Quản lý nhà nước đối với quảng cáo trên Youtube tại Việt Nam hiện nay


Quảng cáo là hoạt động thuộc lĩnh vực của các ngành công nghiệp văn hóa, do Bộ VHTTDL quản lý nhà nước (QLNN) theo quy định của pháp luật. Trước xu thế phát triển của khoa học công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hoạt động quảng cáo trên trang thông tin điện tử xuyên biên giới nói chung và YouTube nói riêng đã có nhiều thay đổi. Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động quảng cáo trên YouTube tại Việt Nam đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ xâm phạm quyền lợi của doanh nghiệp, người tiêu dùng và Nhà nước.

1. Tình hình chung

Quản lý quảng cáo trên trang thông tin điện tử xuyên biên giới, trong đó có YouTube tại Việt Nam là vấn đề được đặt ra trong những năm gần đây, nhất là khi tình trạng vi phạm pháp luật về quảng cáo trên phương tiện này diễn ra tràn lan và nghiêm trọng. Nhiều nhãn hàng của các thương hiệu nổi tiếng ở Việt Nam được chèn vào các video trên YouTube có nội dung vi phạm thuần phong mỹ tục, kích động bạo lực, hằn thù dân tộc, chống phá chính quyền… gây bức xúc trong dư luận. Đặc biệt, nhiều video quảng cáo phát trên Youtube có nội dung không rõ ràng, gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng; ảnh hưởng đến tâm sinh lý trẻ em và trẻ vị thành niên.

Có thể thấy, quản lý quảng cáo trên YouTube tại Việt Nam là phương thức mới, phức tạp, liên quan tới nhiều bộ, ngành khác nhau, trải rộng từ Trung ương tới địa phương trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành về quảng cáo được ban hành từ lâu, chậm được sửa đổi, bổ sung để điều chỉnh kịp thời các hoạt động quảng cáo trên YouTube; cơ cấu tổ chức bộ máy và đội ngũ nhân lực QLNN chưa đáp ứng được những đòi hỏi đặt ra đối với phương thức quản lý mới và phức tạp; vai trò của các hiệp hội ngành nghề chưa được phát huy trong cơ chế tự điều chỉnh, tự giám sát (tự quản); chưa tạo ra cơ chế khuyến khích cộng tham gia đồng quản lý (đồng quản).

Thực tế này đòi hỏi cần có những quy định pháp luật phù hợp với sự phát triển của internet và quảng cáo trên YouTube; tổ chức lại bộ máy quản lý phù hợp với thực tiễn, xây dựng chiến lược quản lý dài hạn trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước phát triển và các nước có vị trí địa chính trị tương đồng với Việt Nam để hình thành mô hình quản lý quảng cáo trên trang thông tin điện tử xuyên biên giới nói chung và YouTube nói riêng có hiệu lực, hiệu quả, tạo hành lang phát triển ổn định, cải thiện môi trường đầu tư cũng như xử lý hiệu quả các vi phạm.

2. Phân cấp quản lý quảng cáo trên YouTube

Ở Trung ương

Hiện nay, ở nước ta cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý hoạt động quảng cáo trên Youtube được thiết lập và phân cấp từ trung ương tới địa phương. Căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, ở mỗi cấp có giới hạn về phạm vi quản lý. Cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý quảng cáo trên YouTube tại Việt Nam được mô hình hóa theo sơ đồ sau:

 

 

Căn cứ theo Luật Quảng cáo 2012 (1) và tại Điều 26, Nghị định 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết thi hành Luật Quảng cáo 2012 (2), Bộ VHTTDL là cơ quan có thẩm quyền chủ trì quản lý hoạt động quảng cáo; tổ chức thi hành pháp luật, ban hành văn bản hướng dẫn về hoạt động quảng cáo trong đó có quảng cáo trên YouTube. Ngoài ra, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, các Bộ, ngành đều có thẩm quyền phối hợp với Bộ VHTTDL trong quản lý Nhà nước đối với hoạt động quảng cáo.

Tại Bộ VHTTDL, đơn vị có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện QLNN về quảng cáo là Cục Văn hóa cơ sở, với 3 nhiệm vụ chính, gồm: hướng dẫn việc xây dựng quy hoạch quảng cáo ngoài trời tại các địa phương; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thẩm định sản phẩm quảng cáo theo yêu cầu cầu của tổ chức, cá nhân; chủ trì, phối hợp kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quảng cáo.

Đối với hoạt động thẩm định nội dung quảng cáo, Hội đồng Thẩm định sản phẩm quảng cáo là tổ chức tư vấn có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ VHTTDL xem xét đưa ra kết luận về sự phù hợp của sản phẩm quảng cáo với quy định của pháp luật về quảng cáo trong trường hợp tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định sản phẩm quảng cáo.

Tại Bộ TTTT, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử là đơn vị có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ TTTT thực hiện QLNN và tổ chức thực thi pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo trên trang thông tin điện tử xuyên biên giới nói chung và YouTube nói riêng. Tuy nhiên, trong Quyết định số 698/QĐ-BTTTT, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (3) lại không thể hiện rõ nội dung QLNN về quảng cáo trên trang thông tin điện tử xuyên biên giới mà chỉ được hiểu là quản lý nội dung trên môi trường mạng, trong đó có YouTube.

 Ở địa phương

Theo quy định, UBND các cấp thực hiện QLNN về quảng cáo theo phân cấp của Chính phủ quy định tại Nghị định 181/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 hướng dẫn thi hành Luật Quảng cáo năm 2012 (4). Như vậy, ở địa phương, Sở VHTTDL là cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng tham mưu, giúp chủ tịch UBND tỉnh thực hiện QLNN về quảng cáo (trừ quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, trên xuất bản phẩm và quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm, dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin) trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

Cùng thực hiện chức năng QLNN về quảng cáo ở địa phương nhưng ở phạm vi rất hẹp, Sở TTTT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, trên xuất bản phẩm và quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm, dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin. Như vậy, có thể thấy, ở cấp Sở, nội dung quản lý quảng cáo trên YouTube rất phân tán, nhỏ lẻ và ít được quan tâm.

Tại UBND cấp quận, huyện, thị xã, chức năng quản lý nhà nước về quảng cáo trên mọi phương tiện được thống nhất về một đầu mối và được giao cho Phòng Văn hóa Thông tin thực hiện. Tuy nhiên, nhiệm vụ về quản lý hoạt động quảng cáo chủ yếu chỉ giới hạn ở tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các tổ chức đơn vị và cá nhân trên địa bàn thực hiện pháp luật về quảng cáo, quản lý quảng cáo trên YouTube bị bỏ ngỏ.

Như vậy thực trạng phân cấp quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo từ trung ương đến địa phương có một số nét nổi bật sau:

Thứ nhất, Bộ VHTTDL chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện QLNN về hoạt động quảng cáo.

Thứ hai, chức năng QLNN về quảng cáo trên YouTube được giao cho Bộ TTTT nhưng việc chủ trì ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới hoạt động quảng cáo vẫn do Bộ VHTTDL thực hiện và phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan.

Thứ ba, các Bộ, ngành khác có trách nhiệm QLNN về nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc ngành, lĩnh vực được phân công.

Thứ tư, các Sở VHTTDL thực hiện QLNN về quảng cáo trên địa bàn. Riêng quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, trên xuất bản phẩm và quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm, dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin do Sở TTTT thực hiện QLNN trên địa bàn.

Thứ năm, tại UBND cấp quận, huyện, thị xã, nhiệm vụ quản lý hoạt động quảng cáo, trong đó có quảng cáo trên YouTube được thống nhất về một đầu mối, do Phòng Văn hóa Thông tin thực hiện.

3. Nguồn nhân lực quản lý hoạt động quảng cáo trên MXH Youtube

Tại Cục Văn hóa cơ sở, nhiệm vụ quản lý hoạt động quảng cáo được giao cho Phòng Quản lý hoạt động quảng cáo. Riêng quảng cáo trên YouTube, hiện nay Cục Văn hóa cơ sở chỉ thực hiện 1 nhiệm vụ là tiếp nhận thông báo của tổ chức, cá nhân sở hữu YouTube trước khi thực hiện hoạt động quảng cáo trên phương tiện này.

Bảng 1. Cơ cấu lãnh đạo và cán bộ của Phòng Quản lý hoạt động quảng cáo

Nguồn: Khảo sát năm 2018

Bảng 2. Cơ cấu nhân lực theo độ tuổi và giới tính của Phòng Quản lý hoạt động quảng cáo

Nguồn: Khảo sát năm 2018

 

Bảng 1 và 2 cho thấy cơ cấu nhân lực của Phòng Quản lý hoạt động quảng cáo thuộc Cục Văn hóa cơ sở khá gọn nhẹ. Cán bộ quản lý và nhân viên đều có trình độ từ đại học trở lên, trong đó Trưởng phòng có trình độ cử nhân kinh tế, Phó trưởng phòng có trình độ cử nhân luật; 100% nhân viên có trình độ thạc sĩ, trong đó 1 chuyên viên có trình độ thạc sĩ báo chí và 1 chuyên viên có trình độ thạc sĩ luật. Về cơ cấu giới tính có sự cân bằng, 2 nam và 2 nữ, trong đó có 1 nam và 1 nữ giữ vị trí lãnh đạo; 1 nam và 1 nữ là chuyên viên. Về độ tuổi, 50% dưới 40 tuổi, trong đó ở vị trí lãnh đạo đều trên 40 tuổi. Do nội dung quản lý hoạt động quảng cáo trên YouTube khá ít nên chỉ có 1 chuyên viên theo dõi nội dung này. Với chất lượng nguồn nhân lực hiện nay cơ bản đáp ứng được yêu cầu trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho các cấp lãnh đạo trong QLNN về hoạt động quảng cáo trên MXH YouTube.

Tại Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, nhiệm vụ quản lý hoạt động quảng cáo trên YouTube được giao cho Phòng Thông tin điện tử thực hiện và nhiệm vụ này chỉ chiếm phần rất nhỏ trong các nhiệm vụ chung về quản lý nội dung trên trang thông tin điện tử và MXH của Phòng Thông tin điện tử.

Bảng 3. Cơ cấu lãnh đạo và cán bộ của Phòng Thông tin điện tử

Nguồn: Khảo sát năm 2018

 

Bảng 4. Cơ cấu nhân lực theo độ tuổi và giới tính của Phòng Thông tin điện tử

Nguồn: Khảo sát năm 2018

Bảng 3 và 4 cho thấy nhân lực của Phòng Thông tin điện tử đều có trình độ từ đại học trở lên, số cán bộ quản lý chiếm 60% và đều có trình độ thạc sĩ báo chí; số chuyên viên chiếm 40% và đều có trình độ cử nhân công nghệ thông tin. Về cơ cấu giới có sự mất cân bằng, với 4 nữ và 1 nam, trong đó có 3 nữ giữ vị trí lãnh đạo; 1 nam và 1 nữ là chuyên viên. Về độ tuổi, 40% trên 40 tuổi, trong đó ở vị trí lãnh đạo có 1 trưởng phòng và 1 phó trưởng phòng trên 40 tuổi; 60% dưới 40 tuổi trong đó có 1 phó trưởng phòng và 2 chuyên viên. Do lĩnh vực quản lý hoạt động quảng cáo trên YouTube chỉ là một nhiệm vụ nhỏ nằm trong tổng thể các nhiệm vụ quản lý về nội dung số nên chỉ được giao cho một chuyên viên phụ trách. Nguồn nhân lực hiện nay về cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ tham mưu cho các cấp lãnh đạo thực hiện chức năng QLNN về quảng cáo trên trên YouTube.

Tại địa phương, QLNN về hoạt động quảng cáo trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được UBND cấp tỉnh, thành phố giao cho Sở VHTTDL và Sở TTTT thực hiện. Các Sở đều có phòng quản lý nghiệp vụ chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ được giao. Theo đó, Sở VHTTDL giao Phòng Quản lý văn hóa thực hiện chức năng QLNN về quảng cáo, Sở TTTT giao Phòng Thông tin điện tử thực hiện chức năng QLNN về hoạt động quảng cáo trên các trang thông tin điện tử và MXH. Hoạt động quảng cáo trên địa bàn cấp quận, huyện do Phòng Văn hóa Thông tin quản lý.

Hiện nay, biên chế công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập của Sở VHTTDL và Sở TTTT được giao trên cơ sở vị trí việc làm, gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động và nằm trong tổng biên chế công chức, biên chế sự nghiệp trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được cấp có thẩm quyền giao hoặc phê duyệt. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và danh mục vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hàng năm Sở VHTTDL và Sở TTTT xây dựng kế hoạch biên chế công chức, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập trình UBND tỉnh xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật (5), (6).

Đối với cấp quận, huyện, biên chế công chức của Phòng Văn hóa Thông tin do Chủ tịch UBND cấp quận, huyện quyết định trong tổng biên chế công chức được UBND tỉnh, thành phố giao. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, danh mục vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hàng năm Phòng Văn hóa và Thông tin chủ trì, phối hợp với Phòng Nội vụ xây dựng kế hoạch biên chế công chức theo quy định của pháp luật bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Những vấn đề đặt ra trong quản lý quảng cáo trên YouTube tại Việt Nam

Pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có quy định riêng đối với quảng cáo trên YouTube. Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chỉ quản lý quảng cáo trên môi trường mạng nói chung, trong đó có YouTube. Như vậy, hiện nay về QLNN, Luật Quảng cáo năm 2012 quy định: Bộ VHTTDL chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện QLNN về quảng cáo. Bộ VHTTDL đã thể hiện rõ vai trò QLNN về quảng cáo thông qua các hoạt động cụ thể, như, ban hành các văn bản quy phạm mang tính chỉ đạo, định hướng cho công tác quản lý hoạt động quảng cáo trong đó có quảng cáo trên YouTube tại Việt Nam. Những văn bản này có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ sở, hành lang pháp lý cho công tác quản lý hoạt động quảng cáo nói chung và quản lý hoạt động quảng cáo trên YouTube nói riêng. Căn cứ vào các văn bản quy phạm mang tính chỉ đạo, định hướng của Bộ VHTTDL, các Sở VHTTDL trên cả nước đã ban hành hơn 100 văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Quảng cáo năm 2012. Bộ VHTTDL đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các văn bản luật, dưới luật về quảng cáo dưới nhiều hình thức phong phú, sinh động; tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ ngành VHTTDL ở địa phương, góp phần nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ các cấp trong QLNN về hoạt động quảng cáo. Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Luật Quảng cáo nhằm đánh giá những hạn chế, bất cập, những khó khăn trong QLNN đối với hoạt động quảng cáo trong tình hình mới khi mà quảng cáo trên YouTube diễn ra nhiều vi phạm. Đây là căn cứ để đề xuất sửa đổi pháp luật về quảng cáo. Việc thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên YouTube đã được tiến hành thường xuyên, qua đó kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm và chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên YouTube đi vào nề nếp. Vai trò tự quản trong hoạt động quảng cáo bước đầu được thúc đẩy bằng các cơ chế, chính sách, như thành lập Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo, ban hành quy tắc ứng xử trong hoạt động quảng cáo. Vai trò của cộng đồng trong công tác quản lý, giám sát các hoạt động quảng cáo ngày càng được khẳng định bằng các hoạt động tuyên truyền, giáo dục và xây dựng, thiết lập cơ chế giám sát…

Bên cạnh những kết quả đạt được, QLNN đối với hoạt động quảng cáo trên YouTube tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, như: nhiệm vụ này được phân cấp tới nhiều bộ, ngành từ trung ương tới địa phương và chỉ là nhiệm vụ nhỏ nằm trong tổng thể các nhiệm vụ QLNN về quảng cáo khác vì vậy ít được quan tâm. Bộ TTTT dù được phân cấp QLNN về quảng cáo trên YouTube nhưng chỉ có lợi thế về quản lý công nghệ truyền phát và kiểm soát nội dung số. Bên cạnh đó, hoạt động quảng cáo trên YouTube diễn ra nhanh, ở mọi lúc, mọi nơi và xuyên biên giới, nhưng lĩnh vực quản lý phân tán, nhỏ lẻ nên cơ chế phối hợp trong quản lý hoạt động quảng cáo như hiện nay không phát huy thế chủ động, kỹ năng chuyên môn và kinh nghiệm quản lý của từng bộ, ngành khác nhau. Tại cấp quận, huyện, thị xã, Phòng Văn hóa Thông tin dù được Sở VHTTDL và Sở TTTT hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ quản lý nhưng chưa thể thực hiện được các yêu cầu trong công tác QLNN về quảng cáo trên YouTube. Ngoài ra, nhiều quận, huyện có địa bàn nhỏ, dân số ít, hẻo lánh nên các yêu cầu về QLNN đối với lĩnh vực quảng cáo, nhất là quảng cáo trên YouTube còn chưa cấp bách và ít được quan tâm. Trong khi đó, hoạt động quản lý quảng cáo ở địa phương đều nằm trong một phòng nghiệp vụ quản lý chung các lĩnh vực, chưa có bộ phận quản lý riêng về quảng cáo và thường giao cho cán bộ kiêm nhiệm thực hiện, phần lớn chưa được đào tạo chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ.

Trước những diễn biến phức tạp hiện nay trên không gian mạng, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Luật An ninh mạng đã được thông qua và có hiệu lực từ 1-1-2019 với nhiều điều khoản ràng buộc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân cung cấp trang thông tin điện tử xuyên biên giới vào Việt Nam, trong đó có YouTube. Tuy nhiên, Luật An ninh mạng cần có thời gian để đi vào cuộc sống cũng như chứng minh khả năng đáp ứng các yêu cầu của các đối tượng bị điều chỉnh. Trong khi đó, hiện tại các tổ chức, cá nhân cung cấp trang thông tin điện tử xuyên biên giới vào Việt Nam không đặt máy chủ tại Việt Nam và không có văn phòng đại diện tại Việt Nam nên khó phối hợp xử lý và hợp tác ngăn chặn kịp thời các sai phạm. Việc thẩm định nội dung quảng cáo đưa lên YouTube hiện bỏ ngỏ, không được giao cho đầu mối nào chịu trách nhiệm. Các vi phạm bị phát hiện chủ yếu đến từ dư luận và báo chí, diễn ra trong thời gian dài và rất khó xử lý dứt điểm.

Thực trạng trên đòi hỏi phải có những nghiên cứu, tổng kết nhằm xây dựng mô hình QLNN đối với quảng cáo trên Youtube tại Việt Nam hiệu quả, thúc đẩy các hoạt động quảng cáo trên phương tiện này; đồng thời ngăn ngừa các hoạt động vi phạm pháp luật, tạo ra hành lang pháp lý phù hợp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng như phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập các hiệp định thương mại khu vực và thế giới.

_______________

1. Quốc hội, Luật Quảng cáo, Số 16/2012/QH13, ngày 21-6-2012. 

2, 4. Thủ tướng Chính phủ, Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP, ngày 14-11-2013.

3. Bộ TT và TT, Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử. Quyết định số 698/QĐ-BTTTT, ngày 10-5-2017.

5. Bộ VHTTDL – Bộ Nội vụ, Thông tư liên tịch hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở VHTTDL thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Số 07/2015/TTLT-BVHTTDL-BNV, ngày 14-9-2015.

6. Bộ TTTT – Bộ Nội vụ, Thông tư liên tịch hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở TTTT thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Số 06/2016/TTLT-BTTTT-BNV, ngày 10-3-2016.

 

Tác giả: Nguyễn Hoàng Long

Nguồn : Tạp chí VHNT số 410, tháng 8 – 2018

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *