Sự chuyển đổi hệ giá trị văn hóa truyền thống việt nam (p1)


1. Giá trị và giá trị văn hóa

Trong các ngôn ngữ phương Tây, thuật ngữ giá trị (A. value, F. valeur; tương đương với ценность của tiếng Nga, 价值? / 價值? của tiếng Hoa), bắt nguồn từ valere của tiếng La tinh có nghĩa là khỏe mạnh, tốt, đáng giá, ban đầu được dùng để chỉ việc một thứ gì đó đáng giá, trước hết là theo nghĩa giá trị trao đổi của kinh tế học mà nhà kinh tế học chính trị Adam Smith đã nói đến trong tác phẩm nổi tiếng Tìm hiểu về bản chất và nguồn gốc của cải của các quốc gia xuất bản năm 1776. Theo Đại bách khoa toàn thư Xô viết (30 tập), giá trị là thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong các tài liệu triết học và xã hội học để chỉ ý nghĩa con người, xã hội và văn hóa của những hiện tượng thực tế nhất định (1).

Là một thuật ngữ được sử dụng rất rộng rãi, song ở khái niệm giá trị còn tồn đọng rất nhiều vấn đề lý luận chưa được giải quyết thấu đáo.

         Giá trị và văn hóa

Các tài liệu nghiên cứu, các từ điển bách khoa lâu nay thường phân biệt giá trị đạo đức (ethical values), giá trị kinh tế (economic value), giá trị văn hóa (cultural value), giá trị xã hội (social value), giá trị pháp lý (law’s value), giá trị ký hiệu học (semiotic value), giá trị toán học (mathematical value),…

Đây là một cách nhìn rất truyền thống, nó ra đời có lẽ chỉ sau thời Adam Smith (TK XVIII) mà thôi. Chính vì ra đời trước khi có khoa học văn hóa học, nên văn hóa chỉ được hiểu theo nghĩa hẹp (= văn hóa tinh hoa), và do vậy mà giá trị văn hóa mới được đặt ngang hàng bên cạnh các loại giá trị khác.

Quan niệm trình bày trong Bách khoa toàn thư văn hóa học TK XX của Nga xuất bản năm 1998 coi “giá trị là những thành tố quan trọng nhất của văn hóa con người bên cạnh các chuẩn mực và các lý tưởng”(2) thì lại thu hẹp nội hàm của khái niệm giá trị, văn hóa không phải là hệ thống giá trị, mà là hệ thống của giá trị và nhiều thứ khác.

Như vậy, nếu hiểu văn hóa giá trị theo nghĩa rộng, chấp nhận quan niệm coi văn hóa là hệ thống giá trị do con người sáng tạo ra thì khái niệm văn hóa trong cụm từ giá trị văn hóa phải được hiểu là do con người sáng tạo ra. Giá trị văn hóa đối lập với giá trị tự nhiên và bao gồm tất cả các loại giá trị đạo đức, giá trị kinh tế, giá trị pháp lý, giá trị ký hiệu học, giá trị toán học,…, vì mọi giá trị và hệ giá trị do con người sáng tạo ra đều thuộc văn hóa cả rồi.

         Giá trị văn hóa và tính tinh thần, đạo đức

Nhiều người đồng nhất giá trị (văn hóa) với giá trị tinh thần.

Điều này không đúng. Bên cạnh giá trị tinh thần còn có giá trị vật chất. Nếu hiểu khái niệm tinh thần theo nghĩa hẹp thì người ta còn có thể phân biệt ba loại giá trị: giá trị vật chất, giá trị xã hội – chính trị và giá trị tinh thần (3). Nhà triết học Đức Max Scheler (1874-1928) trong tác phẩm kinh điển Chủ nghĩa hình thức trong đạo đức học và đạo đức học phi chính thống về các giá trị xuất bản lần đầu năm 1913 phân biệt tới bốn loại giá trị: giá trị tinh thần (như chân, thiện, mỹ); giá trị thiêng (niềm tin tôn giáo); giá trị cảm xúc hay khoái lạc; và giá trị đời sống (như sức khỏe) (4), trong đó thực ra giá trị thiêng chính là một loại giá trị tinh thần, giá trị đời sống chính là giá trị vật chất, chỉ có giá trị cảm giác là phi vật chất nhưng chưa hẳn là tinh thần.

Tuy nhiên, đúng là trong tất cả các loại ấy thì giá trị tinh thần là loại giá trị quan trọng nhất, chi phối các loại giá trị khác. Phẩm chất tinh thần là phẩm chất quan trọng nhất, là hạt nhân cốt lõi của khái niệm giá trị. Vì vậy khoa giá trị học (Axiology, từ tiếng Hy Lạp axia là giá trị, đáng giá và logia) chỉ nghiên cứu các giá trị tinh thần thuộc về đạo đức học và mỹ học.

Thực ra, việc coi loại giá trị nào quan trọng hơn loại giá trị nào phụ thuộc vào tiêu chí đánh giá.

M.Scheler khẳng định rằng trong bốn loại giá trị thì giá trị cảm xúc mới là loại nằm ở vị trí cao nhất trong bậc thang cấp hệ giá trị: giá trị cảm xúc > giá trị đời sống > giá trị tinh thần > giá trị thiêng (5). Quan niệm của M.Scheler là do hoàn cảnh lịch sử chi phối. Trước M.Scheler, Immanuel Kant (1724-1804) đã đưa ra thuyết giá trị đạo đức để thay thế cho các giá trị thần học đã thống trị suốt thời trung cổ. Đến lượt mình, M.Scheler thay thế giá trị đạo đức của I. Kant bằng giá trị cảm xúc (feeling values). Theo M.Scheler, giá trị là đối tượng chủ tâm của cảm xúc cũng giống như màu sắc là đối tượng chủ tâm của thị giác: con người có khả năng nhìn thấy màu vàng cũng giống như con người có khả năng cảm nhận được lòng tốt. Giá trị được cụ thể hóa qua các đối tượng vật chất nhưng tự thân nó không phải là đối tượng vật chất. Trong khi hàng hóa kiểu như bức tranh là đối tượng thực nghiệm thì giá trị mang bản chất tiên nghiệm (a priori), tồn tại không lệ thuộc vào hàng hóa mà qua đó nó được cụ thể hóa (6).

Vị trí mà M.Scheler dành cho giá trị cảm xúc chỉ đúng khi ta đánh giá theo xúc cảm vô thức – sinh học: đúng là trong vô thức, ta thường cho rằng không khoái cảm nào lớn hơn, mạnh hơn khoái cảm do hoạt động tình dục mang lại. Trong khi thực ra khoái cảm tình dục chỉ mạnh trong chốc lát, sức khỏe như giá trị vật chất mới là cái mạnh lâu dài: không ăn không uống thì chỉ có chết, lấy đâu sức khỏe mà làm tình? Do vậy, từ góc độ quan điểm duy vật, thì giá trị vật chất mới là quan trọng. Song quan niệm như vậy là mới dừng lại ở một thứ duy vật thô thiển. Con người khác động vật duy vật chất ở chỗ có văn hóa và biết phát huy các giá trị tinh thần ẩn tàng trong đó. Ai cũng biết khả năng nhịn ăn nhịn uống siêu việt của các nhà yoga Ấn Độ. Đối với con người, các giá trị vật chất luôn chứa đựng giá trị tinh thần như một bộ phận quan trọng không thể thiếu, nhưng không đồng nhất với nó.

Trong các tài liệu không chỉ tồn tại quan niệm hẹp về giá trị văn hóa mà còn phổ biến quan niệm đồng nhất giá trị văn hóa với giá trị đạo đức, coi giá trị văn hóa thuộc lĩnh vực đạo đức. Từ điển Wikipedia tiếng Anh định nghĩa “giá trị văn hóa là giá trị đạo đức tương đối”(7). Sự đồng nhất này lại càng sai, vì văn hóa rộng hơn đạo đức, đạo đức chỉ là một thành tố của văn hóa, của hệ giá trị. Hệ giá trị văn hóa bao gồm cả giá trị vật chất lẫn giá trị tinh thần. Giá trị tinh thần bao gồm cả giá trị ứng xử và các giá trị tinh thần khác. Đạo đức chỉ liên quan đến giá trị văn hóa ứng xử.

         Giá trị văn hóa và chuẩn mực

Nhiều người đồng nhất, hoặc gần như đồng nhất, giá trị với chuẩn mực. Chẳng hạn, Cyde Kluckhohn (1951) cho rằng “giá trị là quan niệm về điều mong muốn đặc trưng hiện hay ẩn cho một cá nhân hay một nhóm và ảnh hưởng tới việc chọn các phương thức, phương tiện hoặc mục tiêu của hành động”(8). Trên cơ sở định nghĩa của C.Kluckhohn, F.Chzel định nghĩa lại giá trị là “những tiêu chuẩn về cái có thể ao ước được, chúng xác định các mục đích chung của hành động”, còn Đoàn Văn Chúc thì định nghĩa “giá trị là cái khả ao ước trong đời sống của một cộng đồng xã hội, một nhóm hay một cá nhân”(9). Cũng theo hướng này, Phạm Minh Hạc và các cộng sự định nghĩa “giá trị là cái quy định mục đích của hoạt động”(10).

Giá trị là một khái niệm rộng, trong đó chỉ có các giá trị định hướng mới gần với chuẩn mực. Còn giá trị văn hóa và chuẩn mực là hai khái niệm giao nhau, chúng phân biệt với nhau theo tiêu chí thời gian. Giá trị văn hóa bao gồm các giá trị do con người sáng tạo ra trong quá khứ và hiện tại (có tính lịch sử). Chuẩn mực (thường là về đạo đức) là những giá trị mà con người hướng tới trong hiện tại và tương lai.

13 phẩm chất mà Tổng thống Benjamin Franklin đề ra năm 1776 và cho rằng mỗi người Mỹ cần phải có (chừng mực, nói đủ, ngăn nắp, kiên quyết, tiết kiệm, tính công nghiệp, chân thành, công lý, trung dung, yên bình, thuần khiết, khiêm tốn) chứa đựng cả những giá trị mà người Mỹ đã và đang có (như kiên quyết, tính công nghiệp, công lý,…) và cả những giá trị trái ngược với tính cách Mỹ (như chừng mực, trung dung,…). Đó là chuẩn mực (do một tổng thống Mỹ đặt ra cho dân Mỹ) chứ không phải là giá trị văn hóa Mỹ.

Năm quan điểm chung về giá trị văn hóa đạo đức của Singapor mà mọi người dân cần noi theo: Quốc gia trên hết, xã hội đầu tiên; Gia đình là gốc, xã hội là thân; Quan tâm giống nhau, đồng cam cộng khổ; Tìm cái đồng, gạt cái bất đồng, hiệp thương cùng hiểu biết; Chủng tộc hài hòa, tôn giáo khoan dung (11) cũng là chuẩn mực đạo đức, là định hướng giá trị, chứ không phải là giá trị văn hóa Singapore.

         Giá trị văn hóa và tính chủ quan, tương đối

Giá trị văn hóa có tính chủ quan và tính tương đối.

Từ điển Wikipedia tiếng Anh coi “giá trị văn hóa là giá trị đạo đức tương đối” và cho rằng giá trị mang tính chủ quan, chúng khác biệt giữa các dân tộc và các nền văn hóa và trên nhiều phương diện, chúng phụ thuộc vào niềm tin và các hệ thống tín ngưỡng tôn giáo (12).

Đại từ điển Bách khoa của Nga định nghĩa: “Giá trị là ý nghĩa tích cực hoặc tiêu cực của các đối tượng thuộc thế giới bao quanh con người, của nhóm xã hội, của xã hội nói chung, được xác định không phải do các tính chất tự thân của chúng, mà là do chúng được lôi kéo vào lĩnh vực hoạt động đời sống, các mối quan tâm, các nhu cầu, và các quan hệ xã hội của con người”. Sự lôi kéo này tạo ra tính chủ quan. “Giá trị còn là những tiêu chí và phương pháp đánh giá ý nghĩa ấy, thể hiện qua các nguyên tắc và chuẩn mực, lý tưởng, phương hướng, mục tiêu đạo đức”(13). Những tiêu chí và phương pháp đánh giá này tạo ra tính tương đối.

Giá trị bao giờ cũng là kết quả của sự so sánh và đánh giá.

Phạm trù giá trị hình thành trong nhận thức của con người bằng con đường so sánh các hiện tượng khác nhau. So sánh từ góc nhìn của con người và theo tiêu chí do con người đặt ra tạo nên tính chủ quan của giá trị.

Trong quá trình tồn tại, tìm hiểu và chiêm nghiệm thế giới, con người không chỉ so sánh mà còn đánh giá để đi đến quyết định rằng đối với mình, cái gì là quan trọng trong cuộc đời, cái gì không. Kết quả là mọi thứ của thế giới xung quanh đều được con người nhìn qua lăng kính độ quan trọngđộ hữu ích của chúng đối với cuộc sống của mình; từ đó mỗi hiện tượng sự vật sẽ nhận được một giá trị do con người gán cho. Sự đánh giá trên cơ sở so sánh như vậy tất mang lại cho giá trị tính tương đối.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt chủ quan và tương đối, ở một mức độ nhất định, giá trị văn hóa cũng có tính khách quan của nó. Trong học thuyết ký hiệu học của nhà ngôn ngữ học Thụy Sỹ Ferdinand de Saussure, quan hệ nối kết theo chiều đứng giữa cái biểu đạt (signifier) và cái được biểu đạt (signified) tạo nên ký hiệu, còn quan hệ so sánh theo chiều ngang giữa các ký hiệu với nhau tạo nên giá trị (14).

Ký hiệu và giá trị theo Ferdinand de Saussure

Giá trị thu được trong quan hệ so sánh tự thân giữa các khách thể với nhau có tính khách quan, còn giá trị thu được trong quan hệ so sánh giữa các khách thể từ góc nhìn của chủ thể thì mang tính chủ quan. Để phân biệt, chúng tôi đề xuất thêm thuật ngữ trị giá: Trị giá là giá trị có tính khách quan, còn giá trị là trị giá mang tính chủ quan.

2. Phương pháp nghiên cứu hệ giá trị văn hóa

 

         Về phương pháp điều tra bằng bảng hỏi

Trong nghiên cứu giá trị, phương pháp được dùng phổ biến hiện nay là phương pháp điều tra xã hội học bằng bảng hỏi, với những câu hỏi kiểu như:

 

 

Những yếu tố nào dưới đây có thể xem là giá trị văn hóa của Việt Nam:

Anh hùng     Cần cù        Rộng lượng

Sáng tạo       Thương người     Trung thực…

Căn cứ vào tỷ lệ phần trăm số người lựa chọn, người ta sẽ công bố rằng các phẩm chất a-b-c là giá trị văn hóa của Việt Nam. Ưu điểm của phương pháp này là nó hỗ trợ cho các kết luận bằng những con số đầy ấn tượng cùng những biểu đồ được xử lý bằng phần mềm thống kê chuyên dụng dùng cho các ngành khoa học xã hội SPSS.

Song thực ra, phương pháp này áp dụng cho việc nghiên cứu giá trị văn hóa có không ít hạn chế:

Thứ nhất, với cách làm này, đây không phải là điều tra về giá trị, mà là điều tra nhận thức về giá trị. Như vậy là giá trị đã được đánh tráo bằng nhận thức về giá trị. Giá trị thực tồn tại trong vô thức, thể hiện qua tình cảm, hành động, chứ không phải qua lời nói.

Thứ hai, phương pháp này hình thành ở phương Tây áp dụng vào Việt Nam không hoàn toàn thích hợp do đặc tính cố hữu của người Việt trong giao tiếp là trọng thể diệnkhéo léo, hay biến báo, không nói thật. Với câu hỏi nêu trên, sẽ không ít người chọn phẩm chất trung thực trong khi người ấy trong thực tế cuộc sống thường xuyên dối trá. Với câu hỏi: “Mục đích của việc lo cho con cái học hành” do nhóm Hồ Sĩ Quý tiến hành năm 2007, 70,4% chọn câu trả lời khuôn sáo: “Trở thành người có ích cho xã hội”, trong khi thực tế chắc chắn có rất ít người thực sự nghĩ như thế (15).

 

 

Mục đích của việc lo cho con cái học hành:

Có địa vị, chức vụ trong xã hội            11,7%

Để kiếm tiền                                         15,4%

Thoát khỏi lao động chân tay               16,3%

Có nghề nghiệp ổn định                        51,1%

Trở thành người có ích cho xã hội       70,4%

         Phương pháp hệ thống – loại hình với thủ pháp 5 định

Để khắc phục tính chủ quan và tính tương đối của giá trị văn hóa, chúng tôi áp dụng phương pháp hệ thống – loại hình với thủ pháp “5 định”. Để xác lập hệ giá trị cho một đối tượng văn hóa, cần thực hiện năm bước như sau.

 

Stt

Nội dung các bước

Hiệu quả / sản phẩm

1.    

Định vị đối tượng trong hệ tọa độ gốc chủ thể – thời gian – không gian

Khử tính mơ hồ. Phân tích hệ thống các bình diện trong các chiều kích của hệ tọa độ

2.    

 

 

Định vị đối tượng trong hệ loại hình văn hóa

So sánh để xác định chùm đặc trưng (danh mục các phẩm chất cần và đủ tiêu biểu)

3.    

Định tính phẩm chất trong cặp đối lập

Phân tích để xác lập nhiều thang độ cho mỗi phẩm chất

4.    

 

 

Định lượng đối tượng trên thang giá trị

Khả năng xác lập các giá trị trên cơ sở mức độ dương tính của mỗi phẩm chất

5.    

Định hệ cho các giá trị thu được

Cụ thể hóa mỗi đặc trưng thành các đặc điểm biểu hiện (cấp độ dân tộc truyền thống)

Cụ thể hóa các đặc điểm biểu hiện thành chùm các hệ quả và hậu quả (cấp độ dân tộc hiện đại)

 

Phương pháp hệ thống – loại hình với thủ pháp 5 định

 

Một sự vật, hiện tượng có thể có giá trị trong hệ tọa độ này, nhưng lại là phi giá trị trong một hệ tọa độ khác. Trong hệ tọa độ gốc, không có sự vật, hiện tượng nào là phi giá trị. Phi giá trị có thể xảy ra khi một hiện tượng được đặt vào hệ tọa độ với thông số thay đổi. Việc thay đổi một trong 3 trục của hệ tọa độ dẫn đến một trong hai khả năng: Biến một giá trị trở thành phi giá trị (ví dụ: mắm tôm từ thời gian trong bữa ăn chuyển qua thời gian trong cuộc họp); Biến một giá trị này thành giá trị khác (ví dụ: cuốn sách từ người trí thức sang bà ve chai).

Hệ thống các loại hình văn hóa là cơ sở quan trọng nhất cho phép xác lập một danh mục mang tính hệ thống các phẩm chất cần và đủ tiêu biểu trên cơ sở thực hiện chuỗi thao tác so sánh, lựa chọn. Hai bước định tính và định lượng mang tính quyết định trong việc xác lập các giá trị từ danh mục các phẩm chất. Cuối cùng, bước định hệ cho các giá trị thu được giúp tạo nên một hệ thống hoàn chỉnh các giá trị cùng các hệ quả và hậu quả của chúng.

(còn nữa)

_______________

1. Дробницкий О.Г., Ценности, b кн.: Большаясоветская энциклопедия, 3-е издание, том 29, Москва Изд. Советская Энциклопедия, 1978.

2. Губман Б.Л., Ценности, b кн.: КультурологияХХ в. Энциклопедия, t.2. СПб.: Университетская книга + Алетейя, 1998, c.341-342.

3, 13. Ценности БЭC, B кн. Большойэнциклопедический словарь, Москва Изд. БольшаяРоссийская энциклопедия, 1999-2000. 

4, 5, 6. Axiology, New World Encyclopedia. http://www.newworldencyclopedia.org

7, 12. Value (personal and cultural), http://en.wikipedia.org/wiki/Value_(personal_and_cultural)

8. Endruweit G., Trommsdorff G., Từ điển xã hội học, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2002.

9. Đoàn Văn Chúc, Giá trị xã hội (social value), trong cuốn Bùi Quang Thắng (chủ biên), 30 thuật ngữ nghiên cứu văn hóa, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2008, tr.117-136.

10. Phạm Minh Hạc (chủ biên), Nghiên cứu giá trị nhân cách theo phương pháp NEO PI-R cải biên, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2007.

11. Nhiều tác giả, Văn minh tinh thần Singapo, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1977.

14. Saussure F. de, Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1973.

15. Hồ Sĩ Quý, Một số vấn đề phương pháp luận nghiên cứu và phát triển văn hóa – con người – nguồn nhân lực trong điều kiện kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Tạp chí Thông tin Khoa học Xã hội, http://www.issi.gov.vn, 2007.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 319, tháng 1-2011

Tác giả : Trần Ngọc Thêm

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *