Phim truyền hình, đặc trưng và chất lượng (p2)


3. Những giải pháp nâng cao chất lượng nghệ thuật

So với thế giới và khu vực, truyền hình ở nước ta xuất hiện muộn hơn rất nhiều, và còn chậm hơn. Nó mới được khơi nguồn sáng tạo và sản xuất, phổ biến chưa đầy 20 năm, trong đó việc sản xuất có qui củ, có gia tăng nhanh chóng về số lượng mới khoảng 10 năm trở lại đây. Bởi thế việc chúng ta chưa có được nhiều phim chất lượng như mong muốn cũng là lẽ thường tình.

Cùng với việc tăng trưởng nhanh chóng về số lượng, sự chưa tương xứng về chất lượng thậm chí có độ lùi về sự mới mẻ, về tính chuyên nghiệp, là vấn đề khiến những ai quan tâm đến mảng phim truyền hình không khỏi lo lắng.

Với thực trạng như thế, với nhu cầu của người xem ngày càng đòi hỏi một cách nghiêm túc và khó tính hơn, việc nâng cao chất lượng đối với phim truyền hình là công việc không thể chậm trễ.

Để nâng cao chất lượng phim truyền hình cần có một hệ giải pháp tổng thể mà giải pháp đầu tiên phải được bắt đầu từ khâu kịch bản văn học.

Điều dễ nhận là hiện nay rất nhiều người viết kịch bản phim nói chung và phim truyền hình nói riêng. Đây là điều đáng mừng bởi nghề viết kịch bản phim đã có hấp lực to lớn cuốn hút các nhà văn, các nhà biên kịch và người yêu thích phim ảnh hưởng ứng tham gia. Hy vọng rằng từ phong trào mang tính số lượng này sẽ tôn tạo nên những gò, đồi và đỉnh cao chất lượng. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra từ số lượng đông đảo này lại đang hiện hữu và tiềm ẩn những nỗi lo về chất lượng.

Trước hết phải khẳng định phim ảnh là một nghệ thuật gắn liền với công nghệ được phổ biến theo những quy chuẩn về thời lượng và thời lịch, cần nhu cầu kinh phí thực hiện rất lớn so với một số loại hình nghệ thuật khác. Một nghệ thuật như vậy đòi hỏi chất liệu đầu tiên kiến tạo nên nó phải là những nguyên liệu chính phẩm, thứ nguyên liệu đó không những được các tài năng lớn sáng tạo nên mà còn cần những bàn tay nghề nghiệp sắp xếp, bố cục như là một bộ phim trên giấy mang tính chuyên nghiệp cao. Đó cũng là đòi hỏi số một của một nền phim truyện điện ảnh và truyền hình phát triển.

Tuy nhiên, trong sản xuất phim truyền hình ở ta những kịch bản đạt được yêu cầu đó khá hiếm. Hầu hết các kịch bản văn học được đưa vào làm phim truyền hình mới chỉ là những câu chuyện dài ít có tính kịch, với những tràng giang đại hải các câu thoại giao đãi vừa nhạt, vừa thô thiển. Tệ hơn là có nhiều môtíp cốt truyện giống nhau, vấn đề xã hội giống nhau, mẫu hình nhân vật giống nhau… Tiếp nhận một kịch bản như thế, những người sáng tạo tiếp theo hoặc phải sửa sang lại ngay từ khâu kịch bản để có thể mang ra sản xuất được một bộ phim xem được về nội dung, sạch sẽ về nghề hoặc cứ vật vã vừa làm, vừa sửa, kiểu sáng tạo đầu bờ để cho ra đời một bộ phim xộc xệch, một thứ bán thành phẩm nghệ thuật khiến công chúng khán giả phải xem trong sự nhặt sạn bực mình. Trong khi đó, thời gian và kinh phí làm phim truyền hình không cho phép người đạo diễn có điều kiện để làm các việc sửa chữa kịch bản như trên. Thành ra, đối với phim truyền hình, khi đọc kịch bản xong có thể khẳng định ngay rằng sẽ có hoặc không có một bộ phim tương lai chất lượng.

Chính vì những đòi hỏi ngặt nghèo đó mà ở phim truyền hình, khâu kịch bản phải được làm kỹ, thậm chí là rất kỹ, nó là bản thiết kế đến từng chi tiết của ngôi nhà tác phẩm – bộ phim. Bao trùm lên toàn bộ cách thức làm nên bản thiết kế chi tiết, khoa học này là tác giả phải bám chắc vào cội nguồn văn hóa lịch sử dân tộc. Điều này tưởng như xưa cũ, song nó là sự xưa cũ của mạch nguồn. Gốc có thịnh, cây mới vững, nguồn có sâu nước mới dài. Nếu như nhà viết kịch bản phim truyện điện ảnh có thể nắm bắt một hiện thực sinh động nào đó dung lượng chỉ như một truyện vừa để viết nên một kịch bản khoảng 80-90 trang, để cho ra một bộ phim trên dưới 100 phút chiếu trên màn ảnh thì cũng không hệ lụy nhiều đến gốc gác văn hóa lịch sử nhưng nhà biên kịch phim truyền hình khi viết một kịch bản có độ dài 10 tập, 20 tập, 30 tập hoặc nhiều hơn, bắt buộc anh ta phải có tư duy ôm chứa nhiều sự kiện, nhiều nhân vật, nhiều lối sống, nhiều cách ứng xử và phần lớn đều phải trải qua những giai đoạn năm tháng kéo dài. Nhiều nhân vật, nhiều sự kiện… hẳn sinh ra nhiều kiểu xung đột, nếu nhà biên kịch phim truyền hình dài tập mà thiếu vốn kiến thức văn hóa, thiếu kiến thức đời sống thì đơn giản, nghèo nàn chi tiết nghệ thuật, không có những bất ngờ độc đáo, không có được ngôn ngữ thoại nhiều hàm lượng văn học. Để khắc phục được hạn chế này, nhà biên kịch phim truyền hình phải lăn vào cuộc sống, học ở đời sống với biết bao hình mẫu người sinh động, cách ứng xử trong cuộc đấu tranh sinh tồn, hoàn thiện nhân cách của con người. Người biên kịch phim truyền hình cũng còn phải học ở sách vở để trang bị cho mình sự thông thái uyên bác. Có thể khẳng định rằng, nền móng văn học là nơi cung cấp rất nhiều chất liệu kích thích sự sáng tạo của nhà biên kịch viết kịch bản phim truyền hình. Các tác phẩm văn học, sân khấu là những mảng đời sống hết sức hiện thực đã được các nhà văn học lựa chọn, sáng tạo, hoàn thiện nên những thành phẩm nghệ thuật. Với sự sáng tạo lần hai của nhà biên kịch thì kịch bản phim truyền hình từ những sáng tạo văn học chỉnh thể, nơi đã có một nền móng hiện thực vững chắc, những nhân vật thuyết phục, những câu chuyện hay… chắc chắn sẽ tạo ra những nguyên liệu nghệ thuật đắc dụng cho bộ phim. Kinh nghiệm cho thấy rất nhiều bộ phim truyền hình tiêu biểu đã được xây dựng kịch bản văn học từ tiểu thuyết, kịch bản sân khấu. Đó là Sóng ở đáy sông (từ tiểu thuyết cùng tên của Lê Lựu), Đất và người (từ tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Dòng sông phẳng lặng (từ tiểu thuyết cùng tên của Tô Nhuận Vỹ), Đèn vàng (từ tiểu thuyết cùng tên của Trần Chiến)…

Ở nước láng giềng Trung Quốc, nơi hiện nay đang sản xuất 100 ngàn tập phim truyền hình/năm, thì những bộ phim truyền hình hay cũng có kịch bản được chuyển thể từ các tác phẩm văn học như Tình Châu Giang, Người Thượng Hải, Tể tướng lưu gù, Tam Quốc diễn nghĩa, Hầu lâu mộng, Đông chu liệt quốc, Vòng đời, Thủy hử, Võ Tắc Thiên, Lâm Xung,…

Như vậy để có được những kịch bản phim truyền hình chất lượng, nhà biên kịch có thể tự sáng tác hoặc chuyển thể từ tác phẩm văn học, sân khấu song dù ở sự lao động nào cũng phải trau dồi cho mình tư duy, cung cách của một nhà tiểu thuyết bằng hình ảnh và âm thanh. Điều tiếp theo là sản phẩm mà nhà biên kịch làm ra nhất thiết phải là một thành phẩm nghệ thuật, một bộ phim trên giấy hoàn hảo. Bộ phim trên giấy đó phải có những phát hiện mới mẻ về đời sống, phải thật sự đụng chạm vào thần kinh xã hội được xây dựng trên một cốt truyện hấp dẫn, có nhiều chi tiết hay những yếu tố kịch tính bất ngờ, những liên tục kịch như quan niệm của các đồng nghiệp ở nước có nền điện ảnh và truyền hình phát triển.

Người viết kịch bản phim truyền hình ngoài năng lực ôm trùm tính khái quát trong toàn bộ bố cục của bộ phim còn phải biết tổ chức những chi tiết tình huống đan cài mang tính kỹ thuật để neo khán giả lại với tác phẩm. Ông Cao Húc Phàm, nhà biên kịch phim cổ trang khá nổi tiếng của phim truyền hình Trung Quốc bật mí rằng, các bộ phim truyền hình Trung Quốc được dựng theo kịch bản của ông đều khá thành công, bí quyết của ông là cứ từ 2 phút rưỡi đến 4 phút thời lượng phim được phát sóng, ông lại cài một yếu tố bất ngờ vào nội dung cốt truyện hoặc một câu thoại rất hay của nhân vật.

Nhà biên kịch phim truyền hình không bao giờ quên yếu tố hài hước, dí dỏm trong kịch bản của mình. Phim ảnh nói chung và phim truyền hình nói riêng là nghệ thuật của số đông, là bức phác họa đời sống chân thực và sinh động nhất, bởi thế, nếu nhà biên kịch sao nhãng hoặc không có tư chất này thì cũng là sự thiếu may mắn cho khán giả vì họ sẽ không được xem những bộ phim hấp dẫn và thú vị. Kinh nghiệm cho thấy ở những bộ phim truyền hình thành công, yếu tố này được bộc lộ rất rõ, thậm chí như một nét xuyên suốt được những nhà làm phim cài đặt thiện nghệ và khéo léo.

Nhà biên kịch phim truyền hình cũng cần có sự lưu tâm đặc biệt đến nhân vật phụ, nhân vật thứ yếu, bởi lẽ các nhân vật này không những sẽ là người trợ chiến khi nhân vật chính bị đuối sức, bị nhạt mà còn là những nét điểm xuyết sinh động trong toàn bộ bức toàn cảnh của tác phẩm. Trong bộ phim truyền hình Sóng ở đáy sông, nhân vật Lê Văn Sèn, một gã trai lơ tán gái ở phố ngõ hẹp đã thực sự đóng góp cho bộ phim một bước chuyển đắc địa khi nhân vật Mây, vợ chính của Núi, đang ở với người vợ hờ tên là Hồng, người đàn bà cơ nhỡ nhưng thùy mị đoan trang mà Lê Văn Sèn luôn đón đường tán tỉnh, gạ gẫm. Thành công ở vai phụ này đã giúp diễn viên Minh Phong, một người yêu phim ảnh, trở thành một diễn viên điện ảnh – truyền hình luôn có mặt trong nhiều bộ phim với vai trò là nhân vật chính.

Nhà biên kịch phim truyền hình cần phải rèn đúc cho mình một năng lực thể hiện ngôn ngữ thoại hết sức phong phú và sinh động, cao hơn là đạt đến mức độ minh triết. Chúng ta đã được xem khá nhiều phim truyền hình của các nước Nam Mỹ, của Australia và các phim về thế sự của Trung Quốc. Ở những bộ phim này nhờ sự giỏi giang của người viết đối thoại, khán giả hầu như quên đi yếu tố hình ảnh, quên đi diễn biến cốt truyện mà bị găm vào những thân phận nhân vật cùng với các triết lý nhân sinh, các tâm tình ứng xử, những cuộc đấu tranh quyết liệt hay những mộng mơ rất lãng mạn của họ. Không quán xuyến được lời thoại, không có năng lực thể hiện lời thoại, nhà biên kịch không thể viết được kịch bản phim truyền hình dài tập đúng nghĩa.

Bên cạnh giải pháp số một là kịch bản văn học thì giải pháp về đạo diễn và diễn viên cũng rất quan trọng. Đòi hỏi đầu tiên của nhà đạo diễn làm phim truyền hình là phải nắm vững ngôn ngữ loại hình. Hiện nay có vài đạo diễn vẫn quan niệm làm phim điện ảnh hay phim truyền hình cũng chỉ một kiểu thế thôi. Quan niệm đánh đồng này không ổn, bởi lẽ những qui chuẩn đặc trưng của truyền hình trong việc sản xuất và phổ biến có những dị biệt đối với ngôn ngữ loại hình của phim điện ảnh. Nếu nhà đạo diễn phim truyền hình mà tham quay nhiều đại cảnh, tham mân mê kéo dài một số cảnh đẹp nhưng lại không có hạt nhân chi tiết nghệ thuật hay cốt truyện thì cái lao động đó không có hiệu quả ở màn ảnh nhỏ truyền hình.

Nhà đạo diễn phim truyền hình phải sáng tạo bộ phim trên một kịch bản có biên bộ câu chuyện, số lượng tình tiết, nhân vật nhiều nên đòi hỏi anh ta phải có đầu óc vừa tổng quát vừa chi tiết. Đã có trường hợp đạo diễn cho nhân vật xuất hiện rồi quên nó đi, để nó biến mất mà không có sự lý giải nào.

Tiếp nối sự sáng tạo đã có của nhà biên kịch, nhà đạo diễn phải luôn giữ cho bộ phim có không khí, nghĩa là phải làm cho các chi tiết, tình huống nghệ thuật được phát lộ bằng hình ảnh, những câu nói hay những câu nói xung đột được diễn đạt bởi những tình cảnh và tình cảm nhân vật tương xứng. Thật tuyệt nếu như một kịch bản đã được viết có nhiều chất liệu sinh động hài hước, dí dỏm lại được một bàn tay, một tâm hồn đạo diễn có các phẩm chất ấy suy ngẫm, dàn dựng.

Trong điều kiện làm phim truyền hình ở Việt Nam, khi mà các trường quay cho nghệ thuật phim ảnh chưa được xây dựng đủ để đáp ứng nhu cầu sáng tạo của nhà làm phim thì người đạo diễn còn phải tìm kiếm những thủ thuật thông minh để khắc phục hoàn cảnh thiếu thốn. Đạo diễn Lê Đức Tiến, khá thành công trong bộ phim truyền hình Sóng ở đáy sông, rất tâm đắc với các cảnh quay thể hiện việc phát xít Nhật tấn công vào Thượng Hải trong bộ phim truyền hình Người Thượng Hải của Trung Quốc. Trong phim hình ảnh bọn giặc Nhật đi nghênh ngang trên phố xá Thượng Hải, hà hiếp phụ nữ, đánh đập lương dân được ghi lại bằng máy quay đặt trong nhà, thay cho con mắt của nhân vật hãi sợ trước lũ giặc ác. Hay cảnh nhân vật Nam đi ăn cắp gạo ở nhà ga Thượng Hải cũng được thể hiện rất giỏi. Qua cảnh này thấy được sự đau khổ, lo sợ tột cùng của người dân Thượng Hải trước họa xâm lăng của giặc Nhật. Với những tâm đắc ấy, ông đã khéo léo thể hiện khá nhiều cảnh quá khứ rất chân thực trong bộ phim Sóng ở đáy sông, nơi các nhân vật sống qua nhiều biến động xã hội và lịch sử trước đây hơn nửa thế kỷ.

Vai trò của diễn viên mang tính quyết định đưa nhân vật từ trang giấy lên nhân vật của màn ảnh. Số lượng diễn viên phim điện ảnh và phim truyền hình của chúng ta rất khiêm tốn so với dân số và so với lượng phim truyền hình sản xuất hàng năm trong nước chứ chưa thể so sánh các nước, các vùng lãnh thổ sản xuất nhiều phim truyền hình như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan… Riêng ở Hồng Kông, nơi chỉ có hơn 5 triệu dân, đã có gần 1 vạn người làm nghề diễn viên điện ảnh truyền hình được in trong các cataloge chào hàng, quảng cáo. Ở ta con số này không vượt quá 100 người, số người sống được bằng nghề như một diễn viên chuyên nghiệp chắc còn ít hơn nữa.

Vấn đề là phải tích cực đào tạo theo nhiều hình thức khác nhau để điện ảnh và truyền hình nước ta phải có ngân hàng diễn viên hàng nghìn, hàng vạn người. Từ số lượng này sẽ sản sinh ra những diễn viên tài ba, sống đàng hoàng giàu có bằng nghề diễn của mình chứ không phải hành nghề theo kiểu lấy ngắn nuôi dài, hành nghề chỉ do đam mê thích thú nhất thời hoặc do sự phát hiện ngẫu nhiên của đạo diễn cho một phim nào đó.

Để có một nền phim truyền hình phát triển nhất thiết phải tạo dựng được các ngôi sao. Ngoài việc tạo dựng nhân vật của biên kịch và đạo diễn, ngoài tài năng thực sự của diễn viên, khán giả và công luận cũng phải chung sức tựa đỡ tôn vinh cho các tài năng đó trở thành ngôi sao. Kinh nghiệm của điện ảnh và truyền hình Hàn Quốc, báo chí và khán giả đã đóng góp rất nhiều cho sự xuất hiện và rực sáng của các ngôi sao.

Giải pháp nâng cao chất lượng phim truyền hình còn phải kể đến việc xây dựng những trường quay hiện đại, đủ điều kiện để nhà làm phim thực hiện được tất cả các loại hình phim truyện lịch sử, cổ trang, phim giả tưởng, viễn tưởng, phim có điều kiện thể hiện phức tạp như dưới đáy đại dương, trong vũ trụ, nơi thâm sơn cùng cốc… trong mọi thời tiết và thời gian. Giải pháp này không những đem lại cho phim những hiệu quả nghệ thuật hơn cả ý muốn, tiết kiệm được rất nhiều thời gian, kinh phí, mà còn có thể tạo ra những địa điểm du lịch đắt khách.

           Để việc sản xuất và phổ biến phim truyền hình tạo ra được bước đột phá về số lượng và chất lượng cũng còn nhiều giải pháp cần thiết khác như tăng kinh phí sản xuất, tăng nhuận bút và thù lao cho người làm phim, tích cực xã hội hóa để tạo sự cạnh tranh… Nhưng đây chỉ là những giải pháp phụ trợ… Quan trọng, quyết định vẫn là những giải pháp then chốt về kịch bản, về công tác dàn dựng, về nhân vật và người thể hiện nhân vật. Các nhà làm sử điện ảnh thế giới đã đúc kết rằng, để có một nền điện ảnh phát triển cần các yếu tố: kịch bản hay, dàn dựng chuyên nghiệp, kinh phí hợp lý, công chúng nồng nhiệt. Điều này cũng rất đúng với phim truyền hình nhưng xin được bổ sung thêm: kịch bản không những hay mà còn phải có tầm vóc khái quát lớn của tiểu thuyết trường thiên, phải có kịch tính liên tục và nhất thiết phải có những ngôi sao lớn thể hiện các nhân vật chủ chốt.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 304, tháng 10-2009

Tác giả : Lê Ngọc Minh

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *