Sự biến đổi lời văn nghệ thuật trong truyện truyền kỳ trung đại

Lời văn nghệ thuật trong truyện truyền kỳ trở thành một tiêu chí nhận diện thể loại, dung hợp nhiều hình thức ngôn ngữ, phương thức biểu đạt của từng loại. Bên cạnh văn xuôi kể chuyện, truyện truyền kỳ còn có mặt nhiều dạng thức lời văn khác như thơ, phú, văn tế, câu đối… Đặc trưng hỗn dung này là phong cách chung của tự sự trung đại phương Đông, truyện truyền kỳ là thể loại đầu tiên thể nghiệm nó. Sự hợp lưu trong tổ chức lời văn được coi là một dấu ấn đặc thù của loại hình sáng tác này. Tuy vậy, ở tiến trình vận động của truyện truyền kỳ trung đại Việt Nam, sự kết hợp nhiều hình thức thể loại không được duy trì liên tục mà ngày càng có xu hướng chuyển từ đa nguyên về đơn nhất.

Đặc trưng hỗn dung của lời văn nghệ thuật

Qua Lĩnh Nam chích quái lục, Thánh Tông di thảo, Truyền kỳ mạn lục, Truyền kỳ tân phả, dấu ấn của truyện truyền kỳ Trung Quốc không chỉ thể hiện ở những môtip truyện, nhân vật đặc thù mà còn rõ nét trong cách phối hợp các hình thức biểu đạt. Thơ, từ, ca, phú, văn tế, câu đối, tấu, sớ được sử dụng như một loại hình ngôn ngữ của nhân vật, khi họ độc thoại hay đối thoại với nhau. Trong một số trường hợp hy hữu, chúng được chuyển hóa thành lời trần thuật, người kể chuyện không ra mặt nhưng mượn hình thức diễn đạt này để bày tỏ nhận định, đánh giá của mình. Ngôn ngữ phi văn xuôi là một yếu tố không thể tách rời trong chỉnh thể tác phẩm, tái hiện không gian văn hóa đặc thù thời trung đại.

Truyện truyền kỳ của Trần Thế Pháp, Lê Thánh Tông, Nguyễn Dữ, Đoàn Thị Điểm, sự có mặt của thơ, ca, từ, phú… có thể xem là một dấu hiệu phân biệt lời nhân vật với lời người kể chuyện. Tất nhiên văn xuôi vẫn là ngôn ngữ chính yếu được dùng trong các truyện kể nhưng khi cần nhấn mạnh phát ngôn của nhân vật, đặc biệt ở những tình huống họ có nhu cầu giãi bày tâm tư sâu kín, người viết truyền kỳ thường sử dụng nhiều kiểu lời văn khác nhau. Trong các dạng thức ngôn ngữ phi văn xuôi, thơ ca có mặt nhiều nhất, là phương tiện để nhân vật đối thoại, độc thoại. Bằng thơ ca, họ có thể xướng họa, thù tạc, thi tài, tranh biện, triết lý, suy tư, bộc bạch nỗi niềm… để vừa phô diễn tài năng cá nhân, vừa kết nối với người đối thoại, đồng thời chia sẻ với bạn đọc những cảm xúc của riêng mình. Bên cạnh đó, những hình thức ngôn ngữ hoặc thiên về làm văn chương như phú, câu đối, hoặc mang tính quy phạm, chức năng như tấu, sớ, văn tế cũng xuất hiện. Chủ thể sáng tác (các nhà nho) đã đem tâm lý, thói quen của mình để hình dung cách nhân vật tự bộc lộ. Không chỉ với nhân vật là nho sĩ, trong thế giới nghệ thuật truyện truyền kỳ, mọi đối tượng đều có nhu cầu sử dụng, tiếp nhận các hình thức diễn đạt này.

Thơ ca có mặt xuyên suốt nhiều truyện kể truyền kỳ trong Lĩnh Nam chích quái lục, Thánh Tông di thảo, Truyền kỳ mạn lục, Truyền kỳ tân phả. Giá trị đa dạng của hình thức ngôn ngữ này cũng được các nhà văn khai thác để mở rộng khả năng biểu đạt của thế giới nghệ thuật, tạo nên màu sắc thi vị rất riêng cho truyện kể. Nếu như ở Truyện giếng Việt, Truyện Hà Ô Lôi, các câu thơ, bài thơ chủ yếu mang tính chất đánh giá, luận bàn, tổng kết kinh nghiệm của một cá nhân hay truyền dẫn thông điệp của cộng đồng thì bắt đầu từ Thánh Tông di thảo, chất thơ, chất trữ tình, chất riêng tư của ngôn ngữ này đã dần đậm nét hơn. Thơ ca trở thành một phương thức biểu đạt tâm lý nhân vật. Nó là hình thức để con người thổ lộ tâm tư, tình cảm, gửi gắm những nỗi niềm tâm sự cá nhân. Chính từ đây, những bí ẩn trong hành tung của nhân vật được giải mã, những niềm riêng của nhân vật được chia sẻ. Con người hiện lên chân thực, sâu sắc, mang tính riêng biệt hơn. Khúc hát tìm người thân của hai thần nữ trong Truyện hai gái thần không chỉ khiến người nghe tò mò, cảm động, phơi bày trước mắt người đọc cuộc sống, số phận con người sau cơn biến loạn của lịch sử: vợ đi tìm chồng, mẹ đi tìm con trong day dứt, lo âu. Con người trong truyện kể của Lê Thánh Tông khi cần bộc bạch tâm sự thường tìm đến ngôn ngữ thơ ca. Người con gái mồ côi mượn lời thơ để giãi bày nỗi nhớ thương khôn xiết khi phải chia cắt người yêu, người chồng làm thơ để miêu tả tấm tình si tha thiết của mình trong những tháng ngày lên kinh, trọ học, nàng Ngọa Vân trong giờ phút chia biệt chồng, lau nước mắt gửi tình vào lời hát bi thiết, xót xa…

Đến Truyền kỳ mạn lục, thơ ca với tư cách tiếng nói bên trong của nhân vật ngày càng thường trực trong các truyện kể. So với Thánh Tông di thảo, tần suất các bài thơ, số lượng nhân vật mượn thơ ca để bộc bạch lòng mình đã có sự gia tăng đáng kể. Khi nhân vật của Nguyễn Dữ hát các bài ca, đọc các bài thơ là họ đang phơi bày trên trang sách con người thật của mình, con người bản năng, suy đồi, thất thế, bất đắc chí… Nhà văn ít dùng thơ làm công cụ trữ tình ngoại đề. Ông nhân danh nhân vật để làm thơ. Xu hướng thi ca hóa ngôn ngữ nhân vật đã giúp Nguyễn Dữ khám phá, lý giải con người ở chiều sâu cảm xúc, nhận thức, mở rộng giới hạn tự do cho nhân vật biểu đạt chính mình. Nhà văn khám phá con người không chỉ qua lời nói, hành động mà còn qua cả những biến chuyển trong tâm lý nhân vật. Ngôn ngữ thơ ca chính là phương tiện có khả năng biểu đạt một cách tinh tế, trọn vẹn nhất thế giới bên trong. Việc các nhân vật của ông có thiên hướng làm thơ trong các tình thế đặc biệt không phải là hành động ngẫu nhiên. Nhờ thơ ca, con người trong Truyền kỳ mạn lục đã xích lại gần nhau trong sự chia sẻ, thấu hiểu. Cũng nhờ thơ ca, khoảng cách giữa nhân vật trên trang sách của Nguyễn Dữ với người đọc được thu hẹp lại. Độc giả biết cảm thông hơn với những chọn lựa của nhân vật bởi biết đằng sau đó là bao nỗi giằng xé, day dứt. Con người được sống hết mình trong không khí yêu đương luyến ái, được tự do ca tụng khoái lạc trần thế, được trải nghiệm những vui thú đời thực.

Xu hướng thi ca hóa ngôn ngữ nhân vật tiếp tục được đẩy mạnh ở Truyền kỳ tân phả. Thậm chí, thơ ca đã trở thành phương tiện chủ đạo để nhân vật của Đoàn Thị Điểm phát ngôn (cả đối thoại, độc thoại). 4 truyện kể trong Truyền kỳ tân phả có tới 71 bài thơ xuất hiện, chưa tính đến những câu thơ riêng lẻ, là nơi nhân vật trò chuyện với riêng mình, bộc bạch những cảm xúc sâu kín nhất. Khoảng trống về tâm lý con người, sự thiếu vắng của ngôn ngữ độc thoại trong văn xuôi tự sự trung đại đã phần nào được bù đắp nhờ hình thức thi, ca, từ, phú mà Đoàn Thị Điểm cùng các nhà văn truyền kỳ trước bà tạo dựng, chuyển hóa vào lời nhân vật. Đây cũng chính là lý do quan trọng để ngôn ngữ thi ca tồn tại như một tất yếu trong cấu trúc lời văn truyền kỳ, một phương diện tạo nên vẻ đẹp đa diện, biến ảo cho hình thức nghệ thuật của thể loại. Bên cạnh chức năng kiến tạo hình tượng thì ngôn ngữ phi văn xuôi, đặc biệt là thơ ca còn đóng vai trò một thành tố trong cấu trúc truyện kể truyền kỳ. Thơ ca đảm nhiệm việc trần thuật, là hình thức để nhà văn tóm lược, khái quát về một cuộc đời, số phận, một hiện trạng nhân sinh. Giữa những dòng tự sự văn xuôi, sự hiện diện của các bài thơ khiến nhịp điệu trần thuật như chậm lại. Người đọc có cơ hội quan sát bức tranh hiện thực đang được tái hiện ở cái nhìn toàn cảnh.

Không chỉ giữ nhiệm vụ trần thuật, ở nhiều truyện kể, thơ ca còn đóng vai trò một yếu tố quan trọng trong kết cấu cốt truyện. Tham gia vào tiến trình sự kiện, trở thành sợi dây móc nối, liên kết các sự kiện, là hình thức bộc lộ tiếng nói bên trong nhân vật, là lớp ngôn ngữ có khả năng miêu tả tinh tế các trạng thái của đời sống thế tục, thơ ca đồng thời cũng là phương tiện chuyển tải những thông điệp nhân văn mới mẻ của nhà văn truyền kỳ. Màu sắc trữ tình, tính chất biểu tượng đặc thù của lớp ngôn ngữ này khiến con đường kết nối tâm hồn người nói, người nghe được rút ngắn. Nhiều phạm vi hiện thực nhạy cảm có cơ hội được lộ diện. Nhờ thơ ca, nhà văn trung đại có thể đặt mình vào vị trí nhân vật, thể nghiệm, công khai miêu tả, ca tụng những cung bậc cảm xúc ái ân, những trạng thái hạnh phúc lứa đôi mà không tạo cảm giác tự nhiên trần trụi. Họ chia sẻ với độc giả quan niệm về tình yêu, hạnh phúc đầy nhân văn, thực tế ngoài những chế định chính thống. Đó là sự kết nối về mặt tinh thần song hành cùng sự hòa hợp thể xác. Đây thực sự là một bước đột phá trong cái nhìn con người, cách tiếp cận hiện thực của nhà văn TK XV.

Sự kết hợp giữa văn xuôi với những kiểu loại lời văn khác mang đến cho truyện truyền kỳ một diện mạo linh hoạt. Cách tổ chức này có thể giúp gia tăng lượng thông tin cho một quy mô ngôn ngữ nhỏ, tăng cường thêm màu sắc trữ tình trong văn bản tự sự; một cuộc đời, một câu chuyện dài có thể được tóm lược chỉ trong vài câu thơ ngắn ngủi; những cảm xúc riêng tư, những suy tư cá nhân của nhân vật nhờ thơ ca cũng được bộc lộ dễ dàng hơn. Ở chừng mực nhất định, sự dung hợp đa dạng hình thức lời văn cũng khiến giọng điệu tác phẩm trở nên linh hoạt, sinh động, bút pháp tiếp cận hiện thực biến hóa đa dạng. Tuy nhiên, khi người viết truyền kỳ lạm dụng thơ, phú để phô diễn tài năng nhân vật, khi yếu tố truyện đóng vai trò sáng tạo tình huống để tác giả thi thố tài thơ thì những ưu thế của ngôn ngữ phi văn xuôi sẽ bị giảm sút đáng kể. Không chỉ truyện kể bị dàn trải, lan man, mà chức năng phô bày những gì riêng tư, sâu khuất nhất trong tâm hồn nhân vật của loại hình ngôn ngữ này cũng không được chú trọng, sự ghép nối giữa cốt truyện với thơ, từ còn tương đối lỏng lẻo.

Xu hướng dùng ngôn ngữ văn xuôi đơn nhất

Cùng với sự thay đổi của phạm vi hiện thực được tái hiện, hình tượng trung tâm, cấu trúc lời văn trong truyện truyền kỳ nửa sau TK XVIII, XIX cũng có những chuyển biến rõ nét. Tính hỗn dung, hợp thể, đặc thù của truyện truyền kỳ đời Đường, đời Minh, dấu hiệu hình thức nổi bật của các tập truyện truyền kỳ Việt Nam trước đó gần như đã bị xóa mờ. Xu hướng tìm về một lối văn giản lược cùng với mối quan tâm chủ yếu dành cho con người ngoại hiện, con người của sự thống nhất giữa suy nghĩ với hành động, giữa lý tưởng với thực tế khiến người viết có chủ trương cắt bỏ các hình thức diễn đạt phi văn xuôi. Phạm vi ngôn ngữ thiên về mở rộng hình tượng nhân vật, mở rộng cốt truyện. Hình thức tự sự gần như duy nhất của các truyện truyền kỳ giai đoạn này là tự sự bằng văn xuôi. Nhà văn trung đại dường như không còn hứng thú với khuynh hướng thi hóa, trữ tình hóa trong kể chuyện.

Sự yếu thế của ngôn ngữ phi văn xuôi trước hết thể hiện ở việc chúng không còn là dạng thức lời văn hiện diện thường trực trong các truyện kể truyền kỳ. Thơ ca, ngôn ngữ phi văn xuôi tiêu biểu nhất xuất hiện khá khiêm tốn, chỉ có 20 bài thơ, một số câu thơ riêng lẻ trên tổng số 164 tác phẩm so với 160 bài thơ hoàn chỉnh ở 39 truyện kể thuộc Lĩnh Nam chích quái lục, Thánh Tông di thảo, Truyền kỳ mạn lục, Truyền kỳ tân phả. Mỹ cảm thi hóa, cái làm nên vẻ đẹp trữ tình, lãng mạn, sức lan tỏa mạnh mẽ của văn chương truyền kỳ đến giai đoạn này đã biến đổi rõ rệt. Sự kết hợp giữa tự sự với trữ tình, thi bút với nghị luận đã không còn là đặc trưng nhận diện gương mặt truyện truyền kỳ. Sự biến hóa của hình thức lời văn, cùng với đó là sự linh hoạt của nhịp điệu trần thuật được tạo nên từ việc đan xen nhiều dạng thức ngôn ngữ cũng vì thế mà giảm sút. Truyện truyền kỳ đến gần với hình thức diễn đạt của thể loại truyện ký.

Không chỉ số lượng giảm thiểu mà chức năng biểu đạt của ngôn ngữ phi văn xuôi, chủ yếu là thơ ca trong truyện truyền kỳ từ nửa sau TK XVIII cũng bị hạn định rất nhiều. Thơ ít xuất hiện với tư cách tiếng nói riêng tư, thầm kín của con người. Vai trò thổ lộ những tâm tư cá nhân sâu kín, miêu tả những điều còn khuất lấp, chưa được phơi bày trong cuộc sống thế tục bị gạt bỏ. Không còn những bài thơ rạo rực, mê say tái hiện cảnh con người đắm chìm trong yêu thương, hoan lạc. Thơ ca trở thành ngôn ngữ để nhân vật tỏ chí, khoe tài. Nó gắn với mục đích làm văn của nhân vật hơn là nhu cầu tìm kiếm một hình thức diễn đạt nội dung của nhà văn. Các bài thơ thường ra đời từ những cuộc xướng họa, đọ tài, từ những lần ngẫu hứng, đề vịnh để con người phô diễn chí hướng, lý tưởng, bản lĩnh, tài năng của mình. Bên cạnh vai trò phương tiện giao tiếp, ngôn ngữ để nhân vật tương tác với nhau, thơ ca trong truyện truyền kỳ từ nửa sau TK XVIII cũng có khi được lựa chọn làm phương thức để con người bày tỏ nỗi lòng.

Chức năng được khai thác nhiều hơn cả của thơ ca trong truyện truyền kỳ nửa sau TK XVIII là chức năng đánh giá, luận bàn. Các bài thơ không chỉ là ngôn ngữ nhân vật mà còn hiện diện với tư cách lời dẫn truyện. Chúng là hình thức để người kể tổng kết, đánh giá về đối tượng được kể. Để gia tăng tính khách quan cho những nhận định, nhà văn truyền kỳ giai đoạn này có xu hướng mượn lời trong lối kể. Họ dẫn ra các câu thơ, bài thơ người đương thời hoặc hậu thế nhận xét, luận giải về nhân vật, sự việc được phản ánh trong truyện kể. Thơ ca nhân danh tiếng nói của dư luận, người đời nhưng cũng có khi là lời bày tỏ quan điểm của một cá nhân cụ thể. Màu sắc trữ tình của ngôn ngữ thi ca hoàn toàn bị xóa bỏ, thay vào đó, tính tự sự, tính triết lý, biện luận được gia tăng. Xét trên cả tính chất lời văn, giá trị biểu đạt, lời thơ gần như không có sự phân biệt với lời văn xuôi. Có lẽ, đây cũng chính là lý do để ngôn ngữ thi ca không còn ưu thế trong tổ chức lời văn ở truyện truyền kỳ giai đoạn này.

TK XVIII, XIX chứng kiến sự trưởng thành mạnh mẽ của ngôn ngữ dân tộc. Những cảm xúc của con người trần tục đã tìm được hình thức biểu đạt tối ưu. Sự có mặt của những thể loại văn học bằng tiếng Việt vừa có thế mạnh trữ tình lại có khả năng tự sự dường như đã khiến cho vai trò của truyện truyền kỳ có những thay đổi nhất định, cấu trúc của thể loại vì thế cũng có nhiều đổi khác. Thay vì dung hợp phương thức biểu đạt của nhiều thể loại, nhà văn giai đoạn này có xu thế hướng tới sự chuyên biệt, trong cả phạm vi hiện thực được khai thác hay bút pháp thể hiện. Màu sắc trữ tình, không khí lãng mạn của một thế giới dung hợp đạo với đời, cái hiển lộ với cái ẩn khuất, chính thống với cấm kỵ biến mất, thay vào đó truyện truyền kỳ chọn cách truyền tải hiện thực chân phương, giản lược. Đây có thể xem như một hướng đi để truyện truyền kỳ ngày càng đến gần hơn với phong cách tự sự hiện đại.

Sự đan xen rộng rãi thơ, từ, ca, phú với biền văn, tản văn để gia tăng chất trữ tình cho những truyện kể văn xuôi, tạo nên sự tương hợp giữa hình thức ngôn ngữ với nội dung phản ánh là phương thức kiến tạo truyện truyền kỳ được định hình từ thời Đường. Nó vừa phản ánh thói quen tư duy, sử dụng ngôn ngữ của người trung đại, hứng thú làm văn chương của nhà nho, để truyện truyền kỳ tiệm cận hình thức biểu đạt của nhiều loại hình sáng tác khác. Chủ ý kết hợp giữa tự sự văn xuôi với tự sự văn vần tiếp tục được đẩy mạnh dưới thời Minh, hình thành nên những dạng thức tác phẩm tiểu thuyết – thơ đặc sắc mà Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu là một điển hình. Sang đến đời Thanh, lối kể chuyện xen lẫn thơ từ có dấu hiệu giảm sút, ngôn ngữ tản văn, biền văn trở thành phương tiện chủ yếu. Truyện truyền kỳ đến gần hơn với quỹ đạo của truyện kể hiện đại. Con đường phát sinh, phát triển từ đa nguyên đến đơn nhất hóa hình thức lời văn nghệ thuật của truyện truyền kỳ Trung Hoa phần nào có thể thấy lại trong diện mạo truyện truyền kỳ trung đại Việt Nam. Tuy nhiên, đó không phải là sự tương đồng, kết quả của quá trình tiếp nhận trực tiếp lối viết truyền kỳ Trung Quốc qua các giai đoạn, mà có thể xem như biểu hiện của xu hướng ly tâm, xa dần những ảnh hưởng của mô hình truyền thống mà truyện truyền kỳ Đường – Minh là mẫu mực kinh điển. Nó phần nào cho thấy xu hướng phát triển tự thân của truyện truyền kỳ ở chặng đường cuối của thể loại này.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 393, tháng 3-2017

Tác giả : ĐỖ THỊ MỸ PHƯƠNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *