Phát triển kinh tế tư nhân ở Hà Nội (2010-2020): Kết quả và một số kinh nghiệm bước đầu


Những năm gần đây,
kinh tế tư nhân (KTTN) ở
nước ta phát triển khá
nhanh và mạnh, trở thành
động lực quan trọng của
nền kinh tế. Hà Nội với vị
thế thuận lợi hơn so với
các địa phương khác
trong cả nước về phát
triển kinh tế theo hướng
đa dạng hóa các ngành
nghề nói chung và KTTN
nói riêng. Ngay từ những
năm đầu thực hiện đường
lối đổi mới, Thành ủy,
HĐND, UBND TP.Hà Nội đã
có nhiều chủ trương, biện
pháp đồng thời tạo lập
môi trường thuận lợi
nhằm khuyến khích và
thúc đẩy KTTN phát triển.
Đặc biệt, trong giai đoạn
2010-2020, KTTN trực
tiếp góp phần tạo ra
nhiều công ăn việc làm,
nâng cao đời sống của
nhân dân

1. Chủ trương của Đảng bộ thành phố Hà Nội

Sau khi mở rộng địa giới hành chính (2008), Đảng bộ Hà Nội đã tiến hành Đại hội Đảng lần thứ XV (10-2010) trên tinh thần quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng (4-2006), Đại hội đã xác định: “Đổi mới toàn diện và mạnh mẽ cơ cấu kinh tế ngành, kinh tế vùng và các thành phần kinh tế: Chuyển dịch kinh tế vùng, theo xu hướng ưu tiên phát triển các vùng ven đô, ngoại thành gắn với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Đa dạng hóa các loại hình doanh nghiệp, phát triển mạnh mẽ các thành phần kinh tế. Tạo điều kiện thuận lợi để các loại hình doanh nghiệp đầu tư, phát triển theo quy định của pháp luật. Tạo môi trường phát triển mạnh khu vực KTTN, kinh tế hợp tác xã và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài” (1).

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XV của thành phố, ngày 9-9-2011, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 03-CT/TU trong đó nhấn mạnh: Phát triển KTTN bền vững về cả mặt số lượng và chất lượng, đặc biệt chú trọng nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế; hình thành mô hình doanh nghiệp hiện đại, gắn kết vào mạng sản xuất toàn cầu và chuỗi giá trị quốc tế; tạo dựng và phát triển các sản phẩm có thương hiệu mạnh, các doanh nghiệp, tập đoàn mạnh, các cụm ngành có lợi thế cạnh tranh của Thủ đô. Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh trong khu vực KTTN (2).

Tiếp tục thực hiện phương hướng phát triển KTTN, Đại hội Đảng bộ Hà Nội lần thứ XVI (2015-2020) xác định: “Tiếp tục củng cố quan hệ sản xuất, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đa dạng hóa các loại hình doanh nghiệp, khuyến khích phát triển khu vực KTTN phát triển mạnh cả về quy mô, số lượng và chất lượng, đồng thời có những chính sách ưu đãi về vốn sản xuất, đất đai… để kích thích khu vực kinh tế này đầu tư đa dạng vào các lĩnh vực trên nhiều địa bàn” (3).

Đặc biệt, sau khi có Nghị quyết số 10-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về: “Phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, ngày 1-9-2017, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 18-CTr/TU về: “Phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” trong đó xác định: “Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho KTTN và hỗ trợ KTTN đổi mới, sáng tạo với định hướng phát triển bền vững cả về số lượng và chất lượng; đặc biệt chú trọng đến hiệu quả, sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế”. Đồng thời chương trình cũng xác định một số mục tiêu: “Hằng năm có 30-35% doanh nghiệp tư nhân có hoạt động đổi mới, sáng tạo; năng suất lao động tăng 4-5%/năm; phấn đấu đến năm 2020 trên địa bàn có 400.000 doanh nghiệp hoạt động” (4).

Quán triệt và thực hiện các Nghị quyết, chương trình công tác của Thành ủy về phát triển KTTN, trong giai đoạn 2010-2020, Hà Nội và các ngành chức năng đã có nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn cho KTTN phát triển. Đồng thời UBND thành phố còn ban hành nhiều văn bản nhằm đổi mới cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ về vốn, khoa học… nhằm nâng cao hiệu quả KTTN. Những chủ trương, chính sách và những giải pháp của Hà Nội đã tạo điều kiện cho KTTN phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào phát triển bền vững kinh tế – xã hội của Thủ đô.

2. Kết quả và một số kinh nghiệm bước đầu

Trong giai đoạn 2011-2015, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,93%, gấp 1,58 lần mức tăng trưởng bình quân của cả nước. Quy mô GRDP năm 2015 đạt khoảng 27,6 tỷ USD, tăng gấp 1,8 lần so với năm 2010 trong đó khu vực KTTN đóng góp 38,9%, kinh tế nhà nước đóng góp 43,6% và kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng góp 16,5% kinh tế Thủ đô. KTTN phát triển mạnh ở các ngành dịch vụ và công nghiệp làm cho cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm 54%, công nghiệp – xây dựng chiếm 41,5% và nông nghiệp 4,5% (5). Số lượng doanh nghiệp tư nhân được đăng ký mới tiếp tục tăng mạnh, nếu như năm 2010 Hà Nội có 58.054 doanh nghiệp tư nhân trên tổng số 59.972 doanh nghiệp, thì đến năm 2015 số doanh nghiệp tư nhân là 105.501 trên tổng số 108.098 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tư nhân cũng đã giải quyết việc làm cho một lực lượng lao động lớn của Thủ đô (6).

May hàng xuất khẩu tại Công ty May Đức Giang, Hà Nội 

Ảnh: kinhtedothi.vn

Giai đoạn 2015-2020, tính đến ngày 1-10-2020, Hà Nội có 299.741 doanh nghiệp tư nhân đăng ký kinh doanh. Về quy mô, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, số vốn đăng ký bình quân khoảng từ 5-10 tỷ đồng và sử dụng từ 20 đến 200 lao động. Thu nhập bình quân của người lao động đạt trên 5 triệu đồng/ người/ tháng. Chỉ tính riêng năm 2017, KTTN của Hà Nội đã nộp vào ngân sách Nhà nước 194.605 tỷ đồng, chiếm 62,44% tổng số tiền nộp ngân sách Nhà nước, về kim ngạch xuất khẩu: khu vực KTTN đạt 4.033.045 nghìn USD, chiếm tỷ trọng 34,4%; các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 5.988.560 nghìn USD, chiếm tỷ trọng 51,2%. Tỷ trọng trong GRDP: khu vực KTTN đạt 40%, của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 15%. Tại thời điểm 1-10-2018, các đơn vị KTTN của Hà Nội đã sử dụng 3.926.984 lao động, nếu kể cả số lao động tuyển dụng để thay thế do các nguyên nhân, đơn vị KTTN của Hà Nội đã sử dụng trên 5.000.000 lao động. Thu nhập tương đối cao và tăng nhanh của lao động trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước góp phần cải thiện và nâng cao mức sống người dân Thủ đô. Nhiều đơn vị KTTN phát triển đạt doanh thu hàng nghìn tỷ đồng/ năm, như Tập đoàn Hòa Phát, Vincom, T&T, Bitexco, FPT, Geleximco… (7).

Cùng với những lợi ích về kinh tế, KTTN của Hà Nội đã đóng góp đáng kể trong việc giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh trong quá trình hình thành và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đã tạo ra áp lực tích cực, buộc các doanh nghiệp nhà nước phải đổi mới để tồn tại; thu hút, sử dụng lao động dôi dư trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giảm sức ép cho xã hội. Các doanh nghiệp tư nhân đã gắn chặt với cộng đồng dân cư, giữ vai trò quan trọng trong xây dựng hạ tầng kinh tế – xã hội, trong xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm… là nhân tố nòng cốt xây dựng nông thôn mới, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở (8).

Văn kiện Đại hội XVII Đảng bộ Hà Nội đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của thành phố (nhiệm kỳ 2015-2020) khẳng định: bình quân giai đoạn 2016-2020, GRDP ước tăng 7,39%, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (6,93%). Năm 2020, quy mô GRDP ước đạt 1,06 triệu tỷ đồng (45 tỷ USD), GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2015, gấp 1,8 lần bình quân cả nước. Tỷ lệ đóng góp vào phát triển kinh tế của Thủ đô của các khu vực KTTN, kinh tế nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lần lượt là 40%, 39,6% và 21,4%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng hiện đại, tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng, khu vực nông nghiệp giảm còn 2,09%. Môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, hỗ trợ tích cực doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo. Khu vực KTTN có bước phát triển, giải quyết khoảng 83% lao động xã hội. Doanh nghiệp mới thành lập tăng cả về số lượng và vốn đăng ký. Lũy kế 5 năm có khoảng 130 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, gấp 1,6 lần giai đoạn trước, vốn đăng ký bình quân khoảng 14,2 tỷ đồng, gấp 2 lần so với giai đoạn 2011-2015 (9).

Tuy nhiên, các đơn vị KTTN Hà Nội vẫn còn một số hạn chế như: phát triển còn mang nặng tính tự phát chưa có quy hoạch định hướng rõ ràng nên hoạt động thiếu tính ổn định, bền vững; trình độ phát triển nói chung còn thấp, quy mô nhỏ, manh mún, ít liên kết nhau hoặc với kinh tế nhà nước; đa số đầu tư vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận trước mắt, hoạt động với mục tiêu hướng nội phạm vi hẹp; năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp…

Từ thực tiễn quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Hà Nội về phát triển KTTN giai đoạn 2010-2020 rút một số kinh nghiệm bước đầu:

Một là, quán triệt sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển KTTN phù hợp với điều kiện cụ thể của Hà Nội.

Nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước là vấn đề mang tính nguyên tắc đối với các Đảng bộ địa phương. Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KTTN là căn cứ khoa học, cơ sở pháp lý để Đảng bộ các tỉnh, thành phố quán triệt, vận dụng để đề ra chủ trương, chính sách phát triển KTTN tại từng địa phương.

Nhận thức sâu sắc được vấn đề trên, Đảng bộ Hà Nội đã có nhiều chủ trương, biện pháp, để thúc đẩy KTTN phát triển phù hợp với từng giai đoạn. Thực tiễn giai đoạn 2010-2020, Đảng bộ Hà Nội đã kịp thời ban hành các Nghị quyết, chỉ thị nhằm phát triển KTTN đặc biệt là: Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 1-9-2017 của Thành ủy về “Phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đó chính là sự cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KTTN vào điều kiện cụ thể của Thủ đô. Nhờ đó, KTTN của Hà Nội đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về số và chất lượng. Đây chính là bài học thành công mà Đảng bộ Hà Nội cần tiếp tục nghiên cứu, áp dụng.

Hai là, chú trọng công tác tuyên truyền, tạo được sự đồng thuận về phát triển KTTN.

Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu trong phát triển KTTN ở Thủ đô bởi mục đích của công tác tuyên truyền là để làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của thành phần KTTN. Từ nhận thức đúng đắn đó sẽ khắc phục được tâm lý kỳ thị, sợ chệch hướng, mất độc lập chủ quyền, đi theo chủ nghĩa tư bản, dẫn đến việc không tạo điều kiện thuận lợi cho KTTN phát triển.

Từ khi Đảng ta đề ra đường lối đổi mới, bắt đầu từ Đại hội lần thứ VI (1986), chúng ta thừa nhận trên thực tế sự tồn tại của các thành phần kinh tế; các thành phần kinh tế được tự do sản xuất kinh doanh trên tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm, được đối xử bình đẳng và được pháp luật bảo vệ thì KTTN ở nước ta cũng như ở Hà Nội đã không ngừng phát triển và ngày nay đã trở thành một động lực chính thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển. Tuy nhiên, thực tế một số nơi ở Hà Nội vẫn còn tồn tại những định kiến, phân biệt đối xử không công bằng giữa thành phần KTTN với các thành phần kinh tế khác, vì vậy KTTN khó tiếp cận được những ưu đãi về thuế, vốn, nguồn nhân lực chất lượng cao… Thực trạng đó đặt ra yêu cầu tất yếu Đảng bộ Hà Nội cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của KTTN đối với sự phát triển của Thủ đô.

Ba là, chăm lo lãnh đạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho việc phát triển KTTN.

Nhận thức được điều đó, Đảng bộ Hà Nội đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết, chương trình về bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho việc phát triển KTTN, coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng.

Thực tiễn giai đoạn 2010-2020, quán triệt chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực, vận dụng đúng đắn, sáng tạo phù hợp với thực tiễn của địa phương, Hà Nội đã ban hành 2 chương trình về: “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, đồng thời chỉ đạo chặt chẽ quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết, chương trình. Chính vì vậy, kết quả đào tạo nguồn nhân lực cho việc phát triển KTTN những năm qua đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng bên cạnh đó vẫn bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục. Do vậy, trong thời gian tới Hà Nội cần tiếp tục chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ việc phát triển KTTN trong đó tiếp tục tập trung bồi dưỡng chủ doanh nghiệp có tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc; có ý chí kinh doanh, khát vọng làm giàu và có tầm nhìn; có đủ kỹ năng quản trị kinh doanh; tuân thủ pháp luật trong kinh doanh; có trách nhiệm với xã hội, tránh mọi khuynh hướng bản vị, cục bộ, địa phương, tranh giành thị trường, cạnh tranh không lành mạnh, ý thức bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cần tiếp tục có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề gắn với tiếp nhận, sử dụng lao động.

Bốn là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự quản lý, điều hành của chính quyền và vai trò của các đoàn thể, hiệp hội doanh nghiệp trong quá trình phát tiển KTTN

Lịch sử đất nước ta từ khi có Đảng đã chứng minh: Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng đề ra đường lối đúng, nhưng để thực hiện thắng lợi đường lối đó, thì phải có sự quản lý điều hành của Nhà nước, sự đồng thuận của toàn xã hội.

Trong giai đoạn 2010-2020, KTTN ở Hà Nội phát triển mạnh mẽ, đây là tín hiệu tích cực, song đi cùng với đó là những hệ lụy không mong muốn như: ngành nghề các cơ sở kinh doanh hoạt động không ổn định, có xu hướng chỉ thấy lợi trước mắt mà quyên lợi ích lâu dài, nhiều doanh nghiệp vì thế đã từ bỏ những ngành nghề là thế mạnh để chuyển sang những ngành nghề mới, trong khi chủ doanh nghiệp còn thiếu những kiến thức, thông tin cần thiết đối với các ngành đó; tình trạng hàng lậu, hàng giả vẫn luôn là vấn đề nhức nhối trong dư luận xã hội… Nguyên nhân của thực thực trạng này chủ yếu là do một số đơn vị KTTN vẫn mang nặng tư tưởng “ăn xổi ở thì” trong kinh doanh, thiếu tầm nhìn. Tuy nhiên, xét về cơ chế chính sách thì cũng có phần cơ quan chức năng chưa có những cơ chế, chế tài phù hợp; còn thụ động trong điều chỉnh các chính sách trước sự phát triển mau lẹ của KTTN. Các đoàn thể xã hội, hiệp hội doanh nghiệp chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên. Điều này đặt ra yêu cầu cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ thành phố, sự quản lý điều hành của UBND và vai trò vận động, tập hợp, tuyên truyền hội viên của các đoàn thể xã hội, các hiệp hội của KTTN.

________________

1. Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội, Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XV Đảng bộ thành phố Hà Nội, Nxb Hà Nội, tr. 86.

2. Thành ủy Hà Nội, Chương trình công tác của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XV, Nxb Hà Nội, tr.54.

3, 5. Thành ủy Hà Nội, Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 90, 34.

4. Thành ủy Hà Nội, Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII), tr.1.

6. Cục Thống kê Hà Nội, Kết quả điều tra doanh nghiệp thành phố Hà Nội 5 năm (2011-2016), Nxb Thống kê, 2016, tr.8.

7, 8. Thành ủy Hà Nội, Báo cáo Tổng kết việc thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển tổ chức đảng, đảng viên ở các đơn vị kinh tế ngoài khu vực kinh tế nhà nước, Hà Nội ngày 20-11-2018.

9. Thành ủy Hà Nội, Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025, Nxb Thông tấn, tr.41, 44.

Tác giả: Lê Trung Thành

Nguồn: Tạp chí VHNT số 458, tháng 4-2021

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *