Thị trường văn hóa, khái niệm và đặc trưng

Thị trường, thị trường văn hóa là một thuật ngữ quen thuộc gắn liền với đời sống kinh tế xã hội của cộng đồng. Hàng hóa văn hóa bao gồm các sản phẩm và dịch vụ văn hóa được sáng tạo, sản xuất ra nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu thụ hưởng các giá trị văn hóa tinh thần và trí tuệ của xã hội; chúng cũng được trao đổi mua bán trên cơ sở các quy luật kinh tế như cung cầu, giá trị và cạnh tranh. Ở Việt Nam, thị trường văn hóa có những đặc trưng riêng có. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, sự khác biệt này cần được nhận diện nhằm khơi nguồn các dòng chảy văn hóa trong và ngoài nước, phát triển lành mạnh thị trường văn hóa trong nước, góp phần tích cực vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

1. Thị trường

Theo cách hiểu truyền thống, thị trường là nơi diễn ra các quá trình trao đổi, mua bán hàng hóa. Đó là loại thị trường hữu hình có không gian, địa điểm cụ thể để người mua, người bán thực hiện các hành vi trao đổi mua bán một loại hàng hóa dịch vụ bất kỳ nhằm thỏa mãn nhu cầu. Tuy nhiên, trong nền kinh tế hiện đại, bên cạnh thị trường hữu hình còn có thị trường vô hình với những quan hệ đan xen, phức tạp. Thuật ngữ thị trường hiện nay cũng có nhiều cách hiểu khác nhau như: là một tập hợp những người mua và người bán tác động qua lại lẫn nhau, dẫn đến khả năng trao đổi; là một tập hợp các dàn xếp mà thông qua đó người bán và người mua tiếp xúc với nhau để trao đổi hàng hóa dịch vụ… Tựu chung, các định nghĩa về thị trường đều nhấn mạnh mối quan hệ ràng buộc giữa các yếu tố mua, bán, hàng hóa, giá cả và các yếu tố khác có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với hành vi và quá trình mua bán hàng hóa của người bán và người mua.

Thị trường là một quá trình, ở đó các dòng chảy vật chất và phi vật chất vận động liên tục, hàng hóa được di chuyển từ tay các nhà sản xuất kinh doanh và cuối cùng chúng được chuyển giao quyền sở hữu cho người tiêu dùng, sử dụng. Dưới sự tác động của các quy luật kinh tế khách quan, các quan hệ thị trường trở nên phong phú, đa dạng và phức tạp. Nhằm đáp ứng nhu cầu hàng hóa của xã hội, ngày càng xuất hiện nhiều lực lượng tham gia sản xuất, kinh doanh hàng hóa, quá trình này làm cho giá cả hàng hóa có xu hướng rẻ hơn, chất lượng của hàng hóa lại có xu hướng tăng lên, hàng hóa trên thị trường ngày càng trở nên hấp dẫn với công chúng tiêu dùng.

Ở Việt Nam, chúng ta đã làm rõ các loại thị trường và nhấn mạnh việc phát triển đồng bộ các loại thị trường, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc phát triển đồng bộ thị trường bao gồm phát triển các thị trường hàng hóa dịch vụ, tài chính, vốn, tiền tệ, bất động sản, lao động, khoa học và công nghệ. Thị trường văn hóa là một bộ phận cấu thành của thị trường hàng hóa và dịch vụ nhưng có mối quan hệ mật thiết, chặt chẽ với các thị trường còn lại, đặc biệt là thị trường khoa học và công nghệ, được coi là bệ đỡ công nghệ cho những sáng tạo và thăng hoa trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Tóm lại, bất kể là loại thị trường nào cũng bao gồm các yếu tố cấu thành: người mua, người bán, hàng hóa, giá cả và cạnh tranh.

Người mua bao gồm những khách hàng đã, đang và sẽ có nhu cầu về loại hàng hóa nhất định và có khả năng thanh toán. Trong những không gian và thời gian khác nhau, phụ thuộc vào từng nhóm khách hàng, họ có những đòi hỏi và thỏa mãn nhu cầu ở các mức độ khác nhau. Điều đó phụ thuộc vào khả năng, trình độ, môi trường và điều kiện sống của khách hàng. Khách hàng có thể là người mua trung gian (các đại lý, nhà bán buôn, nhà bán lẻ) hoặc người mua cuối cùng (người tiêu dùng, sử dụng).

 Người bán còn gọi là nhà cung cấp, nhà phân phối hàng hóa ra thị trường. Họ vừa là người bán nhưng cũng có thể là người mua với vai trò trung gian trên thị trường. Nhà cung cấp hàng hóa có thể là nhà sản xuất, nhà bán buôn, bán lẻ hoặc là nhà nhập khẩu hàng hóa.

 Hàng hóa – đối tượng trao đổi giữa người bán và người mua, là yếu tố trực tiếp làm nảy sinh nhu cầu và mối quan hệ giữa người bán và người có nhu cầu tiêu dùng hàng hóa.

 Giá cả là biểu hiện tiền tệ của giá trị hàng hóa, phân biệt lượng giá trị giữa các loại hàng hóa khác nhau. Thông thường một loại hàng hóa có giá trị lớn, giá của chúng sẽ cao và ngược lại. Trên thị trường, thông thường giá hàng hóa thấp thì cầu hàng hóa cao, sức mua lớn, cung hàng hóa giảm và ngược lại, khi giá tăng, cầu hàng hóa sẽ giảm và cung hàng hóa tăng lên. Các nhà sản xuất kinh doanh trên thị trường thường sử dụng một trong những vũ khí cạnh tranh hiệu quả chính là giá bán của hàng hóa.

 Trong nền kinh tế thị trường đa thành phần, đa sở hữu, cạnh tranh sản xuất, kinh doanh là một quy luật tất yếu khách quan. Cạnh tranh vừa là động lực, vừa là mục tiêu và là vũ khí lợi hại đảm bảo sự phát triển lâu dài của các doanh nghiệp trên thị trường. Cạnh tranh tạo ra sự sôi động của thị trường, làm cho các thành phần, lực lượng tham gia thị trường phát triển, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh đáp ứng tốt nhu cầu hàng hóa dịch vụ cho xã hội.

2. Thị trường văn hóa

Thị trường văn hóa là quá trình, trong đó một bên là các nhà cung cấp phân phối, một bên là công chúng thực hiện việc trao đổi, mua bán một hay nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa bằng những cách thức khác nhau để xác định giá cả, số lượng, phương thức thanh toán và phương thức thụ hưởng phù hợp.

Như vậy, thị trường văn hóa không đơn giản chỉ là nơi diễn ra các quan hệ mua bán, trao đổi sản phẩm và dịch vụ văn hóa mà là một quá trình tương tác phức tạp giữa một bên là các nhà cung cấp, phân phối, một bên là người thụ hưởng sản phẩm và dịch vụ văn hóa.

Thị trường văn hóa bao gồm các thành phần chính: người sáng tạo, sản xuất văn hóa, người tiêu dùng, thụ hưởng văn hóa. Như vậy, hoạt động sáng tạo, sản xuất văn hóa không còn là hoạt động cá nhân thuần túy của người nghệ sĩ mà được nối liền với toàn bộ xã hội qua trung gian thị trường. Các sản phẩm văn hóa hiện nay được sản xuất công nghiệp với một quy trình khép kín từ đầu vào đến khâu tiêu thụ, tiêu dùng trong xã hội. Hàm lượng kỹ thuật và công nghệ cao ngày càng gia tăng và thấm đẫm trong từng yếu tố của các loại hình sản phẩm dịch vụ văn hóa, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của con người trong xã hội hiện đại.

Tùy theo nhu cầu và khả năng thanh toán của người thụ hưởng, các nhà sản xuất sẽ tạo ra những phương thức thỏa mãn tiện ích. Người tiêu dùng, thụ hưởng có thể thỏa mãn nhu cầu bằng cách sử dụng các dịch vụ văn hóa công cộng hoặc thưởng thức, thụ hưởng tại nhà; hoặc có nhiều phương thức khác để thỏa mãn nhu cầu cá nhân và tập thể như: đăng ký dịch vụ dùng thử hàng hóa; đăng ký mua hàng qua mạng, qua điện thoại; sử dụng dịch vụ tư vấn miễn phí trước khi mua hàng…

Khác với các loại thị trường khác, thị trường văn hóa mang tính đặc thù. Các sản phẩm và dịch vụ văn hóa là loại hàng hóa đặc biệt, khi sản xuất lưu thông chúng không thể tính toán, đo lường giá trị, hạch toán lỗ lãi. Giá trị sử dụng của hàng hóa văn hóa thường lớn hơn giá trị nhiều lần và chúng có sức lan tỏa trong không gian, theo thời gian. Khi tiêu dùng, thụ hưởng hàng hóa văn hóa đòi hỏi người thưởng thức phải có sự trải nghiệm sống nhất định… Có những sản phẩm và dịch vụ văn hóa được định giá cao trên thị trường và cùng với thời gian, giá trị này có thể còn tăng lên nhiều lần. Các sản phẩm và dịch vụ văn hóa không chỉ thể hiện giá trị vật chất mà còn bao gồm cả các giá trị tinh thần, tri thức, tình cảm, khả năng thẩm mỹ, sức sáng tạo của một dân tộc. Chính nhờ những giá trị văn hóa ẩn dấu bên trong các sản phẩm và dịch vụ văn hóa cụ thể mà nhiều sản phẩm văn hóa cùng với thời gian ngày càng trở nên giá trị hơn. Bản thân hàng hóa văn hóa chứa đựng nhiều ẩn số thông điệp và giá trị của cuộc sống, mang tính thông tin truyền thông.

Động cơ mua bán sản phẩm và dịch vụ văn hóa, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần cũng không chỉ đơn giản xuất phát từ mong muốn, đòi hỏi của cá nhân mà chúng chịu sự chi phối và tác động mạnh mẽ bởi các yếu tố kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của quốc gia. Việc sản xuất và lưu thông sản phẩm, dịch vụ văn hóa trên thị trường, ngay cả việc tiêu dùng sử dụng của công chúng cũng chịu sự định hướng của Nhà nước. Sản phẩm dịch vụ văn hóa là loại hàng hóa đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần trong xã hội. Trên thị trường, nhiều sản phẩm dịch vụ văn hóa được điều tiết theo giá cả thị trường, giá trị hàng hóa lớn thì giá của chúng cao và ngược lại. Tuy nhiên có không ít các sản phẩm dịch vụ văn hóa trên thị trường có giá trị lớn nhưng không phải là sản phẩm dịch vụ để bán, Nhà nước sử dụng chúng cho mục tiêu đáp ứng nhu cầu hưởng thụ công cộng.

Quá trình mua bán sản phẩm và dịch vụ văn hóa trên thị trường diễn ra lâu dài và phức tạp, bởi hàng hóa văn hóa đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần – loại nhu cầu hình thành sau nhu cầu vật chất. Khi xem xét thị trường văn hóa cần nhìn nhận đầy đủ các thành tố cũng như các mối quan hệ hữu cơ, tương tác giữa chúng. Các thành tố của thị trường văn hóa, bản thân chúng đi theo một chu trình phát triển nội tại: xuất phát từ nhu cầu sản phẩm, dịch vụ văn hóa của xã hội dẫn đến sự tham gia của các lực lượng sản xuất cung cấp trong và ngoài nước, sản phẩm và dịch vụ văn hóa được sản xuất và đưa ra thị trường với các mức giá khác nhau, sự cạnh tranh diễn ra trên nhiều phương diện.

3. Đặc trưng của thị trường văn hóa

Thị trường văn hóa là dạng thị trường đặc thù, bởi thị trường đó lưu thông, phân phối, trao đổi loại hàng hóa thuộc lĩnh vực văn hóa tư tưởng. Đối với một loại sản phẩm và dịch vụ văn hóa cụ thể, không phải bất cứ đối tượng nào, ở trình độ nào cũng có thể tiêu dùng sử dụng. Người sử dụng sản phẩm dịch vụ văn hóa phải có trình độ nhận thức và trải nghiệm nhất định. Do đó, quá trình xuất hiện nhu cầu mua, hưởng thụ sản phẩm và dịch vụ văn hóa cũng diễn ra lâu dài và phức tạp hơn so với nhu cầu mua tiêu dùng các hàng hóa thông thường khác.

Tính đặc thù của thị trường văn hóa thể hiện ở chính những đặc trưng của nó trong các quan hệ cung cầu, giá cả và cạnh tranh trên thị trường.

Đặc trưng về quan hệ cung cầu

Cầu về sản phẩm dịch vụ văn hóa: cầu hàng hóa được hình thành từ nhu cầu hàng hóa, song nhu cầu đó phải có hai điều kiện cơ bản người có nhu cầu về hàng hóa và nhu cầu có khả năng thanh toán. Thiếu một trong hai điều kiện trên, nhu cầu không thể trở thành cầu.

Đối với sản phẩm và dịch vụ văn hóa, khi lưu thông trên thị trường phải tuân theo các quy luật kinh tế. Mặt khác, sản phẩm, dịch vụ văn hóa là sản phẩm tinh thần thuộc lĩnh vực văn hóa tư tưởng nên chịu sự điều tiết bởi định hướng tiêu dùng văn hóa của quốc gia. Để nhu cầu trở thành cầu phải trải qua quá trình tuyên truyền, vận động của người bán đối với người mua, người mua phải có một trình độ, năng lực thẩm mỹ nhất định. Vì vậy, nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ văn hóa còn gắn liền với trình độ dân trí và học vấn của xã hội cũng như các điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, trong thực tiễn, hành vi mua, hưởng thụ các sản phẩm và dịch vụ văn hóa của xã hội hiện nay còn bị phụ thuộc chủ yếu vào khả năng thu nhập cá nhân.

Cung về sản phẩm dịch vụ văn hóa: cung là số lượng hàng hóa dịch vụ mà người bán có khả năng và sẵn sàng bán ở các mức giá khác nhau trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên, cung sản phẩm và dịch vụ văn hóa không hoàn toàn tuân theo quy luật chung. Sản phẩm và dịch vụ văn hóa không đơn giản chỉ là công cụ, phương tiện học tập và giải trí của con người mà chúng còn là vũ khí đấu tranh sắc bén của một giai cấp hay một quốc gia. Do vậy, cung không chỉ đáp ứng cầu sản phẩm và dịch vụ văn hóa trên thị trường mà còn phải định hướng nhu cầu văn hóa của xã hội. Cũng như vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm và dịch vụ văn hóa ngày nay không chỉ đáp ứng những nhu cầu thị trường cần mà phải có khả năng đáp ứng những nhu cầu theo định hướng quốc gia. Nhiều sản phẩm và dịch vụ văn hóa có cầu, thậm chí sức mua lớn, lợi nhuận cao nhưng không có cung (không được phép sản xuất cung cấp trên thị trường). Ngược lại, không ít những sản phẩm và dịch vụ văn hóa có sức mua thấp, thậm chí không có nhu cầu vẫn có cung hoặc cung lớn thực hiện đáp ứng và cung cấp sản phẩm và dịch vụ văn hóa cho xã hội.

Đặc trưng về quan hệ giá cả

Giá sản phẩm và dịch vụ văn hóa là giá cả thị trường, chịu tác động của nhiều nhân tố như quy luật cung cầu, cạnh tranh… Sản phẩm, dịch vụ văn hóa là hàng hóa đặc thù, về mặt lý thuyết, giá của chúng được tính bằng lao động sáng tạo của tác giả và chi phí của toàn bộ quá trình sản xuất, lưu thông. Song lao động sáng tạo ra sản phẩm, dịch vụ văn hóa là lao động đặc biệt, rất khó để lượng hóa một cách chính xác. Một sản phẩm hoặc dịch vụ văn hóa có thể đến được với công chúng phải trải qua một quá trình sáng tạo lâu dài. Quãng thời gian hao phí lao động sáng tạo ra sản phẩm và dịch vụ văn hóa là rất lớn, không thể tính hết vào giá thành sản phẩm như các hàng hóa thông thường khác. Vì vậy giữa giá cả và giá trị của sản phẩm, dịch vụ văn hóa thường không đồng nhất và có những khác biệt với giá cả các hàng hóa thông thường.

Hiện nay, trên thị trường có nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa có mức giá khác nhau, không tuân theo quy luật giá trị. Có loại sản phẩm và dịch vụ văn hóa giá trị sử dụng rất lớn, nhưng giá bán thấp, có thể thấp hơn giá thành sản phẩm. Sự chênh lệch này hiện được Nhà nước bù đắp bằng chính sách trợ giá, trợ cước phí cho một số mặt hàng. Một số chương trình nghệ thuật đặc sắc, một số loại sách quý hiếm, giá trị lớn cần phổ biến rộng rãi. Các mảng sản phẩm và dịch vụ văn hóa còn lại, được bán theo giá cả thị trường, do sự điều tiết của quy luật thị trường.

Đặc trưng về cạnh tranh

Cạnh tranh là bản chất vốn có của thị trường, là sự tìm kiếm lợi ích từ lợi thế hàng hóa, thị trường, khách hàng giữa các lực lượng cung cấp, phân phối sản phẩm dịch văn hóa thông qua giá cả và các dịch vụ bán hàng. Tuy nhiên, đối với thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa, ảnh hưởng của cạnh tranh không chỉ là sự tác động tích cực hay tiêu cực về kinh tế đơn thuần, mà có thể tác động đến an ninh, chính trị, đạo đức, kỷ cương xã hội.

Sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường giữa các tổ chức doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa, sẽ có ảnh hưởng lớn đến xã hội, đặc biệt là nhận thức, lối sống, lý tưởng của giới trẻ hiện nay. Các loại văn hóa phẩm ngoài luồng, thiếu lành mạnh, độc hại nếu không được kiểm soát chặt chẽ, lưu thông phổ biến ngoài thị trường với giá rẻ là một đe dọa lớn đối với sự nghiệp văn hóa và giáo dục của nước ta. Điều này cho thấy vai trò quản lý của Nhà nước đối với thị trường văn hóa là rất lớn trong việc định hướng sản xuất kinh doanh và thỏa mãn nhu cầu văn hóa tinh thần của công chúng, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của xã hội.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 400, tháng 10 – 2017

Tác giả : ĐỖ THỊ QUYÊN

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *