Quan niệm hôn nhân của người tày cao bằng


 

Hôn nhân là một hình thức ràng buộc con người trong một thể chế xã hội chặt chẽ, khuôn phép, cùng tuân thủ theo những nguyên tắc mà luật pháp quy định về hôn nhân và gia đình. Vì vậy, hôn nhân là một hình thức tổ chức gia đình vô cùng quan trọng. Điều này không chỉ đúng với người Tày mà của hầu hết các dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam. Song tùy theo đặc điểm của từng dân tộc, từng địa phương khác nhau mà các quan niệm về hôn nhân và tục lệ cưới xin có những nét đặc trưng riêng.

Với đồng bào Tày nói chung, đồng bào Tày Cao Bằng nói riêng thì kết hôn là một việc làm hệ trọng và chỉ diễn ra một lần trong đời. Vì vậy, trước khi tiến đến hôn nhân, những bậc cha mẹ Tày thường rất cẩn thận trong việc lựa chọn vợ, chồng cho con, cũng như sau khi đã đồng ý, cuộc hôn nhân của người Tày còn buộc phải trải qua rất nhiều thử thách với một hệ thống các nghi lễ, thủ tục cần thiết.

Một số quan niệm về hôn nhân cổ truyền

Người Tày Cao Bằng luôn quan niệm, kết hôn là một việc hết sức quan trọng trong cuộc đời mỗi con người. Bởi vậy, cha mẹ nào khi có con cái trưởng thành cũng đều lo lắng để dựng vợ gả chồng cho con. Trai lớn là phải lấy vợ, gái lớn thì phải gả chồng. Do đặc điểm sống làng bản vùng núi có tính cộng đồng cao nên người ta càng cần hơn bao giờ hết sự gắn bó của các gia đình. Người Tày Cao Bằng vẫn thường có câu Mẻn g khu ăn dng sng đảy, nghĩa là con người ta cần phải biết dựa vào nhau mà sống chứ ở vùng rừng núi, sống cô độc một mình làm sao được; mèng nhùng kẻo mà khop nhng thai, nghĩa là con muỗi rừng kéo về đốt còn chết được. Con người ta càng sống ở chốn núi rừng hoang vu, càng phải biết dựa vào nhau mà sống. Cuộc đời sẽ thực sự đẹp hơn, ấm cúng hơn khi có ai đó để nhờ cậy, dựa dẫm và chia sẻ. Vậy thì lẽ nào không lấy vợ lấy chồng dựa vào nhau mà sống cho trọn vẹn. Có thể nói, đây là một nhận thức rất đúng đắn về tầm quan trọng của người Tày trong quan niệm về kết hôn và gia đình.

Trong khi nghiên cứu về chế độ hôn nhân người Tày, Nùng, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, “Chế độ hôn nhân của người Tày, Nùng có tính chất mua bán cũng như mỗi chế độ hôn nhân xây dựng trên cơ sở tư hữu về tài sản”(1). Điều này thể hiện ở trong tất cả các bước tiến hành đám cưới, phía người con trai đều phải chuẩn bị đủ tiền, vàng bạc, một phần thực phẩm cho cả nhà gái (lễ gánh)… để tổ chức đám cưới. Vì thế hôn nhân của người Tày trước đây thực chất là một cuộc mua bán nhằm mục đích thỏa mãn yêu cầu sinh con đẻ cái để nối dõi tông đường chứ không phải vì tình yêu. Điều này thoạt nghe như có vẻ nhìn nhận việc cưới xin của người Tày còn cực đoan chưa xác đáng.

Trong dân gian, khi nói nến việc dựng vợ gả chồng, người Tày Cao Bằng vẫn nói nhình khai, dài rự (nghĩa là gái thì bán mà trai thì mua), và gọi gả con gái đi lấy chồng là khai lùa – tức là bán con gái đi làm dâu, còn con trai thì rự lùa – tức là mua con dâu, cưới xin là có khai rự (mua bán) một cách công khai (thể hiện ở thách cưới, mặc cả hẳn hoi). Chẳng hạn, như đám cưới mà chúng tôi khảo sát, nhà trai phải chuẩn bị cho nhà gái, gièn thua (tiền dẫn cưới): 10 triệu, sau nhà gái đòi thêm 2 triệu nữa (cũng tại địa phương này thì nay số gièn thua đã là 20 – 25 triệu đồng, còn lễ vật thì vẫn như vậy); lễ vật, gồm: lễ sêu tết: 120 bánh chưng, 10 kg thịt lợn, 6 con gà sống thiến luộc, bánh bỏng, bánh khảo, rượu, lễ nộp gánh: 120 kg thịt lợn (quy ra tiền là 3 triệu đồng), hơn 600 bánh dày (gồm bánh chay và bánh nhân đường, mỗi chiếc to bằng bát tô canh), 2 chiếc bánh dày mẹ to bằng 2 cái nong, 4 gánh xôi, 9 kg thịt lợn, 9 con gà luộc, rượu 1 lít/gánh; đại lễ gồm: 2 con gà sống thiến luộc chín, chân buộc chỉ đỏ, 4 tấm mía buộc chỉ đỏ, hai chai rượu buộc chỉ đỏ ở cổ chai, 2 đôi nến lớn, trầu cau và hai túi gạo: một túi màu đen và một túi màu đỏ, tất cả được chia thành 2 gánh. Còn tại các đám cưới người Tày ở khu vực Hòa An, thành phố thì các lễ vật đơn giản hơn nhưng số gièn thua cần đưa sang nhà gái nhiều hơn, số tiền gièn thua theo thời điểm hiện nay khoảng từ 25 – 50 triệu đồng tùy điều kiện gia đình. Ngược lại, khi con dâu về nhà chồng cần phải mua sắm đầy đủ chăn màn, vật dụng cho cuộc sống của một gia đình mới được hai bên làm thủ tục giao nhận. Người Nùng Phàn Sình ở Thiện Thuật, Bình Gia, Lạng Sơn thì của cải mang theo của cô dâu được liệt kê toàn bộ trên một tờ giấy đỏ, giao cho nhà trai.

Ngày nay, quan điểm về hôn nhân của người Tày Cao Bằng đã có nhiều thay đổi, tư duy về hôn nhân không còn quá khắt khe nhưng tính chất mua bán trong cưới xin ít nhiều vẫn còn. Nhưng, người Tày cưới con dâu về là để kế thế, nối dõi, phụng sự tổ tiên. Có lẽ vì thế mà trong hôn nhân, người con gái thường được quý trọng hơn và nghi lễ cho việc đón đưa dâu cũng tỉ mỉ và trang trọng hơn.

Ngoài ra, một biểu hiện của chế độ phụ quyền vẫn còn giữ vai trò thống trị trong vùng người Tày đó chính là tục lấy con rể np tế (hay nạp tuế, hay quá phòng tử tức thay con trai). Tục lấy con rể nạp tế thường xảy ra khi gia đình ai đó sinh con một bề là gái, hoặc có con trai nhưng chỉ có một (người Tày gọi là lủc bang – ít con), nên phải ướm tìm một người con trai về ở rể, thờ tự và phụng sự gia đình. Người con gái Tày thường không được nhận hưởng thừa kế từ cha mẹ, về thờ tự thì cũng không thể bằng con trai cho nên phải tìm một người con trai khác về để thay thế. Nếu tổ chức những đám cưới như thế này thì mọi chi phí sẽ do nhà gái lo liệu toàn bộ. Những người con trai khi chấp nhận làm rể nạp tế là chấp nhận việc đổi họ để mang họ nhà gái. Bởi vậy trước đây, người đi làm con rể nạp tế thường bị dân gian chế giễu coi là chó chui gầm chạn, sống rất tủi nhục, đau xót. Do có tục lấy rể nạp tế nên ở người Tày vẫn thường có những kiểu tên họ như Bế Đàm, Nông Nguyễn, Hoàng Nguyễn… trong dòng họ của người Tày (chẳng hạn anh này họ Nguyễn nhưng lấy vợ họ Nông sẽ chuyển thành Nông Nguyễn). Tục lệ này nay vẫn đang tồn tại ở vùng người Tày, nhưng những người là rể nạp tế ngày nay đã không bị người đời nhìn nhận bằng con mắt khinh thường và không nhất thiết phải đổi họ. Hiện nay, thế hệ thanh niên sống ở thành thị đang có xu hướng bắt chước cách đặt tên con của người Kinh, kiểu lấy họ mẹ hoặc bố làm tên đệm. Như thế, tên của những đứa trẻ không thuộc kiểu hôn nhân như trên.

Đó là một vài quan niệm hôn nhân người Tày xưa kia đã đặt ra. Đến nay, những quan niệm đó vẫn có sức ảnh hưởng tương đối lớn trong cộng đồng người Tày Cao Bằng.

Bên cạnh đó, người Tày quan niệm đời người chỉ cưới một lần và sống cuộc đời thủy chung gắn bó. Trước đây, hôn nhân người Tày thường do cha mẹ sắp đặt, ít khi đôi nam nữ được tự do lựa chọn nhưng đời sống hôn nhân của người Tày thường bền vững, rất hiếm khi có chuyện gia đình tan vỡ, xảy ra ly hôn. Bởi thế, trước khi có một cuộc hôn nhân diễn ra, người Tày thường chú ý xem xét đến rất nhiều yếu tố, tiến hành thực hiện rất nhiều các nghi lễ, thủ tục.

Khi chọn vợ, chồng, người Tày rất chú ý đến việc tuyển chọn về mặt phẩm hạnh, phải ngoan ngoãn, thật thà, khỏe mạnh và đặc biệt phải giữ được trinh tiết. Yêu cầu phẩm hạnh này đều phải có ở cả hai. Nếu người con gái đánh mất thì phít muối ngà, xá bưởng v, nghĩa là “dù cái đánh mất đi nhỏ như hạt vừng nhưng là mất đi cả một nửa bầu trời”; còn người con trai thì cũng phải thanh tân, lịch sự: lấư vat bt kha, mường slương chếp, ái ngoc to mà, oái xiên pi nghĩa là “nhỡ chân sa bước, muôn thủa hận, muốn quay đầu lại hỏng, phí cả ngàn năm”(2). Quan niệm về phẩm hạnh, trinh tiết của người con gái, con trai trước hôn nhân đối với người Tày là rất khắt khe nhưng nó lại phù hợp với đạo đức, lối sống của chính họ, và hơn nữa nó không mâu thuẫn với quan niệm, lấy con dâu về tức là lấy về nhà mình người kế thế tông đường, phụng sự tổ tiên của gia đình.

Bởi vậy, khi lựa chọn bạn đời, lựa chọn làm con dâu, rể trong nhà, người Tày ở Cao Bằng thường chú ý đến rất nhiều yếu tố.

Trước đây, người Tày thường không chấp nhận những người con gái lỡ bước trước khi được tổ chức cưới (có thai trước khi kết hôn). Những người con gái chẳng may như vậy sẽ không có gia đình nào chấp nhận cưới gả vì thân thể không sạch sẽ, trước là gia đình sẽ phải mang tiếng xấu, sau là phạm tôn nghiêm tổ tông. Vì thế mà người con gái mang tiếng chửa hoang rất khó được người đời tha thứ và cũng khó có thể lấy được chồng. Tuy nhiên, nếu là trường hợp có thai trước hôn nhân mà với người lính hy sinh nơi chiến trận (thời kỳ chiến tranh) thì đồng bào lại tỏ ra thông cảm, chia sẻ. Những người đàn ông cưới những người phụ nữ đó lại được nhìn nhận như là một người tốt, một trang quân tử, được mọi người kính trọng.

Ngày nay, quan niệm về việc có thai trước hôn nhân đã không còn khắt khe như trước. Theo như người dân nơi đây thì nam nữ thanh niên ngày nay được yêu đương tự do, lại còn học hỏi nhiều từ thông tin xã hội hiện đại nên vai trò chủ động của cha mẹ trong hôn nhân của con cái không được như trước nữa mà nhiều khi con cái đặt cha mẹ vào thế bị động. Tuy những trường hợp như vậy vẫn được gia đình chấp nhận nhưng những cô gái như thế vẫn bị người dân chê cười, những người được gia đình nhờ đi đón đưa dâu lại càng không muốn, họ thường từ chối do lo sợ bị xúi quẩy. Họ nhận lời một cách miễn cưỡng vì tôn trọng các bậc cha mẹ nhưng họ phải được hóa giải bằng cách trước khi đi đón, đưa dâu gia đình phải trao cho họ mỗi người một chiếc phong bao đỏ để họ giữ theo bên mình cho đến khi kết thúc đám cưới. Những cô gái được cho là có thai, họ cũng không bao giờ chọn để đi đưa đón dâu.

Tiêu chuẩn đánh giá hình mẫu lý tưởng bạn đời là một yêu cầu rất quan trọng. Vì vậy, cô dâu chú rể thường được lựa chọn, cân nhắc rất kỹ càng nhằm phù hợp với quan niệm gia đình và điều kiện kinh tế miền núi, tức phải hiền lành, chất phác, khỏe mạnh, chăm chỉ và giỏi việc nhà nông.

Lấy vợ xem tông lấy chồng xem giống xem ra không phải chỉ được người Kinh xem xét khi dựng vợ gả chồng cho con. Với người Tày, đây cũng là một tiêu chuẩn để xem lựa chọn người bạn đời và lựa chọn con dâu phù hợp với truyền thống gia đình (người Tày cơ bản chỉ chú trọng vào lựa chọn con dâu). Do đặc điểm nghề nghiệp là những gia đình nhà nông, cho nên người Tày thường ưa thích những cô sơn nữ có thân hình nở nang, phốp pháp, cảo na kha mng (tức có đôi chân to, chắc khỏe, người đậm đà), giỏi cuốc nương làm rẫy, giỏi việc cày cấy, khéo léo nả đeng reèng têêm, tàng khêêm may dàu dít (nghĩa là: hồng hào khỏe mạnh, đường kim mũi chỉ thẳng tắp)… những người như vậy không chỉ có sức khỏe, đảm đang việc nhà mà còn thuận đường sinh nở, con cái; còn những cô sơn nữ có hình dáng mảnh dẻ mặc dù cũng được lựa chọn song thường ít được ưu ái nên ít có cơ hội hơn. Nhưng nếu chọn làm chồng, con rể, người con trai cũng phải cảo na, kha mng, tàng thây tàng phưa dàu dít (nghĩa là: sức vóc vạm vỡ, đường cày đường bừa thẳng tắp) (3).

Nhưng như vậy là chưa đủ. Việc lựa chọn còn cần phải có thời gian xem xét, chứng minh. Người con trai, con gái Tày tìm bạn đời còn phải được cha mẹ, họ hàng, bạn bè cùng xem xét, giúp đỡ. Có lẽ chẳng ở nơi nào, việc lựa chọn bạn đời lại được bạn bè giúp đỡ nhiệt tình như người Tày. Những người con trai, con gái Tày thường được các bạn đồng niên tạo điều kiện để được gặp gỡ vào những ngày chợ phiên, lễ hội, ngày vui, những ngày lao động sản xuất như gặt lúa, thu ngô…; rồi bạn bè còn đỡ đần, góp ý với các bậc cha mẹ bạn. Đây có lẽ là một lối ứng xử rất nhân văn trước hôn nhân của người Tày trước đây cũng như ngày nay. Tuy nhiên, hiện nay cộng đồng người Tày ở Cao Bằng cũng đã tham gia nhiều vào các hoạt động xã hội, đi học tập và làm việc ở các cơ quan nhà nước, các công ty kinh doanh ở trong và ngoài tỉnh, nên con gái con trai người Tày ngày nay lấy vợ lấy chồng ở nhiều vùng, miền trong tỉnh và các tỉnh khác nên quan niệm trên cũng không còn chặt chẽ như trước, nhưng nếu là ở tại địa phương thì đến nay quan niệm đó vẫn có ý nghĩa, các bậc cha mẹ vẫn coi đó là một tiêu chuẩn để xem xét lựa chọn con dâu, con rể.

Trước đây, trai gái đến tuổi 14, 15 tuổi đã có thể dựng vợ gả chồng, thậm chí ở những vùng sâu, vùng xa chỉ khoảng 10 – 12 tuổi là cha mẹ đã lo lắng cho con yên bề gia thất. Việc dựng vợ gả chồng thời kỳ này là rất sớm (tảo hôn) nhưng lại phù hợp với đặc điểm, tập quán sinh sống của đồng bào vùng núi. Cuộc sống của họ vốn gắn bó với ruộng nương, với núi rừng heo hút, dân cư thưa thớt, cho nên những gia đình có con trai những mong sớm có con dâu để giúp đỡ việc nhà, việc đồng áng. Tuy vậy, tập quán kết hôn sớm của người Tày cũng không phải quá lạc hậu mà cũng có phần hợp lý. Căn cứ vào đặc điểm kết hôn của người Tày sau lễ cưới, con dâu người Tày thường không ở lại nhà chồng sau khi kết hôn mà thường là quay về sống ở nhà cha mẹ đẻ cho đến vài ba năm sau mới về sống ở nhà chồng. Lúc đó cô dâu đã đủ lớn (nếu còn ít tuổi), đã đủ sức để gánh vác công việc gia đình nhà chồng, đã có thể có con để nối dõi. Tổ chức dựng vợ gả chồng sớm cho con cũng có thể còn là vì cha mẹ người Tày muốn sớm làm tròn trách nhiệm với con cái. Hoặc cũng có trường hợp sau khi tổ chức cưới xong cha mẹ vẫn để con gái ở lại nhà đến 5, 10 năm sau mới về nhà chồng. Nếu nhìn nhận kỹ càng về tuổi kết hôn của người Tày, có lẽ chúng ta cần có cái nhìn khách quan hơn với hôn nhân của người Tày trước đây. Kể từ khi có luật Hôn nhân và gia đình, người Tày Cao Bằng đã thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về tuổi kết hôn. Tuy nhiên, ở đâu đó có thể vẫn bắt gặp những đám cưới trẻ con ở vùng đồng bào dân tộc, nơi cách xa trung tâm kinh tế văn hóa (vùng xa xôi hẻo lánh) hoặc do quan niệm còn ấu trĩ của cha mẹ chúng.

Ngoài ra, người Tày Cao Bằng cũng xây dựng hôn nhân trên một số nguyên tắc có thể nói là thực sự phù hợp với quan niệm về tín ngưỡng, phong tục tập quán của dân tộc.

Các nguyên tắc kết hôn

Ngày nay người Tày Cao Bằng thực hiện nguyên tắc yêu đương tự do, hôn nhân tự do. Vì thế, các chàng trai, cô gái có quyền tự lựa chọn bạn đời nhưng phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

Hôn nhân ngoài dòng họ là nguyên tắc cơ bản trong hôn nhân người Tày. Hiện tượng kết hôn cùng tông tộc luôn vấp phải sự cấm đoán mạnh mẽ của dòng họ. Theo đặc tính cư trú của người Tày, họ thường sống quây quần trong những bản làng đông đúc nên dù khác họ nhưng hầu hết đều được coi là có họ hàng gần gũi với nhau. Chẳng hạn, làng Khau Đồn, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An cũ (nay là xóm Nam Phong, thị xã Cao Bằng) có đến 400 nóc nhà với hàng nghìn nhân khẩu, trong làng cũng có rất nhiều dòng họ sống xen kẽ, rồi trong một họ cũng có rất nhiều chi nhưng dù ít dù nhiều giữa họ vẫn coi nhau như là họ hàng thân thích. Vì thế, việc kết hôn thường tránh lấy người trong họ (có thể là khác chi), để tránh những phiền toái khi kết hôn. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp kết hôn cùng dòng họ nhưng họ chỉ được phép kết hôn cùng tông tộc khi hai người đã cách nhau ngoài 6,7 đời. Bản thân họ cũng tự ý thức tránh kết hôn cùng huyết thống vì lo sợ sẽ sinh ra những đứa con dị tật. Nhưng nếu hãn hữu có xảy ra trường hợp nào đó kết hôn trái với quy định thì thường bị người đời chê trách nên cuộc sống của họ cũng vì thế mà có thể bị cô lập, làng bản không thừa nhận. Vì lý do đó, nên số người kết hôn trong nội tộc cũng ít khi xảy ra.

Người Tày thực hiện chế độ hôn nhân một vợ một chồng, hôn nhân thủy chung. Có thể nói, đây là một quan niệm thực sự nhân văn của người Tày. Đặc tính sống vị tha, chan hòa, bình đẳng đã giúp các cặp vợ chồng yêu thương, cảm thông và chia sẻ cuộc sống với nhau nhiều hơn. Hầu hết đàn ông người Tày cũng không gia trưởng, sống trách nhiệm, còn người phụ nữ thì chăm chỉ, đảm đang, quán xuyến mọi việc gia đình. Do đó, sau khi đã kết hôn, đã cùng chung sống thành gia thất thì rất hiếm có trường hợp xảy ra ly hôn, kể cả là những cuộc hôn nhân do cha mẹ sắp đặt.

Tuy nhiên, hôn nhân người Tày cũng có trường hợp bỏ vợ hoặc chồng nhưng không phổ biến. Trường hợp này thường xảy ra khi người vợ hoặc chồng thoát ly học tập, công tác ở bên ngoài. Trước khi ra xã hội, họ đã được cha mẹ tổ chức kết hôn nhưng khi ra xã hội được gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người lại thấy người vợ, chồng của mình cù lần, quê mùa mà bỏ, cũng có người bỏ lấy được người khác, nhưng cũng có người (phụ nữ) không lấy được chồng, thậm chí nếu muốn lấy chồng phải đi biệt xứ.

Hình thức hôn nhân chủ đạo ở người Tày lâu nay vẫn là hôn nhân sắp đặt. Trước đây, trai gái không có quyền tự lựa chọn dù có thích, hơn nữa là nếu như còn nhỏ tuổi thì cũng không biết cách lựa chọn bạn đời cho nên hôn nhân chủ yếu vẫn là do cha mẹ sắp đặt. Ngày nay, hình thức hôn nhân này đã có nhiều biến đổi nhưng nếu xem xét kỹ thì về cơ bản vẫn tuân thủ hình thức kết hôn trên mặc dù trai gái được tự do tìm hiểu.

 Bên cạnh đó, xuất phát từ những quan niệm duy tâm huyền hoặc trong tín ngưỡng dân gian, người Tày thường dị nghị với những gia đình, dòng họ có ma gà (dù đó là vấn đề có thể coi là nhảm nhí). Người ta thường hết sức tránh cưới con gái những gia đình như thế vì “nếu cưới được cô dâu có ma gà thì sau này con cái sinh ra sẽ trở thành người có ma gà và sẽ gặp rất nhiều khó khăn tủi nhục trong việc giao du bè bạn và cưới hỏi gả bán”(4), nên thường những nhà có tiếng là có ma gà sẽ chỉ kết hôn với nhau. Vì thế những gia đình người Tày được coi là có ma gà thường rất khó dựng vợ gả chồng cho con cái. Trước đây quan niệm về gia đình có ma gà rất phổ biến, nhưng ngày nay, khi xã hội đã phát triển, con người đông đúc lên, câu nhân cường ma nhược đang thực sự trở nên đúng đắn. Những gia đình mà trước đây bị nghi là có ma gà thì nay cũng được tiếp xúc một cách cởi mở hơn.

_______________

 

1. Hà Văn Thư, Lã Văn Lô, Văn hóa Tày Nùng, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1984, tr.42.

 

 

2. Hoàng Tuấn Nam, Bế Thanh Tuyền, Việc dựng vợ gả chồng của người Tày Cao Bằng, Trung tâm VHTT Cao Bằng xb, 2001, tr.18.

 

 

3. Nguyễn Thị Ngân, Trần Thùy Dương, Hôn nhân và gia đình dân tộc Nùng, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2008, tr.20.

 

 

4. Triều Ân, Hoàng Quyết, Tục cưới xin của người Tày, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1995, tr.16.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 354, tháng 12-2013

Tác giả : Nguyễn Thị Thoa

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *