Sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và du lịch ở việt nam


1. Sở hữu trí tuệ (SHTT) và quyền SHTT trong lĩnh vực văn hóa và du lịch (VHDL)

SHTT hay còn gọi là tài sản trí tuệ, là khái niệm nhằm chỉ toàn bộ những giá trị sáng tạo của bộ óc con người được hình thành trong quá trình lao động sản xuất và đời sống. Cụ thể, nó bao gồm các sản phẩm của quá trình hoạt động trí tuệ và tinh thần như tác phẩm văn học, nghệ thuật, tác phẩm khoa học, phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, phần mềm, phần cứng máy tính, nhãn hiệu, tên thương mại, bí mật kinh doanh, giống cây trồng…(1).

Trong những thời kỳ và xã hội trước đây, do đặc điểm lao động sản xuất còn nặng tính cơ bắp, thủ công và nhận thức nói chung còn đơn giản, nên con người chủ yếu chỉ quan tâm đến yếu tố vật chất, hữu hình của tài sản hay sản phẩm, mà chưa chú ý nhiều đến các yếu tố vô hình, mang tính trí tuệ bên trong. Nhưng khi nền kinh tế công nghiệp và kinh tế tri thức bùng nổ, cơ cấu tạo nên giá trị hàng hóa có sự dịch chuyển với tỷ trọng đóng góp của khoa học kỹ thuật, công nghệ và hàm lượng trí tuệ ngày càng cao, đóng vai trò then chốt, quyết định, đã làm thay đổi nhận thức và tạo ra nhiều quy định rõ ràng, chặt chẽ cho lĩnh vực SHTT. Một trong những điểm mấu chốt nhất được thế giới tập trung thảo luận và nỗ lực thiết lập suốt nhiều thập kỷ qua là vấn đề quyền SHTT.

Một cách đơn giản, quyền SHTT được hiểu là các quyền đối với tài sản trí tuệ, hay cụ thể hơn là quyền đối với những sản phẩm sáng tạo của quá trình hoạt động trí tuệ và tinh thần. Ngay từ cuối TK XIX, các quyền này đã lần đầu được công nhận một cách chính thức mang tính quốc tế trong Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (1883) và Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật (1886). Tuy nhiên, suốt một thời gian dài sau vẫn còn nhiều quan điểm nhìn nhận khác nhau về những nội dung, điều khoản trong các Công ước. Phải đến năm 1994, khi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) được thành lập và Hiệp định Thương mại về quyền SHTT được ký kết thì cộng đồng quốc tế mới có được một nguồn thống nhất về các chuẩn mực và nghĩa vụ về quyền SHTT (2). Đặc biệt, từ trước đó, một tổ chức chung toàn cầu về quyền SHTT cũng đã được thành lập vào năm 1967 (World Intellectual Property Organization – WIPO) và trở thành cơ quan chuyên môn của Liên Hợp quốc từ năm 1974 cho đến nay. Ngoài Công ước thành lập, nơi này còn quản lý 22 điều ước quốc tế về SHTT, bao gồm 16 điều ước về sở hữu công nghiệp và 6 điều ước về quyền tác giả (3).

Dựa trên quan điểm đã được các tổ chức và điều ước quốc tế thừa nhận, nội dung về quyền SHTT hiện nay cơ bản được xác định bao gồm 3 yếu tố là quyền sở hữu công nghiệp, quyền tác giả và quyền đối với giống cây trồng (4). Tuy nhiên, không hoàn toàn giống như những quyền sở hữu khác, việc bảo hộ quyền SHTT thường có những đặc điểm riêng nhất định. Trong đó, quan trọng và nổi bật nhất phải kể đến là giới hạn về không gian và thời gian. Về không gian: quyền SHTT chỉ được bảo hộ trong phạm vi một quốc gia. Việc mở rộng phạm vi ra nhiều quốc gia chỉ được công nhận khi giữa các quốc gia này cùng tham gia vào một điều ước quốc tế về bảo hộ quyền SHTT; về thời gian: mỗi quốc gia thường có quy định cụ thể về thời hạn bảo hộ đối với các đối tượng của quyền SHTT. Hết thời hạn bảo hộ (bao gồm cả thời hạn gia hạn nếu có), tài sản trí tuệ đó sẽ trở thành tài sản chung của cả nhân loại. Điều này nhằm mục đích cân bằng giữa quyền và lợi ích của chủ sở hữu tài sản trí tuệ với các lợi ích công.

 Đối chiếu vào lĩnh vực VHDL, với những nội dung và đặc thù riêng, vấn đề quyền SHTT chủ yếu được nhìn nhận và chi phối ở vấn đề quyền tác giả. Cụ thể, đó là bản quyền gắn với các tác phẩm văn học, nghệ thuật, chương trình biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, hay thương hiệu, nhãn hiệu du lịch…

2. Thực tiễn pháp lý về SHTT trong ngành VHDL ở Việt Nam

Trong quá trình phát triển kinh tế đất nước và hội nhập khu vực, quốc tế theo xu hướng toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng, SHTT và quyền SHTT đã trở thành vấn đề quan trọng, đặt ra nhiều yêu cầu cần phải được nhìn nhận và bảo hộ về mặt pháp lý. Chính vì vậy, những năm qua, đã có không ít những quy định pháp luật khác nhau từ cao đến thấp, từ chung đến riêng về lĩnh vực này được Nhà nước và các cơ quan ở Việt Nam xây dựng và đưa vào áp dụng.


 Ảnh internet  

Tiêu biểu và quan trọng nhất là Luật SHTT ban hành năm 2005. Với 6 phần, gồm 222 điều, luật này đã khái quát và quy định một cách toàn diện, cụ thể về những vấn đề của SHTT. Trong đó, có tất cả 4 quyền là quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, được xác định thuộc phạm vi điều chỉnh của luật (5). Tương ứng đối tượng của quyền SHTT được chia thành 3 nhóm: đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. Đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa; đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý; đối tượng quyền đối với giống cây trồng là giống cây trồng và vật liệu nhân giống (6).

Ngoài ra, trước và sau khi có Luật SHTT năm 2005 còn phải kể đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT năm 2009, những điều khoản quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2005, các Thông tư, Quyết định của Chính phủ và các bộ, ngành, các văn bản hướng dẫn thi hành luật… Tất cả tạo nên một hệ thống pháp lý bao quát và rõ ràng về vấn đề bảo hộ quyền SHTT ở Việt Nam nhìn từ góc độ pháp lý chung, cho đến từng lĩnh vực ngành nghề cụ thể như VHDL: Nghị định 72/2000/NĐ-CP của Chính phủ về công bố, phổ biến tác phẩm ra nước ngoài; Nghị định 100/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Dân sự, Luật SHTT về quyền tác giả và quyền liên quan; Nghị định 105/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về bảo vệ quyền SHTT và quản lý nhà nước về SHTT; Thông tư 01/2009/TT-BVHTTDL của Bộ VHTTDL hướng dẫn hoạt động triển lãm văn hóa, nghệ thuật tại Việt Nam và đưa triển lãm văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam ra nước ngoài quy định tại nghị định số 11/2006/NĐ-CP của Chính phủ ban hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng và Nghị định số 72/2000/NĐ-CP của Chính phủ quy định về công bố, phổ biến tác phẩm ra nước ngoài…

Như vậy, việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về vấn đề SHTT và quyền SHTT ở Việt Nam nói chung, cũng như trong lĩnh vực VHDL nói riêng, trong nhiều năm qua đã được Nhà nước và các cơ quan bộ, ngành thực sự quan tâm, chú ý. Điều này tạo ra những nền tảng quan trọng và cần thiết cho các hoạt động quản lý, nhận thức, thực thi đối với vấn đề SHTT trong quá trình phát triển và hội nhập của Việt Nam.

3. Thực tiễn nhận thức và thi hành về SHTT trong ngành VHDL ở Việt Nam

SHTT và quyền SHTT được xem là những giá trị tất yếu nảy sinh và tồn tại khi một sản phẩm, loại hình (vật thể hoặc phi vật thể) được tạo ra trong quá trình lao động, sáng tạo của nhân loại. Tuy nhiên, việc nhìn nhận về nó lại không giống nhau ở các quốc gia, dân tộc. Nếu ở các nước phát triển, vấn đề SHTT và quyền SHTT đã được quan tâm, coi trọng từ lâu, thì tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam, điều này còn khá mới mẻ và hạn chế. Trong quá trình phát triển, hội nhập với thế giới và tham gia vào nhiều định chế quốc tế chung (ASEAN, WTO…) với những yêu cầu và đòi hỏi cao, chặt chẽ về bảo hộ SHTT, thì Việt Nam thực sự gặp nhiều khó khăn, trở ngại do những cách biệt này. Nhận thức được điều đó, cũng như hiểu rằng đây là vấn đề không thể phủ nhận hay tránh né, nên từ đầu những năm 1980, Việt Nam đã từng bước tiếp cận và bắt tay vào việc xây dựng một bộ khung pháp lý khá hệ thống về vấn đề SHTT, đã mang lại nhiều chuyển biến căn bản và tích cực trong việc quản lý và thực thi về SHTT ở trong nước, điều chỉnh hầu hết các quan hệ xã hội liên quan đến hoạt động sáng tạo, bảo hộ quyền đối với tài sản trí tuệ do công dân tạo ra, mà ngành VHDL là những phạm vi quan trọng chịu sự chi phối. Theo số liệu và báo cáo của Cục SHTT – Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, thời gian qua, nhất là sau khi Luật SHTT được ban hành năm 2005, thì việc nhận thức liên quan đến SHTT của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đã tăng lên đáng kể, trung bình khoảng 10% mỗi năm (7). Báo cáo 202/BC-BVHTTDL, ngày 10-12-2008, của Bộ VHTTDL cũng ghi nhận từ năm 1986 đến 20-11-2008 đã có 28.605 giấy chứng nhận đăng ký tác phẩm thuộc quyền tác giả, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng thuộc quyền liên quan được cấp (8). Và chỉ trong vòng 10 năm từ năm 2006 đến hết năm 2015, Cục Bản quyền tác giả đã thụ lý và cấp 43.450 giấy chứng nhận đăng ký, trong đó có 43.321 giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả; 129 giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan. Số lượng giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan tăng hàng năm khoảng 6% (9).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình quản lý, thực thi và tuân thủ quyền SHTT trong ngành VHDL còn nhiều yếu kém, bất cập chưa được khỏa lấp. Mặc dù số lượng hồ sơ đăng ký xác lập quyền SHTT đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật, chương trình biểu diễn… liên tục tăng lên và tăng nhanh qua từng năm, nhưng vẫn còn rất thấp so với yêu cầu. Trong khi đó, tình trạng vi phạm các quyền SHTT vẫn tràn lan, phổ biến, phức tạp và khó kiểm soát, chủ yếu tập trung nhiều về vấn đề quyền tác giả, in sang sách báo, phim ảnh, bản quyền phầm mềm máy tính… Chỉ qua hơn 2 năm từ 2006 – 2008, Thanh tra VHTTDL đã kiểm tra 31.477 cơ sở kinh doanh, dịch vụ, phát hiện và xử lý 10.599 cơ sở vi phạm, phạt cảnh cáo 786 cơ sở, đình chỉ hoạt động 437 cơ sở, tạm giữ 203 giấy phép kinh doanh, chứng nhận hành nghề, chuyển hồ sơ truy cứu hình sự 10 vụ. Tổng số tiền xử phạt 23.144.960.000 đồng (10). Đặc biệt, theo số liệu năm 2007 của Cục bản quyền tác giả Văn học – Nghệ thuật, tỷ lệ vi phạm bản quyền ở Việt Nam rất cao (88%) (11). Đây rõ ràng là những con số biết nói, cho thấy được mức độ nghiêm trọng của việc triển khai khai thực thi vấn đề SHTT ở Việt Nam hiện nay. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, đó có thể mới chỉ là phần nổi của tảng băng được phát hiện.

4. Thay lời kết

Có nhiều nguyên nhân khác nhau được đưa ra để lý giải cho thực trạng về SHTT trong ngành VHDL ở Việt Nam thời gian qua. Tuy nhiên, cơ bản và chủ yếu nhất tập trung vào những lý do:

Một là, do tính chất rộng lớn, bao quát toàn bộ mọi mặt của đời sống xã hội và thường mang nhiều yếu tố trừu tượng, định tính, tổng hợp, đa chiều hơn, không phải lúc nào cũng dễ để nhận diện một cách cụ thể, rạch ròi của lĩnh vực VHDL, nên việc xây dựng các quy định pháp lý cũng như tổ chức quản lý và thực thi các vấn đề SHTT gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn như, các giá trị văn hóa dân gian là của dân, do nhân dân, do cộng đồng sáng tạo, không của riêng một cá nhân nào. Nhưng chúng vẫn đang được nhiều cá nhân, tổ chức khai thác mang lại nhiều giá trị kinh tế, thương mại trong hoạt động kinh doanh mà không chịu sự điều chỉnh hay chế tài của các quy định về Luật SHTT. Đơn cử một hiện tượng trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng, các môtíp hoa văn trang trí của đồng bào dân tộc thiểu số được các công ty thiết kế vô tư sử dụng để tạo ra các sản phẩm công nghiệp (gạch bông, giấy dán tường, trang phục…). Những sản phẩm này được bán trên thị trường một cách tự do mà cộng đồng – người SHTT về sản phẩm lại không được hưởng lợi.

Hai là, trong bối cảnh phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế một cách mạnh mẽ, sâu rộng ở Việt Nam như hiện nay, các lĩnh vực VHDL cũng trở nên bùng nổ và sôi động hơn. Điều này vì thế, đã, đang và sẽ liên tục đặt ra những tình huống và yêu cầu mới đối với vấn đề SHTT mà không phải lúc nào luật pháp và các cơ quan chức năng cũng theo kịp để cập nhật hay điều chỉnh.

Ba là, hầu hết các quan điểm đều thống nhất cho rằng nguyên nhân chính nằm ở nhận thức về vấn đề này của đại bộ phận người dân và những cá nhân, tổ chức tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trong các lĩnh vực VHDL còn hạn chế, thậm chí là yếu kém, hời hợt. Các quy định pháp lý dù còn nhiều lỗ hổng, chưa đầy đủ, nhưng cũng đã bao quát được cơ bản các nội dung và vấn đề về SHTT. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, chúng lại chưa được truyền tải đến với người dân và cả những cán bộ, nhân viên làm trong lĩnh vực VHDL một cách đầy đủ, hiệu quả.

Từ thực tế như vậy, nếu cứ để tiếp diễn sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng bất lợi cho sự phát triển ổn định, bền vững của ngành VHDL, cũng như sự phát triển chung của nền kinh tế tri thức, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh và sức cạnh tranh của Việt Nam trong quá trình đẩy mạnh hợp tác, hội nhập với khu vực và thế giới. Vì vậy, một trong những yêu cầu mang tính thực tiễn và cấp thiết nhất hiện nay là phải đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật đã có về SHTT đến với đông đảo cán bộ và nhân dân, để làm sao trong thời gian ngắn nhất có thể nâng cao được nhận thức của mọi người đối với vấn đề này, đặc biệt là trong bối cảnh thời hạn cam kết của Việt Nam với các định chế quốc tế đang ngày càng đến gần.

Nhìn ra xung quanh, nhiều quốc gia đã xây dựng các chương trình tập huấn và các hoạt động thực tế trong vấn đề SHTT và quyền SHTT mang lại hiệu quả cao như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Úc, Nhật Bản… Đây có thể được xem là cơ sở để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm và ứng dụng một cách hiệu quả, phù hợp với bối cảnh và đặc thù quốc gia.

_____________

1. luatminhkhue.vn.

2. maxreading.com.

3. mofahcm.gov.vn.

4. ninhthuan.gov.vn.

5. Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, phần 1, điều 1.

6. Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, phần 1, điều 3.

7. nistpass.gov.vn.

8, 10. thongtinphapluatdansu.edu.vn.

9. thuvienphapluat.vn.

11. nlv.gov.vn. 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 405, tháng 3 – 2018

Tác giả : NGUYỄN THANH HẢI – MAI THỊ KIỀU TRANG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *