Quản lý di tích quốc gia đặc biệt lăng mộ và đền thờ các vua Trần ở Thái Bình

Vài nét về di tích lăng mộ và đền thờ các vua Trần

Di tích quốc gia đặc biệt lăng mộ và đền thờ các vua Trần (tên gọi khác là khu di tích lịch sử nhà Trần) thuộc phủ Long Hưng xưa, ngày nay thuộc xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Đây là vùng đất có vị thế địa – kinh tế – chính trị – văn hóa đặc biệt quan trọng, gắn với nhiều sự kiện lịch sử thời Trần và lịch sử dân tộc. Di tích quốc gia đặc biệt gồm 3 phân khu chính:

Khu lăng mộ

Vùng đất Long Hưng xưa, vốn là nơi dựng nghiệp của nhà Trần, vì thế đã được triều Trần đặc biệt chú trọng, phân phong cho các thân vương. Nơi đặt mộ tổ của họ Trần tại hương Tinh Cương (nay thuộc thôn Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) tiếp tục được lựa chọn làm nơi an nghỉ của các vị vua đầu triều và hoàng tộc nhà Trần: Thái tổ Trần Thừa táng tại Thọ Lăng; Thái Tông táng tại Chiêu Lăng, Thánh Tông táng tại Dụ Lăng, Nhân Tông táng tại Đức Lăng. Sau khi Thái Tổ Trần Thừa mất, hương Tinh Cương chính thức được đổi tên thành Thái Đường (khu lăng tẩm của vua và hoàng tộc). Từ năm 1320 trở đi, các vua và hoàng hậu nhà Trần sau khi mất đều được đưa về an táng tại khu vực An Sinh (thuộc Đông Triều, Quảng Ninh ngày nay). Năm 1381, Trần Phế Đế đã rước thần tượng của các vua Trần về thờ ở An Sinh. Tuy nhiên, khu lăng mộ và đền thờ nhà Trần ở Thái Đường vẫn được nhà Trần và cộng đồng sở tại đặc biệt quan tâm, tiếp tục duy tu, xây dựng mở rộng thêm (1).

Trước năm 1945, trên địa bàn Tam Đường vẫn còn đền thờ các vua Trần. Phía trước đền (phía Nam) có 3 ngôi mộ lớn là: Phần Trung, Phần Bụt, Phần Đa, chếch về phía Tây – ở vị trí cách đê sông Hồng gần 500m có một ngôi mộ cổ, nhân dân quen gọi là Phần Cựu. Phía Đông Bắc đền thờ có Mả Tít, Vườn Màn, Bến Ngự và chùa Bến. Phía sau đền thờ (phía Bắc) có 7 ngôi mộ đối diện với phần Trung, phần Bụt, phần Đa, tạo thành thế “tiền tam thai hậu thất tinh”.

Khu thất tinh gồm phần Ốc, Quang, Ổi, Lợn, Mao, Gà và phần Bà Già. Tương truyền, phần Ốc là nơi đặt mộ cụ Trần Hấp, phần Quang là lăng mộ của Nguyên tổ Trần Lý, các phần còn lại trong khu “thất tinh” là nơi chôn cất các hoàng hậu, công chúa đầu triều Trần. Sau năm 1945, phần Cựu và các phần trong khu “thất tinh” đều bị lấy đất cấp cho dân sinh sống, canh tác.

Khu lăng mộ các vua Trần hiện nay có tổng diện tích 38.221m2, được nhân dân gọi là phần Đa, phần Trung, phần Bụt, tương ứng với Chiêu lăng, Dụ Lăng, Đức Lăng – nơi yên nghỉ của Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và 1 ngôi đền thờ Thượng hoàng Trần Thừa, Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông. Cả 3 lăng mộ đều đã được tôn tạo vào năm 2004, có tường kè bằng gạch bao quanh, theo hình đường tròn đồng tâm, có đường kính 65m, cao 1,2m so với sân tế.

Khu đền thờ

Trước kia, đền có tên là Trần đế miếu, nằm ở vị trí đền Mẫu ngày nay. Kiến trúc đền gồm hai tòa, mặt bằng hình chữ nhị, với 7 gian tiền tế, 5 gian hậu cung, bộ khung kiến trúc làm bằng gỗ, chạm trổ cầu kỳ. Trong đền thờ các vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, phối thờ Thượng hoàng Trần Thừa và các vị hoàng hậu đầu triều Trần.

Trải qua nhiều biến cố của thời gian và lịch sử, khu đền thờ bị hủy hoại, đổ nát. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, được sự quan tâm của chính quyền các cấp, cùng nhân dân địa phương, đền đã được phục dựng lại trên nền cũ. Hiện nay, khu đền gồm các hạng mục: đền Vua (ở giữa), đền Thánh (ở phía Đông, bên tả đền Vua) và đền Mẫu (ở phía Tây, bên hữu đền Vua). Ba kiến trúc này đều quay hướng Nam, hướng về khu vực lăng mộ, được bố trí dàn hàng ngang, có chung sân lễ hội, đường nghi lễ, cửa chính (Ngọ môn).

Đền Vua: là nơi thờ 3 vua đầu triều Trần (Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông), phối thờ Thượng hoàng Trần Thừa và các vị cao tổ, tằng tổ nhà Trần là Trần Kinh, Trần Hấp, Trần Lý, cùng hai người có công mở nghiệp nhà Trần là Trần Thị Dung, Trần Thủ Độ; Đền Thánh: là nơi thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, phu nhân Nguyên Từ Quốc mẫu và hai con gái là Quyên Thanh Quận chúa, Đại Hoàng Công chúa; Đền Mẫu: thờ các vị quốc mẫu và công chúa đầu triều Trần với các hạng mục: giếng ngọc, bình phong, sân tế, giải vũ, tiền tế, trung tế và hậu cung (2).

Khu di tích khảo cổ học nhà Trần

Khu di chỉ khảo cổ học Tam Đường (thời Trần), xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đã được khai quật khảo cổ nhiều lần, phát hiện được dấu vết kiến trúc và nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, với niên đại từ thời Lý đến Nguyễn, đặc biệt là nhóm hiện vật thời Trần,… minh chứng cho giá trị và sự tồn tại của di tích qua các thời kỳ lịch sử. Vào khoảng thời gian từ năm 1979-1990, các nhà khảo cổ học đã tiến hành khai quật 4 lần ở Tam Đường, kết quả khai quật cho thấy: Tam Đường là vùng đất đặt tôn miếu, lăng mộ các vua và hoàng hậu đầu triều Trần (như chính sử đã ghi); Tam Đường là nơi đặt hành cung Long Hưng để các vua Trần ngự trong những lần về làm lễ bái yết tổ tiên (3).

Di tích quốc gia đặc biệt Lăng mộ và đền thờ các vua Trần – Ảnh: tư liệu
 

Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đặc biệt, di tích lịch sử Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.

2. Thực trạng quản lý di tích quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vua Trần

Về bộ máy quản lý di tích: ngày 18-11-2008, UBND huyện Hưng Hà ban hành Quyết định số 2219/QĐ-UBND về việc thành lập Ban quản lý di tích lăng mộ và đền thờ các vua Trần, gồm 5 thành viên; thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ di tích, tổ chức các hoạt động trong phạm vi di tích theo sự chỉ đạo của UBND huyện và Phòng Văn hóa – Thông tin, hoạt động theo Quy chế được quy định tại Quyết định số 2390/QĐ-UBNDngày 28-6-2012 của UBND huyện Hưng Hà. Qua nhiều lần kiện toàn, đến năm 2014, di tích Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, Ban quản lý được kiện toàn với tên gọi: Ban quản lý di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thái Bình. Hiện nay, tổ chức bộ máy gồm 15 thành viên: 1 Trưởng ban là Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hưng Hà, 4 Phó Trưởng ban và 10 nhân viên; các thành viên làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và hợp đồng lao động (4). Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực trong các tổ chức bộ máy quản lý di tích còn hạn chế về chuyên môn trong lĩnh vực quản lý di tích và lễ hội. Chính vì vậy, đôi khi việc thực hành tu bổ, tôn tạo di tích còn xảy ra tình trạng sai phạm như trường hợp tự tiện tiếp nhận và đặt 6 bia đá trong khu vực bảo vệ 1 của di tích do một hội đồng hương tại nước ngoài công đức mà không xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Vấn đề xây dựng quy hoạch tổng thể bảo vệ và phát huy giá trị di tích: UBND tỉnh đang chủ trì lập quy hoạch tổng thể di tích quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vua Trần, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Vấn đề tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ: trong thời gian qua, công tác kiểm kê di vật, cổ vật được thực hiện định kỳ, góp phần gìn giữ hệ thống di vật, cổ vật có tại di tích. Bên cạnh đó, các dự án bảo quản tu bổ, phục hồi di tích được thực hiện theo đúng hướng dẫn của Nghị định số 166/2018-NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ.

Công tác phát huy giá trị di tích và lễ hội: các chương trình quảng bá về di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo đài, truyền thanh, truyền hình. Đặc biệt, trong các dịp lễ hội, đài phát thanh huyện Hưng Hà thường xuyên có bài tuyên truyền giới thiệu về giá trị khu di tích. Tuy nhiên, công tác phát huy giá trị di tích chưa thực sự chủ động. Ở Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần hiện nay chưa có một ấn phẩm nào để tuyên truyền cho khách du lịch.

Hoạt động tuyên truyền giáo dục pháp luật cho cộng đồng thường xuyên được thực hiện, các văn bản mới nhất ban hành cũng được phổ biến đến các tổ chức và cộng đồng dân cư. Chính việc làm đó đã nâng cao sự nhận thức của cộng đồng về ý thức trách nhiệm trong bảo vệ di tích.

Vấn đề quản lý và sử dụng các nguồn lực trong tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị của di tích được thực hiện theo Quyết định 2033/QĐ-UBND ngày 27-7-2017 của UBND tỉnh Thái Bình ban hành quy định về tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn công đức tại các di tích lịch sử – văn hóa. Thực hiện việc tiếp nhận hiện vật công đức đúng quy định; có sổ ghi chép tiền công đức, tổ chức kiểm đếm tiền công đức công khai, minh bạch dưới sự chứng kiến của thành viên Ban quản lý, số tiền thu được nộp vào tài khoản của Ban quản lý tại ngân hàng; việc chi tiêu đảm bảo đúng quy định, có sự thống nhất trong lãnh đạo Ban quản lý và công khai trước các thành viên.

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý di tích quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần

Căn cứ vào thực trạng công tác quản lý Khu di tích lăng mộ và đền thờ các vua Trần thời gian qua, căn cứ vào định hướng của UBND tỉnh Thái Bình đối với công tác quản lý di tích được thể hiện ở Quyết định số 270/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Thái Bình giai đoạn 2012 – 2020 (5), tác giả đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý khu di tích trong thời gian tới:

Một là, hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch tổng thể về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Trong quy hoạch cần phân định rõ các vùng bảo vệ nghiêm ngặt và những vùng điều chỉnh quy hoạch xây dựng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Quy hoạch chi tiết xây dựng các khu vực quan trọng, các dự án thành phần về công trình hạ tầng, công trình di tích, công trình quản lý, các chương trình bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích hợp lý, hiệu quả. Công khai quy hoạch, cắm mốc giới khu vực di tích lăng mộ và đền thờ các vua Trần.

Hai là, thực hiện các nhóm dự án thành phần trên cơ sở quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật định hướng phát triển bền vững như bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên kết hợp tạo việc làm cho nhân dân địa phương bằng các nghề truyền thống nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc và nâng cao đời sống của người dân trong vùng di tích. Thực hiện thẩm tra, thẩm định các dự án cải tạo, xây dựng công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ của di tích mà có nguy cơ và khả năng ảnh hưởng xấu đến di tích.

Ba là, thực hiện tuyên truyền giáo dục pháp luật về di sản văn hóa, các biện pháp bảo vệ, bảo quản di vật, cổ vật. Đặc biệt, quan tâm duy trì và giữ gìn nguyên trạng các yếu tố gốc của di tích. Tăng cường việc giới thiệu bằng các kênh thông tin đại chúng khác nhau như: phát thanh, truyền hình, in ấn tờ rơi, tờ gấp tại di tích. Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân nhằm mục đích nâng cao ý thức của cộng đồng về việc bảo vệ di tích, đồng thời huy động nguồn lực trong cộng đồng đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Bốn là, hoàn thiện chính sách, nhất là chính sách về xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Khuyến khích người dân tham gia vào các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa làng xã cộng đồng, giữ gìn các giá trị văn hóa dân tộc. Tạo lập cơ chế hợp tác thuận lợi giữa cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức kinh tế – xã hội có liên quan đến di tích, cộng đồng dân cư địa phương nhằm tác động tích cực đến hiệu quả quản lý nhà nước. Quy định cụ thể hoạt động quản lý phối hợp liên ngành giữa chính quyền địa phương, các tổ chức trong việc bảo vệ, kiểm tra, tuyên truyền giáo dục pháp luật về di sản văn hóa; quy định trách nhiệm xã hội của công dân, của tổ chức tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Năm là, tăng chi ngân sách nhà nước để đầu tư cho hoạt động bảo tồn di tích, tập trung nguồn lực hoàn thành các dự án trọng điểm sau khi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Sáu là, đơn vị quản lý trực tiếp di tích cần có kế hoạch xây dựng chương trình quảng bá đa dạng trên cả phương diện hình thức và nội dung. Cụ thể, ngoài các bài viết trên các phương tiện phát thanh và truyền hình, cần phát hành những ấn phẩm chuyên sâu về giá trị của di tích lăng mộ và đền thờ các vua Trần.

Bảy là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch, các dự án bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và hoạt động khai thác giá trị di tích. Đặc biệt tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng đối với những dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trong thời gian tới.

_______________

1, 2, 3. Bảo tàng tỉnh Thái Bình, Hồ sơ di tích lăng mộ và đền thờ các vua Trần, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, 2014.

4. Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hưng Hà, Báo cáo công tác quản lý tổ chức lễ hội và công tác tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lăng mộ và đền thờ các vua Trần, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, 2019.

5. UBND tỉnh Thái Bình, Quyết định số 270/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Thái Bình giai đoạn 2012 – 2020, 2013.

Tác giả: Nguyễn Tri Phương

Nguồn: Tạp chí VHNT số 437, tháng 9-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *