Phát triển nông nghiệp ứng dụng cao ở Việt Nam trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0


Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ
cao, áp dụng thành tựu của cách mạng công
nghiệp (CMCN) 4.0 là bước đi phù hợp để vừa giải
quyết những khó khăn về đất đai, lao động khi
đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông
nghiệp, nông thôn và quá trình đô thị hóa, vừa
phát triển nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm
nông nghiệp có chất lượng cao, đảm bảo nhu cầu
lương thực – thực phẩm cho nhân dân và tham
gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

1. Tác động của CMCN 4.0 đến nông nghiệp Việt Nam

Cuộc CMCN lần thứ tư (CMCN 4.0) mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, trong đó có phát triển nông nghiệp. CMCN 4.0 tạo điều kiện thuận lợi để nền nông nghiệp Việt Nam phát triển, trong đó tập trung vào ứng dụng những thành tựu của công nghệ sinh học, tạo ra những giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, đem lại giá trị gia tăng cao cho sản phẩm nông nghiệp. Thực tiễn thời gian vừa qua, chính nhờ những áp dụng những tiến bộ trong lai giống vật nuôi, cây trồng, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam: lúa năng suất cao, rau, củ, quả, các loại thủy sản… có giá trị, không những đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong nước mà còn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Mặt khác, CMCN 4.0 với nền tảng internet kết nối vạn vật (IoT) cũng tác động mạnh mẽ đến phương thức quản lý, canh tác, sản xuất của doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và hộ nông dân từ sản xuất nông nghiệp truyền thống chuyển đổi mạnh sang sản xuất theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào các khâu chăm sóc, thu hoạch và chế biến sản phẩm. Những phương thức quản lý, chăm sóc, thu hoạch, chế biến nông sản thông minh, tự động trong thời gian vừa qua chính là kết quả của áp dụng những thành tựu của CMCN 4.0. Việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào các khâu, các bước của quá trình sản xuất, thu hoạch và chế biến không những góp phần nâng cao giá trị hàng hóa, tăng năng suất của cây trồng, vật nuôi mà còn tiết kiệm lao động, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, nhằm, hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường.

Trong điều kiện CMCN 4.0, không thể không nói đến khâu tiêu thụ sản phẩm, bởi lẽ sản phẩm trong nông nghiệp ở nước ta không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn tham gia vào chuỗi giá trị hàng hóa toàn cầu. Do vậy, CMCN 4.0 là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp dễ dàng tiếp cận với thị trường thế giới, nhằm đem những sản phẩm có giá trị của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Tuy nhiên, CMCN 4.0 cũng đặt ra yêu cầu cao với nền nông nghiệp Việt Nam. Nền nông nghiệp phải đổi mới theo hướng bền vững, tạo ra những sản phẩm đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế để có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đáp ứng được yêu cầu của những thị trường “khó tính”: Mỹ, Nhật Bản, EU… Đó là bài toán đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải giải quyết để đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển trong điều kiện CMCN 4.0.

2. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao – bước đi phù hợp của nền nông nghiệp Việt Nam

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một nền nông nghiệp ứng dụng hợp lý những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững.

Mô hình trồng rau kết hợp nuôi trồng cá Aquaponics

Ảnh: Thanh Tân

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đổi mới khoa học công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm. Ứng dụng khoa học công nghệ giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng các ưu việt của công nghệ như: công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật kết nối… giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt khác, nông nghiệp công nghệ cao giúp hộ nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.

Xác định được vị trí, tầm quan trọng của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong bức tranh nông nghiệp nước nhà, đưa nền nông nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển trong thời đại CMCN 4.0, Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu”(1); “thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học – công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp và đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn” (2). Tiếp đó, Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 1-11-2016 Về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, nhấn mạnh những định hướng về phát triển nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao: “Nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học – công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường” (3). Đặc biệt, Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư xác định: Tập trung phát triển các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao, trong đó phát triển nông nghiệp số. Đồng thời, công nghệ sinh học được coi là một trong những nội dung cần được ưu tiên nguồn lực cho triển khai thực hiện.

Những định hướng trên cùng với nhiều chính sách được ban hành trước đó về nông nghiệp công nghệ cao như Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 29-1-2010 Về việc phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020; Quyết định số 1895/QĐ-TTg, ngày 17-12-2012 Về việc phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 đã tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Qua đó, góp phần tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, giúp nền nông nghiệp Việt Nam đạt được những thành tựu quan trọng.

Cơ cấu sản xuất nông nghiệp của Việt Nam chuyển biến tích cực trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, miền, nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh lương thực. Sản xuất nông nghiệp được tập trung phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại, giá trị gia tăng cao và bền vững. Mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, biến động thị trường do dịch bệnh COVID-19, nền nông nghiệp Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, đạt bình quân khoảng 3%/năm (4).

Hình thành nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao; đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp tăng; phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và xây dựng được thương hiệu của một số nông sản chủ lực. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ được chú trọng, từng bước chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Khoa học, công nghệ đóng góp trên 30% tổng giá trị gia tăng trong nông nghiệp (5). Chất lượng nhiều loại sản phẩm đáp ứng yêu cầu an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế. Quá trình cơ cấu lại nông nghiệp đã gắn kết chặt chẽ với xây dựng nông thôn mới, nhất là trong phát triển hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân khu vực nông thôn.

Chất lượng tăng trưởng ngành nông nghiệp ngày càng được cải thiện, tỉ lệ giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đã tăng từ 55,7% năm 2010 lên 61,1% năm 2019; năng suất lao động giai đoạn 2011 – 2020 ước tính tăng bình quân 4,73%/năm (mục tiêu đề ra là 3,5%/năm). Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng mạnh, thị trường tiêu thụ được mở rộng; kim ngạch xuất khẩu tăng từ 21,8 tỉ USD năm 2011 lên khoảng 41 tỉ USD năm 2020, tăng bình quân khoảng 7,3%/năm (6). Có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, trong đó có 5 mặt hàng đạt trên 3 tỉ USD, khẳng định vị thế của Việt Nam đứng trong top 15 của thế giới và đứng thứ hai trong khối ASEAN.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn còn gặp phải không ít khó khăn trong điều kiện CMCN 4.0. Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi việc tổ chức sản xuất phải được thực hiện trên quy mô tương đối lớn và đầu tư tương xứng về mặt hạ tầng, công nghệ sản xuất. Trong khi đó, dòng vốn đầu tư vào nông nghiệp tại Việt Nam còn thấp, đồng thời với, việc thiếu đất quy mô lớn để đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ theo vùng sản xuất tập trung. Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao còn hạn hẹp, không ổn định. Những bất cập trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và nhân lực trong nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế… Do vậy, để “tháo gỡ” những khó khăn cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong điều kiện CMCN 4.0, cần thực hiện một số giải pháp cụ thể: Tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hộ nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Nâng cao hơn nữa quy mô và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong nông nghiệp để áp dụng được kỹ thuật mới vào sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Tạo điều kiện cho nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tăng năng suất, chất lượng nông sản. Đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ sinh học, lai tạo giống mới… Đặc biệt, tiếp tục phát triển thị trường ở cả trong và ngoài nước, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do để tìm kiếm, mở rộng thị trường cho nông sản Việt Nam.

Như vậy, CMCN 4.0 vừa là điều kiện thuận lợi để nông nghiệp Việt Nam phát triển nhưng cũng đặt ra yêu cầu cao cần phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện nền nông nghiệp nước nhà, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Do vậy, trong thời gian tới, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục có nhiều chủ trương, chính sách thuận lợi về vốn, khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực, mở rộng thị trường… để nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thật sự trở thành bộ phận quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp nói riêng, phát triển kinh tế – xã hội nói chung, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

_________________

1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.92.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.68.

4, 5, 6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, nhandan.com.vn.

Tác giả: Vũ Văn Long

Nguồn: Tạp chí VHNT số 449, tháng 1-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *