Sự biến đổi trong nghệ thuật biểu diễn chèo từ năm 1951 đến nay

Từ sau hội nghị bàn về sân khấu tại Chiến khu Việt Bắc, sâu khấu nói chung, chèo nói riêng đã có những định hướng, phát triển dưới ánh sáng đường lối văn nghệ của Đảng, trong sự quản lý của Nhà nước. Từ đó, sân khấu chèo bước vào một giai đoạn mới, được mệnh danh là sân khấu chèo cách mạng. Những vở chèo này có đề tài về kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, cuộc sống và con người đương đại trong công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, công cuộc xây dựng đất nước sau khi hoàn toàn thống nhất. Chưa có con số thống kê cụ thể nhưng ước tính đã có tới khoảng trên 200 vở chèo thuộc đề tài hiện đại ra đời từ 1951 đến nay. Trên 50 năm qua, chèo cổ đã có sự biến đổi về các nguyên tắc, thủ pháp nghệ thuật biểu diễn chèo.

Biến đổi về nguyên tắc và thủ pháp tự sự

Vào những năm 50 của TK XX, bố cục của vở chèo học theo kết cấu kịch nói phương Tây (kịch 5 hồi), thủ pháp tự sự lại vẫn được vận dụng ở các lớp xưng danh, lớp tự bạch của nhân vật như:

Sáng huy hiệu Bác Hồ tặng thưởng

Chính tôi là chiến sĩ Điện Biên

(Mối tình Điện Biên – 1958)

Càng về các thập kỷ sau, lối xưng danh bớt dần, cuối TK XX thì hầu như không còn sử dụng. Việc giao đãi về lý lịch nhân vật được lẩn vào trong lời thoại giống như trong kịch nói. Những lời kể về không gian, thời gian được thay thế bằng trang trí, sự phối hợp âm nhạc với xử lý ánh sáng sân khấu. Thủ pháp tự sự được vận dụng như trong vở chèo ngắn Đường về trận địa rất hiếm hoi.

Hầu hết các vở chèo đề tài hiện đại, ra đời cuối TK XX đầu TK XXI, chỉ duy trì thủ pháp tự sự trong diễn xuất ở các lớp độc bạch của nhân vật. Nghệ thuật biểu diễn trong các lớp này thể hiện ở ngữ khí đài từ, nét diễn biểu lộ tâm trạng và sự giao lưu với khán giả. Lớp nhân vật kể chuyện với khán giả ít thấy trong các vở dài của chèo chuyên nghiệp. Trong khi còn khá phổ biến ở các vở ngắn thuộc sân khấu chèo không chuyên của quần chúng. Rút bớt các lớp diễn theo thủ pháp tự sự xuất phát từ yêu cầu tăng nhịp điệu, tiết tấu của vở diễn khi sự giao đãi về nhân vật hay không gian, thời gian đã được thay thế bằng các ngôn ngữ phù trợ khác là trang trí, âm nhạc và ánh sáng. Đây là xu thế tất yếu, không vượt qua giới hạn cho phép, nếu như vở diễn vẫn được kết cấu theo nguyên tắc tự sự, kể chuyện bằng trò, mượn truyện bày trò.

Biến đổi về nguyên tắc và thủ pháp ước lệ

Chịu ảnh hưởng của kịch nói phương Tây với mục đích tả thực, hầu hết các vở diễn đề tài hiện đại ở các đơn vị chèo chuyên nghiệp đều giảm bớt, thậm chí bỏ hẳn các động tác ước lệ. Chỉ vận dụng một số động tác hư tương đồng với động tác vô thực vật của kịch nói. Những động tác hư này cũng rất ít, đôi khi bật ra khỏi phong cách chung của động tác tả thực trong toàn vở. Một số vở về đề tài chiến tranh, nghệ sĩ sử dụng các động tác ước lệ khi diễn tả những trận đánh nhưng nhiều khi được cách điệu hóa thành các động tác múa. Giảm bớt hoặc bỏ hẳn các động tác ước lệ là xu thế khó cưỡng khi vở diễn được dàn dựng theo tư duy tả thực của các đạo diễn kịch nói hoặc các đạo diễn từ diễn viên chèo đã học đạo diễn kịch về dựng chèo. Tư duy tả thực chi phối, định hướng sáng tạo về viết kịch bản chèo và nghệ thuật biểu diễn của các diễn viên.

Thủ pháp biểu diễn ước lệ chỉ có thể vận dụng thành công khi kịch bản viết theo nguyên tắc tự sự, ước lệ, đạo diễn dàn dựng vở theo nguyên tắc ước lệ. Nhiều vở diễn trở nên kệch cỡm khi đang diễn tả thực, nhân vật lại múa trang trí khi cất lên câu hát. Muốn áp dụng thủ pháp ước lệ trong diễn xuất, không còn cách nào khác, vở diễn phải trở lại với phương pháp nghệ thuật tả ý, tả thần và nguyên tắc ước lệ của chèo truyền thống. Vở Đường về trận địa của Đoàn Văn công Quân khu Ba được hoan nghênh nhiệt liệt vì đã vận dụng, thực hiện tổng thể ngôn ngữ theo các nguyên tắc cơ bản của chèo truyền thống. Kịch bản được viết theo nguyên tắc tự sự, ước lệ. Vở diễn dàn dựng trên một sàn diễn trống trơn, không gian, thời gian đều được diễn kể bằng lời thoại và các động tác ước lệ của diễn viên. Nhân vật anh bộ đội, chị dân quân vừa là một điển hình hóa, vừa là một mô hình nhân vật mới mang nhiều tính chung. Tất cả đã tạo nên sự nhuần nhuyễn chất chèo.

Những sự biến đổi trong việc sử dụng thủ pháp ước lệ ở các vở đề tài hiện đại vẫn còn là một vấn đề chưa có sự thống nhất cao trong các nhà hát, đoàn chèo chuyên nghiệp. Đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm một cách nghiêm túc, công phu không chỉ dựa vào sự tùy hứng, chủ quan của một số đạo diễn và các diễn viên.

Biến đổi về nguyên tắc và thủ pháp mô hình hóa

Trên 50 năm qua, ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa vào sân khấu chèo rất sâu đậm, có lúc trở thành nếp nghĩ thường nhật của những người làm chèo. Vì vậy, nguyên tắc khái quát hóa, điển hình hóa của chủ nghĩa hiện thực đã chi phối tư duy sáng tạo của tác giả, đạo diễn, diễn viên các đơn vị chèo chuyên nghiệp. Chính vì vậy, nguyên tắc và thủ pháp mô hình hóa hầu như đã bị loại bỏ ở các vở diễn đề tài hiện đại, thay vào đó là nguyên tắc điển hình hóa. Vào những năm 50, 60 của thế kỷ trước, trong các vở diễn chèo thuộc đề tài hiện đại xuất hiện bóng dáng của các vai diễn tiêu biểu của chèo cổ như: Thị Màu, Thị Kính, Súy Vân, Mụ Sùng, Mẹ Đốp, Lão Say, Hề Gậy, Hề Mồi… Tưởng chừng vận dụng nguyên tắc mô hình hóa và chuyển hóa mô hình của chèo cổ nhưng thực ra đó chỉ là sự mô phỏng, bắt chước vụng về các vai diễn cổ. Nhận rõ đấy là cái sai, điều dở nên các tác giả, các nghệ sĩ chèo đã từ bỏ lối nhại lại, mô phỏng ấy. Không nhại lại các mô hình nhân vật chèo cổ, chưa mô hình hóa được các nhân vật trong đề tài hiện đại, những người tham gia sáng tác các vở diễn của đơn vị chèo chuyên nghiệp đã lựa chọn việc xây dựng nhân vật theo nguyên tắc điển hình hóa. Định hướng như vậy nhưng rất ít nhân vật trong các vở diễn đạt tới giá trị điển hình.

Biến đổi trong xử lý đài từ và hát chèo

Một trong những yếu tố tạo nên đặc trưng của nghệ thuật diễn chèo là cách xử lý đài từ và hát các làn điệu chèo. Trong chèo đề tài hiện đại, việc xử lý đài từ và cách hát các làn điệu chèo cũng đã biến đổi so với chèo cổ. Về xử lý đài từ, giống như các thể loại sân khấu khác, ngữ khí đài từ cũng phải thể hiện được sắc thái của giới tính, lứa tuổi, tính cách, tâm trạng nhân vật trong các tình huống, mang tính hành động và thể hiện được giá trị văn học của lời thoại. Riêng với diễn viên chèo, còn phải xử lý ngữ khí (giọng điệu) của lời thoại theo yêu cầu cách điệu hóa để tạo nên sự hài hòa với lời thoại đã thơ hóa và có tính nhạc trong câu văn (thơ). Ở các vở đề tài hiện đại, hầu hết các yêu cầu về xử lý đài từ vẫn giữ nguyên như ở chèo cổ đáp ứng yêu cầu của tiếng nói trên sân khấu. Riêng cách điệu hóa, có sự biển đổi đôi chút, giảm bớt tính nhạc và đẩy nhanh tiết tấu hơn so với đài từ trong chèo cổ. Các lời thoại bằng thơ đã gần hơn với lời thoại trong đời sống hàng ngày. Tính cách điệu còn ở mức độ thấp, tương ứng với nhịp điệu tiết tấu của hành động diễn xuất.

Về xử lý hát, trước kia, khi biểu diễn ở các hội làng, nếu diễn theo phương thức trả thù lao, bằng cách tính thời gian (hát đổ hồ), các nghệ sĩ dân gian thường kéo dài vở diễn, gia tăng các lớp trò ngoài tích, lồng nhiều điệu hát vào các đoạn đối thoại, mỗi làn điệu lại hát nhiều trổ, tiết tấu được tãi ra (còn gọi là hát giãi). Hoặc gặp nơi dân làng thích nghe hát thì hát nhiều điệu, mỗi điệu nhiều trổ, thậm chí có điệu hát dài tới 7, 8 phút. Sau khi sưu tầm, chỉnh lý chèo cổ, vào những năm 1958 – 1962 các tích diễn đã thu lại từ 150 đến 180 phút. Do đó, số làn điệu sử dụng trong vở cũng bớt đi. Mỗi làn điệu chỉ hát 3 trổ là cùng. Duy ở hai điệu: Quân tử vu dịchTình thư hạ vị trong vở Lưu Bình – Dương Lễ mới hát đến 5 trổ. Chèo cổ đã được chỉnh lý thành chèo truyền thống cũng đã có sự biến đổi về hát so với chèo cổ từ đầu TK XX về trước.

Trong các vở diễn đề tài hiện đại, ở các đơn vị chèo chuyên nghiệp, số làn điệu được sử dụng còn ít hơn các vở chèo cổ đã chỉnh lý. Mỗi điệu hát thường dùng từ 1 đến 2 trổ. Điệu Quân tử vu dịch thường dùng 3 trổ. Lưu không giữa các trổ từ 8 nhịp ở chèo cổ đã thu gọn lại còn 4 nhịp, thậm chí giữa hai trổ hát khúc đoạn ngân đuôi i a đã lược bớt, hay bỏ hẳn (như ở điệu Cách cú). Tiết tấu cũng được đẩy nhanh hơn, không còn chậm rãi như chèo cổ nữa. Như vậy, trong chèo đề tài hiện đại, xử lý đài từ và hát đã có sự biến đổi rõ rệt, để phù hợp với tiết tấu thời đại. Tuy nhiên, sự biến đổi này khi quá đà, dễ làm mất màu chèo, giảm bớt sức biểu cảm của các làn điệu, nhất là với các làn điệu trữ tình.

Sự kết hợp giữa kế thừa và biến đổi trong nghệ thuật chèo

Trong quá trình sáng tạo vở diễn, sự kế thừa, biến đổi đã được tiến hành đồng thời, với những mức độ thành công khác nhau trong từng vở diễn. Trên thực tiễn, qua khảo sát các vở diễn đề tài hiện đại ở các đơn vị nghệ thuật chèo chuyên nghiệp, có thể phân chia thành 3 mức độ khác nhau trong việc kết hợp giữa kế thừa và biến đổi trong nghệ thuật biểu diễn.

Mức độ thứ nhất, thiên về sự kế thừa. Các vở diễn thiên về sự kế thừa đều chú trọng tuân thủ các nguyên tắc, thủ pháp tự sự, ước lệ, cách điệu hóa trong việc xử lý các động tác diễn xuất, đài từ và hát, múa. Tiêu biểu là các vở diễn: Đường về trận địa (Đoàn Văn công Quân khu Ba và nhiều Đoàn chèo khác), Sông Trà Khúc, Tình rừng, Bà Huyện trong mơ, Bão táp giữa đầm sen (Nhà hát Chèo Việt Nam), Những tiếng đàn bầu (Đoàn Chèo Hải Phòng), Đào lý một cành (Nhà hát Chèo Hải Dương) và một số vở khác. Bà huyện trong mơ là vở chèo đề tài hiện đại, dựa theo chuyện có thật ở Hà Tây đã đăng trên một số tờ báo. Nhà hát Chèo Việt Nam dàn dựng vở này năm 2009. Vở diễn được trình bày theo phong cách chèo sân đình. Trên sân khấu, chỉ có một số bục gỗ giống như những chiếc hòm đồ to nhỏ của các gánh chèo cổ xưa. Dàn nhạc được chia đôi ngồi hai bên sàn diễn, sát cánh gà rạp hát. Các nhân vật vào ra theo lối cửa sinh, cửa tử của chèo sân đình. Toàn bộ không gian, thời gian đều được gợi tả theo diễn xuất và lời thoại của các vai chèo. Các thủ pháp tự sự, ước lệ và cách điệu hóa được xử lý quán xuyến trong toàn vở từ đội hình tập thể đông người ở một làng quê cho đến từng nhân vật chính phụ. Ở những lớp hài, chi tiết hài, các động tác được khoa trương như hề chèo trong các vở cổ. Kết hợp với nhạc không lời, chủ yếu là bộ gõ, các động tác ước lệ, cách điệu hóa và khoa trương của các vai diễn rất ăn khớp, đồng bộ tạo nên hiệu quả vở diễn với những tiếng cười hài hước, châm biếm. Bà huyện trong mơ là một vở diễn thử nghiệm thành công, khẳng định chèo có thể đi vào các đề tài hiện đại với những nguyên tắc và thủ pháp của nghệ thuật biểu diễn chèo cổ, nếu biết chọn những tích mới thích hợp, trình độ diễn xuất điêu luyện của diễn viên, tài năng của đạo diễn am hiểu chèo.

Mức độ thứ hai, kết hợp hài hòa giữa kế thừa và biến đổi. Những vở diễn có sự kết hợp hài hòa giữa kế thừa và biến đổi trong nghệ thuật biểu diễn là những vở trên cơ sở kế thừa các nguyên tắc, thủ pháp của chèo cổ đã cách điệu hóa phù hợp với ngôn ngữ trong lời thoại, làn điệu cổ và mới, đồng thời đảm bảo tiết tấu phù hợp với tiết tấu cảm của người xem. Tiếp nhận ảnh hưởng từ các yếu tố ngoại sinh nhưng được chọn lọc và chèo hóa làm cho sự biến đổi không đột biến. Những vở diễn dạng này có thể kể tới: Cô gái sông Lam (Đoàn Chèo Nghệ An -1962), Người con gái sông Cấm (Đoàn Chèo Hải Phòng – 1964), Người Dao xuống núi (Đoàn Chèo Quảng Ninh – 1970), Nguyễn Viết Xuân (Đoàn Chèo Tổng cục Hậu Cần – 1970)…

Vở Những vần thơ thép có kế thừa và biến đổi các nguyên tắc, thủ pháp của nghệ thuật biểu diễn chèo cổ trong một vở chèo đề tài hiện đại. Những vần thơ thép là một vở chèo đề tài hiện đại đặc biệt khó bởi diễn kể về Hồ Chí Minh trong những năm Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam và giải qua hàng chục nhà lao tại tỉnh Quảng Tây, Trung Hoa dân quốc. Đạo diễn cùng với các nghệ sĩ, diễn viên nhà hát tạo nên một vở diễn đậm đà bản sắc chèo lại đảm bảo tính chân thực lịch sử, tạo nên sức hấp dẫn từ tư tưởng đến nghệ thuật. Các vai diễn đã xử lý một cách chuẩn mực các thủ pháp tự sự, ước lệ của chèo cổ kết hợp với một số yếu tố tả thực. Bên cạnh các lớp diễn hài kế thừa hề chèo là những lớp diễn có tiếp nhận và chèo hóa các đơn nguyên của thế hệ Stanixlavxki khi cần diễn tả tâm trạng nhân vật. Sự kết hợp giữa lối diễn ước lệ với lối diễn hiện thực tâm lý thành công nhất ở vai Hồ Tiên Sinh. Động tác hình thể mang tính ước lệ và cách điệu đôi chút kết hợp với thể hiện nội tâm qua gương mặt, ánh mắt, ngữ khí đài từ. Như khi thể hiện các tình tiết diễn tả tâm trạng Người qua bài thơ Không ngủ được trên nền ca khúc phổ bài thơ với những câu: “Một canh, hai canh, lại ba canh…” hay tình tiết Người nhớ về quê hương đất nước tưởng tượng ra cảnh đồng bào bị áp bức, đã vùng lên tranh đấu… Các vai cảnh binh, tù nhân cũng vận dụng các thủ pháp tự sự ước lệ kết hợp với tả thực như vậy. Mỗi vai diễn một vẻ nhưng đều là sự kết hợp hài hòa giữa kế thừa và biến đổi trong nghệ thuật biểu diễn. Thành công xuất sắc của Những vần thơ thép là sự tổng hợp hài hòa tất cả các ngôn ngữ thành phần từ kịch bản đến đạo diễn, âm nhạc, mỹ thuật, múa. Nghệ thuật biểu diễn là trung tâm hội tụ và giữ phần quan trọng có ý nghĩa quyết định nhất của vở diễn.

Mức độ thứ ba, thiên về biến đổi. Các vở diễn thuộc mức độ thứ ba, thiên về biến đổi hầu hết là các vở kịch nói cắm hát chèo. Các vở này bị chỉ là kịch cắm hát, bởi được dàn dựng từ một kịch bản kịch nói 100%. Khi dàn dựng thì cắm thêm các điệu chèo cổ vào các đoạn đối thoại của các nhân vật. Các vở kịch cắm hát mệnh danh là chèo cải tiến biểu diễn theo phương pháp tả thực, vận dụng các đơn nguyên của nghệ thuật biểu diễn hiện thực tâm lý thuộc thế hệ   Stanixlavxki. Thỉnh thoảng người xem bắt gặp một vài động tác hơi cách điệu vì thói quen nghề nghiệp của diễn viên thủ vai, ngoài chủ định của đạo diễn. Các vở này đôi khi còn giảm bớt hoặc bỏ hết làn điệu chèo cổ, thay bằng ca khúc mới tân nhạc. Dạng vở thứ ba này là biến đổi nghệ thuật biểu diễn trên sân khấu của một số nhà hát chèo, đoàn chèo chuyên nghiệp tới mức cực đoan: từ bỏ nghệ thuật biểu diễn chèo cổ. Có thể kể đến các vở: Một tình yêu sẽ đến, Bông hồng kiêu hãnh (Đoàn Chèo Hà Sơn Bình – 1980, 1981), Trời xanh trên mái phố (Đoàn Chèo Hà Nội – 1995), Ba người lính trở về (Đoàn Chèo Thái Bình – 1995), Điều đọng lại sau chiến tranh (Đoàn Chèo Tổng cục Hậu cần – 1998), Đất làng (Nhà hát Chèo Thái Bình – 2011)…

Khi vở diễn mệnh danh là chèo nhưng dựng từ kịch bản kịch nói, tổ chức xung đột theo nguyên tắc hành động xuyên, theo cấu trúc kịch 5 hồi, diễn viên thoại lời văn xuôi theo ngữ khí đài từ kiểu kịch thì không thể diễn ước lệ cách điệu được.

Sự vận động của sân khấu chèo trên 50 năm qua có những diễn biến phức tạp bởi thiếu đồng nhất trong quan điểm kế thừa và cách tân chèo của các đạo diễn dàn dựng vở cho các đơn vị chèo chuyên nghiệp. Sự kế thừa và biến đổi nghệ thuật biểu diễn chèo cổ trong chèo hiện đại đã được chia làm ba khuynh hướng chính. Thực tiễn đã khẳng định khuynh hướng kế thừa là chủ yếu nếu có kịch bản thích hợp, kết hợp hài hòa giữa kế thừa và biến đổi như khuynh hướng thứ hai thì các vở diễn tạo được những thành công. Còn khuynh hướng thứ ba (biến đổi hoàn toàn) chưa khẳng định được vị thế trong lòng khán giả. Các đơn vị cố kết với kịch cắm hát cũng đang có biểu hiện ngả dần sang khuynh hướng thứ hai. Nghệ thuật biểu diễn trong chèo hiện đại nói chung, chèo đề tài hiện đại nói riêng sẽ kế thừa và biến đổi nghệ thuật biểu diễn chèo cổ một cách hài hòa, vừa phát triển lên một trình độ cao hơn, vừa giữ vững đặc trưng ngôn ngữ thể loại, giúp cho các vở diễn vừa phù hợp với thời đại mới mà vẫn đậm bản sắc chèo.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 398, tháng 8 – 2017

Tác giả : NGUYỄN THỊ BÍCH NGOAN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *