So sánh xuyên văn hóa về hành vi ủng hộ xã hội

Vì sao chúng ta giúp đỡ người khác và điều gì thúc đẩy chúng ta hành động như vậy? Những người dân ở mọi nền văn hóa có hành xử như nhau hay không? Việc thực hiện các hành vi ủng hộ xã hội là mang tính phổ quát ở mọi quốc gia, vùng miền, nền văn hóa hay mang tính đặc trưng, khác biệt? So sánh xuyên văn hóa (1) về hành vi ủng hộ xã hội là việc xem xét sự tương đồng và khác biệt trong việc thực hiện các hành vi ủng hộ xã hội dưới góc độ ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa.

Matsumoto (2) đã đưa ra một định nghĩa về văn hóa, cho rằng: “Văn hóa là một hệ thống năng động của các quy tắc được đưa ra bởi một nhóm, để đảm bảo sự sống còn của nhóm, liên quan đến thái độ, giá trị, niềm tin, chuẩn mực và hành vi”. Khác biệt xuyên văn hóa ở hành vi ủng hộ xã hội có thể là do đặc điểm văn hóa, xã hội khác nhau. Ví dụ, các nền văn hóa phương Tây, như Anh hay Mỹ, thiên về tính chủ nghĩa cá nhân và giá trị độc lập chứ không phải là một sự phụ thuộc vào người khác. Tuy nhiên, nhiều nền văn hóa phi phương Tây khác, như Nhật Bản, Israel và Ấn Độ, lại thiên về tính tập thể, cộng đồng.

Hành vi ủng hộ xã hội là một thuật ngữ được dùng để chỉ tất cả những hành động mang lại lợi ích cho người khác hay xã hội nói chung (3) và chúng được phân chia thành hành vi vị tha, giúp đỡ, chia sẻ hợp tác. Ở đây, chúng ta cần phải hiểu rằng, hành vi ủng hộ xã hội đang bàn đến hiệu quả của việc giúp đỡ, mang lại lợi ích cho người khác chứ chưa bàn đến động cơ bên trong thúc đẩy hành vi này. Chính vì thế, động cơ thực hiện hành vi có thể là vì ích kỷ cá nhân, có thể hoàn toàn vì người khác hoặc cũng có thể là vì một mục đích nhất định như để tuân thủ hay phù hợp với chuẩn mực xã hội hoặc các quy tắc đạo đức…

Hàng ngày chúng ta có thể thường xuyên chứng kiến được sự giúp đỡ, chia sẻ, hợp tác ở khắp mọi nơi, trong các nền văn hóa, thể chế xã hội nhưng chúng ta biết rất ít về mức độ của các hành vi này trong bối cảnh cụ thể. Ví dụ như hành vi ủng hộ xã hội của những người trong nền văn hóa Tây phương có khác những người trong nền văn hóa Đông phương hay không…

Nhà nghiên cứu Levine và cộng sự (4) đã tìm hiểu hành vi giúp đỡ người lạ của người dân tại 23 quốc gia thuộc đủ các châu lục trên thế giới. Quy mô dân số và tính cá nhân, tính tập thể trong nền văn hóa đã được các nhà khoa học đưa vào như những yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện hành vi giúp đỡ. Có ba tình huống được đưa ra là: thứ nhất, một người đi bộ bị rơi cây bút; thứ hai, một người băng bó chân và bị rơi cuốn tạp chí, không thể cúi xuống nhặt được và cuối cùng, một người mù chống gậy đợi qua đường tại ngã tư. Kết quả cho thấy có sự khác biệt khá đáng kể về hành vi này ở các thành phố được khảo sát. Hành vi giúp đỡ được thực hiện nhiều nhất ở thành phố Rio de Janeiro, thủ đô Brazil, với 93% số người chứng kiến tình huống và thấp nhất ở Kuala Lumpur, thủ đô Malaysia, với 40%. Các nhà nghiên cứu đã tìm ra một mối tương quan tích cực giữa việc thực hiện hành vi ủng hộ xã hội với định hướng giá trị văn hóa. Simpatia, một văn hóa đặc trưng và truyền thống ở Brazil và một số quốc gia khu vực Mỹ latin nổi tiếng với đặc điểm hay quan tâm tới người khác, thân thiện, lịch sự và giúp đỡ người lạ. Tuy vậy, các bằng chứng thực nghiệm cho thấy rằng, hành vi giúp đỡ ít phụ thuộc vào bản chất địa phương của mỗi người mà chịu ảnh hưởng nhiều bởi các đặc tính của môi trường họ đang sống. Môi trường mà họ sống trong đó ảnh hưởng đến hành vi của họ; ví dụ như một người Brazil sống ở New York, Mỹ, sẽ ít có khả năng để giúp đỡ người khác hơn là một người Brazil sống ở Rio de Janeiro.

Một phát hiện quan trọng của nghiên cứu này là mật độ dân số dường như đóng một vai trò khá lớn trong việc thực hiện các hành vi giúp đỡ. Trong thực tế, nó là yếu tố dự báo tốt nhất cho hành vi này. Mọi người có xu hướng trở nên hữu ích hơn và thực hiện nhiều hành vi ủng hộ xã hội nhiều hơn ở các thành phố có quy mô vừa và nhỏ. Giải thích cho sự gia tăng các hành vi chống đối xã hội ở những vùng có mật độ dân số cao có thể là do người ta khó khăn hơn trong việc nhận ra tình trạng một người đang cần được giúp đỡ, hoặc càng nhiều người sẽ càng làm họ phân tán trách nhiệm. Tại các thành phố lớn, con người có xu hướng co cụm vào các nhóm nhỏ và thân thiết như nhóm gia đình và bạn bè, không quan tâm quá nhiều đến người khác, trong khi ở các thành phố nhỏ hơn, dân số ít hơn, con người lại có ý thức cộng đồng khá mạnh mẽ.

Các tác giả Miller, Bersoff và Harwood (5) đã thực hiện một thực nghiệm trên người lớn và trẻ em Ấn Độ và người Mỹ gốc Mỹ. Các tác giả nghiên cứu cảm nhận về mặt trách nhiệm đạo đức của các nhóm khách thể này khi chứng kiến các tình huống, trường hợp cần đến sự trợ giúp. Trong đó, các tình huống này nhấn mạnh đến tính nghiêm trọng của tình trạng người cần được giúp và mối quan hệ giữa những người tham gia (ví dụ như quan hệ cha – con; người thân – người lạ…). Các nhà nghiên cứu đã phỏng vấn 400 cá nhân (người lớn và trẻ em) để xem họ sẽ làm gì trong các tình huống liên quan đến nghĩa vụ giúp đỡ con em mình, bạn bè của cha mẹ, bạn bè và nghĩa vụ của mọi người để giúp đỡ một người lạ. Các tình huống có thể ở mức nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng, có tình huống ở mức độ nghiêm trọng vừa phải. Kết quả sau đó chứng minh rằng, người Ấn Độ cảm thấy có trách nhiệm và bổn phận đạo đức trong việc giúp đỡ người khác cao hơn người dân Mỹ, trong khi người Mỹ thì phản ứng và thực hiện các hành vi ủng hộ xã hội nhiều hơn, tùy vào tình hình thực tế. Như vậy, có thể thấy, đã có sự khác biệt rõ rệt về mức độ trách nhiệm giữa hai nhóm văn hóa.

Cả hai nghiên cứu của Miller và cộng sự (1990) và Levine và cộng sự (2001) đều rút ra được kết luận: việc thực hiện các hành vi ủng hộ xã hội ít thường xuyên hơn trong những bối cảnh giàu có và khẳng định rằng, những phát hiện này đã chỉ rõ tầm quan trọng của yếu tố kinh tế trong việc thực hiện các hành vi ủng hộ xã hội. Thực tế đang tồn tại những lý do để giải thích cho việc có thể, tình hình kinh tế càng phát triển lại tương quan âm (tiêu cực) với việc thực hiện các hành vi ủng hộ xã hội bởi tại các nước giàu, công dân của họ mang tính cá nhân cao, họ tự do theo đuổi nhu cầu và đôi khi họ bỏ qua các giá trị xã hội truyền thống hay những quy định về trách nhiệm của họ với các thành viên khác trong cộng đồng họ đang sống (6). Những yếu tố này có thể dẫn đến việc họ ít sẵn lòng quan tâm đến lợi ích của người lạ. Thực tế, các xã hội đô thị công nghiệp có tính cạnh tranh cao hơn, vì vậy, sự quyết đoán và tính hung hăng được coi là quan trọng, trong khi các hành vi ủng hộ xã hội trở nên ít quan trọng hơn. Linsky và Straus (7) cho rằng, cộng đồng có nền kinh tế ít phát triển hơn có tỷ lệ người phạm tội và các bệnh lý xã hội cao hơn. Nhà nghiên cứu Lee (1995) phát hiện ra rằng những người lao động hài lòng với mức lương hiện tại của họ thì có nhiều khả năng tham gia vào các hành vi ủng hộ xã hội. Ngược lại, Levine và cộng sự (1994) tìm thấy một mối tương quan tích cực giữa tình trạng kinh tế của và hành vi giúp đỡ.

Korte và Kerr (8) thấy rằng, ở nông thôn, người ta giúp đỡ người lạ nhiều hơn ở đô thị. Sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn cũng đã được ghi nhận trong nhiều nghiên cứu khác được thực hiện tại Mỹ, một bối cảnh xã hội được coi là nguyên mẫu phương Tây và chủ nghĩa cá nhân. Một câu hỏi được đặt ra là, ở những quốc gia có tính tập thể (chủ nghĩa tập thể) cao thì sự khác biệt giữa nông thôn và thành thị liệu có còn tồn tại?

Korte và Ayvalioglu (9) đã nghiên cứu hành vi ủng hộ xã hội tại các thành phố lớn, thị trấn nhỏ và khu dành cho người nghèo tại Thổ Nhĩ Kỳ. Kết quả một lần nữa cho thấy, ở thành thị, người ta ít thực hiện các hành vi ủng hộ xã hội hơn so với vùng nông thôn và những khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn. Giữa các vùng thị trấn nhỏ và khu định cư tạm bợ thì không có sự khác biệt. Nếu như phát hiện của Korte và Kerr cho thấy có sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn trong hành vi ủng hộ xã hội đối với người lạ thì nghiên cứu của Amato lại tập trung tìm hiểu việc thực hiện hành vi ủng hộ xã hội đối với người thân quen, họ hàng và bạn bè. Có tổng cộng 13.017 người Mỹ được lựa chọn khảo sát và kết quả cho thấy, khi con người giúp đỡ người thân, sẽ không có sự khác biệt về thống kê giữa khu vực thành thị và nông thôn.

Một nghiên cứu khác của Fjneman, Willemsen và Poortinga, tiến hành năm 1996, tại Hồng Kông, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan và Mỹ, về hành vi ủng hộ xã hội lại cho thấy sự giống nhau trên tất cả các nền văn hóa. Sự khác biệt duy nhất giữa các thành phố chỉ là nằm ở yếu tố sự gần gũi về tình cảm; nghĩa là, những người thân quen hoặc có mối quan hệ chặt chẽ thì có xu hướng giúp đỡ nhau nhiều hơn. Fjneman và các cộng sự tiếp tục tìm kiếm bằng chứng về vai trò động lực của lòng vị tha đối với hành vi ủng hộ xã hội. Những người tham gia khảo sát thể hiện một lòng vị tha rõ ràng hơn với  họ hàng thân thích, bất kể là ở nền văn hóa nào.

Chúng ta vẫn mặc định xã hội có thiên hướng cá nhân thì thường coi trọng đặc tính cá nhân và gia đình hạt nhân của họ trong khi những xã hội, quốc gia theo xu hướng coi trọng tính tập thể thì lại ưu tiên cao nhất cho lợi ích của tập thể mà mình đang sống trong đó (10). Whiting và     Whiting (11) đã thực hiện một nghiên cứu về hành vi ủng hộ xã hội, biểu hiện trong tương tác hàng ngày của trẻ em độ tuổi từ 3 đến 11 với người khác tại 6 quốc gia khác nhau, Kenya,   Philippines, Nhật Bản, Ấn Độ, Mexico và Mỹ. Kết quả cho thấy sự khác biệt về hành vi ủng hộ xã hội của trẻ em giữa các nền văn hóa được chọn nghiên cứu. Trẻ em Mexico và Philippines thường hành động mang tính ủng hộ xã hội hơn so với những em đến từ Nhật Bản, Ấn Độ và Hoa Kỳ. Trẻ em hành xử mang tính ủng hộ xã hội nhất đến từ xã hội truyền thống nhất: vùng nông thôn Kenya. Những đứa trẻ ích kỷ nhất đến từ một xã hội hiện đại, phức tạp nhất: Mỹ. Nghiên cứu này cũng rút ra được một kết luận là, những trẻ em hay làm việc nhà giúp cho mẹ thì thường có sự quan tâm đến người khác cao hơn những trẻ ít làm việc nhà. Thật vậy, nền văn hóa tập thể đề cao việc hỗ trợ và hợp tác nên kích thích việc thực hiện nhiều hành vi ủng hộ xã hội, trong khi ở các nền văn hóa coi trọng cái cá nhân hơn (nơi mà các giá trị thành công của cá nhân và khuyến khích khả năng cạnh tranh được coi trọng), trẻ em ít có xu hướng hành xử ủng hộ xã hội.

Katz nghiên cứu khả năng thực hiện các hành vi ủng hộ xã hội trong và ngoài nhóm tộc người. Nghiên cứu được thực hiện tại Nhật Bản và Trung Quốc cho thấy, ở những quốc gia này, con người có nhiều khả năng thực hiện các hành vi ủng hộ xã hội trong nhóm của mình nhưng lại ít thực hiện các hành vi ủng hộ xã hội với người ngoài nhóm. Đặc điểm giúp đỡ người ngoài nhóm lại khá đặc trưng tại quốc gia như Mỹ.

Trong xã hội phương Tây, hành vi lệch lạc được đổ lỗi cho cá nhân và các cá nhân ít khi sẵn sàng giúp đỡ người khác khi họ nhìn thấy vấn đề của những người này là do chính họ tự gây ra. Tuy nhiên, trong các nền văn hóa phi phương Tây, hành vi xấu không đổ lỗi cho cá nhân, nhưng lại được quy về trách nhiệm của tập thể.

Curtis, Grabb và Baer (12) đã nghiên cứu số liệu điều tra giá trị thế giới (1981 – 1983) và rút ra kết luận: người Mỹ gốc Mỹ tham gia tình nguyện nhiều hơn các quốc gia khác. Kết quả tương tự cũng được tìm thấy trong nghiên cứu do chính ba tác giả này thực hiện sau khi phân tích khảo sát giá trị thế giới, tập hợp dữ liệu của 33 quốc gia dân chủ, giai đoạn 1991 – 1993. Như vậy, người ta nhận thấy những nước giàu có, nền kinh tế phát triển thường tham gia nhiều hơn vào các hoạt động tình nguyện. Như vậy, tình hình kinh tế cũng là một biến quan trọng tác động đến hành vi ủng hộ xã hội, cụ thể là tình nguyện.

Bên cạnh đó, cũng đã có nhiều nghiên cứu về sự biến đổi trong hành vi ủng hộ xã hội. Chẳng hạn như Eisenberg và Mussen (13), khi nghiên cứu về lòng tốt và hợp tác, thấy rằng, trẻ em ở Bắc Mỹ ít có sự hợp tác hơn so với trẻ em lớn lên ở Mexico. Nghĩa là, có mối quan hệ giữa loại hình văn hóa và mức độ thực hiện hành vi ủng hộ xã hội. Chúng ta vẫn thường nghĩ, trẻ em được nuôi dưỡng trong một nền văn hóa tập thể có xu hướng thể hiện hành vi ủng hộ xã hội nhiều hơn so với những em được nuôi dưỡng trong một nền văn hóa cá nhân. Tuy vậy, nhiều nghiên cứu khác lại cho kết quả không đồng nhất như ý nghĩ trên.

Năm 1968, Feldman đã tiến hành một thí nghiệm với những người qua đường ở Paris (Pháp), Athens (Hy Lạp) và Boston (Mỹ) về việc nhờ hỗ trợ giúp đỡ những người đồng hương hoặc người nước ngoài trong hai tình huống: hỏi đường và viết thư. Trong tình huống đầu tiên, những người từ Boston giúp đỡ nhiều nhất và giúp cả hai nhóm đồng hương và người nước ngoài. Trong khi người Paris và Athens giúp đỡ đồng bào nhiều hơn người nước ngoài. Trong tình huống thứ hai, những người Athens đối xử tồi tệ với đồng bào hơn người nước ngoài, nhưng người Boston lại làm điều ngược lại. Chính vì thế, các nhà nghiên cứu đã rút ra kết luận rằng, có sự khác biệt lớn giữa các nền văn hóa mang tính cá nhân trong thực hiện hành vi ủng hộ xã hội. Mức độ giúp đỡ thay đổi theo các tình huống diễn ra thực tế. Nghiên cứu này là khá tin cậy bởi nó xem xét những khác biệt trong hành vi ủng hộ xã hội và nhấn mạnh đến sự khác biệt trong tình huống.

Có thể tạm kết luận rằng, những sự giúp đỡ mang tính tự phát thì phổ biến hơn ở những nước nghèo và các hoạt động ủng hộ xã hội mang tính chính thức (như tình nguyện) thường xuất hiện nhiều hơn ở những nước giàu.

Hành vi ủng hộ xã hội là kết quả của sự tương tác phức hợp giữa các yếu tố môi trường và xã hội. Chúng ta không thể cô lập hoàn toàn một biến số để xác định vai trò của nó trong việc thực hiện hành vi ủng hộ xã hội của con người. Chính vì thế, nghiên cứu xuyên văn hóa là rất khó khăn bởi vẫn có nhiều sự thiên vị của các nhà nghiên cứu trong việc xác định, quan sát và giải thích hành vi ủng hộ xã hội trong các nền văn hóa.

______________

1. Cụm từ xuyên văn hóa được chuyển ngữ từ tiếng Anh, crosscultural, thuật ngữ chỉ sự so sánh giữa các nền văn hóa khác nhau.

2. Matsumoto T., Learning to “do time” in Japan: a study of US interns in Japanese organizations (Học về “ở tù” ở Nhật Bản: một nghiên cứu về thực tập sinh người Mỹ trong các tổ chức của Nhật Bản), Int. J. Cross-Cult. Manage. 4, pp.19-37, 2004.

3. Piliavin, J. A., Dovidio, J. F., Gaertner, S. L., & Clark, R. D., Emergency Intervention (Sự can thiệp cấp thời), New York, NY: Academic Press, 1981.

4. Levine, R. V., Measuring helping behavior across cultures (Đo lường về hành vi giúp đỡ giữa các nền văn hóa khác nhau), in Online Readings in Psychology and Culture, Unit 5, 2003. http://scholarworks.gvsu.edu/orpc/ vol5/iss3/2.

5. Miller, J. G., Bersoff, D. M., & Harwood, R. L.,   Perceptions of social responsibilities in India and the United States: Moral imperatives or personal decisions? (Nhận thức về trách nhiệm xã hội ở Mỹ và Ấn Độ: mệnh lệnh đạo đức hay quyết định cá nhân?), Journal of Personality and Social Psychology, 58, pp.33-47, 1990.

6 Inkeles A, National Character (Tính cách dân tộc), New Brunswiek, NJ: Transaction, pp.45-50, 1997.

7. Linsky, A, & Straus, M., Social stress in the United States (Căng thẳng xã hội ở Mỹ), Dover, MA: Auburn House, 1996.

8. Korte, C. & Kerr, N., Responses to altruistic opportunities in urban settings (Hồi đáp các cơ hội vị tha trong môi trường đô thị), Journal of Social Psychology, 95, pp.183-184, 1975.

9. Korte, C. & Ayvalioglu, N., Helpfulness in Turkey: Cities, towns, and urban villagers (Sự giúp đỡ ở Thổ Nhĩ Kỳ: trong các môi trường thành phố, thị trấn và làng ven đô), Journal of Cross-Cultural Psychology, 12, pp.123-131, 1981.

10. Triandis HC, Individualism and Collectivism (Chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể), Boulder, CO: Westview, 1995.

11. Whiting, B. B. & Whiting, J. W. M., Children of six cultures: A psycho-cultural analysis (Trẻ em thuộc sáu nền văn hóa: một phân tích tâm lý văn hóa), Cambridge, MA: Harvard University Press, 1975.

12. Curtis, J. E., Grabb, E.G.and Baer, D. E., Voluntary Association Membership in Fifteen Countries: A Comparative Analysis (Thành viên các hiệp hội từ thiện ở 15 quốc gia: một phân tích so sánh), American Sociological Review. 57 (2), pp.139-152, 1992.

13. Eisenberg, N, & Mussen, P, The roots of prosocial behavior in children (Gốc rễ của các hành vi xã hội ở trẻ em), Cambridge: Cambridge University Press, 1989.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 398, tháng 8 – 2017

Tác giả : NGUYỄN TUẤN ANH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *