Tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến phát triển kinh tế

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, còn được gọi là cuộc cách mạng công nghệ, bắt đầu từ TK XXI, đặc trưng bởi sự hợp nhất, không có ranh giới giữa các lĩnh vực công nghệ, vật lý, kỹ thuật số, sinh học, đã có những tác động to lớn đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường trên toàn cầu. Nó cải thiện tính linh hoạt, tốc độ, năng suất, chất lượng của quá trình sản xuất, thay thế dần các dây chuyền trước đây. Nhờ khả năng kết nối hàng tỷ người trên thế giới thông qua các thiết bị di động, khả năng tiếp cận được với cơ sở dữ liệu lớn, những tính năng xử lý thông tin sẽ được nhân lên bởi những đột phá công nghệ trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, công nghệ người máy, công nghệ in 3 chiều, công nghệ nano, lưu trữ năng lượng, tính toán lượng tử… Trong sự tương tác với quá trình toàn cầu hóa, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ có tác động mạnh đến tình hình Việt Nam.

Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới đương đại

Lịch sử những cuộc cách mạng công nghiệp trên thế giới

Trong lịch sử phát triển nhân loại, loài người đã được chứng kiến tiến trình phát triển không ngừng của cuộc cách mạng công nghiệp. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất được bắt đầu từ cuối TK XVIII với việc phát minh ra khung máy cơ khí đầu tiên vào năm 1784, cách đây đúng 232 năm. Khởi điểm là công nghiệp sản xuất cơ khí sử dụng sức nước, hơi nước, tác động trực tiếp đến các ngành nghề như dệt may, chế tạo cơ khí, giao thông vận tải, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại, là sự nhảy vọt từ lao động thủ công sang lao động bằng máy móc. Cuộc cách mạng lần thứ hai bắt đầu vào cuối TK XIX, xuất phát từ sản xuất hàng loạt sử dụng điện năng, mang lại cuộc sống văn minh hơn, năng suất tăng nhiều lần so với động cơ hơi nước. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba bắt đầu vào những năm 70 TK XX với các thiết bị điện tử, công nghệ thông tin cung cấp khả năng giám sát, điều chỉnh quy trình sản xuất tự động.

Sang TK XXI, thế giới đang khởi đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc trưng bởi sự hợp nhất, không có ranh giới giữa các lĩnh vực nghiên cứu đơn ngành truyền thống như vật lý, kỹ thuật số, sinh học với sự phát triển bùng nổ của các công nghệ liên ngành, đa ngành, xuyên ngành. Đây là xu hướng kết hợp giữa các hệ thống thực với ảo, các hệ thống kết nối internet với tốc độ phát triển theo cấp lũy thừa sẽ nâng cao đáng kể hiệu quả sản xuất, có những tác động to lớn về kinh tế, xã hội, môi trường.

Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, môi trường

Đối với sự phát triển kinh tế, những đột phá về công nghệ đã làm giảm mạnh áp lực chi phí sản xuất nhờ chuyển đổi sang các hình thức sản xuất hiệu quả, thông minh, sử dụng nguồn lực tiết kiệm hơn, thúc đẩy nền kinh tế thế giới chuyển từ nền kinh tế tài nguyên sang nền sang kinh tế tri thức. Với việc tăng cường tự động hóa, ứng dụng số hóa trong quá trình sản xuất, các yếu tố đầu vào truyền thống như tài nguyên thiên nhiên, lao động phổ thông sẽ được thay thế bởi sự tăng trưởng chủ yếu dựa vào động lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, sử dụng nhiều lao động có kỹ năng, chuyên môn cao. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang vẽ lại bản đồ kinh tế trên thế giới, với sự gia tăng sức mạnh của các quốc gia dựa chủ yếu vào công nghệ, đổi mới sáng tạo, sự suy giảm quyền lực của các quốc gia dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên.

Các nước phát triển tiên phong về công nghệ mới đã phục hồi nhanh chóng sau cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính, trong khi các nước phụ thuộc nặng nề vào nguồn tài nguyên thiên nhiên đang phải trải qua mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế với nhiều khó khăn, thách thức.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn cũng chịu sự tác động không nhỏ từ cuộc cách mạng công nghệ. Công nghệ đã giúp tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, mang lại hiệu quả, sự hài lòng cao, cải thiện chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp, giúp người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm với giá trị, mức giá phù hợp.

Đối với sự phát triển xã hội, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể làm gia tăng khoảng cách thu nhập giữa nhóm lao động giản đơn, ít kỹ năng hoặc có kỹ năng dễ có thể bị người máy thay thế với nhóm lao động là những người có kỹ năng cao, áp dụng quá trình số hóa, tự động hóa. Bên cạnh đó, yêu cầu đối với chất lượng nguồn nhân lực cũng trở thành vấn đề lớn đặt ra đối với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư do những thiếu hụt lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao trong thị trường kỹ thuật số. Hầu hết các quốc gia đều phải đối mặt với một mâu thuẫn nền tảng giữa cung, cầu trong nền kinh tế thị trường đang diễn ra.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có tiềm năng nâng cao mức thu nhập toàn cầu, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân trên toàn thế giới. Thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng phân hóa giàu, nghèo, bất bình đẳng ngày càng gia tăng trong quá trình khai thác các lợi thế do cuộc cách mạng công nghệ hiện đại đem lại. Tuy nhiên, thực trạng này đã dẫn tới sự xuất hiện những ý tưởng về an sinh xã hội.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng sẽ tác động tích cực đến môi trường nhờ vào các công nghệ tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu, thân thiện với môi trường. Mặt khác, các công nghệ giám sát môi trường cũng đang phát triển nhanh, cùng với sự hỗ trợ của internet, giúp thu thập, xử lý thông tin liên tục 24/7 theo thời gian thực. Với tốc độ phát triển nhanh của công nghệ, việc tái tạo các nguồn tài nguyên thiên nhiên hay thậm chí là khôi phục lại những tổn thất mà các cuộc cách mạng công nghiệp trước gây ra là có thể, mang lại lợi ích lớn cho vấn đề bảo tồn hệ sinh thái, môi trường trong tương lai.

Một số tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến quá trình phát triển nền kinh tế Việt Nam

Trong tương tác với quá trình toàn cầu hóa, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ có tác động mạnh đến sự phát triển kinh tế của nước ta, tạo ra nhiều cơ hội, thách thức trong bối cảnh quy mô nền kinh tế, các nguồn lực còn hạn chế. Tác động này có sự khác biệt giữa các ngành theo phân loại truyền thống với nhiều thách thức hơn do phát sinh ra những vấn đề mới liên quan đến tái cơ cấu trong lĩnh vực sản xuất.

Ngành công nghiệp

Nhóm ngành năng lượng là nhóm ngành cung cấp các đầu vào chiến lược cho nền kinh tế. Sự tác động lớn nhất diễn ra ở hai phân ngành dầu khí, điện năng. Ngành dầu khí hiện nay đang chịu áp lực rất lớn do có những đột phá trong lĩnh vực năng lượng (khai thác dầu đá phiến, sản xuất năng lượng tái tạo, ắc qui trữ điện), vận tải (ô tô điện với chi phí sản xuất, giá giảm nhanh, kinh tế chia sẻ như Uber hay Grab taxi) dẫn đến nhu cầu đối với dầu thô có thể giảm mạnh. Ngành điện có thể được hưởng lợi khá nhiều nhờ những đột phá trong công nghệ năng lượng tái tạo. Trong tương lai, nếu công nghệ điện mặt trời, điện gió phát triển mạnh có thể giảm giá đầu vào chiến lược của nền kinh tế, đồng thời giảm thiểu tác động đến môi trường, cũng như tăng sự công bằng xã hội. Bởi, loại hình năng lượng này có thể sản xuất hiệu quả ở quy mô nhỏ, thậm chí ở cấp hộ gia đình hay những vùng miền núi, hải đảo. Qua đó giúp cải thiện đời sống, nâng cao phúc lợi của nhóm người dân này, giúp họ không bị bỏ lại phía sau trong quá trình tăng trưởng.

Nhóm ngành công nghiệp chế tạo là nhóm ngành mà nước ta sẽ phải chịu tác động mạnh nhất bởi những đột phá về công nghệ, đặc biệt là những tiến bộ vượt bậc trong tự động hóa, công nghệ in 3D, người máy, internet sẽ làm đảo ngược dòng thương mại theo hướng bất lợi cho các nước như Việt Nam. Với lợi thế tương đối về lao động giá rẻ, vị trí địa kinh tế, ngành điện tử đã có những tiến bộ vượt bậc nhờ sự thu hút được các tập đoàn lớn, đa quốc gia dẫn dắt các chuỗi giá trị toàn cầu có mặt tại Việt Nam trong những năm gần đây. Tuy nhiên, với sự đột phá về công nghệ, các tập đoàn lớn hiện diện ở Việt Nam sẽ cắt giảm lao động, dẫn đến lao động của nước ta bị ảnh hưởng. Các hoạt động kinh doanh có liên quan như cung cấp suất ăn hay chỗ ở, vận chuyển công nhân đi làm mà các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp cũng bị ảnh hưởng theo. Đối với ngành công nghiệp như chế biến da giày, dệt may, công nhân Việt Nam cũng đang bị mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên phạm vi toàn cầu giữa một bên là nhân công rẻ hơn từ các nước Campuchia, Bangladesh…, bên kia là người máy đang được ứng dụng ngày một rộng rãi ở các nước phát triển. Đây là thách thức vô cùng to lớn xảy ra trong quá trình điều chỉnh cơ cấu lao động trong toàn bộ nền kinh tế, thậm chí có thể làm đảo ngược quá trình chuyển dịch lao động ra khỏi nông nghiệp trong những năm vừa qua.

Ngành dịch vụ

Sự thay đổi lớn dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ nhất ở các phân ngành tài chính, ngân hàng, du lịch, thương mại nội địa, giáo dục đào tạo, y tế, vận tải lưu trú…

Trên thế giới, các ngân hàng tập trung mạnh vào các sản phẩm, dịch vụ trực tuyến kết hợp với kỹ thuật mới như ngân hàng điện tử, ngân hàng qua điện thoại di động khiến nhu cầu nhân lực ngành ngân hàng giảm mạnh, dự báo xu hướng này sẽ còn tiếp tục tăng tốc trong thời gian tới, đặc biệt là tại châu Âu. Ở Việt Nam, tuy dịch vụ ngân hàng điện tử được triển khai ở tất cả các ngân hàng, nhưng lượng khách hàng sử dụng các sản phẩm này vẫn còn chưa phổ biến do thói quen dùng tiền mặt, tâm lý e ngại việc bảo mật thông tin cá nhân khiến các loại hình dịch vụ này chưa phát triển mạnh.

Du lịch là ngành có triển vọng, tiềm năng lớn tại Việt Nam, do không phải chịu tác động lớn bởi quá trình tự động hóa, ít chịu áp lực cạnh tranh quốc tế hơn so với nhiều ngành khác do các sản phẩm du lịch mang tính chuyên biệt, gắn với giá trị văn hóa, lịch sử, thiên nhiên. Tuy nhiên, thách thức đối với ngành lại là việc sử dụng hiệu quả những công nghệ hiện đại để giúp đẩy mạnh tiếp thị, khuyếch trương hình ảnh ở trong nước cũng như ra quốc tế, giảm bớt chi phí để nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm.

Giáo dục đào tạo không chỉ chịu sự ảnh hưởng lớn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nói riêng, tiến bộ công nghệ nói chung mà còn có tác động ngược lại đối với quá trình này. Ở Việt Nam, giáo dục đào tạo luôn được xác định vị trí quan trọng trong các chính sách của Nhà nước, trong đầu tư của toàn xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hệ thống giáo dục đào tạo của Việt Nam còn có nhiều bất cập so với yêu cầu. Trong một thế giới hiện đại do công nghệ dẫn dắt, chính phủ của nhiều nước trên thế giới đã có chính sách ưu tiên rõ rệt cho các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán còn Việt Nam chưa có những định hướng rõ nét, dẫn đến tình trạng các ngành kinh tế, ngoại thương, tài chính, ngân hàng… có lượng người học nhiều hơn so với các ngành công nghệ, kỹ thuật, đặc biệt là ngành công nghệ thông tin. Hơn nữa, sự kết nối giữa các trường đại học với các doanh nghiệp hiện nay còn yếu. Các công việc đơn giản mà sinh viên mới ra trường trước đây làm trong những năm đầu sự nghiệp đã bị tự động hóa nên sinh viên mới ra trường phải làm những việc phức tạp hơn, điều không khả thi nếu những sinh viên này không được thực tập với công ty ngay trong những năm học đại học. Kết quả là kể cả trong các ngành tăng trưởng nhanh, sinh viên khi ra trường thiếu nhiều kỹ năng mà doanh nghiệp cần.

Y tế sẽ được hưởng lợi nhiều nhờ những đột phá về công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Gần đây, những đột phá trong công nghệ nano giúp tạo ra internet kết nối vạn vật siêu nhỏ có thể dùng các hạt cảm ứng rất nhỏ với kích cỡ nano để thu thập thông tin liên tục trong cơ thể con người. Điều quan trọng là Việt Nam cần nắm bắt các cơ hội do cách mạng công nghệ mang lại một cách nhanh nhất để cải thiện chất lượng, mở rộng dịch vụ y tế đến mọi người dân. Tính phổ cập của dịch vụ y tế có thể gia tăng nếu chất lượng dịch vụ nâng lên, chi phí dịch vụ ở mức hợp lý, phù hợp với mức sống của người dân. Trên thực tế, một số bệnh viện đã bắt đầu ứng dụng người máy trong các ca phẫu thuật. Xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai, giúp cải thiện lĩnh vực chăm sóc sức khỏe phục vụ người dân.

Dịch vụ vận tải, lưu trúđã xuất hiện cácmô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ, kinh tế chia sẻ, đã trở nên ngày càng phổ biến ở Việt Nam. Uber, Grab taxi hay Airbnb lưu trú đang giúp khách hàng tiếp cận được với dịch vụ đa dạng hơn, giá cả hợp lý hơn. Những loại hình dịch vụ này đặc biệt có ích đối với khách du lịch nước ngoài do giúp khắc phục đáng kể hàng rào ngôn ngữ. Tuy nhiên những người lái taxi hay xe ôm truyền thống sẽ bị ảnh hưởng thu nhập do bị tăng cạnh tranh khi các dịch vụ này trở nên phổ biến.

Ngành nông nghiệp

Đối với Việt Nam, những công nghệ mới trong nông nghiệp đem lại cho người nông dân nhiều lợi ích từ việc áp dụng các quá trình tự động hóa để nâng cao năng suất, thu nhập. Công nghệ cảm biến giúp chẩn đoán, theo dõi mùa màng theo thời gian thực, hỗ trợ chăn nuôi, máy móc nông nghiệp. Công nghệ thực phẩm mang lại những thành tựu về gen cũng như khả năng tạo ra thịt từ phòng thí nghiệm. Công nghệ tự động được thực hiện bởi các robot kích thước lớn hoặc robot siêu nhỏ để giám sát quá trình gieo trồng… Tuy nhiên, thực tế cho thấy khả năng ứng dụng, hấp thụ các công nghệ vào phát triển nông nghiệp của Việt Nam còn thấp do hạn chế về trình độ, năng lực nội tại của ngành.

Một số giải pháp phát triển kinh tế phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra với tốc độ nhanh, có tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội ở Việt Nam, bao gồm cả mặt thuận lợi, bất lợi có thể xảy ra. Vấn đề quan trọng là nếu tận dụng tốt cơ hội, vượt qua thách thức, Việt Nam có khả năng rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến, hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; ngược lại khoảng cách so với các nước phát triển sẽ tiếp tục gia tăng. Thực trạng này đặt ra yêu cầu đối với nước ta cần phải tiếp tục giải quyết những vấn đề tồn tại liên quan đến kinh tế, xã hội, môi trường trong giai đoạn phát triển trước đây để bắt kịp với sự phát triển tăng tốc của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra trên quy mô toàn cầu.

Thứ nhất, cần phải đa dạng hóa lợi thế so sánh, chuyển từ so sánh cấp thấp sang cấp cao hơn với việc ưu tiên phát triển nguồn lực, đầu tư phát triển ở mức độ chuyên sâu, nhằm ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng, tạo giá trị gia tăng ngày càng cao.

Thứ hai, thực hiện cải cách mạnh mẽ hệ thống giáo dục, đào tạo theo hướng ưu tiên hỗ trợ cho các ngành khoa học, công nghệ bằng các thể chế, chính sách hiệu quả; có cơ chế, chính sách khuyến khích sự gắn kết giữa các doanh nghiệp, tổ chức giáo dục đào tạo.

Thứ ba, cần có kế hoạch đầu tư kết cấu hạ tầng lớn như internet, thông tin, truyền thông… để sẵn sàng đón nhận các xu hướng phát triển mới ở trên thế giới do cuộc cách mạng công nghiệp tạo ra.

Thứ tư, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy thiết lập các cụm liên kết ngành.

Thứ năm, có các chính sách, biện pháp khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong các lĩnh vực ứng dụng, phát triển công nghệ để gắn với các chuỗi giá trị toàn cầu cũng như khu vực.

Trước tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc thực hiện mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam hiện nay dựa vào năng lực đổi mới sáng tạo, công nghệ, kỹ năng, sự tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu sẽ đòi hỏi phải tiếp tục khai thác những tiềm năng, lợi thế so sánh của đất nước, kết hợp với sự chuyển hướng mạnh mẽ hơn sang nền kinh tế theo quy mô dựa vào mức độ chuyên môn hóa cao. Sự thay đổi trọng tâm như vậy sẽ giúp Việt Nam khai thác hết lợi ích của quá trình hội nhập trong khi vẫn phát huy cao nhất tiềm năng của đất nước để thúc đẩy sự phát triển quốc gia một cách nhanh chóng, rút ngắn khoảng cách so với các nước phát triển trong khu vực cũng như trên thế giới.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 399, tháng 9 – 2017

Tác giả : NGUYỄN THỊ VÂN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *