Quốc mẫu tây thiên tam đảo


Tài liệu Ngọc phả Hùng Vương chép: “Mạch bên trái, từ núi Lôi Hà theo về các huyện Đông Lan, Sơn Dương, Đông Đạo và Tam Dương chót vót nổi lên núi Tam Đảo là cung tiên rồng xanh bên trái (tả thanh long). Núi Tản Viên là cung tiên bên phải (hữu bạch hổ) chầu về (núi Nghĩa Lĩnh). Sông Bạch Hạc là nội minh đường, ngã ba Lềnh là trung minh đường, Tượng sơn (núi Con Voi) ở ngoài bể là ngoại minh đường. Tất cả nghìn núi, vạn dòng đều chầu về núi Nghĩa Lĩnh tôn làm núi Tổ” (1). Tư duy phong thủy và cảm thức dân gian tôn núi tổ Hùng Vương ở vị trí trung tâm, Tản Viên sơn là núi cha, Tam Đảo sơn là núi mẹ cùng nhau tọa lạc đem lại sự thiêng liêng phò trợ cho toàn thể dân tộc.

Vị thần núi Tam Đảo có bài vị thần hiệu chép trong tự điển là Tam Đảo sơn trụ quốc mẫu tối linh đại vương, được dân gán cho là một nữ thần người địa phương, sinh ra – lớn lên và hóa tại vị trí xã Đại Đình, huyện Tam Đảo ngày nay. Vốn bà có tên là Lăng Thị (Cung) Tiêu (lại có tên là Cẩm Giang), dòng dõi thần tiên được giáng sinh vào nhà trưởng ông ở Đông Lộ (2). Vì xuất thân tiên nữ nên dù tuổi đời còn nhỏ nhưng bà đã trở thành bậc tài hoa, thông văn, tinh võ, đánh đàn, chơi cờ, làm thơ, vẽ tranh đều giỏi cả. Bà đã trở thành chính phi của vua Hùng Vương thứ 7, có phép thuật, biến hóa thần thông, ẩn hiện khôn lường, không biết đâu mà suy đoán, nhưng rõ ràng dễ thấy sự ứng nghiệm với lời đoán trước.

Thần tích (gồm 5 tờ, chữ viết hàng 8, do Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc thứ nhất, 1572) ghi lại rằng nữ thần núi Tam Đảo tức bà Lăng Thị Tiêu, sau được thiêng hóa thành quốc mẫu Tây Thiên (QMTT) đã làm được việc là sinh phù Hùng Vương (khi còn sống thì giúp vua Hùng Vương thứ 7). Bản thần tích khác ghi rõ là Âm phù Lê Thái Tổ (ngầm giúp Lê Lợi) do Hoàng Tín đại phu, tri phủ Triển Vu Thị bái soạn năm Cảnh Hưng 45 (1784). Hai bản thần tích này có phần giống như bản thần tích thôn Khang Điền. Cùng với các đạo sắc phong triều Lê và triều Nguyễn (các năm 1775, 1821, 1850, 1880, 1883, 1884, 1887, 1909, 1924) thờ Tam Đảo sơn trụ quốc mẫu thượng đẳng thần tại đền thôn Thượng Chù là đền của 6 thôn xã Định Trung bao gồm Yên Lập, Gia Viễn, Lương Phao, Thượng Chù, Sơn Lãm, Thiện Kế (3). Tài liệu dân gian cũng ghi nhận về thời vua Lê Thái Tổ, khi khởi nghĩa Lam Sơn chưa thành công, người đàn ông tên là Lưu Chú (có tài liệu ghi là Lưu Nhân Chú) ở xã Vân Yên, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đêm ngủ lại trong đền được thần báo mộng cho biết đường tìm về Lam Sơn phụng sự minh chủ.

Đức Kha Đảo Sơn phu nhân tức là thần hiệu của quốc mẫu Tam Đảo được thờ làm thành hoàng tại trang Yên Thành, huyện Lập Thạch, tức làng Ơn thôn Yên Tĩnh, xã Đồng Thịnh, huyện Lập Thạch với 3 lần hiển linh âm phù. Lần thứ nhất là âm phù Hai Bà Trưng, lần thứ 2 âm phù vua Trần đánh thắng Ô Mã Nhi (1289), lần thứ 3 âm phù vua Lê Lợi thắng quân Minh. Ngày nay ở thôn Yên Tĩnh còn duy trì được tục kéo song trong ngày hội làng. Khi tế dùng lễ vật xôi và lợn, ngày tiệc chỉ có gà, xôi, rượu. Khi làng vào hội kiêng dùng màu đỏ vì khi thần hiện âm phù thường mặc áo màu đỏ, đầu đội mũ hoa.

Sau này, việc thờ phụng nữ thần được biên chép cụ thể trong tự điển bộ Lễ triều Lê lập năm 1763 (đời vua Lê Hiển Tông) như sau: phần đền miếu thờ chính ở 3 xã là Quan Nội tại đình làng Vĩnh Lại, xã Quan Ngoại thờ tại đền Tổng và xã Vạn Phẩm ở đình làng Khang Điền. Các nơi phối thờ thuộc huyện Tam Dương, Tam Đảo, Bình Xuyên, Lập Thạch TP Vĩnh Yên, tổng cộng văn bản chép ra 54 xã thôn, tuy nhiên chỉ thống kê ra 48 điểm, có lẽ 6 điểm còn lại là điểm tế lễ chung hàng tổng. Tư liệu Hán Nôm qua sắc phong, thần phả, thần tích cho ta biết 3 cung thờ tự là đền Tổng (trung cung), đền Bùa (tả cung), đền Thỏng (hữu cung) có sắc phong thần và thần tích.

Những di tích liên quan đến việc phụng sự thần núi Tam Đảo – QMTT được ghi chép trong các thư tịch cổ tập trung ở xã Đại Đình huyện Tam Đảo, bao gồm:

Đền Mẫu Sinh thôn Đông Lộ – gắn với nơi sinh thành của QMTT. Tại di tích còn lưu giữ 4 đạo sắc phong (1880, 1887, 1909, 1924).

Đền Thượng là nơi ở của QMTT thuộc về núi Thạch Bàn. Trong đền có long ngai và tượng QMTT chế tác năm 1937 do ông Hà Trọng Tuy (còn gọi là ông Bá Mai, người xã Liễn Sơn, huyện Lập Thạch) phát tâm công đức, thuê ông Trần Văn Thìn (phó Thìn) tại làng Đại Lữ, xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch tạo tác. Cùng với tượng mẫu, ông Thìn còn là tác giả bức chạm Bát tiên quá hải. Trong khu vực nội điện có tượng cô đệ nhất và cô đệ nhị, vốn được đặt hàng nhằm chọn 1 pho đặt thờ ở ngôi thủ điện (tại đền Thượng). Sau 2 pho cũng được rước vào nội điện đặt bên cạnh tượng QMTT. Như thế, về bản chất chúng ta không thể khẳng định rằng đây là ban thờ tam phủ như những cơ sở thờ tự thuộc về đạo Mẫu thông thường.

Đền Mẫu Hóa có quy mô vừa phải, tọa tại xóm Xím, nơi tương truyền QMTT bay về trời. Tại di tích còn có một giếng nước (mộc dục tỉnh), QMTT đã tắm rửa trước khi thăng hóa. Trong thượng cung đền Hóa có long ngai, bài vị ghi dòng thánh tâm Tam Đảo sơn trụ quốc mẫu đại vương được coi là di vật cổ quý giá nhất của đền.

Miếu Ngò, đình Sơn Đình thuộc thôn Sơn Đình với tên trước kia thuộc thôn Lan Thông, tương truyền đây là địa điểm Mẫu tuyển mộ và huấn luyện dân binh đánh giặc giúp vua Hùng (nơi hiển thánh). Theo bản khai năm 1938, đình có 3 đạo sắc phong (năm 1880, 1910, 1924)

Đền Thỏng, không có sắc phong, chỉ có bản thần tích sao lại của đền Long Đậu, xã Định Trung vào năm Bảo Đại 12 (1937). Đền Thỏng được xây dựng quy mô vào năm 1998, là nơi chính thức thực hiện các nghi lễ nhà nước và địa điểm mở lễ hội Tây Thiên dịp rằm tháng 2 âm lịch hàng năm.

Những nghi lễ chính thức đã từng được thực hành và đang thực hành liên quan đến Thánh Mẫu Tam Đảo có thể điểm ra là:

Từ năm 1450, đã diễn ra lễ cầu đảo thần núi Tam Đảo (có danh hiệu là Thanh Sơn đại vương) bằng cỗ thiếu lao gồm dê, lợn để mong được âm dương hài hòa, vạn vật sinh sôi nảy nở.

Lễ kỳ đảo (cầu mưa) thường được chọn những địa điểm núi cao, là nơi hình khí tương giao, đất trời hòa hợp. Mổ trâu cầu mưa là hợp lẽ vì trâu có tên chữ Hán là thủy ngưu

Hiển linh, âm phù qua các đời từ vua Hai Bà Trưng tới các vua Trần, vua Lê..

Lễ hội Tây Thiên đã được tổ chức từ khi khu di tích danh thắng Tây Thiên được Bộ VH-TT công nhận di tích cấp quốc gia. Đặc biệt, lễ hội được tổ chức quy mô kể từ khi tỉnh Vĩnh Phúc tái lập năm 1997, tới nay được nhiều phương tiện thông tin đại chúng và sách nghiên cứu của địa phương giới thiệu.

Theo thông lệ truyền thống, thì các thần linh có công giúp nước, phù trợ cho dân chúng đều được tôn làm thượng đẳng thần. Với trường hợp QMTT, tư liệu các nhà nho ghi lại không nhiều, nhưng qua đó cho ta biết bóng dáng thờ nữ thần núi Tam Đảo với tư cách là Trụ Quốc Mẫu chính là dấu vết rõ rệt của tục thờ đá, thờ thần núi. Thời đó, oai linh của các nhiên thần có quyền chi phối tối thượng đến đời sống con người. Lực lượng siêu nhiên ở vùng núi Tam Đảo nói riêng cũng như tỉnh Vĩnh Phúc – Phú Thọ nói chung còn lồng lộng bóng dáng của núi tổ vua Hùng với những hóa thân khác nhau nhưng đều là chân dung thần núi. Và, đây cũng là vùng đất linh thiêng bậc nhất của châu thổ Bắc Bộ.

Trải qua những giai đoạn lịch sử của dân tộc, các yếu tố văn hóa chính trị xã hội tích hợp vào làm nên nhiều lớp nghĩa mới cho tục thờ. Từ đây, chân dung nữ thần núi đã được bồi đắp thêm những yếu tố có tính chất thế tục, gần gũi với đời sống con người. Chính việc nhân cách hóa nhiên thần đã khiến cho nữ thần núi Tam Đảo trở nên ích dụng hơn qua những đợt cầu đảo ở tầm vóc quốc gia của các triều đại phong kiến. Triều đình ghi nhận công lao của thần linh bằng việc sắc phong phẩm hàm, ghi vào tự điển thờ cúng. Việc làm đó có thể coi là những mốc dấu nhân hóa nhiên thần, khoác áo nhân thần gắn với ích quốc lợi dân qua các cuộc chiến tranh và âm phù mùa màng tươi tốt… Cách thiêng hóa được chính quyền phong kiến lên kế hoạch và người dân đồng tình ủng hộ. Các lớp văn hóa tiếp tục được bồi lấp dày lên để cùng một lúc làm hai nhiệm vụ. Thứ nhất là đồng nhất hóa vai trò của vương triều phong kiến quản lý bách thần, thứ hai là tạo niềm tin thiêng liêng của người dân gửi gắm vào thần linh nói chung và ở địa phương nói riêng, tạo ra sự bình ổn xã hội qua nhu cầu tâm linh, gần gũi, phù hợp với niềm tin tín ngưỡng của người dân.

Từ khi đổi mới cho tới nay, trải qua hơn 20 năm, hoạt động lễ hội và đời sống tâm linh của cả nước có những biến động theo xu hướng về nguồn. Xét trên mặt bằng tổng thể, chúng ta thấy tác động của kinh tế thị trường tạo ra sức ép lớn lên đời sống xã nội nói chung, đặc biệt là đời sống tâm linh nói riêng. Những khu vực có đời sống kinh tế phát triển, lễ hội và những công trình tâm linh thường được phục hồi, trùng tu nhanh chóng. Điều này gần như đồng nghĩa với việc, nơi có đời sống kinh tế khó khăn thì những thiết chế văn hóa tâm linh kém phát triển hơn. Trường hợp liên quan tới QMTT cũng tuân theo quy luật trên.

Hoạt động điều tra nghiên cứu, đầu tư tôn tạo cả về mặt vật chất và tinh thần gắn với QMTT mới chỉ diễn ra sôi nổi hơn 10 năm trở lại đây. Thứ nhất, đã diễn ra 2 cuộc hội thảo sau khi Vĩnh Phúc tách tỉnh. Thứ hai, việc xuất bản sách sau hội thảo (kỷ yếu khoa học) là những bằng chứng vật chất đánh dấu cho tín ngưỡng QMTT tại tỉnh Vĩnh Phúc. Thứ ba, bản thân các di tích gắn với QMTT đã có sự thay da đổi thịt nhờ chính nhu cầu tự thân của địa phương, cùng sự đồng thuận của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc. Có thể kể đến chùa Hà Tiên (gần TP Vĩnh Yên) dân gian vẫn lưu truyền câu ca: Cho dù có xấu như ma, uống nước chùa Hà cũng đẹp như tiên để gián tiếp quảng bá cho độ linh nghiệm của Phật và QMTT đang ngự trong di tích. Ngoài ra, còn có đền Thỏng đã được đầu tư đồng bộ, hoành tráng trên nền tảng di tích cũ…

Bên trong di tích, các hoạt động thờ cúng tâm linh cũng diễn ra phong phú hơn. Nếu như trước kia, lên đồng, hầu đồng… bị hạn chế, thưa thớt thì hiện nay, những cơ sở thờ tự gắn với QMTT đều rộn rã, sôi nổi vào các dịp lễ hội đầu năm (xin, trình) và cuối năm (trả lễ, cảm tạ và xin phù trợ tiếp). Vai trò của QMTT nói riêng và các mẫu nói chung có sự liên thông, hòa quyện trong việc ban phúc – lộc – thọ – bình an cho con người. Dường như chưa có sự phân biệt rạch ròi giữa các mẫu trong hệ tam phủ, tứ phủ với QMTT qua nghi trình hầu đồng. Song, trên thực tế, gắn với tế lễ cầu xin riêng biệt thì vai trò của QMTT nổi lên rất cao. Người dân ý thức sâu sắc khi cầu xin bà QMTT cho dù hành trạng, sự tích, linh tích có khi còn là điều khá mơ hồ. Không thấy các tài liệu ghi lại sự tương thông thần – người qua nhân vật trung gian là các ông đồng bà cốt. Thế nên, với những nghi lễ đang được thực hành gắn với QMTT trong đó có hầu đồng, có thể tạm khẳng định rằng: QMTT có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của cộng đồng. Khảo sát gần đây (đầu năm 2009) cho thấy, các đoàn hầu đồng từ Hà Nội và các tỉnh khác tới di tích thờ QMTT thường tổ chức bài bản, tốn kém hơn các đoàn, giá đồng, do nhân dân địa phương Vĩnh Phúc thực hiện. Hình thức thông linh trực tiếp đã trở thành keo dính tín ngưỡng QMTT vào hệ thống thờ mẫu vùng châu thổ Bắc Bộ tạo ra những khuôn diện đặc trưng cho văn hóa tâm linh Việt Nam.

Chúng ta có thể nhận diện sự khác biệt của QMTT trong hệ thống thờ mẫu của Việt Nam là bóng dáng bà mẹ rừng núi với các dấu vết sơn thần (Thanh Sơn đại vương, Tam Đảo sơn trụ quốc mẫu tối linh đại vương). Và, thông qua vị trí thờ tự trên thần điện, đó là hình hài bà mẹ thế gian, bà mẹ thượng giới – mẹ trời ở vị trí cao nhất – trang phục áo đỏ (theo hệ thống đạo Mẫu Tứ phủ). Tư liệu cho biết ở thôn Đồng Tĩnh, Yên Thành, Lập Thạch thờ mẫu với danh hiệu Đức Kha đảo sơn phu nhân, hiển linh thành một người con gái mặc áo đỏ, đầu đội mũ hoa, tự xưng là công chúa Tam Đảo sơn thần, địa điểm hiển linh tại ngôi miếu thờ tại xã Đại Trung. Đây có lẽ là lý do để cho rằng QMTT mặc áo đỏ chăng? Trở lại thời điểm chế tác tượng, có thể giả thiết cho rằng, ông phó Thìn đã tạc tượng QMTT theo đặt hàng. Nguyên mẫu mà ông tạo tác dựa hoàn toàn theo cảm quan tâm linh địa phương, vì vậy mà trang phục QMTT mặc áo đỏ, đường nét chạm khắc chưa tinh xảo. Điều này cho phép ta suy đoán rằng sản phẩm mang đậm chất địa phương, với tư duy và sự đầu tư của cá nhân chứ không ở tầm quốc gia. Vì vậy, chúng tôi cho rằng yếu tố địa phương là đặc điểm của QMTT.

Trước 2004, chưa có đợt khai quật khảo cổ học nào ở Tây Thiên, tức là chưa có tiếng nói tự thân của di tích. Sau này, đợt khảo cổ ở khu vực đền Thỏng và chùa Phù Nghì cho ta biết chắc chắn về tư duy phong thủy dân gian là vẫn dựa vào địa hình tự nhiên, lấy các yếu tố sẵn có của tự nhiên làm cơ sở cho các di tích thiêng. Đền Thỏng nằm giữa hai sườn núi tạo thế tay ngai, trước mặt là thung lũng cánh đồng Thỏng có khe nước tụ lại từ 2 khe nhỏ phía tay ngai đổ về, sau lưng dựa vào dãy núi Tây Thiên… Vì dựa vào lưng chừng núi nên các công trình đều có quy mô vừa phải, dấu vết vật liệu còn lại chủ yếu từ thời Trần qua các công trình kiến trúc Phật giáo như mộ tháp (Võng Sơn thiền sư, Cúc Khê thiền sư…), bia đá Giác Linh Ngã. Các ngôi đền Cô, đền Cậu vẫn còn tọa lạc trong cụm di tích quanh chân núi và lưng chừng núi trên đường lên đền Thượng vẫn là những dấu ấn đạo Lão còn ghi dấu.

Những khuyết thiếu trên, đang được bổ sung đầy đủ hơn nhờ sự ghi chép bằng sách vở và các phương tiện hiện đại khác gắn với đời sống tín ngưỡng về QMTT đang diễn ra sôi động khoảng hơn chục năm trở lại đây.

Với tất cả chất liệu tươi mới của hoạt động tín ngưỡng, tâm linh đang diễn ra tại cụm di tích này, để nhận diện rõ hơn vai trò, vị thế của QMTT trong đời sống văn hóa tâm linh của người Vĩnh Phúc và các tộc người Việt Nam, cần có sự nhất trí, đồng thuận cao trong nghiên cứu lý luận và thực tiễn.

Cần tiến hành lập bản đồ chi tiết hóa một cách đơn giản và chính xác cụm di tích QMTT ở Vĩnh Phúc để cho bà con trong, ngoài tỉnh thông tỏ. Các ban thờ tại mỗi di tích đều phải có biển đề tên đối tượng ngự trên thần điện, rõ ràng, chính xác (4) tránh xô bồ, nhầm lẫn. Cũng rất cần nêu ra những quy định chung và riêng cho từng di tích (5) để hạn chế tối đa những hệ lụy không mong muốn.

Cần tuyên truyền để người dân thấy rõ bản chất của việc thờ phụng QMTT là kết quả của sự hỗn dung văn hóa, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của rất nhiều đối tượng khác nhau trong đời sống cộng đồng.

Cùng với Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên, cụm di tích tín ngưỡng QMTT Tam Đảo và khu nghỉ mát Tam Đảo đã được quy hoạch thành tour du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng bậc nhất ở Vĩnh Phúc. Tuy nhiên địa phương cần có kế hoạch quảng bá hình ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng ở tầm quốc gia để hiệu quả xã hội cao hơn.

Các hoạt động tín ngưỡng (lên đồng) liên quan tới hệ thống đạo Mẫu tam phủ, tứ phủ đan xen vào cơ sở thờ tự QMTT là hoạt động tín ngưỡng dân gian lâu đời, có ảnh hưởng sâu sắc trên diện rộng ở Việt Nam, đều thuộc về hoạt động tâm linh đạo Thánh, đạo Mẫu (Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ) Việt Nam (6). Vậy, chúng ta cần có những tuyên truyền và ứng xử văn hóa tâm linh thích hợp để cho vấn đề trước kia đã từng nhạy cảm ở châu thổ Bắc Bộ không bị lặp lại tại cụm di tích thờ phụng QMTT Tam Đảo trong giai đoạn hiện nay (7).

_______________

1. Trang web về Quốc Mẫu Tây Thiên.

2. Dưới góc độ dân tộc học thì coi đây là tàn dư của xã hội thị tộc mẫu hệ, mẫu Lăng Thị Cung Tiêu như là thủ lĩnh của một tộc người.

3. Xem thêm chi tiết bài Di tích thờ Quốc Mẫu Tây Thiên ở Vĩnh Phúc trên trang web phần tham khảo.

4. Như trường hợp đền thờ Hai Bà Trưng ở Đồng Nhân, Hà Nội. Ban thờ Mẫu phía góc trong cùng bên tả có tượng thờ chầu thủ đền nhưng biển foocmica đề rõ ràng là Trầu thủ đền. Đã 5 năm nay, không có sự thay đổi nào – dù nhà chùa (trụ trì Thích Đàm Vinh) đã nhận được sự góp ý của người đến lễ tại đền. Đây là di tích cấp quốc gia, được công nhận từ năm 1962, điểm đến của các tour du lịch quan trọng của nội thành Hà Nội. Sự tùy tiện trong các di tích như thế còn thấy ở nhiều nơi. Với di tích mới, như Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, chúng tôi nhận ra sự mẫu mực và trang nghiêm trong việc hành lễ cũng như cách thức hướng dẫn khách hành hương thông qua biển chỉ dẫn và những quy định khi bước vào khuôn viên thiền viện. Với chùa Hà Tiên, đang trong quá trình hoàn thiện, hy vọng việc kết hợp thờ Phật và Quốc Mẫu Tây Thiên tại di tích này có những thành tựu viên mãn.

5. Giả sử trường hợp tên gọi ngôi đền thuộc hữu thần cung là Thỏng hay Thõng trong tư cách đền Trình với ý nghĩa gốc là đưa lên bề trên; trình bày báo cáo, xin phép. Đồng thời đền này còn nằm ở bìa rừng lên núi Thạch Bàn, nơi cửa rừng gắn với tục lệ mở cửa rừng trong thời kỳ con người vào rừng khai thác, săn bắt và hái lượm. Địa danh ngôi đền cũng gắn với thôn Khổn Thông hay còn gọi là Khuôn Thông, Khuẩn Thông, Khuổn Thông, Lan Thông. Bản khai năm 1938 của lý trưởng xã Sơn Đình ghi rõ tên ngôi đền là Thỏng do xuất phát từ chữ Thông mà ra. Dân hiện nay vẫn gọi xứ đồng Thỏng là vùng đất phía trước đền. Vậy thì nên thống nhất là đền Thỏng thay cho đền Thõng ghi trong hồ sơ di tích do bảo tàng tỉnh Vĩnh Phú lập năm 1990-1991.

6. Tại đền Kiếp Bạc vào năm 2006, chính quyền chính thức công nhận hình thức sinh hoạt tín ngưỡng lên đồng là một thành phần của lễ hội.

           7. Liên hệ tới sự im ắng ở chùa Đậu – đền Đậu, xã Định Trung thuộc TP Vĩnh Yên mới đây. Sở dĩ vậy là do UBND xã cấm hầu đồng tại đền thờ QMTT nên cảnh đền không còn tấp nập nữa.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 329, tháng 11-2011

Tác giả : Phạm Lan Oanh

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *