Số hóa các vở diễn là xu hướng đúng


Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VHTTDL đề ra kế hoạch đặt hàng các nhà hát để đưa chương trình nghệ thuật lên YouTube đã được hơn một năm. Nhìn lại tình hình thực tế, giới chuyên môn đánh giá số hóa các vở diễn là xu hướng đúng.

Chuỗi chương trình Giữ lửa đam mê của Nhà hát Chèo Việt Nam biểu diễn trực tuyến

đã giành được tình cảm yêu mến của khán giả

Việc số hóa các vở diễn sân khấu với các nhà nghiên cứu là một mơ ước từ rất lâu, từ khi những vở diễn là các tác phẩm chỉ tồn tại trong đúng không gian, thời gian diễn ra, gây khó khăn rất lớn cho công tác nghiên cứu. Trước đây, từng có thời kỳ ở các thể loại kịch hát truyền thống như Tuồng, Chèo cổ, các nhà làm sân khấu cũng đã cố gắng để ghi chép lại những tác phẩm cổ từ những nghệ nhân còn sống. Thời kỳ đó, Ban nghiên cứu đã mời các nghệ nhân Tuồng, Chèo về để ghi lại quá trình rèn luyện nghề, kinh nghiệm nghề… Rất tiếc là phương tiện ghi âm, ghi hình ngày đó quá thiếu thốn, nên chỉ còn những văn bản ghi chép, những trang hồi ký của các nghệ nhân, nhưng đó thực sự là những tài liệu quý giá, giúp người làm nghề sau này hiểu rõ, giữ trọn vẹn được quy luật phát triển của truyền thống bởi các nghệ nhân đều đã khuất bóng, những kỹ năng của họ đã vĩnh viễn mất đi. Nếu còn những băng ghi hình thì quả là vốn quý vô tận với người làm nghề và người nghiên cứu để so sánh, đối chiếu và cũng là cách bảo tồn, lưu giữ tốt nhất. Đó cũng là ước mơ của đội ngũ nghệ sĩ vì đáp ứng được mong muốn lưu giữ vai diễn, vở diễn của mình ở đúng thời điểm thăng hoa, diễn tốt nhất, cũng là cách để lưu giữ kịch mục kinh điển của từng nhà hát, từng đơn vị nghệ thuật. Vì không được số hóa nên rất nhiều các tác phẩm kinh điển của các nghệ sĩ, các đơn vị rơi rụng, không lưu trữ được sự chuẩn mực trong dàn dựng vở diễn, diễn xuất của nghệ sĩ, những bài học vô giá đối với các thế hệ sau. Điều này cũng là nỗi tiếc nuối của người đam mê sân khấu, khi chỉ cần ví dụ, vai Hề Hoạn của vở Bài ca giữ nước của tác giả Tào Mạt do NSND Ngọc Viễn diễn, thì chỉ thời gian sau, bà cũng không còn giữ được phong độ đỉnh cao lúc đó nữa. Chưa kể, rất nhiều ví dụ về sự rơi rụng tinh hoa trong nghệ thuật biểu diễn của sân khấu dân tộc. Là người yêu nghề, từng cố gắng nghiên cứu, tôi vẫn tiếc nuối những kỹ năng tuyệt vời mà mình không được thưởng thức dù ở hình thức ghi hình, ghi âm như ở Tuồng có cụ Tảo đi trên đôi hia thể hiện một kỹ thuật thật tài tình và điêu luyện hay bà Bạch Trà diễn tả cảnh chồng bị giết chỉ bằng mười đầu ngón tay không có nước mắt mà sự truyền tả cái mất mát thật khôn lường vì đã đạt tới mức độ của cái thần sâu sắc. Cũng như rất nhiều vở Tuồng cổ với những kỹ năng biểu diễn rất khó, rất tinh tế… đã gần như không còn tồn tại khi thế hệ các nghệ sĩ tài danh một thời như Hoàng Hiệp Tắc, Vũ Văn An, Nguyễn Ba Tuyên, Đoàn Thị Ngà, Nguyễn Đắc Nhã… về với tiên tổ. Ở Chèo, tình hình cũng không khả quan hơn, khi lối diễn cổ điển, mẫu mực ở những vở Chèo cổ mà dù có tới hàng chục đoàn Chèo nhưng các đơn vị này hoàn toàn không còn khả năng phục hồi toàn bộ những kỹ năng và nghệ thuật biểu diễn mà thế hệ lớp nghệ nhân lão thành như các cụ Trùm Thịnh, Cả Tam, Năm Ngũ, Lý Mầm, Hề Phẩm, Kép Tích… từng thực hiện được. Như vậy, việc số hóa là rất cần thiết, đặc biệt là ở những vở diễn đỉnh cao của các đơn vị ở từng giai đoạn, ít nhất là để phục vụ công tác nghiên cứu, học hỏi của thế hệ sau với thế hệ đi trước.

Với đông đảo công chúng hiện nay, chủ trương này mở ra khả năng kết nối, lan tỏa và chia sẻ nhanh chóng, giúp người hâm mộ sân khấu dễ dàng tiếp cận với các tác phẩm mà họ chưa có cơ hội thưởng thức. Rất nhiều vở diễn sân khấu, do giới hạn bởi không gian sống mà công chúng phía Bắc không được thưởng thức các tác phẩm của nghệ sĩ phía Nam và ngược lại. Đây cũng là cơ hội để nối dài sức sống cho những tác phẩm sân khấu có chất lượng cao mà vì nhiều lý do dù được đầu tư công phu, vốn kinh phí không nhỏ nhưng chỉ diễn được ít buổi rồi bị rơi vào tình trạng “vào kho, để đó” gây lãng phí lớn, làm mất đi hứng thú sáng tạo cho nghệ sĩ.

Đưa các vở diễn lên nền tảng kỹ thuật số, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, được xem là giải pháp tốt nhất để nghệ sĩ có cơ hội làm nghề, giữ lửa nghề, tăng thêm món ăn tinh thần cho người dân khi không thể tới nhà hát. Đây cũng là xu hướng hưởng thụ nghệ thuật mới của công chúng trong thời đại công nghệ số. Với các đạo diễn có kinh nghiệm, nền tảng kỹ thuật số cũng là thuận lợi cho họ đầu tư những sáng tạo mới lạ. Chưa kể, nếu cách tiếp thị tốt, có những vở diễn theo đúng ngôn ngữ của truyền hình, tải trọn vẹn giá trị của vở diễn, vẫn có thể thu phí, làm quảng cáo… Các quốc gia khác cũng đã thực hiện đưa các tác phẩm kinh điển lên mạng và thu được kết quả khả quan. Mặt tích cực, đây cũng là cách để chúng ta có thể cuốn hút thêm với đối tượng khán giả trẻ – hiện thị phần này đang bị rơi rụng khá nhiều do ảnh hưởng của các phương thức giải trí hiện đại.

Vở Tuồng Trung thần biểu diễn online

Tuy nhiên, phần đáng lo ngại cũng vẫn hiển hiện. Khi trả lời trên một talk show truyền hình Nhân dân, NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP. HCM phát biểu: “Sân khấu thành phố đa số là sân khấu xã hội hóa, tự xoay xở bán vé, dù không diễn được nhiều suốt hai năm qua, nhưng đa phần các nghệ sĩ không bán cho các kênh kỹ thuật số, cho truyền hình vì lo sẽ mất khán giả trực tiếp đến rạp. Hơn nữa, xem tại sân khấu mang tính nghệ thuật, khán giả thích hơn. Nghệ sĩ hóa thân cũng hạnh phúc vì sự tương tác trực tiếp với khán giả thông qua cảm xúc vai diễn… Lại càng không nên số hóa các vở đang diễn vì sẽ ảnh hưởng tới doanh thu”. Cũng trong talk show này, NSƯT Tạ Tuấn Minh khẳng định, việc số hóa sẽ “làm mất đi rất nhiều tính sân khấu, khi mà nghệ sĩ biểu diễn thiếu sự tương tác với khán giả. Diễn mà thiếu khán giả khiến người nghệ sĩ thiếu đi lửa nghề cần thiết để thăng hoa nhờ vào tương tác với công chúng. Đấy là chưa kể sẽ làm mất đi đặc trưng riêng có của sân khấu khi có những ngẫu hứng sáng tạo ngay tại chỗ, ngay lập tức và đó cũng là sức hấp dẫn rất riêng của sân khấu. Mỗi đêm diễn đều là một lần sáng tạo riêng biệt, không có sự trùng lắp lại trong cùng một câu thoại, cùng một tình huống diễn do cảm xúc đem lại ở đúng thời khắc đó. Với sân khấu, do bối cảnh diễn xa, cần thiết để khán giả hiểu, thấy rõ hành động bên trong (tâm tư tình cảm của nhân vật) và hành động kịch, mà người diễn đôi khi làm quá lên một chút, trong khi với hình thức quay lại, ghi lại thì phải… giảm đi rất nhiều.”

Tóm lại, nếu số hóa, rồi đưa lên nền tảng kỹ thuật số, sẽ dẫn tới những lo ngại mất đi đặc trưng riêng có của sân khấu, có khả năng làm giảm số người tới rạp xem trực tiếp, ảnh hưởng tới thu nhập của các đơn vị, đội ngũ nghệ sĩ. Nếu không cẩn trọng, người xem sẽ càng xa lánh sân khấu hơn khi thấy các tác phẩm này không có gì đặc biệt, lại càng không có những hiệu ứng điện ảnh vốn là thế mạnh của truyền hình, điện ảnh. Tiết tấu chậm, thời lượng các vở diễn dài cũng là điều khiến các khán giả trẻ thêm lý do không yêu thích sân khấu online.

Đó là chưa kể đến những thách thức về việc đưa đều đặn các tác phẩm lên mạng vì hiện nay, các vở diễn thực sự có chất lượng cao chưa nhiều, dễ rơi vào tình trạng “đầu voi, đuôi chuột” trong việc duy trì kênh YouTube thường xuyên của các đơn vị nghệ thuật.

Vở Bão tố Trường Sơn (Nhà hát Kịch VN)

Chủ trương đưa các tác phẩm sân khấu lên môi trường số là đề xuất hay, phù hợp xu hướng hưởng thụ nghệ thuật của công chúng trong thời đại công nghệ số, nhất là ở thời điểm dịch CoVID-19, nhu cầu giải trí trực tuyến càng gia tăng. Nhưng làm sao để việc thực hiện hiệu quả thì cần có quy trình cẩn thận, kỹ lưỡng. Có thể số hóa ngay những vở diễn kinh điển ở những loại hình sân khấu truyền thống Tuồng Chèo và một số tác phẩm được dàn dựng công phu phục vụ mục tiêu tuyên truyền, các vở đã công diễn và đạt chỉ tiêu về suất diễn thì có thể số hóa thay vì “đắp chiếu” mai một dần, tạo thành một thư viện số về sân khấu. Với những tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao ở các đơn vị, cần có bộ phận định hướng nên đưa thời lượng ra sao, nhằm tới đối tượng khán giả nào, giới thiệu các trích đoạn để hấp dẫn, thêm kênh quảng bá cho tác phẩm… Một số nghệ sĩ cũng cho rằng, cần có những vở diễn viết theo lối có thể số hóa hợp lý, hấp dẫn thay vì chỉ đưa nguyên các vở diễn đã từng diễn lên mạng.

Sau hơn một năm thực hiện, ở một số đơn vị như Nhà hát Tuồng Việt Nam đã có các trích đoạn mẫu mực, truyền thống được đưa lên, thu hút lượng người xem khá đông đảo, rất đáng khích lệ. Các đơn vị khác như Nhà hát Chèo VN, Nhà hát Kịch VN… thì mới bước đầu có những trích đoạn hấp dẫn. Sau khi đưa ra chủ trương, cần có những bước hướng dẫn, cấp kinh phí, đầu tư cụ thể để những kênh mạng của sân khấu ngày càng phát triển, trở thành một trong những nguồn thu đáng kể cho các đơn vị nhờ vào quảng cáo, thu tiền…

Để hòa nhập, rất cần tới sự am hiểu thấu đáo, cách làm phù hợp. Tin tưởng, không xa chúng ta sẽ có những kênh thưởng thức sân khấu đích thực, lượng người truy cập ngày một tăng.

CAO NGỌC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 478, tháng 10-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *