Sản phẩm văn hóa trong du lịch sinh thái ở trung bộ


Trong xu thế hội nhập, ngành du lịch Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, và sự cạnh tranh của các quốc gia ở khu vực và trên thế giới. Việc lựa chọn ra được phương hướng phát triển phù hợp với tiềm năng về tài nguyên du lịch, để tạo ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao là hết sức cần thiết và cấp bách. Đặc biệt là phát triển các loại hình du lịch thân thiện với môi trường luôn được sự quan tâm không chỉ của những nhà hoạch định mà cả đối với khách du lịch. Vì vậy, trong vài năm gần đây loại hình du lịch sinh thái luôn được du khách lựa chọn trong chuyến hành trình khám phá những vùng đất mới.

1. Đôi điều nhận thức về du lịch sinh thái

Du lịch sinh thái được hiểu là loại hình du lịch với mục đích hưởng thụ và nhận thức di sản thiên nhiên đặt trong mối quan hệ với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Trong nhận thức ban đầu, du lịch sinh thái đã chứa đựng các yếu tố văn hóa với tư cách là khách thể mang hàm ý đóng góp cho những nỗ lực bảo tồn và phát triển cộng đồng. Cùng với thời gian, quan niệm về du lịch sinh thái không dừng lại ở một đối tượng cụ thể là thiên nhiên mà còn là văn hóa. Tại Hội thảo du lịch của Hiệp hội du lịch Canada năm 2003, nhiều ý kiến đã đặc biệt nhấn mạnh khía cạnh văn hóa chứa đựng trong du lịch sinh thái, đó là khám phá những vùng đất tự nhiên, vừa bảo tồn tính nguyên trạng của tài nguyên, vừa tăng thêm sự hiểu biết thông qua những phát hiện mới và sự giáo dục ý nghĩa của tự nhiên, văn hóa. Nó hướng cho con người biết tôn trọng môi trường, mang lại những hoạt động thương mại bền vững, tạo ra nhiều lợi ích kinh tế, xã hội cho cộng đồng, thừa nhận và tôn trọng các giá trị văn hóa, tín ngưỡng và truyền thống bản địa.

Với cách nhận thức như vậy, du lịch sinh thái đã bao gồm cả không gian chứa đựng những di sản tự nhiên và văn hóa. Và trong suốt thời gian diễn ra hoạt động du lịch chủ thể đã hòa nhập với khách thể để cùng tồn tại trong một thể thống nhất. Tức là trong hoạt động du lịch sinh thái, người tham gia du lịch không coi đó là hoạt động thưởng ngoạn, tham quan thông thường, mà coi đó là môi trường sống để hòa nhập, trải nghiệm.

Dựa vào những giá trị hấp dẫn của thiên nhiên, chủ thể sẽ quyết định hoạt động du lịch sinh thái phù hợp với mục đích của mình. Qua thời gian tham gia hoạt động trong môi trường sinh thái hoang dã, chủ thể được trải nghiệm, có những nhận thức mới về thiên nhiên, mặt khác họ hiểu sâu sắc hơn giá trị nhân văn của cộng đồng bản địa. Sản phẩm họ thu được có ý nghĩa văn hóa hơn là vật chất. Bởi thông qua những hoạt động du lịch, họ đã tích lũy được những kinh nghiệm, sự hiểu biết để làm phong phú hơn kiến thức sống của bản thân.

Trong môi trường sinh thái nhân văn, khi chủ thể muốn tìm hiểu văn hóa của quốc gia khác thông qua việc tham quan, thưởng ngoạn, thì kiến thức họ thu được chỉ là nhất thời trước những giá trị mà họ quan sát được trong thời gian hoạt động du lịch. Nhưng nếu chủ thể trược tiếp tham gia vào các hoạt động, hòa nhập vào điều kiện sống mới để cảm nhận sự thay đổi, được trải nghiệm, từ đó sẽ trân trọng những giá trị cuộc sống hơn.

2. Tài nguyên du lịch sinh thái ở Trung Bộ

Ở Việt Nam, du lịch sinh thái là loại hình còn mới mẻ, chưa được khai thác nhiều. Tuy nhiên, ngay trong giai đoạn mới mẻ này đã xuất hiện những nhận thức sai lệch về du lịch sinh thái, coi đó như là loại hình dành riêng cho thưởng ngoạn tự nhiên không liên quan đến cộng đồng và thờ ơ với sự trải nghiệm của người du lịch. Vì vậy khi đánh giá tài nguyên du lịch sinh thái trước hết phải xem xét nó trong sự gắn kết các giá trị tự nhiên và nhân văn.

Khi đánh giá tài nguyên du lịch sinh thái Trung Bộ, bên cạnh phương thức đánh giá tổng hợp đặc điểm tự nhiên, cần có những đánh giá riêng về thẩm mỹ, sinh học, kỹ thuật, các giá trị xã hội. Từ các chuẩn đánh giá, có thể nhận diện tài nguyên du lịch sinh thái Trung Bộ trong các nhóm:

Nhóm tài nguyên du lịch mạo hiểm chủ yếu là hệ sinh thái núi đá, địa hình karst, điển hình là khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng, hệ thống núi đá ở Tây Bắc, dọc theo phía tây một số tỉnh bắc Trung Bộ và Đà Nẵng.

Nhóm tài nguyên đa dạng sinh học với hệ núi đất, thảm thực vật rừng và động vật hoang dã chứa đựng trong các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên. Đặc biệt, do hình thế địa lý của Việt Nam là trải dài theo hướng bắc – nam đã tạo nên sự phong phú, đa dạng sinh thái phân bố khá đều trên địa hình cả nước. Trong đó, vùng trung du và miền núi phía bắc có 5 vườn quốc gia, đồng bằng Bắc Bộ có 4, Bắc Trung Bộ có 5, Nam Trung Bộ có 2, Tây Nguyên có 5, Đông Nam Bộ 4 và Tây Nam Bộ có 5 vườn quốc gia. Đó là chưa kể hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên và rừng đặc dụng khắp cả nước. Trung Bộ được đánh giá là khu vực có tài nguyên du lịch hết sức quý giá, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí và nhu cầu du lịch sinh thái nội địa và quốc tế. Một số khu sinh thái như; Phong Nha – Kẻ Bàng, Bạch Mã, Vụ Quang… đã trở thành những điểm du lịch có thương hiệu, mang lại đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương.

Nhóm tài nguyên cảnh quan bao gồm hệ thống hỗn hợp các cảnh quan đồi núi, sông hồ, cù lao và đảo biển. Dạng tài nguyên này có ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam.

Nhóm tài nguyên sinh thái nhân văn bản địa bao gồm những khu vực văn hóa điển hình của các cộng đồng như đô thị cổ, làng cổ, làng nghề… Nhóm này hội tụ các di sản đặc trưng của Trung Bộ ở cố đô Huế, phố cổ Hội An, hay những làng cổ rải rác trong cộng đồng còn bảo tồn nhiều yếu tố Việt – Mường ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, văn hóa Chứt và Bru – Vân Kiều, hệ thống di sản văn hóa Chăm…

3. Những loại hình và sản phẩm văn hóa trong du lịch sinh thái ở Việt Nam

Nói đến loại hình và sản phẩm văn hóa trong du lịch là đề cập tới hiệu quả mà nó mang lại cho chủ thể khi tham gia hoạt động du lịch. Vì thế, sản phẩm văn hóa có thể là hữu hình, như việc chinh phục các đối tượng tự nhiên, nhận biết và thực nghiệm thành công một loại hình sinh hoạt cộng đồng… Bên cạnh đó, cũng có những sản phẩm vô hình như hiệu quả tâm lý, sự thử thách và cảm nhận… Do vậy một loại hình du lịch sinh thái có thể chứa đựng nhiều sản phẩm văn hóa khác nhau.

Loại sản phẩm thứ nhất là loại hình mang lại cảm xúc và phản ứng thẩm mỹ trước đối tượng. Ở nước ta, loại hình này đã được khai thác trong những tour du lịch gắn liền với tên gọi về nguồn như: tour Raid Gauloise tổ chức năm 2002 với sự tham gia của 600 vận động viên quốc tế thực hiện chuyến đi dọc biên giới phía bắc từ Lào Cai đến Hạ Long, Acction Asian năm 2003 chinh phục thung lũng Mai Châu bằng xe đạp, Saffron Road VietNam 2004 tổ chức hành trình xuyên Việt cho 19 khách nước ngoài… Tuy nhiên, trong những năm qua Việt Nam chưa khai thác tốt loại hình và sản phẩm du lịch này, dù rằng chúng ta được đánh giá có nhiều điều kiện thuận lợi về tài nguyên và giá trị văn hóa để phát triển.

Loại sản phẩm thứ hai, khai thác từ loại hình du lịch mạo hiểm để trải nghiệm trước sự hùng vĩ và kỳ thú của thiên nhiên. Đây là loại sản phẩm du lịch mới và trong giai đoạn thử nghiệm, đòi hỏi đầu tư nghiên cứu công phu và tổ chức chặt chẽ. Những năm gần đây, một số địa phương ở nước ta đã tổ chức thành công loại hình du lịch này như: chinh phục vách núi hòn Phụ Pử (Hà Tiên), hang Dơi (Phan Thiết), vực tử thần Đa Tan La (Đà Lạt), các vách đá ở vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình)… Tại Trung Bộ, khu vực di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng được coi là có nguồn tài nguyên độc đáo cho phát triển loại hình du lịch mạo hiểm. Với hệ thống hang động ngầm dài hàng chục km, sông ngầm xuyên qua nhiều địa hình hiểm trở và hình thế cheo leo của địa hình karst hứa hẹn sẽ đem đến cho du khách những trải nghiệm lý thú trong hành trình trinh phục thiên nhiên. Ngoài Phong Nha – Kẻ Bàng, Việt Nam còn nhiều danh thắng có thể khai thác loại hình và sản phẩm du lịch mạo hiểm như: chinh phục độ cao ở Hoàng Liên Sơn, thác ghềnh ở Tây Bắc, Tây Nguyên, leo vách núi ở vịnh Hạ Long…

Loại sản phẩm thứ ba là sản phẩm văn hóa thu được thông qua hình thức du lịch cộng đồng. Du lịch cộng đồng đã phát triển sớm trên thế giới với nhiều tên gọi khác nhau như du lịch bản xứ, du lịch nhà tranh… Trong vài năm gần đây, loại hình du lịch này ở Việt Nam cũng rất phát triển trên cơ sở khai thác các yếu tố văn hóa của cộng đồng. Môi trường sinh thái nhân văn trong du lịch cộng đồng rất đa dạng và phong phú. Đó có thể là khuôn viên hoạt động của vương triều phong kiến cũ mà họ thâm nhập vào trong vai trò là một thần dân, hay cảng thị cổ mà người du lịch cảm nhận cái không khí giao thương cổ điển, tại làng nghề truyền thống để thử nghiệm kỹ năng của bản thân. Khu vực Trung Bộ có nhiều lợi thế trong phát triển du lịch cộng đồng, bởi lẽ nơi đây là một trong số rất ít địa bàn còn bảo tồn nhiều nét văn hóa cổ gắn với lịch sử của cộng đồng các tộc người. Điển hình nhất cho loại hình du lịch cộng đồng ở khu vực Trung Bộ là Hội An. Dựa trên thế mạnh về lịch sử, văn hóa, Hội An đã trở thành điểm du lịch cộng đồng được nhiều du khách nước ngoài tìm đến để tham gia vào những tour du lịch hấp dẫn cùng với người dân bản địa.

Loại sản phẩm thứ tư là du lịch sinh thái tìm hiểu văn hóa tộc người. Trên thế giới, loại hình và sản phẩm du lịch này đã có từ lâu và thu hút khá sự quan tâm của du khách, đặc biệt là khu vực các nước Nam Mỹ. Ở Việt Nam, loại hình du lịch tìm hiểu văn hóa tộc người chủ yếu phát triển ở các khu vực Tây Bắc, Việt Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên nơi sinh sống của nhiều tộc người với những nét văn hóa cổ còn được bảo tồn, lưu giữ tại các bản làng. Thông tin về một cộng đồng tộc người với những sắc thái độc đáo có thể khai thác, tìm hiểu trên nhiều phương tiện truyền thông và khoa học hiện nay. Thế nhưng nếu chỉ tìm hiểu thông qua những phương thức như vậy thì sẽ không cảm nhận hết được nét độc đáo riêng có của các tộc người. Sức hấp dẫn của loại hình du lịch này chính là được trải nghiệm và thử nghiệm với vai trò là chủ thể trực tiếp tham gia trong môi trường sống của các tộc người thì mới cảm nhận hết được sự nét đẹp độc đáo của nó.

4. Để tiềm năng biến thành hiện thực

Có nhiều vấn đề đặt ra cho du lịch Trung Bộ để biến tiềm năng thành hiện thực như: đầu tư, cơ chế chính sách, quy hoạch, công tác quản lý, tiếp thị quảng cáo, đào tạo nguồn nhân lực… Bên cạnh đó cũng cần phải chú trọng đến công tác nghiên cứu và điều tra đánh giá tiềm năng. Điểm lại các công trình nghiên cứu về du lịch Việt Nam, chúng ta có thể bắt gặp các công trình như: Khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường du lịch Việt Nam, Sơ đồ phát triển và phân bố ngành du lịch Việt Nam, Kế hoạch chỉ đạo phát triển du lịch Việt Nam, Tổ chức lãnh thổ du lịch Việt Nam của Vũ Tuấn Cảnh; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam của Tổng cục Du lịch; Nghiên cứu tuyến du lịch mạo hiểm Phong Nha – Kẻ Bàng của Trương Quang Hải; Địa lý du lịch của Nguyễn Minh Tuệ; Đặc trư­ng các hệ sinh thái, cơ sở của phát triển du lịch sinh thái Việt Nam của Nguyễn Ngọc Khánh…

Điểm qua một số công trình như vậy để thấy việc nghiên cứu tài nguyên và phương thức khai thác yếu tố văn hóa trong du lịch sinh thái ở nước ta hiện nay còn rất mỏng và chưa được quan tâm thích đáng. Hàng năm, mỗi tỉnh, thành phố đều lập quy hoạch du lịch, nhưng liệu không có những đề tài điều tra nghiêm túc thì làm sao có luận cứ cho việc xác lập quy hoạch. Vậy nên, tổ chức việc nghiên cứu đánh giá tiềm năng theo các chuẩn khoa học là việc không nên chậm trễ.

Như vậy, để xây dựng phát triển các sản phẩm và loại hình du lịch sinh thái ở Trung Bộ trên cơ sở nguồn tài nguyên phong phú, cần phải hoạch định và đề ra được một hệ thống giải pháp đồng bộ, nhằm thúc đẩy và quản lý tốt mọi hoạt động. Hơn nữa, việc xây dựng và phát triển du lịch sinh thái, không phải là vấn đề riêng của các cấp lãnh đạo, mà cần phải có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Có như vậy, du lịch Trung Bộ mới phát triển và khẳng định được vị trí trong bản đồ du lịch của Việt Nam.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 345, tháng 3-2013

Tác giả : Nguyễn Khắc Thái – Thái Thu Hoài

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *