Tập quán cưới xin của người tày lục yên, yên bái


 

1. Đôi nét về huyện Lục Yên và người Tày ở Lục Yên

Lục Yên là huyện miền núi nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Yên Bái, có địa hình bị chia cắt khá lớn bởi sông Chảy và hai dãy núi chính chạy dọc theo hướng tây bắc – đông nam. Hữu ngạn sông Chảy là dãy núi Con Voi, có độ cao trung bình 400m, đỉnh cao nhất 1,148m, bị chia cắt tạo thành nhiều thung lũng nhỏ. Đây là khu vực còn 50% diện tích rừng tự nhiên, có khả năng phát triển lâm nghiệp, cây công nghiệp và nông nghiệp. Tả ngạn sông Chảy là dãy núi đá lớn có độ cao trung bình 935m, đỉnh cao nhất 1.035m, độ che phủ rừng 42,6%, có nhiều mỏ quý hiếm. Xen giữa hai dãy núi là vùng đất thấp bằng phẳng và khu vực triền sông Chảy, đất đai phì nhiêu, là khu vực tụ cư, phát tiển nông nghiệp, lâm nghiệp. Hồ Thác Bà hình thành từ năm 1970, có diện tích mặt nước do huyện quản lý là 1.560,5ha, thuộc 11 xã ven hồ.

Lục Yên bao gồm 24 xã, thị trấn, dân số vào cuối 2008 là 105.104 người, mật độ dân số 130 người/ km2. Dân cư của Lục Yên thuộc 16 tộc người: Tày chiếm 53,3%, Kinh (Việt) 21,1%, Nùng 10,4%, Dao 14,5%,…, trong đó, 90% dân cư sống bằng lao động nông nghiệp, 10% sinh sống bằng các hoạt động phi nông nghiệp.

Người Tày ở Lục Yên chiếm 53,18 % dân số Tày ở Yên Bái. Họ là cư dân bản địa, cư trú ở đây từ rất lâu đời, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa độc đáo của người Tày ở Việt Nam. Họ tự gọi mình là Cần Tày, sinh sống ở khắp các xã, cũng như thị trấn Yên Thế của Lục Yên, tụ cư đông đúc nhất tại các xã: Lâm Thượng, Khai Trung, Mường Lai, Khánh Thiện, Phan Thanh…

Mặc dù là cộng đồng còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa Tày, xong một vài chục năm gần đây, văn hóa của người Tày ở Lục Yên cũng đứng trước nhiều thách thức lớn, và tập quán cưới xin của họ không phải là ngoại lệ.

2. Tập quán cưới xin Tày ở Lục Yên

Nguyên tắc hôn nhân

Theo tục lệ Tày ở Lục Yên, hôn nhân của con trẻ thường do cha mẹ sắp đặt, tuy nay thanh niên Tày ở đây được tự do tìm hiểu và lựa chọn bạn đời, nhưng quyết dịnh cuối cùng đều phải là của cha mẹ. Hôn nhân một vợ một chồng đã là nguyên tắc từ ngàn đời nay của họ, gắn chặt với tiểu gia đình phụ quyền. Họ tuyệt đối cấm những người trong cùng một dòng họ, cùng chung một ông tổ, có cùng một huyết thống tính theo dòng cha, kết hôn với nhau. Nếu cùng họ kết hôn với nhau phải làm lễ tạ tội tổ tiên. Tục ngữ Tày có câu: Lục pả lục nả au căn đẩy đin/ Lục lùng lục áo au căn thai khả (Con dì con già lấy nhau làm nên ăn/ Con chú con bác lấy nhau phải chết chém) (1).

Hôn nhân Tày ở Lục Yên không quá lệ thuộc vào các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội của hai gia đình thông gia, mà lại tuyệt đối phụ thuộc vào số mệnh của trai và gái trong các cặp hôn nhân. Nếu không hợp tuổi, mệnh và số,… rất hiếm khi trai gái Tày ở đây được cha mẹ cho phép kết hôn. Vì thế, xin số cô dâu tương lai, và xem số, so tuổi cho dâu rể tương lai, là nghi thức đầu tiên, và quan trọng trong các nghi thức hôn nhân Tày ở Lục Yên.

Theo tâm lý, tập quán ngàn đời của người Tày ở Lục Yên, họ thích chọn vợ, chồng với các tiêu chuẩn như sau: vợ, phải là người con gái chịu thương, chịu khó, chăm chỉ làm ăn, nói năng nhẹ nhàng, giỏi cấy hái, trồng bông dệt vải, may vá, thêu thùa, đan lát, thành thạo việc nội trợ, đối xử lễ phép với cha mẹ anh em, họ hàng, làng xóm; nếu là dâu trưởng, phải có khả năng lo toan lễ tết, đám cưới, đám ma… Chiêm slao chiêm bươn Lạp (Tìm vợ phải đi vào tháng chạp); chồng, phải là người con trai phải biết làm mọi vệc, phải khỏe mạnh, chịu khó biết cày bừa, làm nhà, giỏi săn bắn, hiền lành, thật thà và được mọi người quý trọng… Và đối với người Tày ở Lục Yên, chồng là trụ cột, là người lo toan cuộc sống cho vợ và các con, mọi chuyện trong gia đình đều do chồng quyết định (2).

Việc chuẩn bị cưới xin

Đối với nhà trai, phải chuẩn bị đáp ứng thách cưới của nhà gái, bao gồm tiền thách cưới (đây là số tiền để nhà gái sắm sửa tư trang cá nhân cho cô dâu tương lai mang theo khi về nhà chồng, cụ thể là bao nhiêu, tùy theo yêu cầu của nhà gái), lợn dẫn cưới và lợn để nhà gái làm cỗ thết họ hàng, gà sống thiến dẫn cưới, gạo nếp dẫn cưới để nhà gái làm xôi cúng gia tiên và thết đãi họ hàng…

Đối với nhà gái, phải chuẩn bị cho cô dâu trước khi đi lấy chồng năm dây dao (thai pịa), dùng để gói buộc đồ đạc khi về nhà chồng, dây buộc đeo bao dao, dây quai nón cho tất cả những người nhà gái và nhà trai tham gia đưa đón dâu, một đôi vỏ chăn, một đôi vỏ gối, đồ trang sức cho cô dâu (gồm vòng tay, vòng cổ và một bộ dây xà tích bằng bạc,…). Những gia đình khá giả, chuẩn bị đồ trang sức cho cô dâu bằng vàng (3).

Các nghi thức trước đám cưới

Đánh tiếng, xin lá số (pay lạm pác). Đây là nghi thức đầu tiên trong hệ thống các nghi thức cưới xin của người Tày ở Lục Yên. Sau khi đã chọn được cô dâu tương lai, gia đình nhà trai nhờ mối (pú pà) đánh tiếng ướm hỏi tới gia đình ngà gái. Mối phải là đàn ông khỏe mạnh, phúc đức, nói năng lưu loát, lịch thiệp, mẫu mực, có uy tín trong cộng đồng,… Sau khi nhận được lời ướm hỏi, nếu đồng ý, nhà gái cũng dùng lời lẽ bóng gió đánh tiếng tới nhà trai. Sau đó, hai gia đình sẽ cử người gặp gỡ (pay lạm pác), bàn bạc thống nhất việc tiến hành những nghi thức tiếp theo. Trong buổi gặp gỡ này, mối nhà trai chuyển lời đề nghị việc thực hiện các nghi thức tiếp theo và xin lá số của cô dâu tương lai từ nhà gái. Sau đó, nhà trai sẽ nhờ thày so tuổi cho dâu và rể tương lai. Nếu dâu rể hợp tuổi, nhà trai sẽ chủ động dẫn lễ báo cáo việc so tuổi với nhà gái. Nếu không, nhà trai sẽ tự chấm dứt, hủy các nghi thức tiếp theo.

Dạm hỏi (Pay lạm pác): Theo tục lệ của của người Tày ở huyện Lục Yên, dâu rể hợp tuổi, nhà trai sẽ mang sang nhà gái một lễ, gồm một gói trầu (khoảng 50 lá) và một gói cau (khoảng 50 quả), gói bằng giấy màu đỏ, hoặc màu xanh. Màu sắc những chiếc lạt buộc hai gói trầu và cau dẫn sang nhà gái (đỏ, hoặc xanh), sẽ phản ánh hoàn cảnh hiện tại của nhà trai. Nếu nhà trai không có tang thì buộc lạt màu đỏ, đang trong thời kỳ có tang buộc lạt màu xanh. Ông mối sẽ đại diện nhà trai trong nghi thức ăn hỏi. Nếu chấp thuận, nhà gái sẽ chia đôi trầu cau, gửi mối mang về nhà trai một nửa, nửa giữ lại họ sẽ dùng làm vật báo hỷ và xin phép họ hàng cho con gái đi lấy chồng.

Sau một thời gian xin ý kiến họ hàng, nếu xuôn xẻ, nhà gái nhờ người chuyển lời cho nhà trai biết. Nhận được tin lành, nhà trai nhờ mối mang trầu cau sang thưa chuyện với nhà gái lần thứ hai. Trong nghi thức trầu cau lần thứ hai, có sự chứng kiến của cả ông bà nội, ông bà ngoại của cô dâu tương lai. Sau thủ tục trầu cau lần thứ hai, nhà gái làm cỗ thét mối với đại diện họ nhà trai. Dịp này, mối thay mặt họ nhà trai, xin nhà gái ngày thực hiện nghi thức ăn hỏi chính thức.

Ăn hỏi (kin cáy): Đối với của người Tày ở Lục Yên, tham gia ăn hỏi, ngoài mối còn có đại diện nhà trai, chú rể và những người mang vác đồ dẫn lễ (thanh niên chưa vợ). Lễ vật ăn hỏi gồm: 10 – 12 con gà trống thiến, 1 con lợn đực đen 80 – 100kg (không lấy lợn cái), 2 gói trầu mỗi gói 100 lá, 1 buồng cau, 20 lít rượu, 40kg gạo nếp (4). Khi nhà trai tới, nhà gái cử đại diện ra nhận lễ vật, sau đó biện trước bàn thờ tổ tiên, thắp hương cúng trình báo gia tiên. Tiếp theo, đại diện nhà gái sẽ công bố trước toàn thể họ hàng và nhà trai việc nhận lễ báo cáo tổ tiên và ra mắt chú rể (khươi mắng). Lúc này dâu rể coi như đã thành vợ thành chồng, hai gia đình chính thức trở thành thông gia với nhau.

Ăn hỏi là nghi lễ lớn nhất trong số các nghi thức trước đám cưới của người Tày ở Lục Yên. Vì thế, nhà trai và nhà gái đều mời đầy đủ họ hàng nội ngoại đến giúp và chứng kiến nghi thức ăn hỏi, mừng cho hai gia đình có dâu, rể mới. Cũng dịp này, nhà gái cũng bàn bạc với nhà trai việc chuẩn bị lễ cưới, nhất là thông báo đồ thách cưới cho nhà trai biết để chuẩn bị.

Tết bố vợ vào dịp xíp xí (pay chằng giam): Theo tục lệ truyền thống của người Tày ở Lục Yên, sau khi ăn hỏi hai đến ba năm, mới được làm đám cưới. Khi chưa làm đám cưới, vào các dịp tết xíp xí hàng năm, con rể sẽ biếu bố vợ một đôi gà thiến, bốn chai rượu, 12 ống gạo nếp, 1 chai mật, 1 ống đỗ xanh, nửa cân trà,… Cũng trong những năm chờ cưới, hai gia đình thông gia có trách nhiệm đi lại, giúp đỡ nhau trong mọi việc. Vào mùa thu hoạch, nhà trai sẽ mướn người (au khươi pay tốc nà) sang giúp nhà gái gặt lúa.

Xin cưới (so mự tón pặng): Theo tục xưa của người Tày ở Lục Yên, sau ăn hỏi hai, ba năm, nhà trai chủ động đến báo ngày cưới cho nhà gái biết. Nghi thức này được tiến hành trước ngày cưới ít nhất bốn tháng để hai gia đình có đủ thời gian chuẩn bị cho đám cưới. Đây là dịp hai gia đình bàn bạc thống nhất mọi việc cho đám cưới chính thức.

Cũng dịp này, nhà trai trao số tiền thách cưới cho nhà gái để mua sắm các đồ dùng cá nhân của cô dâu và mọi thứ cần thiết cho đám cưới, bàn bạc và định ngày, giờ dẫn lễ đón dâu, giờ chú rể sang đón cô dâu, giờ cô dâu xuống cầu thang về nhà chồng, giờ cô dâu lên cầu thang vào nhà chồng trong đám cưới.

Đám cưới Tày Lục Yên

Có thể nói, ngày cưới là ngày quan trọng nhất trong cưới xin của người Tày Lục Yên. Vì thế, các nghi thức được thực hiện rất nghiêm ngặt, cả về giờ giấc và cách thức tiến hành. Họ cho rằng, nếu thực hiện các nghi thức đám cưới nghiêm túc, đôi vợ chồng trẻ mới hạnh phúc.

Đám cưới bên nhà gái

Lễ chăng chược (căng dây chặn đường): Đúng ngày giờ đã định, đoàn nhà trai bắt đầu sang nhà gái đón dâu. Ngay khi đoàn nhà trai đến đầu làng, nhà gái cử một nhóm các cô gái trẻ chuẩn bị một sợi dây hoặc một tấm vải căng ngang lối vào nhà và hát bài hát với ý chất vấn: các vị là ai, đi đâu, qua đây làm gì, đây là cửa cấm, muốn đi qua phải nói rõ lý do… Lập tức đoàn nhà trai hát một bài hát đáp lại, nói rõ lý do và yêu cầu mở đường cho đi qua. Đây được coi là một cuộc so tài đầu tiên về đối đáp giữa hai họ. Có những đám cưới phải hát hai, ba bài mới đi qua được, có khi đại diện nhà trai không hát đối đáp lại được thì phải bỏ tiền để xin qua đường.

Lễ giữ cửa (lệ khay tu): Vượt qua được chặng căng dây chặn đường, đoàn đón dâu lại gặp chặng giữ cửa. Trên các bậc cầu thang lên nhà có bày các chướng ngại vật như chậu nước, chổi quét nhà, dao, thớt hay những chiếc sọt, đòn gánh… Với những chướng ngại vật này đoàn nhà trai có thể lách qua để lên nhà, nhưng họ không bước qua, vì như vậy sẽ bị nhà gái chê cười là mất lịch sự và kém tài hát đối đáp. Cho nên quan làng nhà trai phải hát một bài xin nhà gái cất bỏ những vật chướng ngại để có lối cho đoàn đón dâu lên nhà.

Lễ trải chiếu (lệ pói phục): Nhà ở của người Tày Lục Yên chủ yếu là nhà sàn 5 gian rộng rãi, bếp và bàn thờ đặt ở gian giữa. Người Tày có tục trải chiếu mời khách ở gian ngoài cùng. Khi đoàn nhà trai vượt qua chặng giữ cửa lên nhà và ngồi ở gian ngoài chưa có chiếu trải, ông quan làng nhà trai khi đó sẽ hát một bài hát giới thiệu về đoàn nhà trai và tỏ ý trách chủ nhà không trải chiếu đón đoàn nhà trai. Đại diện nhà gái sẽ hát đáp lại với ý xin lỗi vì sự thiếu sót của mình và lúc này mới cho người trải chiếu trịnh trọng mời đoàn nhà trai ngồi.

Lễ mời rượu, mời nước (lệ mơi lảu, mơi nặm): Sau khi đoàn nhà trai ngồi ổn định, đại diện nhà gái sẽ hát bài hát mời rượu và mời nước, hỏi thăm đoàn nhà trai đi đường có vất vả không và cảm ơn sự có mặt đúng giờ của nhà trai. Tiếp đến nhà gái sẽ bê ra một khay nước và một khay có 4 chén rượu rót đầy mời đại diện nhà trai uống.

Lễ trình tổ và nộp gánh (giao háp): Sau khi mời rượu, mời nước quan làng nhà trai và đại diện nhà gái ngồi nói chuyện hỏi thăm họ hàng hai bên. Trong thời gian này chú rể và hai phù rể sẽ bày những gánh lễ vật mà nhà trai mang sang gồm: 3 gói trầu (một gói báo cáo tổ tiên, một gói treo, một gói xin dâu), một gói chè (1kg), 4 chai rượu, 4m vải (phái lằm khắng). Nếu trường hợp cô dâu còn có anh trai hoặc chị gái chưa lập gia đình thì phải có thêm cho mỗi anh, chị một tấm khăn nhuộm màu hồng để tỏ ý xin anh chị cho phép em được đi xây dựng gia đình trước. Mâm lễ xếp xong ông mối sẽ hát bài giao lễ cho nhà gái, trước sự chứng kiến của hai bên gia đình và bà con trong bản. Sau khi ông mối hát xong, nhà gái nhận lễ và bê lên đặt trước bàn thờ tổ tiên để đại diện nhà gái thắp hương, thông báo với ông bà, tổ tiên đã nhận lễ (5).

Lễ bái tổ tiên, họ hàng (lạy đẳm táng): Đây là nghi lễ quan trọng và linh thiêng nhất mà chú rể phải thực hiện trong ngày cưới. Đại diện nhà gái bê ra một khay có 4 chén rượu rót đầy để xin ông đón của nhà trai cho chú rể vào lễ tổ tiên. Ông quan làng dẫn chú rể và hai phù rể vào đứng trước bàn thờ tổ tiên, trước sự chứng kiến của đông đủ họ hàng. Đại diện nhà gái tuyên bố lý do và những nghi lễ mà chàng rể phải làm. Chàng rể phải kính lễ tổ tiên và tất cả họ hàng nội ngoại nhà gái, theo vai vế từ trên xuống dưới. Mỗi lần đại diện nhà gái xướng lạy thì chàng rể sẽ lạy 4 lạy: “Mự tốt vằn đay, thống tôi lan mà, pà tôi lan lạy. Lạy mừa tổ đức tiên hiền tôi thí pết lạy. Mự tốt vằn đay, thống tôi lan mà, pà tôi lan lạy. Lay mừa tôi thí pét quý chựa. Mự tốt vằn đay, thống tôi lan mà, pà tôi lan lạy. Lạy mừ tôi thí pét tá bác, tái pá…”(6). Bài xướng cứ tiếp tục cho tới khi lạy đến vai các anh chị của cô dâu mới xong. Mỗi lần xướng chú rể vái 4 vái, quỳ xuống rồi đứng lên trong không khí rất trang nghiêm. Khi chú rể vái xong quan làng nhà trai sẽ hát bài hát giao cheo chúc cho đôi trẻ trăm năm hạnh phúc, gắn bó keo sơn.

Lễ dâng tấm vải ướt khô (lệ phái lằm khắng): Sau lễ bái tổ tiên, họ hàng, chú rể còn thực hiện một nghi lễ quan trọng nữa là lễ dâng tấm vải ướt khô. Tiến hành nghi lễ này trước bàn thờ tổ tiên, quan làng trịnh trọng hát bài hát tạ ơn, chú rể hai tay nâng tấm vải lên cho mẹ vợ. Nếu gia đình nào người mẹ không còn nữa thì tấm vải này sẽ được dâng lên bàn thờ tổ tiên, trước vong hồn người mẹ. Nghi lễ này phản ánh những sinh hoạt thường gặp, trong quá trình nuôi con nhỏ gặp những ngày trời mưa, âm u, tã không kịp khô, người mẹ phải ủ tã ướt để có tã khô đắp cho con. Nghi lễ này có ý nghĩa vô cùng to lớn, thể hiện lòng hiếu thảo của con cái đối với công sinh thành giáo dưỡng của cha mẹ. Do đó, tấm vải là lễ vật không thể thiếu khi dẫn lễ sang nhà gái. Sau lễ này nhà gái đưa chậu nước ra cho họ nhà trai rửa tay và mời đoàn nhà trai ăn bữa cơm vui cùng gia đình, mọi người cùng ăn uống và hát chúc mừng cô dâu, chú rể, mời nhau uống những chén rượu thơm nồng, chúc cho cô dâu lên đường về nhà chồng gặp may mắn.

Lễ xin đón dâu (So pặng lồng lang): Khi ăn cơm xong, sắp đến giờ đón dâu như đã định thì ông đón nhà trai sẽ hát bài hát xin dâu. Đây là lễ trang trọng cuối cùng trong các nghi lễ bên nhà gái. Nội dung bài xin dâu là cám ơn sự đón tiếp chu đáo của nhà gái, xin phép ông bà, cha mẹ, họ hàng, bạn hữu cho phép nhà trai được đón cô dâu về nhà chồng. Sau khi cô dâu chuẩn bị xong trang phục, đồ dùng thì ông quan làng hát bài xin dâu chính thức.

Từ khi bước chân xuống cầu thang theo chú rể về nhà chồng, cô dâu không được nhìn lại phía sau, bởi người Tày cho rằng nếu nhìn lại khi sang nhà chồng sẽ gặp nhiều chắc trở, cuộc sống vợ chồng sẽ không được êm ấm, hạnh phúc. Trên đường về nhà chồng đoàn đưa đón dâu phải tránh gặp đoàn đưa dâu khác, nếu không may gặp một đoàn đưa dâu khác thì hai cô dâu phải đổi khăn, đổi nón cho nhau. Họ cho rằng nếu không làm như vậy một trong hai đôi vợ chồng sẽ không có hạnh phúc, thậm chí không có con.

Đám cưới bên nhà trai

Khi nhà gái đưa dâu đến, nhà trai sẽ têm bốn miếng trầu, chuẩn bị một ống nước, một cum thóc xuống chân cầu thang trao cho cô dâu cầm lên nhà. Họ quan niệm cô dâu mới đến mang theo nhiều nước để cấy cày, gia đình sẽ thu được nhiều thóc lúa. Trước khi cô dâu lên nhà, bố mẹ chồng phải tránh mặt, đi xuống bãi trước. Khi cô dâu lên nhà rồi bố mẹ chồng mới bước lên sau. Vì với quan niệm truyền thống bố mẹ chồng phải bước lên sau để dẫm gót chân con dâu, làm như vậy con dâu sau này sẽ nghe lời bố mẹ chồng, chăm chỉ làm ăn.

Đoàn nhà gái lên nhà và ngồi ở gian ngoài cùng. Nhà trai bê khay nước ra mời, các nghi lễ mới nước, mời rượu cũng được tiến hành theo trình tự và nghi lễ như bên nhà gái. Chỉ khác lúc này nhà gái là khách, nhà trai là chủ. Bên nhà trai có hai nghi lễ quan trọng khi cô dâu về nhà chồng đó là lễ cô dâu bái tổ tiên, họ hàng và lễ nộp dâu.

Lễ cô dâu bái tổ tiên (lạy đẳm táng): Khi đại diện nhà trai xin cô dâu ra bái tổ tiên họ hàng. Đại diện nhà gái (ta thống) sẽ đưa cô dâu ra ngồi trước bàn thờ nhà trai. Cô dâu ngồi giữa, hai phù dâu ngồi hai bên. Trước sự chứng kiến của đông đảo họ hàng nhà trai, ông đưa sẽ xướng lạy để cô dâu bái tổ tiên và họ hàng nhà trai (theo trình tự vai vế như khi chú rể lễ bái bên nhà cô dâu).

Lễ nộp dâu (giao pặng): Sau lễ bái tổ tiên, đại diện nhà gái (ta thống), sẽ hát bài “nộp dâu” cho nhà trai: Từ nay cô dâu sẽ thuộc người của họ nhà trai, chịu sự răn dạy của nhà chồng theo tập tục.

Nghi thức sau đám cưới – lại mặt (tao lòi tin)

Sau khi cưới được ba ngày đôi vợ chồng trẻ sẽ về thăm gia đình bố mẹ vợ. Lễ vật mà đôi vợ chồng trẻ mang theo sang nhà gái là hai con gà trống thiến, hai ống gạo nếp, hai chai rượu, và một cặp bánh dày để tạ ơn cha mẹ. Đây cũng là dịp cô dâu được gặp lại họ hàng thân thích, cảm ơn họ hàng đã giúp đỡ khi tổ chức đám cưới. Cùng đi với đôi vợ chồng trẻ có một hoặc hai người bạn của chú rể. Ngày lễ lại mặt, nhà gái cũng mời ông, bà, chú, bác, cô, dì… đến chung vui, cùng ăn cơm với đôi vợ chồng trẻ và để họ hàng nhận mặt cháu rể.

Cũng dịp này, bố mẹ vợ sẽ trao của hồi môn cho con gái mang về nhà chồng. Theo tập quán xưa, người Tày Lục Yên thường cho con gái của hồi môn gồm: các loại giống lúa, ngô, giống gia súc, gia cầm, đồ dùng gia đình và tiền bạc.

3. Một vài nhận xét ban đầu

Cưới xin của người Tày Lục Yên là một trong những nghi thức, tục lệ quan trọng trong chu kỳ đời người. Bởi thế, nó được thực hiện rất nghiêm ngặt theo tục lệ có từ ngàn xưa. Việc cưới xin được tất cả các thành viên trong gia đình và cộng đồng coi trọng như là trách nhiệm với tổ tiên, với con cháu mai sau. Dựng vợ, gả chồng, làm đám cưới cho con cái là nghĩa vụ và vinh hạnh của ông bà, cha mẹ, họ hàng, làng bản,…

Cưới xin của người Tày ở Lục Yên không chỉ đơn thuần là việc kết hôn cho đôi lứa, mà còn bao hàm nhiều ý nghĩa, giá trị lớn lao khác. Cưới xin chính là biểu hiện cố kết cộng đồng làng bản, họ hàng, gia tộc; tương trợ, giúp đỡ, chia vui giữa các thành viên, trong cộng đồng. Cưới xin cũng thể hiện sự nhắc nhở đối với cả cộng đồng về việc bảo tồn các tập quán quý giá, sự giáo dục nhân cách, đạo đức làm người của cha mẹ đối với con cháu. Dâu hiền, rể thảo, lễ phép, tin tưởng,… là đích hướng tới của những người Tày Lục Yên đã và sẽ làm rể, làm dâu.

Trong xu thế hội nhập và phát triển của xã hội hiện nay, cưới xin truyền thống của người Tày Lục Yên đang đứng trước nhiều thách thức, đang có sự biến đổi và thích ứng đáng kể. Trong đó phải kể tới những biến đổi về trang phục, cỗ bàn, hình thức tương trợ trong đám cưới,… và quan trọng hơn cả là nhận thức về đám cưới…

Việc bảo tồn và phát huy giá trị của tập quán cưới xin Tày ở Lục Yên đang đặt ra như là một trong những nhiệm vụ quan trọng, trong chiến lược bảo tồn văn hóa truyền thống Tày, đòi hỏi có sự tham gia của chính người Tày Lục Yên, và các cơ quan quản lý văn hóa xã hội, các cơ quan nghiên cứu văn hóa,… và của cả xã hội.

_______________                        

1, 2, 4. Bế Viết Đẳng (chủ biên),  Các dân tộc Tày Nùng ở Việt NamNxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992, tr.181, 182, 195.

3. Nguyễn Trọng Bọc, Sơ bộ khảo sát về hôn nhân gia đình của người Tày Lục Yên, Hoàng Liên Sơn, tư liệu Khoa Sử, Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn, ĐHQG Hà Nội, tr.35.

5. Nông Minh Châu – Vi Quốc Bảo, Dân ca đám cưới Tày Nùng, Nxb Việt Bắc, Thái Nguyên, 1973, tr.86.

6. Hoàng Tương Lai, Hát quan lang trong đám cưới Tày Yên Bái, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2013, tr.124.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 359, tháng 5-2014

Tác giả : Tráng Thị Thúy

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *