Sự tỏa sáng văn hóa hồ chí minh


 

Hồ Chí Minh có tầm tri thức văn hóa rng lớn, có cốt cách và bản lĩnh văn hóa mạnh mẽ. Người đã có nhiều đóng góp quý giá và sáng tạo cho nền văn hóa dân tộc và nhân loại. Cuộc đời và sự nghiệp của Người là sự tỏa sáng văn hóa Hồ Chí Minh. Đó là sự bộc lộ hết sức chân thật, sinh động phẩm cách văn hóa cao đẹp, qua mọi hoạt động chính trị và đời sống, qua mọi quan hệ giao tiếp, đối đãi, ứng phó. Có thể nói, Hồ Chí Minhngười ứng xử văn hóa kỳ tàicó văn hóa ứng xử tuyệt vời.

Bình sinh, lãnh tụ sống rất giản dị. Nhà báo Mỹ Devis Hambostam viết: “Sức mạnh vĩ đại của cụ Hồ là ở chỗ Cụ vẫn sống như mọi người Việt Nam bình thường… một con người của quê hương với đức tính giản dị..” (1). Giản dị là phong cách sống rất văn hóa của Hồ Chí Minh. Thời kỳ hoạt động cách mạng bí mật ở Việt Bắc, phải ở lán, Người sống rất gian khổ, nhưng cũng rất đàng hoàng. Về ở Phủ Chủ tịch, từ chối các dinh thự sang trọng, Người chỉ ở một nếp nhà sàn với những tiện nghi rất khiêm tốn: ăn ở, làm việc suốt cả đời, ngã bệnh và ra đi cũng ở đó. Người thích làm việc ở ngoài trời và tìm đến những thú vui giản dị, thanh tao bên vườn hoa, ao cá.

Có những kỷ vật bình thường nhưng lại bao hàm nhiều ý nghĩa sâu xa. Trong phòng có quạt máy, nhưng Người thường dùng chiếc quạt bằng lá cọ. Chiếc quạt không chỉ là một thông báo tiết kiệm điện, nó còn như một thông điệp triết lý: ta có thể tự tạo ra gió để xua đi cái nóng bất kỳ lúc nào, nơi nào khi cần và muốn. Những đồng chí phục vụ có lần đề nghị xin thay chiếc áo cũ đã bị Người từ chối. Lý do là áo vẫn còn mặc được, chỉ cần lộn lại cổ áo. Về đi lại, dù trèo đèo, lội suối hay di chuyển bằng xe thuận tiện, Người vẫn dùng đôi dép cao su. Đôi dép cao su đã trở thành một vật dụng quen thuộc, chính vì vậy Hồ Chí Minh được mệnh danh là Người đi dép cao su. Nhà văn Algeria Kateb Yacine đã sáng tác một kịch thơ đồ sộ Người đi dép cao su (1970) để ca ngợi. Dép cao su đã trở thành một biểu tượng về phong cách của văn hóa Hồ Chí Minh trong thơ ca, âm nhạc.

Chuyện kể, một lần vào năm 1960, Người đến thăm một đơn vị hải quân. Mọi người vây quanh, đề nghị Người thay đôi dép thì được giải đáp: “Mua đôi khác, chẳng đáng là bao nhưng khi chưa cần thiết cũng chưa nên. Ta phải tiết kiệm vì đất nước ta còn nghèo” (2). Hiện nay, đôi dép được để ở Bảo tàng Hồ Chí Minh như một báu vật quốc gia. Giản dị, tiết kiệm không chỉ là văn hóa sống, mà còn thể hiện một quan niệm triết lý sâu xa về nhân sinh.

Yêu thiên nhiên, hòa hợp với thiên nhiên cũng là một quan niệm triết lý của Người. Người khởi xướng tết trồng cây, Người nghĩ đến ngày đi xa vẫn để lại màu xanh cho đời như dấu ấn bất diệt của sự sống. Một người nước ngoài đọc Di chúc lại thấy thêm được tư cách người bảo vệ môi trường của Hồ Chí Minh. Trong thơ Hồ Chí Minh, thiên nhiên không chỉ như cảnh vật tự nhiên mà còn được coi như bè bạn, góp phần di dưỡng tâm hồn con người và cũng đem lại bao lợi ích cho đời sống. Văn hóa với tự nhiên là một cách ứng xử khoa học, có ý nghĩa nhân văn là vì thế.

Trong đạo đức Hồ Chí Minh nổi bật vấn đề tu thân, sự tự ứng xử một cách nghiêm túc với bản thân. Người từng nói: “Chúng ta đều nhớ câu “chính tâm tu thân” để “trị quốc bình thiên hạ”. Và khuyến cáo: “Những người Việt Nam chúng ta hãy tự hoàn thiện mình về mặt tinh thần bằng cách đọc các tác phẩm của Khổng Tử, và về mặt cách mạng thì hãy đọc các tác phẩm của Lênin”(3).

Hồ Chí Minh đã kết hợp được truyền thống tu thân của các bậc hiền nhân quân tử xưa kia với yêu cầu của người cách mạng, người cầm quyền hiện đại. Do đó, Người là tác giả sớm nhất của văn hóa phê bình và tự phê bình mà trước hết là văn hóa tự phê bình của người lãnh đạo. Ngay từ những năm đầu của cách mạng cho đến suốt đời, Người luôn nêu tấm gương sáng về soi xét bản thân: “Chúng ta không không sợ khuyết điểm nhưng chỉ sợ không biết kiên quyết sửa chữa nó đi. Từ nay, tôi mong đồng bào ra sức giúp tôi sửa chữa những khuyết điểm đó…” (4).

Bước vào công cuộc xây dựng đất nước, Người xác định rõ: “Kiến thiết cần phải có nhân tài” và đề nghị các địa phương trong cả nước phải tiến cử người tài đức. Nhân dịp này, Người nhận lỗi trước đồng bào: “E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận” (5).

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, giành chính quyền mới được vài tháng, Người có thư gửi đồng bào cả nước: “Vì yêu mến và tin cậy tôi mà đồng bào đã giao vận mệnh nước nhà cho tôi gánh vác. Phận sự tôi như một người cầm lái là phải chèo chống thế nào để đưa chiếc thuyền tổ quốc vượt khỏi những cơn sóng gió mà an toàn đi đến bờ hạnh phúc nhân dân. Chỉ vì tôi tài hèn sức mọn cho nên chưa làm được đầy đủ những sự mong muốn của đồng bào” (6).

Năm 1950, nhiều địa phương ở Liên khu IV dùng biện pháp thô bạo, cưỡng bức nhân dân để huy động sức người, sức của. Được tin, Người gửi thư cho đồng bào để tự phê bình: “Nghe các ông thanh tra báo cáo lại những việc đó, tôi rất đau lòng. Dù Chính phủ đã ra lệnh trừng trị những cán bộ đó, tôi phải thật thà xin lỗi đồng bào vì những cán bộ sai lầm mà bị oan ức. Tôi thật thà tự phê bình khuyết điểm của tôi là giáo dục và lựa chọn cán bộ chưa được chu đáo” (7). Thời cải cách ruộng đất, có sai lầm nghiêm trọng, mặc dù đồng chí Trường Chinh là người trực tiếp chỉ đạo nhưng Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ đứng ra nhận lỗi. Đó là sự biểu hiện dũng khí của một người có trách nhiệm cao nhất trước nhân dân.

Khi đứng ra đảm nhận chức trách Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh ngoài sự thể hiện tài năng lãnh đạo tài giỏi, còn bộc lộ một phong cách hết sức đặc sắc về văn hóa chính trị. Trước hết, Người là một tấm gương tiêu biểu về văn hóa cầm quyền.

Bắt đầu từ việc nhận nhiệm vụ, thể hiện tinh thần chí công vô tư, Người phát biểu: “Phải tỏ cho mọi người biết rằng công việc là công việc chung, thiếu người ra gánh vác thì mình ra, nếu có người thay mình sẽ nghỉ để làm việc khác, sẵn sàng nhường lại cho ai muốn làm và làm được” (8). Nhân trả lời các nhà báo nước ngoài, Người nói rõ: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh vác chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui” (9). Như vậy, Người là nhà cầm quyền đầu tiên thể hiện công khai một thứ văn hóa đẹp, hợp lòng người: văn hóa nhận nhiệm vụ, văn hóa từ nhiệm, từ chức.

Ngày nay, ở các nước tư bản thường có lễ tuyên thệ nhậm chức. Trong khi ấy, đã từ lâu, Hồ Chí Minh là người ở thể chế dân chủ cộng hòa nêu gương ấy.Trong lễ mừng Liên hiệp quốc gia, Người đã phát biểu những lời lẽ thiêng liêng: “Nói hy sinh phấn đầu thì dễ, nhưng làm thì lại khó. Trước Phật đài tôn nghiêm, trước quốc dân đồng bào có mặt tại đây, tôi xin thề hy sinh, đem thân phấn đấu để giữ vững nền độc lập cho tổ quốc. Hy sinh, nếu cần hy sinh cả tính mạng, tôi cũng không từ” (10). Ngày sắp sang Pháp, năm 1946, Người hứa với đồng bào rằng: “Tôi cùng anh em đại biểu sẽ gắng làm cho khỏi phụ lòng tin cậy của quốc dân” (11).

Một đời tại vị, không bao giờ Hồ Chí Minh thất hứa. Nói là làm và làm tốt nhất. Cũng một đời, Người thực hiện trọn vẹn, tuyệt vời lời thề vì dân, vì nước.

Một tư tưởng lớn trong hệ tư tưởng Hồ Chí Minh là đoàn kết. Cốt lõi của đoàn kết là chủ nghĩa nhân văn cách mạng, từ đó có ứng xử văn hóa trong giao lưu, quan hệ với đồng chí, đồng bào, anh em bè bạn trong nước và quốc tế. Phong cách văn hóa thể hiện rõ ở thái độ ứng xử chân thành, trân trọng, hợp lòng người dựa trên cơ sở đường lối, chính sách.

Thời kỳ hoạt động bí mật ở Việt Bắc, ông Ké nổi tiếng làm dân vận giỏi, nhận được cảm tình sâu sắc của cả người già, trẻ em. Người biết nói nhiều thứ tiếng dân tộc, nắm được chìa khóa để khai mở tâm hồn, biết được cách nghĩ, cách cảm, cách nói với người dân tộc để giao tiếp, ứng xử phù hợp.

Gắn bó mật thiết với dân là phương pháp, cũng là phong cách lãnh đạo tốt nhất để quan sát tình hình đời sống, lắng nghe trực tiếp tâm tư, nguyện vọng của người dân. Nhiều lần Người đến các địa phương, cơ sở sản xuất, đơn vị bộ đội để kiểm tra tính thực tiễn của đường lối, chủ trương, chính sách. Đó là phong cách kiểm tra rất văn hóa, thiết thực, nhẹ nhàng mà thấu đáo, kỹ lưỡng. Đó là những dịp kết hợp thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ, công nhân, bà con xóm làng với trực tiếp góp ý chấn chỉnh cho phong trào, hoạt động. Có lần về thăm những hợp tác xã chăn nuôi, thấy đàn lợn đông đúc, béo tốt nhưng lại cắn nhau, Người tinh ý biết ngay bệnh thành tích, nhắc nhở phải làm ăn tử tế kẻo dân oán, phải đem trả lợn mượn đúng nhà dân. Xắn quần ra đồng tát nước, Người biết được nỗi khó nhọc của vùng hạn và nhắc nhở khai thêm mương máng thủy lợi.

Hồ Chí Minh nắm rất vững phép đối nhân xử thế, nhanh chóng xóa bỏ khoảng cách giữa lãnh tụ và quần chúng, giữa chỉ huy và cán bộ. Ai gặp Người cũng có cảm giác thân tình, gần gũi, mất đi sự mặc cảm, e dè, thay vào đó là lòng kính phục, yêu mến. Đó là do bí quyết của Người: “Đối với tất cả mọi người trong các tầng lớp dân chúng, ta phải có một thái độ mềm dẻo, khôn khéo, biết nhân nhượng, biết trọng nhân cách người ta” (12).

Về phép dùng người, Người có thái độ đối xử rất văn hóa – một khoa học và nghệ thuật về nhân sự. Người đã có lúc nhắc tới cách dụng nhân như dụng mộc, nhưng thực ra, ngoài con mắt xanh phát hiện còn có cả một quá trình rèn luyện, bồi dưỡng, giáo dục, đặc biệt là đối với nhân tài. Sau Cách mạng, Người mạnh dạn và tin tưởng mời một số nhân sĩ trí thức trong bộ máy chế độ cũ tham gia Chính phủ và Quốc hội như cụ Bùi Bằng Đoàn – nguyên Thượng thư Bộ Tư pháp của triều đình Bảo Đại nhận nhiệm vụ Trưởng ban Thường vụ Quốc hội, cụ Huỳnh Thúc Kháng – nguyên lãnh đạo phong trào Duy Tân giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ, từng là Quyền Chủ tịch nước khi Người sang Pháp năm 1946.

Với văn hóa nhân sự, Người đã biến kỳ vọng về chính sách cán bộ thành hiện thực. Nhiều đồng chí thân cận, học trò gần gũi xuất sắc của Người trở thành những tên tuổi xuất sắc trên lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao… của nước nhà: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu… Có thể ví Hồ Chí Minh như một thanh nam châm cực mạnh thu hút, quy tụ nhân tài. Nhờ uy tín và cách đối đãi cầu hiền của Người, mà bao chính khách, nhà khoa học, nhà văn hóa ở nước ngoài đã về nước. Trong số này, có thể kể đến: Lê Văn Thiêm, Phạm Huy Thông, Trần Hữu Tước, Lương Định Của, Trần Đại Nghĩa…

Hồ Chí Minh có biệt tài hiểu thấu lòng người và biết khơi dậy ánh sáng lương tri, ngọn lửa lương tâm. Người là nhà lãnh đạo lớn biết động viên, cổ vũ cao nhất về sức mạnh tinh thần của nhân dân cho chiến đấu và xây dựng. Trừ những khi phải dùng ngôn ngữ hành chính như ký sắc lệnh, văn bản quy phạm pháp luật…, thì Người giao tiếp, vận động nhân dân đều bằng ngôn ngữ đậm chất văn hóa. Lời tuyên ngôn, kêu gọi bao giờ cũng dân chủ, bình đẳng, mà thiêng liêng như những lời hịch cách mạng. Những mệnh lệnh, nghị quyết thường được diễn tả bằng những ngôn ngữ mềm dưới dạng đề nghị, cầu mong, ước muốn,…

Với cương vị nhà tổ chức thiên tài của cách mạng, Người rất coi trọng cán bộ và công tác giáo dục, đào tạo cán bộ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Người nêu lên một chân lý: “Muôn việc thành công hoặc thất bại là do cán bộ tốt hoặc kém” (13).

Năm 1947, dưới bút danh X. Y. Z, Người đã viết tác phẩm nổi tiếng Sửa đổi lối làm việc. Sách có hai vấn đề lớn: phê bình và sửa chữa lối làm việc – cán bộ và công tác cán bộ. Phê bình là nhằm xây dựng con người để tổ chức bộ máy. Cũng như tự phê bình, việc phê bình cũng có những yêu cầu cao và thể hiện rõ văn hóa phê bình của Hồ Chí Minh. Một mặt, Người phê bình rất nghiêm minh, triệt để cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng (14). Mặt khác, Người cho rằng, phê bình phải biết độ lượng, bao dung, trân trọng, tin yêu đối tượng bằng tấm lòng nhân ái. Phê bình, đấu tranh đến nơi, đến chốn, không khoan nhượng cái xấu, cái tiêu cực, nhưng đó là một loại trận đánh của tình thương (Chế Lan Viên).

Hồ Chí Minh coi cách phê bình cũng là giáo dục độc đáo qua hành động, qua công việc. Có những chuyện tưởng nhỏ mà có ý nghĩa cực lớn. Người rất sòng phẳng chuyện tài chính, có sổ chấm cơm và sổ lương do thư ký riêng quản lý giúp. Đi công tác, để tránh tiệc tùng tốn phí, Người dặn mang cơm nắm theo. Có lần, biết khoản thanh toán về bữa ăn linh đình, Người bảo lấy lương của mình ra để trả. Có lần đi thăm địa phương về, tỉnh ủy biếu gạo, Người trả tiền. Lần tổ chức sinh nhật năm Người sắp ra đi thật đơn giản: 5 bông hoa hồng – ấm trà và ít bánh kẹo. Người tâm sự: “Bác mang tiếng là Chủ tịch nước nhưng Bác nghèo lắm, Bác không có gì đâu” (15). Khi Người mất, túi tiền chỉ còn mấy nghìn đồng, tiền tiết kiệm Người thường giúp đỡ, làm từ thiện cho người nghèo.

Hồ Chí Minh là một nhà ngoại giao kiệt xuất, mang tầm vóc lớn về đường lối, chiến lược trong một thế kỷ đầy diễn biến phức tạp của hai thế giới, hai phe, hai cực. Người còn là một nguyên thủ quốc gia có ứng xử ngoại giao kỳ tài, có ảnh hưởng đối ngoại lớn lao. Đó cũng chính là trình độ văn hóa ngoại giao cao vời đã chinh phục được nhiều con tim, khối óc nhân loại, kể cả những con người đối địch, ở bên kia chiến tuyến. Báo Chiến sĩ Algeria có viết: “Những kẻ thù xấu xa nhất cũng buộc phải khâm phục Người. Những nhà văn, nhà báo dù có ác ý nhất cũng không thể tìm thấy một chút thiếu sót nhỏ nhặt nào trong cuộc đời gần 80 năm của Người” (16).

Trong hoạt động ngoại giao, dù chính thức hay không chính thức, Hồ Chí Minh đều như người đi sứ để phát triển uy tín đất nước, vị thế của dân tộc. Nhiều cuộc đi sứ thực chất là những cuộc đấu tranh, đấu trí quyết liệt – như lần Người sang Pháp để thương thuyết vào năm 1946 – bên cạnh việc giữ vững lập trường, quan điểm cách mạng thì vẫn phải biết thuyết phục đối phương bằng tình cảm chân chính trong thiện chí hòa bình.

Khi sang đàm phán ở Pháp, Người được ông đốc lý Paris mở tiệc chiêu đãi. Trước khi ra về, Người chọn một quả táo bỏ vào túi. Ra khỏi phòng, trông thấy một bà mẹ bế cháu nhỏ lách lại gần, Người giơ tay bế cháu bé và cho cháu quả táo. Mọi người từ chỗ tò mò, ngạc nhiên đến chỗ vui mừng và cảm phục tấm lòng yêu trẻ của Người. Hôm sau, câu chuyện Quả táo của Bác Hồ được nhiều báo đăng lên trang nhất.

Sự am hiểu phong tục tập quán tốt đẹp của các nước cũng tạo vốn liếng cần thiết cho ngoại giao, đó là một cách thâm nhập văn hóa thiên hạ. Người Ấn Độ có thói quen ăn bốc. Trong một bữa tiệc chiêu đãi, có món đặc sản thịt gà. Hồ Chí Minh là thượng khách nên bàn tiệc có để cả dao, dĩa. Người nói vui, đại ý: ăn thịt gà phải dùng tay mới ngon, dùng dao dĩa khác nào nói chuyện với người yêu phải nhờ phiên dịch.

Trong trường hợp phải đấu trí qua ngôn ngữ, Người dùng những kiểu chơi chữ trí tuệ, sắc sảo. Sau khi đi Pháp về, dự chiêu đãi trên chiến hạm ở Cam Ranh, Người được xếp ngồi giữa Thống soái lục quân và Đô đốc hải quân Pháp. D’ Argenlieu – Cao ủy Pháp “tôn vinh”: “Thưa Chủ tịch, thế là ngài được đóng khung thật tốt giữa hải quân và lục quân”. Biết thâm ý độc ác, Người đối chọi: “Nhưng ngài biết đấy,… chính bức tranh mới đem lại giá trị cho cái khung” (17). Đó vừa là sự tôn vinh bản thân, đồng thời cũng là sự hạ bệ đối phương.

Trong một cuộc hội kiến, Mao Trạch Đông thăm dò: “Đồng chí Hồ Chí Minh, bao giờ ở Việt Nam làm cách mạng văn hóa?”. Người trả lời: “Ở Việt Nam, chúng tôi đang đánh Mỹ, cái cần nhất là cách mạng võ hóa”. Chơi chữ như vậy là để phản bác, phản đối mà không làm mất lòng.

Có khi chỉ là ngôn ngữ bàn tay hoặc không lời (vô ngôn). Đã có bức ảnh chụp: Hồ Chí Minh xòe bàn tay che nòng pháo đại bác mà bọn thực dân muốn diễu võ giương oai. Cử chỉ đó đã thông báo hai điều quan trọng: ý chí chiến đấu quyết liệt chặn đứng vũ lực và thiện chí hòa bình ngăn ngừa chiến tranh thật cao đẹp của dân tộc Việt Nam.

Bản chất văn hóa ngoại giao nhân văn theo phong cách Hồ Chí Minh được gọi là ngoại giao con người, hiểu người khác, chia sẻ để họ hiểu mình. Văn hóa Việt Nam trong ngoại giao là tính hòa hiếu, thân thiện và khoan dung, ứng xử tinh tế linh hoạt nhưng kiên định về lập trường, quan điểm. Hồ Chí Minh đã thể hiện văn hóa dân tộc trong ứng xử quốc tế, một bản chất của văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh cũng là hiện thân của văn hóa ngoại giao hòa bình. Từ năm 1947, Người đã chủ trương một phương hướng đối thoại: “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không muốn gây thù oán với một ai” (18). Trên hết và trước hết đó là văn hóa ngoại giao cách mạng. Văn hóa nào cũng phải mang tính cách mạng, ngược lại, cũng phải làm cho cuộc sống trở nên văn hóa, mang tính văn hóa.

Văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh là một tổng hòa cả trí tuệ, thông thái, tinh khôn, mưu trí… trong ứng phó tình huống. Có ý kiến cho rằng hình ảnh Hồ Chí Minh, lãnh tụ tài ba, con người chiến thắng, xét cho cùng đã có trong Đạo đức kinh (Lão Tử ): “Vị tướng giỏi không tỏ ra vũ dũng/ Người giỏi tác chiến không tỏ ra hung hăng/ Người khéo thắng địch không giao phong với địch/ Người khéo chỉ huy thì tự đặt mình ở dưới người” (19). Điều đó cũng đúng một phần. Tuy nhiên, Phạm Văn Đồng có sự tổng kết sâu sắc nhất: “Hồ Chí Minh là con người cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, chói sáng mà không làm ai choáng ngợp”. Đó là cách sống văn hóa nhất, cao đẹp nhất, cũng là phong cách ứng xử văn minh hợp thời, hợp người nhất.

_______________

1, 16. Nhiều tác giả, Một giờ với đồng chí Hồ Chí Minh, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2007.

2. Nhiều tác giả, Bác Hồ với chiến sĩ, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001.

3, 4, 5, 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14. Thành Duy, Danh ngôn Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Nxb Văn học, Hà Nội, 2011.

7. Hồ Chí Minh,Về đạo đức cách mạng, Nxb Chính tri Quốc gia, Hà Nội, 1993.

15. Hoàng Chí Bảo, Nói chuyện về Bác Hồ kính yêu, qdnd.vn.

17. Đoàn Duy Thành, Một số cảm nhận về tưởng hành động của Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2012.

18. Đinh Xuân Lý Phạm Ngọc Anh, Một số chuyên đề về tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2003.

 

19. Nhiều tác giả, Hồ Chí Minh Người mang lại ánh sáng, Nxb Thời đại, Hà Hội, 2011.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 359, tháng 5-2014

Tác giả : Đoàn Trọng Huy

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *