Phục trang trong các vở diễn sân khấu truyền thống về đề tài lịch sử

Phục trang sân khấu là một trong những yếu tố cấu thành và tạo nên sự thành công của vở diễn. Thông qua phục trang, hình tượng nhân vật trong các tác phẩm sân khấu hiện lên rõ nét từ tính cách, thân phận cho đến thứ bậc trong từng bối cảnh lịch sử thuộc các triều đại khác nhau của dân tộc.

Phục trang trong đời thực có phần khác với phục trang trên sân khấu, phục trang thời xưa khác với phục trang thời nay. Tuy nhiên, việc cách điệu hóa phục trang sân khấu là hoàn toàn được phép, ví dụ như: sử dụng chất liệu mới, thiết kế diêm dúa, phối màu rực rỡ, lộng lẫy, bắt mắt phù hợp với ánh đèn sân khấu, phù hợp với sự phát triển của thời đại. Nhưng việc chắt lọc những tinh hoa và gìn giữ những nét đặc trưng nhất của hồn dân tộc, của dấu ấn lịch sử là việc không thể bị mai một bởi đây chính là một trong những yếu tố cốt lõi tạo nên sự thành bại của nền nghệ thuật sân khấu truyền thống nói chung và các vở diễn mang đề tài lịch sử nói riêng.

Hình ảnh phục trang truyền thống – Ảnh tư liệu

Một vở diễn được đánh giá là thành công phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Nếu như chủ đề, tư tưởng, đạo diễn, dàn dựng, diễn xuất là chiều sâu thì phục trang sân khấu giữ vai trò là bề nổi trong việc tạo dựng, quảng bá hình ảnh của vở diễn. Trước đây, để ra mắt một vở diễn cần thời gian cũng như sự đầu tư về mọi mặt rất kỳ công, trong đó phải kể đến khâu xây dựng, thiết kế phục trang sân khấu. Các nhân vật được nghiên cứu và xây dựng về hình ảnh rõ nét thông qua các bộ phục trang. Căn cứ vào thứ bậc của nhân vật, các nhà thiết kế đưa ra lựa chọn về kiểu dáng, chất liệu, màu sắc của phục trang. Các họa tiết, hoa văn được bố trí rất tỉ mỉ, hợp lý, tạo điểm nhấn cho mỗi bộ phục trang. Mỗi mũi thêu đều được làm thủ công, những chi tiết dù là nhỏ nhất cũng được thực hiện rất tinh xảo, đảm bảo những mẫu phục trang đạt chất lượng tốt nhất. Tuy nhiên, những năm gần đây, cùng với sự ra đời của hàng loạt các tác phẩm sân khấu truyền thống, khán giả cũng trở nên quen thuộc hơn với cách xây dựng hình ảnh nhân vật trong các vở diễn về đề tài lịch sử đối với nghệ thuật chèo, tuồng, cải lương hay ngay cả trong các tiểu phẩm trên sân khấu ca vọng cổ, ca nhạc, hài kịch… Ở thời nào, các nhân vật cũng mang trên mình những phục trang na ná giống nhau từ kiểu dáng, màu sắc, họa tiết trang trí… như hoàng hậu, công chúa, cung phi thì phục trang chủ yếu là xiêm váy, áo choàng dài đủ màu với các họa tiết khác nhau và được đính đủ loại kim sa, kim tuyến sao cho nhân vật khi khoác lên sân khấu phải thật lộng lẫy, sáng rực mà quên đi những quy định khắt khe từ màu sắc, mẫu hoa văn cho đến những họa tiết tinh tế vốn đã được phân cấp cụ thể cho từng đối tượng sử dụng. Cứ là vua thì vận phục trang màu vàng, màu đỏ đôi khi đính kim sa, kim tuyến ở viền cổ, viền tay tùy thích, miễn là có hình rồng, móng rồng trước ngực mà chưa thực sự quan tâm đến kích thước, đường nét uốn lượn khác nhau của rồng qua mỗi triều đại lịch sử. Các quan trong triều bất kể chức vụ gì, cao thấp ra sao, ở giai đoạn nào cũng đội mũ, đi hia theo kiểu đồng hạng. Điều đó khiến khán giả trở nên hoang mang, có khi vở diễn kết thúc rồi mà khán giả vẫn chưa hiểu được nhân vật ấy được xây dựng trong bối cảnh lịch sử nào, triều đại nào? Thử đặt bảng so sánh phục trang dưới triều đại Nhà Trần cho đến sự cách điệu của phục trang trên sân khấu nước ta những năm gần đây để thấy rõ hơn cái được và cái mất của việc lơ là trong vấn đề phục trang sân khấu:

Phục trang dưới triều đại nhà Trần

(Trích Lịch Triều tạp kỹ 1395)

Phục trang trên sân khấu những năm gần đây

Rõ ràng phục trang trong đời sống và phục trang trên sân khấu, giữa thời xưa và thời nay rất khác nhau. Nhưng người đạo diễn, người thiết kế phục trang cần giữ lại, bỏ qua, hay cách điệu yếu tố nào để làm nổi bật hình ảnh nhân vật mà không mất đi yếu tố văn hóa truyền thống thì đó là điều khiến các nhà chuyên môn trăn trở. Qua bảng so sánh trên, chúng ta có thể nhận thấy rõ sự chênh lệch về các khâu để cho ra một bộ phục trang sân khấu. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những lỗ hổng trong thực trạng phục trang sân khấu nước ta những năm gần đây.

Điểm qua các kỳ hội diễn sân khấu mới đây cũng chỉ thấy một vài vở diễn như vở: Oan khuất một thời (đạo diễn NSND Triệu Trung Kiên, Nhà hát Cải lương Trung ương), Vương nữ Mê Linh (đạo diễn NSND Thúy Mùi, Nhà hát Chèo Hà Nội)… được đầu tư phục trang một cách kỹ lưỡng và chuyên nghiệp, được giới chuyên môn và khán giả đánh giá cao. Tuy nhiên, chỉ có số ít các vở diễn được chú trọng phục trang như vậy cho thấy thực trạng về phục trang trong các vở sân khấu truyền thống với đề tài lịch sử hiện nay đang đứng trước nguy cơ bị đồng hóa và mai một về dấu ấn, văn hóa lịch sử dân tộc. Nguyên nhân đó xuất phát từ các yếu tố sau:

Nguồn kinh phí hạn hẹp

Các vở diễn sân khấu truyền thống dàn dựng tại các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật đều được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước. Qua trao đổi với NSƯT Hoàng Hoài (Nhà hát Cải lương Hà Nội) được biết mỗi vở diễn tùy thuộc về quy mô mà có mức đầu tư khác nhau về kinh phí. Thông thường 1 vở diễn được đầu tư với kinh phí trên dưới 1 tỷ đồng, nguồn ngân sách trên được phân bổ đều cho từng bộ phận như: biên kịch, chuyển thể, đạo diễn, diễn viên, âm nhạc, biên đạo, âm thanh ánh sáng, mỹ thuật, đạo cụ, quảng bá…. Chính vì thế, kinh phí dành cho phục trang biểu diễn bị co hẹp lại dẫn đến sự giảm thiểu tối đa về chất lượng phục trang, cụ thể các mẫu thêu tay chuyển sang thêu máy hoặc in phun công nghiệp. Đây có lẽ vừa là ưu nhưng cũng là nhược điểm dẫn đến tình trạng trên. Bởi nguồn vốn được quy định cụ thể cho từng đơn vị nhưng mỗi vở diễn lại đòi hỏi sự đầu tư về phục trang khác nhau. Sự chênh lệch về giá thành theo lối sản xuất thủ công và công nghiệp của mỗi bộ phục trang là rất cao và để đảm bảo sự phân bổ đều tài chính cho các khâu buộc người đạo diễn phải lựa chọn những bộ trang phục thấp về giá thành cũng như chất lượng dẫn đến hiệu ứng sân khấu kém, gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ của người xem.

Thiếu hụt về nguồn nhân lực

Các cơ sở nghiên cứu, đào tạo về chuyên ngành thiết kế phục trang sân khấu truyền thống ở nước ta hiện nay chưa được chú trọng. Các nhà thiết kế thiếu sự hiểu biết chuyên sâu về sân khấu truyền thống, về dấu ấn văn hóa, lịch sử. Hầu hết chỉ dựa vào cảm quan bên ngoài của nhân vật mà chưa đi sâu vào từng giai đoạn lịch sử, xã hội. Đội ngũ đạo diễn trẻ hiện nay chạy theo xu hướng hiện đại, mọi thứ cần nhanh – gấp, ít quan tâm đến chi tiết, độ tinh tế, công phu trong việc xây dựng hình ảnh nhân vật, chưa đưa ra những đòi hỏi cao về việc gìn giữ những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc. Cùng với đó là sự thiếu hụt các thế hệ đạo diễn sân khấu truyền thống có nghề.

Sự buông lỏng của các cơ quan chức năng

Mọi tác phẩm nghệ thuật trước khi đến với công chúng đều trải qua khâu kiểm duyệt rất khắt khe của các cơ quan chức năng, có thẩm quyền. Nhưng tại sao khán giả vẫn chưa thấy mãn nhãn với sự xuất hiện của các nhân vật, mà ngược lại còn nhìn thấy sự cẩu thả trong việc tạo dựng hình ảnh nhân vật khi vận lên mình các bộ phục trang na ná giống nhau, các cung nữ, lính tráng vở nào cũng giống vở nào khiến người ta nghi ngờ có sự cóp nhặt, lắp ghép phục trang từ vở trước sang vở sau. Thực trạng này cho thấy các khâu duyệt vở còn coi nhẹ vấn đề phục trang sân khấu, dẫn đến sự nhàm chán đối với người xem, từ đó làm giảm đi niềm say mê, yêu thích nghệ thuật sân khấu truyền thống của một số lượng khán giả.

Sự du nhập của nhiều môn nghệ thuật trên thế giới

Đất nước trong thời kỳ hội nhập, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cũng là giai đoạn du nhập của nhiều môn nghệ thuật khác nhau trên thế giới. Đại bộ phận giới trẻ không mấy mặn mà với nền nghệ thuật sân khấu truyền thống, số còn lại ít có cơ hội được tiếp cận. Vì vậy, vốn hiểu biết về phục trang sân khấu lại càng trở nên thu hẹp, dẫn đến sự thiếu khắt khe trong việc thưởng thức, đánh giá hình ảnh nhân vật. Đây cũng là một trong những tác nhân khiến các đạo diễn, các nhà thiết kế lơ là trong việc xây dựng hình ảnh nhân vật.

Thực trạng trên không chỉ là những trăn trở đối với những người làm nghề mà cũng là trách nhiệm đối với các nhà quản lý văn hóa. Bởi cùng với sự phát triển về mọi mặt của xã hội, việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa, những dấu ấn lịch sử của dân tộc cũng là một trong những quyết sách giữ vai trò quan trọng đối với sự hưng thịnh của một quốc gia. Vì vậy, rất cần có những biện pháp hữu hiệu nhằm cải thiện và nâng cao tinh thần gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa trong nền nghệ thuật nói chung, sân khấu truyền thống nói riêng, đặc biệt là những vở diễn về đề tài lịch sử.

Các cơ sở đào tạo về nghệ thuật sân khấu truyền thống nói chung và chuyên ngành thiết kế phục trang sân khấu nói riêng cần củng cố, xây dựng các chương trình nghiên cứu chuyên sâu theo từng giai đoạn lịch sử. Đặt ra những nguyên tắc riêng trong việc thiết kế phục trang, điểm nào được cách tân, điểm nào cần bảo lưu, sáng tạo… Tất cả cần có quy định rõ ràng để khi nhận xét, đánh giá, chúng ta mới có căn cứ.

Các đạo diễn cần nhất quán từ khâu xây dựng, thực hiện cho tới ra mắt sản phẩm nghệ thuật của mình. Đảm bảo tính chính xác từ chi tiết đến tổng thể về hình ảnh của nhân vật mang lại hiệu ứng sân khấu cao, đồng thời khẳng định gu thẩm mỹ trong từng bối cảnh lịch sử.

Các khâu kiểm duyệt cần khắt khe trong việc đánh giá chất lượng phục trang sân khấu, đảm bảo giữ đúng thuần phong mỹ tục, lưu truyền những giá trị văn hóa, đồng thời có những chế tài rõ ràng cho việc sai phạm làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của ngành nghề. Có như vậy mỗi tác phẩm nghệ thuật khi ra mắt mới đảm bảo chất lượng và mang lại cho công chúng những giá trị nghệ thuật đích thực.

Các nhà quản lý cần có những chính sách nhằm khuyến khích những tài năng trẻ như: mở các cuộc thi thiết kế phục trang sân khấu với đề tài lịch sử, vận động, tìm kiếm các tài năng có niềm đam mê về lĩnh vực thiết kế phục trang sân khấu truyền thống…

Trước thực trạng phục trang sân khấu như hiện nay, đặc biệt các vở diễn sân khấu truyền thống về đề tài lịch sử, việc xây dựng, thiết kế, kiểm duyệt một tác phẩm sân khấu càng trở nên cấp thiết. Một mặt góp phần đảm bảo chất lượng nghệ thuật và đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng, mặt khác giúp định hướng và điều chỉnh cho sự phát triển của một nền nghệ thuật sân khấu truyền thống không lai căng, mất gốc.

Tác giả: Chu Quốc Tuấn

Nguồn: Tạp chí VHNT số 446, tháng 12-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *