Tranh cổ động là một trong những phương tiện truyền thông thị giác cũng như phương tiện truyền thông nói chung, mang chức năng giao tiếp, giáo dục và liên kết xã hội… với ngôn ngữ biểu đạt đặc thù. Trong vòng 5 ngày (10 đến 15-3-2020), một số họa sĩ đã nhiệt tình tham gia sáng tác tranh cổ động phòng chống dịch COVID-19 khi Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) phát động chương trình. 14 trong số 103 bức gửi đến Ban tổ chức đã được lựa chọn để in và phát hành toàn quốc, truyền tải những thông điệp như sử dụng khẩu trang thường xuyên, rửa tay đúng cách, không tụ tập đông người để tránh nguy cơ lây nhiễm, ở nhà là an toàn,… nhắc nhở người dân thực hiện những biện pháp chống dịch COVID-19; đặc biệt là các khẩu hiệu tuyên truyền liêt kết cộng đồng cùng chống dịch COVID-19.
Nếu như thông qua âm nhạc, lời ca và động tác hình thể, bài hát Ghen Cô vy (sáng tác: Khắc Hưng) cùng điệu nhảy rửa tay (biên đạo: Quang Đăng) đã được Bộ Y tế lựa chọn đặt hàng và phát hành đúng giai đoạn đầu phòng chống dịch, truyền đi thông điệp hãy rửa tay đúng cách, cùng đồng lòng chống dịch COVID-19 không chỉ ở Việt Nam mà còn lan tỏa đi các nước trên thế giới, thì tranh cổ động về chủ đề này cũng chứa đựng khả năng giao tiếp, thuyết phục người dân nhờ màu sắc, hình vẽ sinh động, ấn tượng và những khẩu hiệu cô đọng, ngắn gọn, đầy sức thuyết phục.
Truyền thông (Communication) có ảnh hưởng lớn đến mọi vấn đề của xã hội. Truyền thông tác động đến nhận thức của công chúng và từ nhận thức sẽ tác động đến hành động cũng như cách ứng xử của họ; nói cách khác, tác động đến cách thức con người hiểu, giải thích và hành động trong thế giới này.
Truyền thông có nghĩa là giao tiếp hoặc trao đổi thông tin bằng cách nói, viết hoặc sử dụng một số phương tiện khác. Việc truyền thông điệp từ người gửi đến người nhận có thể bị tác động bởi một loạt vấn đề, bao gồm cảm xúc của mỗi người, tình huống văn hóa, phương tiện được sử dụng để giao tiếp… “Ở Việt Nam, chúng ta cũng có thể sử dụng thuật ngữ giao tiếp thay cho truyền thông theo một nghĩa rộng hơn, tuy nhiên, do thuật ngữ này liên quan đến các phương tiện truyền thông, nên việc sử dụng nghĩa hẹp của từ này (truyền thông) sẽ giúp người đọc Việt Nam dễ hình dung hơn về một ngành khoa học mới, trong đó đối tượng nghiên cứu chính đề cập tới các thông điệp, việc xử lý thông tin (mã hóa và giải mã thông tin), người gửi, người nhận tin, kênh truyền tin…” (1).
Truyền thông thị giác (visual communication) là hình thức giao tiếp trực quan, giao tiếp bằng hình ảnh, chuyển tải ý tưởng và thông tin dưới dạng có thể nhìn thấy. Giao tiếp trực quan một phần hoặc toàn bộ dựa vào thị giác là một phổ rộng bao gồm các dấu hiệu, kiểu chữ, bản vẽ, thiết kế đồ họa, minh họa, thiết kế công nghiệp, quảng cáo, hoạt hình, màu sắc và các nguồn của điện tử. Trong A History of Visual communication Design (Lịch sử của thiết kế truyền thông thị giác), ghi nhận một định nghĩa về truyền thông thị giác: “Truyền thông thị giác là thông tin gián tiếp thông qua hỗ trợ thị giác và được mô tả như là quá trình truyền tải các ý tưởng và thông tin trong các hình thức có thể đọc hoặc nhìn. Truyền thông thị giác dựa trên nguyên lý thị giác, chủ yếu được trình bày hoặc thể hiện với hình ảnh hai chiều, bao gồm: tín hiệu, ký hiệu, hình tượng, biểu tượng, kiểu chữ, vẽ, thiết kế đồ họa, minh họa, thiết kế sản phẩm, thiết kế quảng cáo, hình ảnh động, đồ họa động, màu sắc và tài nguyên điện tử” (2).
Tranh của Đỗ Như Điềm
Sức mạnh truyền thông của tranh cổ động là hiệu quả biểu đạt của nghệ thuật đồ họa. Sự liên kết trong hệ thống ký hiệu của tranh cổ động nhằm đạt mục đích giao tiếp chặt chẽ giữa người truyền tin là các họa sĩ sáng tác tranh, thông qua bức tranh là kênh truyền tin, và công chúng là người nhận tin, giải mã tranh theo tri thức, cảm xúc, ký ức văn hóa của họ. Trong quá trình giao tiếp này, còn có sự tác động của tâm lý thị giác mà ngôn ngữ đồ họa trong mỗi bức tranh sẽ đạt được ở chừng mực nào đó qua sự chủ ý của họa sĩ và do sự tiếp nhận từ thị giác truyền dẫn tín hiệu vào não bộ của mỗi cá nhân khi xem tranh. Sức mạnh của tranh cổ động/truyền thông thị giác được nhân thêm khi nó luôn được sáng tác vào đúng thời điểm, đưa ra các thông điệp để tác động đến nhận thức của người dân, hướng đến những hoạt động tích cực của cộng đồng. Hiểu rộng hơn, truyền thông là văn hóa, hướng nhận thức của mỗi cá nhân tới những hoạt động tích cực và lan rộng hơn ra các cộng đồng, cùng liên kết với nhau để hành động đem lại lợi ích cho đời sống văn hóa tinh thần và vật chất.
Tranh cổ động chống COVID-19 không chỉ đưa ra những câu khẩu hiệu như vẫn được tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng mà còn cộng thêm sức mạnh của truyền thông thị giác và sự tiếp nối truyền thống của tranh cổ động tuyên truyền của nước ta từ xưa đến nay.
Có hai đặc điểm chính dẫn tới thành quả tạo được sức mạnh truyền thông của bộ tranh cổ động chống dịch COVID-19 do Cục Văn hóa cơ sở phát động vừa qua.
Thứ nhất, tranh cổ động phòng chống dịch COVID-19 là sự tiếp nối nghệ thuật đồ họa của tranh cổ động nước ta từ những năm chống Pháp, chống Mỹ và tiếp theo là thời kỳ xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa. Cho đến nay, tranh cổ động tuyên truyền của nước ta vẫn mang phong cách tạo hình và màu đơn giản, sử dụng ngôn ngữ biểu trưng, ước lệ với nhiều thủ pháp tạo hình khối, không gian, nhịp điệu, để làm bật nội dung của chủ đề. Nghệ thuật sử dụng màu sắc cường điệu, có tính ước lệ, tươi vui, tạo được sự hấp dẫn. Nhìn chung, tranh cổ động của nước ta có tính tượng trưng cao, hình tượng nghệ thuật điển hình, khái quát, màu sắc, đường nét, bố cục hình và chữ gây ấn tượng thị giác mạnh mẽ đối với công chúng (3).
Những bức tranh cổ động chống dịch COVID-19 thể hiện các hình tượng nhân vật mang nét đặc trưng con người Việt Nam và biểu hiện xúc cảm lạc quan, tinh thần nghiêm túc thực hiện những yêu cầu phòng tránh, đồng lòng cùng cộng đồng tham gia chống dịch như các bức: Toàn dân chủ động biện pháp phòng chống dịch của họa sĩ Trần Duy Trúc, Chống dịch như chống giặc của họa sĩ Lưu Yên Thế… Các ký hiệu truyền thông thị giác dễ dàng được người dân giải mã với đúng ý nghĩa cần truyền tải, dễ ghi nhớ hơn. Điều này cho thấy ký ức, sự liên tưởng cho mỗi các nhân con người sống trong cộng đồng cùng môi trường văn hóa sẽ hướng đến những nhận thức, thụ cảm nghệ thuật khi các sản phẩm nghệ thuật được sáng tạo với tiếng nói chung.
Thứ hai, ngôn ngữ đồ họa của tranh cổ động chống dịch COVID-19 đã được các họa sĩ sáng tạo từ cảm hứng, nhiệt huyết cùng người dân chống dịch và dựa trên cơ sở nguyên lý của nghệ thuật đồ họa, sự tác động đến tâm lý thị giác người xem.
Để làm sáng tỏ thêm, chúng tôi chọn và phân tích hai bức tranh cổ động đang được đưa lên trên truyền thông, mạng xã hội và được in phóng to treo bên đường, một số ngã tư ở Hà Nội: Phòng chống đại dịch COVID-19 là bảo vệ chính bạn, gia đình và xã hội của Nguyễn Duy Thành, Chung sức đồng lòng chống dịch COVID-19 của Đỗ Như Điềm.
Bức của Đỗ Như Điềm luôn xuất hiện trên đầu các trang báo thông tin về chống dịch COVID-19. Sức cuốn hút đầu tiên của bức tranh là từ bảng màu tương phản, mặc dù chỉ có bốn màu cơ bản xanh, đỏ, vàng, nâu. Không gian tranh trải theo hình chữ nhật nằm ngang, tạo sự chắc chắn với một nhóm ba nhân vật như là biểu tượng của gia đình và cũng là cộng đồng cùng đồng lòng chống dịch. Nhân vật nữ đeo khẩu trang đồng thời trong động tác đang hướng dẫn người dân sử dụng khẩu trang đúng cách. Nhân vật cậu bé mặc áo màu cam đang rửa tay ở trung tâm bức tranh, tác giả muốn nhấn mạnh trẻ em cần sự che trở của gia đình và xã hội, luôn cần nhắc nhở rửa tay thường xuyên là bảo vệ mình, gia đình và xã hội. Nhân vật nam thanh niên đeo kính, khẩu trang, mặc đồ bảo hộ chống Covid, cầm vòi phun thuốc sát khuẩn, đại diện cho đội ngũ bác sĩ, nhân viên… đang tham gia công tác chống dịch. Màu xanh của trang phục hai nhân vật đã tạo sự tương phản với nền tranh màu đỏ với dòng chữ COVID-19 màu nâu chạy lặp lại liên tục theo đường chéo hướng lên góc trên của bức tranh. Trong các màu cơ bản đỏ, xanh, vàng, màu đỏ có bước sóng dài nên mắt dễ cảm nhận, vì vậy, màu đỏ là báo hiệu dừng lại trong đèn hiệu giao thông. Cũng vậy, màu đỏ của nền tranh báo hiệu sự nguy hiểm của dịch bệnh và dòng chữ chạy chuyển động theo hướng đi lên cho mắt có cảm giác về tốc độ di chuyển. Người xem sẽ cảm nhận được cái động của bức tranh khi họa sĩ chủ động sáng tác theo ý tưởng, buộc mắt người xem di chuyển theo dòng chữ COVID-19 lặp đi, lặp lại. Giữa sự chuyển động của nền, đối nghịch lại là sự tĩnh của hai mảng màu xanh bình yên, khác nhau về đậm nhạt, chắc khỏe, đơn giản về hình khối thẳng của hai nhân vật nam, nữ, thể hiện sự kìm giữ tốc độ chuyển động, lây lan của bệnh dịch. Sự đối nghịch tương phản giữa tĩnh và động cũng tạo sức căng về tâm lý thị giác, thể hiện ý tưởng của tác giả về cuộc chiến chống dịch COVID-19 đầy cam go, đúng với ý nghĩa “chống dịch như chống giặc”. Tùy theo mỗi cá nhân, ý nghĩa của bức tranh sẽ mở rộng theo tri thức, ký ức và môi trường văn hóa.
Tranh cổ động của Nguyễn Duy Thành là một trong những bức có cách biểu đạt của đồ họa rõ nét nhất, là sự tối giản của màu và hình, kết hợp với chữ thành một tổng thể bố cục vững chắc. Bức tranh cũng sử dụng nền màu đỏ gây ấn tượng mạnh, thông tin nội dung tuyên truyền sẽ được nắm bắt từ cái nhìn đầu tiên khi tỉ lệ hình và chữ cũng như tương quan màu sắc, đậm nhạt cùng ngang nhau. Theo tâm lý chuyển động thị giác, con mắt sẽ chuyển cái nhìn từ trái sang phải, từ trên xuống dưới, nên việc nhận thông tin từ hình sang chữ, từ chữ lớn đến chữ bé là sự chủ ý trong cách sắp xếp bố cục của tác giả. Mảng màu vàng sáng gợi khuôn mặt cô gái đeo khẩu trang, chỉ để lộ đôi mắt, đã nói thay cho dòng chữ “hãy đeo khẩu trang” và tiếp nối câu khẩu hiệu cần tuyên truyền là dòng chữ “là bảo vệ chính bạn gia đình và xã hội”. Hình với chữ được kết hợp với nhau hài hòa về bố cục, là một trong những cách giúp tranh cổ động đạt được hiệu quả tuyên truyền trực quan. Bên cạnh đó, cách nhấn hình khi đôi mắt được diễn tả đậm nhạt chi tiết hơn là điểm gây ấn tượng, thu hút thị giác người xem. Đôi mắt là điểm động của bức tranh như nhắc nhở mỗi người thực hiện tốt trách nhiệm phòng chống dịch. Sự ghi nhận hình ảnh của thị giác được lưu giữ lâu hơn trong trí nhớ, đó cũng chính là sức mạnh của truyền thông thị giác.
Khi phỏng vấn người dân về tranh cổ động chính trị và xã hội với nhiều nội dung khác nhau, chúng tôi đã thường lặp lại câu hỏi: khi xem tranh cổ động, trong ba ngôn ngữ: hình vẽ, màu sắc và chữ viết, ngôn ngữ nào thu hút cái nhìn đầu tiên của họ. Câu trả lời chung thường là: màu sẽ thu hút mắt nhìn trước, rồi đến hình và cuối cùng là chữ. Có tranh cổ động chỉ cần nhìn đến màu và hình, người xem đã hiểu nội dung của bức tranh. Nếu màu và hình chưa rõ, họ xem đến chữ có kích thước lớn, rồi mới đọc đến các chữ nhỏ, khi người xem quan tâm hơn nữa. Tranh cổ động được treo bên đường, ở giữa các ngã tư, trên tường nhà, hàng rào của các điểm hoạt động công cộng… nơi người dân hằng ngày đi qua. Như vậy, tranh cổ động càng cần có màu sắc ấn tượng, hấp dẫn con mắt trước để tác động nhanh nhất đến người xem.
Trong gần 20 năm trở lại đây, ngày càng có nhiều họa sĩ vẽ tranh cổ động tuyên truyền tiếp cận với công nghệ hiện đại, thể hiện trên vi tính, nên có thể kết hợp giữa kỹ thuật vẽ và ảnh chụp để tạo hiệu ứng về không gian, hình ảnh thật… Kỹ thuật hiện đại cho phép các họa sĩ phát triển ý tưởng, tận dụng được nhiều hiệu quả tác động đến ấn tượng trong truyền thông thị giác. Trong bộ tranh cổ động phòng chống dịch COVID-19, bức Hãy giữ an toàn cho mọi người của Nguyễn Duy Thanh là sự kết hợp kỹ thuật xử lý chồng ảnh trái đất đeo khẩu trang cho ý tưởng ẩn nghĩa, tượng trưng và cũng rất hóm hỉnh, bất ngờ tạo ấn tượng cho công chúng. Màu xanh của không gian ảnh thực đã tạo nên cảm giác yên bình cho Trái đất nên người dân các nước cần đồng lòng, ý thức đeo khẩu trang bảo vệ mình, giữ an toàn cho mọi người, hướng đến một trái đất bình yên, không có dịch bệnh.
Việc nhìn nhận tranh cổ động là hình thức truyền thông thị giác đã mở ra một góc nhìn rộng hơn về cách biểu đạt tác động đến ấn tượng thị giác của tranh cổ động tuyên truyền nói chung và tranh cổ động chống dịch COVID-19 nói riêng. Tranh cổ động chống dịch COVID-19 đã tạo nên sức mạnh của truyền thông trực quan, đáp ứng được những yêu cầu của truyền thông thị giác trong thời đại mới (4).
______________
1. Bùi Quang Thắng (chủ biên), 30 thuật ngữ nghiên cứu văn hóa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2008, tr.360.
2. Josef- Muller, A History of Visual communication Design (Lịch sử của thiết kế truyền thông thị giác), Pub. Rockport, United States, 2013, p.9.
3. Đặng Thị Phong Lan, Nghệ thuật tranh cổ động Việt Nam giai đoạn 1975-1985, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 393, tháng 3- 2017.
4. Bài viết thuộc đề tài khoa học cấp Bộ (2019-2020) của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hợp đồng số 192/HĐKH-KHXH, tiêu đề Tranh cổ động Việt Nam sau đổi mới từ góc nhìn văn hóa do TS. Nguyễn Mỹ Thanh làm chủ nhiệm đề tài.
Tác giả: Nguyễn Mỹ Thanh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 432, tháng 6-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn