Phim truyện từ góc nhìn tạo hình thiết kế mỹ thuật


Phim truyện Việt, một thể loại nghệ thuật tổng hợp, một kiểu dạng sản phẩm tổng hòa, đã tồn tại hơn nửa thế kỷ nay với không ít biến động, thăng trầm. Là sự tổng hòa của văn học, nhiếp ảnh, sân khấu…, đã đành, nhưng, ở góc nhìn kỹ thuật như một nghệ thuật, phim truyện Việt hiện ra, lồ lộ, trong hình hài của tạo hình thiết kế mỹ thuật. Có thể nói không ngoa, chất lượng của một sản phẩm phim truyện sẽ được nâng lên đáng kể nếu khâu tạo hình thiết kế mỹ thuật được chú trọng đúng mức, và đúng với vị thế của nó trong toàn bộ quy trình làm phim.

Và cũng có thể nói ngay, dù là rất quan trọng, nhưng tạo hình thiết kế mỹ thuật phim truyện Việt chưa thực sự đáp ứng được tính chuyên nghiệp cần có… Nghĩa là, ở một mức độ nào đó, tạo hình thiết kế mỹ thuật phim truyện, cho đến nay, vẫn bằng lòng ở những gì tự phát, dựa vào những điều kiện có sẵn trong thiên nhiên hay trong đời sống thường nhật… Thực tế này đặt ra nhiều câu hỏi cần trả lời. Chẳng hạn, mối quan hệ giữa nghệ thuật điện ảnh và nghệ thuật tạo hình; sự hình thành của mỹ thuật điện ảnh và những đặc trưng của nó; nguyên lý và công nghệ tạo hình mỹ thuật trong phim truyện; vai trò của người họa sĩ thiết kế mỹ thuật trong quy trình làm phim truyện; sự cần thiết phải có một trường quay đa năng đảm bảo điều kiện tối ưu cho thiết kế mỹ thuật phim truyện…

Những câu hỏi không dễ trả lời đó, thật mừng, đã được Ths Đỗ Lệnh Hùng Tú đặt ra và trả lời khá thấu đáo trong cuốn sách Tạo hình thiết kế mỹ thuật phim truyện (giải Cánh diều bạc, không có Cánh diều vàng, của Hội điện ảnh Việt Nam 2009).

Nội dung sách được bố cục gồm 4 chương, đề cập đến mối quan hệ giữa nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật điện ảnh; phác thảo thiết kế hình ảnh phim truyện; vai trò người họa sĩ trong thiết kế hình ảnh phim truyện; công nghệ và kỹ năng dàn dựng bối cảnh phim truyện… Xuất phát từ tương quan so sánh giữa tạo hình – nghệ thuật thị giác và điện ảnh – nghệ thuật thị giác và thính giác, tác giả nhấn mạnh sự đồng điệu và hòa hợp giữa tạo hình và điện ảnh: đó là hình tượng thị giác, cái khiến cho mỹ thuật tạo hình hòa nhập vào điện ảnh một cách tự nhiên như nó vốn có, thúc đẩy sự thăng hoa của tính chuyển động, tính hiện thực, tính đại chúng và tính kỹ thuật của tác phẩm điện ảnh.

Và trong phông nền những đặc trưng ngôn ngữ của nghệ thuật không gian, ta thấy nổi lên vai trò của ngôn ngữ tạo hình mỹ thuật với không gian hai chiều, ba chiều, bốn chiều, không gian cảm giác, không gian phối hợp… của hình và màu, khiến cho điện ảnh vượt thoát khỏi những gò bó, cấm cản của không gian, thời gian.

Từ các nguyên lý tạo hình mỹ thuật điện ảnh về ánh sáng, màu sắc theo âm dương ngũ hành, ống kính máy quay, đường nét khuôn hình…, tác giả dẫn dắt người đọc đến với nghệ thuật tạo hình trang trí phim truyện với vô vàn những điều tưởng cũ mà mới, vừa khái quát, vừa cụ thể. Một vài nét về lược sử phác thảo thiết kế hình ảnh phim; một đôi dòng về phác thảo thiết kế mỹ thuật phim; những rút tỉa về thành phần chủ yếu của đoàn làm phim; vai trò của họa sĩ thiết kế mỹ thuật đối với bối cảnh, với đạo cụ diễn xuất, với việc khắc họa hình tượng nhân vật…, tất cả đã phác họa những vấn đề về sự cần thiết của tạo hình thiết kế mỹ thuật trong xây dựng và sản xuất phim truyện; trong thực hành những nguyên lý, thành tố, giai đoạn… thực hiện tạo hình mỹ thuật điện ảnh. Ở những gì tạm gọi là cụ thể, trực quan này, tác giả bày ra cho người đọc những công nghệ và kỹ năng dàn dựng bối cảnh phim truyện, một yếu tố quan trọng trong quy trình sản xuất phim.

Công nghệ và kỹ năng dàn dựng bối cảnh phim truyện, theo tác giả, “chính là sự gia công bằng cả trí tuệ lẫn công sức để biến những nguyên liệu vật chất thành bối cảnh trong trường quay”. Sự gia công ấy thể hiện qua nguyên lý về kỹ năng thiết kế và công nghệ thể hiện; kỹ năng thể hiện hình thức, kiểu loại bối cảnh trang trí; kỹ năng thiết kế bối cảnh; kỹ năng thể hiện các dạng bối cảnh; kỹ năng xử lý màu sắc; kỹ năng xử lý những thành tố của bối cảnh trường quay… Tất cả những yếu tố đa diện đó đã kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn, tạo nên sức mạnh tổng thể của lĩnh vực tạo hình thiết kế mỹ thuật phim truyện, tạo nền cho việc hình thành, phát triển và hoàn thiện công nghệ, quy trình sản xuất phim. Quy trình ấy, từ góc độ hiệu quả thị giác, chính là sự kết hợp hài hòa và thăng hoa của các thành tố cơ bản tạo hình nhân vật, tạo hình bối cảnh và tạo hình ống kính trên cơ sở xác định chủ thể quan trọng làm nên sự kết hợp hài hòa và thăng hoa đó: người họa sĩ thiết kế mỹ thuật, một thành phần sáng tạo chính của quy trình sản xuất phim truyện Việt Nam.

Bước vào thế giới tạo hình thiết kế mỹ thuật phim truyện, được tác giả phác họa vừa cụ thể, vừa khái quát, độc giả vừa lạ lẫm trước những tri thức mới lạ về công nghệ và kỹ năng dàn dựng bối cảnh (nội, ngoại, giả, thật…) tại trường quay; vừa quen thuộc với những điều tưởng như đã biết về mối quan hệ giữa nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật điện ảnh; về vai trò người họa sĩ trong thiết kế hình ảnh phim truyện và những mô hình thiết kế hình ảnh phim… Và, ẩn sâu phía sau những vấn đề đó chính là mối ưu tâm đau đáu của một người làm nghề, một người trong nghề trước hiện trạng còn chắp vá và hời hợt của lĩnh vực tạo hình mỹ thuật điện ảnh.

Cuốn sách, vì thế, không chỉ được biên soạn như một công trình nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực được đề cập, mà còn là sự thể hiện có chọn lọc những tư liệu sách báo chuyên ngành trong ngoài nước; những kinh nghiệm thực tế đúc rút từ quá trình tham gia dàn dựng bối cảnh phim truyện của các họa sĩ thiết kế và bản thân tác giả…, mở ra một diện rộng các vấn đề từ lý thuyết đến thực tiễn tạo hình mỹ thuật phim truyện Việt. Từ sự phóng chiếu của những khái niệm mang tính lý thuyết liên ngành và chuyên ngành, tác giả đã tập trung phân tích những đặc thù của chuyên ngành thiết kế mỹ thuật trong chu trình sản xuất phim truyện thông qua thực tế và kinh nghiệm làm phim truyện trong và ngoài nước với các phương pháp dẫn chứng phân tích, so sánh, phân loại, miêu tả, đối chiếu, dùng hình ảnh, tài liệu minh họa, ý kiết chuyên gia, thực hành công nghệ và kỹ năng ứng dụng… tạo thú vị cho người đọc và những chỉ dẫn cần thiết cho người làm nghề.

Trong bối cảnh thiếu vắng trầm trọng các công trình nghiên cứu sâu về nghệ thuật điện ảnh Việt nói chung và phim truyện nói riêng; trước thực tế sách dịch, sách nghiên cứu phê bình về những khía cạnh quan trọng của điện ảnh, trong đó có lĩnh vực thiết kế mỹ thuật điện ảnh, vô cùng ít ỏi, sự xuất hiện của công trình nghiên cứu lý luận – ứng dụng Tạo hình thiết kế mỹ thuật phim truyện quả là một đóng góp kịp thời và hết sức đáng quý đối với việc xây dựng và phát triển điện ảnh Việt hiện tại và tương lai.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 315, tháng 9-2010Phim truyện Việt, một thể loại nghệ thuật tổng hợp, một kiểu dạng sản phẩm tổng hòa, đã tồn tại hơn nửa thế kỷ nay với không ít biến động, thăng trầm. Là sự tổng hòa

Tác giả : Văn Kỳ Thanh

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *