Phụng thờ thần hổ trong điện thờ đạo mẫu

Trong tín ngưỡng dân gian của người Việt, hổ là loài vật linh thiêng, được tôn thờ, sùng bái và gọi một cách trân trọng là ông, ngài, cậu, chúa… Thần hổ uy linh và đầy huyền bí đã đi vào đời sống tâm linh của người Việt, trở thành nhân vật được thờ cúng ở rất nhiều điện, đền, phủ… Trong điện thờ đạo Mẫu Việt Nam, thần hổ được thờ cúng với tư cách là một sơn thần, có ban thờ riêng với một số nghi thức, nghi lễ đặc trưng.

1. Hổ trong đời sống văn hóa của người Việt

Tên gọi, nguồn gốc và đặc điểm sinh học

Trong môi trường tự nhiên, hổ thuộc nhóm loài động vật hung hãn, dũng mãnh, can trường, hiên ngang. Nhờ những đặc chất ấy mà hổ trở thành biểu tượng của sự hùng cường, có sức mạnh vô song.

Hổ có nhiều tên gọi khác nhau, mỗi tên gọi có ý nghĩa nhất định về mặt văn hóa, tâm linh. Trong chữ Hán, chữ hổ (唬) bao gồm bộ khẩu đứng trước chữ hổ có nghĩa dọa, hù, làm cho sợ. Nhắc đến hổ người ta dễ tưởng tượng ra loài thú dữ ăn thịt sống lớn thứ 3, chỉ sau gấu trắng, gấu nâu. Con người, muông thú chỉ cần nghe thấy tiếng gầm của hổ đã hồn bay phách lạc, nháo nhác tìm nơi trú ẩn. Bên cạnh cách gọi phổ biến đó, hổ còn có rất nhiều danh xưng như: cọp, hùm, kễnh, khái, hạm, chúa sơn lâm, mãnh chúa rừng xanh, chúa tể rừng xanh, ông cả cọp, ông ba mươi, ông ba bị… Cách gọi cọp khiến người ta hình dung đến động tác ngoạm, cắp, tham lam, ăn tươi, nuốt sống của loài thú này. Hùm biểu thị tiếng gầm dữ dội, nhằm đe dọa đối phương. Kễnh giúp người ta liên tưởng đến việc hổ chạy bằng ba chân, khi một chân bị thọt, hoặc vướng vì tha con mồi to hơn mình… Đặc biệt, tên gọi ông ba mươi gợi nhớ về truyền thuyết vua Gia Long với những ngày sống trong rừng, hết cả lương thực, may mắn có thịt thú rừng do hổ tiếp tế. Để tỏ lòng biết ơn hổ, vua cho lập miếu thờ và ra lệnh rằng nếu ai lỡ tay giết hổ bị phạt 30 trượng, hoặc bắt sống thì thưởng 30 quan tiền.

Trong các loài thú dữ, hổ là loài thú được con người sợ hãi, thờ cúng, kỵ húy nhiều nhất. Xuất phát từ việc sợ hãi nên nhiều người không dám gọi thẳng tên mà gọi chệch đi vì sợ ngài hổ giận và tìm cách xử phạt.

 Hình tượng hổ trong các nguồn tư liệu dân gian và các loại hình nghệ thuật

Hổ đi vào đời sống dân gian, lưu dấu ấn qua phương thức truyền miệng. Theo thống kê sơ bộ, người Việt có khoảng 1.300 câu ngạn ngữ, phương ngữ, thành ngữ, tục ngữ, ca dao, dân ca có liên quan đến loài hổ (1). Trong số đó, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp, con người đã mượn chuyện con hổ để răn mình, nhắc nhở con người biết cách sống sao cho đúng. Khi nói về người có tướng giỏi, khỏe mạnh người ta có câu mình hổ, tay vượn. Ca ngợi tình sâu nghĩa nặng của cha mẹ với con cái, dân gian ví hùm dữ không ăn thịt con. Đặc biệt, đối với những người sinh năm Dần hoặc giờ Dần sẽ có cuộc sống an bình và sung túc hơn những người khác nếu có niềm tin vào số mệnh. Hoặc ca dao tục ngữ chê những người chỉ biết chăm chú vào việc nhỏ mà né tránh việc lớn.

 Hổ còn là đề tài trung tâm của nhiều truyện cổ tích, ngụ ngôn, huyền thoại, giai thoại; là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều nhà văn, nhà thơ, họa sĩ để họ viết, vẽ nên những tác phẩm nghệ thuật lớn. Ở nước ta, tác phẩm hội họa dân gian tiêu biểu nhất vẽ về hổ mang tính cộng đồng thuộc về dòng tranh dân gian Hàng Trống. Tranh Hàng Trống khắc họa hình tượng ngũ hổ, còn được gọi là tranh ông Năm Dinh. Hình tượng ông Năm Dinh sau được kết hợp độc đáo trong bản điện thờ tín ngưỡng tam, tứ phủ với đủ phong cách thể hiện.

Trong nghệ thuật múa, người ta cố gắng thể hiện những động tác diễn tả lại hành động của hổ với những cử chỉ hết sức tinh tế. Điệu múa Long hổ hội là đỉnh cao nghệ thuật múa của nghệ nhân cung đình Huế. Bên cạnh đó, hầu đồng, một trong nghi lễ thờ tam, tứ phủ cũng có giá đồng hầu ngũ hổ. Nghệ thuật miêu tả lại sức mạnh thần hổ thể hiện rất rõ trong nghi lễ này.

Trong võ thuật, hình ảnh con hổ thể hiện khả năng chiến đấu, sự hung hãn, tinh ranh, xảo quyệt liều lĩnh cũng như bản năng tự vệ và chiến đấu cao, oai phong lẫm liệt, không chịu khuất phục.

Hổ góp mặt trong lĩnh vực phong thủy với biểu tượng cho quyền lực, công danh, sự thăng tiến trong kinh doanh. Hổ dùng tiếp khí cho các cát tinh Lục Bạch, Bát Bạch, bổ trợ cho bản mệnh người tuổi Dần, dùng để trấn yểm khi nhà bị phạm vào cấm kỵ.

Hổ trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của người Việt

Trong môi trường sống nhiều bất trắc, con người phải đối đầu với nhiều loài động vật hung hãn, ghê sợ, đe dọa đến tính mạng, sự sinh tồn. Tâm lý sợ hãi những loài động vật có quyền uy đã tác động trực tiếp đến việc tôn sùng, lễ bái động vật của con người. Do đó, việc phụng thờ thần hổ chính là một cách giải tỏa tâm lý, tâm linh.

Mặt khác, trong thời kỳ sơ khai, khi trình độ nhận thức của con người còn hạn chế, người ta không thể giải thích được tường tận, thấu đáo nhiều hiện tượng đang diễn ra, vì vậy họ đã đi tìm lời lý giải trong trí tưởng tượng. Cách giải thích nguyên sơ cho rằng, con người được sinh ra từ một loài động vật nào đó, tôn sùng và coi là vật tổ đã được toàn thể cộng đồng chấp nhận. Một vài dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay như họ Hoàng, Lường, Lộc của người Thái coi hổ là vật tổ; họ Lò, Cầm thờ quạ, họ Hà thờ cuốc… Bên cạnh đó, thờ hổ cũng là vật tổ của một số dân tộc như: Khơ mú (Tây Bắc, miền tây Nghệ An), Tà Ôi (vùng núi phía tây miền Trung), Cor (huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi)…

Từ việc tôn sùng hổ, một số dân tộc đã coi hổ là vị thần may mắn, đem lại bình an cho cuộc sống. Con người đã thần thánh hóa vai trò của hổ để tạo biểu tượng sức mạnh cho cộng đồng. Người Khơ mú thuộc họ Rvai (hổ) có nghi lễ cúng ma nhà (hrôigang). Họ diễn lại các động tác của vật tổ vào dịp tết Nguyên đán, hội hè…, kiêng động tay vào hổ, không săn bắt, giết, ăn thịt hổ. Khi gặp hổ chết, người Khơ mú khóc than thật sự như tổ tiên mình qua đời. Đặc biệt, người ta đặt bên cạnh người chết một chiếc chăn giống màu lông hổ, để hồn được siêu thoát, trở về với hổ, có nghĩa là về với tổ tiên.

Ở nhiều gia đình Việt Nam ngày nay vẫn treo tranh thờ ngũ hổ như một lá bùa trấn tà ma. Tranh hổ thường được treo chính giữa gian thờ hoặc dưới ban thờ thần thổ công. Khi treo tranh luôn phải chú ý đến địa điểm, tránh treo gần nơi ăn ngủ, tốt nhất là thẳng gian chính điện. Một số gia đình kỵ treo tranh thờ riêng một thần hổ, đó phải là Hoàng hổ mới an thịnh, nếu không phải thờ ngũ hổ. Theo quan niệm dân gian, ngũ hổ có thuật biến hóa khôn lường (2).

Ngoài việc thờ hổ để cầu sức khỏe, bình an, trong tín ngưỡng tâm linh, người ta còn cầu cho vạn vật sinh sôi nảy nở theo quy luật trời đất. Từ xưa dân ta đã cho rằng thần hổ trấn bốn phương, bốn cõi, có uy quyền trong tay, vạn vật có sinh tồn được hay không là do ngài phán quyết. Việc thờ thần hổ còn ngụ ý mong cho gia đình sung túc, mạnh khỏe, tai qua nạn khỏi, vật nuôi trong nhà được hưng thịnh (3). Như vậy, có thể thấy, hổ có vị trí, vai trò rất đặc biệt trong mọi mặt đời sống xã hội.

2. Việc phụng thờ thần hổ trong điện thờ đạo Mẫu Việt Nam

Ban thờ thần hổ trong điện thờ mẫu

Tín ngưỡng thờ mẫu tam, tứ phủ về bản chất là sự tôn sùng quyền uy nữ thần, vai trò người phụ nữ, người mẹ. Ban đầu, tam phủ với các cõi thiên, địa, thủy, sau đó xuất hiện nhạc phủ, đảm bảo sự cân bằng trong vũ trụ theo nguyên lý âm dương.

Trong điện thờ, mẫu Liễu Hạnh được coi là thần chủ, có vai trò chỉ đạo hệ thống thiên thần, nhân thần gồm các quan, chúa, hoàng, cô, cậu, ngũ hổ, ông lốt… đảm bảo sự vận hành cho pháp đạo trường tồn. Các hàng dưới mẫu có nhiệm vụ thực hành đạo, đảm bảo pháp lệnh, trong đó thường làm nhiệm vụ chấm đồng, chấm căn để bắt người trần ra trình đồng, mở phủ.

Tượng pháp trong điện thờ miền Bắc sắp xếp theo trật tự không gian từ cao xuống thấp. Trong đó, trung điện thờ các chư vị thiên thần, nhân thần. Hạ điện thờ ngũ hổ. Thanh xà, bạch xà cuốn trên xà ngang thuộc tầng cao nhất của điện. Có thể thấy, thần hổ giữ vị trí nhất định trong điện thờ đạo Mẫu, thể hiện sự cân bằng giữa hai miền thiên phủ, địa phủ, góp phần trấn an cho cửa điện.

Trong điện thờ đạo Mẫu, ban thờ ngũ hổ đặt dưới điện thờ công đồng. Một số nơi tách riêng ban ngũ hổ như đền Mẫu Ba Cây (Sơn Tây), đền Mơ Táo (Hà Nội), đền Cửa Ông (Quảng Ninh)… Một số đền, phủ thờ mẫu khác lại đặt ban ngũ hổ phía dưới động sơn trang như phủ Tây Hồ (Hà Nội), đền Cô bé Tân An (Lào Cai), đền Đồng Bằng (Thái Bình)…

Ban ngũ hổ thường được bài trí giống như một hang động lớn, có những phiến đá nhấp nhô, tạo thế của hang núi, mang dáng dấp huyền bí. Đây chính là nơi ngự trị của thần hổ, thường thờ tranh hoặc tượng. Nếu thờ một ngài, người phụng thờ phải xem bản mệnh, tìm hiểu căn mệnh hợp ngài hổ nào mới thờ riêng.

Trong ban thờ, cần sắp xếp vị trí theo hướng mà các ngài trấn giữ, tuân theo quy luật ngũ hành: hoàng hổ (màu vàng – hành thổ) ở vị trí chính giữa ứng với trung ương chính điện, thanh hổ (màu xanh – hành mộc) ứng với phương Đông, bạch hổ (màu trắng – hành kim) ứng với phương Tây, xích hổ (màu đỏ – hành hỏa) ứng với phương Nam, hắc hổ (màu xám đen – hành thủy) ứng với phương Bắc. Hình tượng ngũ hổ trên không chỉ tượng trưng cho ngũ hành với mối quan hệ tương sinh, tương khắc trong vũ trụ mà còn để thể hiện quyền uy của mỗi vị thần trong phép nhà thánh. Trong đó, hoàng hổ tướng quân giữ vai trò trưởng trung cung, có nhiều quyền phép, trấn giữ điều lệnh các phương. Ông là vị lãnh chúa cao nhất, thâu tóm mọi uy quyền, quyết định âm phù dương trợ cho dân gian.

Ở các điện thờ tư nhân,việc thờ thần ngũ hổ có quy luật rất chặt chẽ. Đối với những người căn cao số nặng, khi mở phủ, mở điện, cần bố trí giống như trên cửa điện mẫu, bắt buộc phải có ban ngũ hổ. Những gia đình khá giả có thể thờ tượng, gia đình điều kiện chưa cho phép có thể bốc bát hương, treo ảnh thờ an vị.

Ngũ hổ thờ trong điện có thể là tranh thờ, tượng thờ, hoặc vẽ trực tiếp trên hạ ban của điện thờ. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều tranh vẽ về đề tài ngũ hổ, đặc biệt là dòng tranh Hàng Trống. Hình tượng ngũ hổ trong tranh Hàng Trống được bố cục cân đối, con thì đứng, con thì ngồi, con cưỡi mây lướt gió… Từ dáng dấp đến ánh mắt, chòm râu, vẻ mặt cùng khí thế toàn thân đều toát lên sức sống mãnh liệt của loài chúa sơn lâm. Vì vậy, khi nhìn bức tranh ngũ hổ, người xem cảm nhận được khối thân chắc khỏe, dáng ngồi, thế đứng đường bệ, oai phong, đặc biệt những chiếc đuôi như đang ve vẩy, uốn vồng lên để đập xuống đất hoặc bật chồm lên. Mắt hổ như hừng hực nội lực của loài mãnh chúa, lột tả rõ nét sự oai hùng, lẫm liệt.

Sự phối thờ độc đáo trong điện thờ mẫu là kết quả của tín ngưỡng đa thần của người Việt, khẳng định vai trò, sức mạnh của vạn vật trong vũ trụ và sự khuất phục của chư vị thiên thần, nhân thần, muôn thú trước quyền uy của thánh mẫu.

Hình tượng ngũ hổ tiêu biểu cho sức mạnh toàn năng, có thể cứu độ, giúp đời, trấn yên bản điện. Ngũ hổ được coi là bộ hạ đắc lực của thánh mẫu trong việc trừ tà ma, ngoại đạo.

Nghi lễ thờ cúng

Trong tín ngưỡng thờ mẫu, các vị thần linh được tôn thờ bao gồm cả nữ thần và nam thần. Thuộc dòng thờ nữ thầncó: tứ vị chầu bà (4), bát vị chầu bà (8), thập nhị vị chầu (12), thập nhị thánh cô (12), đều là số chẵn. Đối với nam thần: ngũ vị tôn ông (5), thập vị tôn ông (10), ngũ vị ông hoàng (5), thập vị ông hoàng (10), đều là số lẻ. Trong quan niệm dân gian, số lẻ là con số cố định, gắn với dương – đực – nam tính, số chẵn là con số không cố định, gắn với âm – cái – nữ tính. Như vậy những con số trong điện thờ mẫu đều mang tính biểu tượng, thiêng liêng, thể hiện sự hòa hợp âm dương.

Việc phụng thờ ngũ hổ đã thể hiện đầy đủ yếu tố hoà hợp trong quy luật vận động của thuyết âm dương. Năm ông hổ biểu thị cho sức mạnh của dòng nam thần. Đồ lễ dâng cúng thường gồm 5 lễ vật: một miếng thịt lợn vai sống, thái vuông to, khía thành 5 phần mỏng không đứt; 5 quả trứng sống; muối; gạo; một chai rượu. Tuy nhiên, đến nay, việc sắm sửa lễ vật ít nhiều có sự biến đổi vừa đơn giản, vừa phức tạp, do quan niệm của mỗi người. Người thì cho rằng đi lễ thành tâm, có thể dâng hoa quả, trầu cau, bánh kẹo, rượu, chè thuốc… Người cầu kỳ thì chuẩn bị đồ lễ chu đáo, cẩn thận theo đúng sở thích của ngài. Một số khác có quan điểm thực dụng, dâng ngài rất nhiều đồ lễ cao sang, đắt tiền. Tuy nhiên, thủ nhang, thanh đồng hầu thánh vẫn giữ đúng quy luật dâng đồ lễ cho ngũ hổ gồm thịt khía 5 miếng, trứng 5 quả, gạo, muối, tiền vàng. Trong những đàn lễ lớn của tứ phủ, ngoài đồ lễ trên, thanh đồng, thủ nhang còn sắm sửa 1 mâm cơm canh khao ngũ hổ, 5 chén rượu trắng. Họ tin rằng, các ngài sẽ về chứng đàn lễ, phù hộ cho canh đàn khóa lễ được thập toàn viên mãn.

Bên cạnh đồ lễ, đồ mã cũng được chuẩn bị cầu kỳ, cẩn thận, gồm 5 hình ông hổ được đan từ những thanh nứa, với 5 màu sắc. Đồ mã lễ xong được đem ra hóa để các ngài chứng tâm cho chủ lễ.

Không có lịch cúng lễ riêng biệt đối với việc phụng thờ thần hổ, mà đan xen trong các ngày lễ lớn của tín ngưỡng thờ mẫu: ngày sóc, vọng, tết âm lịch, lễ hội…

Trong thờ Mẫu, nghi lễ đặc trưng và quan trọng nhất là lên đồng (hầu đồng). Trong nghi lễ, thần linh giáng bóng nhiều lần vào các ông đồng, bà đồng, theo thứ tự từ cao xuống thấp. Giá hầu ngũ hổ được xếp vào giá cuối cùng. Rất hiếm người hầu giá ngũ hổ, đó phải là người chịu căn cao bóng nặng của ngài mới được phép hầu. Người có căn mệnh hầu ngũ hổ là người hay nằm mơ bị hổ vồ, ăn thịt, hoặc bị ngã xuống núi, thấy nhiều cảnh chém giết, cảm giác trong người mệt mỏi khi khám bác sĩ không phát hiện ra bệnh. Hoặc khi về các nơi thiêng làm lễ tại ban thờ thần hổ mặt đỏ bừng, có biểu hiện kỳ lạ như vồ thịt sống, trứng sống để ăn, chui vào ban thờ hổ ngồi trong trạng thái mất kiểm soát. Khi đến giá ngũ hổ ghế đồng, hợp vị thần hổ nào sẽ hầu vị đó, mặc sắc phục phù hợp, phía sau có thêu hình thần hổ cai mệnh. Con đồng phải vật lộn trên điện mất khoảng 10-20 phút chỉ để làm các động tác như gầm gừ, khuôn mặt hết sức dữ tợn, tay chân tạo dáng như thế hổ vồ, thường nhai đĩa sành. Chỉ người có căn mệnh mới thực hiện được động tác cào xuống đất, bọt mép tràn ra, đôi mắt mở to, miệng há rộng, hai hàm răng nghiến chặt… Ông hổ khi lên nhập vào giá con đồng ban phát lộc cho dân, thường lấy răng để cắp lộc phát cho từng người. Có những giá hầu, ông hổ ăn luôn cả trứng sống, thịt sống, cắn vỡ vụn chén rượu, đĩa để thị uy sức mạnh…

3. Ý nghĩa của việc phụng thờ thần hổ trong điện thờ đạo Mẫu Việt Nam

Tín ngưỡng thờ mẫu tam, tứ phủ là tín ngưỡng bản địa đặc sắc của người Việt, không chỉ hướng niềm tin của con người vào thế giới sau khi chết, mà còn hướng đến thế giới hiện tại, sức khỏe, tiền tài, quan lộc thông qua việc cầu khẩn đấng vô hình. Mỗi vị thánh trong tứ phủ đều có những vai trò, nhiệm vụ riêng với mục đích giữ gìn đạo hạnh, cứu độ chúng sinh. Tính uy nghiêm, linh thiêng của các vị thần, thánh trong điện mẫu đã thu hút được hàng ngàn, hàng trăm du khách thập phương, các con nhang đệ tử đến với cửa điện, để cầu xin tài lộc, che chở, bình an.

Có thể nói, việc phụng thờ thần hổ không phát triển độc lập mà tồn tại song hành cùng với các tôn giáo, tín ngưỡng khác, đặc biệt là tín ngưỡng thờ mẫu. Sự hiện diện của ngài trong điện mẫu đã khẳng định uy quyền, sức mạnh của các vị thần tự nhiên trong hệ thống bách thần của người Việt. Hổ đã đi vào tâm thức dân gian với sự cung kính, tôn sùng bởi quyền năng trừ tà, ban phát tài lộc, công danh cho mọi người.

____________

1. Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc, Hình ảnh con hổ trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao.

2, 3. Ngô Đức Thịnh, Hát văn, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1996.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 391, tháng 1-2017

Tác giả : PHÙNG VƯƠNG KHÁNH YẾN

4/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *