Quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn huyện Đông Anh, Hà Nội


Quảng cáo là một hoạt động xúc tiến tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá, khuyến mại hàng hóa, dịch vụ rất cần thiết trong thị trường kinh doanh. Mặt khác, quảng cáo còn mang nhiều giá trị thẩm mỹ, tính giáo dục và truyền thống văn hóa của dân tộc, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần xã hội, tạo tiền đề thuận lợi để nước ta phát triển theo hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chính vì vậy, vấn đề quản lý nhà nước về lĩnh vực quảng cáo có tính cấp thiết và quan trọng nhằm đảm bảo mỹ quan, thẩm mỹ môi trường xã hội, đảm bảo quyền lợi của công dân.

1. Hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn huyện Đông Anh

Đông Anh là huyện ngoại thành Hà Nội, có diện tích 182,139 km2, với dân số gần 40 nghìn người, gồm 23 xã và 1 thị trấn. Với vị trí chiến lược – cửa ngõ giao thông ra vào Thủ đô, điều kiện địa lý thuận lợi, Đông Anh được chọn là địa bàn quan trọng thu hút đầu tư phát triển kinh tế với các khu công nghiệp, trung tâm tài chính thương mại, du lịch, thể thao lớn. Bên cạnh đó, theo quy hoạch tổng thể của thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đông Anh sẽ trở thành một đô thị nội đô và là một trong những vành đai xanh của thành phố.

Trong những năm gần đây, hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung và huyện Đông Anh nói riêng đã hình thành và phát triển khá mạnh, được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, trong đó tập trung chủ yếu vào một số hình thức chính: bảng tấm lớn, biển ốp bên hông tường nhà, mặt tiền nhà, biển hộp đèn, pano nhỏ treo tại cửa hàng và băng rôn. Năm 2018, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2050. Thời gian qua, quy hoạch đã được triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố và đạt được kết quả nhất định.

Hoạt động quảng cáo ngoài trời được quy hoạch theo hệ thống, đã có nhiều kết quả trong việc lập lại trật tự trên lĩnh vực quảng cáo, mỹ quan hơn, an toàn hơn, giảm tình trạng dựng bảng quảng cáo lộn xộn ở khu vực trung tâm huyện và ở một số xã, thị trấn. Bên cạnh đó, công tác cấp phép thực hiện theo quy trình, thủ tục rõ ràng, cụ thể, giảm phiền hà cho cá nhân, doanh nghiệp hoạt động quảng cáo; công tác kiểm tra thường xuyên hơn, xử lý kiên quyết hơn… Các loại hình quảng cáo rao vặt gây phản cảm, mất trật tự, vệ sinh, làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị đã giảm đáng kể thông qua sự tích cực của các cấp chính quyền trong việc kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử lý mạnh đối với những hành vi vi phạm.

Biển quảng cáo tại khu vực sân bay Nội Bài – Ảnh: Vân Anh

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 43 biển, bảng quảng cáo tấm lớn có kích thước khoảng từ 20-40m2, đư­ ợc thể hiện bằng chất liệu khung thép, in công nghệ cao trên bạt Hi-plex. Vị trí đặt biển có diện tích từ 120-200m2, đ­ ược thực hiện ở các khu vực giao thông trọng điểm như:­ tuyến đường cao tốc nối giữa Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Thái Nguyên, đường Võ Nguyên Giáp, đường Hoàng Sa – Trường Sa (Quốc lộ 5 kéo dài), cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù… Khu vực cửa ngõ phía Tây Bắc huyện, trên Quốc lộ 3: đặt 1 biển quảng cáo hộp đèn với nội dung: “Huyện Đông Anh kính chào quý khách”; những biển nhỏ, chất liệu nhẹ, bền đặt trong khu vực trung tâm, trên nóc nhà cao tầng, các khu đô thị mới: Khu thương mại Đông Anh, Chung cư Intracom Vĩnh Ngọc, chung cư Đông Trù… Trên cơ sở khảo sát, thống kê, trên địa bàn huyện Đông Anh có khoảng 11.355 biển hiệu, cơ bản đều đảm bảo đúng quy định về nội dung, kích thước, vị trí quy định của Luật Quảng cáo.

Hiện nay, hoạt động quảng cáo ngoài trời, cụ thể là các bảng/ biển quảng cáo đang được sử dụng trên địa bàn huyện Đông Anh có nghèo nàn về mặt hình thức, chất liệu; kích thước, vị trí đặt, treo, dựng bảng/ biển, pano, băng rôn tại một số địa điểm thiếu đồng bộ. Tuy nhiên, đây vẫn là kênh thông tin quan trọng, chuyển tải kịp thời, sinh động, hiệu quả các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như sản phẩm của doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đến với nhân dân. Hoạt động này góp phần tích cực trong việc làm thay đổi diện mạo đô thị, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài huyện tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, dịch vụ nhằm phát triển sản xuất theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sớm đưa Đông Anh thành quận vào giai đoạn 2020-2025 (1).

2. Hoạt động quản lý quảng cáo ngoài trời trên địa bàn huyện Đông Anh

Công tác ban hành và chỉ đạo tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý quảng cáo ngoài trời

Phòng Văn hóa và Thông tin (VHTT) huyện Đông Anh luôn chủ động tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản về quản lý nhà nước nói chung, quản lý quảng cáo ngoài trời nói riêng, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn, các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp và sử dụng các dịch vụ quảng cáo, đảm bảo cho các hoạt động quảng cáo phải được quản lý tốt, không để xảy ra sai phạm. Đặc biệt, sau khi, Luật Quảng cáo có hiệu lực, UBND huyện Đông Anh đã ban hành các văn bản quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo trên địa bàn. Theo ông Nguyễn Thế Mạnh – Trưởng phòng VHTT huyện Đông Anh: “Xác định công tác quản lý nhà nước về quảng cáo là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng nên từ năm 2018 sau khi UBND thành phố phê duyệt Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2050, thực hiện Luật Quảng cáo, văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ VHTTDL, Quyết định số 01/2016/QĐ-UBND ngày 20-1-2016 của UBND thành phố Hà Nội về ban hành quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố Hà Nội, UBND huyện Đông Anh đã chỉ đạo Phòng VHTT chủ trì, phối hợp với các phòng ban đề xuất UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo để triển khai thực hiện và tăng cường công tác quản lý nhà nước về quảng cáo trên địa bàn huyện” (2).

Nhằm thực hiện quy hoạch về quảng cáo ngoài trời của UBND thành phố theo quyết định 1997/QĐ-UBND ngày 24-04-2018, những năm qua, UBND huyện đã ban hành rất nhiều văn bản, như: Công văn số 841/UBND-VHTT ngày 29-5-2019 về việc phòng chống cháy nổ, gãy, đổ và hạn chế thiệt hại do mưa, bão gây ra đối với hệ thống bảng, biển quảng cáo trên địa bàn huyện; Công văn số 1586/UBND-VHTT ngày 20-8-2019 về việc kiểm tra công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo, viết, đặt biển hiệu trên địa bàn huyện; Kế hoạch số 365/KH-UBND ngày 9-12-2019 của UBND huyện Đông Anh về triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo trên địa bàn huyện Đông Anh năm 2020; Công văn số 2867/UBND-VHTT ngày 30-12-2019 về việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn huyện.

Bà Nguyễn Thị Tám – Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh đánh giá: “Thời gian qua, việc ban hành các văn bản của UBND huyện, Phòng VHTT là cụ thể hóa việc thực hiện các quy định của Trung ương (Luật Quảng cáo, các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ, Bộ VHTTDL, cơ quan Trung ương), Quyết định số 01/2016/QĐ-UBND ngày 20-1-2016 của UBND thành phố Hà Nội về ban hành quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố Hà Nội… Qua đó, công tác quản lý nhà nước được tăng cường, đảm bảo hoạt động quảng cáo ngoài trời được thực hiện theo đúng quy định, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân phát triển hoạt động quảng cáo. Điều này góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa trên địa bàn huyện nói chung, quản lý quảng cáo ngoài trời nói riêng, đưa hoạt động quảng cáo ngoài trời đi vào nền nếp, những vi phạm được kịp thời nhắc nhở, xử lý, đảm bảo tính răn đe và nghiêm minh của pháp luật” (3).

Công tác quản lý quảng cáo ngoài trời

Để thực hiện tốt quyết định số 1997/QĐ-UBND, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, UBND huyện Đông Anh, Phòng VHTT đã đẩy mạnh quản lý việc cấp giấy phép kinh doanh; quản lý nhà nước đối với các hoạt động quảng cáo ngoài trời theo quy định của pháp luật, phối hợp với các cơ quan chức năng, UBND các xã, thị trấn thống nhất nội dung, mục tiêu, giải pháp quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hằng năm, Phòng VHTT phối hợp với Đội kiểm tra liên ngành của huyện thực hiện việc kiểm tra hoạt động quảng cáo ngoài trời, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh những sai phạm theo quy định của pháp luật. UBND huyện, UBND các xã, thị trấn, các cơ quan liên quan có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện hoạt động quảng cáo ở địa phương mình theo quy định quy hoạch. Qua quá trình triển khai và thực hiện quy hoạch, đặc biệt từ sau khi có Luật Quảng cáo đến nay, huyện Đông Anh đã triển khai công tác quy hoạch đạt được nhiều kết quả đáng kể.

Những khu vực cấm/ hạn chế quảng cáo như: trụ sở Huyện ủy, HĐND, UBND huyện và các khu vực trụ sở cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn huyện; trụ sở tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, doanh trại quân đội, công an; khuôn viên các di tích lịch sử, văn hóa và tôn giáo; khuôn viên các công trình văn hóa, thể thao; khu vực quản lý nghiêm ngặt về nội dung quảng cáo; các công trình phúc lợi công cộng, việc thực hiện quy hoạch tương đối tốt, tuy nhiên, vẫn xuất hiện hiện tượng dán tờ rơi quảng cáo, băng rôn không đúng quy định.

Phòng VHTT thường xuyên phối hợp tổ chức tuyên truyền nội dung Chỉ thị 01/CT-UBND và Kế hoạch 05/KH-UBND của UBND huyện về Năm trật tự và văn minh đô thị, Chương trình 04-CTr/HU của Huyện ủy về Tăng cường công tác quản lý đô thị và Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 28-3-2016 của UBND huyện; Kế hoạch số 153/KH-SVHTT ngày 8-5-2017 của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về việc tổ chức thực hiện, kế hoạch số 168/KH-UBND ngày 4-12-2016 của UBND huyện về tổ chức, triển khai thực hiện Luật Quảng cáo.

Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về quảng cáo trên địa bàn

Thời gian qua, huyện Đông Anh đã triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh chính trị và an sinh xã hội. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra: “Quan tâm đầu tư lĩnh vực văn hóa – xã hội… phát triển các loại hình quảng cáo ngoài trời theo đúng định hướng và quy hoạch được phê duyệt… Xây dựng quy hoạch phát triển các hoạt động quảng cáo trên địa bàn huyện nhằm đưa hoạt động quảng cáo phát triển theo hướng lành mạnh, hiệu quả. Tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo trên địa bàn, thực hiện tốt các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ chủ quản, các cấp, các ngành của Trung ương và thành phố Hà Nội. Ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ văn hóa, kinh doanh quảng cáo. Tăng cường quản lý nhà nước đối với một số lĩnh vực hoạt động văn hóa như thông tin, tuyên truyền cổ động… quảng cáo” (4).

Đặc biệt, trong thời gian tới, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn theo tinh thần Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 9-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, Phòng VHTT cần tập trung vào các phương hướng, giải pháp sau:

Một là, tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn hóa, trực tiếp là lĩnh vực quảng cáo… Thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động quảng cáo; phối hợp với các ngành chức năng, lực lượng kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm văn hóa du nhập từ bên ngoài vào dưới mọi hình thức.

Hai là, quy hoạch hoạt động quảng cáo phải được tiến hành từ cơ sở xã, thị trấn; phù hợp với đặc điểm tình hình và nhu cầu phát triển chung của từng địa phương trong thời kỳ hội nhập và phát triển. UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm tiến hành quy hoạch ở địa bàn cơ sở. Việc quy hoạch các điểm hoạt động quảng cáo phải đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu tổ chức, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của nhân dân ở cơ sở theo đúng quy định của Nhà nước, đồng thời phát triển một cách lành mạnh và đúng hướng.

Ba là, tăng cường xử lý vi phạm về kinh doanh quảng cáo trên địa bàn. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong các lĩnh vực kinh doanh quảng cáo.

Bốn là, nâng cao trình độ mọi mặt của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ quản lý văn hóa các cấp đủ năng lực và phẩm chất đảm đương nhiệm vụ. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và tổ chức các hoạt động văn hóa cơ sở cho cán bộ ở cơ sở. Tạo mọi điều kiện thuận lợi, cung cấp một cách có hệ thống những kiến thức pháp luật chuyên ngành và thông tin đầy đủ, kịp thời những chủ trương, chính sách có liên quan đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh; đồng thời, huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế trong và ngoài huyện, góp phần cùng Nhà nước tổ chức các hoạt động văn hóa, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa phục vụ nhân dân ở địa phương theo chủ trương xã hội hóa.

Năm là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, đặc biệt là hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, nhà hàng, quảng cáo… (5).

Một số khuyến nghị

Đối với các cấp lãnh đạo thành phố, cần triển khai quy hoạch chi tiết cho các hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn các quận, huyện trong đó có huyện Đông Anh.

Đối với cấp ủy, chính quyền cơ sở ở huyện Đông Anh, cần xây dựng phương hướng, định hướng, kế hoạch giải pháp cụ thể về quản lý quảng cáo ngoài trời trên địa bàn huyện.

Đối với đội ngũ cán bộ trẻ, cần quan tâm chú trọng công tác quy hoạch cán bộ, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ được đào tạo nâng cao năng lực thường xuyên đáp ứng với xu thế phát triển chung của thành phố Hà Nội, của đất nước.

Như vậy, trong những năm qua, công tác quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn huyện Đông Anh đã đi vào quy chuẩn, tạo dựng cảnh quan, đường phố khang trang, sạch đẹp, thẩm mỹ, góp phần xây dựng hình ảnh đô thị vùng ven nội đô thành phố Hà Nội; có được thành quả đó, là nhờ sự vào cuộc của các cấp lãnh đạo, sự tham gia của các đơn vị trên địa bàn và sự tham gia của nhân dân huyện Đông Anh.

________________

1. Nguồn: Phòng VHTT huyện Đông Anh, 2019.

2, 3. Tài liệu phỏng vấn tại huyện Đông Anh, 2019.

4. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đông Anh, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đông Anh lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2015-2020, 2015, tr.101.

5. Phòng VHTT huyện Đông Anh, Báo cáo công tác quản lý nhà nước văn hóa trên địa bàn huyện Đông Anh các năm 2013 đến 2019, tr.99.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ VHTTDL, Thông tư số 10/2013/TT-BVHTTDL ngày 6-12-2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quảng cáo và Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14-1-2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Quảng cáo, 2013.

2. Bộ VHTTDL, Bộ Nội vụ, Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 14-9-2015 hướng dẫn chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở VHTTDL thuộc UBND thành phố, huyện trực thuộc Trung ương; phòng VHTT thuộc UBND huyện, quận, thị xã, huyện thuộc thành phố, 2015. 

3. UBND huyện Đông Anh, Quyết định số 15/QĐ- UBND ngày 31-5-2017 của UBND huyện Đông Anh quy  định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Phòng VHTT huyện Đông Anh, 2017. 

4. UBND huyện Đông Anh, Công văn số 1170/UBND- VH về việc tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý hoạt động  quảng cáo, rao vặt sai quy định trên địa bàn huyện, 2018. 

5. UBND huyện Đông Anh, Quyết định 128/QĐ- UBND Ban hành Quy định một số nội dung về quản lý hoạt  động tuyên truyền cổ động trực quan và quảng cáo ngoài trời trên địa bàn huyện Đông Anh, 2018. 

6. UBND thành phố Hà Nội, Quyết định 5515/QĐ- UBND về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội đến năm 2030, 2015.

NGUYỄN THỊ VÂN ANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 476, tháng 10-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *