Sự hòa nhập lối sống đô thị của dân nhập cư tại tp.hcm

Di dân là một hiện tượng khách quan xảy ra phổ biến trong suốt tiến trình của lịch sử nhân loại (1). Vào những thập niên gần đây, do sự phát triển của các nền kinh tế, quá trình đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ đã tạo ra các đô thị cực lớn có lực hút vô cùng mãnh liệt đối với làn sóng di dân tự do từ khu vực nông thôn (2). Di dân tự do là một bộ phận trong cơ cấu xã hội đô thị, là một chiều kích của quá trình phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, dân di cư từ nông thôn vào đô thị thì khả năng hòa nhập, thích nghi với lối sống mới của họ ra sao? Làm sao để tránh khỏi các cú sốc văn hóa, hoặc xu hướng bị gạt sang lề của công cuộc phát triển (3)? Điều gì sẽ xảy ra cho sự an bình của đô thị nếu tiến trình hội nhập đó không thành công?

         Hòa nhập với hoạt động lao động – sản xuất

         Hòa nhập, thích nghi với hoạt động lao động sản xuất được xem là quan trọng nhất trong toàn bộ quá trình hòa nhập, thích nghi với lối sống đô thị của người nhập cư từ nông thôn. Người di cư có độ tuổi khá trẻ, trình độ học vấn tương đối cao, hứa hẹn khả năng hội nhập với công ăn việc làm ở thành phố. Tuy nhiên họ sớm hội nhập nhưng lại khó tiếp thu với công việc.

Mối liên hệ giữa trình độ học vấn vàthời gian kiếm được việc làm (%) 


  (Nguồn: Khảo sát về đời sống của người nhập cư vào TP.HCM, năm 2010) 

         Tuy di dân tự do có trình độ thấp thì có xu hướng kiếm được việc làm nhanh hơn, nhưng công việc của họ mang tính chất tạm thời, ít ổn định. Những người có trình độ học vấn cao hơn có thời gian tìm được việc làm lâu hơn nhưng họ có xu hướng làm các công việc mang tính ổn định hơn. Mặt khác, kiếm được việc làm nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào mạng lưới xã hội tại thành phố của di dân tự do, theo đó người có mạng lưới xã hội chặt chẽ có xu hướng tìm được việc làm nhanh hơn, ít rủi ro hơn (4).

         Một đặc điểm nổi bật ở di dân tự do là “xả thân để sớm có một việc làm”, đây cũng là lý do vì sao nhóm lao động di dân lại có tỷ lệ thất nghiệp thấp. Với bức bách của cuộc sống, với lý do nhập cư vào thành phố để tìm công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập, nên di dân tự do sẵn sàng chấp nhận mọi công việc, đặc biệt là ở khu vực phi chính thức (5).

         Có được việc làm sớm, nhưng là những công việc kém ổn định, khó khăn nên từ khi nhập cư họ đã thay đổi công việc nhiều lần. Kết quả khảo sát cho thấy, trung bình người lao động nhập cư thay đổi việc làm khoảng 3,2 lần/năm. Số lần thay đổi việc làm có sự khác biệt giữa nhóm lao động nhập cư là nam, nữ; nhóm có tay nghề, không cần tay nghề. Theo đó, nhóm lao động là nữ, làm những công việc không cần tay nghề (thu mua ve chai, bán vé số, bán hàng dạo…) có xu hướng ít thay đổi việc làm hơn so với nhóm lao động là nam, làm những việc cần đến một ít tay nghề (thợ hồ, công nhân…).

         Có được việc làm trong vài ngày đặt chân tới đô thị là điều tốt lành, nhưng đó chưa thể coi là sự hội nhập với lao động. Bởi vì, sau việc làm đầu tiên tìm kiếm được trong những ngày đầu đó, còn biết bao nhiêu biến đổi, thách đố cho người nhập cư.

         Hòa nhập với hoạt động sinh hoạt – tiêu dùng

         Di dân tự do có mức thu nhập trung bình tương đối cao so với nơi xuất cư, họ đã đóng góp một phần đáng kể vào việc cải thiện thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình ở nông thôn (6). Tuy nhiên, họ lại phải chi phí nhiều khoản hơn, khó có thể đảm bảo cho một mức sống đáng gọi là mức sống của thị dân. Kết quả cũng cho thấy không có sự khác biệt đáng kể giữa mức thu nhập trung bình, giữa các nhóm theo giới tính, trình độ học vấn.

         Đa phần di dân tự do không đủ khả năng mua được nhà mà phải thuê phòng trọ ở những nơi thiếu an toàn, ô nhiễm, mất trật tự (7), xa trung tâm, điều kiện giao thông đi lại khó khăn. Thế nhưng, họ lại lo lắng vì không kiếm được việc làm hơn.

         Họ còn thường xuyên phải thay đổi chỗ ở mới vì bị chủ nhà trọ chèn ép.

         Mức độ thích nghi hoạt động sinh hoạt tiêu dùng còn thể hiện ở sức khỏe của dân cư. Họ chưa có ý thức, không có điều kiện trong việc bảo vệ sức khỏe của mình.

         Như vậy, di dân tự do cũng nhanh chóng thích nghi với hoạt động sinh hoạt, tiêu dùng ở đô thị. Sự thích nghi ở đây hoàn toàn mang tính chủ quan, đầy rủi ro, phải trả giá cao trong điều kiện thiếu vệ sinh, vấn đề tiếp cận dịch vụ y tế còn thiếu thốn, ý thức chăm sóc sức khỏe còn nhiều hạn chế (8).

         Hòa nhập với đời sống văn hóa – tinh thần

         Người nhập cư đến từ các vùng nông thôn, ở đó họ đã hình thành lối sống đặc thù, vì vậy việc phá vỡ một giá trị truyền thống, một định hướng giá trị vốn có để hòa nhập vào môi trường đô thị hoàn toàn xa lạ là điều rất khó khăn. Những biểu hiện đặc thù của lối sống, đặc biệt là văn hóa tinh thần của từng cá nhân là được hình thành bởi tổng thể những điều kiện của họ, tính riêng biệt của từng cá nhân trong mối liên hệ với nhóm, với toàn xã hội (9). Mặt khác, do điều kiện về kinh tế, thu nhập, việc làm nên họ cũng rất khó hội nhập vào văn hóa đô thị. Tuy nhiên, để tránh khỏi những cú sốc văn hóa hoặc nguy cơ bị gạt sang bên lề của xã hội đô thị thì người di dân cũng cố gắng thích nghi, hòa nhập vào tiến trình được gọi là tập dượt làm người đô thị, như: tham gia các hình thức hưởng thụ loại hình văn hóa trong thời gian rỗi, thay đổi các quan điểm về cách ứng xử để phù hợp với lối sống đô thị…

Mối tương quan giữa trình độ học vấn với mức độ tham giasinh hoạt văn hóa (%)  


  (Nguồn: Khảo sát về đời sống của người nhập cưvào TP.HCM, năm 2010 )

         Như vậy, vấn đề hòa nhập, mức độ thích nghi với các loại hình văn hóa kiểu đô thị ở di dân tự do là rất chậm, rất ít. Mức độ cải thiện trình độ sinh hoạt văn hóa hiện nay so với khi mới vào thành phố cũng chỉ ở mức độ vài phần trăm, nghĩa là gần như không có sự thay đổi.


 Một góc TP.HCM chụp từ trên cao. Ảnh Huy Nam 

         Khi vào sinh sống ở thành phố được một thời gian, người nhập cư tự do đã phần nào làm quen với lối sống (theo nghĩa hẹp) ở đô thị, họ đã có những phản ứng khác nhau, tùy thuộc vào trình độ học vấn, độ tuổi.

      Từ kết quả khảo sát trên có thể lý giải được rằng, ở độ tuổi cao, các loại hình văn hóa, cách cư xử, ăn mặc truyền thống đã đi sâu vào ý thức nên họ không thích nghi được với các kiểu ăn mặc, cách xưng hô ở đô thị. Còn ở tuổi trẻ hơn, do đang còn trong quá trình xã hội hóa nên rất dễ bắt chước, học hỏi với các kiểu ăn mặc, ứng xử mới lạ ở đô thị. Như vậy, trong quá trình hội nhập, một bộ phận di dân tự do (đặc biệt là giới trẻ, có trình độ học vấn cao hơn) có thể chấp nhận được lối sống đô thị đồng nghĩa là họ đã phần nào loại bỏ một số giá trị, chuẩn mực truyền thống để đón nhận chuẩn mực, giá trị mới. Điều này ở khía cạnh nào đó cũng mang các giá trị tích cực, bên cạnh những lợi ích kinh tế, khi người nhập cư quay trở về quê họ đã góp phần làm thay đổi ý thức, lối sống của người dân nông thôn, thiết lập các thang bậc giá trị mới. Những làng quê có nhiều người đi làm ăn và thoát ly ra thành phố có sự chuyển biến với những màu sắc mới trong cuộc sống.

         Hòa nhập với đời sống chính trị – xã hội

         Người nhập cư tự do ít khi tham gia các hoạt động liên quan đến đời sống chính trị – xã hội chính thức tại đô thị, một mặt họ không có thời gian do tính chất công việc, mặt khác họ chỉ đăng ký tạm trú nên ít có cơ hội được tham gia.

         Về mối quan hệ hàng xóm láng giềng, bà con họ hàng thân thích, là một yếu tố cực kỳ quan trọng tác động đến mức độ hòa nhập, thích nghi với lối sống nói chung ở đô thị của di dân tự do. Những nghiên cứu về di dân gần đây ngày càng quan tâm đến sự ảnh hưởng của yếu tố văn hóa – xã hội đến sự hòa nhập của người nhập cư, mà một trong những khía cạnh của nó là mạng lưới xã hội. Mạng lưới xã hội được xem như một nhân tố quan trọng trong suốt quá trình chuyển cư (10).

         Di dân tự do thường sinh sống tập trung ở từng khu vực nhất định, ở đó có mối liên kết chặt chẽ. Vào sinh sống tại thành phố được vài năm, khi đã quen được địa bàn, quen công việc… thì những người di dân này lại dắt thêm anh em, bà con họ hàng cùng làm ăn, sinh sống tại đây. Cứ như thế, đã tạo ra làn sóng di dân tự do nông thôn – đô thị ngày một gia tăng (11).

         Mạng lưới xã hội góp phần làm giảm bớt chi phí di cư, tìm kiếm việc làm cũng như thúc đẩy sự hội nhập của người di cư tại địa bàn nơi đến cũng như nó có thể làm giảm bớt những rủi ro, bất trắc trong công việc làm hàng ngày tại nơi ở mới. Nhìn chung, nữ giới phụ thuộc vào mạng lưới di cư nhiều hơn nam giới (12). So với nam giới, phụ nữ thường có được nhiều thông tin hơn về sự chuyển đến. Điều này cho thấy nữ giới quan tâm hơn về mức độ an toàn của cuộc sống, công ăn việc làm tại môi trường đô thị.

         Vào những thập niên gần đây, các nhà dân số học, kinh tế học, xã hội học ở Việt Nam ngày càng chú ý đến hiện tượng di dân tự do từ nông thôn vào các đô thị lớn. Vì rằng kéo theo hiện tượng này là một loạt các vấn đề xã hội nảy sinh cần được quan tâm phân tích một cách toàn diện, hệ thống. Một trong những vấn đề xã hội đó là mức độ hòa nhập, thích nghi với lối sống mới ở đô thị của di dân tự do.

         Di dân tự do dễ dàng hòa nhập vào hoạt động lao động ở đô thị trong một vài ngày đầu nhập cư, tuy nhiên rất khó hấp thụ. Đối với hoạt động sinh hoạt tiêu dùng, di dân tự do nhanh chóng thích nghi, dễ dàng chấp nhận với nơi ở cho dù các điều kiện rất hạn chế. Di dân tự do phải hy sinh các nhu cầu sinh hoạt, ít chi tiêu để lo toan cuộc sống hiện tại ở thành phố, dành dụm tiền gửi về quê. Đối với hoạt động văn hóa tinh thần, di dân tự do khó hội nhập với hoạt động này, mức độ tham gia rất ít. Đối với hoạt động chính trị xã hội, hầu như di dân ít tham gia các tổ chức đoàn thể, đóng góp ý kiến cho địa phương sở tại. Hầu hết di dân tự do có mạng lưới xã hội chặt chẽ tại thành phố, mạng lưới quan hệ xã hội của di dân tự do thật sự mang lại vai trò lớn trong quá trình hòa nhập, thích nghi với các hoạt động tại đô thị.

         Nhóm di dân tự do vào đô thị thuộc nhóm dễ bị tổn thương, vì vậy thực hiện các chính sách di dân phải đồng thời chăm lo, tạo mọi điều kiện hội nhập, thích nghi với lối sống đô thị cho người nhập cư. Khoảng vài năm trở lại đây, dư luận xã hội sở tại, thái độ của các phương tiện thông tin đại chúng đã có những nét cởi mở, bình tĩnh hơn đối với hiện tượng di dân, vì thực tế họ cũng đã đóng góp khá nhiều cho sự phát triển kinh tế – xã hội của TP.HCM.

         Với đặc thù về tính đa dạng trong phân công lao động của đô thị, ở đó các mối quan hệ trở thành liên kết hữu cơ giữa các bộ phận được chuyên môn hóa, vốn khác biệt rất xa với kiểu liên kết cơ giới giữa những cá thể có tính đồng nhất cao của cuộc sống nông thôn. Sống hòa nhập vào mối quan hệ liên kết hữu cơ đòi hỏi một cuộc tự chuyển hóa rất lâu dài của người nhập cư từ nông thôn.

         _______________

         1, 6. Đặng Nguyên Anh, Vai trò của di cư nông thôn – đô thị trong sự nghiệp phát triển nông thôn hiện nay, Tạp chí Xã hội học, số 4-1997, tr.15-19.

         2. Everett S.Lee, A Theory of Migration, Demography, Vol. 3, No. 1, 1966, pp. 47 – 57.

         3. Trịnh Duy Luân, Xã hội học đô thị, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004.

         4, 12. Đặng Nguyên Anh, Vai trò của mạng lưới xã hội trong quá trình di cư, Tạp chí Xã hội học, số 2 – 1998, tr.16 – 23.

       5. Trương Bá Thanh, Đào Hữu Hòa, Vấn đề di dân trong quá trình đô thị hóa – Từ lý luận đến định hướng chính sách, Tạp chí Khoa học và Công nghệ (Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng), số 3, 2010, tr.157 – 164.

        7. Đồng Bá Hướng, Di dân từ nông thôn vào đô thị – Hiện trạng và thách thức cho phát triển đô thị,   tapchicongsan.org.vn, (truy cập ngày 3-8-2007).

         8. Trần Thị Hồng Vân, Tác động xã hội của di cư tự do vào TP.HCM trong thời kỳ đổi mới, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002.

         9. Mai Văn Hai, Mai Kiệm, Xã hội học văn hóa, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2003.

       10. Văn Thị Ngọc Lan, Trần Đan Tâm, Thử khảo sát sự vận động của mạng lưới xã hội trong đời sống dân cư trong Vấn đề giảm nghèo trong quá trình đô thị hóa ở TP.HCM, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2001.

        11. Nguyễn Văn Tài và cộng sự, Di dân tự do nông thôn – thành thị ở TP.HCM, Nxb Nông nghiệp, TP.HCM, 1998.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 382, tháng 4-2016

Tác giả : LÊ SĨ HẢI

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *