SÁCH VÀ ĐỌC SÁCH Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

           Việt Nam là nước có truyền thống thi thư, nghĩa là truyền thống viết sách và đọc sách. Chỉ tính từ TK X trở lại đây, kho tàng thư tịch của dân tộc cũng đã khá đồ sộ với các loại sách vở, văn thư, báo chí… Đến nay, trên toàn cõi Việt Nam có nhiều hệ thống lưu trữ, bảo quản và tổ chức việc khai thác, phát huy tác dụng của thư tịch như thư viện, lưu trữ, bảo tàng… với hàng tỷ tỷ trang thư tịch các loại.
Trải qua hơn nghìn năm, thư tịch Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Những thư tịch cổ còn lưu giữ được đến nay đều là các bản viết tay mà các yếu tố chủ yếu để hình thành nó là ký tự Hán, giấy dó. Dần dần thư tịch được in mộc bản và sau đó là in hoạt bản với các con chữ rời. Chữ Hán được thay thế dần bằng chữ Nôm và chữ quốc ngữ. Vật liệu làm sách vở cũng thay đổi từ giấy dó, giấy bản đến giấy viết công nghiệp. Đan xen vào đó là các loại thư tịch chạm khắc trên các vật liệu rắn như đá, tre, gỗ, đồng, vàng, lá cây… Đến nay, diện mạo và hình loại thư tịch đã thay đổi rất nhiều và tiện dùng cho người sử dụng. Sách vở được in, đóng, trang trí bằng máy… hiện đại. Hình thức thư tịch cũng đổi thay liên tục. Từ chỗ sách vở chép tay và chỉ có độc loại, độc bản sau có công văn giấy tờ (văn thư), văn khắc (bia, chuông) sau nữa là sự ra đời của báo chí. Sách to, nhỏ, dày, mỏng nhiều loại. Ngày nay có nhiều hình thức thư tịch cả trên giấy, vật liệu cứng và công nghệ điện tử. Thay đổi lớn nhất trong lịch sử thư tịch Việt Nam là về nội dung. Nếu như thời xưa, thư tịch chủ yếu về các lĩnh vực nho, y, lý, số, nghĩa là lĩnh vực xã hội chính trị và nhân văn thì càng về sau, nội dung càng mở rộng cho các khoa học cơ bản, khoa học kỹ thuật và đời sống.
Hiện nay, riêng mảng thư tịch dân tộc, chúng ta đang sở hữu kho tàng gồm 5.500 đầu sách chữ Hán Nôm, 25.000 bản rập văn bia, hàng triệu trang sách lá, 17.000 tập địa bạ ( hồ sơ về ruộng đất), 32.000 tiêu bản mộc bản, hơn 5.000 hương ước cũ, hơn 700 tập công văn triều Nguyễn, trên 210.000 tên sách tiếng Việt, khoảng 1000 ấn phẩm định kỳ với hàng tỉ trang in, gần 18.500 luận án tiến sĩ, khoảng trên 30 km giá tài liệu lưu trữ…
Tuy có nhiều thay đổi về hình thức, công nghệ và nội dung, song bản thể của thư tịch cho đến đầu TK XXI về cơ bản không thay đổi. Sách vở vẫn gồm hai yếu tố chủ yếu là chữ viết và phương tiện mang chữ viết đó. Giữa hai yếu tố đó là công nghệ làm thư tịch gồm định dạng ký tự, mực và đóng quyển. Từ khi công nghệ tin học phát triển, thư tịch điện tử cũng phát triển với các đặc điểm riêng khác với thư tịch bằng giấy truyền thống. Người đọc không cầm được cuốn sách trên tay, phải thông qua một thiết bị máy móc, một công nghệ tin học và phải có điện thì mới đọc được. Nhưng về cơ bản, thư tịch điện tử cũng gồm hai yếu tố chính là ký tự (chữ viết) và phương tiện mang ký tự đó. Công nghệ chế tác thư tịch thì hoàn toàn khác, hiện đại và nhanh chóng vô cùng.
Cũng chính sự nhanh và hiện đại của ngành xuất bản mà có biết bao nhiêu hệ lụy nảy sinh theo. Sách được ra đời dễ dàng hơn trước nhiều. Chỉ cần không phạm điều cấm, còn dở, không hay, xào xáo, lắp ghép, ít văn hóa một chút cũng được, miễn là bán chạy. Tổ chức bản thảo bây giờ dễ hơn bán sách. Người ta xuất bản để kiếm tiền nhiều hơn là để quảng bá văn hóa, giáo dục con người. “Năm 2011, toàn ngành xuất bản hơn 27.000 đầu sách với hơn 294 triệu bản”. Ai viết, ai thẩm định tác phẩm mà nhiều thế, nhanh thế? 27.000 đầu sách/ năm, mỗi ngày có 74 cuốn sách mới ra đời!
Có một dịp, tôi làm thống kê sách văn nghệ nước ngoài dịch và xuất bản ở Việt Nam. Có đến khoảng 18.000 đầu sách nước ngoài được dịch và in trong thời gian 100 năm của TK XX, trong đó lượng truyện tranh cho thiếu nhi được xuất bản từ sau 1975 đến cuối thế kỷ tăng đột biến với con số giật mình, khoảng 3.000 tên sách trong vòng 20 năm, bình quân mỗi năm có khoảng 150 tên truyện tranh với hàng vạn bản tung ra phục vụ thiếu nhi. Đa số là sách của các nhà xuất bản địa phương như Đồng Nai, Đà Nẵng, Trẻ, Phương Đông… Những truyện tranh này không giống truyện tranh lịch sử do các họa sĩ trong nước vẽ với các chú thích đầy đủ, đúng cú pháp mà là truyện tranh dịch từ tứ xứ, không có chú giải, chỉ là các lời thoại cộc lốc và thô kệch. Bên cạnh đó còn không ít sách kiếm hiệp mà bạn trẻ đọc nó rồi chỉ muốn làm hiệp sĩ giang hồ, không muốn học tập, đọc sách khác nữa. Cộng với game online ngấm vào làm cho máu của các cháu bị lạnh đi như máu của những sát thủ. Lứa tuổi 8X, 9X của thế kỷ trước mà bây giờ đang độ tuổi 20 – 30 là bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Từ xa xưa việc đọc sách vở đã được coi là việc làm của người có học, là hành vi văn hóa cao cả. Dân gian lưu truyền câu phương ngôn cho rằng mọi công việc đều thấp hèn, chỉ có đọc sách là cao sang là do xuất phát từ ý nghĩa văn hóa của nội hàm đọc và hành vi đọc. Ở thời đại nào, người ta cũng lấy việc học, việc đọc sách là phương cách để hoàn thiện con người, để tiến bộ trong cuộc sống cá nhân và cuộc sống xã hội.
Tuy nhiên do nhiều hoàn cảnh tác động nên việc học, việc đọc không phải lúc nào cũng được cả xã hội thực hiện. Đã có thời gian dài, đọc sách là việc của riêng tầng lớp quý tộc nhiều tiền, có quyền thế, có học. Lý do trước hết là do sách viết tay ít bản nên giá đắt, không phải ai cũng mua được. Sau nữa là muốn đọc sách phải biết chữ, phải có tiền đi học, học đến nơi đến chốn, lại còn sự phân biệt sang hèn trong xã hội…
Công cuộc xây dựng xã hội mới từ sau năm 1954 trở đi đã tạo đà mới cho việc đọc sách trở thành việc của toàn dân. Bắt đầu của giai đoạn này là thanh toán nạn mù chữ. Toàn dân đi học, toàn dân biết chữ và tiến tới mọi người đọc sách để củng cố việc biết chữ và hy vọng nắm được nhiều hơn các tri thức mới cần thiết cho cuộc sống. Sách báo được xuất bản nhiều hơn, phổ cập hơn và bán với giá mà nhiều người dân có thể mua được. Đặc biệt là sự ra đời của các thư viện bình dân. Thực ra trong lịch sử văn hóa, các thư viện đã có từ rất lâu đời, song song với việc học và việc làm sách. Nhưng thư viện bình dân thì rất mới. Đây là thư viện dành cho người lao động, chỉ xuất hiện ở những thời đại thân dân. Để có thư viện bình dân, nhà nước phải có hệ thống chính sách đồng bộ, trước hết làm cho người bình dân biết đọc, thấy được cái lợi của việc học, việc đọc và tiến tới là làm cho họ ham đọc. Tiếp theo là thực hiện chính sách xuất bản làm cho sách có thể đến được với người ít tiền, các vùng xa đô thị, vùng đói văn hóa. Việc làm sách cũng không còn bó hẹp ở việc phục vụ cho đi học đi thi như thời nho học thịnh hành nữa mà xuất bản đã vì mục đích dân sinh, đưa tri thức vào cuộc sống, làm cho nền dân trí ngày càng được nâng cao.
Do quan niệm đọc sách là việc thanh cao, là biểu hiện của hành vi văn hóa nên các cụ ta có những cách ứng xử đẹp với sách và người đọc sách. Trước hết, quan niệm sách là báu vật của mọi nhà, các cụ ta cho rằng để cho con nhiều tiền bạc, tài sản không bằng để cho con cháu sách vở. Từ quan niệm trên, người đọc sách phải biết giữ gìn sách.
Từ đọc sách đến thú chơi sách, tích trữ sách và hình thành các thư viện là con đường tất yếu của quá trình phát triển văn hóa. Hai hình thức thư viện nhà nước và thư viện tư nhân song song tồn tại trong lịch sử văn hóa Việt Nam, làm trụ đỡ duy trì và nuôi dưỡng phong trào đọc sách trong nhân dân.
Mỗi triều đại đều có những khoảng thời gian phát triển khác nhau, khi trị, khi bình, khi tập trung cho công cuộc kháng chiến, khi tập trung cho sự nghiệp kiến quốc. Việc học, việc đọc phụ thuộc vào những hoàn cảnh ấy. Thời nhà Lê Trung hưng là một ví dụ điển hình cho các triều đại phong kiến. Nhà nước có đến 3 lần xuống chiếu sưu tầm sách vở. Đích thân nhà vua đứng ra thành lập Hội Tao đàn để cổ súy cho việc sáng tác và đọc sách. Sách được làm ra nhiều gấp bội. Thư viện cũng mọc lên theo. Việc học của các sĩ tử nhộn nhịp, mỗi khoa thi có hàng ngàn thí sinh tham dự. Đọc sách để đi học, đi thi. Khi mà việc đọc có mục đích thì tự nó trở thành phong trào của xã hội.
Nhớ lại những năm 60 của thế kỷ trước, khi mà cả miền Bắc sôi nổi kiến thiết xã hội chủ nghĩa, đọc sách vừa là một sinh hoạt văn hóa mới, vừa là cứu cánh để xóa nạn giặc dốt, nâng cao dân trí, đưa khoa học kỹ thuật đến với cuộc sống của người lao động. Khẩu hiệu tôn vinh đọc sách viết khắp nơi. Liên tục có các cuộc thi đọc sách, các cuộc vận động đọc với rất nhiều chủ đề, nhiều tác phẩm, nhiều hình thức. Những tác phẩm Từ tuyến đầu tổ quốc, Ruồi trâu, Thép đã tôi thế đấy, Người mẹ, Sống như anh…, rồi sách phục vụ sản xuất nông nghiệp, sách bèo dâu, sách nuôi lợn… được phát động đọc trên phạm vi cả nước. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, việc quảng cáo, giới thiệu sách nhiều hơn giới thiệu các trò chơi, các hình thức chăm lo đến thẩm mỹ hình thể con người. Thời ấy, ít truyện tranh ục uỵch, ít chuyện tào lao thư giãn hơn bây giờ.
Đọc sách là hoạt động có nhận thức, có chủ định của con người. Điều kiện để việc đọc sách vở truyền thống được thực hành là người có cơ thể, có thần kinh bình thường, biết đọc, có nhu cầu đọc. Hoạt động đọc là hoạt động nhận thức, từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng. Người đọc dùng giác quan nhận biết các ký tự chuyển về não bộ để trung tâm thần kinh xử lý. Sau này, đến thời đọc sách báo điện tử, cùng với điều kiện là có máy móc và công nghệ, có điện thì thao tác đọc cũng không khác việc đọc sách truyền thống.
Tuy nhiên, ngày xưa các cụ ta nói chuyện đọc sách bao giờ cũng với thái độ trân trọng và tự nguyện. Ít có chuyện phải giục giã, đôn đốc như bây giờ. Môi trường học tập và đọc sách cũng trong sáng hơn. Phải công nhận rằng trước khi công nghệ viễn thông và internet xuất hiện, con người có ít ham mê, ít nhu cầu, ít bị stress hơn bây giờ. Chẳng nói xa, những năm 70, 80 của thế kỷ qua, có người còn đạp xe hàng chục km đến thư viện để mượn sách, hoặc đến đọc sách mà buổi trưa chỉ có một chiếc bánh mì lót dạ để tranh thủ buổi chiều đọc tiếp. Không thấy ai phải kích hoạt văn hóa đọc mà các thư viện vẫn đông chật người. Nhiều thư viện công cộng mở cửa 3 buổi mà vẫn đông bạn đọc. Thư viện trường đại học chật cứng sinh viên đến học và đọc vào các buổi tối. Bây giờ hết ngày hội sách này lại đến ngày tôn vinh văn hóa đọc, tổ chức thì hoành tráng và tốn kém nhưng phải mời học sinh, sinh viên các trường đến dự cho đông. Khai mạc xong hết ngày cũng coi như là hết chuyện, ngày mai lại thấy văn hóa đọc xuống cấp như trước ngày tôn vinh nó.
Người ta lý giải cho thời bây giờ xã hội hiện đại làm cho con người phải quay đến chóng mặt, phải bận bịu, lo lắng hơn nên ít có thời gian thư lắng để đọc sách. Lại có ý kiến cho rằng thời đại thông tin bùng nổ, đọc sách cũng không còn giống như xưa. Ta chỉ cần tìm đọc những gì cần thiết cho cuộc sống, cho công việc, đọc nhanh, đọc chính xác thông tin cần tìm, mà chẳng cứ đọc trên sách truyền thống, cứ đâu đáp ứng được thông tin cần tìm là sử dụng thôi. Trước đây, người đến thư viện được gọi là người đọc, là bạn đọc (độc giả) nay được đổi thành người dùng tin hết. Kho sách báo của các thư viện cũng được đổi thành các nguồn lực thông tin… Các nhà mạng học đã có thành tích vĩ đại làm thay đổi các khái niệm văn hóa truyền thống, lại còn vĩ đại hơn là sáng tạo nhiều trò chơi thu hút cánh thanh niên và thiếu niên. Rồi nữa, trên các phương tiện thông tin đại chúng bây giờ cũng có khá nhiều sân chơi hút bạn trẻ tham gia sớm hôm. Người trẻ tuổi chưa biết tự đề kháng, tự lựa chọn cách giải trí cho mình nên chỉ cần thử vài lần là lao vào như bị nam châm hút. Người lớn cũng có những quan niệm trái chiều trong việc tạo sân chơi cho lớp trẻ. Một số người quản lý khi được nghe phàn nàn về nhiều trò chơi trên mạng thì thản nhiên cho rằng cũng như văn hóa hon đa những cuối năm 70, ai biết đi thì không sao, ai không biết đi thì hoặc chết, hoặc bị thương, ai muốn đi phải tự học. Một số thày cô giáo dạy học nhưng quên không dạy hoặc quên chưa làm gương đọc sách cho các trò noi theo.
Nếu ngày xưa, “vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao” thì bây giờ, đọc sách chỉ còn là một trong rất nhiều nhu cầu của con người. Nếu đem tháp nghiên cứu tâm lý của ông Maslaw ngày xưa ra mà phân tích thì nhu cầu về sách báo hoặc nhu cầu học tập qua sách báo chỉ còn rất bé, lọt thỏm giữa vô số nhu cầu giải trí khác, lại càng lọt thỏm giữa muôn trùng các hình thức, các phương tiện giải trí mà xã hội đang có, đang vận hành, đang tìm mọi cách thu hút khách hàng.
Rõ ràng thư tịch điện tử có sức hấp dẫn lạ thường. Từ khi có internet, việc đọc trên mạng ở nước ta bùng nổ. Theo công bố của Google Ad Planned, tháng 5-2010, lượng người dùng internet của Việt Nam tăng lên 28 triệu và lượt xem là 14 tỷ. Con số này, thời thư tịch truyền thống mơ mấy cũng khó đạt được. Thế nhưng, ở đâu đó, người ta vẫn lo lắng rằng việc đọc thời nay bị sút giảm nhiều, rằng bây giờ văn hóa đọc bị lấn át. Đúng là mong muốn số người đọc sách nhiều là tốt nhưng khái niệm đọc, hình thức đọc, nhu cầu đọc… đã thay đổi, cần bình tĩnh xem lại.
Có một nhà khoa học đưa ra 6 kỹ năng cần có của con người sống trong thời đại kinh tế tri thức: năng lực tiếp thu kiến thức, năng lực tiếp thu và xử lý thông tin, tư duy và năng lực diễn đạt tư duy, năng lực đổi mới, năng lực tổ chức quản lý, năng lực hoạt động xã hội (1).
Cả 6 kỹ năng đòi hỏi con người phải học tập không ngừng nghỉ, không chỉ học trên trường lớp mà phải tự học, tự tích lũy thông qua quá trình quan sát thực tế, quá trình đọc. Và cũng xin nói thêm cả 6 kỹ năng đó đều có trong sách vở thư tịch từ xưa đến nay, chỉ cần biết tìm đọc, biết chắt lọc và xử lý là có.
Như thế, xây dựng thói quen đọc, để trên cái nền đó có cái mà bây giờ hay nói là văn hóa đọc, phải được coi là công việc suốt đời của mỗi con người và cả xã hội. Vì vậy, rất cần thiết: Chấn chỉnh lại công tác xuất bản, coi xuất bản là nền tảng của công tác văn hóa, đặt xuất bản trong mối quan hệ với xây dựng phong trào đọc, thói quen đọc. Trước đây, xuất bản, phát hành, thư viện là anh em cùng nhà, làm gì cũng nhanh cũng dễ. Bây giờ xuất bản và thư viện là hai người láng giềng cùng mục đích nhưng làm gì cũng phải có quy trình, thủ tục và chờ đợi các chủ quản cho ý kiến. Nhưng việc cần làm hơn là mục đích của xuất bản là đưa ra cho xã hội những cuốn sách tốt, sách phù hợp với sự hình thành nhân cách văn hóa của người đọc. Không nên cứ luộc đi, luộc lại như hiện nay, không nên đưa ra sách lạ mà ít phù hợp với người quê mình. Những truyện tranh cần biên tập cho kỹ để trẻ đọc xong biết nói câu có đủ chủ ngữ, vị ngữ, để khơi lên trong lòng các em những hứng thú mới nhân văn hơn. 27.000 đầu sách với 294 triệu bản một năm xuất bản so với 85 triệu dân kể cũng là nhiều. Bình quân người dân nam, phụ, lão, ấu có số lượng mỗi người 3 bản sách mới/năm là nhiều nhưng vì sách không tin nên vẫn thừa sách thiếu người đọc.
Việc đọc bao giờ cũng đi sau và bắt nguồn từ việc học. Như thế vai trò của nhà trường, của các thày cô giáo là người khơi nguồn, hướng dẫn và định hướng cho các em. Thày cô giáo trước hết cần làm cho các trò của mình yêu sách, thích đọc sách. Công việc ấy không phải thuyết giảng là được. Phải bắt nguồn từ các bài giảng, các hành vi của thày cô. Phải song hành cùng với truyền thu kiến thức giáo khoa là khuyến khích trò mở rộng kiến thức, phải có các hình thức sư phạm để học trò tìm đến sách làm phong phú bài học tiết giảng của mình. Bên cạnh các thày cô giáo là các thư viện với các cô thủ thư dễ gần, dễ mến. Các em đến tìm mượn sách, đọc sách không bị áp lực nào chi phối. Bên cạnh thày cô giáo còn cần có các bậc phụ huynh nữa. Cha mẹ trước hết phải là tấm gương cho con. Mỗi tối trước khi đưa trẻ vào giấc mơ đẹp, bố, mẹ, anh chị nên đọc cho các em một câu chuyện. Buổi tối nhà có trẻ, nên hạn chế xem ti vi, không chơi điện tử… Đành rằng có trọng kỹ thuật thì sự phát triển mới có cơ hội, nhưng quá trọng kỹ mà quên trọng văn thì con người sẽ mất hết nền nếp đẹp, tính nhân văn sẽ bị phôi pha. Phải dày công mới có một thói quen đẹp.
Đọc sách là công việc của người dân nhưng cũng là của cả xã hội. Chính vì thế mà xã hội đã phải tổ chức hẳn một cơ quan để chăm lo việc đọc sách. Đó là hệ thống thư viện từ trung ương đến địa phương. Hàng năm, nhà nước dành không biết bao nhiêu tiền của để xây trụ sở, sắm thiết bị, mua sách, trả lương cho người làm, trả tiền tổ chức các hoạt động để guồng máy thư viện vận hành đều đều, phục vụ không thu tiền của người dân. Vậy mà vẫn chưa có nhiều người đến đọc, vẫn còn nhiều người phàn nàn rằng nên thế này, thế nọ. Tất nhiên, các thư viện cũng cần trăn trở về tình hình ít người đọc, về những phàn nàn ấy để tổ chức các hoạt động tốt hơn. Trước đây, các thư viện thường xuyên phối hợp với các ngành liên quan tổ chức nhiều cuộc thi, cuộc vận động đọc. Lâu nay, ít có các cuộc thi đọc sách trong toàn quốc, ít có những cuốn sách hay để thi đọc. Chức năng của các thư viện là tổ chức việc chứa sách và việc đọc sách. Hai công việc này luôn song hành, nhưng cái cần coi trọng và phải làm thường xuyên, thể hiện tính ưu việt là tổ chức việc đọc để làm cho nó thành thói quen của mọi người dân, nhất là cho lớp trẻ. Các thư viện cần coi hướng đến người đọc là mục tiêu chính, tổ chức kỹ thuật thư viện là phương pháp để phục vụ mục tiêu đó. Lâu nay, các thư viện của chúng ta dành nhiều tiền của và công sức làm cái phương pháp mà chưa thật ưu tiên làm cái mục tiêu. Nhà rất to, thiết bị rất hiện đại, chỉ phải người đến chưa đông, đọc sách chưa thành phong trào rộng lớn của xã hội. Thế là chọn hướng ưu tiên chưa trúng. Cần tái xác định các hướng ưu tiên trong hoạt động, trong đầu tư kinh phí và trong tổ chức chỉ đạo.
Thư viện và đọc sách tại các thư viện là đỉnh cao của phong trào đọc trong xã hội. Phải xây vững nền móng là phong trào đọc mới có cơ sở để xây thư viện to, mua nhiều sách, nhiều máy vi tính. Phong trào đọc rộng, sâu không chỉ là các cuộc hội họp đông người dự mà nó được thể hiện ở kết quả học tập, ở cách hành xử văn hóa hàng ngày, ở các tụ điểm vui chơi ít hiện tượng trẻ em ham mê quá độ…

_______________
                1. Thế Trường, Hành trang kinh tế tri thức, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2005.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 336, tháng 6-2012

Tác giả : Phạm Hồng Toàn

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *