Tập quán hôn nhân và gia đình của người thái tây bắc

Việt Nam là một quốc gia có nhiều thành phần dân tộc, do đó cũng có sự đa dạng về phong tục tập quán. Việc tìm hiểu những tập quán tốt đẹp về hôn nhân và gia đình (HNGĐ) của người Thái ở Tây Bắc là một việc cần thiết nhằm giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các tộc người thiểu số. Đồng thời là một kênh tham khảo để cơ quan có thẩm quyền bổ sung vào Danh mục tập quán được áp dụng tại Tây Bắc theo tinh thần Nghị định 126/2014/NĐ-CP ngày 31-12-2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật HNGĐ.

1. Hôn nhân bền vững, chế độ hôn nhân một vợ một chồng

Chế độ hôn nhân một vợ một chồng mặc dù không được khẳng định trực tiếp trong luật tục Thái, nhưng được nói đến trong nhiều văn bản liên quan. Trong Luật lệ người Thái Đen ở Thuận Châu có ghi chép về hình phạt cho hành vi ngoại tình: “Nếu vợ ngoại tình, chồng bắt được có quyền đánh và giết vợ cũng như người tình nhân, không bị án mạng. Nếu không đánh, giết lại phát đơn kiện lên hàng mường thì kẻ ngoại tình phải nộp phạt 12 nén bạc; Nếu đàn ông ngoại tình, bị chồng tình nhân đánh giết thì người chồng ấy không bị bắt tội. Nếu người chồng đó phát kiện, hàng mường sẽ bắt người đàn ông ngoại tình phải nộp phát 12 nén bạc” (1). Như vậy, người Thái Đen ở Thuận Châu tôn trọng hôn nhân một vợ một chồng nhằm mục đích xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc.

Còn theo Luật lệ bản mường ở Mai Sơn thì việc xét xử và phạt vạ ngươi ngoại tình cũng được quy định rất chi tiết. Nếu nam nữ đã có vợ có chồng mới chỉ đùa bỡn, trêu ghẹo nhau để tiến tới tư tình thì chỉ bị quan (tạo) bản bắt phạt: đôi chai rượu, đôi gà để cúng linh hồn của bản ở nhà quan (tạo) bản và 5 đồng cân bạc. Nếu bắt được hai bên nam nữ đã không chỉ dừng ở mức trêu ghẹo nhau để tiến tới tư tình mà còn quấn quýt nói chuyện tỏ tình yêu đương thì mức phạt cao hơn: 4 chai rượu, 4 con gà, 1 con vịt, 5 đồng cân bạc. Nếu bắt được “gái nằm ngửa, trai nằm sấp” sẽ nâng mức phạt lên: 6 chai rượu, 6 con gà, 2 con vịt và 1 lạng    bạc (2). Như vậy, vấn đề ngoại tình trong đời sống HNGĐ của người Thái ở Mai Sơn bị lên án gay gắt.

Luật mường Mai Châu cũng thể hiện nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng ở các điều khoản như dựng vợ gả chồng, để tang chồng, bỏ vợ bỏ chồng, săn sóc vợ chồng khi ốm đau… (3). Người Thái bảo vệ sự bền vững của hôn nhân bằng nhiều hình thức như răn dạy, chế tài, giáo dục truyền miệng của cha ông về sự chung thủy, cũng như trách nhiệm của người vợ, người chồng.

2. Nam nữ tự do tìm hiểu, lựa chọn

Tập quán HNGĐ của người Thái nói riêng và cộng đồng các dân tộc tại Việt Nam nói chung là một bức tranh thu hẹp của lịch sử HNGĐ loài người. Lúc đầu, tính chất của hôn nhân là tình yêu, nhưng đến khi xã hội có sự phân hóa giàu nghèo, đặc biệt trong xã hội phân chia giai cấp sâu sắc thì hôn nhân dần dần mang tính chất mua bán “hỏi dứt lời, dạm dứt giá”. Biểu hiện rõ nhất trong tục thách cưới, tiền mua dâu, tục ở rể nặng nề. Phải đến thời kỳ xã hội chủ nghĩa, tính chất tình yêu trong hôn nhân mới trở lại. Tuy nhiên, có thể khẳng định việc nam nữ tự do tìm hiểu, lựa chọn để tiến tới hôn nhân trở thành tập quán tốt đẹp của người Thái.

Theo cách thức truyền miệng cổ truyền, người Thái có câu “Vợ chồng không tự có/Quả cây không tự thành/Trời xe duyên, thiên định đoạt” hay “Vợ chồng do hai bên tự chọn/Dại khôn, xấu đẹp mình đã thấy/Lấy nhau chớ có bỏ”. Việc tự do tìm hiểu trước khi tiến tới hôn nhân còn được thể hiện qua phong tục chọc sàn. Khi đến tuổi kết hôn, buổi tối người con trai đến đầu ngõ tỏ tình bằng những điệu đàn tính và câu hát giao duyên. Cô gái nằm trong nhà như thấu hiểu được nỗi niềm, tấm lòng của chàng trai. Khi đến gần sàn, chàng trai lấy một đoạn gỗ nhỏ chọc lên đúng chỗ nàng nằm. Nếu cảm thấy ưng cái bụng thì nàng ra mở cửa mời chàng trai vào nhà. Họ có thể ngồi ở trong nhà hoặc ngoài sân tâm sự, tìm hiểu nhau. Qua một thời gian tìm hiểu, nếu cô gái đồng ý, chàng trai về thưa chuyện với bố mẹ và đến hỏi cưới. Có thể nói, nam nữ Thái tự do tìm hiểu, lựa chọn tiến tới hôn nhân và không bị sự áp đặt của bất cứ ai hay sức ép của bất cứ điều gì.

Đặc biệt, hôn nhận tự nguyện, tự do được ghi nhận trong Luật lệ bản Mường ở Mai Sơn: “Nữ giới lớn thành gái, nam giới lớn thành trai thì không ai có thể cấm đoán được việc chúng yêu đương nhau…” (4). Trong Luật mường Mai Châu: “Theo lệ bản mường, người con trai đón vợ về dù đã được mấy năm, nếu người con gái chưa thực ăn cùng mâm, ngủ cùng màn với mình, thì chưa coi là nên vợ, nên chồng. Nếu người con gái đã ăn cùng mâm, ngủ cùng màn với mình kể từ ngày nào, tháng nào thì coi là nên vợ, nên chồng từ ngày đó” (5). Như vậy, hôn nhân theo quan điểm của người Thái trước hết phải xuất phát từ sự tự nguyện của cả hai phía mà không có sự cản trở hay lừa dối, cưỡng ép. Đó là cơ sở cho việc nam nữ tiến tới hôn nhân, cùng nhau xây dựng và thực hiện chức năng gia đình.

Tuy nhiên, việc nam nữ tự do lựa chọn phải tuân thủ các phong tục tập quán của dân tộc. Lệ bản luật mường ngăn cấm các hành vi đi ngược lại thuần phong mỹ tục, những hành vi quan hệ bất chính mà dân gian gọi là trộm yêu. Điều XIII của luật mường quy định hàng trăm các trường hợp khác nhau về việc trộm yêu như: hủ hóa với gái khác họ, hủ hóa với vợ góa tạo và loạn luân với gái góa người trong họ, loạn luân với người trong họ còn con gái chưa có mang, loạn luân với người trong họ còn con gái đã có mang…

3. Bình đẳng giữa con đẻ và con nuôi

Đối với người Thái, việc nhận con nuôi tương đối phổ biến, họ chủ yếu nhận nuôi bé trai trong họ hàng thân thích. Việc đối xử giữa nam giới là con đẻ và con nuôi hoàn toàn bình đẳng, không phân biệt đối xử trong quan hệ gia đình. Họ là người cùng hàng thừa kế, được hưởng phần di sản bằng nhau, đảm bảo quyền lợi của con nuôi và con đẻ. Điều này cũng được ghi nhận trong Luật mường: “Nếu cho nhà mình chưa đông con, thì đi xin con người về làm con nuôi, thì khi chia của cải phải chia cho công bằng… con gái không được hưởng gì từ đồ đạc trong nhà, cho đến ruộng hoang… Chỉ có con trai, dù con nuôi hay con đẻ đều được hưởng tất cả các thứ đó…” (6). Như vậy, theo quan điểm của người Thái, con đẻ và con nuôi là nam giới thì không phân biệt đối xử. Việc ghi nhận, duy trì và bảo vệ quan hệ bình đẳng giữa con đẻ và con nuôi cũng là một khía cạnh thể hiện tập quán tốt đẹp của người Thái trong quan hệ HNGĐ.

4. Nghĩa vụ yêu thương, chăm sóc giữa cha mẹ và con cái

Tập quán tốt đẹp về HNGĐ của người Thái không chỉ thể hiện ở chế độ một vợ một chồng hay việc nam nữ tự do lựa chọn, tìm hiểu mà con thể hiện ở nghĩa vụ yêu thương chăm sóc lẫn nhau giữa cha mẹ và con cái.

Trước hết, giữa vợ và chồng phải có nghĩa vụ yêu thương, giúp đỡ, thủy chung với nhau cùng nhau xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Việc săn sóc vợ, chồng khi ốm đau được cụ thể hóa: “Vợ chồng lấy nhau phải khi đau ốm, dù trường hợp nào cũng vậy, phải trông nom săn sóc nhau chu đáo. Nếu vợ ốm chồng phải thuốc thang… Nếu chồng ốm vợ phải săn sóc thuốc thang…” (7). Bên cạnh đó, người Thái còn có lệ bảo vệ phụ nữ mang thai và sinh đẻ: “người chồng gần gũi âu yếm không cho vợ phật ý, sợ hãi buồn rầu”. Cha mẹ có nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục con cái nên người.

Theo tục lệ và qua phương thức giáo dục cổ truyền của người Thái có thể thấy được nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ. Đó là đạo làm con phải vâng lời cha mẹ, phải giữ danh dự cho họ hàng, tổ tông, đặc biệt là phải phụng dưỡng, chăm nom, săn sóc cha mẹ khi về già. Bởi lẽ “Có bố mới sinh thành, có mẹ mới khôn lớn”, “Khi bố mẹ ốm đau phải săn sóc chu đáo, lo thuốc thang chạy chữa tắm rửa giặt giũ với tấm lòng thành kính”, “Biết yêu thương chăm sóc bố, mẹ thì mai sau mới được hiển vinh”. Như vậy, nghĩa vụ yêu thương, chăm sóc giữa cha mẹ và con cái không chỉ được ghi nhận ở luật mường mà còn cả trong hình thức giáo dục của người Thái. Người Thái lấy gia đình làm đơn vị giáo dục, người già có trách nhiệm dạy bảo con cháu, từ đó lớp trẻ tiếp thu những tinh hoa của dân tộc và giữ gìn bản sắc riêng.

Có thể nói, luật tục của người Thái và pháp luật có mối quan hệ tương hỗ, bổ trợ cho nhau tạo nên sự hài hòa trong việc điều chỉnh hành vi của con người. Việc đề cập đến những tập quán tốt đẹp về HNGĐ của người Thái đã góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các tộc người thiểu số, hướng tới xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

__________

1. Luật lệ người Thái Đen ở Thuận Châu.

2, 4. Luật lệ bản mường ở Mai Sơn (Dịch từ bản chép tay của cụ Cầm Văn Oai (1870-1933) một thủ lĩnh của dân tộc Thái ở Mai Sơn, Sơn La).

3, 5, 6, 7. Luật mường ở Mai Châu.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 404, tháng 2 – 2018

Tác giả : ĐÈO THỊ THIẾT

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *