Các ngành nghệ thuật từ hội họa, sân khấu, điện ảnh… đều đề cao tính sáng tạo, trong khi phần lớn các sáng tạo đều hướng tới cộng đồng và được số đông chấp nhận thì cá biệt có những thể nghiệm, sự sạng tạo mang tính dị biệt, thỏa mãn cái tôi tác giả, hướng đến số ít công chúng hay các nhà nghiên cứu.
Một góc xóm trọ nghèo trong phim Vị
Trong sáng tạo có tác phẩm thiên về chủ đề, nội dung có cái lại thiên về hình thức, ngôn ngữ thể hiện. Mới đây, bộ phim Vị – một tác phẩm của đạo diễn trẻ Lê Bảo cũng dấy lên nhiều băn khoăn, tranh luận. Ðứng ở góc độ tác giả, đây là một đạo diễn trẻ giầu nhiệt huyết, theo đuổi dòng phim độc lập với nhiều sáng tạo, tìm tòi, thể nghiệm ngôn ngữ nghệ thuật điện ảnh.
Về mặt tác phẩm, ngay từ khi còn là dự án tác giả đã mang Vị tham gia các Liên hoan Phim, các trại sáng tác… để cọ sát, tranh tài. Dự án cũng nhận được đánh giá cao và từng nhận giải “Dự án triển vọng nhất” trong lễ trao giải Màn Bạc (Silver Screen Awards) tại Singapore. Quá trình làm, phim cũng nhận được sự hợp tác của các nghệ sĩ đến từ Singapore, Pháp, Thái Lan, Ðức và Ðài Loan (TQ). Vị đã giành được giải đặc biệt của Ban giám khảo hạng mục Encounters (Những cuộc gặp gỡ – một hạng mục nhằm thúc đẩy nhà làm phim độc lập sáng tạo về cấu trúc, thẩm mỹ, áp dụng những quan điểm mới trong điện ảnh) tại Liên hoan phim Berlin lần thứ 71 tổ chức tại Đức – 2021.
Mang trong mình những ý niệm, sáng tạo Vị mạnh về ngôn ngữ hình ảnh khi phim rất kiệm lời thoại. Cuộc đời cầu thủ da mầu người Nigeria chỉ phác họa qua một vài tâm sự. Các nhân vật nữ cũng chỉ hé lộ thân phận qua một vài câu kể, tâm sự rời rạc. Phần lớn nội dung phim là hình ảnh lên tiếng và các khung hình, các chi tiết, trường đoạn của Vị đã làm rất tốt điều đó.
Dù không dùng nhiều đến ngôn ngữ lời thoại nhưng câu chuyện phim kể về một cầu thủ người Nigeria đến Việt Nam tìm cơ hội trong một đội bóng. Vì chấn thương, cầu thủ đã bị loại và phải mưu sinh tại một tiệm cắt tóc trong một xóm trọ nghèo. Bốn người phụ nữ trung niên, mỗi người một thân phận. Người có chồng bỏ đi biệt tích. Người con mất… Bốn người phụ nữ có số phận, cuộc đời bất hạnh cùng cựu cầu thủ thất nghiệp nương tựa vào nhau trong một góc nhà hoang. Và từ đây, ý đồ nghệ thuật của tác giả bắt đầu.
Nhiều trường đoạn mô tả cảnh sinh hoạt, cuộc sống với tiết tấu chậm rãi. Cảnh tắm chung, cảnh bốn người phụ nữ khỏa thân để anh chàng cầu thủ sấy tóc sau khi gội, cảnh xoa bóp, bấm huyệt, cảnh làm tình, chuẩn bị thực phẩm, nấu nướng, ăn uống, ca hát thậm chí ghen tuông… đều diễn ra trong tình trạng khỏa thân. Bốn phụ nữ trung niên và một cựu cầu thủ trẻ họ sống vừa nương tựa vừa xoa dịu nỗi đau cho nhau trong tình cảnh không một mảnh vải che thân.
Trên thế giới có khá nhiều bộ phim làm về khu ổ chuột, những cuộc sống dưới đáy, khốn cùng của những con người bất hạnh. Cùng ý niệm chủ đề đó, Vị thành công khi các nhân vật cũng chỉ là những phác họa nhạt nhòa. Họ có thể là bất kỳ ai đó ngoài kia mà không cần định rõ thân phận. Cái chung gắn kết họ là cái nghèo, sự bất hạnh, cô đơn… Và nỗi khổ chung thậm chí còn không phân biệt mầu da, quốc tịch khi anh chàng cầu thủ người Nigeria bỏ quê hương nghèo đói sang Việt Nam tìm cơ hội cũng gia nhập vào số những người bất hạnh đó. Một vài chi tiết được cài cắm như hai trong bốn phụ nữ sống chung làm tại xưởng may khinh khí cầu. Quả khinh khí cầu như biểu trưng cho một tầng lớp khác, một cuộc sống khác, một tâm thế khác lơ lửng ở đâu đó trên cao mà những con người ở dưới đáy tuy góp phần làm ra nó nhưng không bao giờ chạm tới được.
Phim cũng chọn một cái kết mở khi tương lai của chàng cầu thủ da mầu cũng như bốn phụ nữ vẫn là bài toán mông lung, mơ hồ nhưng cái cách đạo diễn sử dụng, lạm dụng các cảnh khỏa thân trực diện với liều lượng lớn, các trường đoạn dài làm cho bộ phim không thể tới được với số đông công chúng.
Việc bốn phụ nữ trung niên và một cầu thủ da mầu ăn ở chung trong tình trạng khỏa thân dù là dụng ý nghệ thuật của tác giả thì ít nhiều đều mang lại sự phản cảm khi dùng nhịp điệu, thời lượng của cảnh khá lâu, dềnh dàng và trực diện. Ngay cả ý tưởng (nếu có) để các nhân vật trút bỏ quần áo như trút bỏ những vướng bận, sướng khổ, buồn đau của kiếp người mắc lên họ mà trở về với cái nguyên thủy, với hình hài khi vừa lọt lòng cũng không rõ nghĩa. Xem phim, cảm giác như tác giả lúng túng, không tìm được lối thoát, lời giải cho chính vấn đề mà mình đề cập, đặt ra và mô tả trong bộ phim. Chi tiết chàng cầu thủ da mầu ôm chiếc cột bê tông cảm ơn Chúa đã cho anh hình hài, cảm ơn đã giúp anh thoát khỏi cuộc sống khổ cực nơi quê nhà và cảm ơn Chúa đã mang tới cho anh hy vọng ở mảnh đất mới là câu hỏi khó có lời giải. Bởi cuộc sống khốn cùng của anh và bốn phụ nữ trung niên chưa hé mở bất cứ điều gì cho sự tươi đẹp mà anh đã cảm ơn.
Nếu để khắc họa cái nghèo, cái cùng cực không lối thoát thì về phần hình ảnh Vị đã làm khá tốt khi “so sánh” cái lỗ chuột, vòng phấn với hình ảnh con chuột lấp ló bên trong với cuộc sống không tương lai, không hy vọng của những nhân vật trong phim. Miếng mồi nhử hay tương lai phía trước cũng khá mơ hồ khi họ không dám bước qua hoàn cảnh, rào cản của chính mình như con chuột không dám vượt ra ngoài lỗ nhỏ để với tới miếng mồi.
Với Vị, đây có thể là một thử nghiệm nghệ thuật độc đáo của tác giả, của đạo diễn Lê Bảo. Và giải thưởng quốc tế nếu ghi nhận cho ngôn ngữ biểu đạt, cấu trúc, hình ảnh của bộ phim thì cũng dễ hiểu. Tuy nhiên, với sáng tạo khá “lạ”, mang nhiều tính chiêm nghiệm, thậm chí dị biệt và sự lạm dụng quá nhiều các cảnh, các sinh hoạt trong tình trạng khỏa thân nhằm mô tả cho ý đồ nghệ thuật đã khiến phim sa vào khó hiểu, đặc biệt là với cách hiểu, cách cảm thông thường mà một bộ phim mang lại cho số đông công chúng. Với những khác biệt ấy, Vị khó có thể đến với đông đảo công chúng và được chấp nhận.
Cuối cùng, Vị đã bị Cục Điện ảnh ra Quyết định cấm phổ biến trên toàn bộ hệ thống rạp chiếu tại Việt Nam. Chia sẻ với báo chí, Ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Ðiện ảnh cho biết: “Tôi quý mến tài năng, khao khát tìm tòi nghệ thuật của đạo diễn Lê Bảo, nhà sản xuất Ðồng Thảo. Nội dung phim truyền tải bức bối của người lao động, không có gì đáng phê phán, nhưng cảnh nude quá dài, không phù hợp văn hóa Việt”. Quyết định cấm phim không gây bất ngờ bởi những ý tưởng, những sáng tạo của đạo diễn và êkip quá khác lạ so với văn hóa truyền thống của Á đông và của Việt Nam. Ðây cũng là câu chuyện không mới và không lạ trong sáng tạo nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng bởi có những thời điểm, những sáng tạo chưa thực sự phù hợp với thẩm mỹ, sự thưởng thức, giải trí của số đông khán giả. Trên con đường sáng tạo, các nghệ sĩ vẫn luôn phải tranh đấu giữa nghệ thuật phục vụ công chúng hay nghệ thuật là những thử nghiệm mang đậm dấu ấn cá nhân. Chính ranh giới đó góp phần làm nên sự kỳ diệu và mong manh của sáng tạo.
TÔN QUẾ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 472, tháng 8-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Sự trở lại của các Bond Girl
Giá trị phù điêu đất nung tại điện Ngưng Hy
Tom Hardy: Chiến thắng chính mình