Quan hệ thông thương giữa hai nước Việt Nam, Trung Quốc được mở cửa trở lại từ những năm 90 TK XX đã dẫn đến những thay đổi trong sinh kế của người Nùng Cháo ở Nà Lầu. Họ đã chủ động để thích nghi với bối cảnh chuyển đổi. Sinh kế của người dân thôn Nà Lầu hiện nay, nhìn một cách tổng thể không còn là một nền sinh kế hoàn toàn thuần nông mà một số dàn xếp văn hóa, xã hội, kỹ thuật đã xây dựng nên một nền đạo lý tự cấp tự túc để nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Điều này khiến sự tồn tại bền vững của họ được duy trì, song bên cạnh đó đã được tiếp tục bổ sung thêm một hệ thống các loại hình sinh kế mới.
Bối cảnh chuyển đổi kinh tế của vùng cửa khẩu Lạng Sơn
Mở cửa biên giới
Trong lịch sử, việc giao lưu kinh tế giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc đã có truyền thống từ lâu đời. Từ năm 1950, Việt Nam – Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao, đến năm 1951 hai nước tiến hành quan hệ mậu dịch với nhau, được chính thức thông qua vào năm 1952, khi hiệp định thương mại được ký kết. Năm 1954, hai nước tiếp tục ký kết nghị định thư về việc mở mậu dịch tiểu ngạch ở biên giới hai nước. Năm 1958, chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 486/TTg về điều lệ quản lý mậu dịch tiểu ngạch nhân dân trong khu vực biên giới Việt – Trung, trong đó nhấn mạnh để cho cư dân biên giới hai nước được đi lại dễ dàng qua biên giới, trao đổi những hàng hóa cần thiết cho đời sống hàng ngày. Việc ban hành các văn bản, ký kết các hiệp ước, nghị định đã mở ra quan hệ buôn bán giữa hai nước thông qua hai hình thức: buôn bán tiểu ngạch, buôn bán xuất nhập khẩu chính ngạch, tuy vậy vẫn mang tính chất nhỏ lẻ. Chính sách của hai nước cũng đã kìm hãm việc lưu thông hàng hóa, các thành phần kinh tế không được tham gia xuất nhập khẩu kể cả qua con đường tiểu ngạch. Sự kiện chiến tranh biên giới xảy ra vào tháng 2 – 1979 đã làm ngưng đọng lại mọi quan hệ về kinh tế giữa hai nước.
Năm 1986, đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đánh dấu một bước ngoặt lớn trong sự phát triển về kinh tế, xã hội của đất nước, xu hướng mở cửa, hội nhập được đẩy mạnh. Từ năm 1988, Chính phủ Việt Nam đã cho phép người dân sinh sống ở các xã vùng biên giới được qua lại thăm thân, mua một số mặt hàng thiết yếu từ phía Trung Quốc để phục vụ sản xuất, tiêu dùng. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng có những chính sách ưu tiên trong việc xây dựng các vành đai mở, tạo ra các thị trường chung trên tuyến biên giới đất liền. Cũng trong thời gian này, hàng hóa Trung Quốc đã bắt đầu vào Việt Nam bằng con đường không chính thức ngày càng nhiều. Quan hệ thương mại giữa hai nước được thể hiện rõ nhất bằng việc ký kết hiệp định thương mại về mua bán hàng hóa ở vùng biên giới, tăng cường quan hệ hữu nghị láng giềng giữa hai nước, thúc đẩy hợp tác thương mại ở vùng biên giới trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi.
Xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Tân Thanh
Ngay từ những năm đầu tiến hành mở cửa biên giới Việt – Trung, Tân Thanh, Lạng Sơn đã được coi là một trong những cửa khẩu quan trọng nhất của cả nước trong hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu. Trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 1996 – 2010 đã xác định các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh cần được đầu tư phát triển, trong đó có khu kinh tế đô thị Đồng Đăng, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Tân Thanh là những đầu mối giao lưu kinh tế, văn hóa hết sức quan trọng ở vùng Đông Bắc.
Với vị trí, tiềm năng, điều kiện phát triển, khu kinh tế Đồng Đăng đã được chính phủ chính thức phê duyệt quy hoạch phát triển thành khu kinh tế đô thị vào năm 1997, với mục tiêu phát triển cơ bản là tạo điều kiện, nhằm ổn định, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng khu vực biên giới hữu nghị, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; phục vụ phát triển nền kinh tế thị trường để có khả năng cạnh tranh ở khu vực biên giới, hòa nhập vào quá trình phát triển của cả nước; làm cơ sở để quản lý thống nhất xây dựng theo quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Từ năm 1985, huyện Văn Lãng đã quy hoạch phát triển kinh tế theo bốn tiểu vùng, trong đó xã Tân Thanh thuộc tiểu vùng 4, gồm các xã: Tân Thanh, Tân Mỹ, Hoàng Văn Thụ, Hồng Thái, Nhạc Kỳ. Nhiệm vụ chủ yếu của tiểu vùng 4 là phối hợp với trung ương, tỉnh tận thu các nguồn tài chính trong hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa. Từ khi có chính sách mở cửa, Tân Thanh đã trở thành cửa khẩu có giá trị trao đổi hàng hóa lớn nhất trong các cửa khẩu của Lạng Sơn trên biên giới Việt – Trung. Tại khu kinh tế cửa khẩu thì chợ biên giới là một trong những trung tâm được quy hoạch, đầu tư. Chợ Tân Thanh là khu chợ đầu tiên được xây dựng từ năm 1998 – 1999, ở ngay trên địa bàn của thôn Nà Lầu. Những năm sau đó, tại đây đã xây dựng thêm các trung tâm thương mại, việc quy hoạch được mở rộng hơn, thu hút đông đảo người dân từ khắp mọi miền trong nước, tiểu thương từ Trung Quốc đến Tân Thanh làm ăn.
Thu hẹp đất nông nghiệp
Thôn Nà Lầu vốn là một thôn cư trú chủ yếu của người Nùng Cháo, với nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn nên Nà Lầu trở thành một trong những thôn có quá trình thu hồi đất nông nghiệp quy mô lớn, phục vụ cho các dự án xây dựng các chợ, trung tâm thương mại, dịch vụ, trường học, bệnh viện, đường giao thông, bến xe… Đất nông nghiệp của các hộ gia đình đã được chuyển đổi thành phi nông nghiệp, làm biến đổi mạnh mẽ sinh kế truyền thống của người dân.
Sự chủ động trong sinh kế của người dân Nà Lầu
Chuyển đổi sinh kế từ nông dân thành tiểu thương
Ở Nà Lầu, để đảm cho sinh kế của mình không bị rơi xuống ngưỡng sinh tồn, đảm bảo cuộc sống, người dân đã phải thích ứng với hoàn cảnh thay đổi qua từng thời kỳ. Thời kỳ 1996 – 2002, quá trình xây dựng khu kinh tế của khẩu đã làm chuyển đổi mạnh mẽ sinh kế của các hộ gia đình nông dân. Trước 1996, đối với hầu hết các hộ gia đình ở Nà Lầu sản xuất nông nghiệp chủ yếu để phục vụ nhu cầu tự cấp, tự túc, một phần dư thừa đem bán để tăng thu nhập, ngoài ra không có khoản thu thêm từ các nguồn nào khác. Trong bối cảnh sau khi bị thu hồi quyền sử dụng đất nông nghiệp, hầu hết những người dân ở đây đều còn lại một số lượng đất nông nghiệp rất ít.
Trong xã hội cổ truyền trước kia, những người Nùng Cháo đã mang các sản phẩm nông nghiệp truyền thống của mình ra chợ bán hoặc đổi lấy các nhu yếu phẩm cần thiết cho gia đình, thì hiện nay họ có tiếp tục hoạt động đó không hay chuyển sang khác hình thức kinh doanh khác khi đã có nhiều khu chợ cửa khẩu, các trung tâm thương mại? Ở Nà Lầu quá trình chuyển đổi này diễn ra theo xu hướng chuyển từ nông dân sang tiểu thương, song chỉ trong một thời gian ngắn. Khi cửa khẩu đã được xây dựng xong, ngày càng mở rộng, dân cư từ nhiều nơi trong cả nước đổ về khu vực Tân Thanh làm ăn, nhận thấy có những cơ hội có thể thay đổi được cuộc sống, cùng với việc được chính quyền xã, ban quản lý cửa khẩu tuyên truyền nên các gia đình trong thôn đã chuyển sang kinh doanh tại chợ. Việc làm ăn, buôn bán kinh doanh tại chợ cửa khẩu Tân Thanh của người dân trong thôn Nà Lầu tuy nhỏ nhưng cũng cho thấy họ không hẳn là những người nông dân không biết tính toán để chuyển đổi sinh kế, cũng không hoàn toàn là những người dân chỉ mong có một cuộc sống an toàn. Họ cũng đã mạnh dạn dám chuyển đổi sang kinh doanh, buôn bán. Tuy nhiên, khi chuyển từ nền sản xuất nông nghiệp sang nền kinh tế thị trường, họ gặp phải những khó khăn, thách thức. Khi cảm thấy việc kinh doanh không thuận lợi, không như mong đợi về những gì là đảm bảo cho cuộc sống sinh tồn của họ, thì họ lại tiếp tục chuyển đổi sang những hướng khác để mưu sinh, để mong có được một cuộc sống ổn định lâu dài.
Chủ động đi làm thuê
Từ những năm 1999 – 2000, nhu cầu về hàng tiêu dùng của người dân Việt Nam rất lớn, trong khi hàng hóa Trung Quốc lại đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, chủng loại, giá thành rẻ, thu hút khách du lịch từ khắp đất nước đến mua sắm. Các chủ hàng kinh doanh tại các chợ cửa khẩu thường thuê những người dân bản địa để sang vận chuyển hàng hóa từ bên Trung Quốc về bán tại chợ. Đây là nghề có nhiều người dân trong thôn tham gia nhất. Với những người dân làm cửu vạn thì họ không cần bỏ ra nhiều vốn, không lo tính toán mua, bán như thế nào, chỉ cần có sức khỏe là kiếm được tiền. Hàng hóa họ vận chuyển qua cửa khẩu về thường là bia, đèn pin, bật lửa, một số hàng tạp hóa. Song việc vận chuyển này của những người dân vùng biên giới cũng phụ thuộc nhiều vào yếu tố khách quan, trong đó có các quy định của nhà nước.
Tận dụng lợi thế của dân bản địa để mưu sinh
Với lợi thế là người dân gốc tại Nà Lầu, hàng ngày những người dân trong thôn đều làm thủ tục qua cửa khẩu gánh hàng, mang về giao cho các chủ hàng để lấy tiền công. Để được phép vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam qua đường cửa khẩu, họ đến UBND xã để làm giấy thông hành sang chợ Pò Chài lấy hàng rồi mang qua trạm kiểm soát, về giao cho các chủ hàng ở chợ Tân Thanh. Việc vận chuyển hàng này được cho là vất vả, nhưng cũng kiếm được tiền ngay trong ngày mà không cần bỏ vốn ra. Việc gánh hàng từ Trung Quốc hoặc Việt Nam sang đã được các chủ hàng ở hai bên thỏa thuận với nhau từ trước. Còn đối với người dân trong thôn thì công việc mang, vác hàng này lại trở thành nghề chính để mưu sinh trong một khoảng thời gian khá dài cho họ. Nghề cửu vạn, gánh hàng thuê qua cửa khẩu của những người dân Nà Lầu luôn thường trực những khó khăn, trở ngại, mạo hiểm. Khó khăn từ phía các quy định luật pháp, họ không thể mang, vác được nhiều hàng hóa qua lại, những lúc bị bắt, giữ hàng, phải đền tiền hàng cho chủ. Trong việc tìm phương thức mưu sinh ở đây, họ dùng chiến lược xin, đánh vào lòng thương người của những cán bộ làm công tác kiểm soát tại cửa khẩu, để vượt lên trên những quy định về mặt pháp lý. Một cách khác cũng được người dân ở đây đã từng áp dụng đó là có người lớn tuổi dẫn đi, dễ nhận diện cho bộ đội biên phòng biết đây là những người dân trong thôn, họ thường mặc trên mình bộ quần áo truyền thống. Sau quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư 10/2010/TT-BCT của Bộ Công thương thì người dân trong thôn ít qua con đường cửa khẩu để sang bên kia biên giới gánh hàng về như trước.
Đoàn kết trong mưu sinh
Để mang, vác hàng từ Trung Quốc về, những người làm cửu vạn phải đi qua các khu đồi thuộc quyền sở hữu của những hộ gia đình trong thôn, họ phải trả phí cho những người trông coi ở đó. Những người cửu vạn ở các nơi khác đên đây tham gia vận chuyển hàng ban đầu trả phí từng lần một, về sau khi có nhiều hàng thì họ đóng theo tháng, mỗi tháng 300 – 400 nghìn đồng, vào dịp cuối năm khi hàng hóa nhiều thì nguồn thu này sẽ được tăng lên. Từ khi có những sự thỏa thuận thì công việc của những người làm cửu vạn đã dễ dàng hơn, không còn chịu nhiều áp lực như sợ bị mất hàng, đền hàng, những người dân trong thôn thì lại có thể thêm được một nguồn thu nhập bổ sung cho sinh kế của họ. Cùng với đó, những người dân trong thôn đã thiết lập ra cho mình các nhóm để an toàn, tạo việc làm thường xuyên.
Dịch chuyển nơi sinh sống để chủ động trong sinh kế
Trong thời gian 2002 – 2005, các hộ gia đình ở trong thôn Nà Lầu đều lần lượt chuyển ra sinh sống tại các khu phố, dọc theo các đường trục chính ngay gần khu vực cửa khẩu Tân Thanh. Những hộ có đất được phân ở mặt đường chính thì họ xây nhà hai tầng, tầng trên để ở, còn tầng dưới cho thuê từ 2 – 4 triều đồng/tháng, tùy thuộc vào diện tích của mặt bằng thuê, bán hàng tạp hóa. Đối với những gia đình còn có nhiều đất do chưa bị tịch thu hết, ở gần với các trục đường chính họ tiến hành xây nhà trọ để cho những người dân từ các nơi đổ về Tân Thanh sinh sống, làm ăn. Điều đó cũng tạo được một nguồn thu nhập ổn định hàng tháng cho những hộ dân này. Khi các khu chợ, bãi xe được xây dựng nhiều lên thì trong thôn Nà Lầu cũng xuất hiện thêm các nghề khác như bảo vệ tại các chợ, bãi xe, bán hàng tạp hóa, bán quán nước, cho thuê nhà, thuê phòng trọ, bán hàng thuê, đi sang Trung Quốc làm thuê…
Bên cạnh các loại hình sinh kế, hiện nay các gia đình trong thôn đều đầu tư cho con, cháu họ được đi học đầy đủ hơn với hy vọng con, cháu sau này sẽ không phải vất vả, khó khăn để kiếm sống như trước.
Trong xã hội cổ truyền của người Nùng Cháo ở Nà Lầu, họ đã xây dựng được cho mình một cơ chế với các dàn xếp văn hóa, xã hội, kỹ thuật đi kèm để đảm bảo cho cuộc sống của họ được ổn định. Hiện nay, do quá trình biến động của nền kinh tế của đất nước, cộng với những tác động của việc mở của biên giới, thông thương quan hệ thương mại giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc, việc xây dựng khu kinh tế của khẩu trên địa bàn thôn, những người dân trong thôn bị thu hồi đất canh tác đã dẫn đến những chuyển đổi trong phương thức mưu sinh của họ. Trong quá trình chuyển đổi sinh kế, họ đã phải tự thích ứng để có thể ổn định, đảm bảo cho cuộc sống, dựa trên những triết lý của các dàn xếp xã hội sự tương hỗ, tương trợ được bổ sung thêm bằng quan điểm đoàn kết. Họ đã biết tận dụng những ưu thế của vùng giáp biên, bổ sung thêm nguồn sinh kế cho gia đình bằng các hoạt động dịch vụ để có được một cuộc sống an bình, đảm bảo cho bản thân, gia đình.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 401, tháng 11- 2017
Tác giả : NGUYỄN THỊ VÂN ANH
Bài viết cùng chủ đề:
Bảo tồn văn hóa si la trong bối cảnh hiện nay
Giữ gìn văn hóa truyền thống tộc người tày ở thái nguyên
Vai trò của người dân trong bảo tồn giá trị quan họ làng vân khám