Quan hệ tộc người xuyên biên giới và việc bảo vệ an ninh quốc gia


Biên giới là phên giậu vững chắc của tổ quốc, địa bàn chiến lược về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh… của đất nước, là nơi cư trú, sinh sống, làm ăn lâu đời của đồng bào các dân tộc, chủ yếu là dân tộc thiểu số. Họ gắn bó với biên giới quốc gia (BGQG), có sự hiểu biết về môi trường địa lý, điều kiện tự nhiên ở đây, có mối quan hệ gần gũi không chỉ với những dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn mà còn cả với các dân tộc bên kia biên giới trên nhiều phương diện. Đồng bào các dân tộc ở hai bên biên giới giữa Việt Nam với các nước khác có mối quan hệ cùng dân tộc, dòng họ, thân tộc, thông gia rất lâu đời. Những mối quan hệ này được hun đúc, nuôi dưỡng, trở thành không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân, chi phối nhận thức, tình cảm, hành động của họ, có tác động to lớn đến vấn đề bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh BGQG.

“Quan hệ tộc người xuyên biên giới là quan hệ qua lại đường biên giới của hai quốc gia láng giềng giữa các cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư… trong một dân tộc hay khác dân tộc”(1). Quan hệ tộc người xuyên biên giới có hình thức và nội dung đa chiều, được biểu hiện trong hầu hết các lĩnh vực như nguồn gốc lịch sử tộc người, hoạt động kinh tế, đời sống xã hội, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo… Do mối quan hệ đó gắn bó khăng khít như vậy, nên các thế lực thù địch, đối tượng phản động, tội phạm hình sự, truyền đạo trái pháp luật luôn triệt để khai thác, sử dụng các mối quan hệ thân tộc, đồng tộc hai bên biên giới để hoạt động.

Hiện nay, quan hệ gia đình, dòng họ và hôn nhân xuyên biên giới ngày càng gia tăng. Quan hệ này càng mở rộng trong điều kiện biên giới hòa bình, hữu nghị, cùng với sự phát triển về giao thông, công nghệ thông tin. Những hoạt động trong quan hệ đồng tộc xuyên biên giới có những mặt tích cực, song cũng ẩn chứa những yếu tố tiêu cực. Nổi bật là vấn đề di cư bất hợp pháp qua biên giới, làm mất ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực này, đồng thời, gây khó khăn trong công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu của cư dân vùng biên. Các thế lực thù địch đã lợi dụng đánh tráo, đồng nhất hai khái niệm lãnh thổ tộc ngườibiên giới quốc gia để phục vụ cho những toan tính riêng. Đây là một nguy cơ tiềm ẩn, dễ bị lợi dụng để đòi xem xét lại BGQG, bành trướng lãnh thổ, xâm phạm chủ quyền. Vấn đề nằm ở chỗ các thành viên chỉ quan tâm đến tộc người mà không thấy được vấn đề lãnh thổ quốc gia, coi trọng quan hệ đồng tộc hơn ý thức quốc gia, quốc giới. Đây cũng là cơ sở để các thế lực thù địch kích động các tộc người ly khai.

Một vấn đề cũng hết sức phức tạp, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự ở vùng biên là việc các quan hệ vận chuyển, buôn bán ma túy, vũ khí… qua biên giới ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Các đối tượng buôn bán ma túy, vũ khí… đã dựa vào quan hệ đồng tộc hai bên biên giới để mở rộng đường dây, lôi kéo, ép buộc người dân tiếp tay cho chúng.

Quan hệ trao đổi, buôn bán xuyên biên giới ngày càng phổ biến đã thu hút nhiều người dân Việt Nam sang Trung Quốc làm thuê, di cư sang Lào thuê đất trồng trọt, chăn nuôi hay thâm canh. Vì vậy, tình trạng vượt biên, cư trú bất hợp pháp, vi phạm các quy định trong hiệp định về quy chế biên giới đã xuất hiện. Người dân di cư dễ bị các phần tử xấu ở bên kia biên giới lôi kéo vào buôn bán, vận chuyển ma túy, hoạt động ly khai…

Đặc biệt, ở một số tỉnh biên giới còn có quan hệ tín ngưỡng, tôn giáo qua biên giới, mà đối tượng chủ yếu là người dân tộc Mông. Với người Mông, sự phức tạp vẫn là quan hệ ở những người theo Tin lành. Nó tạo ra di cư tự do, chia rẽ cộng đồng, gây mâu thuẫn với các dân tộc khác ở hai bên biên giới.

Tình trạng quan hệ hôn nhân xuyên biên giới vẫn theo tập quán và không đăng ký cũng gây ra những khó khăn, phức tạp nhất định đối với chính quyền địa phương nhiều nơi trong việc quản lý.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, quan hệ dòng họ, gia đình, hôn nhân xuyên biên giới đang làm gia tăng các mối liên kết đồng tộc, đồng tôn giáo. Do đó, họ dễ bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để tập hợp các tín đồ tôn giáo hai bên biên giới thành một khối liên minh liên dân tộc – tôn giáo, phục vụ cho mưu đồ chính trị của chúng.

Rõ ràng, quan hệ tộc người xuyên biên giới đang làm phát sinh nhiều vấn đề mới, gây ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị – xã hội, bảo vệ chủ quyền, an ninh BGQG của nước ta hiện nay. Do đó, để bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh BGQG trong tình hình mới, cần nắm vững, quản lý chắc và giải quyết tốt mối quan hệ này. Nhận thức đúng tác động cũng như tầm quan trọng của việc giải quyết mối quan hệ tộc người xuyên biên giới đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh BGQG hiện nay, đòi hỏi các cấp, ngành và lực lượng trên địa bàn các tỉnh biên giới nước ta cần nắm vững, thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức dân tộc của đồng bào các dân tộc trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia

Trước những biến động của tình hình trong nước và thế giới hiện nay, xu hướng gia tăng của quan hệ dân tộc xuyên biên giới cùng với sự tăng cường chống phá của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề dân tộc đã tạo nên những yếu tố làm suy giảm, mờ nhạt ý thức về chủ quyền quốc gia của một bộ phận đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới. Thực tế đó cùng với yêu cầu của việc bảo vệ BGQG trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay, đòi hỏi phải tăng cường việc giáo dục nhằm nâng cao ý thức về chủ quyền lãnh thổ quốc gia cho đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới. Do đó, cần thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giác ngộ nhân dân ở khu vực biên giới về lòng tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước, trách nhiệm bảo vệ tổ quốc, chủ quyền, an ninh BGQG. Như vậy mới có thể trang bị cho họ hệ thống tri thức, hiểu biết, xây dựng thái độ đúng, tình cảm, niềm tin, ý chí quyết tâm bảo vệ vững chắc BGQG. Đồng thời, cần tuyên truyền cho nhân dân hai bên biên giới hiểu rõ âm mưu của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng quan hệ dân tộc, thân tộc hai bên biên giới để hoạt động chống phá, chia rẽ đoàn kết. Vận động đồng bào thực hiện tốt mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, giữ vững chủ quyền lãnh thổ; tham gia xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng; chú trọng thực hiện, nhân rộng phong trào kết nghĩa bản – bản hai bên biên giới.

Thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ở các tỉnh biên giới

Thực hiện tốt chính sách dân tộc là cơ sở để củng cố niềm tin, lòng yêu nước, tăng cường sự bền vững của mối quan hệ giữa các tộc người ở nước ta với tổ quốc, đất nước, để từ đó đồng bào thực hiện đúng pháp luật trong quá trình quan hệ dân tộc, thân tộc qua lại. Thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội… luôn tác động tích cực đến quan hệ dân tộc xuyên biên giới, làm thay đổi nhiều khía cạnh đời sống kinh tế, xã hội của người dân. Do đó, các cấp, ngành, lực lượng trên địa bàn khu vực biên giới cần trực tiếp tham gia đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội như chương trình xóa đói giảm nghèo, định canh định cư, khám chữa bệnh, giáo dục… góp phần cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, để nhân dân tin yêu, sẵn sàng thực hiện tốt nghĩa vụ công dân.

Công tác quản lý các mối quan hệ tộc người xuyên biên giới

Để quản lý có hiệu quả các mối quan hệ tộc người xuyên biên giới ngày càng phức tạp trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, đòi hỏi các cấp, ngành, lực lượng phải làm tốt công tác điều tra khảo sát, nắm chắc các mối quan hệ đó, tập hợp hệ thống dữ liệu chuẩn xác, cập nhật bổ sung thường xuyên. Đặc biệt, cần chú ý các mối quan hệ mà trong lịch sử thường bị các loại đối tượng lợi dụng. Thông qua những biện pháp nghiệp vụ để nắm chắc, phân loại các mối quan hệ dân tộc, thân tộc theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Vừa giải quyết việc qua lại hai bên biên giới để nhân dân đi lại thăm thân, gắn bó tình cảm dân tộc, dòng họ, tình cảm quốc tế, vừa tăng cường quản lý hộ tịch, hộ khẩu, vấn đề di dân tự do, vượt biên trái phép qua biên giới. Phối hợp với cơ quan chức năng của các nước láng giềng chung đường biên giới nhằm ngăn chặn hoạt động của những phần tử xấu lợi dụng mối quan hệ dân tộc, thân tộc để chống phá cách mạng mỗi nước.

Tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới gắn với việc giải quyết mối quan hệ tộc người xuyên biên giới

Trước xu thế hội nhập quốc tế, các thế lực thù địch đã lợi dụng chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại mở cửa với bên ngoài của Nhà nước ta. Chúng triệt để lợi dụng các vấn đề ngoại giao, thăm thân, quan hệ huyết thống, hôn nhân xuyên biên giới… nhằm tập hợp khối liên minh dân tộc – tôn giáo, kích động tư tưởng ly khai, xúi giục đồng bào gây rối, tạo thành điểm nóng trên lĩnh vực chính trị, an ninh trật tự. Bên cạnh đó, Trung Quốc với tư tưởng gây ảnh hưởng vào các khu vực biên giới nước ta, đã thực hiện chiến lược biên giới mềm, chính sách hưng biên phú dân với mục đích giành quyền chủ động, ưu thế nước lớn. Đồng thời, Trung Quốc còn tăng cường nghiên cứu các vấn đề liên quan đến nguồn gốc lịch sử tộc người, tính đồng huyết, ý thức lãnh thổ tộc người… của các dân tộc đang sinh sống ở hai bên biên giới. Do đó, giải quyết các vấn đề quan hệ tộc người xuyên biên giới cần gắn với tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân gắn với biên phòng toàn dân để bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh BGQG trong tình hình mới.

_______________

1. Kỷ yếu hội thảo Công tác dân tộc, tôn giáo của bộ đội biên phòng các tỉnh biên giới Tây Bắc với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong thời kỳ hội nhập quốc tế, Học viện Biên phòng – Viện Dân tộc học – Viện Nghiên cứu tôn giáo, Hà Nội, 2013.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 383, tháng 5-2016

Tác giả : TRẦN NHẬT NAM

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *