Sự ra đời của tiểu thuyết hiện đại campuchia

Trong bối cảnh xã hội có nhiều thay đổi, đặc biệt là ở đô thị, những biến đổi về mặt xã hội, nhất là sự xuất hiện của tầng lớp dân cư đô thị cùng với tâm lý thị dân của tầng lớp trí thức mới được đào tạo trong các cơ sở giáo dục do Pháp mở hoặc bảo trợ, sự xuất hiện của báo chí… là những tác nhân trực tiếp tạo nên sự hình thành tiểu thuyết hiện đại Campuchia. Bên cạnh đó, văn học phương Tây du nhập với nhiều tác phẩm đề cao giá trị dân chủ, tự do, giàu tính nhân văn, nhân đạo chủ nghĩa của văn học Pháp. Đặc điểm tâm lý dân tộc, thị hiếu văn học, tầm đón nhận của công chúng độc giả cũng như năng lực, trình độ của đội ngũ sáng tác đã ảnh hưởng lớn đến sự ra đời của tiểu thuyết hiện đại Campuchia trong buổi đầu hình thành.

1. Bối cảnh ra đời của tiểu thuyết hiện đại Campuchia

Tiểu thuyết hiện đại Campuchia ra đời là một trong những kết quả của công cuộc đô thị hóa. Sau khi chiếm đóng, biến Campuchia thành một bộ phận của Đông Dương thuộc Pháp, thực dân Pháp đã thi hành một số chính sách về kinh tế, xã hội. Qua đó, từng bước làm thay đổi bộ mặt xã hội Campuchia, nhất là thủ đô Phnôm Pênh và một vài thị xã lớn. Chính quyền thực dân Pháp cho xây dựng một số cơ sở công nghiệp với quy mô nhỏ như: nhà máy điện, nhà máy nước, nhà máy dệt, nhà máy sản xuất cao su, cơ sở thương mại, chế biến lương thực, thực phẩm, các nhà máy rượu… Pháp cũng cho xây dựng một số tuyến đường giao thông nối thủ đô Phnôm Pênh với các địa phương và Sài Gòn – Chợ Lớn của Việt Nam… Các nghề thủ công mỹ nghệ như: dệt, gốm, chạm trổ, đá quý, đúc đồng cũng khá phát triển. Sự ra đời của các cơ sở kinh tế này trước hết phục vụ bộ máy thực dân, chính quyền bản địa, song đã có tác động đến nhiều mặt.

Về xã hội, xuất hiện nhiều tầng lớp mới, đó là đội ngũ công chức, viên chức phục vụ chính quyền thực dân và bản địa, giới chủ, tầng lớp thương nhân, những người buôn bán, dịch vụ, công nhân, những người làm công ăn lương, dân nghèo đô thị, học sinh, sinh viên… Ngoài ra còn có một lực lượng lớn người dân vùng nông thôn cũng kéo về thủ đô làm ăn, sinh sống, tạo nên quang cảnh phố thị tương đối náo nhiệt (theo số liệu thông kê, năm 1939, Phnôm Pênh đã có 109 ngàn dân). Từ những năm 1920, Phnôm Pênh được biết đến như “hòn ngọc châu Á” (1), đến những năm 1930 được xem là “thành phố đẹp nhất ở xứ Đông Dương thuộc Pháp” (2).

Về giáo dục, sau khi cai quản Campuchia, chính quyền thực dân chủ trương tách trường học ra khỏi hệ thống trường nhà chùa, đưa các chương trình giáo dục hiện đại của Pháp vào trường học. Mặc dù vấp phải sự chống đối mạnh mẽ, nhất là tầng lớp sư sãi, nhưng chủ trương này cũng tạo ra một diện mạo mới cho nền giáo dục Campuchia, theo đó, một tầng lớp trí thức mới có kiến thức Tây học ra đời (3).

Về phương diện văn học, những thay đổi trên đã góp phần làm xuất hiện một lớp độc giả mới với những nhu cầu, thị hiếu văn học khác trước. Đặc biệt, những người tiếp xúc với văn học phương Tây, đã không còn hứng thú với các tác phẩm văn học truyện thơ truyền thống, vốn nặng tính chất giáo huấn, ước lệ (4). Những trí thức này đã đưa văn học phương Tây vào Campuchia bằng việc dịch nhiều tác phẩm văn học phương Tây sang tiếng Khmer như: Những người khốn khổ (V.Hugo), Không gia đình (Hecto Malot), Ba người lính ngự lâm (A.Dumas), Le Cid (Corneille)… tạo tiền đề quan trọng cho việc hình thành tiểu thuyết hiện đại Campuchia. Họ cũng là những người tiên phong trong trào lưu sáng tác văn học mới với thể loại chủ đạo là tiểu thuyết hiện đại vào cuối những năm 30, đầu những năm 40 TK XX.

Nói đến sự ra đời của tiểu thuyết hiện đại Campuchia, không thể không nói đến vai trò của các tờ báo, tạp chí. Có tờ tạp chí ra hàng tháng nhưng cũng có tạp chí ra hàng tuần như tạp chí Đêm thứ bảy. Các tờ báo, tạp chí là nơi đầu tiên đăng tải tiểu thuyết (thường mỗi số đăng một chương hay một đoạn trước khi chúng được chính thức xuất bản), là công cụ đầu tiên chuyển tải tiểu thuyết hiện đại Campuchia đến độc giả.

2. Sự ra đời và xu hướng của tiểu thuyết hiện đại Campuchia

Tiểu thuyết Sô Phát của Rim Kin (1938) mở đầu cho thể loại tiểu thuyết hiện đại Campuchia. Rim Kin viết xong năm 1938 nhưng đến năm 1942 mới xuất bản và cũng phải nhờ một nhà in ở Chợ Lớn, Việt Nam in ấn, vì lúc đó ở Campuchia chưa có nhà máy in. Sô Phát là chuỗi liên kết các chi tiết, sự kiện của cậu bé 12 tuổi, mồ côi mẹ, từ một vùng quê lên thành phố Phnôm Pênh tìm bố. Về phương diện xây dựng nhân vật, Sô Phát đã có những bước đột phá mới, dù chưa thật nổi trội. Ngoài nhân vật trung tâm là Sô Phát và Mang Yang còn rất nhiều nhân vật phụ tham gia vào câu chuyện như: ông Suôn, ông Sóc, cô Soya, cậu bé Na Rinh, chàng trai Som Nang… Các nhân vật này có những tâm thế, địa vị xã hội khác nhau. Ông Suôn, ông Sóc Người là quận trưởng, tham mưu trưởng, Sô Phát là kẻ mồ côi, Mang Yang là con nuôi… Tuy còn nhiều yếu tố ngẫu nhiên can thiệp vào sự phát triển của sự kiện, tâm lý nhân vật, song vấn đề cốt lõi tạo nên sự lôi cuốn của tiểu thuyết Sô Phát lúc bấy giờ là vấn đề tự do trong tình yêu. Rim Kin xây dựng câu chuyện dựa trên diễn biến cuộc tình trắc trở của chàng trai Sô Phát và cô gái Mang Yang. Mang Yang kiên quyết từ chối tình yêu của Som Nang, một chàng trai xuất thân từ gia đình quyền quý để đến với Sô Phát, dù lúc đó còn mang danh phận của một người con nuôi, mồ côi cha mẹ. Cuối cùng họ đã tìm được hạnh phúc. Đó là một thông điệp rõ ràng, cổ vũ cho sự tự do yêu đương. Tuy nhiên, trắc trở trong tình yêu của Sô Phát không phải là sự ngăn cấm của bố mẹ hay xung đột giữa hai thế hệ già – trẻ, mà là sự vượt qua rào cản về thân phận, địa vị xã hội của chính các nhân vật.

Sau Sô Phát, nhiều tiểu thuyết khác đã ra đời như: Nước Biển Hồ (1941), Tình yêu bóng ma (1942), Hoa hồng Paylin (1943), Tột đỉnh bất hạnh (1946), Đỉnh cao tình yêu (1946), Hoa tàn (1947)… Xuyên suốt trong các tác phẩm là vấn đề tự do yêu đương, một vấn đề đã trở nên quen thuộc, bức thiết với lớp độc giả trẻ đương thời. Song vẫn thấp thoáng những lời răn dạy đạo đức truyền thống, phải biết tự lập vươn lên, phải tránh cái ác, tham, sân, si… Cốt truyện có tính phổ biến là các đôi nam nữ yêu nhau nhưng tình yêu phải vượt qua rất nhiều thử thách, nhiều khi đạt được hạnh phúc nhưng cũng có lúc trở thành bi kịch. Tình yêu bóng ma của Nhốc Them xoay quanh mối tình phức tạp, chằng chéo giữa bốn nhân vật: hai chị em ruột Sari và Sarun, thẩm phát Roth và huyện phó Aođom. Aođom đem lòng yêu cô em Sarun nhưng bị từ chối vì cô đã yêu Roth. Quẫn trí Aođom tự sát. Trong khi đó, Roth lại yêu thương cả hai chị em nhưng cuối cùng lại cưới cô chị Sari. Vì quá ghen tức, nhân lúc Roth đi vắng, Sarun lẻn vào định sát hại Sari. Đúng lúc Sarun đưa dao lên thì hồn ma Aođom hiện về ngăn cản hành động tội ác của Sarun. Đau khổ vì bị Roth phụ bạc, hối hận vì đã từ chối tình yêu của Aođom, Sarun đã tự tử ngay trong phòng chị gái. Về tư tưởng thẩm mỹ, Tình yêu bóng ma chưa đem đến một điều gì thật sự mới mẻ hơn Sô Phát, vẫn là sự khẳng định tự do trong tình yêu, nhưng cái kết mang tính bi kịch của hai nhân vật, đặc biệt là của Sarun, dường như là một sự cảnh báo, không được vượt quá đạo đức truyền thống?

Sau Tình yêu bóng ma, Nhốc Them viết tiếp Hoa hồng Paylin (1943). Cũng như Tình yêu bóng ma, Hoa hồng Paylin đề cập đến các mối quan hệ, tình cảm yêu đương giữa ba nhân vật: Chất, chàng trai mồ côi, xuất thân nghèo khổ; Khun Nari con gái ông chủ buôn ngọc nổi tiếng; Palat, huyện phó vùng Paylin. Sau bao nhiêu cố gắng theo đuổi, cật lực làm việc, cuối cùng, Chất nhận được tình yêu từ Khun Nari và được ông chủ giao cho quản lý cơ sở buôn ngọc nổi tiếng. Trong Hoa hồng Paylin, các trang viết thấm đẫm chất trữ tình lãng mạn. Song tư tưởng chủ đạo mà Nhốc Them (một người xuất thân từ cửa Phật và chuyên giảng dạy về Phật giáo) muốn gửi đến người đọc là con người sinh ra từ đâu, ở địa vị nào, điều đó không quan trọng. Cái quan trọng là phải dám đối diện với thử thách, không thoái thác nhưng cũng không dựa dẫm vào người khác. Hạnh phúc của mỗi người không phải là kết quả tu luyện từ kiếp trước, mà là kết quả của chính việc làm hôm nay.

Khác với Sô Phát, Tình yêu bóng ma, Hoa hồng Paylin, tác phẩm Hoa tàn (1947) của Nu Hách có cách nhìn mới về xã hội. Những mâu thuẫn thế hệ, sự khác nhau về quan niệm sống, hạnh phúc, tình yêu giữa bố mẹ và con cái, rộng ra là vấn đề giải phóng cá nhân đã được Nu Hách đặt ra một cách rõ ràng, quyết liệt, không khoan nhượng. Hoa tàn mang đến cho độc giả một trải nghiệm hết sức nghiệt ngã. Đó là kết cục đau thương của mối tình giữa chàng sinh viên nghèo khó Pun Thươn với cô gái Vithiavi, con của bà Nuôn giàu có trong vùng. Vithiavi yêu và quyết gắn bó với Pun Thươn nhưng bị mẹ ép gả cho một thanh niên con nhà quyền quý. Vithiavi phản đối mạnh mẽ sự áp đặt, cuối cùng sinh bệnh mà chết. Nu Hách chọn cách viết bi kịch để lên án tư tưởng độc đoán, coi nặng đồng tiền hơn tình nghĩa. Tuy nhiên, trong Hoa tàn, Nu Hách không coi cái chết của Vithiavi là sự chấm hết cho trào lưu mới về tư tưởng tự do, trước hết là tự do yêu đương trong tầng lớp trẻ đang xuất hiện ngày một rõ nét, mà coi đó là cái giá phải trả cho cuộc đấu tranh. Vì thế Hoa tàn đã tạo ra sự xúc động mãnh liệt và sự đón nhận tích cực của công chúng. Ngay khi cuốn tiểu thuyết vừa ra đời, nhiều độc giả đã viết thư cho Nu Hách, bày tỏ sự thương cảm với nhân vật Vithiavi, đồng thời oán trách tác giả vì đã để một cô gái hiền dịu phải chết một cách oan nghiệt (theo lời tựa của tác giả trong tiểu thuyết Mialia của tôi, 1952).

Nhìn chung, chỉ trong một thời gian ngắn, khoảng mười năm, tiểu thuyết hiện đại Campuchia đã bước đầu định hình, tạo nên một làn gió mới trên văn đàn Campuchia. Những người tạo nên làn gió mới này hầu hết còn rất trẻ, chỉ khoảng trên dưới ba mươi tuổi, đã từng theo học tại trường trung học Sisowath (ngoại trừ tác giả Nhốc Them). Về phương diện thể loại, từ Sô Phát đến Hoa tàn, tiểu thuyết hiện đại Campuchia đã có những bước tiến đáng kể. Về hình thức, các tiểu thuyết Campuchia đã mang dáng dấp của tiểu thuyết hiện đại kiểu phương Tây, từ kết cấu tác phẩm, giọng điệu, đến nội dung tư tưởng và hình thức biểu đạt. Mặc dù vậy, đây chỉ là giai đoạn định hình chưa thật hoàn chỉnh, tiểu thuyết vẫn bộc lộ nhiều khiếm khuyết về hình thức và nội dung. Tìm hiểu tiểu thuyết hiện đại Campuchia lúc này, người đọc thấy có nhiều sự kiện nhưng lại ít hình bóng nhân vật, nặng về mô tả, kể lể mà chưa chú trọng đúng mức đến diễn biến tâm lý nhân vật. Về phương diện kết cấu, các tác phẩm như: Hoa tàn, Tình yêu bóng ma, Hoa hồng Paylin vẫn còn giản đơn. Hệ thống các sự kiện sắp xếp theo trật tự thời gian tuyến tính, chủ yếu xoay quanh số phận của một vài nhân vật trung tâm. Vì sử dụng lối kết cấu này mà nhân vật mất đi tính đa dạng, không có nhiều không gian để hoạt động, bộc lộ tính cách. Trên phương diện phản ánh, các tác giả dường như bị thu hẹp trường và biên độ quan sát, chỉ giới hạn ở một phạm vi tương đối chật hẹp. Đó là các câu chuyện tình cảm lãng mạn hay đau khổ của tuổi trẻ, còn những vấn đề liên quan đến đời sống xã hội lớn hơn ở Campuchia trong những năm ba mươi, bốn mươi của thế kỷ trước hầu như vắng bóng. Về tư tưởng, các tác phẩm giai đoạn này cũng chỉ tập trung vào vài ba vấn đề như: cuộc đấu tranh để bảo vệ quyền được tự do yêu đương, sự xung đột về quan niệm hạnh phúc, về môn đăng hộ đối giữa cha mẹ và con cái. Một số tác phẩm đề cao cuộc sống tự lập, sự vượt khó, vươn lên của những con người xuất thân từ hoàn cảnh khó khăn. Vài tác phẩm còn lộ rõ tính phóng sự, có thể do bắt nguồn từ việc trước khi được xuất bản chính thức, các tác phẩm này thường được đăng tải nhiều kỳ trên các tờ báo hay tạp chí.

Bước vào đầu những năm 1950, tiểu thuyết hiện đại Campuchia đã có bước phát triển mới. Trước hết là việc mở rộng về đề tài, đa dạng về hiện thực phản ánh. Từ cuối những năm 1940, cuộc đấu tranh của nhân dân Campuchia giành độc lập dân tộc diễn ra hết sức quyết liệt. Mặt trận Khmer Itxarac tập hợp được hàng vạn người tham gia đấu tranh. Tại các đô thị hay thành phố lớn, phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên, công nhân và người lao động vì nền dân chủ, chống lại sự cai trị của thực dân Pháp, sự bóc lột của giới chủ diễn ra sôi động. Tháng 11-1949, chính quyền thực dân Pháp đã trao cho Campuchia quy chế “một quốc gia liên kết trong khối Liên hiệp Pháp”. Từ sự kiện chính trị này những người yêu nước đã tổ chức nhiều phong trào đấu tranh đòi độc lập và mở rộng dân chủ. Ngày 9-11-1953, Pháp chính thức trao trả nền độc lập cho Vương quốc Campuchia, mở ra một thời kỳ phát triển mới cho quốc gia này. Bối cảnh chính trị, xã hội đã tác động lớn đến xu hướng tiểu thuyết hiện đại Campuchia. Cùng với những tiểu thuyết tình cảm vốn đã được biết đến trước đó, trong nửa đầu những năm 1950, nhiều tiểu thuyết mang tính chính trị, xã hội đã xuất hiện. Các tiểu thuyết như: Giai cấp (1951), Mialia của tôi (1952), Hoa nở hoa tàn (1952), Sự bất hạnh không thể tránh (1954), Sim – người lái xe (1956), Ku-li Kòm-nen (1956), Thày giáo làng (1957), Tiền lương đi đâu (1957), Các cô gái cách mạng (1957)… đã bao quát những vấn đề mang tính chính trị, xã hội. Nhiều vấn đề sôi động, nóng bỏng và bức thiết của đất nuớc đã được phản ánh trong tiểu thuyết. Cuộc đấu tranh để giải phóng đất nước khỏi sự xâm chiếm của Xiêm (Mialia của tôi), cuộc đấu tranh giữa giới chủ và người lao động (Sim-người lái xe), phong trào đòi dân chủ và tiến bộ xã hội (Thày giáo làng) và các vấn đề về nhân bản (Hoa nở hoa tàn)… Như vậy, có thể thấy, tiểu thuyết Campuchia giai đoạn này đã không còn bị bó hẹp vào một vài vấn đề và lĩnh vực như giai đoạn trước mà mở rộng trường phản ánh, bao quát nhiều vấn đề cấp thiết của đất nước, điều đó góp phần khẳng định sự phát triển toàn diện của tiểu thuyết hiện đại Campuchia (5).

_______________

1. cambodia-dutch.org

2. canbypublications.com

             3. Ở Campuchia, Pháp lập trường Bảo hộ từ năm 1893 (tiền thân là trường dạy ngôn ngữ Pháp, được thành lập năm 1873). Đến năm 1905, trường đổi thành Collège Sisowath, chuyên đào tạo người phục vụ cho bộ máy thực dân Pháp và chính quyền bản địa. Năm 1933, trường đổi tên thành Lycée Preah Sisowath. Sau khi toàn quyền Đông Dương A. Sarraut ban hành Bản quy chế học đường Đông Dương (1918), ở Campuchia có hai hệ thống giáo dục song hành: giáo dục công do chính quyền bảo hộ mở hoặc bảo trợ và hệ thống giáo dục của nhân dân (chủ yếu tồn tại trong các chùa). Các trường học của thực dân được dạy bằng tiếng Pháp, một số sách giáo khoa do chính quyền thực dân biên soạn dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Nha học chính Đông Dương. Năm 1934, Campuchia có 23 trường học do chính quyền bảo hộ mở hoặc bảo trợ, với trên 7 ngàn học sinh, tuy nhiên đến năm 1939 mới có các học sinh Campuchia đầu tiên tốt nghiệp từ Lycée Preah Sisowath với bằng tú tài. Phần lớn nhà văn Campuchia xuất hiện từ cuối những năm 1930, đầu những năm 1940 xuất thân từ Lycée Preah Sisowath.   

4. Tại Hội nghị khoa học Pháp-Nga lần thứ nhất tại Matxcova, 1989, học giả Khing Học Dy cho rằng cùng với sự phát triển của nền giáo dục phương Tây trong các trường quốc học và nền giáo dục trong nhà chùa hiện đại và được đổi mới từ năm 1911, thì nền văn học cổ bằng thơ đã trở nên không đáp ứng được yêu cầu của lớp trẻ. Bắt đầu từ đó, người ta không còn học tại gia nữa mà chỉ học tại trường phổ thông hoặc trường đại học, bởi vậy giới trẻ ở Campuchia không còn chú ý đến hình thức thơ ca, ngược lại, văn xuôi vốn trước đó bị xem là thấp kém nay đã lên ngôi.

5. Bài viết được sự tài trợ của Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED), mã số VII.1.2-2012.09.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 378, tháng 12-2015

Tác giả : NGUYỄN SỸ TUẤN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *