân tộc thiểu số sẽ giúp du khách được trải nghiệm các giá trị văn hóa trong môi trường thực của nó.

Thứ hai, chia sẻ hài hòa lợi ích của các chủ thể trong phát triển du lịch văn hóa tại các buôn làng ở Tây Nguyên.

Để khai thác, đưa văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số vào phát triển du lịch, cần phải có sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước, các công ty du lịch, lữ hành, các nhà nghiên cứu văn hóa và chính bản thân đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên. Vì vậy, cần có sự chia sẻ lợi ích một cách hài hòa giữa các chủ thể tham gia vào chuỗi du lịch này. Khi xây dựng được các buôn làng văn hóa du lịch cần phối hợp với các công ty, lữ hành để họ đưa buôn làng đó thành điểm đến trong tour. Các công ty, lữ hành đóng vai trò chính trong việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh của buôn làng, là cầu nối đưa du khách đến với buôn làng, nên họ cần được chia sẻ lợi ích phù hợp. Ngược lại, các công ty lữ hành đã thu phí trọn gói tour tuyến du lịch đến các buôn làng, cũng cần có sự chia sẻ lợi ích với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ – những người trực tiếp cung cấp dịch vụ phục vụ du khách. Ngoài ra, đồng bào có thể được hưởng lợi ích từ một số dịch vụ khác như bán các sản phẩm truyền thống cho du khách… Khi có sự chia sẻ lợi ích một cách công bằng, các chủ thể đều tích cực tham gia phát triển du lịch văn hóa buôn làng.

Thứ ba, đẩy mạnh đào tạo đồng bào dân tộc thiểu số trở thành nguồn nhân lực du lịch chính trong phát triển du lịch văn hóa.

Đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên không chỉ là chủ thể giữ gìn, bảo lưu các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình trong sinh hoạt hằng ngày, mà khi buôn làng trở thành điểm du lịch phục vụ du khách, thì đồng bào còn phải trở thành hướng dẫn viên du lịch, giới thiệu những nét đẹp trong văn hóa của dân tộc mình tới du khách. Vì vậy, các cấp chính quyền ở Tây Nguyên cần có sự hỗ trợ trong đào tạo người dân tộc thiểu số trở thành nguồn nhân lực du lịch chính. Đồng bào phải có hiểu biết sâu về những giá trị văn hóa của chính dân tộc mình để giới thiệu tới du khách. Đồng thời, cần phải có những kỹ năng giao tiếp, phục vụ khách hàng cần thiết. Vì vậy, chính quyền địa phương cần phối hợp với các trường đào tạo nhân lực du lịch, các nhà văn hóa hỗ trợ mở lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm du lịch cho đồng bào. Cần có chính sách ưu tiên con em đồng bào dân tộc trong buôn làng có phát triển du lịch được đào tạo chính quy tại các trường đào tạo du lịch chuyên nghiệp.

Thứ tư, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch khai thác giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Để có thể khai thác tiềm năng văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số vào phát triển du lịch, mang lại nguồn lợi kinh tế lớn nhất cho đồng bào, cần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Ví dụ, có thể làm các mô hình nhà rông, nhà dài bằng chính nguyên liệu có sẵn, mô hình dàn cồng chiêng của các dân tộc để bán cho du khách làm đồ lưu niệm, vừa quảng bá được văn hóa vừa tăng thu cho đồng bào. Đồng bào có thể cho du khách thuê trang phục truyền thống để mặc chụp hình hoặc mở thêm các dịch vụ trải nghiệm văn hóa cho du khách như tham gia vào quy trình dệt thổ cẩm truyền thống, quy trình nấu rượu cần…

Tiềm năng văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên để phát triển du lịch là rất lớn. Trong thời gian qua, chúng ta chưa khai thác hết tiềm năng vì thiếu một cách làm bài bản, có sự liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể, giữa các tỉnh, địa phương ở Tây Nguyên. Vì vậy, một chiến lược, tư duy làm du lịch văn hóa một cách tổng thể, dài hạn, chuyên nghiệp là điều rất cần thiết để đưa văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số thực sự đóng góp có hiệu quả vào sự phát triển bền vững ở Tây Nguyên.

______________

Tài liệu tham khảo

1. Bùi Minh Đạo, Vai trò của các dân tộc thiểu số tại chỗ trong phát triển bền vững vùng Tây Nguyên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2017.

2. Bùi Quang Thanh, Văn hóa tộc người và phát triển bền vững, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 9, 2008.

3. Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, Di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Nxb Văn hóa dân tộc, 2017.

Tác giả: Nguyễn Tiến Thư

Nguồn: Tạp chí VHNT số 429, tháng 3-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *