Thần trong thần tích tại hai huyện thọ xương và vĩnh thuận


 

Thần tích là văn bản viết về lai lịch, công năng, hành trạng của các vị thần. Mỗi thần tích ghi chép về một hay nhiều vị thần khác nhau; lại có nhiều thần tích ở những địa danh khác nhau cùng ghi chép về một vị thần. Điều này là do sự lan tỏa tín ngưỡng, sự ảnh hưởng của văn hóa dân gian, văn hóa vùng miền tạo ra. Bài viết tìm hiểu về các vị thần được nêu trong thần tích tại hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận (tương ứng với nội thành Hà Nội ngày nay).

1. Phân loại thần

Mỗi một vị thần đều có công năng, quyền uy riêng biệt, thứ bậc khác nhau. Năm 1913, Phan Kế Bính đã phân chia ra các loại thần gồm:

Thượng đẳng thần là những thần danh sơn, đại xuyên và các bậc thiên thần như Đổng Thiên Vương, Sóc Thiên Vương, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh…; các vị nhân thần như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo…, có sự tích, công trạng hiển hách và họ tên rõ ràng.

Trung đẳng thần là những vị thần dân làng thờ đã lâu, có họ tên mà không rõ công trạng, hoặc là có quan tước mà không rõ họ tên, hay những thần có chút linh dị.

Hạ đẳng thần là những thần dân xã thờ phụng, mà không rõ sự tích ra sao, nhưng cũng thuộc về bậc chính thần (1).

Như vậy, có 3 cấp bậc thần là thượng đẳng thần, trung đẳng thần, hạ đẳng thần. Phan Kế Bính cũng chia ra hai loại chính là thiên thầnnhân thần. Gần đây các nhà nghiên cứu lại đặt ra một loại thần ở giữa hai loại thiên thầnnhân thần gọi là nhiên thần, tức thần đại diện cho tự nhiên, thiên nhiên như thần núi, sông, rừng, nước… (2).

Nguyễn Duy Hinh lại tổng kết: Có thể căn cứ bản chất thần chia thành: sơn thần và thủy thần tức thần sông núi (sơn xuyên) bao gồm núi, gò đống, ao hồ có hiện tượng thiêng, kể cả rắn…; thần đá, cây, rừng, đất (thổ thần), kể cả nõ nường…; thiên thần là những nhân vật thần tiên không phải nhân vật lịch sử; nhân thần là các nhân vật anh hùng lịch sử, những tiên hiền khai hoang lập ấp, tổ sư các nghề…(3).

Tại thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chúng tôi tra cứu được 39 văn bản thần tích thuộc hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận. Trong số các vị thần được ghi chép, có một số vị thần nếu xếp vào phân loại nào thì cũng không hoàn toàn đúng, nhưng cũng không hoàn toàn sai. Ví dụ, Linh Lang đại vương thật ra là một thủy thần (thần rắn) đã được lịch sử hóa. Vậy thì xếp thần Linh Lang vào phân loại nào? Nhân thần cũng đúng, vì thần là con vua, có lai lịch rõ ràng của một con người. Nếu là thủy thần thì cũng không sai, vì nguồn gốc cơ bản của thần lại là một con giao long, rồi hóa đi cũng biến thành giao long. Cho nên mọi sự biến hóa thần thông không thể xóa được căn cốt trần thế của họ. Vậy chỉ có thể gọi họ là những nhân vật của huyền thoại, truyền thuyết, do trí tưởng tượng của dân gian tạo ra và đắp thêm những sự huyền diệu, những hành động phi thường để họ trở thành tiên, thánh, rồi thành hoàng làng.

Bởi vậy, trong bảng phân loại, nếu vị thần nào có nguồn gốc lịch sử cụ thể như: Lý Thường Kiệt, Mục Thận…, chúng tôi xếp đó là nhân thần. Với những vị thần khác thì cách phân loại chỉ mang tính tương đối theo quy ước:

Nhân vật lịch sử (nhân thần) là những vị thần có nguồn gốc lịch sử rõ ràng, từng có đóng góp trong lịch sử và đã được ghi trong chính sử (cho dù phần lớn những vị thần này ít nhiều đã được dân gian hóa, kỳ diệu hóa, thần linh hóa).

Nhân vật truyền thuyết huyền thoại (sau đây gọi tắt là truyền thuyết huyền thoại) là những vị thần mang yếu tố kỳ diệu, huyễn tưởng, nhưng lại được cảm nhận là xác thực, diễn ra ở ranh giới giữa thời gian lịch sử và thời gian thần thoại, hoặc ở thời gian lịch sử.

Thăng Long – Hà Nội xưa và nay luôn là đất kinh kỳ, phố thị với nhiều nghề khác nhau, thể hiện qua 36 phố nghề ở trung tâm Hà Nội. Vì vậy, có không ít thần tích kể về tổ nghề như bản AE.a2/26 viết về Quỳnh Hoa đoan trang công chúa dạy dân làm nghề nuôi tằm dệt vải, chúng tôi chia ra một loại riêng là thần tích về tổ nghề.

Nếu văn bản thần tích nào cùng viết về hai vị thần trở lên, nhưng thần tích gắn liền với nhau, chúng tôi để vào một mục; ví dụ bản AE.a2/27 viết về hai vợ chồng Đoàn Công Bạc và Thụ La công chúa. Thần tích nào viết về nhiều vị thần, nhưng sự tích khác nhau thì tách riêng; ví dụ bản AE.a2/32 viết về thần tích 3 anh em Hiển Hựu, Quý Minh, Phương Dung công chúa, phần lai lịch xuất thân thì giống nhau, khi lớn lên thì hành trạng 2 anh Hiển Hựu – Quý Minh riêng, người em là Phương Dung sau làm nghề tằm tang, dạy dân theo nghề, theo thống kê thì đã có ít nhất hai nơi thờ bà làm tổ nghề.

Bảng phân loại dưới đây chia theo địa bàn, vì vậy, có thể có những thần tích ở hai địa bàn khác nhau, cùng ghi về một vị thần giống nhau, chúng tôi vẫn liệt kê đầy đủ theo từng địa bàn.

Bảng phân loại thần tại hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận

 

Tên thần

Ký hiệu văn bản

Cấp bậc

Quận Ba Đình

 

 

 

 

Dung Hoa chiêu hỏa tôn linh

AE.a2/17

Truyền thuyết huyền thoại

Anh linh hiển ứng Khố Nương công chúa chủ khố đại vương phu nhân thánh mẫu

AE.a2/19

Truyền thuyết huyền thoại

Uy Linh đại vương

AE.a2/22

Truyền thuyết huyền thoại

(Trần) Linh Lang đại vương

AE.a2/22

Truyền thuyết huyền thoại

Linh Lang đại vương

AE.a2/22

Truyền thuyết huyền thoại

Phùng Hưng đại vương

AE.a2/22

Nhân vật lịch sử

Ngọc Bạch hồ trung Thủy Tinh công chúa

AE.a2/26

Truyền thuyết huyền thoại

Đương cảnh Thành hoàng Đoàn Công Bạc đại vương và Thụ La công chúa gia phong trinh thục huệ hòa từ nhân đoan thuận phu nhân

AE.a2/27

Tổ nghề

(Trần) Linh Lang vương

AE.a2/33

Truyền thuyết huyền thoại

Linh Lang vương thần

AE.a2/33

Truyền thuyết huyền thoại

(Lý) Linh Lang đại vương

AE.a2/33

Truyền thuyết huyền thoại

Huyền Thiên Hắc Đế thượng đẳng phúc thần

AE.a2/37

Truyền thuyết huyền thoại

Quận Cầu Giấy

 

 

 

 

Vũ Phục và Vũ Thị Quế Hoa (Hương Minh Diệu Đức công chúa)

AE.a2/74

Nhân vật lịch sử

Quận Đống Đa

 

 

Thái úy Lý Thường Kiệt

AE.a2/24

Nhân vật lịch sử

Cao Sơn đại vương

AE.a2/30

Truyền thuyết huyền thoại

Phùng Hưng đại vương

AE.a2/30

Nhân vật lịch sử

Ngọc Bạch Thủy Tinh công chúa

AE.a2/31

Truyền thuyết huyền thoại

2 anh em: Hiển Hựu đại vương; Quý Minh đại vương

AE.a2/32

Truyền thuyết huyền thoại

Phương Dung công chúa

AE.a2/32

Tổ nghề

Bảo Hoa công chúa đại vương

AE.a2/36

Truyền thuyết huyền thoại

Từ Đạo Hạnh

AE.a2/38

Nhân vật lịch sử

Quận Hai Bà Trưng

 

 

 

 

Cao Sơn quốc chủ đại vương

AE.a2/15

Truyền thuyết huyền thoại

Linh Lang đại vương

AE.a2/15

Truyền thuyết huyền thoại

Tứ vị Hồng Nương

AE.a2/16

Truyền thuyết huyền thoại

Đào tướng quân dũng lược tế thế đại vương

AE.a2/16

Truyền thuyết huyền thoại

Châu Thiên đại vương thụy Trung Hiếu, Hương Mai đại vương thụy Trung Tiết

AE.a2/20

Truyền thuyết huyền thoại

Nhã Cát linh ứng đại vương và Nguyệt Nga công chúa trinh thiện phu nhân

AE.a2/35

Nhân vật lịch sử

Nam Sơn Tam Trinh hiển ứng đại vương

AE.a2/23

Truyền thuyết huyền thoại

Quận Hoàn Kiếm

 

 

Uy linh hiển ứng phù cảm đại vương

AE.a1/1

Truyền thuyết huyền thoại

Vũ Phục – Chiêu Điều đại vương và Vũ Thị Quế Hoa – Hương Kỳ Diệu Đức công chúa

AE.a2/14

Tổ nghề

Quận Tây Hồ

 

 

2 anh em: Bảo Hựu đại vương và Quý Minh đại vương

AE.a2/19

Truyền thuyết huyền thoại

Dực Thánh đại vương; Vệ quốc đại vương; Thái Ngọc Quỳnh Dung công chúa

AE.a2/21

Truyền thuyết huyền thoại

3 anh em: Bảo Trung thượng đẳng phúc thần; Minh Khiết thượng đẳng phúc thần; Ý Hạnh phu nhân tôn công chúa

AE.a2/38

Truyền thuyết huyền thoại

3 anh em: Minh Khiết dực thánh thần; Bảo Trung cương đoán thần và Triều đình phù quốc thần

AE.a2/26

Truyền thuyết huyền thoại

Lỗ Quốc thái sư thần

AE.a2/26

Truyền thuyết huyền thoại

Quỳnh Hoa đoan trang công chúa thần

AE.a2/26

Truyền thuyết huyền thoại

An Dương triều đình cương nghị đại vương

AE.a2/26

Truyền thuyết huyền thoại

Phùng Hưng – Bố Cái đại vương

AE.a2/38

Nhân vật lịch sử

Mục Thận

AE.a2/34

Nhân vật lịch sử

Mục Thận (Lượng quốc công đại vương)

AE.a2/34

Nhân vật lịch sử

Vạn Phúc công chúa, Vạn Lộc công chúa và Vạn Thọ Chân Tiên công chúa

AE.a2/34

Truyền thuyết huyền thoại

Uy Linh Lang đại vương

AE.a2/38

Truyền thuyết huyền thoại

 

Theo đó, trong số 39 thần tích, có 30 trường hợp viết về nhân vật truyền thuyết huyền thoại, 9 trường hợp về nhân vật lịch sử, 3 trường hợp về tổ nghề. Riêng 3 trường hợp viết về tổ nghề là hoàn toàn khác nhau về nhân vật trong thần tích; còn lại các trường hợp truyền thuyết huyền thoại, nhân vật lịch sử đã có sự trùng lặp thần tích. Ví dụ: thần tích Phùng Hưng – Bố Cái đại vương (nhân vật lịch sử) xuất hiện ở nhiều văn bản: AE.a2/22, AE.a2/30, AE.a2/38; thần tích Linh Lang đại vương (truyền thuyết huyền thoại) thì trùng lặp ở rất nhiều văn bản: AE.a2/15, AE.a2/22, AE.a2/33…

2. Nét tương đồng và dị biệt giữa các thần tích có chung tên thần

Bảng thống kê cho thấy có nhiều tên thần trùng nhau, cùng một tên thần được viết ở 2 đến 3 văn bản khác nhau. Cụ thể là: thần Cao Sơn: 2 bản (AE.a2/15, AE.a2/30); thần Linh Lang: 8 bản (AE.a2/15, AE.a2/22 (4 bản), AE.a2/33 (3 bản), AE.a2/38); thần Bảo Trung, Minh Khiết: 2 bản (AE.a2/26, AE.a2/38); Phùng Hưng – Bố Cái đại vương: 3 bản (AE.a2/22, AE.a2/30, AE/a2/38); Ngọc Bạch Thủy Tinh công chúa: 2 bản (AE.a2/26, AE.a2/31); Bảo Hựu (Hiển Hựu) đại vương và Quý Minh đại vương: 2 bản (AE.a2/18, AE.a2/32); Mục Thận: 2 bản cùng viết trong thần tích kí hiệu AE.a2/34; Vợ chồng Vũ Phục và Vũ Thị Quế Hoa: 2 lần (AE.a2/14, AE.a2/74).

Các trường hợp khác đều chỉ có một bản thần tích.

So sánh các thần tích có chung tên thần, chúng tôi thấy về cơ bản nội dung giống nhau. Điểm khác là: niên đại sao chép thần tích, địa điểm được phong thờ thần. Điều này được lý giải:

Từ xưa đến nay Việt điện u linh vẫn được coi là tập hợp thần tích đầu tiên của Việt Nam, do Lý Tế Xuyên giữ chức “Thủ đại tạng, Thư hỏa chính chưởng, Trung phẩm phụng ngự, An Tiêm lộ Chuyển vận sứ dưới triều nhà Trần” (chức vụ coi việc tế lễ, tham gia vào việc quản giám bách thần) soạn (4). Tập sách này ghi chép nhiều truyền thuyết về các vị thần linh Việt Nam ở vào thời xa xưa, trong đó có ghi một số thần tích các thành hoàng của Hà Nội như: Tô Lịch, Long Đỗ, Phùng Hưng – Bố Cái đại vương…

Phần lớn các thần tích còn đến ngày nay đều ghi tên người phụng soạn là Nguyễn Bính giữ chức Hàn lâm viện Đông Các đại học sĩ, soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572). Phụng soạn là phụng mệnh vua mà biên soạn. Hồng Phúc là niên hiệu của vua Lê Anh Tông, vua mở đầu thời Lê Trung hưng và đóng hành dinh ở Thanh Hóa. Lúc này (1572), Thăng Long còn trong tay nhà Mạc với vua Mạc Mậu Hợp. Thế mà thần tích do Nguyễn Bính soạn lại thấy khá phổ biến ở Thăng Long cũng như khắp đồng bằng Bắc Bộ. Dưới tên người phụng soạn là người phụng sao: Quản giám bách thần tri điện, Hùng lĩnh thiếu khanh, Nguyễn Hiền. Năm phụng sao phần lớn là các năm thuộc đời Vĩnh Hựu (1735-1740).

Do thời gian, chinh chiến, thiên tai, nhân họa, hỏa hoạn, hồng thủy… nên thần tích nguyên bản gần như bị mất hết, còn lại chủ yếu là sao chép. Do vậy, mà có những nhược điểm như: chép sai, sót, ví dụ niên hiệu Hồng Phúc chỉ có một năm Nhân Thân từ tháng giêng đến tháng 11. Vậy mà có những bản thần tích lại ghi là Hồng Phúc nhị niên, tam niên… Trường hợp này cũng tương tự xảy ra với thời điểm Nguyễn Hiền sao lục. Niên hiệu Vĩnh Hựu chỉ bắt đầu từ tháng 5 năm Ất Dậu 1735, kết thúc là tháng 5 năm Canh Thân 1740, tất cả có 6 năm. Tuy nhiên, thần tích có bản lại ghi Vĩnh Hựu bát niên, thập niên…

Không chỉ sai sót về niên đại mà thông tin sử học, sự kiện lịch sử cũng vậy, do tam sao thất bản, truyền miệng, do các hương lý không tinh thông sử sách, chỉ giàu lòng yêu làng, trọng thành hoàng, nên muốn gán ghép làng mình vào lịch sử dân tộc qua vị đại diện tinh thần tối cao của làng (là thành hoàng) và Nguyễn Bính đã căn cứ vào đó mà “phụng soạn”.

Có thể hiểu rằng lúc này nhà Lê mới nổi dậy ở Thanh Hóa, muốn tỏ ra vương triều mình là chính thống nên sai quan Lễ bộ tiến hành “kiểm kê dân số” các thần rồi phong thần, phong thành hoàng để vừa là thu tóm “linh khí” đất nước, vừa tỏ rõ uy quyền thiên tử.

Các bản thần tích sau này đều căn cứ theo môtip cũ của Nguyễn Bính, có khi nguyên bản. Điều đó lý giải vì sao, có những bản thần tích mang ký hiệu khác nhau, của các làng khác nhau, lại cùng thờ một vị thần và nội dung về cơ bản là không khác nhau nhiều.

Bên cạnh đó, lại có trường hợp nhiều vị thần có chung một tên, điều này xảy ra ở trường hợp thần Cao Sơn và thần Linh Lang.

Về thần Cao Sơn

 

Từ xưa đến nay phần lớn mọi người nghe đến tên thần Cao Sơn đều cho rằng chỉ có một thần Cao Sơn và ít có sự phân biệt Cao Sơn đại vương hay Cao Sơn quốc chủ đại vương.

Dựa vào những văn bản thần tích tại hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận, thì rõ ràng có 3 vị thần mang tên Cao Sơn nhưng sự tích thì có khác nhau:

Theo bản AE.a2/18 Hùng Vương triều Duệ Vương công thần danh tướng Bảo Hựu đại vương ngọc phả viết về thần tích Bảo Hựu – Quý Minh đại vương thì Tản Viên – Bảo Hựu – Quý Minh là ba anh em con chú con bác. Tản Viên tên thật là Nguyễn Tùng, là con bác; hai anh em Bảo Hựu – Quý Minh tên thật là Nguyễn Hiển – Nguyễn Quý, là con chú. Bảo Hựu hay Hiển Hựu đều có tên thật là Nguyễn Hiển, trùng với các thần tích khác viết về ba anh em Tản Viên – Cao Sơn – Quý Minh. Có thể do cách viết, cách sao chép ở từng thời đại khác nhau nên tên thần có những thay đổi. Điều chắc chắn rằng, trong trường hợp này, Cao Sơn chính là một trong ba vị thần được thờ với tính chất là cơn thần, đã từng được phong giữ dãy núi bên trái động Lăng Sương (ngọn núi bên trái ngọn Tản Viên ở Ba Vì ngày nay).

Theo bản AE.a2/30 Cao Sơn đại vương phả do Lê Tung soạn năm Hồng Đức 2 (1471) và Lê Doãn Địch sao năm Minh Mệnh 20 (1839) thì nội dung thần tích Cao Sơn ở đây trùng khớp với nội dung văn bia Cao Sơn đại vương thần từ bi minh do Lê Tung soạn năm 1510. Tấm bia này hiện là di vật quý nhất tại đình Kim Liên, phường Kim Liên, quận Đống Đa (nơi được coi là một trong Tứ trấn Thăng Long). Nội dung tóm lược rằng: Khi vua Lê Tương Dực (1510 – 1516) cầm quân dẹp loạn, khôi phục cơ nghiệp của vua Lê Thái Tổ, có ba vị đại thần là Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Hoàng Dụ và Nguyễn Văn Lữ cùng đem quân đi chinh phạt. Đến địa phận huyện Phụng Hóa (nay là Nho Quan, Ninh Bình) thì thấy cảnh núi rừng rậm rạp có ngôi đền cổ ghi bốn chữ Cao Sơn đại vương. Rất lấy làm lạ, vua quan bèn khẩn cầu thần phù trợ. Quả nhiên sau mười ngày đã thành công. Vì thế, vua cho xây dựng đền thờ thần Cao Sơn ở Phụng Hóa. Sau nhớ ơn thần đã ngầm giúp dẹp loạn ở Đông Đô, nên năm 1509, vua cho xây dựng lại đền thờ to đẹp hơn ở phường Kim Hoa gần Thăng Long thời bấy giờ. Sau này, các triều đại đều bao phong thần Cao Sơn trấn phía nam kinh thành. Như vậy, ở đây lại là một vị Cao Sơn khác, với thần tích khác hoàn toàn so với thần tích Cao Sơn ở bản AE.a2/18.

Theo bản AE.a2/15 có tên Cao Sơn quốc chủ đại vương thì trong bản thần tích này, thần vốn họ Cao, tên Hiển, xuất thân từ vùng Bảo Đài Sơn quận Quảng Nam (Trung Quốc), do tránh loạn lạc nên đã di cư xuống phía nam, lấy người con gái làng Quang Liệt. Sau này khi Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, ông đã theo lệnh vua Minh chặn đánh Hồ Quý Ly ở Hồng Mai (phường Bạch Mai ngày nay). Sau đó ông trở về Bắc quốc, được vua phong là Cao Sơn quốc chủ đại vương. Như vậy, vị thần Cao Sơn trong thần tích này lại có lai lịch, nguồn gốc từ phương Bắc, tức Trung Quốc ngày nay, hoàn toàn không giống với hai vị thần Cao Sơn đã kê ở trên.

Theo nghiên cứu của Nguyễn Vinh Phúc – Nguyễn Duy Hinh trong Các thành hoàng và tín ngưỡng Thăng Long – Hà Nội thì còn có một vị thần Cao Sơn nữa được thờ ở làng Lương Nhân, huyện Chí Linh, Hải Dương, chuyên chữa bệnh đậu mùa cho dân. Trong một lần dân làm lễ cầu hỏi tên thì thần nhập đồng nói tên là Cao Sơn.

Vũ Ngọc Khánh trong Thành hoàng làng Việt Nam có dẫn ra các trường hợp về Cao Sơn: là con của Lạc Long Quân hoặc Hùng Vương; chính là Tản Viên; là anh em với Tản Viên; là thánh Đuổm, người dân tộc Tày; là đức thánh Cưu, vốn ở bên Trung Quốc; có tên là Cao Hiển, cũng là người Trung Quốc; là một vị thần y; Cao Sơn Cao Các, được thờ nhiều ở miền Trung.

Các trường hợp này chúng tôi chưa có điều kiện tiếp xúc văn bản cụ thể nên không đưa ra đánh giá gì mà chỉ dẫn thêm nguồn nghiên cứu trước để có cái nhìn đầy đủ hơn về thần Cao Sơn mà thôi.

Về thần Linh Lang

 

Ngay ở phần thống kê thuộc quận Ba Đình đã thấy có 6 bản thần tích viết về thần Linh Lang: 2 bản có tên thần tích giống nhau hoàn toàn là Trần triều Linh Lang vương (AE.a2/22 và AE.a2/33); 2 bản có tên thần tích về cơ bản giống nhau: Linh Lang thần hóa lục (AE.a2/22) và Linh Lang vương thần hóa lục (AE.a2/33). Ở 2 bản này, sự khác nhau chỉ là có hay không có chữ vương ở đằng sau tên thần. Điều này không phải là vấn đề lớn vì từ xưa tới nay, có hay không có chữ vương thì trong quan niệm dân gian, thần Linh Lang vẫn luôn là Linh Lang đại vương. Còn 2 bản khác mà tên đều thể hiện thời đại của thần là: Lý triều Uy Linh đại vương sự tích (AE.a2/22); (Lý triều) Linh Lang đại vương (AE.a2/33).

Bên cạnh đó còn có 2 bản thần tích viết về thần Linh Lang là: Lý Thánh Tông hoàng tử Linh Lang đại vương phả lục (AE.a2/15) thuộc địa bàn quận Hai Bà Trưng, chỉ rõ nguồn gốc thần là hoàng tử của vua Lý Thánh Tông – thời Lý; An Trì Uy Linh Lang phả lục (AE.a2/38) thuộc địa bàn quận Tây Hồ.

Chúng tôi tạm xếp thành hai mục Thần Linh Lang thời LýThần Linh Lang thời Trần để tiện việc phân tích:

Thần Linh Lang thời Lý

Về cơ bản thần tích thần Linh Lang thời Lý là khá giống nhau. Đời vua Thái Tông nhà Lý, Thái Tông lấy Mỹ Nương làm cung phi thứ bảy. Một lần ra hồ rửa chân, cung phi bị con giao long dài mười trượng, diễu chung quanh nàng ba vòng, dãi thơm của nó như quện vào nàng. Sau đó vua được báo mộng, biết là điềm lành. Rồi cung phi mang thai, mười hai tháng sau trở dạ, sinh ra một cái bọc, từ trong bọc nở ra cậu bé trai, tướng mạo rất đẹp, đặt tên là Hoàng Lang. Năm Hoàng Lang lên hai tuổi, giặc Trinh Vĩnh xâm lược, vua cho quân đi đánh dẹp nhiều lần không có kết quả nên cho sứ giả đi tìm người tài. Hoàng Lang xin vua cho một con voi đực, một lá cờ vuông, chỉ huy ba quân đánh tan quân giặc. Từ đó, Hoàng Lang kinh lý đến đâu, nơi đó đều lập hành cung. Thắng giặc trở về, một tháng sau, Hoàng Lang bị bệnh đậu mùa, ba tháng không khỏi, cáo với vua rằng mình ở Long Cung được thác sinh dẹp giặc, nay thời hạn đã hết, xin tử biệt trở về, rồi hóa thành con rắn dài mười trượng bỏ xuống hồ Tây. Sau vua theo lời dặn của Hoàng Lang, cho những nơi có hành cung của chàng được làm nơi thờ cúng.

Thần Linh Lang thời Trần

Về thần Linh Lang thời Trần thì có hai sự tích về cơ bản nội dung, cốt truyện tương đồng, nhưng lại có những điểm nhấn khác biệt đáng kể:

Thần tích Trần triều Linh Lang vương, ký hiệu AE.a2/22 và AE.a2/33: Thần là Hoàng tử thứ bảy của vua Trần Nhân Tông, do Chiêu Minh Lý phu nhân sinh ra. Được sinh ra trong một cái bọc, bị đem bỏ ở bờ sông, từ trong bọc lại nở ra một cậu bé nên được đưa về cung nuôi. Lớn lên cậu bé xin xuất gia nhưng vua cha không đồng ý. Khi giặc Nguyên vào cướp nước, vương đem quân đi đánh giặc, có ngày thắng tám trận. Khi dẹp xong giặc được phong làm Dâm Đàm đại vương. Sau khi mất được phong làm Vân Linh Lang đại vương.

Thần tích An Trì Uy Linh Lang phả lục, ký hiệu AE.a2/38: Thần là con vua Trần Thánh Tông, do chính cung Minh Đức sinh ra. Được sinh ra trong một cái bọc, bị đem bỏ ở bờ sông, từ trong bọc lại nở ra một cậu bé nên được đưa về cung nuôi. Lớn lên cậu bé xin xuất gia nhưng Thánh Tông không cho. Sang đời Nhân Tông, giặc Nguyên xâm phạm bờ cõi, thần đem quân đi đánh giặc, có ngày đánh tám trận đều thắng. Trở về, vua luận công phong là Dâm Đàm vương. Sau khi mất được vua phong làm Uy Linh Lang đại vương.

Ở hai bản thần tích này, về quá trình hoài thai, sinh nở, trưởng thành, hành trạng đánh giặc, tước phong sau khi lập công là hoàn toàn giống nhau. Khác nhau là một vị con vua Trần Thánh Tông (1240-1290), một vị con vua TrầnNhân Tông (1258-1308), và như thế nghĩa là họ là hai chú cháu. Chú là Uy Linh Lang đại vương còn cháu là Vân Linh Lang đại vương. Đó là sự khác biệt của các văn bản này.

Qua những phân tích ở trên, có thể thấy rõ các nội dung thần tích, phân loại thần, sự giống và khác nhau của một số văn bản có chung một vị thần, sự riêng biệt của những vị thần có chung một tên nhưng thần tích lại khác nhau, giúp ích cho việc sử dụng thần tích trong thực tiễn, trong việc tìm hiểu về thần, đánh giá về nơi thờ thần, công tác nghiên cứu di sản văn hóa…

_______________

1. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb Tổng hợp Đồng Tháp, 1990.

2. Nguyễn Vinh Phúc – Nguyễn Duy Hinh, Các thành hoàng và tín ngưỡng Thăng Long – Hà Nội, Nxb Lao động, Hà Nội, 2009.

3. Nguyễn Duy Hinh, Tín ngưỡng thành hoàng Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1996.

4. Thủ đại tạng dường như là chức trông coi tài liệu lưu trữ của Nhà nước, hoặc một kho kinh Phật. Thư hỏa Chánh chưởng có thể hiểu là người đứng đầu Nội thư hỏa cục, sau đổi tên là Nội mật viện.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 362, tháng 8-2014

Tác giả : Nguyễn Tô Ly

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *