Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa qua một cuộc điều tra xã hội


 

Cuộc khảo sát, điều tra dư luận xã hội được nhóm nghiên cứu tiến hành vào năm 2006 và đầu năm 2007. 700 phiếu hỏi được phát ra lấy ý kiến cán bộ, đảng viên và nhân dân ở 3 Hà Nội, thành phố Đà Nẵng, thành phố Cần Thơ. Số phiếu thu về là 690 (đạt 98,57%).

1. Về sự quan tâm đối với phong trào

Kết quả điều tra cho thấy mức độ quan tâm của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với phong trào là rất lớn. 60,9% số người được hỏi quan tâm và 25,9% số người được hỏi rất quan tâm đến phong trào. Tỷ lệ số người không chú ý đến phong trào là rất thấp (1,2%).

Mặc dù, đại đa số người được hỏi quan tâm và rất quan tâm đến phong trào (86,8%) nhưng ở thời điểm năm 2006 sự quan tâm của xã hội với phong trào này cũng có chiều hướng giảm sút. Căn cứ vào kết quả thăm dò dư luận xã hội của Trung tâm Nghiên cứu Dư luận xã hội (Ban Tư tưởng – văn hóa Trung ương) về tình hình kinh tế – xã hội hàng năm thì năm 2002 số người quan tâm tới phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa là 47%; năm 2003 là 53%; năm 2004 tăng lên 58%; đến năm 2005, tụt xuống còn 41% đứng hàng thứ 10 sau 9 sự kiện khác.

2. Về sự phối hợp giữa chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong triển khai phong trào

Số người được hỏi cho rằng sự phối hợp của các cơ quan trên là chặt chẽ đạt 54,3%, mức độ rất chặt chẽ là 14,6%, chỉ có 25% số người được hỏi không biết việc trên. Tuy nhiên, một tỷ lệ khá cao là 28,6% số người được hỏi cho rằng sự phối hợp là chưa chặt chẽ.

Xuất hiện sự khác biệt trong đánh giá về sự phối hợp trên đối với người được hỏi ở địa bàn dân cư nông thôn và đô thị. 22,2% số người được hỏi ở nông thôn cho rằng sự phối hợp trên là rất chặt chẽ, cao hơn nhiều so với số người được hỏi ở đô thị (10,3%). Ngược lại, 19,8% số người được hỏi ở nông thôn cho rằng sự phối hợp trên là chưa chặt chẽ, thấp hơn nhiều so với số người được hỏi ở đô thị (34,5%). Điều này, chứng tỏ việc phối hợp triển khai phong trào giữa chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trên tổng thể đã thiếu chặt chẽ nhưng ở khu vực đô thị dư luận xã hội đánh giá có sự lỏng lẻo hơn nhiều so với khu vực nông thôn.

3. Về hiệu quả thực hiện phong trào

Hiệu quả của phong trào

Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã triển khai được 6 năm (2001-2006) nhưng dư luận xã hội còn rất băn khoăn về hiệu quả của phong trào. Đa số người được hỏi (65,8%) trả lời phong trào thời gian qua có hiệu quả nhưng chưa cao. Tới 17,5% số người được hỏi cho rằng phong trào này chưa có hiệu quả, chỉ mang tính hình thức.

Trình độ học vấn của người được hỏi có sự khác biệt trong đánh giá hiệu quả của phong trào. Số người trình độ tiểu học cho rằng phong trào có hiệu quả nhưng chưa cao là 59,4%; ở bậc trung học, cao đẳng là 63,8%; ở bậc đại học trở lên là 70,8%. Còn nhận xét phong trào chưa có hiệu quả, chỉ mang tính hình thức thì bậc tiểu học là 13,2%; bậc trung học, cao đẳng là 19,2%; bậc đại học trở lên là 19,2%. Và, nhận xét phong trào có hiệu quả rất cao ở bậc tiểu học là 23,9%; bậc trung học, cao đẳng là 14,7%; bậc đại học trở lên là 8,5%, tỷ lệ này thấp gần 3 lần so với đánh giá của số người ở bậc tiểu học. Rõ ràng, trình độ học vấn càng cao thì tỉ lệ đánh giá phong trào này là có hiệu quả rất cao càng thấp. Điều này chứng tỏ phong trào được sự quan tâm của các tầng lớp xã hội nhưng tính thiết thực, tạo được dấu ấn trong đời sống kinh tế – xã hội còn chưa cao, đòi hỏi phải có sự đổi mới để nâng cao chất lượng toàn diện phong trào.

Về hiệu quả của 7 phong trào chính trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

Dư luận xã hội có tỉ lệ cao nhất đánh giá kết quả việc thực hiện phong trào ở mức tốt và rất tốt đối với phong trào xây dựng gia đình văn hóa (79%). Sau đó là thứ bậc các phong trào: Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư (72,2%); Phong trào xây dựng làng, bản, ấp, khu phố văn hóa (63,3%); Phong trào xây dựng công sở, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang có nếp sống văn hóa (63,1%); Phong trào Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại (61,4%); Phong trào người tốt việc tốt, các điển hình tiên tiến (55,3%); Phong trào học tập, lao động sáng tạo (48,4%).

Đánh giá như trên là thỏa đáng. Thời gian vừa qua phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã được triển khai rộng khắp trên địa bàn dân cư, hàng năm có họp bình xét và trao giấy công nhận. Hầu hết mọi người đều biết đến phong trào này, chỉ có 1% số người được hỏi không biết về phong trào. Khi đó, số người được hỏi không biết về phong trào xây dựng công sở, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang… có nếp sống văn hóa là 12,9%; về phong trào học tập, lao động sáng tạo là 10,8%; về phong trào người tốt việc tốt, các điển hình tiên tiến là 5,9%.

Tỷ lệ số người được hỏi đánh giá hiệu quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư cao hơn phong trào xây dựng làng, bản, ấp, khu phố văn hóa. Điều này, phản ánh đúng thực trạng phong trào ở cơ sở khi ở địa bàn dân cư cùng tồn tại 2 phong trào văn hóa này. Sở dĩ có kết quả trên là do Mặt trận Tổ quốc cơ sở có sự chỉ đạo thường xuyên phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư hơn ngành văn hóa thông tin trong chỉ đạo phong trào xây dựng làng, bản, ấp, khu phố văn hóa, cho dù phong trào này ra đời sớm hơn (năm 1990) so với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư (1995) do Mặt trận Tổ quốc chủ trì.

Xếp ở vị trí cuối trong 7 phong trào văn hóa chính là phong trào học tập, lao động sáng tạo với 40,7% số người được hỏi đánh giá hiệu quả phong trào là chưa tốt. Rõ là phong trào khuyến học thời gian qua có lan rộng trong cộng đồng dân cư nhưng chất lượng giáo dục đào tạo còn non kém đã tác động đến thái độ của người dân trong xem xét, đánh giá hiệu quả của phong trào này. Điều này cũng góp phần lý giải vì sao dân ta rất đồng tình với chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục.

Phong trào người tốt việc tốt, các điển hình tiên tiến xếp ở vị trí 6/7 các phong trào trên với 38,8% số người được hỏi đánh giá kết quả của phong trào này là chưa tốt. Điều này phù hợp với thực tiễn khi nhiều bộ, ngành, địa phương lâu nay quên lãng việc biểu dương người tốt việc tốt và xây dựng các điển hình tiên tiến.

4. Về kết quả thực hiện một số nội dung trong các phong trào văn hóa

Báo cáo đề cập 23 nội dung, được thể hiện trong các phong trào văn hóa triển khai ở cơ sở. Kết quả cho thấy có 6 nội dung đa số người được hỏi (đạt tỉ lệ trên 60%) cho rằng đạt kết quả tốt và rất tốt. Xếp theo thứ bậc từ cao xuống thấp như sau: Phát động các phong trào tương thân, tương ái, giúp nhau thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu (72,9%); Tuyên truyền nâng cao nhận thức và sự giác ngộ về đường lối chính trị của Đảng (72,9%); Bảo vệ các di tích lịch sử – văn hóa, di tích cách mạng, các khu bảo tồn thiên nhiên (68,6%); Nâng cao cảnh giác, đấu tranh không khoan nhượng chống các quan điểm sai trái, bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng (67,7%); Phát động phong trào Toàn dân phòng chống tệ nạn xã hội, đặc biệt các tệ nạn nghiêm trọng như trộm cắp, mại dâm, ma túy, cờ bạc, tham nhũng, mê tín dị đoan, lưu hành các văn hóa phẩm có nội dung độc hại (67,5%); Thực hiện giao tiếp văn minh, thái độ lịch sự, vui vẻ và có trách nhiệm đối với công việc (61,5%).

6 nội dung trên chứng tỏ ý thức cộng đồng, trách nhiệm chính trị, tinh thần bảo vệ văn hóa dân tộc, kiên quyết đấu tranh chống tư tưởng chính trị sai trái và các tệ nạn xã hội nghiêm trọng đã được Ban chỉ đạo phong trào triển khai thực hiện tốt trong dân.

Tuy nhiên, vẫn còn 4/23 nội dung có tỷ lệ hơn 50% số người được hỏi đánh giá kết quả thực hiện chưa tốt. Đó là: Thái độ đối với các hành vi có biểu hiện không lành mạnh nơi công cộng như vứt rác thải, hút thuốc lá, nói năng thiếu lịch thiệp… (59,8%); Việc giữ gìn vệ sinh, trật tự, an toàn nơi công cộng (54,1%); Quy hoạch đất đai, chú trọng đến các địa điểm tổ chức các sinh hoạt văn hóa thể thao, sinh hoạt cộng đồng (53,2%); Tổ chức các câu lạc bộ phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật (50,5%).

Như vậy, có 4 nhóm vấn đề dư luận bức xúc mà các phong trào văn hóa cần quan tâm là xây dựng nếp sống văn minh ở nơi công cộng, ý thức bảo vệ môi trường, quy hoạch đất xây dựng các thiết chế văn hóa và phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật cho người dân.

5. Về lựa chọn Trưởng Ban chỉ đạo phong trào

Ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cơ quan nào làm Trưởng Ban chỉ đạo thì phát huy tốt vai trò chỉ đạo phong trào? Kết quả điều tra dư luận xã hội được biết: 51% số người được hỏi cho rằng Trưởng Ban chỉ đạo phong trào là Phó Chủ tịch UBND phụ trách văn xã và 49% cho rằng Trưởng Ban chỉ đạo phong trào là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc.

Ở cấp huyện, quận, 48,1% số người được hỏi cho rằng: Trưởng Ban chỉ đạo phong trào là Phó Chủ tịch UBND phụ trách văn xã, 39,1% cho rằng Trưởng Ban chỉ đạo nên là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc và 2,8% đề xuất những thành phần khác.

Như vậy, cả hai cấp tỉnh, huyện, dư luận xã hội đều nghiêng về phương án Phó Chủ tịch UBND phụ trách văn xã làm Trưởng Ban chỉ đạo là thuận cho việc chỉ đạo phong trào. Điều cần lưu ý là, số người được hỏi đề xuất phương án Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc làm Trưởng Ban chỉ đạo có tỉ lệ khá cao, chứng tỏ vai trò và ảnh hưởng của Mặt trận Tổ quốc các cấp đối với các phong trào văn hóa là rất lớn, nhận được sự tin cậy của dân.

Từ thực tiễn hoạt động của phong trào, ngày 11/10/2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định QĐ 227/2006/QĐ-TTg trong đó có nội dung kiện toàn Ban chỉ đạo các cấp, theo hướng Phó Chủ tịch UBND phụ trách văn xã làm Trưởng Ban chỉ đạo các cấp phong trào.

6. Về nguyên nhân cản trở việc triển khai phong trào

Nhóm nghiên cứu đưa ra 8 nguyên nhân cản trở việc triển khai phong trào. Tỷ lệ số người được hỏi về 8 nguyên nhân đó như sau: Nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa và nội dung phong trào (63%); Sự tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường cùng với lối sống bon chen, ích kỉ, chủ nghĩa cá nhân vị lợi (61,7%); Các vấn đề xã hội (thất nghiệp, lạm phát, suy thoái đạo đức cùng với tệ nạn xã hội gia tăng), (47,1%); Công tác tuyên truyền vận động, cổ vũ các nội dung phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa chưa có hiệu quả (45,5%); Ngân sách đầu tư cho phong trào còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn (39,3%); Công tác tổ chức, thực hiện các nội dung phong trào còn lúng túng và chưa đồng bộ (37%); Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nội dung phong trào chưa thống nhất (34,2%); Các tiêu chuẩn bình xét thi đua, khen thưởng chưa rõ ràng, khó thực hiện ở các địa phương (29,3%).

Như vậy, đa số người được hỏi (trên 60%) cho hai nguyên nhân chính: Nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa và nội dung phong tràosự tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường cùng với lối sống cá nhân chủ nghĩa là hai thủ phạm đã và đang cản trở việc tổ chức thực hiện phong trào. Một nguyên nhân thuộc về chủ quan (nhận thức), một nguyên nhân thuộc về khách quan (mặt trái của nền kinh tế thị trường). Vấn đề đặt ra là, chúng ta phải có giải pháp đồng bộ mới thúc đẩy và nâng cao toàn diện chất lượng hoạt động của phong trào. Hai nguyên nhân này có sự đồng thuận của cả 3 nhóm tuổi 18-35 tuổi, 36-55 tuổi, trên 55 tuổi.

Riêng nguyên nhân ngân sách đầu tư cho phong trào còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn có sự khác biệt lớn giữa 2 nhóm tuổi 18-35 tuổi và trên 55 tuổi. 61,4% số người trên 55 tuổi đồng tình cho rằng nguyên nhân này cản trở phong trào và xếp nó ở vị trí 3/8. Trong khi đó, chỉ có 34,4% số người tuổi 18-35 tuổi (thấp hơn nhóm trên 55 tuổi tới 27%) cho rằng nguyên nhân này cản trở phong trào và xếp nó ở vị trí 6/8. Còn vị trí thứ 3/8 theo họ là các vấn đề xã hội (thất nghiệp, lạm phát, suy thoái đạo đức cùng với tệ nạn xã hội gia tăng). Sự khác biệt này phản ánh tâm lý lớp trẻ tham gia phong trào không đặt vấn đề ngân sách đầu tư lên cao quá, mối bức xúc thu hút sự quan tâm của họ là các vấn đề xã hội đang diễn ra trước mắt. Ngược lại, nhóm người trên 55 tuổi có cái nhìn thực tiễn hơn và ít nhiều còn mang tâm lý bao cấp nên họ lựa chọn nguyên nhân ngân sách đầu tư cho phong trào chưa đáp ứng yêu cầu đã cản trở sự phát triển của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

7. Dự báo về nội dung và nhiệm vụ của phong trào

Về nội dung

Báo cáo điều tra xã hội học tiến hành vào năm 2006 đưa ra 19 nội dung hoạt động của phong trào, kết quả cho thấy có 11/19 nội dung có đa số số người được hỏi (tỉ lệ trên 60%) cho rằng xu hướng phát triển sẽ tốt hơn trong thời gian tới. Xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp như sau: Tuyên truyền nâng cao nhận thức và sự giác ngộ về đường lối chính trị của Đảng (70,3%); Phong trào xây dựng gia đình văn hóa (69,3%); Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư (65,9%); Đẩy mạnh giáo dục ý thức chấp hành luật pháp, ý thức tự giác, tự lực của công dân (65,3%); Phát động các phong trào tương thân, tương ái, hỗ trợ giúp nhau thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu (65,1%); Thực hiện giao tiếp văn minh, thái độ lịch sự, vui vẻ và có trách nhiệm đối với công việc (63,3%); Phát động phong trào thi đua giữ gìn vệ sinh, trật tự, an toàn nơi công cộng (61,9%); Đa dạng các hình thức trợ giúp về vốn, về kinh nghiệm sản xuất (61,8%); Giữ gìn cảnh quan, xây dựng và bảo vệ môi trường sinh thái, môi sinh (60,5%); Khuyến khích và nêu gương các mô hình gia đình làm kinh tế giỏi (60,4%); Phong trào xây dựng làng, bản, ấp, khu phố văn hóa (60,4%).

Nhìn vào các nội dung trên có thể dự đoán một số phong trào văn hóa chính như xây dựng gia đình văn hóa, cổ vũ hộ gia đình làm giàu; phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giúp nhau xóa đói giảm nghèo; xây dựng làng, bản, ấp, khu phố văn hóa sẽ phát triển tốt trong những năm tới. Ngoài ra dư luận cũng tin tưởng vào việc giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện giao tiếp văn minh, xây dựng và bảo vệ môi trường sinh thái sẽ phát triển tốt hơn.

Có 4 nội dung, số người được hỏi còn băn khoăn, mức độ tin tưởng chưa cao (tỉ lệ 50-60%) cho rằng 4 nội dung ấy sẽ tốt hơn các năm trước. Đó là các nội dung: xây dựng tác phong công nghiệp, thực hiện tốt nội quy của đơn vị, hương ước, quy ước của làng xã, khu phố và quy định ở nơi công cộng (57,8%); phong trào Toàn dân phòng chống tệ nạn xã hội, đặc biệt là các tệ nạn nghiêm trọng như trộm cắp, mãi dâm, ma túy, cờ bạc, tham nhũng, mê tín dị đoan, lưu hành các văn hóa phẩm có nội dung độc hại… (57,4%); thái độ đối với các hành vi có biểu hiện không lành mạnh nơi công cộng như vứt rác thải, hút thuốc lá, nói năng thiếu lịch thiệp (55,6%); thực hiện tốt nếp sống văn minh, lành mạnh, tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, giỗ tết, lễ hội và các sinh hoạt xã hội khác (50,5%).

Điều đáng quan tâm là có 4 nội dung số người được hỏi chưa thực sự tin tưởng (tỉ lệ dưới 50%) cho rằng các nội dung ấy sẽ tốt hơn trong 5 năm tới. Xếp theo mức độ từ cao xuống thấp: Quy hoạch đất đai, chú trọng đến các địa điểm tổ chức các sinh hoạt văn hóa thể thao, sinh hoạt cộng đồng (43,5%); Xây dựng các tổ chức dưới dạng phường, hội nghề nghiệp, các câu lạc bộ doanh nghiệp (41,2%); Tổ chức các câu lạc bộ phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật (40,3%); Xây dựng và quản lý có hiệu quả các quỹ đời sống văn hóa phục vụ nhu cầu văn hóa, tinh thần của nhân dân (37,5%).

Rõ ràng, quy hoạch đất đai có địa điểm sinh hoạt văn hóa đang là vấn đề bức xúc trong xây dựng đời sống văn hóa. Từ khi Ban chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa có chủ trương xây dựng quỹ đời sống văn hóa thì việc huy động đóng góp và quản lý ngân quỹ thế nào cũng đang đặt ra; việc tổ chức các câu lạc bộ phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, câu lạc bộ doanh nghiệp và các tổ chức phường hội nghề nghiệp thời gian qua vẫn còn hình thức hiệu quả chưa cao đã làm giảm lòng tin của người dân.

Về các nhiệm vụ

Nhóm nghiên cứu đưa ra 8 nhiệm vụ ưu tiên. Kết quả khảo sát cho biết có 4/8 nhiệm vụ đa số người được hỏi cho rằng cần phải tập trung làm tốt trong thời gian tới. Xếp theo mức độ từ cao xuống thấp như sau: Công tác tuyên truyền vận động, cổ vũ các nội dung của phong trào (79,6%); Công tác tổ chức, thực hiện các nội dung phong trào (78,8%); Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nội dung phong trào (78,5%); Áp dụng thống nhất và đồng bộ các tiêu chuẩn bình xét, thi đua, khen thưởng ở các địa phương (72,4%).

Như vậy, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là phải tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn Đảng, toàn dân hiểu biết đầy đủ các nội dung của phong trào. Nhiệm vụ thứ hai là tổ chức, thực hiện. Thực tiễn cho thấy rất nhiều chủ trương của Đảng, Nhà nước rất đúng nhưng khâu tổ chức thực hiện mà yếu kém thì dẫn đến hiệu quả phong trào không đạt như mong muốn. Thứ ba là nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo phong trào. Và, thứ tư là thống nhất các tiêu chuẩn bình xét thi đua khen thưởng, một công việc thường hay nảy sinh thắc mắc trong công nhận danh hiệu thi đua, liên quan đến việc đanh giá sự đóng góp của các phong trào văn hóa.

2 nhiệm vụ ưu tiên tiếp theo được xếp theo thứ tự bậc cao xuống thấp như sau: Nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể nhân dân đối với phong trào (69,9%); Nâng cao tính thiết thực, hiệu quả của các phong trào thi đua ở địa phương (60%).

2/8 nhiệm vụ xếp ở cuối bậc là: Đa dạng hóa các hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng dưới dạng các tổ, đội, nhóm, các tổ chức phường, hội, câu lạc bộ (55,5%); Khuyến khích và định hướng đúng đắn những ứng dụng mới, những sáng tác, sáng tạo, sáng kiến, kinh nghiệm trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật (55%).

Kết quả trên chứng tỏ nhiệm vụ đa dạng hóa các hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng và việc ứng dụng những thành tựu mới vào lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật chưa phải là vấn đề bức xúc khi mà việc triển khai, tổ chức thực hiện các nội dung phong trào chưa thực sự lan rộng và thấm sâu vào các giai tầng xã hội.

Khi phân tích ý kiến số người được hỏi theo các tổ chức chính trị xã hội và đoàn thể về 8 nhiệm vụ cần ưu tiên nêu trên thì Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ cho nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu cần tập trung làm tốt trong thời gian tới là công tác tuyên truyền vận động, cổ vũ các nội dung phong trào. Hội Người cao tuổi và Hội Cựu chiến binh lại cho rằng nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu cần làm tốt thời gian tới là công tác tổ chức thực hiện các nội dung phong trào. Điều này phản ánh các hội viên Hội Người cao tuổi và Hội Cựu chiến binh là đối tượng đã từng tham gia công tác xã hội, sớm nhận thức về vai trò và ý nghĩa của phong trào nên điều họ quan tâm hơn là làm thế nào để thực hiện được các nội dung phong trào văn hóa.

Trong 4 đoàn thể đó, số người được hỏi là đoàn thanh niên về 8 nhiệm vụ ưu tiên nói trên thì ở nhiệm vụ nào, họ cũng có tỉ lệ lựa chọn thấp nhất so với các đoàn thể khác. Điều này chứng tỏ nhận thức bị phân tán thiếu đồng nhất của các đoàn viên trong lựa chọn các nhiệm vụ ưu tiên cần tập trung làm tốt trong thời gian tới. Do vậy, thời gian tới, khâu tuyên truyền, vận động làm rõ các nội dung phong trào để nâng cao nhận thức của đoàn viên, thanh niên cần được chú trọng thường xuyên hơn.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 296, tháng 2-2009

Tác giả : Nguyễn Hữu Thức

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *