Sự phát triển nghệ thuật biểu diễn guitar chuyên nghiệp ở việt nam


 

Cây đàn guitar từ một nhạc cụ chỉ là phương tiện để sáng tác và đệm hát, trải qua quá trình phát triển, dần định hình thành cây đàn độc tấu có khả năng thể hiện phong phú, đa dạng các tác phẩm kinh điển của thế giới cũng như của Việt Nam. Trong quá trình đó, các thế hệ nghệ sĩ đã từng bước khẳng định vai trò của cây đàn guitar trong sự nghiệp phát triển nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp tại Việt Nam. Từ năm 1950 đến nay, tại Hà Nội – cái nôi phát triển của nền âm nhạc chuyên nghiệp, cổ điển, bác học – đã có 4 thế hệ nghệ sĩ biểu diễn guitar ra đời mang những đặc điểm riêng, chịu nhiều ảnh hưởng của bối cảnh lịch sử khác nhau.

Những năm đầu TK XX, xã hội Việt Nam có nhiều chuyển biến, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã tác động sâu sắc, toàn diện tới đời sống vật chất và tinh thần của dân tộc. Một hệ thống đô thị lớn xuất hiện ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn… dẫn đến hình thành tầng lớp thị dân, tư sản, tiểu tư sản, trí thức “tây học” và cả dân nghèo thành thị. Văn hóa phương Tây chi phối phức tạp đến đời sống tinh thần dân chúng ở các thành phố. Những nghệ sĩ đầu tiên chơi guitar được công chúng biết đến thời kỳ đầu TK XX là Phan Văn Trường, Canh Thân, Đỗ Chí Khang, Nguyễn Thiện Tơ, Dương Thiệu Tước. Họ là những nghệ sĩ học đàn guitar thông qua sự chỉ dạy của nghệ sĩ người nước ngoài và tự học theo sách. Theo đánh giá của giới chuyên môn thì nghệ sĩ Phạm Ngữ, Tạ Tấn có thể coi là thế hệ đầu tiên của guitar chuyên nghiệp Việt Nam (1). Hai nghệ sĩ đã định hướng xây dựng nền nghệ thuật biểu diễn độc tấu guitar cổ điển tại Hà Nội, họ đã trở thành những nhà giáo đầu tiên đặt nền móng cho bộ môn guitar tại trường Âm nhạc Việt Nam từ năm 1956. Lúc bấy giờ, nhà giáo Phạm Ngữ làm trưởng bộ môn guitar, năm 1961, ông viết cuốn sách Tự học ghi ta (sau đó được tái bản nhiều lần). Đây là cuốn sách đầu tiên dạy cách chơi guitar cổ điển chính quy, trong đó đã hướng dẫn những kỹ thuật cơ bản như tư thế ngồi, đứng cầm đàn, kỹ thuật gẩy tay phải, bấm tay trái, hướng dẫn cách tập gam, luyện hợp âm rải, đệm các ca khúc (2). Cuốn sách được đánh giá cao trong lĩnh vực đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp, cũng như có ảnh hưởng lớn tới việc phổ cập guitar trong công chúng. Năm 1959, nghệ sĩ Tạ Tấn được mời về giảng dạy tại trường Âm nhạc Việt Nam (3). Ông là người đào tạo ra nhiều thế hệ nghệ sĩ biểu diễn guitar, viết nhiều sách dạy và học guitar cổ điển. Ông đã chuyển soạn nhiều bài dân ca cho guitar (4).

Thời kỳ này chưa có sự du nhập của dòng đàn guitar lắp dây nylon nên nghệ sĩ Tạ Tấn biểu diễn trên cây đàn guitar điện dây sắt, vì vậy, việc thể hiện kỹ thuật cổ điển gặp một số khó khăn nhất định. Tiếng đàn còn đục, âm thanh bí, không thoát do nghệ sĩ phải sử dụng ngón gẩy hoàn toàn bằng đầu ngón tay mà không dùng móng tay. Bên cạnh đó, guitar chủ yếu để đệm hát, các nghệ sĩ thường ngồi vắt chân lên đùi mà không sử dụng kê chân, do vậy tư thế để tay không chuẩn.

Chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của âm nhạc các nước châu Mỹ Latin, kỹ thuật chơi nhạc flamenco thời kỳ này như rasgueado, graneado… rất được ưa chuộng. Đặc biệt kỹ thuật chơi âm nhạc fllamenco được biểu diễn bằng đàn guitar dây sắt đã tạo nên những âm thanh gằn, cứng cỏi cùng tiết tấu vũ điệu làm nên màu sắc âm nhạc sôi động, nồng nhiệt và đầy chất phóng túng. Những kỹ thuật chủ đạo vẫn là chơi nốt giai điệu kết hợp với hợp âm, có thể đánh chập nốt hay rải hợp âm để làm bè đệm cho giai điệu hoặc đệm cho hát. Âm nhạc thường mang tính tiết tấu, vũ điệu, nhiều hòa âm, đường nét giai điệu không rõ nét. Do tính chất âm nhạc vũ điệu, nên việc xử lý âm thanh, cường độ, sắc thái chỉ mang tính tùy hứng thiếu sự tinh tế của nghệ thuật guitar cổ điển. Do những yếu tố khách quan, nên thẩm mỹ nghệ thuật thể hiện trong âm nhạc của người nghệ sĩ rất đơn giản, mộc mạc, trong sáng.

Thế hệ guitar chuyên nghiệp đầu tiên đầy tài hoa, tuy không được học tập bài bản nên không tránh khỏi những hạn chế trong biểu diễn. Vượt qua nhiều thiếu thốn về vật chất và tư liệu, các nghệ sĩ thời kỳ này đã đánh dấu mốc đưa guitar dần trở thành nhạc cụ độc tấu và chuyên nghiệp.

Thế hệ thứ hai được hình thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cùng với các nghệ thuật khác thì nghệ thuật biểu diễn guitar cổ điển đã có những bước phát triển mới. Vào đầu thập niên 70 TK XX ở Hà Nội đã xuất hiện nhóm Thất cầm gồm Hải Thoại, Vũ Bảo Lâm, Đặng Quang Khôi, Đỗ Trường Giang, Nguyễn Quang Tôn, Nguyễn Tỵ, Phạm Văn Phúc, là những người đã thắp lên phong trào học guitar cho giới trẻ Hà thành. Các nghệ sĩ của nhóm xuất phát từ không chuyên, tự học hỏi lẫn nhau, nhưng mỗi người vẫn có một phong cách riêng. Được sự hỗ trợ nhiệt thành của Hội Nhạc sĩ, đài phát thanh, các tổ chức, bộ, ban, ngành cùng các nhạc sĩ lão thành, họ thành lập Câu lạc bộ Guitar Hà Nội, đã biểu diễn rất thành công ở Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc, thu âm nhiều chương trình guitar cổ điển cho đài phát thanh (5). Đặc biệt, họ đã thu âm những bản nhạc phim do chính họ sáng tác chuyển soạn hay phối khí. Trong lĩnh vực sáng tác và chuyển soạn, tiếp bước thế hệ đi trước, họ đã đóng góp một gia tài đồ sộ các tác phẩm sáng tác và chuyển soạn dân ca, ca khúc nghệ thuật cho guitar độc tấu được nhiều nhà xuất bản phát hành (6).

Đồng hành với nhóm Thất cầm, thời kỳ này còn có một tên tuổi rất nổi bật trong nền nghệ thuật guitar Hà Nội, đó là nghệ sĩ Văn Vượng. Là một nghệ sĩ khiếm thị nhưng ông thể hiện những ngón đàn điêu luyện và có đóng góp rất lớn cho nghệ thuật biểu diễn guitar của Hà Nội. Ông biểu diễn rất nhiều chương trình với tiếng đàn phóng túngđầy chất flamenco, đậm màu sắc âm nhạc Nam Mỹ. Tính hào hoa, trữ tình thiết tha cũng thể hiện ngay trong những bản nhạc mà ông chuyển soạn từ những ca khúc nghệ thuật Việt Nam (7). Âm nhạc cho guitar cổ điển ở thế hệ thứ hai đã thực sự lên ngôi. Từ sự truyền dạy của thế hệ đầu tiên cùng với những tham vọng khám phá cây đàn guitar cổ điển, mà các nghệ sĩ đã tìm mọi cách để có được tư liệu, băng đĩa, sau đó họ tìm đến nhau trao đổi chuyên môn. Mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng các nghệ sĩ đã có những bước tiến vượt bậc trong nghệ thuật biểu diễn guitar cổ điển.

Thời kỳ này ở Việt Nam đã xuất hiện cây đàn guitar lắp dây nylon, đây là một yếu tố rất quan trọng cho việc thể hiện các kỹ thuật guitar cổ điển theo chuẩn mực quốc tế, tuy rằng đàn trong nước chủ yếu là do các thợ làm đàn tại Việt Nam sản xuất, nên chưa thể đạt chuẩn. Với cây đàn dây nylon, các nghệ sĩ đã có những tiếng đàn đẹp hơn nhờ việc để móng tay chơi đàn, tạo nên những màu sắc âm thanh tuyệt vời của sự kết hợp giữa phần thịt và phần móng. Tiếp đến, sự xuất hiện của ghế kê chân là một yếu tố mang tính quyết định tạo cho người nghệ sĩ một kiểu ngồi cầm đàn biểu diễn hết sức thoải mái, giải phóng được năng lượng cơ thể, giải tỏa được sự gò bó khó khăn trong trình diễn.

Được sự hướng dẫn về kiến thức âm nhạc từ các nhạc sĩ sáng tác như Tài Tuệ, Đoàn Chuẩn… cùng sự kế thừa, học tập và tìm tòi, các nghệ sĩ đã có một nền tảng cơ bản để có thể xử lý tác phẩm cổ điển mẫu mực trên thế giới. Mặc dù vậy, đây là thời kỳ đầu tiên tiếp xúc với các tác phẩm cổ điển, việc luyện tập vẫn mang tính khám phá, mày mò, nên khi gặp những vấn đề kỹ thuật khó thì các nghệ sĩ chưa có được hướng giải quyết tốt. Sự lựa chọn tác phẩm cũng như thể hiện âm nhạc được chia thành hai mảng sắc thái rõ rệt:

Thứ nhất là mảng các tác phẩm mang đậm phong cách âm nhạc flamenco được các nghệ sĩ thể hiện rất phóng túng, sôi động. Nghệ thuật xử lý các cú vẩy rasgueado đặc trưng trong âm nhạc flamenco được thể hiện rất lôi cuốn người nghe. Do tính chất của âm nhạc flamenco, nên việc xử lý cường độ âm thanh cũng như sắc thái âm nhạc thoải mái, phụ thuộc khá nhiều vào sự cảm thụ của người nghệ sĩ và không khí của buổi biểu diễn. Có thể nói, các nghệ sĩ đã thể hiện khá tốt mảng âm nhạc này.

Thứ hai là mảng tác phẩm guitar mẫu mực mang đậm phong cách biểu diễn lãng mạn. Đó là sự thể hiện các tác phẩm với tốc độ chậm mang tính tâm sự giãi bày, giai điệu đẹp, nhẹ nhàng, nghe thuận tai. Các nghệ sĩ rất chú trọng đến xử lý âm thanh, độ sâu lắng của từng nét giai điệu, tìm hiểu và phân biệt rõ từng thể loại âm nhạc.

Bên cạnh hai mảng màu trên thì thời kỳ này còn nổi lên mảng tác phẩm chuyển soạn cho guitar trình diễn. Các kỹ thuật guitar được áp dụng triệt để vào thể hiện những giai điệu dân ca cũng như ca khúc nghệ thuật mang đậm chất dân tộc. Các nghệ sĩ đã tạo được phong cách riêng, thể hiện được cái “tôi” trong mỗi tác phẩm biểu diễn và chuyển soạn của mình.

Từ năm 1986 với sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn hiện đại và sự xuất hiện của các nhạc cụ điện tử như đàn organ, trống điện tử… guitar thời kỳ này dần mất đi vị thế trong tâm thức của công chúng nghe nhạc. Thế hệ các nghệ sĩ guitar thứ ba ở Hà Nội tuy trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng vẫn xuất hiện những tài năng như Đặng Ngọc Long, Phan Đình Tân, Phạm Văn Phương, Nguyễn Lan Anh, Vũ Viết Cường, Nguyễn Như Dũng, Nguyễn Văn Dỵ, Nguyễn Quốc Vương, Ngô Đăng Quang… Các nghệ sĩ đã nâng tầm nghệ thuật guitar lên một bước đáng kể, họ có một trình độ kỹ thuật cao, tư duy nghệ thuật âm nhạc tốt với những chuẩn mực thế giới. Một số nghệ sĩ được đào tạo bài bản trong nước, tốt nghiệp tại Nhạc viện Hà Nội, số khác được nhà nước cho đi đào tạo tại nước ngoài và nhiều người trở thành nhà giáo tại các trường âm nhạc (8).

Các nghệ sĩ được đào tạo tại nước ngoài đã có điều kiện học tập những kỹ thuật chuẩn mực, bên cạnh đó họ còn tiếp thu một số kỹ thuật mới của nghệ thuật guitar thế giới, nên về nước họ đã vững vàng thể hiện tác phẩm khó trên nền tảng cơ bản kỹ thuật đã được học tập. Việc thể hiện kỹ thuật trên cây đàn dây nylon, đạt tiêu chuẩn quốc tế đã tạo sự thuận lợi, dễ dàng cho các nghệ sĩ biểu diễn. Trong kỹ thuật tạo tiếng, các nghệ sĩ khéo léo kết hợp giữa phần thịt và phần móng làm cho tiếng đàn vừa trầm ấm, vừa thanh thoát, sáng sủa, tròn trịa, sắc nét vang và xa hạn chế được tạp âm.

Thời kỳ này trong nước đã có sự giao lưu, học hỏi từ nhiều nghệ sĩ, chuyên gia của nước ngoài sang biểu diễn, trao đổi, do vậy trình độ kỹ thuật của các nghệ sĩ được nâng cao. Hầu như những kỹ thuật cơ bản của guitar cổ điển đã được các nghệ sĩ thể hiện rất tốt, dễ dàng, trên những cây đàn có xuất xứ từ nước ngoài. Bên cạnh đó đã thấy nhen nhúm xuất hiện một vài kỹ thuật mới trong âm nhạc đương đại như bấm 3 dây ở lỗ đàn và gảy từng nốt sát ngựa đàn tạo ra âm thanh rất cao, giả tiếng chim hót; kỹ thuật sử dụng ngón để vỗ vào 6 dây gần sát ngựa đàn theo cao độ tạo ra tiếng trống; kỹ thuật tạo tiếng trống lệnh bằng cách dùng ngón bấm kẹp dây 6 vào dây 5 theo cao độ và gảy theo tiết tấu.

Đặc điểm nghệ thuật của thời kỳ này là sự thể hiện những yếu tố âm nhạc một cách chuẩn mực, chi tiết như cấu trúc tác phẩm được thể hiện rõ nét qua sự phân câu, phân đoạn bằng cường độ, sắc thái và màu sắc âm thanh của câu nhạc. Những tác phẩm ở các thời kỳ khác nhau được thể hiện đúng, phù hợp với phong cách, đặc điểm nghệ thuật thời kỳ đó.

Thế hệ thứ tư hình thành cuối TK XX, trong bối cảnh thế giới có nhiều chuyển biến, hàng loạt trào lưu triết học ra đời với những tư duy khác nhau, nhiều hệ thống tư tưởng mang tính đối nghịch đã tạo nên những quan điểm, nhận thức khác nhau về nhiều mặt trong cuộc sống sáng tạo của các nghệ sĩ. Các nghệ sĩ Việt Nam đã tiếp nhận những tư tưởng mới trong xu thế hội nhập với nền nghệ thuật của thế giới. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, các nghệ sĩ tự do biểu diễn, giao lưu, trao đổi, đối thoại trực tuyến qua internet. Tất cả thông tin, tư liệu về nhạc sĩ, nghệ sĩ, tác phẩm… được mở rộng, có đầy đủ trên các mạng quốc tế và trong nước. Cây đàn guitar cổ điển đã dần hồi sinh, lấy lại vị thế của nó trong lòng công chúng, quay trở lại thời kỳ phát triển mới với một tầng bậc cao hơn, tinh tế và sâu sắc hơn.

Các nghệ sĩ thế hệ thứ tư được đào tạo bài bản trong và ngoài nước, đã đem đến sự đột phá, sự khởi sắc cho nền nghệ thuật guitar Việt Nam. Đó là các nghệ sĩ đang giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam như Nguyễn Quang Vinh, Lê Đức Sơn, Nguyễn Thị Hà, Cao Sỹ Anh Tùng, Trần Trung Kiên, Nguyễn Văn Phúc, nhiều nghệ sĩ đang hoạt động tại các trường âm nhạc chuyên nghiệp, nhà văn hóa… như Trịnh Minh Cường, Tuấn Khang, Phương Hà, Việt Dũng… và các nghệ sĩ đang định cư nước ngoài như Nguyễn Thế An (Canada), Nguyễn Thanh Hằng (Tây Ban Nha), Lê Thu (Ấn Độ)…

Từ việc tiếp thu những tinh hoa trong nghệ thuật biểu diễn của thế giới đã giúp cho các nghệ sĩ thế hệ thứ tư có những bước cải tiến, nâng cao và đột phá về kỹ thuật trong nghệ thuật trình diễn, có sự cải thiện lớn lao trong cách tạo tiếng đàn, âm thanh chuẩn, đầy đặn, tròn trịa, vang xa. Ngoài những kỹ thuật cơ bản được truyền dạy từ các thế hệ trước, thế hệ thứ tư đã có sự tiếp xúc với âm nhạc đương đại, biểu diễn những tác phẩm đương đại TK XX. Các tác phẩm guitar đương đại có sự thay đổi lớn về kỹ thuật và thủ pháp diễn tấu. Trên cơ sở của kỹ thuật cơ bản, đã xuất hiện nhiều kỹ thuật mới như gõ, đập vào thùng đàn, vào đầu cần đàn…, tạo ra những âm thanh mới không mang tính giai điệu.

Thế hệ trẻ được học tập bài bản, nắm vững kiến thức âm nhạc nên họ đã đạt được những chuẩn mực trong thể hiện tác phẩm, diễn đạt được hình tượng âm nhạc phong phú. Khả năng xử lý tác phẩm của thế hệ thứ tư cũng được phát huy đầy sáng tạo, khi có những yếu tố mới xuất hiện trong tác phẩm như nhịp thay đổi liên tục, đa tiết tấu… Đặc biệt là tác phẩm không có sự quy định về nhịp mới xuất hiện từ TK XX đã tạo ra sự khám phá, tìm tòi không ngừng, sáng tạo nên những phong cách mới mang bản sắc dân tộc, cá tính độc đáo của người nghệ sĩ biểu diễn.

Đã có nhiều nghệ sĩ tham gia các cuộc thi quốc tế, hay biểu diễn các chương trình độc diễn (recital)… Tuy nhiên, nền nghệ thuật biểu diễn guitar Việt Nam cần phải được đưa lên những bước phát triển mới chuyên nghiệp hóa hơn, tạo dựng được chỗ đứng trong làng âm nhạc và định hướng cho người nghe những giá trị thưởng thức chuẩn mực trong tương lai.

_______________

1, 3, 5, 7, 8. Nhiều tác giả, Nghệ thuật trình tấu ghita cổ điển ở Hà Nội, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 2012, tr.118-120, 119, 129-136, 138, 138-142.

2. Phạm Ngữ, Tự học ghi ta, Nxb Mỹ thuật Âm nhạc, Hà Nội, 1969, tr.206-218.

4. Tạ Tấn, Phương pháp học ghita, Nxb Văn Hóa, Hà Nội, 1986, tr.33-65.

6. Nguyễn Văn Học, Ghita Hà Nội ngày ấy, bây giờ – Thất cầm một thuở, Hà Nội mới, số 37, 2010, tr.6.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 356, tháng 2-2014

Tác giả : Cao Sỹ Anh Tùng

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *