Ngày nay, bản sắc dân tộc là khái niệm cốt lõi dùng để phân biệt đặc điểm văn hóa của dân tộc này với dân tộc khác. Tuy nhiên, đây không phải vấn đề đơn giản, bởi vẫn còn tồn tại nhiều mâu thuẫn xoay quanh quan điểm của các nhà nghiên cứu… Nhân việc tìm hiểu bản sắc dân tộc trong ca khúc mới Việt Nam, chúng tôi muốn góp bàn thêm về tính chủ quan, khách quan của vấn đề này.
1. Tính chủ quan nằm trong nhận thức, ý thức của con người
Theo Từ điển tiếng Việt thông dụng, “chủ quan là cái thuộc về ý thức, ý chí của con người”(1). Như vậy, tính chủ quan trong vấn đề bản sắc dân tộc là những cái thuộc về bên trong chủ thể, nằm ở nhận thức của con người về các sản phẩm, hiện tượng văn hóa và ý thức tạo ra bản sắc đó.
Nhận thức của con người đối với bản sắc dân tộc trong sản phẩm, hiện tượng văn hóa
Kết quả đợt điều tra xã hội học về ca khúc mới Việt Nam năm 2011 cho thấy mức độ đậm nhạt về bản sắc dân tộc tương đối rõ rệt, thể hiện nhiều ý kiến khác nhau của công chúng (2).
Chúng tôi cho rằng, việc lĩnh hội kiến thức cổ truyền phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như môi trường văn hóa, giáo dục, kiến thức tích lũy… Như vậy, người tích lũy được nhiều vốn kiến thức về âm nhạc cũng như văn hóa cổ truyền thì việc nhận ra bản sắc dân tộc trong một ca khúc hoặc một sản phẩm văn hóa nào đó sẽ thuận lợi hơn.
Trong lĩnh vực văn hóa, con người có những nhận thức khác biệt đối với cùng một sản phẩm. Như trường hợp chiếc áo dài của phụ nữ Việt, phần đông đồng tình về tính đại diện cho văn hóa dân tộc của bộ trang phục này. Cho rằng, áo dài “không đơn thuần là trang phục truyền thống, mà còn là một nét văn hóa nói lên nhân sinh quan và gói trọn tinh thần Việt. Nói cách khác, đó chính là quốc hồn của phụ nữ Việt Nam” (3). Tuy nhiên, bên cạnh đó, lại có quan điểm hoàn toàn đối lập: “Chiếc áo đó là áo tân thời không phải của người Việt, không xuất phát từ cuộc sống bình dân của người Việt… Giá trị của áo dài không bắt nguồn từ tâm hồn dân tộc mà nó là sản phẩm của đô thị”. Hơn nữa, “áo dài được xẻ thành hai tà, trước và sau, nếu như may liền vào thì cũng chẳng khác váy của người Thượng Hải. Cho nên nói rằng áo dài đại diện cho văn hóa dân tộc thì chỉ người nào dễ tính, ít hiểu biết về truyền thống văn hóa dân tộc mới thích thú” (4). Không bàn đến việc đúng hay sai trong những quan điểm vừa nêu, chỉ xét riêng việc nhận thức về bản sắc dân tộc trong cùng một loại sản phẩm văn hóa, rõ ràng có những khác biệt giữa người này với người khác.
Ý thức tạo bản sắc dân tộc cho sản phẩm văn hóa
Trong thực tế không phải bản sắc dân tộc trong các sản phẩm văn hóa đều được tạo ra có chủ ý. Trong trường hợp người sáng tạo có ý thức sử dụng vật liệu để tạo ra bản sắc dân tộc và tìm cách đạt được mục đích, thì sản phẩm đó chứa đựng tính chủ quan.
Trong lĩnh vực âm nhạc, nhiều nhạc sĩ đã tìm tòi, khai thác chất liệu cổ truyền dân tộc một cách có chủ ý nhằm tạo nên màu sắc văn hóa riêng biệt. Để thể hiện tình đoàn kết, gắn bó giữa các tộc người ở miền núi, miền xuôi, ca khúc Chiến thắng Điện Biên đã được nhạc sĩ Đỗ Nhuận chủ ý sử dụng chất liệu dân ca Thái Tây Bắc trong phần đầu, còn phần sau ca khúc thể hiện rõ nét âm điệu của bài Sắp qua cầu trong nghệ thuật chèo ở Bắc Bộ. Chủ ý trên được tác giả xác nhận: “… ngôn ngữ của bài hát Chiến thắng Điện Biên… cần phải có chất nhạc của miền Tây Bắc, vì bối cảnh trận chiến thắng này trên đất Tây Bắc” (5), “… nay bài này tôi thấy cần phải pha chất nhạc giữa Kinh và Thái. Tôi tự hỏi: có pha trộn được không? Tôi nghĩ là được, vì dân tộc Việt Nam là một, mình chỉ cần nhạc cảm chân thực và cần đợi thời điểm” (6). Còn đối với Thanh niên vui mở đường, nhạc sĩ viết: “Gần đây, tôi đã đưa tiết tấu của dân tộc vào bài hát Thanh niên vui mở đường… Theo tôi, tiết tấu này rất vui, hợp với tính thanh niên. Hồi nhỏ, tôi thấy các bạn trẻ hay chơi trò phụ đồng chổi với nhịp trống phụ sai này” (7). Chủ ý của tác giả trong việc sử dụng các chất liệu âm nhạc dân gian đã trở thành nền tảng quan trọng làm nên bản sắc dân tộc cho 2 ca khúc trên, tạo sức hút với đông đảo công chúng.
Việc thể hiện ý thức chủ quan trong sáng tạo không hiếm gặp trong lĩnh vực văn hóa, ở đó các loại hình nghệ thuật không phải ngoại lệ. Bao giờ cho đến tháng mười được đánh giá là “một bộ phim mang nhiều bản sắc dân tộc, một bộ phim thành công của điện ảnh Việt Nam những năm đầu thập niên 80 TK XX” (8). Bản sắc dân tộc trong bộ phim được toát lên qua cảnh làng quê, những bộ áo nâu quen thuộc của người nông dân miền Bắc, đời sống sinh hoạt của họ trên đồng ruộng, đình, miếu… Bên cạnh đó, nó còn bộc lộ đậm nét ở cảnh diễn chèo, âm sắc sáo trúc trong nhạc nền cho bộ phim. Tất cả những yếu tố truyền thống kể trên đã được đưa vào phim một cách có chủ ý.
Như vậy, người sáng tạo đóng vai trò quan trọng đối với việc nhận thức và tạo ra bản sắc dân tộc cho sản phẩm văn hóa.
2. Tính khách quan của bản sắc dân tộc
Theo Từ điển tiếng Việt thông dụng, “khách quan là cái tồn tại bên ngoài, không phụ thuộc vào ý thức của con người” (9). Như vậy, tính khách quan chính là cái tồn tại bên ngoài, có thể cảm nhận được bằng trực giác, không phụ thuộc vào ý thức của con người. Bản sắc dân tộc sau khi được hình thành sẽ mang tính khách quan, về cơ bản, nó được bộc lộ qua 2 khía cạnh:
Một là, sản phẩm văn hóa mang bản sắc dân tộc và yếu tố tạo bản sắc dân tộc trong sản phẩm đó. Trước tiên, tính khách quan được thể hiện ở sự tồn tại của các sản phẩm văn hóa mang bản sắc dân tộc. Dù là những sản phẩm văn hóa vật thể như áo dài, nón lá, tranh Đông Hồ… hay phi vật thể như ca khúc, vở chèo, điệu múa… thì chúng đều tồn tại bên ngoài sự chủ quan của con người, mang giá trị, ý nghĩa văn hóa riêng.
Các yếu tố tạo bản sắc dân tộc trong sản phẩm văn hóa thuộc về văn hóa cổ truyền, bao gồm phong tục tập quán, lễ hội dân gian, trang phục truyền thống, văn học cổ truyền, dân ca nhạc cổ… Trước khi được khai thác để tạo bản sắc dân tộc cho các sản phẩm văn hóa mới, những yếu tố đó đã là những thực thể riêng biệt.
Chất liệu dân ca Thái hay chèo trong ca khúc Chiến thắng Điện Biên, tiết tấu phụ sai trong ca khúc Thanh niên vui mở đường đều tồn tại độc lập trước khi được nhạc sĩ khai thác và sử dụng để sáng tác ca khúc. Trang phục của người nông dân miền Bắc, trích đoạn chèo, âm sắc nhạc khí truyền thống trong bộ phim Bao giờ cho đến tháng mười của đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng là một minh chứng cụ thể.
Hai là, bản sắc dân tộc trong sản phẩm văn hóa. Thực tế qua điều tra xã hội học về bản sắc dân tộc trong ca khúc mới Việt Nam cho thấy, công chúng đã nhận ra bản sắc dân tộc với các mức độ đậm, nhạt khác nhau trong các ca khúc. Thậm chí, tỷ lệ đồng thuận trong đánh giá của công chúng còn đạt mức độ khá cao từ 70,02 – 87,76%, thậm chí còn đạt tới 93,67%.
Không chỉ được cảm nhận bởi công chúng trong nước, bản sắc Việt Nam trong nhiều ca khúc mới còn được nhận ra bởi bạn bè quốc tế. Trường hợp các ca khúc được trích dẫn trong cuốn sách Rock Hà Nội và Rumba Cửu Long – Câu chuyện âm nhạc Việt, được Jasson Gibbs phân tích là những ví dụ điển hình (10).
Bàn thêm về trường hợp chiếc áo dài, mặc dù có những quan niệm đối lập khi đánh giá về bộ trang phục này, nhưng phần đông cho rằng, đó là sản phẩm văn hóa thể hiện được bản sắc dân tộc Việt. Trong bài Tâm sự về áo dài Việt của Đại sứ du lịch, Lý Nhã Kỳ cho rằng: “Bạn bè quốc tế rất ấn tượng với áo dài Việt Nam, từ xa xa họ đã nhận ra Việt Nam trong một đoàn khách đến từ nhiều nước trên thế giới” (11). Một vị khách Nhật Bản cũng chia sẻ: “Đối với khách du lịch, văn hóa của mỗi nước họ đi qua đều được phản ánh chân thực và sống động. Nét sống động mà khách Nhật có thể cảm nhận được khi tới Việt Nam là những tà áo dài thướt tha trên phố” (12).
Bên cạnh đó, bản sắc văn hóa riêng biệt của mỗi vùng, miền trên đất nước ta cũng được thể hiện rõ nét trong các sản phẩm văn hóa. Đối với ca khúc Đêm tàn Bến Ngự (Dương Thiệu Tước), Jasson Gibbs đã có ý thức rõ rệt về những nét riêng của ca Huế: “Những ca sĩ hát Đêm tàn Bến Ngự sẽ hát giai điệu với sự luyến láy riêng và cố gắng phản ánh được âm điệu của ca Huế. Nốt si giáng trong ca khúc thường được hát sắc nét với độ rung thêm vào…”. Tác giả còn khẳng định “ảnh hưởng của những điệu thức này (nam ai hay nam bình) là không thể nhầm lẫn. Người nghe Việt Nam không hồ nghi gì khi xem ca khúc này là ca Huế” (13).
Trong chương trình Talk Việt Nam, phát trên sóng VTV1 (tháng 1 – 2012), Kyo York chia sẻ: “Cá tính của người Việt ở mỗi vùng miền, mỗi khác. Người miền Nam thì thoải mái, thân thiện, nồng hậu. Họ giống như con sông bên bờ thành phố nơi họ sống. Âm nhạc của họ cũng vậy, có nét giống âm thanh của dòng sông. Các giai điệu cũng như sự chuyển mình của con sông vậy. Còn người miền Trung – Tây Nguyên thì ngay thẳng, thoải mái, rất thân thiện. Họ giống như những ngọn núi, sôi nổi, ăn to nói lớn, thú vị và đầy bí ẩn. Còn khi ra đến miền Bắc thì, cũng giống như không khí vậy, âm nhạc của người miền Bắc cứng cỏi hơn, có gu văn hóa, có đẳng cấp và biết bảo tồn các giá trị. Họ tự hào về nơi họ thuộc về” (14). Nhận định riêng của mỗi người có thể đúng hoặc sai, có thể giống nhau hoặc khác nhau, nhưng họ đều cảm nhận được sự khác biệt trong bản sắc của mỗi vùng.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Loan cho rằng: “Mặc dầu nhận định về bản sắc dân tộc trong sản phẩm văn hóa (hoặc bản sắc văn hóa dân tộc) mang tính chủ quan, nhưng khi số đông là những người không có mối quan hệ với nhau về lứa tuổi, nghề nghiệp, thành phần xã hội… đều có nhận định giống nhau về bản sắc dân tộc trong một sản phẩm văn hóa hoặc bản sắc văn hóa của một quốc gia – dân tộc nào đó, thì nhận định mang tính ngẫu nhiên ấy lại chính là một xác nhận cho sự tồn tại khách quan của bản sắc đó. Điều này cũng có nghĩa, bản sắc ấy thực sự là một thực thể tồn tại khách quan – ngoài ý muốn của con người, chứ không phải là một cấu trúc tưởng tượng chỉ nằm trong tư duy của một cá nhân hoặc cộng đồng nào” (15).
Như vậy, có thể khẳng định, sản phẩm văn hóa, bản sắc dân tộc trong sản phẩm văn hóa là thực thể tồn tại khách quan, chỉ có nhận thức hay ý thức của con người về bản sắc dân tộc là mang tính chủ quan. Dù con người nhận thức thế nào thì bản sắc dân tộc vẫn tồn tại độc lập ngoài ý muốn của cá nhân, cộng đồng.
_____________
1, 9. Nguyễn Như Ý, Từ điển tiếng Việt thông dụng, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1996, tr.238, 503.
2. Trần Bảo Lân, Nền tảng bản sắc dân tộc trong ca khúc mới Việt Nam, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 341, tháng 11-2012, tr.29.
3. Áo dài – nét son trong văn hóa Việt, baoangiang.com.vn, 2013.
4. Quốc phục Việt Nam: chọn áo dài là thiếu hiểu biết?, nguyentandung.org, 2013.
5, 6, 7. Đỗ Nhuận, Âm thanh cuộc đời, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 2003, tr.286, 460, 378.
8. wikipedia.org.
11. media.vn.
12. Takayuki Togo, Điều gì của Việt Nam hấp dẫn du khách Nhật?, tin247.com, 2007.
10, 13. Jason Gibbs, Rock Hà Nội và Rumba Cửu Long – Câu chuyện âm nhạc Việt, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2008.
14. Talk Việt Nam – Chàng trai Mỹ thích hát tiếng Việt, Tài liệu ghi âm cá nhân, Hà Nội, tháng 1 – 2012.
15. Theo bài giảng của nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Loan.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 403, tháng 1 – 2018
Tác giả : TRẦN BẢO LÂN
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Nhận diện âm điệu bài chòi (p2)
Những giá trị trong nội dung hát ghẹo