THOÁT KHỎI CÁI TÔI HƯỚNG TỚI CÁI CHUNG NHÂN LOẠI


LTS: Thượng tọa Thích Chân Quang là tác giả của hơn 60 ca khúc với nhiều đề tài đa dạng và phong phú, trong đó có tuyển tập Những điều thiêng liêng được Nxb Âm nhạc ấn hành. Vừa qua, ca khúc Nhớ Người của Thượng Tọa được đánh giá là tác phẩm thành công nhất trong đợt vận động sáng tác về đề tài Bác Hồ do Hội âm nhạc TP.HCM tổ chức. Nhiều ca khúc của Thượng tọa đã được trình diễn tại các chương trình ca nhạc trong cả nước, được giới thiệu trên Đài tiếng nói nhân dân TP.HCM, Đài tiếng nói Việt Nam và Đài truyền hình Việt Nam. Thượng tọa Thích Chân Quang đã có cuộc trò chuyện cùng PV Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật.

 

 

 

PV: Kính thưa Thượng tọa Thích Chân Quang, vào dịp Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm ngoái tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, khán giả yêu nhạc đã được thưởng thức ca khúc Vesak thiêng liêng của Thượng tọa. Được biết, Thượng tọa không chỉ sáng tác ca khúc về đề tài Phật giáo mà còn sáng tác nhiều ca khúc về tình yêu quê hương đất nước, về tâm tư tình cảm sâu lắng của con người từ mối quan tâm đến những người chiến sĩ ngoài hải đảo hay niềm đau thương trăn trở của những người dân bình dị nhất. Tất cả đều hướng tới cái đẹp, hướng tới sự thanh cao thánh thiện. Đó là điều thật quý giá, trong khi dòng nhạc thị trường hiện nay có nhiều ca khúc làm hỏng thẩm mỹ của công chúng. Một số nhạc sĩ chỉ hướng tới những đề tài về tình cảm riêng tư não nề, ủy mị làm bải hoải tâm hồn. Xin Thượng tọa cho biết, ý tưởng nào đã thôi thúc Thượng tọa sáng tác nên những ca khúc mang tính chất thanh cao, thánh thiện như vậy?

TT.TCQ: Dạ thưa, là người tu hành trong đạo Phật, chúng tôi luôn đặt nặng vấn đề giáo dục đạo đức cho nhân quần, vậy nên chúng tôi mong muốn sáng tác nên những bản nhạc tải được nội dung giáo dục đạo đức. Tuy nhiên, việc giáo dục đạo đức thông qua âm nhạc lại mang thẩm mỹ rất cao, vì vậy chúng ta không thể nói về đạo đức như một bài thuyết giáo nghiêm túc được mà lồng vào trong bản nhạc những âm điệu, tiết tấu diễn tả tình cảm tự nhiên của con người đối với mọi điều, mọi loài. Nhưng khi người nghe có được cảm xúc và sự cảm thông, thì dường như họ đã được thuyết phục, được cảm hóa từ lúc nào không biết, đó chính là tác dụng của âm nhạc.

 

PV: Thưa Thượng tọa, khán giả yêu âm nhạc cả nước đều có chung nhận xét: dòng nhạc thị trường hiện nay lại thiên về biểu hiện chủ đề cái tôi mãnh liệt mang màu sắc cá nhân, chứ không phải biểu hiện cái tôi sáng tạo của người nghệ sĩ. Do đó sinh ra những luồng nhạc nói về những tình cảm tiêu cực, phiền muộn đưa con người đến bờ vực thẳm. Trong khi đó, công chúng nhận thấy rằng, nhiều sáng tác của Thượng tọa thiên về biểu hiện những vấn đề chung của nhân loại, quê hương đất nước và của con người. Có lẽ sự biểu hiện đó đã khiến cho mỗi khán giả cảm nhận được sâu sắc những vấn đề chung ấy như niềm trăn trở của chính mình, mỗi ca khúc của Thượng tọa như nói lên tâm tư tình cảm của mỗi chúng ta. Vậy bí quyết nào giúp Thượng tọa đạt được những thành công đó?

TT.TCQ: Chúng tôi không sáng tạo cho mình, không nhằm mục đích chứng tỏ mình. Khi chúng tôi viết nhạc, thả từng nốt nhạc – lời ca vào bài, chúng tôi hướng tới mục đích làm sao cho người nghe cảm thấy hay, thấy thích để có thể cảm nhận được thẩm mỹ của âm điệu, của tiết tấu và “nuốt” được những lời nhạc mang đầy đạo lý.

Việc cảm nhận được rằng người nghe thấy hay đó là một bí mật của nghệ thuật, không có một ngôn ngữ nào định nghĩa được. Bí mật của người sáng tác có thể ví như bí mật của trời đất. Chúng tôi cũng cố gắng thoát ra khỏi chính mình, thoát ra khỏi cái tôi, khỏi chủ thuyết, tập quán, truyền thống, khuynh hướng và thói quen để đạt tới cái hay chung nhất của mọi người, mọi loài. Làm sao để đạt được tới cái hay chung nhất luôn luôn là điều bí ẩn mà mỗi người nghệ sĩ đều phải cố gắng vươn tới. Nếu ai không vươn tới mục đích đó sẽ bị đi lạc, sẽ quay trở về phục vụ cho bản ngã, cho chủ thuyết và khuynh hướng riêng. Còn cái đẹp, cái hay tuyệt đỉnh của nghệ thuật đều có điểm chung. Cái chung đó phổ quát, thậm chí chúng ta có thể tin rằng, khúc nhạc mà con người thấy hay, thì con chim, con cá cũng có thể thấy hay. Mục tiêu của người nghệ sĩ chính là nhằm đạt được điều đó.

 

PV: Vâng, nhưng để đạt được thành công đó là điều không phải dễ dàng. Nhiều nhạc sĩ đã phấn đấu cả cuộc đời cũng không đạt được sự biểu hiện những vấn đề chung của nhân loại một cách tự nhiên, bởi tác phẩm âm nhạc được coi là thành công nhất khi nó biểu hiện một cách tự nhiên nhất hơi thở của đất trời. Nghe nhạc của Thượng Tọa, chúng tôi có cảm xúc rằng, Thượng tọa biểu hiện nhưng tâm tư tình cảm nhiều khi vui mà không quá xáo động, buồn nhưng không quá lặng thầm, âm nhạc vẫn cứ duyên dáng mà thanh cao thánh thiện. Có thể gọi đó là nhạc thiền được không?

TT.TCQ: Dạ thưa, là người tu hành trong đạo Phật nên chúng tôi phải ngồi thiền. Khi ngồi thiền chúng tôi luôn luôn phải kiểm soát tình cảm, tâm hồn của mình, phải giữ tâm mình thanh tịnh, thương yêu mọi người, mọi loài mà không thành những tình cảm bi lụy. Đó là niềm hạnh phúc mà không phải là những cảm xúc sôi động. Dường như tính chất đó cũng được biểu hiện vào trong các sáng tác của chúng tôi. Để tải được những đạo đức mình muốn nói, chính mình phải thực hành. Một khi mình thực hành tu tập, quên mình để thương yêu được mọi người, mọi loài, vô tình nhưng điều đó cũng đi vào trong bút pháp sáng tác của mình.

 

PV: Có lẽ cũng chính vì thế mà các ca khác của Thượng tọa được giới chuyên môn đánh giá cao. Có nhiều nhạc sĩ chuyên nghiệp vô cùng ngưỡng mộ và thán phục những thành công của Thượng tọa. Trong số đó có Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng – giảng viên Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam, người đã phối hòa âm nhiều ca khúc của Thượng tọa bằng phần đệm của dàn nhạc giao hưởng. Khi nghe các ca khúc của Thượng tọa, chúng tôi nhận thấy rằng những tác phẩm đó được viết nên bởi sự đào sâu kiến thức chuyên môn. Có những bài rất đặc biệt như Ngồi thiền trên biển viết ở hình thức phiên khúc, mà hình thức này chỉ có những nhạc sĩ chuyên nghiệp với kiến thức chuyên sâu mới có thể sáng tác thành thạo được. Hoặc như ca khúc Con về với núi sông, đi đôi với những giai điệu mạng đậm hơi thở của dân ca miền Trung, mà phần ca từ lại tạo nên một bài thơ hoàn chỉnh tuân thủ nghiêm ngặt luật thơ – mặc dù không phải Thượng tọa phổ nhạc trên bài thơ có sẵn của mình. Vậy, xin Thượng tọa cho biết cơ duyên nào đã giúp Thượng tọa sáng tác được những ca khúc như vậy?

TT.TCQ: Dạ thưa, chúng tôi nhận thấy có hai điều. Thứ nhất, mình phải biết tấu nhạc từ nhỏ, phải đánh lên những bản nhạc hay của các nhạc sĩ đi trước, phải cảm nhận để cái hay của các bản nhạc đó thấm sâu vào lòng mình. Phải cảm nhận đến mức độ thấy được hiệu quả sự thay đổi của các quãng âm thanh trong từng trường hợp một cách sâu sắc. Điều thứ hai, chúng tôi không cho phép lặp lại chính mình. Dĩ nhiên không được phép sáng tác trùng lặp, vì đó là sự xúc phạm tương tự như “ăn cắp” nhạc vậy. Tuy nhiên, sự ngưỡng mộ, khâm phục, biết ơn và kính trọng đối với các nhạc sĩ đi trước, nếu nói theo đạo Phật, tạo thành nhân quả. Điều đó có nghĩa là ta kính trọng ai điều gì ta sẽ đạt được điều đó. Ta tôn trọng các nhạc sĩ đi trước, một ngày nào đó ta cũng sẽ có những khúc nhạc được mọi người yêu mến.

 

PV: Thưa Thượng tọa, trong lịch sử âm nhạc, nhiều tác phẩm đuợc đánh giá cao là những tác phẩm biểu hiện tình cảm rất thực của con người như tình yêu đôi lứa. Tất nhiên, chúng tôi muốn nói đến ở đây không phải là những bản nhạc sến mang phong cách bi lụy mà là những bản nhạc thanh cao thánh thiện về tình yêu. Vậy Thượng tọa có suy nghĩ gì về điều này?

TT.TCQ: Tình yêu đôi lứa thuộc loại bản năng mãnh liệt của con người. Khi đến tuổi lớn sự hấp dẫn giữa nam và nữ là một bản năng tự nhiên. Chính vì bản năng nên người ta thường nghĩ rằng tình cảm đó rất mãnh liệt. Điều đó thúc đẩy các nhạc sĩ viết nên nhiều tác phẩm, và người nghe cũng có sự đồng cảm. Họ cảm thấy những ca khúc viết về tình yêu đôi lứa dường như cũng là tâm trạng của mình. Nhưng nhìn trên quan điểm của chúng tôi, có nhiều nhiều tình cảm khác cao đẹp hơn. Những tình cảm mạnh mẽ đó thoát ra khỏi bản năng, chúng ta cần phải khai thác, phải kêu gọi mọi người hướng tới để bớt đi những tình cảm riêng tư vốn quá ích kỷ, đôi khi trở thành bi lụy và “đời thường” quá! Vậy nên khi sáng tác, chúng tôi thường tránh hẳn đề tài về tình cảm riêng tư, mà hướng tới xây dựng đề tài về những tình cảm cao thượng khác. Vừa rồi chúng tôi có sáng tác ca khúc Nghĩ về người chiến sĩ đảo xa. Đọc trên báo chí, chúng tôi thấy ở đảo Trường Sa, có những chiến sĩ đêm ngày canh giữ từng mỏm đá, chung quanh là sóng vỗ, bão bùng, thiếu cả nước uống… nhưng đồng bào sống trong đất liền có hiểu được điều đó hay chăng? Với tình cảm thương yêu sâu sắc đối với các chiến sĩ, chúng tôi đã viết nên bản nhạc và mong mọi người cùng chia sẻ tình thương yêu của mình đối với những người chiến sĩ đảo xa như vậy.

 

PV: Trong kho tàng lịch sử âm nhạc, có không ít tác phẩm của các nhà soạn nhạc vĩ đại như Mozart, Beethoven, của các nhà soạn nhạc trường phái âm nhạc lãng mạn… đã đề cập tới tình yêu đôi lứa, nhưng đó là những tình cảm cao cả hướng tới sự thanh cao và phục vụ cho điều thiện. Thượng tọa nghĩ sao về điều đó?

TT.TCQ: Theo chúng tôi thì, người nhạc sĩ viết nên những tình cảm đó, thực ra trong tâm hồn của họ có hai điều. Một là có tình cảm riêng tư, hai là có bản chất của sự cao cả. Cả hai cộng lại đi vào trong tác phẩm và tạo nên những bản nhạc thanh cao thánh thiện. Nếu chỉ có tình cảm riêng tư, đảm bảo không thể có được những tác phẩm thánh thiện. Cho dù họ có gạt bỏ tình yêu đôi lứa sang một bên thì sự thật họ vẫn còn bản chất thanh cao thánh thiện, chắc chắn rằng những nhà soạn nhạc ấy cũng vẫn có thể sáng tạo được nên những tác phẩm cao cả vĩ đại.

 

PV: Vâng, chúng tôi cũng tin là như vậy. Đúng như những lời tâm huyết của Thượng tọa, bao trùm lên các ca khúc của Thượng tọa là lòng từ bị, tình yêu thương con người. Chúng tôi chợt nhớ đến lời nói của một nhà văn hóa lớn: “Không có thứ nghệ thuật nào sánh bằng tình yêu thương con người”, vậy Thượng tọa có lời nhắn nhủ gì với thính giả yêu âm nhạc cả nước và những người hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp?

TT.TCQ: Dạ vâng, theo lời nói đó, chúng tôi muốn gửi đến những người yêu âm nhạc, sáng tác âm nhạc, làm công tác về nghệ thuật âm nhạc, xin tất cả chúng ta hãy cùng nhau yêu thương con người, cùng chung tay sáng tạo nên những tác phẩm nói về tình yêu thương con người để ngăn chặn chiến tranh, vượt qua những hận thù ganh ghét đã gây nên bao giết chóc, tang thương, bao đổ vỡ cho thế giới từ xưa đến nay. Chúng ta hãy chung tay xây đắp nên một kỷ nguyên mới, một thời đại mới cho thế giới này, nơi con người sẽ thương yêu và sống hòa bình hạnh phúc bên nhau.

 

PV: Và đó có phải là chủ đề của đêm nhạc Small World – Thế giới nhỏ bé mà Thượng tọa đã tỏ chức rất thành công tại Bà Rịa – Vũng Tàu với số lượng khán giả thưởng thức lên tới hơn mười ngàn người không ạ?

TT.TCQ: Dạ vâng. Chúng tôi viết ca khúc Thế giới nhỏ bé cũng như vậy. Ngày nay con người ta rất gần với nhau, mọi phương tiện đi lại thuận lợi, kỹ thuật thông tin liên lạc dễ dàng, chiến tranh ở nước này đều ảnh hưởng tới nước khác. Một án mạng ở nước nào đó ta nghe bên này cũng đau lòng. Một hỏa hoạn, bão lụt tàn phá thành phố ở một nước xa xôi nào đó nhưng ta cũng rất chua xót. Thế giới ngày nay là anh là em thực sự, ta không được quên điền đó. Và ta phải làm rất nhiều điều để hành tinh này trở nên hòa bình, hạnh phúc và yên vui.

 

PV: Vâng, đó cũng chính là tâm nguyện của mỗi con người chân chính. Chúng rôi rất cảm phục được biết rằng, Thượng tọa cũng là nghệ sĩ từng hát những ca khúc của mình trong một số album và đã được phát sóng trên Đài tiếng nói nhân dân TP.HCM. Có phải trong tương lai, Thượng tọa dự định tổ chức những chương trình hòa nhạc với nhiều chủ đề mới, mục đích là mang âm nhạc chân chính, thánh thiện đến với công chúng yêu âm nhạc cả nước?

 

TT.TCQ: Dạ thưa, đó cũng là tùy duyên. Khi ta viết một bản nhạc, ta không viết cho mình mà viết cho mọi người. Còn khi ta chỉ muốn viết nhạc mà không vì mọi người – chắc chắn lúc đó là vì cái tôi của ta và dễ thất bại. Khi ta muốn nói lên điều gì đó với con người, tứ nhạc sẽ đến rất tự nhiên. Ta cứ để những vấn đề của cuộc sống thôi thúc ta, chắc chắn ta sẽ làm được điều có ích.

            PV: Chúng tôi nghĩ, chắc chắn Thượng tọa sẽ rất thành công bởi như nhà soạn nhạc thiên tài Rachmaninov đã từng nói “Tất cả những gì xuất phát từ trái tim sẽ đến được với trái tim”. Thay mặt khán giả yêu âm nhạc cả nước, chúng tôi xin kính chúc Thượng tọa dồi dào sức khỏe, ngày càng sáng tác được những tác phẩm có giá trị, qua đó khán giả có thể cảm nhận được tình yêu thương con người bao la để tu dưỡng tâm hồn mình nhằm hướng tới một tương lai tốt đẹp. Xin trân trọng cảm ơn!


Nguồn : Tạp chí VHNT số 302, tháng 8-2009

Tác giả : Cù Lệ Duyên

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *