Cao nguyên đá Hà Giang có rất nhiều thứ làm đắm say lòng người. Trong số đó, không thể không nhắc tới một loài hoa đã gắn bó với đồng bào nơi đây bao đời nay, đó là hoa tam giác mạch. Tháng 11 là mùa tam giác mạch bung nở, một góc trời rực rỡ sắc trắng hồng đã tô điểm cho vùng đất này thêm nhiều quyến rũ.
Tháng 11 ở cao nguyên đá, tiết trời khá lạnh, có những hôm rét đến tê tái và chính cái lạnh đặc trưng rất vùng cao ấy đã trở thành “đặc sản” để nhiều du khách kiếm tìm và khám phá bao điều thú vị. Cũng có nhiều người bạn ở trong Nam bảo nếu đến cực Bắc Tổ quốc mà không được gặp đúng hôm trời rét để đằm mình trong không gian ấy thì thật uổng phí. Có điều lạ là giữa một vùng cao nguyên toàn núi đá tai mèo xám xịt, nhọn hoắt, âm u và dường như thiếu sức sống ấy thì mỗi khi tháng 11 về, nơi đây như được khoác trên mình tấm áo mới đầy sức sống và quyến rũ đến không ngờ. Chính hoa tam giác mạch đã điểm tô và làm lộng lẫy thêm cho nơi này. Chẳng còn đâu cảm giác đìu hiu, lạnh lẽo của vùng núi non điệp trùng hun hút, quanh năm khô hạn và mây mù… thay vào đó, ta như mê đắm cùng sắc hoa tím, trắng, hay phớt hồng, cùng tiếng sáo, tiếng khèn của các chàng trai Mông gọi bạn tình vang lên dập dìu, réo rắt và tha thiết như đưa ta vào thế giới cổ tích của miền đất biên cương. Với đồng bào nơi đây, tam giác mạch là lương thực cứu đói cho những ngày giáp hạt. Hạt mạch để xay bột làm bánh, thân cây còn non dùng làm rau xanh để ăn. Trước kia, tam giác mạch chỉ được đồng bào trồng xen canh với rau màu, hoặc trồng rải rác trong vườn nhà dùng thay thế ngô mỗi khi thiếu lương thực.
Đi qua những cổng trời mờ sương và những lần đổ đèo đầy gian nan, xe chúng tôi cứ ì ì, dò dẫm từng mét. Có những lúc, sương núi đặc quánh chẳng còn nhìn rõ phía trước ở khoảng cách rất gần. Lên đến cổng trời, đứng nơi đó thả hồn mà ngỡ như mình đang cưỡi gió ngắm trần gian, vi vu gió thổi mà nghe như khúc nhạc huyền diệu. Trên cao nguyên đá, có nhiều điểm ngắm hoa tam giác mạch lý tưởng như: Thạch Sơn Thần (xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ), cánh đồng dưới chân cột cờ Lũng Cú, chân đèo Mã Pí Lèng, làng văn hóa Lũng Cẩm (thung lũng Sủng Là – Đồng Văn); làng văn hóa Vần Chải (Đồng Văn)… Trước kia, tam giác mạch chỉ là một loại cây lương thực bên cạnh ngô và lúa. Giờ đây, tam giác mạch còn là một sản phẩm du lịch khá độc đáo. Mấy năm nay, đồng bào vùng cao ở các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc biết khai thác lợi thế của loài hoa này cho phát triển du lịch. Họ trồng hoa tam giác mạch tập trung thành từng khu vực rộng lớn để du khách có thể thoả thích ngắm nghía, chụp ảnh cùng hoa. Đơn cử như tại xã Sủng Là nằm cạnh tuyến quốc lộ 4C, cách huyện Đồng Văn hơn 20km, nơi được xem là điểm ngắm hoa tam giác mạch đẹp nhất ở Hà Giang mà nhiều người ưu ái đặt cho nó cái tên “Nơi đá nở hoa”. Khi tới Sủng Là, bạn còn có cơ hội dừng chân và ghé thăm ngôi nhà được quay trong bộ phim “Nhà của Pao” hoặc tham gia phiên chợ Sủng Là vào sáng Chủ nhật nhộn nhịp cùng bà con dân tộc Mông, Lô Lô… Cầm bó hoa với sắc trắng, phớt hồng, phớt tím hòa quyện vào nhau, du khách chắc hẳn phải say lòng và càng choáng ngợp hơn khi thấy một không gian với nhiều vạt hoa tam giác mạch ngút ngàn phủ khắp các thửa ruộng bậc thang, xếp tầng tầng lớp lớp viền quanh những mái đồi như chiếc váy nhiều tầng của người thiếu nữ Dao, Mông nơi đây.
Năm 2021, toàn huyện Đồng Văn trồng trên 250 ha tam giác mạch, tập trung tại một số địa phương, như: Sủng Là, Phố Cáo, Lũng Táo, Phố Bảng… Các ruộng tam giác mạch hiện tại đều được người dân trồng phục vụ du khách, mỗi một người vào ruộng chụp ảnh chi phí hết 10 nghìn đồng. Khi tiết trời chuyển lạnh là lúc hoa tam giác mạch đang vào độ đẹp nhất. Nhiều du khách đến Hà Giang đã tìm mua hạt giống của hoa tam giác mạch để về gieo trồng, cũng có người mua các loại bánh được chế biến từ hạt loài cây này. Theo kinh nghiệm của đồng bào dân tộc bản địa, hoa tam giác mạch chỉ đẹp và hấp dẫn khi mới nở được chừng gần 2 tháng (từ tháng 11 đến tháng 12) vì sau đó hoa sẽ già đi và tỏa ra một mùi hương không mấy dễ chịu. Nhằm quảng bá thương hiệu du lịch Hà Giang gắn với loài hoa này, nhiều năm gần đây, tỉnh Hà Giang tổ chức lễ hội hoa tam giác mạch, thu hút rất nhiều du khách đến với mảnh đất này.
Một chút hoang dại xen lẫn một chút kiêu kỳ, một chút mỏng manh, nhưng lại toát lên sự mạnh mẽ, vững chãi như chính con người nơi đây, kiên cường bám bản, bám làng, giữ đất biên cương.
PHẠM THỊ NGOAN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 480, tháng 11-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Nên đi du lịch Đà Nẵng vào tháng mấy là đẹp nhất?
Tổng kết công tác thi đua Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cụm Bắc Trung Bộ