Phát triển du lịch bền vững gắn với các giá trị đặc trưng của Công viên Địa chất Đắk Nông

Hình ảnh Công viên địa chất Đắk Nông – Ảnh: internet

Đắk Nông là tỉnh có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng trong khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Đây là nơi cư trú lâu đời của cộng đồng các dân tộc thiểu số tại chỗ, đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của đồng bào gắn liền với núi rừng, nương rẫy, mang nếp sống, lối sống văn hóa, văn minh nương rẫy, văn minh núi rừng. Đắk Nông hiện còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa có giá trị, tiêu biểu là di sản cồng chiêng và diễn tấu văn hóa cồng chiêng, các loại nhạc cụ truyền thống, sử thi huyền thoại, kể khan, lễ hội, các làn điệu dân ca, dân vũ và nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, điêu khắc… những hoạt động văn hóa phản ánh nếp sống, phương thức sinh hoạt mang bản sắc riêng của các tộc người dân tộc thiểu số tại chỗ, đồng thời thể hiện vẻ đẹp mang bản sắc riêng của Đắk Nông. Tháng 7-2020, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Nghị quyết chính thức Công nhận công viên Địa chất (CVĐC) Đắk Nông tỉnh Đắk Nông là CVĐC toàn cầu.

1. Tiềm năng phát triển du lịch của CVĐC Đắk Nông

CVĐC Đắk Nông có diện tích rộng trên 4.700km2, chiếm hơn 2/5 diện tích tự nhiên của tỉnh Đắk Nông, nằm ở phía Tây Nam của vùng Tây Nguyên, đoạn cuối dãy Trường Sơn với ranh giới trải dài trên 5 huyện và 1 thành phố của tỉnh là Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk G’Long và thành phố Gia Nghĩa. CVĐC Đắk Nông là nơi hội tụ các giá trị tiêu biểu về địa chất địa mạo, khảo cổ, giá trị di sản văn hóa và đa dạng sinh học đặc trưng của khu vực. Mỗi dân tộc nơi đây với bản sắc văn hóa truyền thống phong phú, độc đáo đã đem lại cho CVĐC Đắk Nông giá trị tự thân hiếm thấy, một diện mạo văn hóa đặc sắc giữa đại ngàn Tây Nguyên. Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của CVĐC Đắk Nông là nguồn tài nguyên phong phú, đặc sắc, có sức hấp dẫn mạnh mẽ, thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước và quốc tế.

Theo đánh giá của các nhà khoa học trong và ngoài nước, CVĐC Đắk Nông hiện có khoảng 65 điểm di sản, địa mạo, bao gồm hệ thống các miệng núi lửa, hệ thống hang động núi lửa và thác nước. Trong đó, có 5 núi lửa, gồm: núi lửa Nâm Dơng, Băng Mo (huyện Cư Jút), Nâm Blang, Nâm Kar (huyện Krông Nô), Nâm Gle (huyện Đắk Mil) và hàng chục hang động lớn nhỏ khác nhau với tổng chiều dài khoảng 25km, từ miệng núi lửa Buôn Choáh dọc theo sông Sêrêpốk đến khu vực thác Đray Sáp. Tại nhiều hang động núi lửa, các nhà khoa học khám phá và ghi nhận nhiều nét độc đáo về địa chất, tự nhiên cũng như dấu tích hoạt động của người tiền sử. Trong hệ thống hang động núi lửa có nhiều di vật khảo cổ có mật độ dày đặc và là bằng chứng con người tiền sử sinh sống tại đây từ hậu kỳ đồ đá cũ (6.000 năm) đến hậu kỳ đá mới và sơ kỳ kim khí (4.000 đến 3.000 năm trước CN). Các di vật khảo cổ được phát hiện bao gồm đồ đá, đá nguyên liệu, những công cụ đá hình đĩa, rìu ngắn, công cụ mảnh tước, phiến tước, hòn ghè, hòn kê, hòn mài và nhiều loại vật dụng với độ dày, mỏng khác nhau được làm từ đất sét pha cát… Trong đó, một số hang động như hang C7 có chiều dài 1.067m được xác định là hang động dung nham dài nhất Đông Nam Á; hang C6.1 dài hơn 968m, có nhiều dấu tích cư trú, sinh sống của người tiền sử cách đây từ 7.000-10.000 năm; hang C3 (hay còn gọi là hang Dơi) dài 594m… Hệ thống hang động núi lửa trong CVĐC Đắk Nông đã được Hiệp hội Hang động Núi lửa Nhật Bản xác lập kỷ lục Đông Nam Á về cả quy mô, độ dài và tính độc đáo. Trong đó, hệ thống hang động núi lửa Krông Nô là hang động dung nham dài và đẹp nhất Đông Nam Á. Bên trong các hang động có nhiều cấu tạo đặc trưng của quá trình phun trào núi lửa như ngấn dung nham, dòng chảy dung nham, hố sụt cùng các di tích thực vật và quá trình đông cứng dung nham bazan xảy ra cách đây hàng triệu năm. Đồng thời, trong các hang động còn ẩn chứa nhiều điều bí mật về cơ chế thành tạo, các tổ hợp khoáng vật, đa dạng sinh học và di chỉ khảo cổ. Với những giá trị đặc trưng về địa chất địa mạo, CVĐC Đắk Nông phù hợp để ngành Du lịch địa phương khai thác và phát triển các mô hình du lịch như: du lịch khám phá, mạo hiểm, trải nghiệm…

Bên cạnh đó, CVĐC Đắk Nông còn là nơi lưu giữ các giá trị đặc trưng của sự đa dạng sinh học trong khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, Vườn quốc gia Tà Đùng, rừng đặc dụng – cảnh quan Đray Sáp và Vườn quốc gia Yok Đôn (xã Ea Pô, huyện Cư Jút). Các khu bảo tồn này là nơi chứa đựng những giá trị về đa dạng sinh học như đa dạng hệ sinh thái, đa dạng và phong phú về thành phần loài động, thực vật với nhiều giống, loài quý hiếm, có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới đã và đang được bảo tồn như: voi, hổ, bò rừng và nhiều loài linh trưởng (voọc đen má trắng, chà vá chân đen, bò sát, chim hồng hoàng, gà tiền mặt đỏ)…; sồi ba cạnh, đỉnh tùng, giáng hương, căm xe… CVĐC Đắk Nông còn có nhiều hồ nước tự nhiên như hồ Ea Snô, hồ Tây… được tạo thành từ những sụt võng kiến tạo, các miệng núi lửa độc đáo và hệ thống các thác nước đẹp, hùng vĩ như: thác Gia Long, Trinh Nữ, Dray Sáp, thác Trượt, Liêng Nung… phù hợp phát triển loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm, nghỉ dưỡng…

CVĐC Đắk Nông còn là khu vực đa dạng về văn hóa xã hội, chứa đựng nhiều giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, có bề dày lịch sử như: Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Sử thi Ót N’drong và nhiều di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu như ngục Đắk Mil, Căn cứ kháng chiến B4 – Liên tỉnh IV, Di tích lịch sử lưu niệm N’Trang Gưh, địa điểm chiến thắng đồi 722 – Đắk Sắk… Nơi đây còn là nơi cư trú của nhiều dân tộc thiểu số như: M’nông, Ê đê, Mạ… có đời sống văn hóa tinh thần đa dạng, phong phú thể hiện rõ nét qua tín ngưỡng dân gian, nghi lễ gắn liền với những mốc quan trọng của vòng đời con người và vạn vật, lễ hội truyền thống như: lễ khai sinh đặt tên, lễ hội nhập bon, lễ hội cầu mưa, lễ ăn cơm mới, lễ cúng mừng sức khỏe già làng, lễ thượng thọ, lễ mừng nhà mới, lễ dọn nương rẫy, lễ ăn mừng lúa mới… nghệ thuật diễn xướng, nghệ thuật cồng chiêng, các trò chơi dân gian, nghề truyền thống.

Hiện nay, tỉnh Đắk Nông đã khôi phục được gần 50 lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và có khoảng 823 nghệ nhân còn sử dụng được cồng chiêng, 261 nghệ nhân biết chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc, 301 nghệ nhân biết và hát những làn điệu dân ca, 106 nghệ nhân biết và kể được truyện cổ, 139 nghệ nhân biết kể luật tục và phong tục tập quán truyền thống, 652 nghệ nhân biết dệt thổ cẩm truyền thống, 39 nghệ nhân biết làm cây nêu truyền thống (1) góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Nhiều bon, buôn tại tỉnh Đắk Nông vẫn bảo lưu được những giá trị văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc của cộng đồng các tộc người nơi đây như: bon Nui, bon Buôr (huyện Cư Jút), bon Pi Nao (huyện Đắk R’lấp), bon N’Jriêng (thành phố Gia Nghĩa)…

Với những tiềm năng về tài nguyên, cảnh quan thiên nhiên, những giá trị độc đáo, nổi bật, cùng với truyền thống lịch sử – văn hóa độc đáo của các tộc người nơi đây đã và đang mở ra cho Đắk Nông những cơ hội lớn để phát triển du lịch địa phương. Lựa chọn mô hình du lịch phù hợp và những giải pháp phát huy hiệu quả các giá trị đặc trưng của CVĐC Đắk Nông trong phát triển du lịch sẽ góp phần đưa Đắk Nông trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

2. Phát huy giá trị du lịch của CVĐC Đắk Nông

Trong thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đắk Nông đã có nhiều định hướng bảo tồn, phát huy giá trị của CVĐC Đắk Nông. Kế hoạch số 476/KH-UBND ngày 8-9-2020 của UBND tỉnh Đắk Nông Thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã nhấn mạnh: “Phát triển du lịch bền vững, theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả; đa dạng hóa sản phẩm du lịch trong đó, chú trọng phát triển du lịch gắn với CVĐC Đắk Nông; phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp công nghệ cao và bảo tồn, phát huy các giá trị di sản và bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông”. Trong đó, một trong những nhiệm vụ đột phá được đưa ra: “Tập trung phát triển du lịch cộng đồng, xem đây là giải pháp hữu ích để góp phần xóa đói, giảm nghèo”. Trong Chương trình số 18 ngày 26-7-2021 về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII về phát triển du lịch và gắn du lịch với CVĐC Đắk Nông giai đoạn 2021-2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông đã đưa ra mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2025, Đắk Nông là điểm đến hấp dẫn về du lịch địa chất và sinh thái của khu vực, hướng đến đạt mục tiêu đến năm 2030 phát triển tỉnh trở thành trung tâm của du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái dựa trên lợi thế khí hậu và cảnh quan. Khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế về tài nguyên du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, giá trị văn hóa – đặc trưng sinh thái bản địa CVĐC Đắk Nông. Khai thác phát huy được tiềm năng, lợi thế và tối đa hóa lợi ích từ CVĐC Đắk Nông gắn với phát triển du lịch bền vững của địa phương. Đồng thời, đảm bảo tính bền vững trong khai thác, phát huy giá trị đặc trưng của CVĐC Đắk Nông, cần thiết phải lựa chọn những mô hình du lịch phù hợp với tiềm năng và các giá trị đặc trưng của CVĐC Đắk Nông đem lại hiệu quả cho ngành Du lịch địa phương. Trong đó, địa phương cần xác định sản phẩm du lịch đặc thù là phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng làm nền tảng và du lịch sinh thái, trải nghiệm, khám phá, nghỉ dưỡng là sản phẩm đặc trưng của du lịch tỉnh Đắk Nông. Giải quyết được vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị đặc trưng của CVĐC Đắk Nông gắn với phát triển du lịch cộng đồng sẽ góp phần phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đồng thời, góp phần vào việc thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng “Kết hợp hài hòa việc bảo vệ, phát huy các di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế du lịch” (2).

Cộng đồng địa phương là cốt lõi của việc phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch cộng đồng. Đây là loại hình du lịch có nhiều ưu điểm, nhưng để đạt được hiệu quả cần có căn cứ khoa học để đưa ra mô hình phát triển du lịch cộng đồng phù hợp. Du lịch cộng đồng là cách thức phát triển du lịch mà ở đó người dân địa phương được tham gia trực tiếp vào việc xây dựng, quản lý và điều hành các hoạt động du lịch, trực tiếp tham gia các sản phẩm du lịch. Việc phát triển du lịch dựa vào cộng đồng gắn với các giá trị đặc trưng của CVĐC Đắk Nông đang trở thành xu hướng phát triển tất yếu trong lĩnh vực du lịch. Trước tiên, đó là những lợi ích về kinh tế – xã hội, tạo ra nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao đời sống cho cộng đồng địa phương thông qua các dịch vụ du lịch, tạo điều kiện cho việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử, sự đa dạng của thiên nhiên nơi có hoạt động du lịch. Sau nữa, là lợi ích đem lại cho khách du lịch trong việc thụ hưởng các giá trị đặc trưng của CVĐC Đắk Nông mà trước đó họ chưa biết tới.

Với hơn 70% dân số làm nông nghiệp, lại có nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc của 40 dân tộc anh em đến từ các vùng, miền và nhiều tiềm năng, Đắk Nông có lợi thế về tài nguyên đất đai, nguồn nước, nguồn nhân lực, điều kiện sinh thái phù hợp cho phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là những loại nông sản, đặc sản có ưu thế như: cà phê, hồ tiêu, mắc ca, bơ… Nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã được nhiều người biết đến như: gạo Buôn Choáh, hạt tiêu trắng Đắk Song, khoai lang, hạt mắc ca Tuy Đức, ổi Đắk Glong, sầu riêng… Đồng thời, tỉnh Đắk Nông đã lựa chọn 44 điểm di sản, hình thành 3 tuyến du lịch của CVĐC Đắk Nông mang tên Xứ sở của những âm điệu với các chủ đề: Trường ca của lửa và nước, Bản giao hưởng của làn gió mớiÂm vang từ trái đất. Các tuyến du lịch này đem đến cho du khách những khám phá, trải nghiệm lý thú về sự đa dạng của văn hóa tộc người với nhiều giá trị độc đáo về tất cả các loại hình văn hóa theo đặc trưng riêng của mỗi tộc người.

Các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học và đa dạng về địa chất địa mạo của CVĐC Đắk Nông là những tiềm năng, lợi thế để ngành Du lịch địa phương phát triển loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm, mạo hiểm, khám phá, nghỉ dưỡng… Trong phát triển sản phẩm du lịch, ngành Du lịch địa phương cần nghiên cứu, xây dựng sản phẩm của từng loại hình du lịch phù hợp với từng hình thức tổ chức khác nhau như: du lịch gia đình, theo đoàn, cá nhân… Điều này sẽ góp phần phát triển kinh tế bền vững, đảm bảo sự phát triển của thế hệ hôm nay không ảnh hưởng đến các thế hệ mai sau.

Phát triển du lịch nhanh chóng, mà không tuân theo quy hoạch, hướng tới phát triển bền vững sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, thậm chí có những tác động tiêu cực tới di sản văn hóa, thiên nhiên, cảnh quan môi trường. Do tính chất nhạy cảm và dễ bị tổn thương của di sản, mà quá trình phát triển du lịch ồ ạt thiếu kiểm soát, bị khai thác thương mại hóa quá mức, lạm dụng di sản… sẽ làm cho di sản nhanh xuống cấp, méo mó, nhạt nhòa giá trị văn hóa, nguy cơ phai nhòa bản sắc, phá vỡ tính nguyên vẹn của di sản, mai một truyền thống và lối sống địa phương, gia tăng chia rẽ cộng đồng, xung đột lợi ích… Để bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị đặc trưng của CVĐC Đắk Nông gắn với phát triển du lịch bền vững, đưa tỉnh Đắk Nông trở thành một trong những điểm sáng về phát triển du lịch vùng Tây Nguyên cũng như của cả nước, địa phương cần nghiên cứu xây dựng và lựa chọn những mô hình du lịch phù hợp với từng giá trị đặc trưng và có các giải pháp sát thực, khả thi với từng loại hình du lịch theo mục đích của chuyến đi và hình thức tổ chức. Đồng thời, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp với sự phối hợp, tư vấn của các bộ, ngành liên quan, các địa phương lân cận có thế mạnh về du lịch trong việc hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, trong đó cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản như: Làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân về phát triển du lịch; Tăng cường nguồn lực đầu tư hạ tầng du lịch; Đầu tư nâng cao năng lực và chất lượng cung ứng du lịch; Xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch gắn với những sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương.

Những giá trị di sản đặc trưng về địa chất, địa mạo, giá trị di sản thiên thiên với vẻ đẹp hùng vĩ, đa dạng sinh học đặc trưng và giá trị di sản văn hóa của CVĐC Đắk Nông là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc tỉnh Đắk Nông nói riêng, của Việt Nam và nhân loại nói chung. Mỗi dân tộc nơi đây với bản sắc văn hóa truyền thống phong phú, độc đáo đã đem lại cho CVĐC Đắk Nông giá trị tự thân hiếm thấy, một diện mạo văn hóa đặc sắc giữa đại ngàn Tây Nguyên. Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đặc trưng của CVĐC Đắk Nông gắn với phát triển du lịch sẽ góp phần phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (3).

______________

1. Lê Ngọc Quang, Tiềm năng, lợi thế và thực trạng phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Đắk Nông hiện nay, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với các giá trị đặc trưng của Công viên địa chất toàn cầu tỉnh Đắk Nông – Thực trạng và giải pháp, Hà Nội, tháng 10-2021.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, tr.107.

3. Nghiên cứu này được thực hiện từ nguồn kinh phí của đề tài khoa học cấp tỉnh của tỉnh Đắk Nông năm 2021: Nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với giá trị đặc trưng của Công viên địa chất toàn cầu tỉnh Đắk Nông.

TS LÊ THỊ BÍCH THỦY – Ths LÊ THỊ THANH HƯƠNG – Ths LÊ THỊ HỒNG NHUNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 485, tháng 1-2022

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *