Trong hành trình qua miền Tây Bắc, lên xứ sở Lai Châu hùng vĩ, Mường Tè là nơi con sông Đà chảy vào đất Việt đang ngời lên sắc xuân, vẫy gọi du khách mọi miền dừng chân khám phá vẻ đẹp nơi đây.
Bức họa mùa xuân
Mường Tè là vùng đất nằm ở phía Bắc sông Đà, có địa hình núi non hùng vĩ, hiểm trở và khung cảnh hết sức thơ mộng: Phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), phía Nam giáp huyện Nậm Nhùn, phía Đông giáp huyện Sìn Hồ, phía Tây giáp huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên). Nhắc đến Mường Tè, những tên đất, tên làng bản gợi lên bao điều bí ẩn, xa xôi và hoang sơ như Bum Nưa, Bum Tở, Vàng San, Kan Hồ, Pa Vệ Sử, Mường Tè, Nậm Khao, Tà Tổng, Pa Ủ, Ka Lăng, Thu Lũm, Mù Cả, Tá Bạ.
Khung cảnh Mường Tè vào mùa xuân như một bức tranh sơn thủy thơ mộng giữa đại ngàn Tây Bắc. Nơi đây, những cánh rừng đại ngàn quanh năm mây phủ đang hồi sinh bởi hơi ấm của mùa xuân, nắng xuân và không khí lễ hội tưng bừng trong những bản làng. Hoa ban, hoa mận, hoa đào đang khoe sắc, trải lên núi rừng, triền đồi những tấm thảm hoa nhiều màu, tô điểm cho những bản làng và ngôi nhà của đồng bào Thái. Mùa xuân về, dòng sông Đà trong xanh. Dừng chân trên mỏm núi cao nhìn xuống, con người như bị choáng ngợp bởi sắc xanh của Đà giang. Nơi đây, tại cột mốc 17, dòng sông Đà hiền hòa, thơ mộng chảy vào đất Việt. Con sông như được mang một sắc màu mới, xanh tựa ngọc, hòa vào cây lá của núi rừng, hòa vào dáng núi dựng lên thành vách gợi vẻ hùng vĩ. Đến Mường Tè, ngồi trên thuyền đuôi én du ngoạn nơi thượng nguồn sông Đà mà cảm nhận về nơi bắt đầu của dòng sông, chiêm ngưỡng cảnh sắc đôi bờ vào mùa xuân thì không có trải nghiệm nào sánh bằng.
Xuân về, những địa danh, thắng cảnh của Mường Tè luôn là điểm dừng chân hấp dẫn du khách. Muốn khám phá đỉnh cao của núi non, bạn hãy trải nghiệm leo ngọn Pu Si Lung, một trong ba nóc nhà Đông Dương để cảm nhận sắc xuân hiện hữu dọc đường lên đỉnh núi, để hòa mình vào biển mây mỗi khi chiều về trong ánh vàng rọi chiếu tạo nên những đường viền nơi chân trời. Tại đây, thú vị nhất là khi màn đêm buông xuống, du khách có thể dựng lều, cắm trại rồi đốt lửa sưởi ấm, xua tan đi giá lạnh để lắng nghe sự sống đang cựa mình trên đỉnh Pu Si Lung hùng vĩ. Mùa xuân về, Pu Si Lung như khoác trên mình chiếc áo sặc sỡ sắc hoa. Muôn loài chim chóc cũng góp phần tạo nên dàn âm thanh của núi rừng.
Khám phá những điều kỳ bí
Mường Tè là vùng đất chứa đựng bao điều bí ẩn mà ai đặt chân đến đều được nghe kể, mong muốn tìm hiểu khám phá. Đó là huyền thoại về đá thiêng Hà Nhì, vốn là một khối thạch anh nằm giữa đỉnh núi thuộc vùng đất Thu Lũm mà người Hà Nhì bản xứ gọi là “Ông già đá trắng” được Trời phái xuống để bảo vệ mảnh đất biên cương cho người Việt. Từ bao đời nay, người Hà Nhì coi khối đá là vật thiêng, gắn liền những nghi lễ trong đời sống văn hóa của đồng bào như lễ cúng rừng với mong muốn được thần linh phù hộ cho núi rừng luôn xanh tươi, mùa màng bội thu để nuôi sống con người. Ở Mường Tè, còn có những câu chuyện thần bí về suối nước nóng Pắc Ma. Cư dân bản địa kể rằng, nếu ai tắm qua dòng nước ấm của dòng suối Pắc Ma sẽ tiêu tan bệnh tật, người khỏe mạnh. Còn nếu rửa thức ăn qua dòng nước này thì món ăn sẽ thơm ngon. Đến Pắc Ma vào mùa xuân, du khách sẽ có cơ hội được ngâm mình dưới làn nước ấm, lắng nghe thanh âm trong trẻo của núi rừng, quên đi những ưu phiền, mệt nhọc thường ngày.
Rực rỡ sắc màu thổ cẩm
Mùa xuân về, các dân tộc thiểu số ở Mường Tè như Thái, Mông, La Hủ, Cống, Si La, Mảng, Hà Nhì lại tổ chức những nghi lễ, những phong tục tập quán từ bao đời nay được đồng bào lưu giữ. Dừng chân tại các bản làng, sắc màu thổ cẩm tạo nên vẻ đẹp cổ truyền, sặc sỡ sắc màu. Những chiếc váy hoa phơi bên sân nhà báo hiệu những lễ hội xuân sắp diễn ra tại các bản làng. Mỗi dân tộc có cách trang trí họa tiết trên trang phục riêng tạo nên nét độc đáo trong bản sắc văn hóa. Xuân về cũng là lúc đồng bào nô nức chuẩn bị xuống chợ phiên để mua sắm. Đồng bào xuống chợ xuân như đi hội, từng tốp người, ngựa với những bộ trang phục thổ cẩm rực đỏ cùng nhau xuống chợ phiên. Ẩm thực ngày xuân ở Mường Tè rất độc đáo và đậm đà dư vị. Mỗi dân tộc có một cách chế biến món ăn riêng và tự tay đồng bào làm để thưởng thức trong dịp Tết đến Xuân về. Đó là bánh chưng, bánh dày, bánh trôi, món măng rau rừng, lợn nướng, thịt trâu sấy gác bếp, cá lam ống nứa….
Mường Tè đang rạo rực sắc xuân, sẽ là điểm dừng chân lý tưởng của du khách mọi miền trong hành trình chinh phục những cung đường mùa xuân để có thêm những trải nghiệm tươi đẹp về con người, vùng đất Tây Bắc.
Tác giả: Nguyễn Thế Lượng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 456, tháng 3-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Nên đi du lịch Đà Nẵng vào tháng mấy là đẹp nhất?
Tổng kết công tác thi đua Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cụm Bắc Trung Bộ